Hấp dẫn giới tính dưới cái nhìn sinh học

Thandieu2

Thần Điêu
Hấp dẫn giới tính dưới cái nhìn sinh học


1110253734_tqt_hapdangioitinh.jpg
spacer.gif


Có phải con tim có lý lẽ riêng mà lý trí không biết? Tại sao ta hồi hộp trước người này mà trơ lỳ trước người khác? Lâu nay chúng ta thường giải thích sự hấp dẫn giới tính bằng cảm quan hơn là tính khoa học. Song thực tế, đẹp không hẳn là hấp dẫn.

"Cả người tôi run bắn lên khi nàng xuất hiện", đó là trạng thái mà nhà thơ trẻ Alfred de Musset gặp phải khi lần đầu nhìn thấy George Sand. Và từ lúc đó, có thể chỉ cần một cử chỉ, giọng nói, mùi nước hoa, hay một ánh mắt là có thể khiến Musset, và chúng ta cũng vậy, trở nên ngây ngô không cưỡng được. Tuy nhiên, sức hấp dẫn giới tính ấy có phải là chiếc "hộp đen" không thể giải mã? Khoa học không chịu bó tay sớm như thế.

Từ khi quan tâm đến lĩnh vực khoái cảm, sinh học tự giới hạn trong hai con đường tiếp cận. Đầu tiên, đó là vì lợi ích của sự duy trì loài. Trong trường hợp này, sự thèm muốn xuất hiện như một động lực thúc đẩy bản năng con người hướng đến hành vi sinh sản để lưu truyền nói giống - một lược đồ tư tưởng kế thừa trực tiếp từ thuyết tiến hóa của Charles Darwin. Thứ hai, từ khi đó là vấn đề của con người, nó chỉ là phương tiện để mô tả tiến trình sinh hóa liên quan đến sự thèm muốn và nhục dục.

Các quy chuẩn của sự hấp dẫn giới tính

Các nhà sinh học đều chắc chắn một điều: sự thèm muốn huy động toàn bộ các giác quan của chúng ta. Đầu tiên là thị giác. Nên biết rằng, sự hấp dẫn giới tính vận dụng các vùng não đặc biệt khiến chúng ta chỉ nhìn thấy đối tượng: vỏ não thị giác, rồi đến vỏ não trước trán liên kết các tác nhân kích thích đến vùng dưới đồi (hypothalamus), một cấu trúc não chi phối các xúc cảm. Sau đó vùng dưới đồi bắt đầu tiết ngay ra hoóc môn andrenalin và norandrenaline làm tăng nhịp tim và khiến hai bàn tay chúng ta rịn mồ hôi. Kế tiếp là dopamine, một hoóc môn gây khoan khoái được giải phóng trong mỗi tình huống khoái cảm hay thèm muốn, dù không liên quan đến nhục dục, bắt đầu tràn ngập trong não chúng ta. Trong điều kiện này, người ta hiểu rằng sự thèm muốn có thể bật ra ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng một số ngoại hình gây thèm muốn hơn các hình dáng khác bởi vì chúng phản ánh một khả năng sinh sản hết sức phong phú.

Chẳng hạn, phụ nữ thường thích mẫu đàn ông có dáng hình T, vai rộng, thân hình hẹp: tỷ số giữa vòng bụng và vòng hông nằm trong khoảng 0,8 - 0,9 và giữa thắt lưng và đôi vai gần 0,6. Đối với nam giới, những đường cong tự nhiên mới làm họ thích thú. Dưới mắt người phương Tây và châu Á, phụ nữ lý tưởng phải có dáng hình như đồng hồ cát, với tỷ số giữa vòng bụng và vòng hông cũng như vòng ngực là khoảng 0,6. "Các hình dáng này hấp dẫn hơn bởi vì chúng phản ánh một khả năng sinh sản tiềm tàng rất mạnh", Victor Johnson, nhà sinh học tâm lý ở Đại học New Mexico (Mỹ) giải thích.

Tham dự vào việc tạo nên hình dáng là các hoóc môn. Ở vào tuổi thiếu niên, khi hoóc môn testoterone hay oestrogene bắt đầu tiết ra, cơ thể sẽ thay đổi, thân hình thể hiện rõ nét tính sinh sản ở mỗi người. Con trai được nam hóa và con gái được nữ hóa trước cái nhìn của người khác. Testoterone giúp kéo dài và mở rộng hàm dưới, đẩy mắt sâu vào hốc mắt, trong khi oestrogene thu ngắn cằm và mũi, tách dạt hai mắt ra, làm phồng môi lên. Và các hoóc môn giới tính này càng được tiết nhiều, các đường nét càng nổi bật.

Sự đối xứng càng gây khoái cảm cao độ

Nhiều ấn phẩm khoa học đã chứng minh rằng một khuôn mặt hay một cơ thể được đánh giá là hấp dẫn nhất khi người ta hoàn thiện sự đối xứng theo trục của chúng bằng máy tính. Victor Johnson giải thích: "Trong tự nhiên, những người có sự đối xứng nhất thường có hệ miễn dịch tốt nhất".

Thế còn các giác quan khác? Chúng có xác minh những gì mà thị giác chi phối sự thèm muốn? Do chưa có được các nghiên cứu đầy đủ, các nhà sinh học vẫn chưa giải thích cho chúng ta việc tại sao đằng sau các giọng nói gợi dục, luồng điện phớt qua, và cả sở thích gia vị của người khác ẩn tàng lợi thế về sinh sản. Ngược lại, khứu giác mang đến nhiều yếu tố mới cho câu trả lời thông qua nhiều nghiên cứu rất cẩn thận đối với các phụ nữ trẻ và áo thun! Trong thời gian hai đêm liên tiếp, phải đánh giá mùi toát ra từ những chiếc áo thun mà đàn ông mặc. Kết quả, họ nhận thấy mùi gợi thèm nhất toát ra từ những người đàn ông rất khác biệt về mặt di truyền so với mình.

Vấn đề xuất phát từ sự hiện diện của các thành phần đặc biệt: các phân tử CMH. Đó là các phân tử lập thành căn cước sinh học của chúng ta - mùi. Chúng hiện diện ở bề mặt mọi tế bào và giúp cho hệ miễn dịch phân biệt những gì là riêng của cơ thể và những gì lạ đối với cơ thể (virus, vi khuẩn...), do đó chính các phân tử này phụ trách việc thải bỏ các yếu tố cấy ghép. Từ khoảng 20 năm nay, người ta biết rằng thú vật phản ứng lại các phân tử CMH thông qua khứu giác và chúng bị hấp dẫn trước các đối tượng tình dục mang các hợp chất rất khác với các hợp chất của chúng. Ở người cũng vậy. Chính điều này đảm bảo cho sự trường tồn của loài, tránh được những kết hợp cùng huyết thống vô cùng tai hại.

Như thế chưa phải là tất cả. Ngoài mùi, thế giới động vật còn biết đến các chất tiết khác có sức tấn công khứu giác không cưỡng được: đó là các phéromone nổi tiếng. Các phân tử hóa học này gây kích thích mạnh, nhất là ở các loài chó, mèo và loài gặm nhấm. Vì các phéromone thông báo sự hiện diện của một đối tượng dục tình và phát động cơn thèm muốn: con đực tức thì cương cứng và con cái sẵn sàng trong tư thế giao cấu. Con người cũng được phú cho giác quan thứ sáu này.

Dopamine, chìa khóa của sự thèm muốn

Dopamine, hoóc môn kích thích mạnh tiết ra khi chúng ta ở trong trạng thái thèm muốn, cũng là chìa khóa của khoái cảm. Thực tế, trong một quan hệ xác thịt, não bộ chúng ta lại tiếp tục tiết ra dopamine, nhưng lần này với lượng lớn hơn. Dopamine tạo nên một đợt sóng hưng phấn và từ đó kích thích sự giải phóng các hoóc môn trợ lực khác như là ocytocine và lulibérine nhấn chìm chúng ta trong bể tình yêu, cũng như endorphine hướng chúng ta đến trạng thái sảng khoái hoàn toàn! Một cơn bão hóa học thật sự dìm não bộ chúng ta vào hạnh phúc... Và khi khoái cảm đã có được, bộ não được đền bù và cơ thể dịu lại, không lâu sau chúng ta lại tiếp tục thèm muốn, hoặc là với bạn tình khác, hoặc là với chính người cũ. Trong trường hợp đầu, các thành phần sinh học sẽ có lúc hòa hợp hay tranh đua với tâm lý chúng ta. Nhưng trong trường hợp thứ hai, ngoài mong muốn tìm lại sự hưng phấn có được, có một xúc tác sinh học thúc đẩy chúng ta thèm muốn chính bạn tình cũ. Đó là một chất nội sinh: ocytocine.

Ocytocine, phân tử được tiết ra trong cơn hưng phấn tình dục, dường như đáng được mang tên gọi là hoóc môn gây tính quyến luyến. Vai trò này được các nhà khoa học ở Đại học Emory, bang Atlanta, Mỹ, khám phá ra trên loài chuột campagnol, một loài gặm nhấm bé nhỏ. Lucy Vincent, tiến sĩ khoa học và thần kinh, giải thích: "Loài chuột campagnol vùng đồng cỏ sống có đôi có cặp rất chung thủy. Nhưng giống chuột ở miền múi lại sống tạp giao. Sự khác biệt này chính là vì giống chuột đồng cỏ có nhiều cơ quan nhạy cảm với ocytocine trong não hơn và nhạy cảm nhiều hơn với hoóc môn".

Mối quan hệ giữa hoóc môn và tình yêu?

Điều kỳ thú ở loài chuột campagnol đồng cỏ là mối quan hệ giữa con đực và con cái sinh ra từ lần giao cấu đầu tiên. Hơn nữa, mối quan hệ này hầu như là không thay đổi, vì hiếm khi có sự thay thế bạn tình khi một trong hai con chết đi. Mối quan hệ xem ra giống tình yêu đến lạ lùng. Vậy phải chăng ocytocine cũng đóng một vai trò tương tự ở người? Có thể đúng là như vậy. Cách đây 4 năm, Andreas Bartels và Semir Zeki, hai nhà sinh học thần kinh người Anh ở Đại học tổng hợp London, đã chọn ra khoảng 20 người "yêu nhau cuồng nhiệt" trong thời gian 2 năm và tiến hành chụp IRM não bộ trong khi họ nhìn các tấm ảnh chụp hoặc là người mình yêu hoặc là bạn quen lâu ngày. Sau đó hai nhà khoa học nhận thấy có 4 vùng não hoạt động đặc biệt khi nhìn thấy ảnh người yêu. Trong đó 2 vùng sáng lên khi xuất hiện sự thèm muốn tình dục, 2 vùng còn lại báo hiệu sự xác định tìm cảm về người khác. Hai nhà khoa học thấy rằng ocytocine hoạt động trong các vùng não này. Do đó người ta có thể nhận định rằng có mối quan hệ giữa hoóc môn và tình yêu ở con người. Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa trả lời được. Tại sao người ta không yêu nhau sau một quan hệ xác thịt? Phải có một tỷ lệ ocytocine nào đó để được yêu? Cuối cùng thì trạng thái run bắn người của nhà thơ trẻ Alfred de Musset vẫn chưa tiết lộ hết bí ẩn của nó...


Biopro (Theo VnExpress)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top