Hãy viết những lời yêu thương nhất của mình dành cho mẹ ở đây nhé!

pen

New member
Xu
0
HAPPY MOTHER'S DAY

Hình như tóc mẹ hoa răm,
Âm thầm dầm dãi bao năm nhọc nhằn.
Phương Xa con có nhớ chăng,
Phương này ngày tháng bao trăng mẹ chờ.
Yêu mẹ không phải phút thôi,
Tình người mẫu tử người ơi muôn đời.

Cái bài này viết hình như không được xuôn cho lắm :p. Nhưng Pen cũng kính dâng tặng không chỉ riêng mẹ Pen thôi mà tất cả các người mẹ không chỉ có ngày hôm nay mà mọi ngày luôn được các con thương yêu quý trọng và tìm được nhiều niềm vui ở bên gia đình.

Người Mẹ - diễn đàn Kiến thức.jpg

Mẹ của con.

Đối với các bạn đã xa mẹ vì lý do gì đó cũng xin đừng có buồn vì mẹ lúc nào cũng ở gần và luôn ở trong tâm của các bạn nếu như các bạn thật sự luôn nghĩ đến mẹ. :)
 
Tình Mẹ

Hãy dừng chân để nghĩ về người mẹ
Gạt bỏ phiền gạt lệ khóc vì yêu
Bởi bên ta mẹ lo lắng thật nhiều
Khi con trẻ đăm chiêu buồn vớ vẩn

Mẹ cứ bên luôn trông chừng cẩn thận
Sợ con thơ hụt hẩng vấp té đau
Con đau một mẹ gấp ngàn ai thấu
Hơn chính mình đã ghi dấu đau thương

Chẳng bao giờ mẹ kèo đòi phân hưởng
Dù sớm khuya vai vướng lắm gian nan
Lo cho con cho chồng không than oán
Nhìn họ cười mẹ mãn nguyện cùng vui

Và mẹ cũng chẳng bao giờ hờn tủi
Khi con thơ nông nỗi chẳng vâng theo
Vẫn nhỏ nhẹ vẫn luôn mãi nuông chìu
Và dang rộng đôi tay chờ đón mãi

Mẹ dấu yêu bao lần con nghĩ lại
Thấy giận mình vài lại thương mẹ hơn
Xin lỗi mẹ..bây giờ con khôn lớn
Con hiểu rồi...lòng mẹ thật bao la

Tình của mẹ biết thế nào diễn tả
Hơn sông dài hơn cả biển ngoài xa
Vạn bài thơ triệu đóa hồng cảm tạ
Cũng không bằng lời...thương mẹ..mẹ yêu

(Sưu tầm)
 
Mẹ ơi

Mẹ ơi !! xin lỗi Mẹ nhiều
Vì con năm tháng bao điều đắng cay..
Vì Con .. tóc bạc vai gầy
Sớm hôm tần tảo đắp xây gia đình
Cho Con tất cả niềm tin
Dẫn đưa con với ân tình bao la.....
 
Vắng Mẹ

Vắng Mẹ

Năm nay ngày lễ Mẫu Từ
Mẹ đà xa vắng giả từ thế gian
Lòng con ôi quá ngổn ngang
Như ngàn vết cắt như ngàn kim châm
Mẹ đang ngủ giấc trăm năm
Có hay con nhớ được nằm trên tay
Muốn được mẹ vuốt tóc dài
Mắng yêu con gái mãi hoài không thôi
Con giờ làm kẻ mồ côi
Làm sao tìm được một người mẹ yêu
Nhìn ảnh mẹ..nhớ thật nhiều
Chỉ đành gọi nhỏ mẹ yêu của mình

Ầu ơ

Dí dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẽo gập rình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời

Trước mặt con quảng đường đời
Xa mù thăm thẳm chẳng người giúp cho
Ngày nao có mẹ thương lo
Cùng bên dìu dắt dùm cho con khờ
Con chán ghét...cái chữ ngờ
Đã chia phân cách đôi bờ mẫu thân
Mẹ biết không ở cõi trần
Ba-con thật muốn được gần chung vui
Để bữa cơm thật đông người
Không như bốn đũa thiếu rồi.....đũa tư
Chủ nhật này...lễ Mẫu từ
Bên bàn thờ mẹ.....ưu tư...lệ trào
 
huhu... nghĩ cho cùng công lao cha mẹ không thể nào đền đáp nổi mà mình thì chưa làm đươc gì lớn lao làm cho cha mẹ vui lòng cả huhu...
 
um mình cũng nghĩ vậy, từ lúc nhỏ đến giờ chỉ toàn làm cho cha mẹ buồn, bây giờ lớn rồi suy nghĩ chín chắn hơn thấy mình thật sự có lỗi, không có nơi nào êm đềm hơn ở gia đình, không ai có thể bỏ qua tất cả lỗi lầm cho con cái như cha mẹ mình và còn rất nhiều nữa...

Hãy yêu thương, chăm sóc cha mẹ mình cũng như những người thân khác để mình không phải hối tiếc khi không còn có thể đền đáp được công ơn trời bể đó.

Hôm nay mình sẽ mua hoa tặng mẹ mình.
 
Con cái dành tình yêu cho mẹ

Ngày của mẹ (chủ nhật thứ hai của tháng 5) đang đến rất gần. Tuy là một ngày lễ xuất xứ từ phương Tây, nhưng những năm gần đây, người dân châu Á trong đó có Việt Nam đã biết đến ngày này nhiều hơn.
“Con yêu mẹ lắm”

Nhà biên kịch Đặng Thanh Bình (tác giả kịch bản phim Nữ bác sĩ và một số phim truyền hình khác) thổ lộ: “Bà mẹ nào cũng có ước muốn lớn nhất là con cái ngoan ngoãn và khỏe mạnh. Nhưng nếu chọn điều mong muốn nhất dành cho mình trong Ngày của mẹ, tôi mong được con cái quan tâm. Một năm với 364 ngày dành cho gia đình, tôi cũng muốn có 1 ngày dành riêng cho bản thân và được các thành viên gia đình quan tâm, chăm sóc. Điều quan tâm đó đôi khi nhỏ nhặt và đời thường thôi. Ví dụ như con gái ôm hôn và nói: Con yêu mẹ lắm. Chỉ cần thế thôi cũng là một niềm vui vì thường ngày rất khó để con mở miệng nói lên những lời tình cảm này. Hay chỉ cần một bó hoa tươi và một bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên cũng xem như là một dịp đặc biệt trong cuộc sống bận rộn như hiện nay.

"Ngày của mẹ năm nay tôi sẽ cùng con gái mình về thăm bà ngoại. Dường như từ lâu tôi đã quên mất cần phải thể hiện tình yêu của mình dành cho bà. Thực tế cuộc sống đôi khi khiến người ta vô tình quên đi những thứ quý giá xung quanh. Thường khi vui ít bao giờ nghĩ đến mẹ. Đến khi xảy ra nhiều thứ không may, con cái mới thấy được sự quý giá khi có mẹ ở trên đời. Ngày của mẹ cũng là dịp để con cái dừng lại, nghĩ đến mẹ của mình mà thể hiện tình yêu dành cho mẹ. Đó cũng là điều tôi nghiệm ra trong Ngày của mẹ năm nay”. Một bó hoa, một tấm thiệp, một quyển sách... dành tặng mẹ trong ngày này sẽ mang đến cho bậc sinh thành những niềm vui mà bạn không ngờ tới. Hãy làm mẹ bạn tự hào vì cách bạn thể hiện tình yêu dành cho mẹ.

Làm quà tặng mẹ

Chị Đỗ Quỳnh Hiên - Giám đốc điều hành Công ty quảng cáo Key Communication cho biết: “Tôi mong muốn đây là dịp nhận được quà tặng ngộ nghĩnh đáng yêu từ 2 đứa con trai. Tôi quan niệm, không phân biệt văn hóa phương Tây hay phương Đông, miễn là tập quán, phong tục hay thì mình học theo. Với gia đình chúng tôi, Ngày của mẹ là ngày lễ đặc biệt dành cho các bà mẹ. Thường là con cái sẽ tặng quà, các ông bố sẽ xuống bếp và các bà mẹ thì được một ngày hoàn toàn thư giãn, nghỉ ngơi... Năm nay tôi không biết các cháu có sáng tạo quà tặng gì cho mẹ. Nhưng với tôi, quà nào của hai đứa con cũng đáng yêu và giàu tình cảm biết bao”.

Với chị Trần Hoàng Thanh Thúy (P.Tân Thuận Đông, Q.7) thì: “Người Việt vốn giàu tình cảm, nhưng chưa “giàu” trong cách thể hiện. Chính vì thế, Ngày của mẹ cũng là dịp mỗi người VN làm phong phú hơn cách thể hiện tình cảm của mình đối với người mẹ kính yêu. Đơn cử, một cô con gái rất muốn tặng mẹ một bó hoa để thể hiện tình yêu của mình dành cho mẹ. Nhưng cô thường thấy ngượng và “sến sến” vì chưa quen với việc đó. Trong khi đó, bất kỳ người mẹ nào cũng sẽ hạnh phúc khi nhận được quà tặng từ con mình.

Tôi không thể quên được cái cảm giác lần đầu tiên được tặng quà trong Ngày của mẹ. Đó là năm 2008, đứa con 4 tuổi đã được cô giáo hướng dẫn làm thiệp tặng mẹ nhân dịp này. Bức tranh tự vẽ của cháu rất xấu. Nhưng thật lạ, trong ngày đặc biệt này, một người mẹ như tôi cảm thấy bức tranh càng xấu càng... dễ thương. Có lẽ vì tôi hiểu được con đã rất cố gắng và gửi gắm biết bao tình cảm yêu thương cho mẹ vào bức tranh này. Thật tốt nếu tất cả gia đình VN đều hưởng ứng Ngày của mẹ, đó là một cách tạo thêm “không gian hạnh phúc” trong gia đình. Tôi mong đến Ngày của mẹ, lại được nhận một bức tranh “xấu” của con trai”.
 
LÒNG MẸ
images581815_roses_traditional.jpg


Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không!
Nín đi! mặc áo ra chào họ
Rõ quí con tôi! Các chị trông!

Ương ương dở dở quá đi thôi!
Cô có còn thương đến chúng tôi
Thì đứng lên nào! lau nước mắt
Mình cô làm bận mấy mươi người.

Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương này lược này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai?

Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương!

Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi!
Con ạ! đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.

Theo Nguyễn Bính - Người Viễn Xứ
 
Em vừa sưu tầm được bài này, xin góp vui cùng các bác:

NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA...

nho%20me.jpg

Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào


Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò... sung chát đào chua...
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ... mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương

Tác giả: Nguyễn Duy
 
LỖI HẸN

Hôm nao cạn chén quan hà.
Chia tay giã biệt quê nhà xa xăm.
Tưởng là đi một đôi năm.
Nào dè chim cá bóng tăm mịt mờ.

Mẹ già mỏi mắt đợi chờ.
Vào ra trông ngóng từng giờ tin con.
Tháng ngày lòng Mẹ héo hon.
Lần tay tính lại đã tròn năm năm.

"Hình như Mẹ nhớ không nhầm "
"Ra đi con hẹn một năm con về "
Hoa Trang trong chậu ủ ê.
Chắc là cũng muốn con về thăm hoa.

Vườn cà luống cải sau nhà.
Cũng mong cũng đợi người xa mau về.
"Con đi có nhớ làng quê?"
Mẹ già ngồi đợi bên lề quạnh hiu...​
Hồng Sang​
 
Chiều nay, con đến ngôi chùa quen thuộc trong không khí đặc biệt của ngày Rằm tháng bảy - ngày lễ Báo hiếu Vu lan.

Con nhận ra trong dòng người tấp nập vào chùa có những người gài trên áo mình hoa hồng đỏ. Có những người khác, số này ít thôi, gài trên ngực áo mình một bông hồng trắng. Sau đó, con mới biết hoa hồng đỏ gài lên ngực áo những người vẫn còn mẹ. Còn hoa hồng trắng, là dành cho những ai không còn mẹ trên đời.

Ngày lễ Vu lan, con thấy hạnh phúc vì mình được gài lên ngực áo một bông hồng đỏ thắm. Con nghĩ rằng, mình phải cảm ơn cuộc đời vì điều đó:

- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để mỗi sớm mai thức dậy , con được thấy khói ấm trong nhà, cơm thơm trên bếp. Con ngồi vào bàn ăn, cùng mẹ cảm nhận một ngày mới đang đến, cảm nhận tia nắng ban mai đang chiếu sáng ấm áp ngoài khung cửa sổ nhà mình.

- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để mỗi buổi tan học về, con được nhìn dáng mẹ chờ con trên bậc cửa. Con được mẹ đợi chờ bên mâm cơm còn úp lồng bàn. Đã bao lần, con nhắc mẹ cứ ăn cơm trước đi, nếu như con có đi học thêm ca ba mà về muộn. Song, mẹ không bao giờ ăn cơm trước. Mẹ đợi con về, mẹ xới cho con từng bát cơm, gắp cho con từng gắp rau, miếng thịt. Mắt mẹ nhìn con ăn, thăm thẳm thương yêu.

- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để con còn biết sợ mỗi khi làm điều gì sai quấy. Con không dám nói dối, vì con sợ mẹ mất lòng tin nơi con. Con không nói được một câu hỗn hào, vì con sợ trái tim mẹ sẽ buồn mà tan thành nước. Con không dám đi chơi về mụôn, vì con sợ mẹ sốt ruột, lo lắng. Con không dám gục ngã, vì sợ mẹ sẽ nghĩ rằng con của mẹ yếu mềm.

- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để con biết mình cần phải cố gắng vươn lên. Con nhớ, cái lần con nhận được giấy báo vào đại học, mắt mẹ đã long lanh vì quá vui mừng. Nhìn vào ánh mắt ấy, con đã tự nhủ: “Mẹ ơi, dù có phải phấn đấu đến đâu đi chăng nữa, chỉ cần thấy ánh mắt mẹ vui thế kia thì con cũng không bao giờ ngại ngần”. Con nhớ, mẹ đã từng nói: “Đời mẹ học hành chưa được bằng người, con phải cố học để hơn mẹ nhé!”. Vâng, bây giờ thì con đang học vì lẽ đó, mẹ ạ!

- Cảm ơn cuộc đời đã cho con còn mẹ, để khi nào mỏi mệt, thấy trái tim mình trống rỗng và hoang hoải thì con vẫn có nơi để tìm về. Những năm tháng đi học xa nhà, con đã hiểu thấu thế nào là nỗi cô đơn của một đứa con không đựoc ở bên những người mà nó thương yêu nhất. Có nhiều lúc con cũng thấy bàn chân mình không muốn bước, thấy bao nhiêu quyết tâm của mình đi đâu mất cả. Chỉ cần trở về bên mẹ, ăn miếng cơm nhà, ngủ một giấc thật sâu trong căn phòng của mẹ là tất cả những lo âu trong con lắng lại. Con thấy tim mình bình yên.

* * *

Đôi lúc, con không nhận ra mẹ quan trọng như thế nào trong cuộc sống của mình, không biết rằng còn mẹ trên đời là niềm hạnh phúc lớn lao nếu so với những người không còn mẹ. Gài lên ngực áo mình một đoá hồng đỏ thắm, bờ môi con rưng rưng nói chẳng nên lời. Con muốn nói với mẹ: “Con yêu mẹ nhiều lắm, mẹ ơi!”.

Mai Hà Uyên
 
Mẹ của con!

Con xa nhà mới đó đã gần hai năm. Nỗi nhớ nhà se sắt tim con. Ngày ra đi mẹ chỉ dặn rằng: “con đi gắng học cho tốt, việc ở nhà đã có mẹ lo!”.

Ngày còn bé, lúc chưa biết gì con hay khóc đòi mẹ vì mẹ chẳng chịu ở nhà chơi với con cứ ra đồng mãi để con một mình với chị. Tối đến, mặc dù vất vả cả ngày mẹ vẫn hát cho con nghe, quạt cho con ngủ. Mẹ luôn ấp yêu con bằng vòng tay ấm nồng trìu mến. Mùi mồ hôi trộn lẫn mùi rơm rạ và mùi bùn trên vai áo mẹ theo con vào cả những giấc mơ. Mẹ gánh vác tất cả không tiếc hi sinh cả cuộc đời để đổi lấy cho con mọi điều tốt đẹp.

Mỗi sáng con đi học là mỗi lần mẹ dậy sớm nấu cơm vì không có tiền cho con ăn sáng. Chiếc áo trắng cũ kỹ không làm con mặc cảm khi đến trường vì con hiểu rằng tình thương bao la của mẹ đã mang vào từng đường kim mũi chỉ. Dù không nói ra nhưng tự sâu thẳm lòng mình con thầm cảm ơn mẹ, con vẫn biết rằng con yêu mẹ nhất trên đời!

Rồi con lớn khôn hơn, mái tóc mẹ điểm sương thêm nhiều, dáng mẹ cũng gầy hơn vì năm tháng. Con sợ không còn được nhìn thấy mẹ thức khuya vá áo, sợ mẹ sẽ không dậy sớm nổi nữa mỗi sáng con đến lớp… Dẫu biết thời gian là kẻ mạnh nhất, dẫu biết hợp tan là qui luật của đất trời nhưng con vẫn nguyện cầu mẹ ở mãi bên con, con muốn được gánh bớt những nhọc nhằn còn nặng oằn trên đôi vai mềm yếu.

Nhà mình nghèo, ba hay bị bệnh nên không làm gì được nên chỉ mình mẹ gánh vác cả gia đình trên đôi vai mềm yếu. Nhất là từ khi con vào đại học cuộc sống nhà mình càng khó khăn hơn, vai mẹ lại thêm một gánh nặng vô hình. Con thầm trách mình không giúp gì được cho mẹ bớt khổ suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Tim con nghẹn lại, con không muốn rời xa mẹ. Con không muốn cầm số tiền ấy, mẹ nói là tiền dành dụm nhưng con biết đó là số tiền mẹ bán nữ trang của mình mà có. Con không khóc nhưng sao nước mắt cứ tuôn dài… Trước kia ở nhà con còn phụ giúp mẹ được chút ít, nay con đi rồi biết ai đỡ đần thay mẹ những việc nặng nhọc đây!

Đi học xa nhà ít lần được về quê, nỗi nhớ nhà nhớ mẹ cứ đau đáu khôn nguôi. Chiều nay cơn gió giao mùa lại tràn về làm se thắt tim con. Giờ này ở quê chắc mẹ lại đau khắp mình vì căn bệnh phong thắp quái ác. Bỗng dưng con muốn được về ngay bên mẹ, được sà vào lòng mẹ như ngày còn bé, bỗng dưng nghe lòng quặn lại! Khói lam chiều làm sống mũi cay xè hay nước mắt cay cay…

Tương Phong
 
Thư gửi cô giáo dạy Văn

Cô ơi, khi em viết những dòng này, hẳn cô không còn nhớ em là ai nữa. Cô từng nói, người giáo viên như một lái đò, suốt cuộc đời chở bao thế hệ học trò qua sông.


Em luôn nhớ đến cô, và nhất là hôm nay, em phải viết điều này để thay cô bênh vực môn Văn, bênh vực cách dạy và học Văn của cô trò mình. Cô cho phép em cô nhé!

Cuộc đời dạy Văn của cô hẳn không thiếu những lần nhìn thấy học trò xoa nắn cổ tay vì đau nhức do phải chép quá nhiều. Hẳn không thiếu những lần cô nghe học trò, và bây giờ là cả một bộ phận người đời, than thở rằng thứ văn chương nhà trường chỉ là đọc chép, vô hồn và giết chết học sinh... Xin lỗi cô, em cũng từng thấy mệt mỏi khi cứ mỗi buổi học Văn là lại phải chép bài không ngừng nghỉ, mồ hôi em chảy xuống trang vở không kịp lau, nhoè cả nét mực chưa khô...


Nhưng em lớn lên, em hiểu, nỗi nhọc nhằn của một buổi chép bài đâu có thấm gì so với nỗi nhọc nhằn của những người nông dân đang còng lưng trên cánh đồng lúa chín, đâu có thấm gì so với nỗi nhọc nhắn của những tiếng rao đêm. Nhờ những bài văn cô dạy, mà hôm nay em được ngồi trên giảng đường Đại học, ngày mai em ra trường, ngồi làm việc trong phòng máy lạnh, có xe đón xe đưa. Thưa cô, em thật lòng phải cảm ơn cô vì những bài văn cô đọc cho em chép ngày xưa ấy...

Khi em hỏi cô, tại sao em không được viết những điều mình thích, không được tự do sáng tạo mà phải nhất nhất tuân theo những khuôn mẫu có trước. Cô trả lời rồi sau này em sẽ hiểu. Vâng bây giờ em đã hiểu. Bài văn của cô ngày xưa là phôi thai của những luận văn, luận án ngày sau. Phải biết viết một bài văn với đủ ba phần, chặt chẽ và mạch lạc mới mong viết được một công trình khoa học có đầu có cuối, có các ý rõ ràng, có kết cấu hoàn chỉnh. Nếu không có những bài văn cô rèn luyện ngày trước, bây giờ em không tin mình viết được một chương khoá luận đâu cô ạ. Em một lần nữa chân thành cảm ơn cô...

Thưa cô, em còn nghiệm ra cách dạy Văn của cô cũng là dạy em cách sống. Chỉ khi lớn lên em mới thấm thía rằng, không phải lúc nào cũng có thể nói lên những điều mình nghĩ. Em nhớ lại câu thơ trong bài "Tiếng chổi tre":

Chị lao công như sắt như đồng,
Chị lao công đêm đông quét rác

Cô bảo, hình ảnh "như sắt như đồng" là sáo mòn nhưng trong bài văn không nên nói vậy. Cô dạy em viết rằng "dù sáo mòn nhưng vẫn rất mới lạ, bởi lần đầu tiên một nhà thơ đem so sánh người phụ nữ vốn mỏng manh, yếu đuối với biểu tượng của sự mạnh mẽ, rắn rỏi - như sắt như đồng". Em chép và cũng không bận tâm chuyện nói giảm, nói tránh đó nữa. Nhưng hôm qua, một người chị của em đã phải rời vị trí trong công ty, bởi chị thẳng thắn nói với Giám đốc trước mặt mọi người rằng - "Anh làm thế là sai rồi!". Đúng là anh đã sai, nhưng có lẽ chị không được học cô để biết cách nói nhẹ nhàng hơn và kín đáo - "Em nghĩ có thể có hướng giải quyết tốt hơn". Có ai trên đời muốn bị mất mặt đâu. Nhờ có cô, em đã thận trọng hơn khi làm mọi chuyện.



Có thể văn chương nhà trường dạy em nói dối, nhưng em tin như thế là cần thiết. Không ai trong đời mình hoàn toàn nói thật. Đôi khi lời nói dối sẽ dễ nghe hơn những lời nói thật ngây ngô. Càng tiếp xúc với cuộc đời em càng thấy điều đó là cần thiết. Em chợt nhớ khi xưa, em tả mẹ trong bài văn -"mẹ em mặt vuông chữ điền". Cô mỉm cười và chữa lại cho em -" Mẹ em có gương mặt trái xoan". Em không hiểu - "Nhưng mẹ em không có gương mặt trái xoan!", cô nhẹ nhàng: "Văn chương phải như thế!". Thưa cô, không chỉ văn chương cần như thế mà cuộc sống cũng cần như thế. Em không nghĩ rằng em có thể quên bài học của cô để nhìn thẳng vào khuôn mặt một bạn gái và nói rằng - "Mặt bạn nhiều mụn quá". Thưa cô, em đã nhớ, cái đẹp là điều người phụ nữ nào cũng mong được người khác nhận thấy ở mình...

Không biết cô có buồn không, khi đọc những bài văn của học trò hôm nay, viết rất "sáng tạo". Hẳn những học trò đó cũng ấp ủ nỗi niềm về một môn Văn khuôn thước, ước lệ. Nhưng nhiều bài văn "sáng tạo" đến ngô nghê làm cho người đọc vừa cười vừa khóc - lại thêm trách cứ cách dạy văn ở trường. Em nghĩ, việc dạy dỗ văn chương của cô có thể đã cũ về phương pháp, nhưng điều em học được là nhận thức cơ bản về vấn đề. Những ai muốn sáng tạo, muốn bình luận thêm về tác phẩm thì cần phải hiểu cơ bản về nó, chứ không phải chỉ bịt tai không nghe giảng, để rồi phát biểu sáng tạo, sáng tạo đến mức xúc phạm tác giả, lịch sử và văn chương.

Có lần cô hỏi em, có định sống bằng nghề văn không, em lắc đầu! Cô mỉm cười, vậy em chỉ cần viết thế thôi. Em hiểu, Văn học cô dạy em là để làm công cụ cho cuộc sống. Em chỉ cần dùng văn chương để giúp em sống dễ dàng hơn. Em đâu có định trở thành nhà văn mà đòi hỏi cô trao cho em quá nhiều. Em đã hiểu, để thành công trên đường đời, chỉ nên giữ cho mình những kỹ năng cần thiết và loại bỏ những thứ không hữu ích - có thể như thế là thực dụng, song đó là sự thật.

Cô và môn Văn đã trao cho em quá đủ - đủ để em không quá khô khan trước cuộc đời, không quá nông cạn trong suy nghĩ. Và cũng đủ để em viết những dòng này như một lời tri ân gửi đến cô...


Theo Ngôi sao
 
Mẹ!

Chẳng ai trong chúng ta sinh ra mà không có mẹ cả. Dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, khiến cách cảm nhận về mẹ, cách yêu mẹ khác nhau nhưng mẹ có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người thì không khác...


Mẹ! Ôi sao da diết đến thế và thiêng liêng quá đỗi. Có người vừa mới sinh ra đã không còn mẹ, có người có mẹ nhưng mẹ rời xa vì một lý do nào đó, và có người đang tận hưởng những khoảng khắc hạnh phúc được sống bên mẹ... nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mẹ vẫn hiện diện trong sâu thẳm con tim mỗi người, theo một cách riêng nào đó!

Với tôi thì sao nhỉ? "Mẹ, mẹ ơi!" - tôi thường gọi như vậy mỗi khi tôi cần mẹ, mỗi khi trong lòng tôi dâng trào những yêu thương về mẹ. Tôi gọi khi thấy con tim mình đau đớn vì một điều gì đó, và có lúc tôi gọi như một quán tính cần có của một đứa trẻ mặc dù tôi đã lớn...

Mẹ tôi chẳng có gì đặc biệt, mẹ không có nhiều tiền, không phải người có địa vị cao trong xă hội, mẹ không đẹp như "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh" mà Nguyễn Du đã miêu tả Thuý Kiều... nhưng tôi thấy mẹ có nhiều thứ lắm! Mẹ có nhiều nước mắt để rơi khi tôi ốm đau, mẹ có nhiều sợi tóc bạc vì những năm tháng tảo tần nuôi tôi khôn lớn. Mẹ có nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt vì những lo toan đan xen trong giấc ngủ, mẹ có nhiều vết chai rạn trên đôi bàn tay của mình vì những đứa con bé bỏng cần mẹ chăm sóc. Mẹ có một con tim bao la đến nỗi sự ngỗ ngược của tôi không làm mẹ yêu tôi ít đi...


Ôi! Làm sao tôi có thể nói hết những gì mà mẹ có trong tim tôi cơ chứ, chẳng phải vì thế mà có câu "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào" đó sao? Với tôi thì không! Không phải là một cái biển "Thái Bình" cũng chẳng phải... hai cái mà "lòng mẹ bao la như cả "triệu triệu cái biển Thái Bình" đó chứ.

Trong cuộc sống này đã có lúc nào mỗi người chúng ta tự hỏi mình: "Tôi đã quan tâm đến mẹ một cách đúng nghĩa chưa? Tôi có nhớ đến ngày sinh nhật của mẹ không? Mẹ thích ăn những món gì nhỉ?...". Những điều hết sức đơn giản thôi nhưng vô tình hay cố ý mà chúng ta không nhớ đến. Chúng ta thường đổ lỗi cho cuộc sống quá nhiều bận rộn, bận rộn vì công ăn việc làm, bận rộn vì viêc học tập, bận rộn vì những dự án cho tương lai... và chỉ biết nói những câu đại loại như: ".... tại vì... bởi thì... vì vậy... do đó... cho nên... thành thử ra..." để biện hộ cho chính mình, biện hộ cho cái lý do mà ta gọi là "quên".

Mẹ thì sao? Mẹ nhớ rất rõ cái cách ta khóc khi vừa mới chào đời, cách ta ngủ khi vừa mới bú no, cách ta nhõng nhẽo khi ngày đầu tiên đến trường. Mẹ nhớ rõ nụ cười rạng rỡ của ta khi tốt nghiệp cấp ba, mẹ không quên ta hạnh phúc như thế nào khi ta đậu đại học... Có gì khiến mẹ nhớ cho bằng khuôn mặt đầy mãn nguyện của ta khi tìm được một công việc mà ta vừa ý, mẹ biết ta thích màu gì và ăn những món gì?...

Nếu ai nói đây là những điều hiển nhiên mà bất cứ một người mẹ nào cũng có, hoàn toàn không sai nhưng ta không tự hỏi rằng mẹ làm điều đó vì lý do gì? Vì mẹ yêu ta! Vậy nếu ta yêu mẹ, sao ta không bỏ cả cuộc đời này để làm những điều hiển nhiên cần có của một người con đi? Hay ta có hàng giờ ngồi trong quán café với đối tác làm ăn, nhưng không có thời gian gọi cho mẹ môt cuộc điện thoại để hỏi xem mẹ có khoẻ không? Ta có cả ngày ngồi tụm ba tụm bảy với lũ bạn thế mà không có thời gian để ngồi trò chuyện với mẹ, để biết rằng mẹ cảm thấy cô đơn nhu thế nào khi ai cũng có công việc của mình còn mẹ ở nhà đối diện với bốn bức tường. Ta rảnh rỗi hàng giờ để đi shopping nhưng lại không có thời gian để ăn với mẹ một bữa cơm cuối tuần mà mẹ đã chuẩn bị bằng hết cả sự quan tâm và yêu thương.

Thế đấy! Có những sự ích kỷ mà đôi khi làm chúng ta quên mất điều cần làm đối với mẹ, nhưng mẹ nào có trách móc gì cơ chứ! Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, mẹ thì vẫn cứ lặng lẽ yêu thương, quan tâm chăm sóc mỗi thành viên trong gia đình không ngừng, còn ta thì vẫn cứ lặng lẽ vô tâm và ích kỷ như vậy đấy.

Tự nhiên mắt tôi cay cay, chẳng phải vì bụi bay vào mắt hay một lý do nào khác, mà vì tôi đang khóc, tôi khóc vì tôi thấy mình từng vô tâm với mẹ đến thế. Tôi khóc vì tôi thấy mình ích kỷ với mẹ như vậy và tôi khóc vì tôi biết rằng chẳng bao giờ tôi yêu mẹ cho đủ trước tình yêu quá đỗi bao la của mẹ.

Ôi! Hai mươi bốn tuổi rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy màu nào đẹp cho bằng màu tóc bạc của mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy đôi mắt nào sâu thẳm yêu thương như đôi mắt của mẹ, chưa bao giờ tôi thấy hình dáng hao gầy nào mang đầy hy sinh như của mẹ... Một ngày nào đó trong cuộc sống này tôi cũng sẽ làm mẹ, tôi muốm mình trở thành một người mẹ giống như mẹ của tôi, như mẹ của anh, mẹ của chị, mẹ của em và như mẹ của tất cả mọi người. Bởi tôi biết rằng như vậy tôi sẽ trở thành một người mẹ vĩ đại lắm!

Từ tận sâu thẳm con tim mình, tôi muốn nói với mẹ của tôi, của anh, của chị, của em, với mẹ của tất cả mọi người rằng: "Con yêu mẹ! Yêu mẹ nhiều lắm mẹ ơi!".

Vài nét về blogger:

Có những tình yêu mà không cần phải nói thành lời. Nhưng hãy cho phép mình nói với mẹ rằng: "Con yêu mẹ" bởi một ngày nào đó trong cuộc sống này ta sẽ hối hận vì mẹ không nghe được điều ta muốn nói!
 
Thư của mẹ gửi con

Vì sao hôm qua mẹ đánh đòn con? Chắc chắn không bao giờ mẹ muốn đánh con trai yêu của mẹ, nhưng...

Con có biết gần đây nỗi lo lắng cứ bất chợt ập đến với mẹ. Lần đầu tiên mẹ đích thân và có toàn quyền trong việc nuôi dạy một em bé... và mẹ hoàn toàn chẳng có kinh nghiệm gì cả (ngoài một mớ lý thuyết cóp nhặt từ sách báo).

Tất cả mọi biểu hiện của con đều khiến mẹ suy nghĩ, có thể là vui mừng khi thấy con khôn lớn từng ngày, có thể là buồn bã khi thấy một hành vi không tốt của con. Mỗi ngày trôi qua đem lại cho mẹ hàng loạt các câu hỏi "vì sao?": vì sao hôm nay con chán ăn? Vì sao gần đây con hay ăn vạ, khóc lóc ầm ĩ để đạt được mục đích? Vì sao tối nay con ném cả cái ô tô đồ chơi to là thế, nặng là thế vào đầu bác?

Vì sao chiều qua con ném cái điện thoại vào mặt mẹ? Vì sao dạo này con có biểu hiện tranh giành đồ chơi và hầu hết mọi thứ với mọi người? Vì sao con lại ương bướng đến thế? Vì sao con đang có xu hướng bắt nạt người khác?

Vì sao có những lúc đang chơi vui vẻ thì con thẳng tay tát vào mặt mọi người? Vì sao con tát bác đến ù tai? Con hãy nhớ ngày hôm trước khi nhà mình có khách, con bị cô bé lớn hơn con một tuổi đánh thật mạnh vào mặt vì tranh giành đồ chơi, cảm giác của con lúc ấy thế nào và cảm giác của mẹ lúc ấy thế nào?

Con có biết lúc sau mẹ lén lau đi vết rỉ máu từ mũi của con mà mẹ xót ruột muốn khóc. Khi con định đánh ai, con hãy nhớ cảm giác của con và của bố mẹ khi con bị người khác đánh. Khi con định tranh giành cái gì đó với ai, con hãy nghĩ đến hậu quả và tỏ ra biết nhường nhịn.

Con có biết những em bé lang thang ngoài đường phố đang tím tái cả người vì rét và đang cần một bữa ăn và áo ấm? Còn con sẵn sàng khóc tím tái cả mặt mũi, khóc đến nôn hết cả số thức ăn mà mẹ kiên nhẫn ngồi xúc cho con tầm chiều...

Con khóc chỉ vì không được xem đúng kênh hoạt hình mà con ưa thích; chỉ vì bác không đưa điện thoại cho con (trong khi bác đang cần nói chuyện điện thoại với người khác); con khóc chỉ vì những điều nhỏ nhặt nhất.

Con có biết lúc buộc phải đánh con là lúc ấy mẹ đã mất hết cả kiên nhẫn, mất hết cả sự tự tin rằng mẹ có thể nuôi dạy con thành một đứa bé ngoan và tốt bụng; ấy là lúc mẹ đang muốn khóc theo con; là lúc mẹ muốn con ra ôm mẹ và nói "xin lỗi mẹ"; là lúc mẹ cần sự an ủi, sự âu yếm từ con... Nhưng hãy xem phản ứng của con sau khi bị mẹ trách phạt? Con hét lên ầm ĩ, nước mắt tràn lan, môi tím ngắt lại và sau đó là lén lườm mẹ, đẩy mẹ ra khi mẹ muốn ôm con để tha lỗi cho con.

Minh Phong yêu nhất đời của mẹ!
Đôi lúc lỗi cũng là ở mẹ quá nóng tính, mẹ không thể chấp nhận bất kì sai lầm nào của con, những sai lầm mà có thể khi bằng tuổi con thì mẹ cũng mắc phải. Mẹ biết con của mẹ mới chỉ có 2 tuổi, còn quá non nớt để nhận thức mọi chuyện và phần lớn hành vi ứng xử của con là bồng bột và tự nhiên. Nhưng nếu không trách phạt con thì mẹ sợ sự vô thức đó sẽ dần trở thành thói quen của con, con sẽ lớn lên hoang dại và có thể sẽ thành đứa bé không ngoan.

Mẹ thà chết còn hơn ngồi đó nhìn thấy con thành đứa bé hư. Khi lớn lên con sẽ hiểu con là một đứa trẻ may mắn và hạnh phúc. Con được sinh ra và lớn lên trong tình thương yêu của cả gia đình và họ hàng nội ngoại. Với bên nội, bên ngoại của mẹ thì con là chắt, là cháu đầu tiên. Mọi sự quan tâm đổ dồn vào con. Mọi thứ tốt nhất là dành cho con. Mọi thứ đối với con lúc khởi đầu là hoàn toàn đầy đủ. Và đương nhiên mọi người cũng hi vọng nhiều ở con, muốn con lớn lên sẽ là em bé ngoan, sẽ học giỏi, sẽ thành đạt, sẽ là một người giàu tình thương.

Con có biết nhiều trẻ em nghèo khổ chỉ mong có đủ cơm ăn áo mặc? Con có biết bộ quần áo con mặc, đôi giày con đi, món đồ chơi con chơi, hộp sữa con uống là bằng mức thu nhập mơ ước cả tháng của người lao động nghèo? Con có biết tại sao khi có bạn bằng tuổi con đến nhà chơi là mẹ yêu cầu con phải nhường đồ chơi cho bạn, thậm chí là tặng bạn đồ chơi để bạn mang về?

Mẹ muốn con rộng rãi, hào phóng và "thảo" với mọi người; mẹ không muốn con trở thành kẻ ích kỉ chỉ biết bản thân. Con có biết tại sao mẹ luôn yêu cầu con đích thân cầm đồ chơi của mình đưa cho bạn; tại sao mẹ bảo con ra ôm hôn và dỗ dành các em bé nhỏ tuổi hơn con? Con hãy nghĩ đến một ngày con sẽ có thêm một cô em gái hoặc một cậu em trai, lúc ấy con sẽ làm gì?

Con sẽ thương yêu em như bố mẹ yêu con hay con sẽ đánh em, tranh giành mọi thứ với em con? Con sẽ thương bố mẹ vất vả làm việc và chăm sóc con hay con sẽ trách bố mẹ ít quan tâm đến con? Con sẽ chăm chỉ học hành để đáp lại sự hi vọng của bố mẹ hay con sẽ ham chơi?
Mẹ cảm thấy bối rối quá... Mọi suy nghĩ cứ đan xen lẫn lộn.

Mẹ nhớ lại ngày con chào đời, con đến với mẹ bằng tiếng thở dài, tiếng thở dài từ một đứa trẻ sơ sinh đã khiến cô hộ sinh không nín được cười. Mẹ nhớ lại lần đầu tiên con chớp mắt, con cười với mẹ khiến mẹ lâng lâng vui sướng, nụ cười tươi rói của con như ánh nắng mặt trời đi thẳng vào tim mẹ, làm mẹ mừng đến rơm rớm nước mắt. Và mỗi lần nghĩ lại ngày đầu mẹ con mình gặp nhau thì mẹ đều xúc động nghẹn ngào.

Mẹ nhớ ngày đầu tiên con cười thành tiếng, giòn tan... mẹ gọi điện cho bố về ngay để nghe tiếng con cười, nhưng bố về trêu mãi mà con chẳng cười thành tiếng. Mẹ nhớ cả niềm vui hồn nhiên của bố mẹ khi mẹ khoe với bố là sáng nay sau khi bố đi làm thì con yêu đã đi ị đươc (con bị táo mấy ngày rồi đấy, làm mẹ lo chết đi được), và bố đã nhắn lại "chúc mừng hai mẹ con! Bố rất mừng khi con đã ị được!"

Thật buồn cười phải không con? Trước khi có con, mẹ chẳng thể nào nghĩ chuyện con cười, con khóc, chuyện con ăn, hay không ăn, chuyện con tắm gội, chuyện con đi tè đi ị... lại mang lại cho bố mẹ nhiều cảm xúc đến thế!

Mẹ nhớ đến ngày con biết thơm má mẹ, con biết giơ bàn tay thơm tho bé xíu xiu vẫy vẫy và nói "bai bai" bằng cái giọng non nớt ngọng nghịu. Mẹ sung sướng đến lịm người khi con vuốt má và nói "yêu mẹ...".

Mẹ ước gì mẹ chẳng bao giờ phải trách mắng con bởi vì điều ấy gây cho mẹ nỗi buồn to lớn gấp nhiều lần niềm vui và hạnh phúc khi mẹ có con trong đời. Mẹ ước gì con sẽ mau khôn lớn, con sẽ đọc được những dòng chữ này và hiểu được mẹ yêu con đến nhường nào? Lúc ấy con sẽ chẳng giận mẹ, chẳng lườm mẹ và không đẩy mẹ ra khi mẹ muốn âu yếm con phải không?

Mẹ ước đến ngày con khôn lớn, con trưởng thành và trở thành một người tốt, lúc ấy con sẽ làm cuộc sống của mẹ toàn niềm vui và kể từ đó ánh mặt trời sẽ luôn chiếu sáng cuộc đời mẹ.

Phong yêu ạ! Chắc chắn là khi khôn lớn, con biết đọc biết viết thì con sẽ đọc được bức thư này của mẹ. Lúc ấy mẹ mong con sẽ luôn hiểu mẹ, hiểu được bố mẹ và mọi người xung quanh đã chăm sóc và yêu thương con đến mức nào.

Và mẹ mong rằng con sẽ luôn có thái độ cư xử đúng mực với mọi người.

(Blog Minh Phong/ngoisao.net)
 
Buồn ơi, ta xin chào mi

Bây giờ đi đâu cũng gặp nỗi buồn. Nói chuyện tán gẫu với bạn, buồn. Đến cơ quan làm việc, buồn. Đến lớp học buổi tối, buồn. Lên mạng đọc blog, buồn. Đọc truyện, buồn. Quái, ở đâu ra mà nỗi buồn nhiều thế nhỉ?

Thật lạ là nỗi buồn thống trị những người trẻ, những người còn rất nhiều thứ ở phía trước và chưa mất gì nhiều ở phía sau. Tuổi trẻ, tương lai, cuộc sống... tất cả đều không thể mang lại cho những người trẻ sự yên bình trong tâm hồn.

Mới gần đây thôi, đọc tiểu thuyết của một cô gái trẻ, thấy nỗi buồn lớn đến mức đủ sức đè chết người. Từ những dòng đầu tiên cho đến dấu chấm cuối cùng, chỉ thấy nỗi buồn. Đọc xong thấy người cứ lơ mơ, liêu xiêu như say. Chắc là say nỗi buồn.

Sáng nay đọc blog của một loạt "thanh niên thế hệ @" lại gặp nỗi buồn. Nỗi buồn hẫng cả người, mất hoàn toàn sự cân bằng vào cuộc sống. Chẳng rõ những người đồng trang lứa với mình, nỗi buồn khởi nguồn từ đâu? Nhớ một bài báo phân tích: nỗi buồn của lớp trẻ giống như thứ đồ trang sức. Người ta buồn chẳng có lý do, thích là buồn thôi. Nhận định đó có vẻ không hoàn toàn chính xác.

Càng ngày càng nhận ra nhạy cảm quá là một nhược điểm. Nhạy cảm quá làm con người dễ trở nên yếu đuối, dễ tổn thương và vì thế mà sinh ra nỗi buồn. Những người thuộc thế hệ mình đa phần đều nhạy cảm. Và đó là nguyên nhân lớn nhất sinh ra nỗi buồn.

Nhưng vì sao những người trẻ lại nhạy cảm đến thế?

Lớn lên trong gia đình yên ấm, tình cảm và sự nâng niu chiều chuộng của bố mẹ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Học văn từ bé, những vần thơ, trang truyện làm giàu tâm hồn chúng ta. Thành công từ nhỏ, những kết quả và những lời chúc mừng bủa vây và tất cả làm nên một tấm áo lấp lánh nhưng vô cùng mỏng manh. Tấm áo bằng thuỷ tinh màu không giống như chiếc giáp sắt. Nó sẽ vỡ tan ngay khi va chạm với vật đối chọi đầu tiên.

Và vật va chạm ấy đã đến vào ngày đầu những người trẻ tiếp xúc chính thức với xã hội, thời điểm bước chân vào trường đại học. Môi trường hoàn toàn mới, cũng phức tạp và nhiều va vấp. Các cậu ấm, cô chiêu phải tự tìm ra cách thích ứng.

Nhưng khốn khổ thay (dùng từ này có chính xác không nhỉ), thời đại học vẫn còn bình yên quá. Thành công nối tiếp thành công. Năng lực được khẳng định. Thầy cô yêu quý, cưng chiều những đứa con giỏi giang và xinh đẹp. Màu hồng vẫn là gam màu chủ đạo. Có khi còn pha chút màu vàng kiêu hãnh về bản thân nữa. Mà sự pha trộn mức độ hai sắc màu này là tuỳ từng người nữa nhé.

Những năm tháng đại học trôi qua, người ta đối mặt trực tiếp với cuộc đời. Bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu, gia đình... vô vàn những mối quan hệ, những vấn đề cần giải quyết. Người trẻ vẫn có năng lực, vẫn mặc tấm áo có hai màu hồng và vàng. Tấm áo ấy bao bọc cho sự nhạy cảm của chúng ta.

Nhưng khốn khổ thay, ngoài đời lại có quá nhiều thứ bay ngược chiều, hoặc xiên chéo va vào tấm áo mỏng manh ấy. Một hạt bụi, một viên cuội hay cả một quả cầu lửa, tất cả đều nhằm vào tấm áo của chúng ta. Hay chính tấm áo của chúng ta là miếng nam châm hút những vật ấy lao đến nhanh hơn, mạnh hơn. Sự va chạm, dù là nhẹ nhất vẫn gây ra thương tổn nặng nề.

Nỗi buồn ra đời từ đó.

Thất bại, không phải trong công việc, mà trong cách xử lý các thứ lòng vòng liên quan đến công việc khiến tấm áo bị vỡ một chút.
Thất bại trong tình cảm, không phải là sụp đổ ghê gớm gì mà là sự ve vuốt tự ái không được như mong muốn lại khiến tấm áo vỡ lần thứ hai.
Cứ như thế, tấm áo lộng lẫy vỡ dần từng mảng, để lộ thân hình yếu đuối vì nhạy cảm.

Từng ngày, từng giờ, hạt bụi và cả viên cuội vẫn đang mài mòn tấm áo lộng lẫy được chúng ta khoác từ những ngày thơ bé. Như thai nhi sắp đến ngày ra khỏi lòng mẹ bình yên để đến với cuộc đời. Chẳng có thai nhi nào thực sự biết cách chuẩn bị đầy đủ cho sự kiện trọng đại ấy, nên đứa nào khi bị lôi ra khỏi lòng mẹ cũng bật khóc nức nở.

Những người trẻ vẫn chưa chuẩn bị được một tấm giáp sắt mới, hoàn thiện và đủ cứng cáp để thay thế cho tấm áo thuỷ tinh lộng lẫy cũ. Và thế là nỗi buồn vẫn cứ thoát ra, đeo bám, ám ảnh chúng ta từng ngày.

Suy cho cùng, nỗi buồn cũng có gì xấu đâu. Có buồn mới biết trân trọng niềm vui. Chỉ có điều, nỗi buồn lớn nhanh quá, choán nhiều chỗ quá. Đi kèm với nỗi buồn là sự mệt mỏi. Cứ như thế thì chúng choán hết chỗ của niềm vui mất. Mà những niềm vui con tí, nhỏ nhoi làm sao đủ sức toả sáng cho cuộc đời này.

Buồn ơi ta xin chào mi… đó là lời đầu tiên trong bài hát mà mình rất thích. Nhưng không phải lời chào đón khách đến nhà mà là lời chào người bạn gặp ngang qua đường thôi nhé.


(ngoisao.net)
 
Tuổi thơ bên mẹ

Bên bếp lửa hồng, tôi cầm cuốn sách ngồi kế bên mẹ. Mẹ bày cho tôi từng chữ, từng cách phát âm trong cuốn sách giáo khoa lớp 1.

Ngày nào cũng thế, mẹ tôi dậy từ mờ sáng nấu cám cho heo ăn. Tôi cũng dậy để lấy những ánh sáng từ bếp lửa đó học bài. Hồi đó chưa có điện mà mẹ tôi thì làm lụng cả ngày, chỉ có lúc nấu nướng mới có thời gian bày cho tôi học.

Trong ánh lửa bập bùng, hình ảnh từng con chữ hiện lên lúc mờ lúc tỏ ...Những lời tôi đọc theo mẹ cứ thế vang ra từ cái bếp nhỏ đầy khói và tro bụi .Thế mà ngày nào tôi cũng học thuộc bài, đọc thuộc lòng những gì mẹ tôi dạy. Mấy cuốn sách giáo khoa của tôi quyển nào cũng lấm lem màu than đen cùng với mồ hôi của mẹ.Tôi thương mẹ lắm, ngày nào cũng phải dạy cho tôi học trong lúc nấu, mồ hôi nhễ nhại vì ánh lửa. Biết thế nên tôi cố gắng học. Mẹ thường xuyên động viên tôi phải học hành cho chăm chỉ.

Từ lớp 1, lớp 2 cho đến hết tiểu học, năm nào tôi cũng là học sinh tiên tiến. Cuối năm, cuối học kì, cầm tờ giấy khen về khoe với mẹ, tôi mừng lắm và tôi biết mẹ cũng rất vui. Mẹ khen tôi giỏi, tôi biết là từ công mẹ cả.

Từ khi tôi lên học cấp 2, nhà tôi mới bắt đầu mắc điện kế .Từ đó, tôi không phải học trong cái ánh sáng cháy bỏng từ bếp lửa ngày xưa mẹ nấu cám heo nữa mà được học bằng ánh điện sáng chói. Tôi rất vui, vì những cuốn sách không phải vương màu đen của than, ngấm cái vị măn chát của mồ hôi mẹ cùng với lớp tro tàn. Không bị bạn bè chê là sách bẩn nữa!

Tôi vui sướng và hạnh phúc biết bao khi không còn thấy mẹ vất vả trong ánh đèn dầu vào những đêm làm khuya . Mẹ không phải vất vả thổi lửa để bị lửa táp cháy cả tóc vì lấy ánh sáng cho tôi học. Từ khi có điện mẹ tôi cũng đỡ vất vả đi nhiều.

Năm tháng trôi đi, giờ tôi đã khôn lớn, cái bếp cũ ngày xưa cũng không còn nữa. Cũng chính nơi đó, bố mẹ đã làm lại căn bếp mới, rộng rãi hơn xưa.

Dù vậy, tôi vẫn không bao giờ quên cái bếp lụp xụp mà mỗi sáng lại nghe vọng ra tiếng đọc bài của mẹ, của tôi. Cũng từ đó mà tôi biết chữ, biết thế nào là nỗi nhọc nhằn của mẹ, biết nỗi khổ của gia đình mà cố gắng học hành. Những kỉ niệm, những hồi ức về tuổi thơ bên mẹ sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời.

Đó cũng là động lực lớn để tôi vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống . Mẹ ơi, con sẽ nhớ những lời mẹ dạy, nhớ cái bếp xưa mẹ con mình học bài. Con sẽ cố gắng để không phụ lòng mong mõi của mẹ. Hãy tin con mẹ nhé!


Nguyễn Văn Linh - Vũng Tàu
 
795309_1204461417.jpg


Mùa hè, con đi học thêm tối mặt tối mũi để chuẩn bị cho lớp 12. Mùa hè, mẹ được nghỉ ngơi sau 9 tháng dạy học vất vả…
Chính vì thế, mẹ có thời gian chăm sóc con nhiều hơn, và con cũng luôn có cảm giác an toàn khi ở bên cạnh mẹ.



071015-me%20va%20con.jpg


M hỏi con có ý định thi trường gì, và khuyên con phải dứt khoát. Sau đó, mẹ tư vấn và khuyên con nên học như thế nào để đạt kết quả tốt nhất. Mẹ chẳng hề bắt con thi vào Y Dược, Kinh Tế với người ta. “Điều mẹ cần là con đạt được ước mơ của chính mình. Khi con làm việc với một niềm hăng say, hứng thú thì sự thành công luôn mỉm cười, con ạ! Chẳng nhất thiết phải học những ngành có chuyên môn cao, để rồi làm việc gượng ép, sinh chán nản, rồi stress, sức khỏe hao mòn…Dù có thành đạt, kiếm nhiều tiền đến mấy mà không có thể lực tốt xem như cuộc sống thất bại một nửa” - mẹ nói.



Hè, ngoài việc đi học, con còn đi chơi với bạn bè suốt ngày. Mẹ chẳng bao giờ gọi điện kêu về dù đã quá trưa, hoặc xẩm tối. Chỉ đến khi con về tới nhà, mặt mũi phờ phạc vì mệt, mẹ nhỏ nhẹ: “Ăn gì chưa con? Đi học về chắc mệt lắm...Để mẹ pha nước cho uống”. Con cam đoan rằng mẹ biết con đi chơi, nhưng vẫn tỏ vẻ như không có gì. “Mặc cảm tội lỗi” dâng cao, con bớt đi chơi lại, ở nhà suốt ngày để tập làm “bé ngoan”.
Nhưng ở nhà suốt cũng không có gì làm. Con bật máy lên…online! Con online hoài không biết chán, suốt ngày cắm đầu vào máy và dí mắt sát vào màn hình.

Lạ một điều, mẹ vẫn làm lơ, thậm chí tự đi mua đồ thay vì nhờ con đi như thường lệ.


hand.jpg



Một ngày nọ, con lại mở máy lên khi vừa thức dậy, chưa kịp đánh răng, ăn sáng, rửa mặt. Nhưng con đâu ngờ, đây là lần cuối cùng con mở máy vì mẹ đã cài mật mã! Con giãy nãy: “Sao mẹ lại làm vậy? Con online nhưng con “có trách nhiệm” mà. Chẳng phải mẹ đã từng nói online nhiều thì phải tự trả tiền thuê bao hằng tháng đó sao! Con online cũng đâu hao tổn gì đâu chứ!”. Mẹ im lặng một chút, rồi nói: “Mẹ không muốn mắt con phồng lên vì nhìn những dòng chữ nhấp nháy suốt ngày. Chỉ cần trong một tháng, con làm được 10 điều tốt, mẹ sẽ cho con online bao nhiêu tùy thích!”



Thế là, ngoài việc học hè trên trường và học thêm 3 môn, con lại còn phải kiếm việc tốt để làm! Thật mệt mỏi. Thế nào mới gọi là tốt? Và chẳng lẽ cứ phải đếm những gì mình làm? Con bắt đầu bực: “Không online thì thôi!”
Hè, mẹ dạy kèm tại nhà. Con lại chẳng thể quanh quẩn trong phòng khách như trước, phòng con lại không để tivi và PC, nên càng chán hơn. Thế là con…lân la quanh những đứa học trò nhỏ của mẹ, thi thoảng chỉ bài giúp chúng, rồi đi ra khoảng sân trước nhà, nhìn ngắm vu vơ. Thấy sân dơ, con quét. Thấy thời tiết nắng gắt, con tưới sân. Rảnh một chút là cứ rửa chén, lau nhà. Buồn buồn thì lấy tập ra học. Buổi chiều nếu chán quá thì con lại xách xe về ngoại…



Mùa hè của con dần trôi qua như thế, việc học trông có vẻ áp lực nhưng thực ra k
há nhẹ vì hiểu bài ngay tại lớp. Con bắt đầu nhớ…PC, thèm được online…
“Mẹ à… Gần hết hè rồi… Chẳng lẽ mẹ không cho con online lần cuối sao?”
“Thôi được. Dù gì thì con cũng đã hoàn thành hơn 10 việc tốt trong tháng này. Muốn online thì mở máy đi!”
“Nhưng mật mã là gì hả mẹ?”
“Mẹ yêu con”
“Sao chứ mẹ?”
“Mật mã là “mẹ - yêu - con”, viết liền nhau, không ghi hoa. Không viết được hả? Có cần mẹ ghi ra giấy không?”
“Dạ dạ…con biết rồi…”
Con hạnh phúc. Con bất ngờ. Con mở máy lên mà nước mắt chực rơi…
Rồi con suy nghĩ: “Liệu mẹ có biết mật mã của email của con là dòng chữ “con yêu mẹ nhiều” không nhỉ?”


Ilovemum.JPG


Twinkle®
 
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc...!!!!

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc...

“Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên...”

Sau khi video clip về một bà cụ bị đứa con trai già tát tai phát lần thứ hai trên nhà đài, tôi chuyển sang kênh khác. Điều ấy liệu có thật không, tôi chưa rõ, nhưng nó làm tôi bàng hoàng đến mức muốn nhìn thấy hình ảnh gì đó tương phản một chút cho đỡ sốc, cho nguôi ngoai nỗi xót xa trong lòng, vì tôi cũng là một người mẹ.

Tình cờ, trong khi lang thang tìm những hình ảnh khả dĩ an ủi, tôi nhìn thấy cảnh một con voi xiếc trở dạ trên kênh Discovery.Trong cơn thúc đẻ, con voi cái vẫn đứng với một chân bị xích và nó liên tục xoay trở, lắc mình cùng những tiếng kêu rên đau đớn… Vậy rồi một cái bọc lớn tướng từ từ rơi ra, tiếp theo là xối xả máu. Ngay tắp lự, mẹ voi rà cái vòi lăng xăng của mình xuống chú voi con đang ngọ nguậy trong bọc, giữa lúc máu sản vẫn tuôn từng đợt…

Tình mẫu tử hiện ra sống động và thiêng liêng, nó không khác với bất kỳ hình ảnh mẹ con nào, vì cùng một ngôn ngữ của tình yêu thương, sự hi sinh và tận tụy dâng hiến của mẹ dành cho con. Tôi đã khóc...

Rất hay quan sát cảnh sinh đẻ và nuôi con của muông thú, tôi thường liên tưởng đến thời sơ sinh của con người. Không có giống loài nào yếu ớt như con người. Việc đó nói lên điều gì? Nó nói rằng để một con người được lớn lên một cách bình thường thì người mẹ phải mất bao nhiêu máu thịt, công phu và nỗi niềm. Không tính xuể. Cũng chính vì vậy mà người mẹ kỳ vọng ở con mình nhiều nhất: sự thành đạt, hạnh phúc của con và chữ hiếu.

Tại sao người mẹ hay xếp chữ hiếu sau cùng chứ không ở vị trí số một? Đơn giản vì nước mắt chảy xuôi, người mẹ nào cũng nằm lòng phương ngôn ấy cũng chỉ mong con có ăn có mặc, có của có tiền và có hạnh phúc. Mọi thứ ấy con phải khác mình, chúng phải được đổi đời. Còn chữ hiếu cho riêng mình có cũng được, không có mẹ cũng chẳng màng... Như Thanh Nguyên đã viết: Mẹ - có nghĩa là mãi mãi. Là cho đi không đòi lại bao giờ...

Ai cũng được sinh ra bởi một người mẹ, vì vậy mà rồi ai cũng sẽ có một người mẹ già trong tâm tưởng của mình. Cũng như chúng ta rồi sẽ già và chúng ta sẽ là một “vấn đề” trong chữ hiếu của con mình. Mà chữ hiếu bây giờ có vẻ khác xưa. Nghĩa là người ta không cần từ quan để về vườn trông nom cha mẹ già, người ta cũng không thể sống cuộc sống tứ đại đồng đường sum họp, và có khi người ta chỉ có thể thăm nom cha mẹ của mình bằng điện thoại, email hay những phong bì hằng tháng cho nhà dưỡng lão...

Cuộc sống hiện đại đã dắt chúng ta đi xa nguồn cội rất nhiều. Dù vậy chữ hiếu muôn đời cũng không thể khác đi đến mức khiến một người con có thể vung tay tát và thét vào mặt mẹ: “Bà chết đi cho tôi nhờ!”. Nếu quả tình trên đời này đã có một người mẹ nghe được câu nói tàn nhẫn ấy thốt ra từ miệng con, tôi nghĩ ngay từ giây phút đó người mẹ đã “chết” rồi, vì trái tim mẹ đã tan nát...

Rồi chúng ta sẽ tiễn mẹ mình một lần trong đời. Một chuyến đi xa không có ngày trở lại. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, má tôi đã ra người thiên cổ năm năm nay rồi... Ai rồi cũng sẽ đến lúc cay đắng ngậm ngùi như tôi khi chiều xuống, đêm về hay giữa khuya giật mình thảng thốt nhận ra mình không còn má để được hầu cơm, hầu chuyện nữa. Không gì bù đắp nổi khoảng trống này. Vì vậy ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, bởi có thể không bao lâu nữa, dù ta có muốn được mẹ la mắng cũng không được nữa rồi.
(st)
 
Mẹ! niềm tự hào của con....

Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát

Đã bao lần con khiến mẹ phải buồn , nhưng có bao giờ mẹ nói ra những điều đó . Mẹ lúc nào cũng tâm niệm một điều : con đã lớn , đã biết suy nghĩ , con sẽ biết những việc nào là đúng . Mẹ tin những lựa chọn của con . Khi con gặp phải điều gì khó khăn , mẹ chính là người bạn ở bên cạnh , động viên con . Mẹ không khuyến khích việc con chịu đầu hàng trước khó khăn , mẹ luôn đưa ra nhưng lời khuyên để giúp con nhìn ra được vấn đề . Khi con nói với mẹ những suy nghĩ trong việc lựa chon con đường của mình , mẹ nói rằng : đừng bao giờ nói nhiều về những lựa chọn của mình , con hãy làm những điều con cho là đúng , bởi chỉ có những lựa chọn của con mới có thể giúp con khẳng định mình . Một lời nói khiến cho con phải suy nghĩ rất nhiều , cuối cùng con đã tin vào chính bản thân để đưa ra một lựa chọn đúng đắn , cho dù lựa chon đó rất khó khăn . Nhưng Mẹ ơi , đó là lựa chọn của con , nó đã giúp con khẳng định được chính mình , phải không Mẹ ! " Chỉ mẹ là niềm vui ánh sáng diệu kì . Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước " . Khi trượt ĐH , chỉ dám học tại chức , và học thêm trung cấp , con biết rằng con đã không bằng những người khác cùng trang lứa nhưng Mẹ không hề buồn , trái lại mẹ còn khuyến khích con , Mẹ nói rằng " làm điều phải nhiều khi quan trong hơn điều đúng " và con đã làm được một điều " phải " , điều "phải " này đã giúp con nhận ra được giá trị thật của sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống . Mẹ ơi , con mới chỉ có 22tuổi thôi , con chưa hề phải trải qua những vất vả của cuộc sống , cũng chưa phải nếm trải nhiều thất bại . Vậy mà mẹ luôn luôn nói rằng : đừng có bao giờ nghĩ về những thất bại , nghĩ nhiều về nó sẽ khiến cho mình không tìm ra được ánh sáng ở cuối đường đâu . 3 lần trượt ĐH là 3 lần thất bại , tại sao Mẹ không coi đó là thất bại của con , chỉ bởi một điều , Mẹ đã hiểu được con , Mẹ hiểu thế nào là khát khao của một đứa con trai muốn vươn lên . Con chỉ thất bại khi con đầu hàng chính bản thân , phải không Mẹ ? Đó là những tâm sự của con về cách nhìn nhận con đường đường . Còn khi nói đến chuyện tình cảm , thật buồn cười .Nếu con nhận được những lời khuyên theo hướng " mạnh mẽ " từ Bố thì Mẹ lại khác , Mẹ mang lại những giây phút thật nhẹ nhàng : khi đã yêu một cô gái , con phải thật nhẹ nhàng , thể hiện sự quan tâm và đừng bao giờ quên đem đến nụ cười cho cô gái ấy . Cứ nghĩ đến lúc đó con lại tự cười chính mình ... con đã bắt đầu biết đến những cảm xúc của trái tim rồi phải không Mẹ ? Cuối cùng , con xin gửi tặng Mẹ những lời chúc thiêng liêng nhất và một câu nói ,câu nói sẽ theo con suốt đời , Mẹ ạ : " Ngoài thượng đế ra , chúng ta còn phải mang ơn người phụ nữ , thứ nhất là vì cuộc sống kế đó là việc tạo nên giá trị của cuộc sống " . Mẹ đã sinh thành và Mẹ đã tạo nên giá trị cuộc sống cho con, nhờ có Mẹ mà con cảm nhận được cuộc sống xung quanh muôn màu muôn sắc . Nếu có mai sau con có yêu một cô gái, thì cô gái đó sẽ cho con biết được giá trị của tình yêu , giá trị của trái tim khi cùng nhịp đâp . Còn Mẹ, Mẹ sẽ mãi là " niềm vui " , là " ánh sáng diệu kì " ! Mẹ ơi ! con yêu thương Mẹ nhiều lắm !!!
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top