Hình tượng Bụt trong tục ngữ, ca dao Việt Nam

Bạch Việt

New member
Xu
69
Hình tượng Bụt trong tục ngữ, ca dao Việt Nam


"Phật - tiếng Phạn là Buddha (âm Hán Việt là Phật Đà, gọi tắt là Phật) nghĩa là bậc giác ngộ viên mãn. Từ tiếng Phạn Buddha, người Việt Nam ngày xưa đọc là Bụt".

1. Nguồn gốc từ Bụt trong dân gian:

Đạo Phật đến nước ta vào đầu Tây lịch khi nhân dân Việt Nam đang sống những tháng ngày nô lệ Bắc thuộc. Người dân Việt Nam lúc bấy giờ chỉ cầu mong một cuộc sống tự do, thanh bình, giải thoát khỏi những gông kiềm ngoại quốc. Trong hoàn cảnh đó Phật giáo đã xuất hiện và mau chóng trở thành chỗ dựa tinh thần cho một dân tộc đang bị mất nước. "Phật giáo lấy lý tính làm chủ đạo, lấy sự giác ngộ để giải thoát, giải cứu"(1) vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi Phật giáo hoà nhập vào tín ngưỡng dân gian, trở thành nơi gởi gắm niềm tin của nhân dân lao động.

"Phật - tiếng Phạn là Buddha (âm Hán Việt là Phật Đà, gọi tắt là Phật) nghĩa là bậc giác ngộ viên mãn. Từ tiếng Phạn Buddha, người Việt Nam ngày xưa đọc là Bụt"(2)

"Chúng ta thấy cái tên đức Chúa hay đức Mẹ truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVI kể đến nay đã hơn 400 năm mà vẫn chưa thể nào quen với tâm lý dân tộc. Trái lại cái tên Bụt, Tiên cũng là mượn của những thứ tôn giáo ngoại lai nhưng đã trở thành truyền thống, vì từ rất xưa, những tôn giáo này đã từng hoá thân vào đời sống dân tộc, chấp nhận những thứ thanh lọc gay gắt, trở thành tôn giáo chung chi phối tâm linh của cộng đồng"(3)

2. Sự chuyển nghĩa từ đức Phật tôn giáo đến ông Bụt dân gian:

Từ khi hòa nhập vào tín ngưỡng dân gian và được dân gian hóa thì hình tượng Bụt trong dân gian không còn nguyên vẹn ý nghĩa là bậc giác ngộ như trong giáo lý đạo Phật. Bụt không còn là một đấng Thích Ca uy nghiêm trầm mặc ngự trên toà sen cao chín bệ ở trong các ngôi chùa nữa. Mà Phật bây giờ đã trở thành Bụt - một ông Phật của dân gian, một vị thần của dân gian, một ông Bụt hiền, Bụt lành đầy quyền năng phép màu nhưng không cao siêu huyền bí mà gần gũi cạnh bên. Bụt trong tâm thức của dân gian là một ông thần Thiện có quyền năng tuyệt đối, có thể nghe thấu được mọi ước vọng, mọi lời cầu xin của người bất hạnh, nghèo khổ. Ông Bụt luôn luôn xuất hiện bên cạnh những người chân thật hiền lành, yếu đuối khi họ bị các thế lực mạnh hơn ức hiếp. Ông Bụt còn là vị quan toà đứng ra giải quyết mọi bất công trong xã hội dân gian xa xưa, trừng trị kẻ ác đem lại thanh bình yên vui cho người nghèo khổ, hiền lành.

Từ một con người của tôn giáo, đức Phật trở thành một con người của dân gian, được dân gian âu yếm gọi bằng một cái tên thân thương, bình dân là "Bụt". Ông Bụt ấy không mặc áo cà sa, không xuống tóc, không ngồi xếp bằng dưới bóng cây bồ đề mà lại xuất hiện trong hình dáng của một ông già râu tóc bạc phơ giống một ông Tiên hơn là một đức Phật.

"Các nhân vật vốn là biểu tượng của tôn giáo như Bụt, Tiên, Ngọc Hoàng ... đều đã được cái nhìn thực tiễn của dân gian - dân tộc nhân cách hoá để trở thành lực lượng cứu tinh đối với mọi người dân cùng khổ.."(4)

Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo nhưng qua nhiều biến động lịch sử và qua sự thanh lọc gay gắt của thời gian, của tâm lý dân tộc thì những tôn giáo còn tồn tại trong tín ngưỡng dân gian không nhiều. Qua lịch sử văn học dân gian ta có thể thấy được Phật giáo chính là tôn giáo phù hợp nhất với tâm lý của nhân dân lao động Việt nam và đã chiếm lĩnh hoàn toàn đời sống tinh thần của họ. Dù được chuyển hoá dưới hình thức nào đi nữa như là một ông Tiên hay một ông Thần thì ta vẫn biết đó chính là đức Phật Thích Ca được nhìn qua con mắt của người dân lao động.

Từ biểu trưng tôn giáo, hình tượng Bụt đi vào dân gian và được thể hiện bằng nhiều hình ảnh đặc sắc trong văn học. Đặc biệt trong tục ngữ, ca dao hình tượng Bụt đã được chuyển hóa với nhiều hàm nghiã phong phú. Tùy theo tính chất đặc trưng cuả từng thể loại, ý nghĩa của hình tượng Bụt được thể hiện khác nhau trong tục ngữ, ca dao.

3. Những xu hướng chung quy định sự hình thành các hàm nghĩa của hình tượng Bụt trong tục ngữ và ca dao:

a. Hình tượng Bụt trong tục ngữ:

Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có ý nghĩa hàm súc do nhân dân lao động sáng tạo nên và lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Mỗi câu tục ngữ thường có hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng (nghĩa đen là nghĩa gốc chỉ ý nghĩa trực tiếp, ý nghĩa ban đầu khi mới hình thành câu tục ngữ. Còn nghĩa bóng là ý nghĩa được lan tỏa, mở rộng qua quá trình lưu truyền trong không gian và thời gian)

Lối nói bằng tục ngữ thường là một lối nói ẩn dụ, hình thức thể hiện súc tích, giàu hình ảnh, do đó có tác dụng truyền cảm và thuyết phục mạnh mẽ, để nói lên những tư tưởng thâm trầm, những khái quát rộng rãi.

Tục ngữ là tấm gương phản ánh, qua lời nói hàng ngày, mọi biểu tượng của đời sống dân tộc và quan niệm của nhân dân về lao động, về các hiện tượng lịch sử xã hội, về đạo đức, về tôn giáo.(5)

Hình tượng Bụt trong tục ngữ thường được thể hiện dưới nhiều lớp nghĩa phong phú, nghĩa đen thường là để chỉ việc thờ cúng Bụt trong tín ngưỡng dân gian, các cúng phẩm như hương, xôi, oản, lộc Bụt... cũng được nhắc đến nhiều lần. Đồng thời cũng có không ít các câu tục ngữ nhắc đến các cơ sở vật chất có liên quan đến tôn giáo như chùa chiền, bệ thờ, đất nặn Bụt, phong cảnh Bụt, áo cà sa, tiền Bụt.... Qua đó nhân dân lao đã thể hiện thái độ tôn kính, sùng bái hay thân mật, gần gũi của mình đối với ông Bụt - đức Phật Thích Ca trong tâm thức dân gian.

Nghĩa bóng của những câu tục ngữ có hình tượng Bụt đa số là dùng để nói đến các phạm trù đạo đức, lối sống, cách cư xử hàng ngày của người dân lao động. Qua hình tựơng Bụt nhân dân thường có ẩn ý khen ngợi những con người hiền lành, sống có nghĩa, có nhân trong xã hội. Đồng thời cũng qua đó mà ám chỉ phê phán những kẻ giả danh tôn giáo làm điều xằng bậy. Sâu xa hơn trong ýnghĩa của những câu tục ngữ này là lời khuyên răn chân thành của cha ông đối với con cháu, hãy nghe theo lời Phật mà làm lành tránh dữ, siêng năng thờ cúng để được đấng thiêng liêng phù hộ độ trì.

b. Hình tượng Bụt trong ca dao :

Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán Việt. Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời của các bài hát dân ca dã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy....hoặc ngược lại, là những câu thơ có thể "bẻ" thành những làn điệu dân ca. Ca dao - dân ca dù được biểu hiện dưới hình thức nào đi nữa cũng đều tập trung phản ánh một cái tôi trữ tình tập thể: tâm hồn nhân dân lao động, tâm hồn dân tộc Việt Nam(6)

Hình tượng ông Bụt trong ca dao không được thể hiện tập trung như là trong tục ngữ. Đa số nội dung của các câu ca dao thường là mượn hình tượng Bụt hoặc những vấn đề có liên quan đến Bụt để nói đến một nội dung, ý nghĩa khác nhiều khi chẳng ăn nhập gì với hình tượng Bụt đã dùng trong câu mở đầu. Hình tượng Bụt đôi khi chỉ là một cái cớ để dân gian triển khai một ý đồ khác.

Cũng như vậy, ở một số bài ca dao hay đồng dao có dung lượng cỡ từ 10 câu trở lên dù có nhắc đến hình tượng Bụt cũng không chứa đựng một ý nghĩa đặc biệt gì về Bụt mà chỉ là "nhân tiện" nhắc đến Bụt cùng với các sự vật khác. Vì thế ở những câu ca dao này hoàn toàn không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà cũng chẳng phải là thể hiện ý nghĩa của tín ngưỡng dân gian .

Ở những câu ca dao tập trung vào hình tượng Bụt thì thường gắn liền với các hình thức thờ cúng, nhắc đến ngày rằm hàng tháng hay các ngày lễ lớn hàng năm của đạo Phật. Có nhiều câu miêu tả kiến trúc chùa chiền, các đạo cụ dùng trong nghi lễ như mõ, chuông .. và tất nhiên cũng không quên nhắc đến những người tu hành theo đạo Phật như sư, vãi...

Một đều đáng lưu ý hơn nữa là có một bộ phận các câu ca dao sử dụng lại tục ngữ có hình tượng Bụt trong nội dung của mình. Vì thế khi đi vào phân tích ý nghĩa của các câu ca dao này ta lại dễ dàng bắt gặp ý nghĩa của những câu tục ngữ đã được phân tích ở trên.

Sưu tầm

 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top