Hiện nay ở nước ta có nhiều cá nhân tổ chức gia đình thu nhận trẻ em lang thang... Hãy bày tỏ suy ng

ngan trang

New member
Đề :" Hiện nay ở nước ta có nhiều cá nhân tổ chức gia đình thu nhận trẻ em lang thang, cơ nhỡ kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương đề nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vương lên sống lành mạnh, tốt đẹp.
Hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó


Mái ấm tình thương cho các cô nhi

Cô nhi viện Thánh An, Giáo phận Bùi Chu (Xuân Trường, Nam Định) hiện đang nuôi dưỡng hàng trăm trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật, không phân biệt lương, giáo. Ban giám đốc Cô nhi viện, đội ngũ thiện nguyện nơi đây và bao tấm lòng từ thiện đang gắng hết sức mình để chăm sóc, dưỡng dục các cô nhi...


Cô Bùi Thị Kính-người phụ nữ độc thân tình nguyện phục vụ tại Cô nhi viện đưa chúng tôi thăm các phòng nuôi dưỡng 70 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi khi mới sinh, hoặc khi được mấy tháng, vài năm tuổi. Phần lớn trong số các em đều khuyết tật như bại liệt, thần kinh, khoèo chân, sứt môi, các di chứng của chất độc da cam, có em giờ chỉ sống “đời sống thực vật”. Không quản nắng mưa, đêm ngày, gần 30 tình nguyện viên Cô nhi viện tận tình chăm chút các em từng bữa ăn, giấc ngủ, cốc nước, viên thuốc. Tùy khả năng từng em, Cô nhi viện cho các em học văn hóa, học nghề để giúp các em hòa nhập cộng đồng sau này.
Lặng lẽ bên các nhà nguyện, mái nhà Cô nhi viện lúc nào cũng ríu rít tiếng trẻ vui đùa, ê a đánh vần học chữ; tiếng dệt chiếu, làm hoa rộn ràng. Ai đến Cô nhi viện cũng cảm nhận được sức sống toát ra từ những tâm hồn trẻ thơ trong trắng, từ ngọn lửa nghĩa tình tràn ngập. Thành lập từ năm 1852, qua bao thăng trầm thời gian, Cô nhi viện vẫn lặng lẽ âm thầm che chở cho những hài nhi bị vùi dập sau những lỗi lầm hay chuyện đời ngang trái của những bậc sinh thành. Từ 1993 đến nay, Cô nhi viện đã đón nhận 201 trẻ mồ côi bị bỏ rơi, đã có 23 em được nhận làm con nuôi, 8 em lớn lên đi học đại học, 9 em học THPT, 22 em học từ mẫu giáo đến THCS, 6 em đã trưởng thành và đi làm ở Hà Nội, Nam Định, TP Hồ Chí Minh... Nhiều em khi lớn vẫn tình nguyện ở lại phục vụ (nay đã trở thành cụ) như các cụ Phạm Thị Mây, Nguyễn Thị Nhan, giờ đã 70 tuổi, gắn bó với Cô nhi viện từ khi còn đỏ hỏn. Em Phạm Thị Vui ở Cô nhi viện hơn chục năm, hiện đang học trường THPT Xuân Trường, khi được hỏi em về ước mơ, em cười rất hồn nhiên và trả lời: Em sẽ học tiếp rồi về phục vụ tại Cô nhi viện, em sẽ là người mẹ, người chị của các em nhỏ có cảnh đời như em ngày xưa. Vui còn hào hứng khoe: Em mới được đi tham quan Thủ đô Hà Nội, phần thưởng dành cho học sinh tiên tiến và được phát một chiếc xe đạp để đi học, em rất quý chiếc xe ấy, các em nhỏ ở đây, kể cả những em bại liệt, ai cũng thích xe đạp anh ạ!


Năm 1993, Đức cha Giuse Phạm Ngọc Oanh được cử làm Giám đốc Cô nhi viện Thánh An, khi đó Cô nhi viện nhà cửa dột nát, xung quanh toàn ao, bụi rậm hoang dại, các em sống chủ yếu nhờ vào 50-80kg gạo trợ cấp hàng tháng. Đức cha đã cùng với những người thiện nguyện củng cố và phát triển Cô nhi viện ngày một khang trang, đời sống các em được bảo đảm dần. Song bao khó khăn trước mắt vẫn đang thách thức Ban giám đốc và đội ngũ anh chị em thiện nguyện nơi đây. Với các trẻ khuyết tật, nhất là các em não liệt thì đòi hỏi phải có nhiều người chăm sóc, phục vụ, Cô nhi viện hiện đang rất cần những tình nguyện viên, có thể phục vụ trọn đời hoặc một thời gian ngắn. Mỗi tháng Cô nhi viện cần chi khoảng 15 triệu đồng bảo đảm lương thực-thực phẩm, đó là chưa kể các khoản phụ khác thì việc chỉ trông chờ vào nguồn thu chính từ việc sản xuất lương thực-thực phẩm và làm các nghề phụ khó bảo đảm tốt được đời sống cho các em. Lo lắng nhất là việc chữa trị cho các em lúc ốm nặng và khám, chữa bệnh, giám định HIV và các bệnh truyền nhiễm. Do bị bỏ rơi khi còn quá nhỏ nên các em thường mắc bệnh viêm phổi và sức đề kháng rất yếu. Hiện nay, có em bé hơn 2 tuổi bị bệnh não ống thủy mà các bệnh viện và các bác sĩ hiện nay đều bó tay không có cách chữa.


Khi chiều xuống, những người cha, người mẹ lại trở về với tổ ấm gia đình quây quần bên đàn con thơ. Trong giây phút hạnh phúc ấy có bao người biết nơi Cô nhi viện Thánh An các cô nhi đang kết thúc một ngày khi tiếng chuông bắt đầu ngân vang trên tháp giáo đường. Trên con đường nhỏ lát gạch lổn nhổn dẫn vào Cô nhi viện, cô Bùi Thị Kính bùi ngùi: “Chúng tôi chỉ ước con đường nhỏ này sẽ được bê tông hóa, các em rồi sẽ có xe lăn, đàn học âm nhạc, máy trợ thính, có sách vở để đọc, để viết...”. Tâm huyết của người phụ nữ đã hy sinh trọn đời vì hạnh phúc của những trẻ thơ có cảnh đời bất hạnh giản dị và xúc động biết bao. Cô nhi viện Thánh An đang dự định xây dựng củng cố, xây mới các cơ sở hạ tầng; hoàn thiện trang thiết bị phục hồi chức năng, hồi sức cấp cứu; xây trường dạy trẻ khiếm thính, khiếm thị; xây nhà dưỡng lão cho những người nghèo khó không nơi nương tựa... Song, để biến những dự định trên thành hiện thực thì Cô nhi viện rất cần những trái tim từ thiện hảo tâm giúp đỡ....
 
Dàn ý

A. Mở bài:

- Trong truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; trẻ em luôn là đối tượng giành được nhiều sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là những trẻ em lang thang cơ nhỡ. . .
- Hiện nay, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh. Hiện tượng ấy đặt ra cho tuổi trẻ học đường nhiều suy nghĩ.

B.Thân bài :

1. Trình bày hiện tượng:

- Làm rõ tình trạng sống của trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống ở các thành phố, thị trấn (các em không có nơi nương tựa, cuộc sống vất vả, thiếu thốn, phải đi nhặt rác, đánh giày kiếm sống, không được đến trường, dễ mắc các thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội, thiếu tình yêu thương chăm sóc)

- Phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, đã và đang xuất hiện nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận các em về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp (lấy ví dụ dẫn chứng, chú ý nêu rõ xuất xứ những tin ấy : từ những báo nào, đài nào. . .)

2. ý nghĩa của những nghĩa cử cao đẹp nêu trên:

- Thể hiện truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc (lá lành đùm lá rách) và ý thức trách nhiệm đối với trẻ em (Trẻ em như búp trên cành...)
- Mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: giúp đỡ các em có được nơi nương tựa, có cuộc sống ổn định hơn, tránh được các thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội, được yêu thương chăm sóc
- Mang ý nghĩa xã hội rộng lớn: góp phần ổn định an ninh xã hội, tăng chất lượng và ý nghĩa của việc giáo dục. . .

3. Suy nghĩ, đánh giá:

- Đó là những nghĩa cử cao đẹp, xứng đáng được xã hội tôn vinh (báo đài tôn vinh, xã hội biết ơn. Ví dụ…..) .
- Xúc động trước những tấm lòng cao cả đã cưu mang trẻ em cơ nhỡ (gửi thư chia sẻ, bày tỏ sự đồng cảm, ngợi ca)
- Lên án mạnh mẽ đối với những kẻ giả danh cưu mang trẻ em cơ nhỡ nhằm phục vụ những mục đích cá nhân vụ lợi (lợi dụng sức lực của trẻ em để thu lợi)

4. Bài học rút ra cho bản thân:
- Phải biết yêu thương và chia sẻ hơn nữa với những số phận bất hạnh.
- Tình thương và sự sẻ chia không chỉ nói bằng lời mà còn phải thể hiện bằng hành động: giúp đỡ, ủng hộ cho các quỹ từ thiện, tham gia các hoạt động từ thiện, . . .
- Trân trọng những may mắn và hạnh phúc đủ đầy mình đang có để học tập và rèn luyện tốt hơn.

C. Kết bài:
Đánh giá vấn đề…….
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top