Hành đạo và hành lạc trong thơ Nguyễn Công Trứ”.

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
PHẦN MỞ ĐẦU​
1. Lí do chọn đề tài.
Nguyễn Công Trứ là nhân vật lịch sử nỗi tiếng, in đậm dấu ấn không chỉ trong lĩnh vực văn chương mà còn ở nhiều phương diện trong đời sống xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, văn chương lỗi lạc có tài kinh bang tế thế, lưu danh sử sách. Lúc sống cuộc đời một hàn sĩ, lúc cầm quân chinh chiến, lúc làm lính thú, lúc làm đại quan, vinh nhục đã từng, thăng trầm đã trãi. Nhưng lúc nào ông cũng hăm hở chí nam nhi, sòng phẳng với nợ tang bồng, sống vì một khát vọng phi thường.
Thơ văn Nguyễn Công Trứ bao hàm một nội dung khá phức tạp, kết tinh một trạng thái ý thức của thời đại: Vừa ca tụng con người hoạt động, lại vừa ca tụng lối sống hưởng lạc, cầu nhàn; vừa ca tụng Nho giáo lại vừa ca tụng Đạo giáo; vừa lạc quan tin tưởng lại vừa bi quan thất vọng; vừa khẳng định mình lại vừa phủ định mình… Nguyễn Công Trứ là một khối mâu thuẫn lớn. Chính sự mâu thuẫn trong tư tưởng và hành động của con người Nguyễn Công Trứ, cho nên khi đọc thơ ông chúng ta luôn có cảm giác đầy mới lạ và đan xen, nhận thức con người ông mỗi lúc một khác cần khám phá và tìm hiểu.
Đề tài “Hành đạo và hành lạc trong thơ Nguyễn Công Trứ” chính là mãnh đất đầy màu mỡ, nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà nghiên cứu có cơ hội tìm tòi khám phá.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu.
Đã có nhiều nhà nghiên cứu về tác giả Nguyễn Công Trứ với quy mô lớn như: Hà Minh Đức, Trần Nho Thìn, Nguyên Lộc, Vũ Ngọc Khánh…
Một số vấn đề nghiên cứu liên quan đến vấn đề hành đạo và hành lạc trong thơ Nguyễn Công Trứ như: Sáng tác của Nguyễn Công Trứ (Phạm Thế Ngũ), Thơ văn Nguyễn Công Trứ (Nguyên lộc), Sự nghiệp thơ văn Nguyễn Công Trứ (Trương Chính), Thơ hành lạc của Nguyễn Công Trứ với dòng thơ “an lạc” thế giới, Bài ca ngất ngưởng – Lời thơ tuyên ngôn (Trần thị Băng Thanh). Và rải rác một số công trình của các tác giả khác.
Đề tài “Hành đạo và hành lạc trong thơ Nguyễn Công Trứ” là một đề tài hấp dẫn song cho đến thời điểm hiện nay thì tôi vẫn chưa tìm được một công trình nghiên cứu cụ thể và chính xác nào viết về “Hành đạo và hành lạc trong thơ Nguyễn Công Trứ”. Trên đây là những công trình mà tôi tìm được, từ những công trình đó tôi mạnh dạn đi vào nghiên cứu vấn đề.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu: “Hành đạo và hành lạc trong thơ Nguyễn Công Trứ”.
Phạm vi nghiên cứu: tập trung đi sâu vào nội dung của vấn đề mà phạm vi khảo sát chủ yếu là những bài thơ của Nguyễn Công Trứ
4. Phương pháp nghên cứu.
Để nghiên cứu đề tài này trước tiên tôi đã tìm hiểu về lịch sử nghiên cứu của vấn đề, tìm hiểu và nhìn nhận các khía cạnh mà các tác giả đã nghiên cứu từ đó rút ra vấn đề chung nhất cho vấn đề cần giải quyết. Kết hợp tổng hợp và phân tích để đi đến kết luận
5. Cấu trúc đề tài.
Đề tài gồm có phần mở đầu, nội dung, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo.











PHẦN NỘI DUNG
1. Nguyễn Công Trứ mẫu nhà nho hành đạo tài tử
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy đỗ đạt muộn, ông làm quan đến gần ba mươi năm, giữ nhiều chức vụ rất khác nhau, hoạn lộ cực kì sóng gió, nhưng trên cương vị nào ông cũng để lại những kết quả, những thành tựu, không chỉ đối với triều đình nhà Nguyễn mà còn đối với sự phát triển của lịch sử xã hội Việt nam. Vừa là một nhà thơ mà sáng tác văn chương đi vào lịch sử văn học như một trong dăm ba tác giả quan trọng nhất của nửa đầu thế kỉ XIX. Ông xuất chính theo nghạch văn - quan, nhưng chẳng bao lâu đã trở thành một võ tướng, có nhiều chiến tích đáng trân trọng. Là một viên quan được cai trị trấn nhậm ở những vùng gai góc nhất, nhưng ông cũng được cử đi làm chủ khảo những kì thi ở những vùng có tiếng văn vật. Sự nghiệp đặc biệt để lại công lao to lớn của ông trong lịch sử dân tộc được tạo ra khi ông được trao chức quan Dinh điền sứ, tổ chức khai hoang lấn biển lập ra hẳn hai huyện Tiên Sơn, Tiền Hải. Giải pháp xử lý toàn cục của ông ở hai huyện này cho đến nay vẫn được đánh giá là tối ưu. Đến cả lối sống, cả phương thức ứng xử của ông trong các tình huống cũng thật khác người, hằn sâu trong kí ức mọi người như những giai thoại thú vị.
Chính bản chất con người và thời đại Nguyễn Công Trứ sống đã sinh ra hình ảnh con người nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ trong thơ văn của ông.
Nguyễn Công Trứ có một vị trí đáng kể trong nền văn học dân tộc. Sáng tác của Nguyễn Công Trứ hình thành một khuynh hướng mới khác với tinh thần của văn học giai đoạn trước và mang màu sắc giai đoạn thời đại rõ rệt. Nổi bật trên những trang viết của Nguyễn Công Trứ là hình ảnh con người nhà nho tài tử: tài tử trong hành đạo và tài tử trong hành lạc. Thơ ngôn chí thể hiện con người xã hội, con người hành sự và thơ hành lạc thể hiện tính chất cá nhân của mình. Ở Nguyễn Công Trứ tư tưởng sáng tác chủ đạo xoay quanh một mệnh đề “Nam nhi chí”, đó là tư tưởng xuyên suốt tất cả sáng tác của ông, tỏ rõ bản lĩnh đàn ông. Ngoài ra trong thơ ông ta còn bắt gặp những sáng tác thể hiện cảnh nghèo khổ và thế thái nhân tình, và những bài thơ xoay quanh triết lý hưởng lạc.
Một con người đa tài, một đời dấn thân nhưng bị kìm nén, hết thăng lại giáng, cái nghiệp lập công danh trả nợ tang bồng cho thoả chí làm trai gặp nhiều trắc trở. Thế nhưng vẫn say sưa với hành lạc chẳng kém gì say sưa với nghiệp lập danh. Ông là Nguyễn Công Trứ một con người hành đạo hết mình mà cũng hưởng thụ hết mình. Điều đó thể hiện rõ qua hai mãng thơ hành đạo và hành lạc của ông.
2. Hành đạo trong thơ Nguyễn Công Trứ
Trước hết phải nói đến là trong xã họi lúc bấy giờ, Nho giáo vẫn là một học thuyết chính trị quan trọng nhằm tổ chức, quản lý xã hội. Muốn giúp ích cho dân cho nước không còn cách nào khác là tham gia thi cử và đỗ đạt làm quan. Đó là con đường chính thống để có thể tạo lập công danh.Với mảng thơ hành đạo trong thơ Nguyễn Công Trứ ta bắt gặp đó là thơ thể hiện chí nam nhi, đạo quân thần – thể hiện vai trò bổn phận của kẻ sĩ và cuối cùng đó là trăn trở với thế thái nhân tình.
2.1. Thể hiện chí nam nhi.
Tiếng nói về chí nam nhi là chủ đề lớn tập trung xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ thuở hàn vi và thời làm quan “đắc chí”. Quan niệm của ông về chí nam nhi được thể hiện ở ngay tên gọi một số bài thơ: Chí khí anh hùng, Nợ công danh, Nợ tang bồng, Gánh trung hiếu… Cơ sở của quan niệm này là tư tưởng Nho gia về mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh.
Chữ “hành đạo” theo quan niệm của Nho giáo là sự ra giúp đời, làm bổn phận với nước, với dân. Cái triết thuyết “hành đạo” được thể hiện rõ nét trong thơ Nguyễn Công Trứ. Quan niệm này được bao trùm bởi một ý niệm khác mà ông gọi bằng những chữ: “chí khí anh hùng”, “chí nam nhi”, “nợ tang bồng”, “nợ nam nhi”.
Ngay từ thuở hàn vi, đã nhiều lần ông bày tỏ khát vọng, cái lí tưởng sống, cái chí khí của một đấng nam tử “bất bình thường” của mình. Trong thơ ông ta luôn thấy hình ảnh một con người với lẽ sống hăm hở, một nhân sinh quan tích cực. Là một trí thức thành danh, là một nhà Nho được đào tạo bài bản, được hấp thụ một nền học thuyết Nho giáo chính thống, thế nhưng ông không bị ràng buộc bởi những qui định hà khắc của những thứ lễ giáo ấy, mà trái lại, trong thơ văn, nhất là trong mảng thơ Nôm của ông thể hiện rất rõ hình ảnh con người nhà thơ, con người tài tử, có phong cách sống tuỳ hứng, tuỳ thích, như ông đã từng tuyên bố:
Sách có chữ “Nhân sinh thích chí”
Đem ngàn vàng chác lấy tiếng cười
(Cầm kì thi tửu)
Cái cốt cách tài tử khác người của Nguyễn Công Trứ thể hiện ngay ở cái chí hướng muốn lập công danh, thực hiện lí tưởng người anh hùng. Nguyễn Công Trứ là con người của niềm say mê, sôi nổi, của hoài bão lớn lao trên con đường hành đạo. Trong ông luôn đau đáu nổi niềm “chí nam nhi”, “nợ tang bồng”, “nợ công danh”, “gánh trung hiếu”,… Ông là người tận tâm với công việc, trung thành với chế độ phong kiến, hết lòng vì nước, vì dân. Thế nhưng Nguyễn Công Trứ lại có cá tính mạnh mẽ, không chịu sống bình lặng trong khuôn phép của đạo lí phong kiến mà luôn luôn vươn tới khẳng định bản ngã, vượt lên thế tục, ngông nghênh, ngất ngưỡng giữa cuộc đời với những triết lí nhân sinh khá cực đoan.
Chí nam nhi thực ra không phải là sáng tạo riêng của Nguyễn Công Trứ, nó đã được giới trí thức chịu ảnh hưởng Nho giáo từ hồi Lý- Trần nhắc đến. Chúng ta đều biết đã có một Quảng Nghiêm (1122-1190) nói
“Nam nhi ỵư liễu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”
Một Phạm Ngũ Lão với nỗi niềm:
“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
Đó là khao khát khẳng định một cái gì đó của chính mình trong cuộc đời này, đó là khao khát làm nên một sự nghiệp bằng hành động thực tiễn chứ không phải lí thuyết, sách vở. Họ đứng từ góc độ hành động thực tiễn để phát huy chí nam nhi
Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ giống với trí nam nhi của các trí thức hồi Lý-Trần, một mặt cũng như tất cả mọi người thời trung đại ông tin rằng có số mệnh, có trời trong số phận nhưng mặt khác ông cũng tin vào bản thân và sự nổ lực của bản thân. Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ là tinh thần nhập thế tích cực của nhà nho vốn được giáo dục niềm tin về nguồn gốc vũ trụ thiêng liêng của nhân cách và tài năng của mình, muốn đem tài năng ấy cống hiến cho sự nghiệp cứu chúa, an dân và đảm nhận điều kiện xã hội thuận lợi cho việc thực hiện lý tưởng đó.
Có thể nói chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ là tiêu biểu cho trạng thái tinh thần của tầng lớp nho sĩ đang cố sức vươn lên trong điều kiện mới của xã hội, nó xây dựng trên cơ sở những ảo tưởng về chính quyền nhà Nguyễn lúc mới thành lập. Nội dung chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ chính là lý tưởng sống của nhà thơ khi còn đầu xanh tuổi trẻ.
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”.
Điều đáng nói ở đây chữ danh gắn liền với chữ “thân”, với chữ “công”:
“Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp
Xuất mẫu hoài tiện thi hữu quân dân
Mà chữ danh gắn liền với chữ thân
Thân đã có ắt danh âu phải có”
Chí và danh luôn luôn gắn vói nhau, để có danh đó trước hết phải đi thi người con trai muốn thành danh là phải đi thi “trả nợ cầm thư” (nợ đèn sách). Tuổi nhỏ sống nghèo nhưng “phím đàn níp sách là nghề cũ” không bỏ được, ông đã cố gắng đi học để đi thi. Khi trả nợ cầm thư, và trả nợ công danh đó người đàn ông phải tung hoành bốn hướng, nợ tang bồng rồi còn nợ đời. Nợ công danh trong cuộc đời và trong thơ văn của Nguyễn Công Trứ đó là quan niệm công danh trước hết có nghĩa là nhiệm vụ của người làm trai là một món nợ lớn phải trả. Quan niệm công danh của ông thường gắn với quan niệm trung hiếu, quân dân.
Chí nam nhi ở Nguyễn Công Trứ luôn gắn vói hoài boã về công danh sự nghiệp. Nó thành lẽ tồn tại, niềm khao khát với quyết tâm và nghị lực mạnh mẽ:
“Không công danh thời nát với cỏ cây”
(Gánh trung hiếu)
“Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”.
(Chí khí anh hùng).
Một lẽ sống đẹp, một mục đích sống cao cả. Những câu thơ trên được mến mộ, được truyền tụng như một châm ngôn về hoài bão công danh của người quân tử mưu cầu chí lớn.
2.2 Đạo quân thần- Thực hiện vai trò, bổn phận của kẻ sĩ.
So với tư tưởng thoát li của cuộc sống, phủ nhận vai trò của con người, chí nam nhi của nho gia là tích cực, nó khẳng định vị trí và vai trò của cá nhân đối với cộng đồng, làm cho cuộc sống của con người trở nên có ý nghĩa. Thực chất đây chính là tư tưởng làm trai dưới thời trung đai, đặt đạo tôn quân lên hàng đầu:
“Nặng nề thay đôi chữ quân thần”.
(Nợ nam nhi)
Có điều là với nhà nho chân chính, lí tưởng đó chỉ đáng trọng khi quán triệt mục đích:
“Thượng vị quân, hạ vị nhân”
(Gánh trung hiếu)
Trong hoàn cảnh một xã hội ổn định, giai cấp thống trị đang có vai trò tích cực, biết gắn “trung quân với ái quốc”, thì đấy là “đất dụng võ” của kẻ nam nhi. Vì vậy nó trở thành nổi niềm tâm sự tốt đẹp đầy tinh thần lạc quan, tinh tưởng của những người như Thiền sư Khổng Lộ, Quảng Nghiêm… các võ tướng văn thần như Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi…
Nguyễn Công Trứ đã phát biểu chí nam nhi một cáh say mê, hào hứng và hăm hở hành động trên cơ sở hoàn cảnh xã hội cụ thể và những điều kiện của bản thân. Đứng về phía ông mà nói ông cúc cung tận tuỵ với triều đình, “chí làm trai” trước kia còn mơ hồ, nay thì đã có một nội dung cụ thể. Ông đổi ra thành đạo “vi thần”, làm tôi tớ phục vụ nhà vua vô điều kiện. Trong thơ ông cũng từng tuyên bố:
“Đường trưng hiếu chữ quân thân gánh vác…
…. Có trung hiếu nên đứng trong trời đất..”.
Hoặc: “Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp,
Xuất mẫu hoài tiện thị mẫu quân thân…”.
Đối với ông công danh gánh với trung hiếu, quân thân với công hầu, khanh tướng. ông làm được đúng như ông nói trong bài Luận kẻ sĩ., có thể xem đó là một bản tuyên ngôn của ông khi nhập thế cuộc.
Hơn ai hết Nguyễn Công Trứ là người ý thức rất rõ về bổn phận của kẻ sĩ. Đã nhiều lần trong thơ ông hùng hồn khẳng định trách nhiệm ấy.
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
(Bài ca ngất ngưởng)
Vũ trụ chức phận nội
(Gánh trung hiếu)
Vũ trụ dai ngộ phận sự
(Nợ tang bồng)
Với những lời tuyên bố ấy, Nguyễn công Trứ đã khẳng định sự tồn tại, vị trí quan trọng của chính mình trong cõi trời đất. Ý thức về cái tôi cá nhân khá rõ. Ông còn nói:
Thiên phú ngôn, địa tải ngô
Thiên địa sinh ngô nghuyên hữu ý
Người chí sĩ phải coi mọi việc trong trời đất đều là việc của mình, phải ôm mọi việc lớn của non sông, phải cống hiến hết mình cho đời. Khát vọng thành danh khẳng định phận sự trong trời đất là một lý tưởng đẹp đẽ, hào hùng. Làm nên những ước vọng cao cả và những ý định siêu phàm. Bởi thế, kẻ sĩ một khi đã mang lấy cái danh hiệu cao quý ấy phải đeo đuổi và làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của mình :
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Khi cơ hội đến kẻ sĩ phải ra sức làm nên những chiến công hiển hách lẫy lừng :
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
(Chí làm trai)
Phải dồn hết sức lực tài năng để thi thố khẳng định mình :
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan sẻ núi lấp sông
Làm nên đắng anh hùng đâu đấy tỏ
(Chí làm trai)
Bởi thế con người kẻ sĩ phải có tư thế lớn lao sánh cùng trời đất :
Có trung hiếu nên đứng trên trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây”
(Gánh trung hiếu)
Về phía bản thân, Nguyễn Công Trứ là người có ý thức sâu sắc về những phẩm chất, giá trịcủa mình với niềm tin tưởng mạnh mẽ:
“Phận tài hoa đành ó lúc vẻ vang”
(Vô cầu)
“Hữu kì đức ắt trời kia chẳng phụ”
(Đường công danh)
Trên cơ sở đó, chí khí lớn lao được hun đúc từ nhỏ ở Nguyễn Công Trứ như được chắp thêm đôi cánh bay cao, bay xa, vẫy vùng ngang dọc.
Tuy nhiên, sau này khi triều Nguyễn rơi vào tình trạng khủng hoảng theo chiều hướng chung của phong kiến Việt Nam thì chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ cũng nhuốm màu tang thương, cái hào hùng dần dần nhường chỗ cho cái chán chuồng mệt mỏi:
“Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao”.
(Thoát vòng danh lợi).
Con người nhập thế tích cực thành con người hán chường tiêu cực:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
(Nhàn ngâm)
2.3[FONT=&quot] [/FONT] Sự trăn trở trước thế thái nhân tình
Ông là một người theo tinh thần Nho giáo tích cực, một ông quan thanh liêm, rất chú ý đến vấn đề nhân sinh và xã hội. Thêm vào đó cuộc sống riêng của nhà thơ cũng chịu nhiều khổ nhục, bất công. Cho nên đề tài về nhân tình thế thái được ông viết khá nhiều và có những nét của nhà nho truyền thống.

Trong thơ Nguyễn Công Trứ còn xuất hiện hình ảnh con người chứa đựng nhiều nỗi niềm với đời, với những vấn đề thuộc phạm trù đạo lý xã hội, nhân cách. Đọc thơ Nguyễn Công Trứ, ta thấy sự trăn trở, sự hoài nghi của nhà thơ về cuộc sống. Có lẽ chốn quan trường đầy rẫy những bất công, cạm bẫy đã cho ông những bài học đắt giá.
Phải chăng nhà thơ sống trong môi trường phong kiến đang trên đà đi xuống, đồng tiền trở thành một thế lực đen tối, đang chế ngự đời sống con người, nó trở thành thước đo giá trị của con người.
Hễ không điều lợi , khôn thành dại
Đã có đồng tiền, dỡ cũng hay
(Vịnh nhân thế thái)
Đồng tiền đánh đỗ cả nhân nghĩa, nó chi phối mọi tình cảm, mọi mối quan hệ xã hội, làm đảo lộn hệ giá trị trong giới nho sĩ và giới quan trường.
Đương om sòm chớp giật sấm vang
Nge xóc xách lại gió hoà mưa ngọt
Kẻ tài bộ đã vào phường vận đạt
Không cùng người nát với cỏ cây
Người yên yên đành một phận trầm mai
Có gã lại ra sừng gạc
(Vịnh đồng tiền)
Bao nhiêu đạo đức luân lý cổ truyền đều rạn vỡ trước sức mạnh của đồng tiền. Nguyễn Công Trứ cũng là một nhà thơ phong kiến, ông không thể chịu nỗi, bản thân nhà thơ trong cuộc sống nghèo khổ, nhiều lúc ông cũng trở thành nạn nhân của đồng tiền. Cho nên ông càng căm ghét nó. Tiếng nói tố cáo đồng tiền của Nguyễn Công Trứ vừa mang màu sắc phong kiến vừa có yếu nhân dân là vì vậy.
Nhưng cái làm nên thế thái nhân tình không chỉ phê phán đồng tiền. Trong con mắt nhà thơ. Ông thấm thía với tình cảnh những người lép vế trong xã hội, một xã hội không có cơ sở cho quyền tự do cá nhân.
Ông thấy rất rõ thực chất đạo đức của bọn quan lại dốt nát, hẹp hòi, ích kỷ. Đó là những con người bất tài mà hay hại người
Cái xấu đầy rẫy trong cuộc sống từ đám cường hào mọt dân ở nông thôn đến hàng ngũ quan lại giữa triều đình. Trong thơ nôm Nguyễn Công Trứ không chỉ nói đến bọn quan lại xấu xa, bỉ ổi mà còn nói đến sự đổi trắng thay đen của người đời. Một loạt những bài thơ “Trách đời, vịnh sự đời, thế tình bạc bẽo…” đều có ý nghĩa tố cáo sắc sảo, thể hiện sự phẩn nộ của ông trước sự tráo trở, nham hiểm của người đời.
Phải là một người đã từng trãi nghiệm giữa cuộc sống không mấy êm đềm, tốt đẹp mới hiểu được sự đời bạc bẽo một cách thấm thía, sâu sắc đến như vậy. Nhưng điều đặc biệt so với các nhà thơ khác cùng thời. Khi đề cập đến đồng tiền, đến danh lợi ta không thấy sự chán nản hay tuyệt vọng bi quan nào, ngược lại ta luôn cảm nhận được một tinh thần lạc quan và niềm tin vào số phận.
Viết về nhân tình thế thái. Nguyễn Công Trứ phản ánh cái nhìn thực tế. Đối với cuộc sống xã hội, ông không ảo tưởng về con đường thẳng tắp và bằng phẳng của sự nghiệp công danh. Trong hoàn cảnh xã hội độc tài, chuyên chế quan liêu, ông thường có thái độ trào lộng chua chát. Đôi khi ông bực mình đến nỗi phải phát ra lời nguyền rủa cay nghiệt.
Đ. mẹ nhân tình đã biết rồi
Lạt như nước ốc bạc như vôi
(Thế tình bạc bẽo)
Tóm lại đọc những bài thơ Nguyễn Công Trứ nói về vận sĩ cảnh nghèo của ông, ta thấy nghị lực của một con người cứng cáp, quyết thắng lướt cảnh ngộ nhưng ta cũng thấy nỗi bất bình của con người nhiều dục vọng muốn tìm cách vươn lên thoả mãn những khát khao phú quý, công danh. Đó là cơ sở tâm lý để hình thành triết lý cầu nhàn hưởng lạc trong thơ văn Nguyễn Công Trứ.

3. Hành lạc trong thơ Nguyễn Công Trứ.
Trong bản tuyên ngôn về kẻ sĩ cũng như trong một số bài thơ khác, ngay từ đầu Nguyễn Công Trứ đã có chủ trương con người được hành lạc. Ông xếp nó thành một mục trong chương trình sống lý tưởng của mình. Theo Nguyễn Công Trứ con người chỉ được hành lạc khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ có thể “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, khi ‘nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”, và Nguyễn Công Trứ say sưa miêu tả cái thú hành lạc ấy:
“Nhà nước yên mà sĩ cũng thung dung
………..
Này này sĩ mới hoàn danh”.
Nguyễn Công Trứ quan niệm hành lạc là một sự đãi ngộ, là phần thưởng cho những kẻ anh hùng, cho những người hành động. Nó bao hàm một nội dung rất thanh sạch như việc du lãm nơi “cùng cốc thậm sơn’ với thơ rượu địch đàn… Đối với người xưa quan niệm hành lạc như vậy là một cách để tỏ với đời phẩm chất thanh cao của kẻ sĩ, quân tử không màng danh lợi, không tham quyền cố vị. Nhưng về sau Nguyễn Công Trứ đã nâng quan niệm hành lạc ấy thành một thứ triết lý sống chi phối tất cả, và nội dung của nó cũng không còn là chuyện tiêu giao với thơ rượu địch đàn, mà có cả “yến yến hường hường”, có cả “mắt đi mày lại”, có cả tiếng trống cúc tùng ở các nhà cô đầu… Đẩy hành lạc lên thành một triết lý sống phải nói là một bước sa đoạ về phương diện tư tưởng của Nguyễn Công Trứ.
Nguyễn Công Trứ là một đệ tử nổi danh của “chủ nghĩa hành lạc”, ông nói đến triết lí hành lạc như nói đến một triết lí nhân sinh hẳn hoi:
“Nhân sinh bất hành lạc
Thiên tuế diệc vi thương”.
Nguyễn Công Trứ nói đến hành lạc như một cách thoả chí ngang dọc của mình:
“Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí”
Tự hào về tài “kinh bang tế thế” của mình thế nào thì cũng tự hào về cái tài hành lạc của mình như thế:
“Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Tài tình dễ mấy xưa nay”.
Ở Nguyễn Công Trứ hành lạc tức là bày ra những trò vui để hưởng thụ về đường cảm giác. Hành lạc của ông từ những thú vui thanh cao đến những thú vui trần tục nhât: thú cầm kì thi tửu, thú đánh tổ tôm, thú hát ả đào và cả thú vui sắc dục…
Thú cầm kì thi tửu:
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay
Đàn năm canh réo rắt tính tình dây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
Rươụ ba chung tiêu sái cuộc yên hà.
Thú đánh tổ tôm (thú bài bạc).
“Nhân sinh quý thích chí
Cuộc ăn chơi gì hơn thú tổ tôm
Tinh kinh luân xuay dọc xuay ngang
Cơ điếu đạc quân ăn quân đánh”
Thú hát ả đào:
“Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề,
Có yến yến hường hường mới thú
Khi đắc ý mắt đi mày lại
Đủ thiên thiên thập thập thêm nông”.
Thực ra thú hát ả đào đã khá phổ biến trong giới trí thức nho sĩ và trí thức phong kiến từ Nguyễn Du đến Nguyễn Khản đều thích môn nghệ thuật này.
Mô tip rượu, thú tổ tôm, hát ả đào và yếu tố sắc dục nằm trong triết lí cầu nhàn hưởng lạc của Nguyễn Công Trứ đã được nâng lên thành triết lí. Nếu như những thú vui tao nhã khác với những người thời trước lấy rượu giải sầu thì ở Nguyễn Công Trứ lại khác. Bài thơ “Vịnh say rượu” của ông hết mực ngất ngưởng:
“Say chưa? Say mới thú,
Hỏi làng say, ai đủ thú say”
Là một kẻ tài tình Nguyễn Công Trứ hành lạc bàng lối hát ả đào, một thú vui của thời niên thiếu ở quê nhà nhưng bây giờ không còn là cái thú của kẻ phong lưu hay là để tỏ mình không phải như bọn “tiền đếm gạo lường”. Bây giờ hát ả dào là để tỏ ra mình ngất ngưởng, ông nêu lên thành triết lí của cuộc sống:
“Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”
Trong cuộc hành lạc điều đáng phê phán nhất ở Nguyễn Công Trứ là thái độ của ông đối với phụ nữ. Trước kia mang nặng tư tưởng Nho giáo, Nguyễn Công Trứ tỏ ra khắt khe đối với phụ nữ, ông tỏ ra không có chút gì cảm thương đối với những phụ nữ xấu số trong xã hội. Về sau đi vào hành lạc ông lại càng coi thường phụ nữ, Nguyễn Công Trứ ví họ như những bông hoa và:
“Khách thập thuý say màu hoa diễm,
Đối mặt hoa mà cầm, mà kì, mà tửu, mà thi...”
Yếu tố sắc dục, đây cũng là một thú vui khác của ông khác với những nhà nho khác. Yếu tố sắc dục của ông với tuyên ngôn ái tình, tự xem mình là người quân tử đa tình với 24 bà vợ. Ông còn ngất ngưỡng với nhiều hành động khác nữa, 73 tuổi mà cưới một cô hầu 23.:
“Tân nhân dục vấn lang niên kỷ
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”.
Triết lí hành lạc với cuộc sống chìm đắm trong sắc dục được Nguyễn Công Trứ đẩy lên đến mức cực đoan. Đấy cũng là mặt tiêu cực trong con người và thơ văn Nguyễn Công Trứ, ông có thái độ không được thực sự tỏ ra tôn trọng người phj nữ mà còn có ý coi thường như qua bài “Bỡn cô đào già”.
Với Nguyễn Công Trứ, chơi, hành lạc là đủ thứ: có tình, có cầm, kỳ, thi, tửu đã đành. Còn có thú thiên nhiên với trăng gió, cỏ hoa, với :
"Liễu tía đào hường mai trắng trắng
…….
Trăm hoa cùng bẻ một cành"
(Yêu hoa).
Nguyễn Công Trứ với triết lý hành lạc như thế, quả thật là một sự táo bạo, cũng có thể nói là đi trước thời đại.
Nhận định về triết lí hành lạc của Nguyễn Công Trứ, chúng ta thấy nó bao hàm một nội dung hoàn toàn tiêu cực, có tính chất đồi truỵ, không một điểm nào có ý nghĩa trong cái triết lí ấy. Có thể nói đó là sự kết hợp tư tưởng hư vô và chủ nghĩa với tư tưởng khoái lạc chủ nghĩa của giai cấp thống trị trong giai đoạn suy tàn. Qúa trình diễn biến tư tưởng của Nguyễn Công Trứ từ quan niệm chí nam nhi đến triết lí hành lạc là quá trình sụp đổ hoàn toàn của lí tưởng xã hội ở nhà nho này.
Song ta cũng thấy rằng, quan niệm hành lạc của Nguyễn Công Trứ là một lợi thế chiến đấu và theo Nguyễn Công Trứ thì, đẳng cấp nho sĩ lấy chí hành lạc giàu của bọn phú hộ lãnh tiến. Đó là một quan niệm của đẳng cấp sĩ phiệt dùng để phân biệt mình với giai cấp phú hộ và toàn thể dân gian: Nghệ thuật hành lạc chỉ là một khía cạnh của nghệ thuật thống trị.
Trong quan niệm hành lạc của Nguyễn Công Trứ đã bộc lộ một thái độ tự do, tự do hưởng thụ, tự do ca ngợi hưởng thụ. Đó là tư tưởng đề cao con người tự do chống lại sự khắt khe của tư tưởng đè cao con người xã hội của lễ giáo.
4. Nghệ thuật góp phần thể hiện thơ hành đạo và hành lạc.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Công Trứ vô cùng rực rỡ cho thấy một cá tính sác tác rất độc đáo được thể hieenj tuyệt đẹp qua bài phú Nôm “Hàn nho phong phú vi” và tên 60 bài hát nói cực kì tài hoa.
Thơ Nguyễn Công Trứ sáng tác chủ yếu là thơ Nôm, viết bằng văn phong mộc mạc, ông thường sử dụng đại từ nhân xưng trong sáng tác, sử dụng các từ mạnh mẽ để thể hiện chí khí của mình, hành đạo của mình.
Nguyễn Công Trứ đã nâng thể hát nói thành thể thơ dân tộc, nó vượt qua thói kỷ viện đó để thể hiện ý chí của mình, đạt đến trình độ mẫu mực, đi đến những đề tài rộng lớn.
Nguyễn Công Trứ không khoe khoang chữ, riêng mặt này ngay từ đầu ông đã đứng “ngoài vòng cương toả”. Ông làm thơ toàn bằng tiếng nói của nhân dân, dùng nhiều tục ngữ, ca dao, tiếng địa phương, cốt tìm ra cách diễn đạt thích hợp, sinh động, dễ đi vào lòng người:
“Đ. Mẹ nhân tình đã biết rồi,
Lạt như nước ốc bọc như vôi…”.
Ông làm thơ như nói mà lại nói hay, khi tức giận thì chửi ra trò. Điều đó có thể sánh với Hồ Xuân Hương, hai nhà thơ này bin hf dân nhất trong các nhà thơ cổ điển.
Đa tình và thị tài là hai nét khác biệt của nhà nho tài tử, một hình thức đặc biệt của chủ nghĩa cá nhân khi cas nhân chưa có nền tảng xã hội là quan hệ tư bản ở đo thị phát triển. Nguyễn Công Trứ là người thị tài nhất, đa tình nhất mà cũng là người viết nhiều hát nói nhất. Thể loại ca khúc ở môi trường hành lạc đó cho phép Nguyễn Công Trứ nói đầy đủ nhất triết lí cá nhân chủ nghĩa của nhà nho tài tử.
Hành lạc là sự tự khẳng định cá nhân, hướng tới xã hội cộng đồng bằng khoe mẽ:
“Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí”.
Nhưng hành lạc ở đây dẫu có tuyên ngôn, tuyên bố, khoe khoang bằng ngôn từ và bộc lộ bằng các hành vi, dẫu nói đến thú chơi thanh sắc và cái khổ tương tư thì sự hoà trộn nó trong thú chơi cầm kì thi tửu đã cân bằng giữa sự hưởng thụ vật dục mang sắc thái tục với thú chơi thanh nhã thoát tục, thú chơi hào hoa.
Hệ thống cấu trúc câu ở hát nói của thơ Nguyễn Công Trứ cũng rất nhiều câu khẳng định, động từ cũng dùng nhiều từ dạng mạnh như: vẫy vùng, phỉ chí, phơi phới… Trong hát nói Nguyễn Công Trứ không ít cấu trúc câu kiểu đã… phải, như:
“Đã mang tiếng ở trong trời đát,
Phải có danh gì với núi sông”.
Hay: “Thân đã có ắt danh âu phải có”….
Ngay cả với việc biểu hiện một tư tưởng thoái bộ mang tính tiêu cực ông cũng chọn một ngữ điệu, một cách biểu hiện thể hiện sự ngang tàng phóng túng của thái độ tích cực như ở câu thơ:
“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Sự tự do, phóng túng, ngang tàng làm thành “ông ngất ngưởng, tay ngất ngưởng” như ông tự nhận, tự xưng và cả tự hào ngay cả trong việc dùng các đại từ “tay”, “ông” đã biêu hiện tính tự do, tính ngất ngưởng. Thoả chí thích hành lạc, vui theo, tự do theo thiên tính nhưng Nguyễn Công Trứ còn khẳng định sự tự do trong không gian vũ trụ, không gian xã hội và không gian giới hạn trong hệ thống các quan niệm. Sự tự do từ tư tưởng chuyển vào tác phẩm thể hiện rõ các đơn vị từ, cấu trúc câu, nhịp, âm hưởng..
Bài ca ngất ngưởng là một trong những bài thơ hát nói kiệt tác trong nề thơ ca dân tộc. Bài hát nói này có hai khổ đôi, tất cả có 19 câu thơ đầy vần điệu, nhạc điệu trầm bổng, réo rắt, lúc khoan thai, lúc hào hùng, đọc lên nghe rất thú vị. Hta nói là một thể thơ dân tộc có bố cục chặt chẽ, chất thơ, chất nhạc kết hợp rất hài hoà hấp dẫn.
“Khi ca khi tửu khi các khi tùng,
Không phật không tiên không vướng tục”.
Thơ hát nóiNguyễn Công Trứ đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, trong nền thi ca cổ điển Việt Nam Nguyễn Công Trứ là nhà thơ cự phách để lại một số bài hát nói tuyệt tác. Nguyễn Công Trứ đã tạo nên một giọng điệu mạnh mẽ hào hùng, chất tài tử hoà nhập với chí khí anh hùng, nợ tang bồng, chí nam nhi. Đó là phong cách nghệ thuật, là cốt cách là bản sắc thơ của Nguyễn Công Trứ.



PHẦN KẾT LUẬN​
Thơ văn Nguyễn Công Trứ gắn bó chặt chẽ với cuộc đời Nguyễn Công Trứ, với những diễn biến phức tạp của thời đại tác giả. Nguyễn Công Trứ là một con người chứa đầy những tâm tư và những việc làm trái ngược nhau. Đọc thơ hành lạc và thơ hành đạo của ông ta có cảm nghĩ ông viết thế nào viết ra thế ấy. Muốn hiểu thơ văn Nguyễn Công Trứ trước tiên phải hiểu được bối cảnh lịch sử giai đoạn ông sống và sáng tác, hiểu tâm lí các giai cấp trong xã hội và hiểu tâm lí cá nhân của tác giả. Chính thơ văn Nguyễn Công Trứ phản ánh con người của ông là mẫu nhà nho hành đạo tài tử.
Trong tư cách là một cây bút thực hiện sứ mệnh lịch sử của thể loại hát nói, ca trù, Nguyễn Công Trứ là người đại diện tiêu biểu nhất. Trong tư thế của một con người cá nhân tự do, ông cũng là người thể hiện đặc sắc nhất cái phẩm chất đa tình, thị tài của lớp nhà Nho tài hoa, khí phách nhất của thời đại. Với Nguyễn Công Trứ, ý thức cá nhân được khẳng định với ba phạm trù: công danh, cái nhân hưởng lạc và cái ta hơn người, cái ta riêng tư, tự hào, tự cho là đủ, tự trào. Chúng tạo cho con người một sự hài hoà, tự tin, phong lưu, tự do đứng trên mọi được mất khen chê. Đó là bước phát triển cao nhất của ý thức cá nhân mang nội dung phong phú, hài hoà trong văn học Việt Nam .
Đọc thơ Nguyễn Công Trứ chúng ta thấy hiện lên con người trong thơ ông là con người có bản lỉnh. Khát khao thể hiện cá nhân của mình, con người hành đạo lấy hành động, sự nghiệp và hưởng thụ làm mục đích sống, con người rất say mê hoạt động, mang nhiệt tâm với đời.




TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. . Nguyễn Lộc (2001), Văn học Việt Nam cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX, NXB Giáo dục.
2. Nguyễn Lộc (1978), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX ( tập 2), NXB Giáo dục.
3. Nguyễn Đăng Na, (chủ biên) (2007), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam- tập 2, NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
4. Trần Nho Thìn, (giới thiệu và tuyển chọn), (2003), Nguyễn Công Trứ về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục.
5. Chu Trọng Huyến, (1996), Nguyễn Công Trứ, thơ và đời. Hà Nội, NXB Văn Học.
6. Vũ Ngọc Khánh (1996), Nguyễn Công Trứ, một cá nhân, một danh nhân văn hoá, trong sách Nguyễn Công Trứ - con người, cuộc dời và thơ. Hà Nội, NXB Hội Nhà văn.
7. Trương Chính (1983), Thơ văn Nguyễn Công Trứ. Hà Nội, NXB Văn Học.



















 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top