Hai ngón tay vào đời

benoinhieu_kg

New member
Xu
40
Khi Thương chào đời, cha anh như chết đứng khi thấy hai cánh tay của con chỉ là hai mẩu cụt lủn với một ngón chìa ra mỗi bên. Hai mươi mốt năm sau, đến lượt Thương chết lặng khi con anh ra đời. Nó giống hệt anh, giống cả hai mẩu cánh tay cụt lủn chỉ có hai ngón. Song, mặc bao bất hạnh, Thương vẫn vượt lên

Cha đặt tên cho anh là Phan Thành Thương, vì thương con và cũng thầm gởi gắm mong mỏi con mình sẽ nhận được tình thương mến của người đời. Hơn ai hết, người cha biết rõ giọt máu của mình không lành lặn là do hậu quả của thứ thuốc khai quang mà máy bay Mỹ ngày nào cũng rải mù trời khu vực rừng Tà Băng - Tây Ninh.

Có những buổi sáng vào rừng chỉ một lúc, nếu gặp phải khi máy bay Mỹ bay ngang qua, phun thuốc như mây mù thì ướt cả đầu tóc, quần áo ông. Cũng may, Thương không bị vấn đề gì về thần kinh. Vợ chồng ông chỉ còn biết ráng nâng niu, chăm chút cho đứa con bất hạnh, những mong nó đủ sức vượt qua số phận tật nguyền nghiệt ngã.


Không thể đi đường thẳng...


Thương nhớ lại hồi nhỏ, hầu như lũ trẻ trong xóm không đứa nào chịu chơi với anh do thấy anh dị dạng. Tới tuổi đi học, thấy bạn bè đến trường, Thương cũng náo nức đòi theo. Dù được thầy cô chú ý, quan tâm giúp đỡ, song Thương không tránh khỏi bị bạn bè chòng ghẹo, thậm chí tránh xa, không chơi với một đứa “có tướng tá không giống ai”.


“Bị kỳ thị nhưng tôi không nản mà càng quyết tâm phải cố gắng để không thua sút bạn bè” - Thương bảo. Hòa nhập với bạn bè trong lớp đã khó, chuyện học hành càng khó hơn. Chỉ mỗi việc viết bằng chân hay tay lúc đó cũng là một vấn đề nan giải. Cuối cùng, cha Thương nảy ra sáng kiến cho Thương kẹp cây bút vào giữa bắp tay và cánh tay để viết. Luyện tập mãi cũng đến lúc kẹp bút vô viết được. Thương mừng một nhưng cha mẹ, thầy cô mừng mười. Rồi Thương đã lần lượt học qua từng lớp...

7-Anh-bai-Cha.jpg

Gia đình Phan Thành Thương dù còn khó khăn nhưng sống rất hạnh phúc

Nhưng may mắn vẫn chưa chịu mỉm cười với anh. Lúc thi tốt nghiệp THCS, Thương rớt vì làm bài chậm, phần lớn do lóng ngóng với cây viết kẹp giữa bắp tay và cánh tay. Thương chán nản muốn xuôi tay bỏ mặc, coi như cánh cửa cuộc đời khép lại từ đây. “Lúc đó, tôi nghĩ có lẽ đời mình chỉ còn biết làm bạn với trâu bò và mảnh ruộng mà cha đã khai hoang để lại cho tôi làm vốn sống.

Một người thầy cũ của tôi thương đứa học trò tật nguyền đã hết lời khuyên tôi nên cố gắng đi học chữ lại. Tuy nhiên, tôi biết khả năng mình chỉ tới đó, không thể nào đi một đường thẳng như bạn bè lành lặn khác để vào đời. Thế là tôi xin cha cho đi học nghề” – Thương tâm sự.


Học, học và học


Cha anh đồng ý. Ông gom hết tiền dành dụm, đưa con trai về học ở Trung tâm Dạy nghề - Tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM. Tại đây, lần đầu tiên thấy chiếc máy vi tính, biết được tính năng của nó, Thương quyết định theo học tin học. Thế là Thương và người em họ đã đánh vật với cái máy vi tính cũ kỹ ở nhà cậu em, tập làm quen với phím, chuột... cả tuần lễ liền, trước khi đăng ký học ở trung tâm.

Sự quyết tâm của Thương khiến những người phụ trách Trung tâm Dạy nghề - Tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM động lòng... Anh nhớ lại: “Hôm đầu tiên tiến hành thao tác thực hành máy tính trong trung tâm, hàng chục người xúm xít ngoài cửa sổ xem tôi kê cái bàn phím ra sao, sử dụng chuột bằng chân thế nào...”.


Học xong chương trình A vi tính, thấy chưa ổn, Thương đăng ký học luôn một khóa kỹ thuật viên vi tính ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Rồi anh học thêm Anh văn để có thể đọc được hết những ngôn ngữ máy tính. Học trong trường thấy chưa “đã”, Thương thuê máy bên ngoài để thực hành. Anh kể: “Trong tôi lúc đó chỉ rộn lên quyết tâm học, học và học để vào đời, song không phải không có lúc tôi nản chí vì khó khăn do đôi tay tàn tật.

Thấy vậy, hai người chị gái của tôi an ủi: “Em ráng lên, gia đình chỉ có mình em ăn học đàng hoàng, ráng cho có nghề nghiệp. Hai chị hứa chừng nào em học xong, tìm được việc làm lập thân mới lập gia đình”. Để nuôi ước mơ cho tôi, mỗi tháng, cha mẹ và hai chị cật lực làm việc và tiết kiệm mọi khoản chi tiêu để có tiền cho tôi đóng học phí”.


Năm 2002, Thương tốt nghiệp khóa học và cầm bằng kỹ thuật viên vi tính về nhà. Có nghề mà không có máy thì cũng chịu! Thấy vậy, cha anh quyết định bán luôn miếng ruộng, mua cho anh chiếc máy tính xịn. Đó cũng là chiếc máy tính đầu tiên của xã Phước Vinh, huyện Châu Thành – Tây Ninh. Thương mừng phát run. Thương càng mừng hơn nữa, khi có người biết anh học vi tính về đã đưa con tới học. “Lúc đó, tôi đã bật khóc vì sung sướng, vì nghĩ một người tật nguyền như mình giờ đã có thể vào đời được” – Thương tâm sự.


Đó là chuyện của những năm xưa. Còn bây giờ, tiếng đồn về chàng trai tật nguyền dạy vi tính đóng góp nhiều việc có ích cho xã hội ở Phước Vinh đã lan khá xa. Cũng theo tiếng đồn đó mà chúng tôi tìm tới Thương.


Thầy giáo của người nghèo


“Thương dạy vi tính hả? Cả Phước Vinh này ai mà không biết! Anh ta dạy trong kia kìa”. Một cán bộ UBND xã Phước Vinh cả quyết rồi chỉ cho chúng tôi đường đến nơi làm việc của Thương. Đó là một căn phòng mượn tạm của Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Phước Vinh. Tôi tò mò đứng ngó tấm bảng hiệu mang tên Thân Thương bên ngoài, trên đó để đủ thứ dịch vụ, từ dạy học vi tính, sửa máy, đánh máy vi tính, photocopy đến chụp hình thẻ lấy liền...


Thương đang dạy kèm một học viên nhỏ tuổi. Căn phòng nhỏ ngoài dàn máy vi tính trên bàn còn mấy chiếc máy chất lềnh khênh dưới đất. Thấy tôi ngạc nhiên nhìn tấm bảng hiệu, Thương cười: “Vừa học trường lớp vừa tự học, làm riết rồi tôi cũng rành được khá nhiều việc”.Thương rủ chúng tôi về nhà anh chơi. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn anh dùng đôi cánh tay cụt lủn nhanh nhẹn, nhẹ nhàng dắt chiếc xe máy rồi đề máy quẹo lại chạy về nhà cách đó 3 km.


Thương cho biết khi mới lập nghiệp, sau hơn một năm dạy kiểu “một thầy, một trò, một máy” tại nhà, mỗi ngày 3 ca từ 7 giờ đến 21 giờ, Thương dần dà tích cóp kinh nghiệm. UBND xã Phước Vinh cho anh mượn một phòng ở Trung tâm Giáo dục cộng đồng. Thương sắm vài cái máy tính cũ mang ra đó, mở lớp dạy. Lần lượt người trước đồn người sau, lớp vi tính của Thương đông dần.

7-Anh-bai.jpg

Những mong con sau này làm chỗ dựa cho ba, song...

Không chỉ học sinh mà dàn cán bộ, giáo viên... trong xã đều được xóa mù tin học từ ông thầy tật nguyền chỉ có hai ngón tay. Có cả những người ở xã khác biết tin cũng đưa con cháu tới “thọ giáo” Thương. Một cán bộ UBND xã Phước Vinh nhận xét: “Người ta quý Thương vì ngoài tài năng, nghị lực vượt khó, anh chưa bao giờ lấy học phí của những học trò có hoàn cảnh khó khăn”. Chị Cúc, vợ Thương, nói như trách nhưng ngầm tự hào về chồng: “Tay nghề như anh Thương ở đây khó kiếm lắm, vậy mà ai đem máy tới sửa, xong ảnh cũng chỉ xoa tay cười cười, ai muốn đưa bao nhiêu thì đưa”.


Thương chợt chùng giọng khi nhắc đến đứa con đầu lòng của mình. Năm ấy anh mới 21 tuổi và tưởng chừng ngã quỵ, không thể vượt nổi cơn đau lúc đón con chào đời. Đêm đó, khi đứa bé lọt lòng, cô hộ sinh ngỡ ngàng khi thấy nó giống hệt cha, giống cả hai mẩu cánh tay cụt lủn chỉ có hai ngón. Thương lao ra đồng tối, khóc ồ lên. Người vợ trẻ của anh cũng nức nở. Anh tức tưởi: “Tôi có làm gì nên tội đâu mà chịu sự nghiệt ngã hoài vậy?”.


Kêu vợ dẫn con ra giới thiệu với tôi, Thương không giấu được tiếng thở dài: “Cứ tưởng có đứa con sau này làm chỗ dựa cho mình, khi nào cần cái gì trên cao con với lấy giùm ba... Song, bây giờ thì tôi phải tự làm mọi thứ cho nó rồi”. Chúng tôi thật xúc động khi thấy hình ảnh cha con Thương quấn quýt ôm ẵm nhau, người cha sẵn sàng làm mọi thứ để con vịn vào đó mà đi tới. “Cuộc đời nó rồi sẽ khá hơn tôi” – Thương quả quyết.


Chúng tôi tin anh. Song, dù rất cảm phục ý chí vượt khó của Thương nhưng hình ảnh về hai cha con chỉ có 4 ngón tay, về cô vợ trẻ hiền lành của Thương, về cảnh ăn nhờ ở đậu tại mặt bằng Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã để có chỗ kiếm tiền nuôi vợ con, về tiếng thở dài của Thương... cứ ám ảnh chúng tôi mỗi khi nhớ lại.

Khuyết tật tâm hồn mới đáng sợ !
Thương cho biết anh vay tiền ngân hàng mua máy chụp hình kỹ thuật số, máy in ảnh mini, máy photocopy... để làm thêm. Thương làm cật lực, không nề hà việc gì. Thương bảo rằng anh may mắn hơn rất nhiều người cùng cảnh ngộ vì vừa có trí óc bình thường vừa được cha mẹ và anh chị em thương yêu lo cho ăn học, dựng nhà cưới vợ...
Thương bộc bạch: “Tôi nguyện một điều là làm sao để truyền đạt những gì đã học cho những người cùng cảnh ngộ như mình, giúp họ hiểu khuyết tật không phải là người bỏ đi. Chính sự khuyết tật tâm hồn mới đáng sợ”.



Nguồn Tin: Người Lao Động
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top