Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ

MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài
Trong dòng chảy mạnh mẽ của thơ Việt Nam hiện đại, tiếp bước các nhà Thơ Mới (1932 - 1945) và các nhà thơ thế hệ chống Pháp (1945 - 1954), các nhà thơ xuất hiện và trưởng thành trong những năm chống Mỹ cứu nước vừa đông đảo, vừa giàu tài năng, cá tính sáng tạo, sớm khẳng định vị trí của mình, thực sự đã làm nên một thế hệ nhà thơ trẻ - thế hệ nhà thơ chống Mỹ. Có thể tự hào mà nói rằng, thế hệ nhà thơ này, với những tên tuổi như Lê Anh Xuân, Bằng Việt, Bùi Minh Quốc, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo... đã góp phần xứng đáng làm nên những thành tựu rực rỡ của “thời đại thơ ca chống Mỹ”, đánh dấu một bước phát triển trong tiến trình phát triển của thơ hiện đại Việt Nam.

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ ấy. Ra đi chỉ vừa lúc tròn bốn mươi tuổi đời, nhưng anh đã để lại một sự nghiệp sáng tác khá phong phú gồm nhiều thể loại. Riêng về đầu sách đã xuất bản Lưu Quang Vũ đã có 4 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 1 cuốn Di cảo thơ, 46 vở kịch dài, 9 vở kịch ngắn và một số tác phẩm thơ chưa in như Cuốn sách xếp lầm trangCỏ tóc tiên... Nhiều người đã nói đến đóng góp của Lưu Quang Vũ vào nền văn học kịch Việt Nam qua những vở kịch nổi tiếng (như: Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Hồn Trương Ba - Da hàng thịt…) đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý nhất về Văn học và Nghệ thuật của nước ta.

Tuy nhiên, sinh thời Lưu Quang Vũ vẫn hằng nói “những cảm xúc và động lực khiến tôi làm thơ cũng là những cảm xúc và động lực khiến tôi viết kịch, kịch viết ra để diễn cho mọi người, thơ viết ra cho riêng mình”. Vì vậy, tìm hiểu “Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ”, một mảng sự nghiệp còn dang dở nhưng mang rất nhiều tâm huyết của nhà thơ chính là dịp để hiểu sâu sắc hơn phần sâu lắng nhất trong tâm hồn, tình cảm, bản lĩnh và tài năng của một ngọn bút; đồng thời với việc nhận diện cái tôi trữ tình thi sĩ còn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của chân dung tâm hồn một thế hệ trong những năm tháng đầy thử thách của đất nước và dân tộc trước nghèo đói, lạc hậu và giặc ngoại xâm.

2. Lịch sử vấn đề

Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ tài năng mà cuộc đời lao động nghệ thuật còn dang dở, nhưng những gì anh để lại cho đời là vô giá. Vì vậy, tác phẩm của anh được giới nghiên cứu phê bình rất quan tâm. Với kịch, Christian Hoche (Pháp) mệnh danh anh là “Môlie của Việt Nam”; còn nhà nghiên cứu Nguyễn Tất Thắng nhận xét : “Sự có mặt của Vũ đã làm mờ đi, thậm chí vơi hẳn đi cả một thế hệ tác giả đã từng ngự trị sân khấu suốt một thời”. Và bên cạnh một Lưu Quang Vũ - “nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”, còn có một Lưu Quang Vũ là “nhà thơ nhân dân, nhà thơ yêu nước”.

Dưới đây chỉ nhắc đến một số bài viết, công trình có đề cập trực tiếp đến thơ Lưu Quang Vũ:
Không kể đến những vần thơ sáng tác từ thuở thiếu thời, ngay từ khi tập thơ Hương Cây - Bếp Lửa in chung với Bằng Việt (1968) ra đời, Lưu Quang Vũ lập tức thu hút sự chú ý của các nhà phê bình danh tiếng. Vương Trí Nhàn khẳng định Lưu Quang Vũ là “một nhà thơ thuộc loại bẩm sinh”, Hoài Thanh một dự cảm tinh tường đã gọi ông là “một cây bút nhiều triển vọng”. Còn nhà phê bình Lê Đình Kỵ thì cho rằng: “Thơ Lưu Quang Vũ có một điệu tâm hồn riêng”.

Sau Hương Cây - Bếp Lửa, Lưu Quang Vũ có Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993) và một số tập thơ Cuốn sách xếp lầm trang, Cỏ tóc tiên....Năm 2008 cuốn Di Cảo nhật kí thơ được ấn hành. Vũ Quần Phương sau khi “Đọc thơ Lưu Quang Vũ” thì đặc biệt chú ý đến giọng thơ Lưu Quang Vũ, khẳng định “đắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ”.
Lưu Quang Vũ thơ và đời do Lưu Khánh Thơ biên soạn được coi là cuốn sách tổng hợp đầy đủ nhất về thơ Lưu Quang Vũ.
Lưu Quang Vũ tài năng và lao động nghệ thuật cũng của Lưu Khánh Thơ chủ biên, xuất bản năm 2000, ra đời nhân dịp Lưu Quang Vũ được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cũng là một công trình rất đáng chú ý.
Cuốn Đối thoại Tình yêu Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, ấn hành năm 2007 lại nhìn ở một góc độ khác. Từ việc tuyển lựa những bài thơ đặc sắc nhất của cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, những bài viết của giới phê bình về thơ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, và cả những bức thư thấm đẫm ân tình của hai người.

Năm 2008, kỉ niệm 20 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh, cuốn Di cảo Nhật kí – thơ của Lưu Quang Vũ đã được Lưu Khánh Thơ biên soạn, công bố một phần lớn tác phẩm, bút tích của anh trong toàn bộ khối lượng Di cảo đồ sộ .Tại cuốn sách này, có một phần lớn thời lượng dành để đăng tải những trang nhật kí của Lưu Quang Vũ của một thời “hoa phượng’’ và những ngày tháng chuẩn bị “lên đường”. Những trang nhật kí khi được đăng tải trên báo Thanh niên đúng dịp những ngày cả nước kỉ niệm 20 năm ngày mất của Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ đã gây nên một hiện tượng đặc biệt, nó vừa gợi lại cả hồi ức một thời kỳ đất nước “đau xót và hi vọng”, lại vừa tạo nên những xúc cảm lắng đọng khi tiếc nhớ về hai con người tài hoa của nền nghệ thuật nước nhà đã ra đi.Cuốn sách cũng đã công bố những bài viết mới nhất về Lưu Quang Vũ trong chủ đề Người trong cõi nhớ, với những trang viết cảm động của Bùi Vũ Minh, Anh Chi, Ngô Thảo.

Trong bài viết “Nhớ về Lưu Quang Vũ - những khoảnh khắc chợt hiện”, Ngô Thảo nhớ lại nhiều kỷ niệm giữa những người đồng nghiệp với nhau, nhưng có một nhận định về tác phẩm Lưu Quang Vũ, bao gồm cả kịch, thơ, văn xuôi rất thú vị có tính bao quát lớn “Hai mươi năm chưa phải là dài, nhưng đất nước và thế giới đã có nhiều biến động về chính trị, xã hội khiến cho nhiều thước đo giá trị đã thay đổi, nhưng nhiều tác phẩm của Lưu Quang Vũ không sợ những thước đo mới mẻ: thấm đượm nhân văn, hướng thiện, đầy tình yêu với cuộc sống, con người đất nước luôn là những giá trị được nghệ thuật tôn trọng”.

Nhìn chung, cũng có thể thấy rằng việc nghiên cứu thơ và phong cách thơ Lưu Quang Vũ mới chỉ dừng lại ở những bài viết riêng lẻ, mang tính chất cảm nhận bước đầu nhiều hơn là những công trình nghiên cứu, mang tính thống kê, phân tích, tổng hợp để làm nổi bật bản sắc riêng biệt của thơ Lưu Quang Vũ. Và dường như chưa có một công trình chuyên biệt nào tìm hiểu hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng
Tìm hiểu, phát hiện đặc điểm nổi bật của hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ chủ yếu qua nhận diện bản sắc cái tôi trữ tình của nhà thơ và nghệ thuật biểu hiện cái tôi trữ tình ấy.

3.2. Phạm vi nghiên cứu
Giới hạn tìm hiểu qua 4 tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Lưu Quang Vũ: Hương cây- Bếp lửa (in chung với Bằng Việt, 1968),Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993), Lưu Quang Vũ- Di cảo (2008). Gần đây Thơ Lưu Quang Vũ đã in thành tuyển tập với tên gọi Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ấn hành, năm 2010.

4. Phương pháp nghiên cứu

4.1. Phương pháp phân tích lịch sử
4.2. Phương pháp tiếp cận hệ thống
4.3. Phương pháp so sánh
Và một số phương pháp bổ trợ khác

5. Đóng góp của luận văn
Trên cơ sở tham khảo, tiếp thu có hệ thống và chọn lọc những kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu đã có về Lưu Quang Vũ, luận văn bước đầu cố gắng đi sâu nhận diện những giá trị đặc sắc của thơ Lưu Quang Vũ qua vẻ đẹp của hình tượng cái tôi trữ tình trong dàn đồng ca của cả nền thơ nước ta vào thời kỳ nửa sau của thế kỷ trước, nhằm khẳng định những đóng góp và vị trí của thơ Lưu Quang Vũ trong nền thơ hiện đại Việt Nam.

6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung của luận văn được cấu trúc ba chương:
Chương 1: Nhìn lại hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam sau 1945.
Chương 2: Nhận diện bản sắc cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ.
Chương 3: Nghệ thuật biểu hiện hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top