LẼ SỐNG CHẾT Ở ĐỜI QUA VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC
1. Lẽ sống chết trong bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"
- Được thể hiện qua những câu sau:
+ Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
+ Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
+ Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.
Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.
- Nhận xét:
"Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu được viết để tế những nghĩa sĩ hi sinh trong trận tập kích đồn quân Pháp ở Cần Giuộc đêm 16-12-1861. Trong bối cảnh cuộc chiến đấu không cân sức những ngày đầu chống Pháp, khi toàn dân tộc đang quyết một lòng "thà chết vinh còn hơn sống nhục", sự hi sinh vì đại nghĩa này quả có sức cổ vũ và khích lệ to lớn. Với bài văn tế, lần đầu tiên trong nền văn học nước nhà, hình ảnh người nông dân đứng lên đánh giặc bảo vệ đất nước hiện lên sừng sững như một tượng đài nghệ thuật mang tính chất bi tráng về người nông dân yêu nước chống giặc ngoại xâm. Những câu văn tế trên đã thể hiện quan điểm của những người nghĩa sĩ nông dân, đồng thời cũng thể hiện quan điểm của ông cha ta về lẽ sống chết thời kì đầu kháng chiến chống Pháp – một nét vẽ không thể thiếu khi Nguyễn Đình Chiểu tạc nên bức tượng đài bất hủ ấy.
Quan niệm về cái sống, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: "Cái sống được cha ông ta quan niệm là không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục". Như vậy, người nghĩa sĩ nông dân không thể sống mà mang nỗi nhục, và theo Tây sẽ càng "buồn", càng "hổ" thêm mà thôi. Những con người ấy luôn "sống vinh", sống với một tinh thần yêu nước cao cả, với một lí tưởng xả thân giết giặc, tinh thần, ý chí chống kẻ thù , để rồi trở thành những người anh hùng dũng cảm sẵn sàng chiến đấu hy sinh về Tổ quốc. Và quan niệm về cái chết của họ cũng hết sức cao cả: cái chết để lại tiếng thơm muôn đời là cái chết vì đất nước, khi người nghĩa sĩ đã trả được gánh nợ nước non.
Với quan niệm “chết vinh còn hơn sống nhục”, hình ảnh người nông dân yêu nước hiện lên với những nét vẽ hoành tráng để tạo nên một tượng đài nghệ thuật hùng tráng. Hùng tráng vì đây là hành động của những người anh hùng vì nghĩa lớn. Hùng tráng vì ở lí tưởng tốt đẹp, phẩm chất cao cả của người nông dân. Hùng tráng vì nó được dựng lên trong một thời đại sóng gió, bão táp, trong những giờ phút nghiêm trọng sống còn của đất nước. Tượng đài, bia đá, nhiều khi còn bị hao mòn vì thời gian, vì con người phá hủy nhưng tượng đài nghệ thuật về những người chiến sĩ nông dân dựng lên trong lòng người thì bền vững, bất diệt. Họ đã trở thành những con người bất tử. Tưởng chừng cuộc chiến đấu anh dung của họ vẫn còn đang tiếp diễn cùng với sự nghiệp dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.”.
2. Từ nội dung trên bàn về lẽ sống chết ở đời:
Mình nghĩ nên làm theo 2 ý:
- Trong thời chiến: Sống, chiến đấu, làm việc, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc (dẫn chứng: lí tưởng sống của các anh bộ đội trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc)
- Trong thời bình: giữ vững sự bình yên cho đất nước, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
+ Đặc biệt chú ý lí tưởng sống của thanh niên trong thời đại hiện nay.
+ Chú ý liên hệ bản thân: rèn luyện cho bản thân một lối sống đẹp, sống có ích, để rồi “Khi ta sinh ra, mọi người cười, ta khóc. Hãy sống sao để khi chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười”.
Nguồn: diendankienthuc.net*