Hanuman trong Ramayana

HANUMAN - "MỸ HẦU VƯƠNG" TRONG VĂN HÓA ẤN GIÁO

(https://www.swarthmore.edu/Humanities/pschmid1/array/Gnomon2/hanuman/hanuman.jpg)

Tôn Ngộ Không ( 孙悟空), nhân vật tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh (齊天大聖), nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký, có thể được xem là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong văn học Trung Hoa. Tôn Ngộ Không được miêu tả như là thầy pháp, hoà thượng, vua khỉ, thánh nhân và chiến sĩ (Đấu chiến thắng Phật), dưới lốt một con khỉ, xuất hiện trong những câu chuyện dân kể trên đường phố đời nhà Đường. Nếu quan tâm đến văn học người ta dễ dàng nhận ra sự liên quan giữa Tôn Ngộ Không với hình tượng Thần khỉ Hanuman trong thiên sử thi Ramayana.

Thần khỉ Hanuman là một trong những nhân vật chính của hai pho sử thi Ấn Độ đồ sộ là Ramayana và Mahabharata. Tại Việt Nam, người Việt quen thuộc với nhân vật Tôn Ngộ Không hơn là Hanuman.

Hình ảnh thần khỉ được miêu tả là một con khỉ thần thông cao cường với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng cho lòng dũng cảm. Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama (vị vua anh hùng được kể trong sử thi Ramayana), và cũng được Rama thương yêu nhất, nên có khi người ta vẽ Hanuman với hình Rama xăm trên ngực

Nếu như người Trung Hoa tôn sùng với hình tượng Tôn Ngộ Không thì trong thần thoại Ấn Độ Hanuman sớm trở thành một hình ảnh quen thuộc, phổ biến. Hanuman là một đề tài lớn của mỹ thuật Ấn giáo. Người Ấn Độ tin rằng việc thờ phụng đức Hanuman có thể phù hộ người đời khỏi tà ma ác quỷ. Ngày thứ Ba hàng tuần ở Ấn Độ, hàng triệu tín đồ Ấn giáo đều dâng lễ cầu nguyện thần khỉ phù hộ cho họ được khỏe mạnh, sung túc.

Hình tượng Hanuman còn xuất hiện nhiều trong các bản anh hùng ca của các dân tộc có ảnh hưởng của Ấn Giáo, ví như Xỉn Xay của Lào hay Ramakiêng của Thái Lan, hoặc như cốt truyện của trường ca của Campuchia Riêm Kê sau đây:

Hoàng tử Prệt Riêm, con Vua Kinh thành Aốtđia là một thanh niên đẹp trai, thông minh hơn người. Mụ dì ghẻ sợ Prệt Riêm sẽ là người thay thế vua lên ngôi báu, nên đã xúi bẩy chồng đuổi chàng vào rừng sâu. Prệt Riêm phải từ bỏ Kinh thành ra đi cùng với vợ là nàng Xây Đa. Người em trai tên là Prệt Léc cũng tình nguyện theo anh. Trên đường đi, đoàn người gặp vua xứ quỷ là Riếp. Riếp thấy Xây Đa xinh đẹp, rắp tâm chiếm làm vợ. Hắn biến thành một con hươu, nhử cho anh em Prệt đuổi bắt, vô tình bỏ Xây Đa ở lại một mình. Chớp thời cơ, hắn quay lại cướp Xây Đa mang về đảo Lanca. Mất người vợ xinh đẹp và chung thủy, Prệt Riêm đau đớn vô cùng. Chàng quyết tâm đuổi theo quỷ Riếp, cứu Xây Đa. May mắn chàng được một đội quân khỉ do tướng khỉ tài ba, dũng mãnh là Hanuman chỉ huy, tiến thẳng về xứ quỷ. Sau nhiều trận đọ sức quyết liệt, anh em Prệt Riêm phối hợp với đội quân khỉ đánh tan bọn quỷ Riếp, cứu Xây Đa trở về. Lúc này, thời gian bị lưu đày cũng vừa hết, anh em Prệt Riêm trở lại Kinh đô. Người em đang trị vì trả lại ngôi báu cho Prệt Riêm. Nhưng hạnh phúc vợ chồng vừa vượt qua được những gian lao thử thách, bây giờ bị tan vỡ vì lòng nghi kỵ ghen tuông của Prệt Riêm. Riêm cho rằng nàng Xây Đa đã thất thân với quỷ Riếp trong thời gian nàng bị giam hãm ở đảo Lanca. Chàng bắt vợ phải nhảy vào lửa để làm rõ thực hư. Xây Đa đã nhảy vào lửa nhưng nàng không hề bị cháy bỏng. Như vậy là nàng vô tội. Song, Prệt Riêm vẫn chưa hết ngờ vực. Vì lòng ghen tuông mù quáng, ích kỷ, Prệt Riêm đã đuổi vợ vào rừng, trong khi nàng đang có chửa. Xây Đa rất đau đớn vì chịu oan mà không được minh oan. Nàng chờ cho việc sinh nở xong xuôi, liền hóa thân vào đất để chứng minh tấm lòng trung trinh ngay thẳng của mình...

Riêm Kê phát triển xung quanh mâu thuẫn chủ yếu giữa hai lực lượng thiện và ác. Trong tác phẩm, những môtíp văn học dân gian quen thuộc của vùng Đông Nam Á được biểu hiện trong những mối quan hệ đối kháng như dì ghẻ – con chồng, người lương thiện – lũ yêu quỷ, kẻ có quyền hành thế lực nhất thời thắng thế – người bị oan khổ sẽ được hạnh phúc... Tuy nhiên, những nhân vật tiêu biểu cho một lực lượng xã hội đều có những nét đặc sắc riêng biệt, phản ánh một phạm vi hiện thực nhất định. Prệt Riêm và Hanuman là hai nhân vật đặc sắc hơn cả. Prệt Riêm gặp rất nhiều tai ương trên đường đời, nhưng vì có nghị lực, có tấm lòng ngay thẳng nên được nhiều người ủng hộ. Cuối cùng chàng đã chiến thắng mọi thế lực đen tối tàn bạo, giành lại cuộc sống hạnh phúc. Nhưng vì chàng không vượt qua được sự ghen tuông nhỏ nhen nên đã có những quyết định sai lầm, làm tan vỡ hạnh phúc của chính mình. Hanuman mang nhiều đặc điểm của người anh hùng nhân dân: Tài hoa, sáng suốt, quả cảm và sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Nếu như bản chất quý tộc trong con người Prệt Riêm làm cho hình tượng này ít nhiều bị hoen ố thì ngược lại ở Hanuman, bản chất tốt đẹp của nhân dân được biểu hiện thật trong sáng, đẹp đẽ.

Trường ca Riêm Kê có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật. Nó được lưu truyền rộng rãi và nhiều thế kỷ trước đây đã không ngừng được bổ sung để trở thành một viên ngọc quý của văn học cổ Campuchia.

Hanuman là một hình tượng lớn trong văn học Ấn giáo.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top