• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Hiệu trưởng xin hưu, giáo dục quá già

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Xét cho cùng, sản phẩm Giáo dục hư, hay hỏng vẫn là chuyện tại anh, tại ả, tại cả “ba chúng ta”. Hiệu trưởng xin nghỉ hưu, giáo dục quá già. Không lẽ đến lúc cả xã hội ta từ chức?

LTS: Những ngày này, dư luận xã hội chưa quên vụ nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đánh hội đồng, và tung clip lên mạng, thì lại phải chứng kiến hình ảnh nữ sinh Trường THCS Lê Lai (Q.8- TP. HCM) đánh hội đồng, dẫn đến việc hiệu trưởng nhà trường xin nghỉ hưu. Đâu là nguyên nhân căn cốt của chuyện học sinh hư? TuanVN xin mời quý bạn đọc xa gần trao đổi rộng rãi chủ đề này, và kiến giải những giải pháp thực tiễn.

Giáo dục trong "thế giới phẳng"

Báo Tuổi trẻ Online ngày 04-04 -2010 mới đây đưa tin thầy giáo Ngô Đức Bình, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lai, Q 8, t/p Hồ Chí Minh, ngôi trường vừa xảy ra vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, quyết định xin về hưu sớm, mặc dù tuổi của ông mới 57.

Đọc bài phỏng vấn, những tự sự của ông về công việc quản lý, dạy trẻ ở một trường phổ thông giữa một môi trường sống đa số học sinh có hoàn cảnh cha mẹ khá đặc biêt, thật đầy nỗi niềm. "Tôi cứ ước nếu như ở trường tôi không có tình trạng cha mẹ ly dị hoặc buôn bán ma túy, hút chích ma túy rồi chết hoặc bị ở tù, học sinh phải ở với ông bà....".

336.jpg


Ông Ngô Đức Bình Hiệu trưởng trường
có học sinh bị đánh ngất xỉu vừa quyết
định xin nghỉ hưu sớm. Ảnh: VNN

Và ông đã từng phải đặt lại câu hỏi, đầy chua xót: "Tại sao không xem lại, gia đình đã GD các em như thế nào, xã hội đã tạo điều kiện ra sao để các em phát triển nhân cách... mà chỉ đổ lỗi cho nhà trường?" Người hiệu trưởng ấy từng bị cha mẹ học sinh hành hung ngay trước cổng trường, bị học sinh ném rác, hắt nước tiểu vào người. Trước ông, đã có một hiệu trưởng tiền nhiệm bị cách chức, ba người khác được cử về quản lý đã không về, hoặc về một thời gian ngắn lại xin đi. Quả thật, người viết bài này không khỏi bùi ngùi.

Việc xin nghỉ hưu trước tuổi, có thể do bệnh nhiều như ông nói, hoặc cũng có thể do ông quá mệt mỏi và bất cập trước triền miên áp lực của công việc quản lý GD cơ sở, mà vụ việc nữ sinh đánh nhau chỉ là giọt nước tràn ly. Đâu là lý do bản chất, có lẽ chỉ riêng ông hiểu rõ nhất.

Nói cho công bằng, những vụ động trời như nữ sinh đánh hội đồng, chuyện thầy giáo gạ tình trò lấy điểm, cô giáo bắt học sinh liếm ghế, bắt tất cả lớp học sinh vả vào mặt một bạn học... không phải là chuyện cá biệt, chỉ thời kinh tế thị trường mới có. Mà nó có thể vẫn có đây đó, từ xưa...

Có điều, chúng ta đang sống trong "thế giới phẳng", nên những chuyện khiến GD "mất thiêng" như trên không còn có thể nằm khuất lấp trong bóng tối, hoặc chìm nghỉm trong sự "im lặng" nữa, mà ngay lập tức nó bị phanh phui, bị đưa ra giữa thanh thiên bạch nhật. Có điều thật cay đắng, dường như thời nay, sự "tàn nhẫn, vô cảm" của con trẻ ăn theo người lớn, cùng tốc độ xuất hiện các vụ việc gây "sốc" cũng nhiều hơn.

Giống như điệp khúc, mỗi lần xảy ra một vụ việc, cả xã hội, dư luận báo chí lại thi nhau mổ xẻ, tìm căn cớ nguyên nhân... Vì trẻ em là sản phẩm GD của cả "ba chúng ta": Gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng dường như "ba chúng ta" đang tiếp tục "botay.com"?

Gia đình là tế bào của xã hội. GD gia đình hỏng, xã hội sẽ phát bệnh. Câu chuyện nữ sinh đánh hội đồng còn chưa đến hồi kết, thì mới đây, như để "minh họa", một vị phụ huynh lại xông vào tận trường, tát một học sinh để bênh vực con mình. Cha mẹ không giữ lề thói và phẩm hạnh, trách chi con trẻ không hành xử "hội đồng"?

Thế nhưng, người viết bài này vẫn tâm đắc với quan điểm của tác giả Phạm Anh Tuấn mới đây: Niềm tin GD- ai chịu trách nhiệm chính? (TuanVN 5-4-2010) khi tác giả mổ xẻ rõ ràng: GD (gia đình) là kiểu truyền dạy kinh nghiệm chủ nghĩa... Hoàn toàn cầu may. GD (gia đình) chỉ đem lại cho đứa trẻ cái "khôn", cái "ranh", thậm chí cái khôn lỏi, chứ chưa phải là "trí thông minh", chưa phải là "trí tuệ.

Nhưng nếu phương thức GD nhà trường chỉ là sự kéo dài phương thức GD kinh nghiệm chủ nghĩa của đời sống gia đình, khi ấy nhà trường có nguy cơ chỉ đào tạo nên những cá nhân to xác mà không trưởng thành về trí tuệ và tình cảm.

Nhà trường với tất cả vinh quang lẫn thất bại phải chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ sự trưởng thành của trẻ em. Bởi vì GD là con đường duy nhất, là con đường triệt để nhất, con đường tiết kiệm nhất để giúp trẻ em trưởng thành.

335.jpg


Nữ sinh Thanh Thảo bị bạn học đánh phải nhập viện cấp cứu. Ảnh: NLD


Điều tác giả bài viết khẳng định càng đúng đắn trong cơ chế xã hội phân công hợp tác, mang tính chuyên nghiệp cao. GD gia đình có thể sai lầm. Nhưng GD của nhà trường phải đúng đắn, để vừa có thể uốn nắn những sai lầm của GD gia đình, vừa để định hướng cho trí tuệ, nhân cách con người xã hội tương lai.

Nói điều này, tôi hoàn toàn không hề muốn đổ lỗi cho một thầy hiệu trưởng như thầy Ngô Đức Bình. Bởi ông, xét cho cùng chỉ là "con ốc nhỏ" trong toàn bộ guồng máy hệ thống GD. Ông đã cố gắng trong khả năng của mình, để khỏi bị bật ra. Ông giống như muôn vàn ông hiệu trưởng, và đồng nghiệp giáo viên khác, vừa là người muốn làm tròn trách nhiệm người thầy, vừa là người chưa làm tròn bổn phận người thầy. Bởi ông là người đại diện của ngành, chịu trách nhiệm tổ chức thực thi nhiệm vụ GD tại cơ sở.
Nhưng cuối cùng, ông lại tự giác muốn "bật ra". Mà vẫn mong ước ngôi trường có điều kiện đủ về trường lớp, lương bổng giáo viên để người thầy toàn tâm toàn ý GD trẻ. Một mong ước chính đáng giữa thành phố đầy nhà hàng, khách sạn, biệt thự, xe hơi sang trọng!

Không ai vô can

Nền GD chúng ta, trong suốt mấy chục năm, trải qua 5-6 cuộc cải cách, rồi đổi mới, chưa bao giờ thành công. Từ nội dung, chương trình, đến phương pháp, từ thời quá khứ đến thời hiện tại, tiếc thay chưa bao giờ "bước ra khỏi vùng trũng của tư duy". Một chương trình, nội dung GD, nói như nhà giáo Văn Như Cương, riêng môn GD Công dân đã nặng nề, xơ cứng, giống như để dạy cho các sinh viên ngành triết học...

Một nền GD với tư duy già cỗi, lạc hậu về phương pháp, dạy để đi thi, chứ chưa phải dạy để làm và để làm người.

334.jpg


Giờ giải lao của học sinh trường Lê Lai. Ảnh: VNN


Nền GD với mục tiêu dạy người nằm ngay trong bản chất khái niệm- GD, nhưng lại thiếu hẳn những kỹ năng dạy trẻ sống làm người, từ bậc tiểu học, từ ứng xử đến xử lý thực tiễn, không đủ sức làm cho tâm hồn trò thấm và sống đời sống thực ngay từ trong nhà trường. Các em có thể hùng biện, có thể nói rất hay về lý tưởng, lòng yêu nước, nhưng lại vô cảm, dửng dưng trước số phận bạn bè bị đánh đập, bị lăng nhục về cả thể xác và nhân phẩm. Và cơ chế quản lý xã hội cũng không thể vô can. Trẻ em thường nhìn vào người lớn để định hướng lối sống, cách ứng xử, hình thành niềm tin. Nhưng bi kịch là chúng luôn soi phải những tấm gương mờ.

Giở bất cứ một trang báo, mở bất cứ mạng thông tin điện tử nào, người ta dễ dàng thấy những tội ác đau lòng: Cướp, giết, hiếp... những vụ việc hối lộ và ăn hối lộ, những vụ việc ăn cắp hoặc tham nhũng, mất nhân cách của người lớn. Chính những tấm gương mờ đó phá hủy nhanh chóng niềm tin yếu ớt, "tha hóa" nhanh chóng những cái chưa "ngoan" của GD học đường.
Vậy thì việc nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) tung clip đánh "hội đồng" lên trên mạng, hay hiện tượng nữ sinh đánh "hội đồng" mới đây tại Trường THCS Lê Lai (TP. Hồ Chí Minh), không phải là hiện tượng đầu tiên, chắc chắn cũng không phải hiện tượng cuối...

Xét cho cùng, sản phẩm GD hư, hay hỏng vẫn là chuyện tại anh, tại ả, tại cả "ba chúng ta".

Hiệu trưởng xin nghỉ hưu, giáo dục quá già.

Không lẽ đến lúc cả xã hội ta từ chức?


Theo TuanVietNam.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top