Hãy về nhé, ơi chim Sâm cầm Hồ Tây!

Sâm Cầm

New member
Xu
0
[FLASH]https://static.mp3.zing.vn/skins/mp3_main/flash/player/mp3Player_skin1.swf?xmlurl=https://mp3.zing.vn/blog?MjAxMC8xMi8wNi85LzmUsICvInagaMEOTmUsIC4Y2UwNmI1ZTBmMjM5MmJmMTgyZGFlODQ3N2YzNDMdUngWeBXAzfE5o4WeBdUngWeBIE3DdUngWEgVGh1IEjDoCBO4WeBdUngZaXxI4WeBdUngTWeBmmUsICgTmh1WeBmd8fDI[/FLASH]

Thăng Long xưa được bao bọc bởi mạng lưới sông, hồ chằng chịt. Trong số đó nổi tiếng có Hồ Tây. Tương truyền có người quá yêu Hồ Tây, mê say Hồ Tây mà ví vẻ đẹp của hồ như vẻ đẹp “chim sa cá lặn” của nàng Tây Thi. Nghìn năm trước nơi này mênh mang trời nước, bảng lảng khói sương. Lau lách, năn lác, ngổ dại, dừa nước... mọc um tùm. Những đám súng hồng, sen trắng, hoa cỏ dại thủy sinh dập dềnh mặt nước mời gọi chim chóc đến làm tổ.
" Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi

Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời...”

Mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn



Hoàng hôn trên Hồ Tây

Vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo, thánh thiện của Hồ Tây không chỉ làm đắm say lòng người mà còn khiến loài chim sâm cầm – một loài chim sinh sống ở vùng đầm, hồ nước ngọt xứ lạnh cũng “ cầm lòng” không đặng, đã chọn làm nơi di cư mỗi độ xuôi về phương nam tìm nắng ấm. Hồ Tây từng là thiên đường của mòng két, lele, vịt trời, bói cá... Không ai biết từ khi nào Hồ Tây cũng đã trở thành quê hương thứ hai của đàn chim sâm cầm. Hẳn ngày đó, nghìn năm về trước, thủa Lý Công Uẩn chọn mảnh đất địa linh nhân kiệt này để làm kinh đô, thì Hồ Tây mênh mông, tinh khôi, giầu thủy sản, cư dân ven hồ sống hiền hòa, bốn mùa trồng dâu chăn tằm, quay tơ dệt lụa...Cuộc sống yên bình đã làm an lòng đàn chim sâm cầm. Khiến cho lũ chim mỗi lần buộc phải sải cánh bay về những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng phương bắc, lòng còn nôn nao, mong ngày trở lại để được vùng vẫy giữa sóng nước mênh mang, để được làm tổ sinh con đẻ cái trên mặt nước yên ả, ấm áp của Hồ Tây. Đàn sâm cầm bay về cùng với mòng két, le le, vịt trời, bói cá...sớm chiều thảnh thơi ngụp lặn kiếm mồi, chim trống chim mái mê mải “gù nhau” giữa non xanh nước biếc... khiến cho cảnh quan Hồ Tây đã đẹp càng đẹp hơn, đã “thơ” càng “thơ” hơn, đã quyến rũ càng quyến rũ hơn trong mắt các tao nhân, mặc khách.

Ai đã một lần được chiêm ngưỡng chim sâm cầm hẳn không khỏi thích thú trước vẻ đẹp của nó. Mắt sâm cầm màu nâu đỏ, mỏ nhọn, miếng sừng sau mỏ có màu trắng. Đầu và cổ chim màu đen tuyền, lưng và bụng có màu sám. Hai chân màu lục ánh chì...Ngay cái tên của loài chim này cũng lung linh huyền thoại bởi liên quan đến việc người xứ Cao Ly tìm được một loại thảo dược quý. Ở làng kia, không biết vì sao người dân bị mắc một chứng bệnh kỳ lạ, không thuốc nào chữa khỏi. Người già, trẻ nhỏ lần lượt rời bỏ thế gian ra đi. Trong làng có gia đình người thợ săn cũng không tránh được căn bệnh hiểm nghèo. Những ngày bị bệnh tật giày vò, ông chợt nhớ đã nhiều lần bắt gặp một loài chim lạ thích ăn rễ cây trên núi Trường Bạch Sơn. Ông thường thấy chúng say sưa chén rễ một loài cây mảnh mai, hoa màu xanh nhạt, quả nhỏ màu đỏ mọc trên núi cao. Bầy chim lặng lẽ dùng mỏ moi đất tìm rễ cây. Chỉ cần một tiếng động nhỏ là chúng vỗ cánh rào rào bay đi. Tiếng đập cánh khỏe khoắn, ồn ã cả thinh không. Ông đem chuyện đó kể cho con gái. Thương cha, cô gái lặng lẽ lên núi giữa tiết trời băng giá. Sau bao nhọc nhằn cô cũng bới được một ít rễ cây. Người thợ săn khỏi bệnh nhờ ăn rễ của loài cây kỳ lạ đó. Ông đã chia số rễ cây còn lại cho người trong làng. Ai dùng cũng đều khỏi bệnh. Từ đó dân làng thường xuyên lên núi, theo vết đàn chim, tìm kiếm loại cây thần kỳ về làm thuốc chữa bệnh. Loại rễ cây ấy chính là nhân sâm. Từ đó loài chim khôn ngoan biết tìm cây ngon ngọt bổ dưỡng nằm dưới mặt đất để ăn ấy được gọi là chim sâm cầm (chim ăn sâm).

Hằng năm, khi tiết trời xứ Cao Ly trở nên buốt giá, băng tuyết phủ trắng xóa các đỉnh núi cũng là lúc đàn sâm cầm rủ nhau bay về phương nam, về với nắng ấm của sứ sở giàu ánh mặt trời. Cũng là lúc Hồ Tây bước vào tiết cuối thu đầu đông. Tiết trời lúc này dễ chịu nhất trong năm. Hồ Tây cũng vào thời khắc quyến rũ hơn lúc nào hết, với “gió đưa cành trúc la đà”, với “tiếng chuông Trấn Võ”, với “mịt mù khói tỏa cành sương”, với “mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi”, với “màu sương thương nhớ” và với “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”...

Vào cữ tháng 10, khi tiết trời Thăng Long se se lạnh, nắng mùa thu hanh heo...cũng là lúc đàn sâm cầm hiền lành quay về Hồ Tây. Cứ thế, trải mấy trăm năm. Cho đến một ngày trong dân gian xuất hiện tin đồn thịt chim sâm cầm rất bổ dưỡng, có thể chữa được nhiều bệnh, đặc biệt là những bệnh khó nói của cánh mày râu. Chuỵên đồn đại hư hư thực thực rồi cũng đến tai vua Tự Đức (1829 – 1883). Nhà vua đã ban sắc lệnh, yêu cầu mỗi mùa chim sâm cầm về Hồ Tây trú đông, dân Hồ Tây phải tiến cống “mười đôi chim quý”. Thịt chim sâm cầm đã trở thành “đặc sản” của vùng Hồ Tây. Xung quanh hồ xuất hiện vài quán chuyên bán các món ăn được chế biến từ thịt chim sâm cầm. Cũng từ đó việc săn bắt sâm cầm đã trở thành một nghề của cư dân ven hồ.
Chả thế mà ca dao cổ Hà Nội đã lưu truyền:

“Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm

Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”.

Kể từ khi nhiều người biết đến câu ca dao ấy, thì mặt nước huyền thoại của Hồ Tây dần vắng bóng những chú chim sâm cầm. Nhiều mùa thu, nhiều chiều thu, những người nhớ chim sâm cầm vẫn ra Hồ Tây dõi mắt về phương bắc, mong nhìn thấy đàn chim chao cánh từ xa, với khát khao được thấy chúng vùng vẫy, đùa dỡn trên sóng nước...Nhưng đàn sâm cầm đã không trở lại. Những con chim sâm cầm may mắn thoát khỏi bàn tay những gã thợ săn, đã dìu nhau rời Hồ Tây mải miết bay về phương bắc. Loài chim khôn ngoan đã không còn tìm thấy sự yên bình nơi mặt nước hồ xanh.

Theo dòng chảy thời gian, Hồ Tây cũng đã đổi thay nhiều. Nghìn năm đã dần trôi, bao thế hệ người Thăng Long Hà Nội vẫn nhớ chim sâm cầm, loài chim đã khiến cho thắng cảnh Hồ Tây thêm nổi tiếng. Và trong sâu thẳm tâm hồn, họ thầm hy vọng, mùa thu sang năm (2010), khi Thăng Long Hà Nội bước vào tuổi thứ 1.000 thì, bầy chim sâm cầm lại về chao cánh trên sóng nước Tây Hồ. Hãy về nhé, ơi chim Sâm Cầm Hồ Tây!./.

Theo Thăng long Hà Nội
 
Những ngày bận bịu này, ngay cả trong khi lo lắng, mệt mỏi nhất, vẫn thấm đẫm cảm giác về mùa và nỗi nhớ nhung Hà Nội. Nhật kí hơn hai năm trước: "Dạo này mình chơi hoài… đón gió ở Cổ Ngư, ngắm hoàng hôn giữa sông Hồng, xem thành phố lên đèn ở bờ Võng Thị, sớm tìm sách Đinh Lễ, tối coi kịch về thi sĩ họ Hàn... Trời mưa thì vòng vèo ở Hàng Dầu, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Bạc ... Trời nắng thì tìm hoàng lan ở Điện Biên Phủ, Hùng Vương [...] Hà Nội náo nhiệt, Hà Nội phồn hoa. Vậy mà đôi khi, trên những con phố mướt xanh, thấy lòng thanh tĩnh lạ..."

Có một lời ca mình rất thích: "sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời", luôn hình dung về một vệt nâu xám lượn vòng lấp lánh, phía sau là Hồ Tây màu lam bạc. Tây Hồ khi nắng thu giòn tan lăn tràn sóng nước vẫn thấy khói sương đâu đó. Thương nhớ quá một màu sương!

Đôi khi từ cơn mộng mị, mình nghe thấy hương hoàng lan rón rén chờ sương bên góc phố yên bình. Nhớ thương quá một mùi hương!

Có một lần sau buổi làm việc ở công ty Dịch thuật HN, mình ngán về nhà với già San, bèn kéo chiếc Chaly kêu rầm rĩ của thầy ghé vào Vô Thường quán, viết cho Thuỷ bức thư dài lòng khòng, không nhớ đã viết gì, chuyện Thuỷ với ba Trung có lẽ, nhưng cảm giác ngồi cặm cụi gò lưng viết trong không gian của thư pháp và Trịnh ca thì mình không quên được, hồ như vừa mới hôm qua. Mỗi lần đến Vô Thường đều là một kỉ niệm thật lạ lùng. Nhớ thương… vừa vừa một ngôi quán cũ!

Ký ức mùa thu HN đầy ấm áp, đầy xót xa… Thật là may vì mình còn có hiện tại, nên ngày hôm qua có thể ngủ ngoan lành, đôi khi những tháng năm cũ xưa trở dậy nhìn mình như một tấm gương thấu suốt, bao dung và buồn bã. Mình đã bắt đầu học cách xác tín điều này tự rất lâu: Rồi sẽ phai đi những dấu giày… Nhưng giờ mình nhận ra là có những dấu vết cần được giữ lại trên đường, như cách mà loài người tìm kiếm và học từ quá khứ. Ký ức giống như vệt mặt trời trên cánh bay loài sâm cầm nhỏ, nhắc nhớ sâu thẳm rằng mình đã sống say mê đẹp đẽ như thế nào, đã cay đắng và cười vang như thế nào, đã kỳ cục và ngốc nghếch như thế nào, đã gắn bó và thiết tha với điều gì… Ký ức giống như vệt mặt trời trên cánh bay loài sâm cầm nhỏ, nhắc nhớ về đường bay và những sắc màu hiện tại, cuối cùng thì chỉ hiện tại mới là sự thực mà thôi.

Sâm cầm bay qua mùa thu không chút nắng. Và những vệt mặt trời trở thành ký ức mong manh…

................

St
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top