* Vị trí địa lý của Sơn La mang lại những thuận lợi nhất định về phát triển kinh tế:
- Khí hậu Sơn La mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa có pha trộn khí hậu ôn đới do tính chất phức tạp chia cắt địa hình (nhiều vùng tiểu khí hậu) thích hợp để phát triển một tập đoàn cây trồng, con nuôi phong phú, đa dạng phát huy lợi thế các yếu tố sinh thái.
- Đất đai: Đa số đất đai Sơn La còn tốt, màu mỡ. Diện tích đất có khả năng khai thác đưa vào sản xuất nông lâm nghiệp có tới 82,8 vạn ha (trong đó đất nông nghiệp 24,8 vạn) để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và trồng rừng.
- Nằm trên địa bàn núi cao, song nhờ có các cao nguyên rộng và tương đối bằng phẳng có ưu thế để phát triển một cơ cấu nông nghiệp đa dạng, có quy mô tập trung theo hướng hàng hóa và xuất khẩu.
Sơn La có hệ thống sông suối dày đặc nhưng phân bố không đều, mực nước thấp hơn đất canh tác, các sông suối nhỏ chảy trên các sườn dốc vào các thung lũng hẹp nên thủy chế rất thất thường. Mật độ sông, suối ở Sơn La khá cao 1,8 km/km2. 97% diện tích tự nhiên thuộc lưu vực của hai sông chính là Sông Đà và Sông Mã.
Nhờ thiên nhiên ưu đãi Sơn La có những vùng sinh thái đa dạng như vùng tiểu khí hậu cận ôn đới, á nhiệt đới nhiệt đới gió mùa - đó là một lợi thế thích hợp cho nhiều chủng loại cây trồng, con nuôi, nông lâm nghiệp đa dạng, phong phú mà không phải bất cứ vùng sinh thái nông nghiệp nào cũng có thể phát triển một cách phổ biến. Mỗi năm Sơn La có từ 22 - 24 vạn tấn ngô, đậu tương hàng hóa là nguồn nguyên liệu cho chế biến thức ăn gia súc.
- Nguồn lao động dồi dào, lao động nông nghiệp chiếm 87% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân, có khoảng 15% lao động nông thôn
thiếu việc làm.
* Một số hạn chế ảnh hưởng tới quá trình phát triển:
- Sơn La nằm quá sâu trong nội địa, địa hình bị chia cắt lưu thông chủ yếu bằng đường bộ chất lượng thấp do đó làm giảm đáng kể khả năng thu hút đầu tư phát triển.
- Yếu tố bất lợi của khí hậu: Mùa mưa tập trung, mưa lớn tháng 5, 6, 7, 8 chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm dễ gây lũ quét, lũ ống, dễ gây rửa trôi, xói mòn đất.
Ngược lại mùa khô lượng mưa nhỏ thường gây hạn cho cây trồng, thiếu thức ăn cho gia súc, đặc biệt là gia súc ăn cỏ, thiếu nước phục vụ cho chăn nuôi. Kèm theo đó còn có yếu tố bất lợi khác là sương muối, gió khô nóng.
Trình độ các dân tộc không đồng đều. Một bộ phận lao động dân tộc ít người còn duy trì tập quán chăn nuôi lạc hậu, thả rông gia súc, khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế.
Những bất lợi và hạn chế trên nếu được quan tâm đầu tư và có chính sách thoả đáng, chúng ta có thể giải quyết dần và khắc phục vươn lên.