2. Tài nguyên đất - rừng:
a) Vai trò:
Môi trường đất là nơi trú ngụ của con người và hầu hết các sinh vật cạn, là nền móng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và văn hóa của con người. Đất là một nguồn tài nguyên quý giá, con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho con người.
Rừng là một hệ sinh thái, nơi dự trữ nhiều loài sinh vật và cung cấp nhiều loại tài nguyên cho con người như gỗ, sinh vật quý hiếm. Rừng làm cho không khí thêm trong lành (mỗi ha rừng hằng năm tạo ra khoảng 16 tấn oxy), điều hoà khí hậu, điều hòa nước, ngăn chặn gió bão, giảm xói mòn đất.
b) Đặc điểm - Hiện trạng:
Với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hoá như hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm. Riêng chỉ với ở Việt Nam, thực tế suy thoái tài nguyên đất là rất đáng lo ngại. Ngoài ra đất còn bị ô nhiễm, xói mòn, bạc màu.
Tốc độ phá rừng nhiệt đới hàng năm giai đoạn 1981-1990 là 0,8% hay 15,4 triệu hecta/năm, trong đó
châu Á có tỷ lệ mất rừng cao nhất (1,2%). Riêng đối với Việt nam, trong vòng nửa thế kỷ từ 1943 đến 1993 có khoảng 5 triệu hecta
rừng tự nhiên bị mất, nghĩa là tốc độ phá rừng hàng năm ở Việt nam vào khoảng 100.000 hecta. Ngày nay diện tích rừng Việt Nam chỉ còn 7,8 triệu ha, chiếm 23,6% diện tích, tức là dưới mức báo động cân bằng 3%. Rừng bị tàn phá, bị khai thác quá mức đã trở nghèo kiệt, các hệ sinh thái rừng bị phá hủy. Nhiều loại thực vật rừng quý đang bị chặt hạ, thu hái không có kế hoạch nên đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
c) Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên:
- Tốc độ đô thị hóa tăng lên rất cao, dẫn tới việc lấy đất canh tác, phá rừng để làm các khu công nghiệp, đô thị mới.
- Đất ô nhiễm vì việc sử dụng quá nhiều các chất thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Đất còn bị bạc màu vì nông dân canh tác quá nhiều, không cho đất có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục chất dinh dưỡng trong đất. Ngoài ra, việc phá rừng khiến cho đất bị xói mòn khi có mưa lớn.
- Chặt phá rừng bừa bãi: mỗi năm rừng Việt Nam mất đi 13-15 nghìn ha chủ yếu do nạn du canh du cư, lấy gỗ, đốt rừng lấy đất trồng cây công nghiệp xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu giao thông, khai thác mỏ, xây dựng đô thị,…
- Hậu quả cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ để lại một tổn thất không nhỏ, đã làm mất đi 1/4 diện tích rừng nguyên sinh Việt Nam.
- Các vụ cháy rừng trên thế giới xảy ra khá nhiều, phá hủy một diện tích lớn rừng trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng khô, nóng.
d) Biện pháp - Cách sử dụng:
- Ngăn chặn ô nhiễm đất bằng cách hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Sử dụng các loại phân xanh để tăng lượng chất dinh dưỡng cho đất, dành một khoảng thời gian giữa các vụ gieo trồng để đất có thời gian nghỉ ngơi nhằm phục hồi độ màu mỡ
- Ngăn chặn phá rừng bằng cách nâng cao mức phạt đối với lâm tặc phá rừng, tăng cường quân số kiểm lâm để bảo vệ rừng, thuyết phục người dân có ý thức bảo vệ rừng, dạy nghề và tạo điều kiện nâng cao mức sống cho người dân sống gần rừng để ngăn chặn tình trạng đốt rừng làm nương rẫy.
- Xây dựng các Vườn quốc gia để bảo tồn, bảo vệ các loài thực vật qúy hiếm có giá trị kinh tế cao.
- Kiểm soát tình trạng mua bán và khai thác rừng. Có kế hoạch khai thác kết hợp trồng rừng
3. Tài nguyên nước:
a) Vai trò:
- Nước là thành phần chính của huyết tương trong máu (chiếm 90%) Trong cấu trúc động thực vật thì nước chiếm tới 95-99% trọng lượng các loài cây dưới nước, 80% trọng lượng các loài cá, 70% trọng lượng các loài cây trên cạn, 65-75% trọng lượng con người và các loài động vật.
- Nước là môi trường sống của rất nhiều loài sinh vật
- Nước là nguyên liệu cho quá trình quang hợp của cây
- Năng lượng của dòng nước làm quay các tuabin trong các nhà máy thủy điện để tạo ra điện năng phục vụ cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt
b) Đặc điểm - Hiện trạng:
Trong bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội hiện nay, tài nguyên nước đang bị đe doạ nghiêm trọng. Nguồn nước ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt.
Nước sạch cho sử dụng và sản xuất đang càng ngày càng trở nên khan hiếm. Cách đây không lâu, người dân ở ngay tại vùng ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh phải sống với nguồn nước sinh hoạt đục ngầu suốt mấy tháng liền. Nhiều vùng trên thế giới cũng có rất ít hoặc không có đủ nước sạch để dùng cho sinh hoạt hằng ngày.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, ô nhiễm nước ở các con sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Đáy, sông Nhuệ… ở mức báo động. Khoảng 60% dân số toàn quốc được sử dụng nước sạch. Thiếu nước cho sử dụng và sử dụng nước không bảo đảm chất lượng làm suy giảm sức khoẻ cộng đồng, gia tăng bệnh tật và nghèo đói.
c) Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên:
Do nạn chặt phá rừng tràn lan và việc khai thác, sử dụng nước không hợp lí nên nguồn nước sạch đang bị ô nhiễm và cạn kiệt. Nhà nước cũng không đưa ra những biện pháp hiệu quả trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này trong khi kinh tế nước ta cùng quá trình đô thị hóa càng ngày càng phát triển, kéo theo việc nhu cầu sử dụng nước cũng tăng.
Ngoài ra một phần cũng do người dân vẫn còn tình trạng sử dụng nước bừa bãi, thiếu ý thức bảo vệ, bảo tồn nguồn nước. Ở các kênh rạch trong nội thành thành phố như kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hủ, Bến Nghé… người dân sống ven bờ cứ vô tội vạ xả rác xuống lòng sông. Rác nổi lềnh bềnh, nước sông đen ngòm, bốc mùi khó ngửi là điểm chung của rất nhiều kênh rạch trong thành phố.
d) Biện pháp -Cách sử dụng:
Ta cần có biện pháp xử lý và chấn chỉnh ngay việc quản lý khai thác, sử dụng nước tuỳ tiện, ngăn ngừa tổn thất, phòng chống ô nhiễm các nguồn nước, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng, cải tạo hệ thống công trình tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung.
Ngoài ra, ta cần sử dụng nước sạch tiết kiệm và đúng chỗ. Ta cần hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch lưu vực các sông; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước và của các ban quản lý lưu vực các sông. Công nghệ, phương thức dự trữ nước cần được nâng cấp để trở nên khoa học hơn, tiên tiến hơn.