Hêminguây - Tiểu thuyết “Ông già và biển cả”

Thandieu2

Thần Điêu
Hêminguây - Tiểu thuyết “Ông già và biển cả”


Vài nét về tác giả


Hêminguây (1899 – 1961) là văn hào Mĩ, được Giải thưởng Nobel về văn chương năm 1954. Từng tham gia Thế chiến I, cuộc chiến tranh Tây Ban Nha và Thế chiến II với tư cách là người lính, là phóng viên mặt trận. Ông để lại dấu ấn trong cả 3 thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch.

Có tác phẩm nói lên tâm trạng một thế hệ thanh niên trong và sau chiến tranh như “Giã từ vũ khí”. Có tác phẩm kể chuyện săn bắn, đấu bò như “Chết vào buổi chiều”, “Những ngọn đồi xanh châu Phi”,… Với 2 kiệt tác “Chuông nguyện hồn ai”, “Ông già và biển cả”, tên tuổi Hêminguây lừng danh trên thế giới.

Văn phong của Hêminguây giản dị, trong sáng, ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về thế giới tự nhiên và con người. chất liệu sống ngồn ngộn, độc thoại nội tâm, tình huống biến hóa, căng thẳng, đa nghĩa và đa thanh, mà ông gọi là nguyên lí “tảng băng trôi” có một phần nổi và 7 phần chìm, mang hàm nghĩa và triết lí sâu xa, thú vị.


Tiểu thuyết “Ông già và biển cả”


- Tóm tắt

Lão chài Xanchiagô sống cô độc trong một túp lều trên bờ biển ngoại ô thành phố LaHabana. 84 ngày đêm ra khơi gặp vận xúi quẩy, đi đi về về chẳng câu được một con cá nào. Lần này ông lại ra khơi, đưa thuyền đến tận vùng Giếng Lớn nơi có nhiều cá nhất. Buông câu từ sáng sớm mãi đến non trưa phao câu mới động đậy. Cá mắc câu kéo chiếc thuyền chạy. Lão gò lưng, gập mình kéo lại. Từ trưa tới chiều, rồi một ngày một đêm nữa trôi qua. Bàn tay bị dây câu cứa rách nát ứa máu. Không một mẩu bánh bỏ vào bụng. Chân tê dại, tay trái bị chuột rút, mệt lả nhưng lão không chịu buông tha: “Mình sẽ cho nó biết sức con người có thể làm được gì và chịu đựng được đến đâu! “Sáng ngày thứ 3 cá đuối dần, lão chài dùng lao đâm chết cá, buộc cá vào đuôi thuyền, hân hoan trở về bến. Con cá nặng độ 6, 7 tấn dài hơn thuyền khoảng 7 tấc. Trong màn đêm, đàn cá mập đuổi theo chiếc thuyền, lăn xả vào đớp và rỉa con cá kiếm. Lão chài dùng mái chèo quật tới tấp vào đàn cá dữ trong đêm tối. Lão chài về tới bến, con cá kiếm chỉ còn lại bộ xương. Lão nằm vật ra lều ngủ thiếp đi, “mơ thấy đàn sư tử”. Sáng hôm sau, bé Manôlin chạy sang lều rồi đi gọi bạn chài đến săn sóc ông.

- Ý nghĩa

Tiểu thuyết “Ông già và biển cả” mang vẻ đẹp nhân văn. Là bản anh hùng ca ca ngợi con người và sức lao động của con người.

Cuộc đời chỉ có sắc màu ý nghĩa: sống phải có khát vọng. Cái giá của khát vọng và hạnh phúc ở đời là thước đo tầm vóc của con người chân chính.

Phân tích ngắn gọn cảnh “Đương đầu với đàn cá dữ”

Sau 87 (84 + 3) ngày đêm ra khơi đánh cá, ông lão Xanchiagô mới câu được con cá kiếm khổng lồ, nặng độ 6, 7 tấn, dài hơn chiếc thuyền câu khoảng 7 tấc. Đói khát, mệt rã rời, đôi tay bị dây câu do cá kéo cứa rách, ứa máu. Cái giá phải trả cho một chuyến ra khơi thật đáng tự hào. Bạn chài chắc sẽ không chế giễu lão về vận xúi quẩy nữa! Lão càng tự hào về “sức con người có thể làm được gì và chịu đựng được đến đâu!”

Ở đời có lúc miếng ăn đã kề miệng vẫn còn bị kẻ khác giật mất! Trường hợp lão Xanchiagô mất con cá kiếm quả đúng như vậy. Trên đường giong cá về bến, lão chài lại gặp chuyện chẳng lành. Đàn cá mật đã thục mạng lao vào thuyền lão để đớp mồi. Cảnh “đương đầu với đàn cá dữ” diễn ra vô cùng bi tráng. Lão chài bị bất ngờ, bị động hoàn toàn. Thế và lực quá chênh lệch. Cuộc chiến diễn ra giữa biển đêm. Lão chài chẳng khác nào một kẻ mù giữa vòng vây của đàn cá dữ! Chỉ có một cái chày làm vũ khí. Lão thân cô thế cô, lại bị kiệt sức sau 3 ngày 2 đêm đuổi bắt con cá kiếm mắc câu. Kẻ thù của lão chài là một đàn cá mập đông đảo, khát mồi và cực kỳ hung dữ. Cá lại được màn đêm, được sóng biển che giấu, bất ngờ xuất hiện. Đàn cá biến hóa, lão chài căng mắt nhìn chỉ thấy “những chiếc vi cá mật xẻ dọc ngang trên mặt biển và những đường lân tinh lấp lánh”. Những hàm răng cá mập táp mồi “sần sập”, lưng đàn cá dữ cuộn sóng làm cho “chiếc thuyền câu chòng chành”. Không chỉ con cá kiếm mà ngay cả lão chài cũng sẽ trở thành mồi ngon cho đàn cá dữ đói mồi! Hêminguây đặc tả lưng cá mập đội con thuyền câu đã vẽ nên một cảnh hãi hùng, đầy nguy hiểm!

Cuộc chiến đấu mỗi lúc một dữ dội. Người đọc có cảm giác là bao nhiêu cá mập ở vùng biển “Giếng Lớn” đã kéo tới bủa vây lấy chiếc thuyền câu. Lão già như bị màn đêm bịt mắt, “vụt nháo nhào lên những chiếc đầu” cá mập. Lão bị động “kháng cự một cách tuyệt vọng với một kẻ thù mà lão chỉ nghe bằng tai, bằng cảm giác “Thật bất ngờ cái chày – vũ khí chiến đấu - bị cá dữ ngoạm “giật phắt đi”. Lão Xanchiagô đâu phải là kẻ tầm thường, khoanh tay đầu hàng đàn cá mập! Thành quả lao động được làm nên bằng mồ hôi và máu, không thể nào để đàn cá dữ cướp đi. Nhanh nhẹn và dũng mãnh, lão tháo tay lái làm vũ khí chiến đấu. Cuộc chiến giữa người với đàn cá dữ ngày một trở nên dữ dội quyết liệt! Lão già lấy hết sức bình sinh, nắm chắc tay lái, thẳng cánh, vụt túi bụi ra bốn phía”. Lão chài bị đàn cá mập khép chặt vòng vây! Đàn cá dữ túm tụm lại đằng sau lái, con nọ tiếp con kia. Khi thì cả bầy một lượt, chúng đâm bổ vào xác con cá. Bầy cá dữ khát mồi không chịu rời chiếc thuyền câu “ngoạm xong một miếng quay ra rồi quay trở lại. Xác cá bị rỉa, bị đớp, bị ngoạm. Những mảnh thịt mà đàn cá mập đớp được” lấp lánh dưới nước!

Con cá kiếm khổng lồ thế mà giờ đây chỉ còn một ít thịt dính vào đầu! Con cá cuối cùng xông đến đớp vào đầu cá. Có thể nói đây là một hiệp đấu ác liệt, cá và người đánh giáp lá cà. Lão chài dũng mãnh “hoa cái tay lái lên và quật đúng vào răng hàm cá mập”. Ông lão giáng trả như vũ bão “quật liên hồi hai bận, ba bận, mười bận!”. Bất thình lình chiếc tay lái gẫy rắc, lão dũng mảnh vẫn tiếp tục quật vào đầu cá… vụt nữa làm cho “con cá mập nhả con cá và oằn mình lăn xa”.

Như người lính chiến ngoan cường trên chiến địa, đánh đến giọt máu cuối cùng, bắn đến viên đạn cuối cùng, hết đạn thì dùng lê tử chiến với giặc, lão chài Xanchiagô cũng vậy! Một mình đơn độc chống với đàn cá dữ giữa biển đêm, khi cái chày bị cá mập ngoạm mất, lão bình tĩnh và sáng suốt xử lý tháo ngay tay lái làm vũ khí. Càng đánh càng hăng, lão đã quật tới tấp vào đầu cá dữ, quật mạnh đến nỗi gãy cả mái chèo. Lão đã giáng cho con cá mập sau cùng một đòn chí mạng!

Việc đánh bắt được con cá kiếm nặng 6, 7 tấn là một chiến công! Cuộc đấu với đàn cá dữ không cân sức, thịt con cá kiếm bị đàn cá mập ngoạm sạch, đớp sạch, nhưng lão vẫn còn giữ được bộ xương cá, giữ được con thuyền câu. Câu nói của lão: “Thuyền của mình vẫn tốt nguyên và chẳng sứt mẻ một tẹo nào, trừ chiếc tay lái ra không kể. Cái đó cũng dễ thay!” - điều đó cho thấy, tuy thất trận nhưng lão chài vẫn còn tiềm lực! Nhất định lão lại ra khơi. Giữ vững niềm tin sau chiến bại không phải ai cũng có ý chí ấy! Lúc quật vào đàn cá dữ, ông lão cảm thấy một mùi kì dị trong mồm: “vừa tanh như sắt, vừa ngòn ngọt”. Mùi kỳ dị ấy là máu và cũng là dư vị cay đắng của sự thất bại! Như một sự tổng kết sau trận đánh, lão Xanchiagô nhổ toẹt máu xuống biển và nói: “Cho chúng mày nuốt đi lũ cá mật kia. Nuốt đi để tưởng tượng là vừa giết chết được một con người”. Một cái nhổ toẹt đầy khinh bỉ. Một câu nói vừa giễu cợt vừa thách thức kẻ thù! Trong chiến bại mà lão chài vẫn ngạo nghễ! Đó là tâm thế và bản lĩnh cứng cỏi của một con người chân chính. Cảnh “đương đầu với đàn cá dữ” được miêu tả rất sống động.

Lão chài được đặt trong thế đối địch tương phản chênh lệch. Các chi tiết nghệ thuật được khắc họa và tái hiện chủ yếu bằng thính giác, cảm giác, xúc giác… trong biển đêm vô cùng ghê rợn và ác liệt! Người thì máu đầy mồm, cá thì lăn xả vào đớp mồi, bị quật nhừ tử. Lời đối thoại của Xanchiagô với đàn cá mập lúc thì thách thức khinh bỉ, lúc thì thừa nhận thất bại. Vốn liếng còn đó, lão chài rồi lại ra khơi. chỉ có một mình đơn phương độc mã đương đầu với đàn cá mập thế mà sau cuộc chiến, lão chài lại nói: Gió cũng là bạn tốt của ta… đôi khi cũng là bạn tốt… biển cả với những bạn hữu và kẻ thù của ta… “Gió làm căng cánh buồm. Biển có đàn cá dữ, nhưng cũng có cánh chim hiền lành, biển là nơi làm ăn của lão và các bạn chài. Cách nghĩ của lão chài mộc mạc, bình dị nhưng ham sống biết bao.

Ở đời cái đáng sợ là không nhận diện được kẻ thù. Cái đáng sợ nữa không phải là sự thất bại mà là chưa biết tìm ra nguyên nhân thất bại. Ở đây, lão chài Xanchiagô tự nói với mình: “Ta thử nghĩ xem cái gì đã làm cho ta thất bại nhỉ? Không, không có cái gì cả. Ta đã đi xa quá! Đó là phần ngầm của “tảng băng trôi” mà Hêminguây muốn gửi gắm bạn đọc: Mọi khát vọng đều đẹp, đều đáng yêu. Khát vọng quá lớn, vượt xa khả năng hiện thực thì sẽ thất bại. Hình ảnh lão chài Xanchiagô trong cảnh “đương đầu với đàn cá dữ” này cho ta bài học về sức mạnh, khí phách và niềm tin trong lao động và - cuộc sống.

(Sưu tầm)​
 
Tóm tắt nội dung

Tóm tắt nội dung

Ông Già Và Biển Cả thuật lại một câu chuyện xảy ra ở bờ biển Nam Mỹ, ngoài khơi hải đảo Cuba. Ông lão đánh cá Xăngchiagô (Santiago) đã già lắm rồi. Ông mơ ước đánh được một mẻ cá lớn, xứng đáng với uy danh một thời của ông ngày còn trai trẻ. Một mình một con thuyền ông ra khơi quyết lập một chiến công rạng rỡ cuối cùng. Trải qua nhiều ngày lênh đênh mặt bể, gian nan, vất vả, ông lão đánh được một con cá lớn chưa từng thấy. Nhưng sau đó, trên đường về, ông bị nhiều đàn cá mập kéo đến vây quanh con cá ông vừa đánh được để ăn thịt. Ông lão đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập. Nhưng thật đau đớn! Sau khi đuổi được chúng đi, ông lão nhìn lại con cá của mình thì thấy nó chỉ còn có bộ xương. Ông lão lại trở về túp lều nghèo nàn của mình. Tủi nhục, đau xót, nhưng trong lòng ông vẫn chưa hết hẳn những ước mơ đẹp đẽ...
Với một nội dung tưởng chừng như đơn giản ấy, thiên tiểu thuyết này đã nêu lên được những nét rất sâu sắc và cảm động về sức mạnh và khát vọng của con người.Ông Già Và Biển Cả mang một phong cách độc đáo, giàu chất thơ và triết lý gợi cho người đọc suy nghĩ đến nhiều vấn đề lớn về cuộc sống và về số phận của con người trong cái xã hội còn có những ông già đánh cá sống nghèo đói và cô độc như ông lão Xăngchiagô.
Sách được dịch theo nguyên bản tiếng Pháp: LE VIEIL HOMME ET LA MER của Jean Dutourd - Nhà xuất bản Gallimard, Paris - có đối chiếu với nguyên văn.
ST
 
ông già và biển cả (trích)

ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ (TRÍCH)

- HEMINGWAY –


Câu 1: Trình bày những hiểu biết của anh (chị) về nhà văn Hemingway.

- Ơ-nit Hê-ming-uê (1899- 1961) sinh tại bang I-li-noi trong một gia đình trí thức.
- Sau khi tốt nghiệp trung học, ông đi làm phóng viên.
- 19 tuổi, ông tham gia đội xe cứu thương của Hội chữ thập đỏ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất ở chiến trường I-ta-li-a, sau đó ông bị thương và trở về Hoa Kì.
- Ông thất vọng về xã hội đương thời, tự nhận mình thuộc thế hệ mất mát, không hòa nhập với xã hội đương thời và đi tìm bình yên trong men rượu và tình yêu.
- Sau đó, ông sang Pháp, vừa làm báo vừa bắt đầu sáng tác.
- Năm 1926, ông sáng tác tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc và nổi tiếng từ đó.
- Ông để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ với nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ và nhiều hồi kí, ghi chép.
- Hê-minh-uê là nhà văn lỗi lạc nhất nước Mĩ vào thế kỉ XX, ông khai sinh lối viết kiệm lời, kiệm cảm xúc và là người đề ra nguyên lí sáng tác “tảng băng trôi”:
- Dù viết về đề tài gì, Châu Phi hay Châu Mĩ, Huê-minh-uê đều nhằm mục đích “viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người”.
- Ông đã nhận được Giải thưởng Pu-lit-dơ năm 1953- Giải thưởng văn chương cao qúy nhất của Hoa Kì và Giải thưởng Nô-ben về văn học.
- Tác phẩm tiêu biểu: Mặt trời vẫn mọc, Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả (Giải văn chương Nô-ben 1954),…

Câu 2
: Trình bày những nét chính của nguyên lí “tảng băng trôi”.

Dựa vào hiện tượng vật lý, khi tảng băng trôi trên đại dương, chỉ 1/8 nổi trên bề mặt, còn 7/8 chìm khuất, Hemingway nêu lên nguyên lý “tảng băng trôi”, khẳng định hiệu quả của cách viết ngắn gọn, hàm súc và ưu điểm của nó, ngụ ý chỉ mạch ngầm văn bản hay các lớp nghĩa chưa được phô bày trực tiếp trong tác phẩm.
Muốn thực hiện nguyên lí này, nhà văn phải hiểu biết cặn kẽ mọi vấn đề mình muốn tái hiện, loại bỏ các chi tiết không cần thiết, chỉ giữ lại phần cốt lõi để khi tiếp xúc với tác phẩm, người đọc vẫn có thể lĩnh hội được những ẩn ý, hàm ý chứa đựng trong văn bản.
Ngôn từ, chi tiết, cốt truyện và cả nhân vật phải rất cô đọng, hình tượng phải mang ý nghĩa tượng trưng với nhiều tầng nghĩa mà người đọc sẽ rút ra được từ kinh nghiệm, hiểu biết của mình.

Câu 3: Tóm tắt nội dung truyện Ông già và biển cả và đoạn trích trong SGK.

Truyện kể về một ông lão đánh cá tên là Xan-ti-a-go, 74 tuổi. Suốt 84 ngày lênh đênh trên biển, lão chẳng kiếm được con cá nào. Đến ngày 85, lão quyết định ra xa hơn với mong muốn sẽ câu được một con cá thật to. Trong một chuyến đi biển “rất xa” đó, lão đã câu được một con cá kiếm cực lớn, cực đẹp. Nhưng con cá quá khỏe đã lôi lão ra ngoài khơi. Sau ba ngày hai đêm, lão đã vật lộn với con cá hung dữ, lão kiệt sức. Lão quyết định đâm chết nó .Nhưng trên đường về, lão phải chiến đấu với đàn cá mập dữ tợn đến ăn con cá kiếm. Cuộc chiến không cân sức và cuối cùng lão chỉ mang về được bộ xương của con cá kiếm.
Lão trở về lều và nằm vật ra. Chú bé Ma-nô-lin gọi các bạn chài đến chăm sóc lão. Lão ngủ thiếp đi và mơ về “những con sư tử”.

Câu 4: Phân tích hình tượng ông lão Xantiagô trong đoạn trích.

Hình tượng ông lão đánh cá đơn độc, dũng cảm được khắc hoạ bằng nguyên lý “tảng băng trôi”:
- Sự lặp lại những vòng lượn của con cá kiếm gợi lên hình ảnh một ngư phủ lành nghề kiên cường: lão chưa nhìn thấy con cá mà chỉ bằng con mắt từng trải (thị giác) và cảm giác đau đớn nơi bàn tay (xúc giác) đã ước lượng được khoảng cách ngày càng gần của con cá.
- Cảm nhận của ông lão về con cá ngày càng mãnh liệt và trực tiếp hơn khi “đến vòng thứ ba, lão lần đầu tiên nhìn thấy con cá” (trang 129).
- Lão không chỉ cảm nhận về con cá bằng thị giác và xúc giác mà bằng cả trái tim: sự cảm thông biểu hiện qua những lời đối thoại – thực chất là độc thoại – giữa lão và con cá kiếm (Mày đang giết tao cá à…Ta không quan tâm chuyện ai giết ai – Trang 131).
- Lão đã chiến đấu với tất cả sức mạnh vật chất và tinh thần cùng với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Những biểu hiện:
· Sự tập trung cao độ thể hiện qua những lời đối thoại với các bộ phận cơ thể (kéo đi, tay ơi. Hãy đứng vững đôi chân kia. Tỉnh táo vì tao, đầu ạ. Trang 130).
· Kiên trì sau mỗi lần thất bại thể hiện qua những lời độc thoại tự động viên mình (mình sẽ cố thêm lần nữa…Mình sẽ lại cố thêm…Mình sẽ lại cố thêm một lần nữa – Trang 131).
· Động tác khéo léo, chính xác, có được do kinh nghiệm từng trải: Ông lão buông sợi dây xuống…dồn hết trọng lực lên cán lao. (trang 131)

Câu 5: Phân tích hình tượng con cá kiếm trong đoạn trích, từ đó cho biết ý nghĩa biểu tượng của nó.

Con cá kiếm dưới cái nhìn chiêm ngưỡng của ông lão Xantiagô như một điều kỳ diệu của tự nhiên “Tao chưa bao giờ thấy bất kỳ ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ” (trang 131). Lão không ngừng quan sát con cá, từ lúc nó lặp đi lặp lại những vòng lượn vẽ lên những cố gắng cuối cùng nhưng hết sức mãnh liệt để thoát khỏi sự bủa vây của ông lão cho đến lúc nó “mang cái chết trong mình, sực tỉnh, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ và vẻ đẹp, sức lực. Nó dường như treo lơ lửng trên không trung, phía trên ông lão và chiếc thuyền”. Con cá, dưới mắt của ông lão cũng dũng cảm kiên cường không kém gì đối thủ. Qua đó, ta thấy quan hệ giữa ông lão và con cá kiếm không chỉ là quan hệ giữa người đi săn và con mồi mà là quan hệ giữa người và “người” (con cá trở thành một “nhân vật” đối với ông lão).
Hình tượng con cá kiếm hàm chứa một ý nghĩa rộng lớn hơn, trừu tượng hơn: hình ảnh của ước mơ, của lý tưởng mà mỗi con người thường theo đuổi trong cuộc đời.

* Tóm lại: Ý nghĩa biểu tượng con cá kiếm

- Là hình ảnh của thiên nhiên đẹp đẽ, vĩ đại, kiêu hùng.
- Thiên ấy có mối quan hệ phức tạp với con người, có thể vừa là bạn vừa là đối thủ.
- Biểu tượng của ước mơ bình thường, giản dị và đẹp đẽ, cao cả mà mỗi con người đều từng theo đuổi ít nhất một lần trong đời.

Câu 6: Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của đoạn trích.

Hình ảnh ông lão đánh cá đơn độc, dũng cảm săn đuổi con cá kiếm là một biểu tượng về vẻ đẹp của ước mơ hành trình gian khổ của con người để biến ước mơ thành hiện thực.
Tác phẩm mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật Hemingway “viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người” nhưng hàm chứa nhiều tầng nghĩa rộng lớn, và là sự thể hiện sinh động nguyên lí sáng tác “tảng băng trôi”.

Câu 7
: Nguyên lí “tảng băng trôi” thể hiện qua nhân vật Xantiagô như thế nào?

- Phần nổi: Hành trình theo đuổi, chiến đấu để bắt con cá kiếm.

- Phần chìm:
· Hành trình theo đuổi và thực hiện ước mơ của con người.
· Hành trình khám phá vẻ đẹp và chinh phục thiên nhiên.
· Vượt qua thử thách ® thành công của con người là kết quả của sự cố gắng bền bỉ.
· Cần chinh phục thiên nhiên nhưng cũng xem thiên nhiên là bạn.
· Niềm tin vào chiến thắng và bản thân.
Sưu tầm
 
Tóm tắt đoạn trích Đương đầu với đàn cá dữ - Heminhgue

HƯỚNG DẪN

+ Cuộc chiến diễn ra trong đêm tối khi Xan-ti-a-gô đã kiệt sức bởi nhiều ngày đêm vật lộn với sóng gió và từng đàn cá mập hung dữ để giữ gìn con cá kiếm. Cuộc chiến coi như vô vọng, ông lão hoàn toàn đơn độc trước biển cả, trước từng đàn cá mập tấn công liên tục. Tuy vậy, ông lão không hề nhụt chí, ngược lại vẫn kiên cường đương đầu với chúng.

+ Khi vào tới bờ, ông mệt mỏi rả rời thì con cá kiếm chỉ còn trơ lại bộ xương.

Ý nghĩa đoạn trích:
ca ngợi ý chí kiên cường, không chịu khuất phục của con người trước khó khăn.
 
Ý nghĩa bao trùm đoạn trích Đương đầu với đàn cá dữ.

HƯỚNG DẪN

- Bằng nghệ thuật tương phản, Hueminhgue dựng lên một bức tranh sinh động về cuộc chiến đấu không cân sức của ông lạo và đàn cá mập hung dữ: Đàn cá mập tấn công dữ dội giành lấy con cá kiếm và sự chống trả quyết liệt của ông lão.

- Đây là cuộc chiến không cân sức, “vô vọng”, ông lã hoàn toàn đơn độc giữa biển cả, sức khỏe suy sụp. Toàn thân như căng ra, theo dõi, chống đỡ đàn cá mập đang tấn công dữ dội xác con cá kiếm.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top