Hai đóa hoa “xương rồng” ở bản Mò Ó
Hai anh em Khang và Thiếc đang cùng nhau ôn bài
Trong không khí hân hoan của hàng ngàn tân sinh viên từ mọi miền quê về mảnh đất cố đô trong ngày khai giảng năm học mới của Trường Đại học Nông lâm Huế, có hai anh em song sinh người Vân Kiều hạnh phúc cùng dắt tay nhau bước vào giảng đường.
Đó là hai anh em song sinh Hồ Văn Thiếc và Hồ Văn Khang (20 tuổi), quê ở xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị), hiện đang sống tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, TP Huế. Kỳ thi đại học năm nay, Khang đậu vào ngành công nghiệp và công trình nông thôn (Trường Đại học Nông lâm Huế), còn Thiếc đậu vào ngành thú y, thuộc hệ cao đẳng của trường này.
“Xương rồng” nở hoa
Lau vội giọt nước mắt lăn dài trên gò má, Khang nghẹn ngào nói: “Ước gì ba mẹ còn sống để cùng chung vui với chúng em trong ngày hôm nay”. Mười năm trước, trong ngôi nhà sàn cheo leo bên bờ sông Đakrông, ở bản làng Mò Ó, cuộc sống của gia đình Khang diễn ra rất êm đềm. Ngày ngày, mẹ lên rẫy trồng bắp, trồng lúa còn cha cặm cụi đánh cá bên bờ suối, nuôi giấc mơ nâng cánh cho anh em Khang vào đại học. Nhưng rồi tai họa bất ngờ ập xuống. Người cha - trụ cột của gia đình - đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư. Nỗi đau quá lớn, cộng thêm gánh nặng kinh tế vì phải lo cho bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, mẹ Khang lâm bệnh nặng rồi ra đi sau đó. Nhà còn lại bốn anh em đùm bọc lẫn nhau, bữa đói bữa no sống dựa vào tấm lòng thơm thảo của bà con dân bản.
Một năm sau (2001), một người họ hàng xa ở xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế thương hoàn cảnh côi cút của bốn anh em nên quyết định đưa về nuôi. Hàng ngày các em đi làm thuê, lên rừng bẻ củi… về bán. Trong một lần Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân đi khảo sát xuống địa phương, thấy hoàn cảnh éo le của Thiếc, Khang - tuổi còn nhỏ mà sớm lao động vất vả nên nhận hai em về nuôi dưỡng.
Về với trung tâm, dù hai em được tiếp tục đi học nhưng cảm thấy hoàn toàn xa lạ với môi trường sống xung quanh. Do trước đó rất ít có cơ hội tiếp xúc với người miền xuôi nên các em nói tiếng Kinh chậm như nhặt hạt thóc. Thiếc tâm sự: “Ngày mới về đây bọn em nói tiếng Kinh còn kém lắm nên giao tiếp với mọi người rất khó khăn. Đã không ít lần em muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến tâm nguyện của cha mẹ, và sự nhiệt tình giúp đỡ của mọi người nên bọn em phải cố gắng học thật giỏi. Từ đó, năm học nào hai anh em cũng đạt thành tích học sinh khá, giỏi”.
Trong buổi lễ khai giảng ở Trường Đại học Nông lâm Huế hôm ấy, tôi để ý thấy một người đàn ông gương mặt sạm đen vì nắng gió, nước da màu đồng hun ngồi ở cuối giảng đường. Thỉnh thoảng ông liếc nhìn Khang và Thiếc rồi nở nụ cười rất tươi. Khang cho biết, đó là già làng Pả Miên, ở bản Mò Ó. Khi nghe tin hai anh em Khang đậu đại học, già làng đã kêu gọi bà con dân bản thưởng cho các em một khoản tiền là 200 ngàn đồng. Và già đích thân mang món tiền thưởng ấy lặn lội hàng trăm cây số đèo dốc tìm về thành phố Huế để trao cho các em. “Nghe tin hai cháu đậu đại học, cái bụng già vui lắm. Mấy chục năm rồi, bao nhiêu thế hệ học sinh đến trường, hôm nay bản làng của già mới có hai cháu làm rạng danh cho bà con dân bản. Vui lắm, mừng cái bụng lắm…”, già Pả Miên vừa nói vừa vỗ vai hai anh em Khang đầy vẻ tự hào.
Mái ấm của những phận đời mồ côi
Theo lời giới thiệu của Khang và Thiếc, chúng tôi tìm về Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân. Tọa lạc trên một khu đất khá yên tĩnh ở số 37 Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, TP Huế, Trung tâm được thành lập từ tháng 8 năm 2000 dưới sự bảo trợ của Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp và vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân (tiến sĩ vật lý nguyên tử người Pháp gốc Việt).
Trung tâm được tổ chức như làng SOS thu nhỏ, gồm 7 cô bảo mẫu với 8 dãy nhà được bố trí hài hòa, trong đó có 6 dãy nhà ở dành cho các em. Ngoài mảnh vườn rộng tầm 2 sào đất dành trồng rau, hoa quả cải thiện bữa ăn cho “thầy” và “trò”, Trung tâm còn xây dựng một lò bánh mì với công nghệ chế biến theo kiểu Pháp để dạy nghề cho các em. Sau khi tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp ổn định hoặc đủ tuổi trưởng thành, tùy theo điều kiện mà các em ra ngoài sinh sống, làm việc. Hiện tại, trung tâm đang nuôi dưỡng 61 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở độ tuổi từ 3 đến 24.
Điều đáng chú ý là các em đến với trung tâm đều ít nhiều chịu những mất mát, thiệt thòi hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, nhờ có tình yêu thương của các cô bảo mẫu, các em đều rất chăm ngoan và có ý chí vươn lên. Khang tâm sự: “Nếu không có các mẹ ở trung tâm giúp đỡ thì hai anh em và các bạn ở đây sẽ chẳng thể nào thực hiện được ước mơ vào đại học của mình. Trung tâm là ngôi nhà, là quê hương thứ 2 của chúng em. Sau khi ra trường em sẽ quay lại nơi này để cùng các mẹ chăm sóc, giúp đỡ các em nhỏ”.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, cho biết: “Hai em ở đây rất ngoan hiền. Dù là con em đồng bào thiểu số lại mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng Khang, Thiếc đã biết vượt lên số phận và cố gắng học tập để thi đậu đại học. Thành tích của hai em rất đáng khích lệ, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện cho các em học hành đồng thời làm gương để các cháu noi theo”.
Chiều buông dần trên mặt nước sông Hương xanh biếc, không khí tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Thủy mỗi lúc một rộn ràng khi các cháu nhỏ phân nhau thành từng tốp ra vườn tưới nước, hái rau và chăm sóc cây cối để cải thiện bữa ăn. Hai anh em Khang và Thiếc thoăn thoắt hái rau ở cuối góc vườn, gương mặt rạng rỡ.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh
Theo Báo Giáo Dục TPHCM“Mấy chục năm rồi, bao nhiêu thế hệ học sinh đến trường, hôm nay bản làng Mò Ó mới có hai cháu đậu đại học làm rạng danh cho bà con dân bản. Già vui lắm, mừng cái bụng lắm…”, Già làng Pả Miên tự hào nói.