Hà Nội – Nơi khởi đầu Cách mạng Tháng Tám

ngan trang

New member
Hà Nội – Nơi khởi đầu Cách mạng Tháng Tám


Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Tuy nhiên, vào thời điểm từ sau Cách mạng Tháng Tám đến cuối năm 1946, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng. Vận mệnh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Hà Nội – Nơi khởi đầu Cách mạng Tháng TámTwitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này

Trong tình thế hiểm nghèo của đất nước, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng ta đã sáng suốt phân tích tình hình, đánh giá đúng âm mưu, hành động và khả năng của các thế lực đế quốc, xác định đường lối kháng chiến kiến quốc - vừa kháng chiến chống xâm lược, vừa xây dựng chế độ mới. Trước âm mưu, thủ đoạn xâm lược, can thiệp trắng trợn của bọn đế quốc và tương quan lực lượng bất lợi cho ta, chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, Đảng ta đã thực hiện sách lược hòa hoãn. Với Tưởng Giới Thạch, chúng ta thực hiện sách lược “Hoa - Việt thân thiện”. Với thực dân Pháp là kẻ thù chính, chúng ta ký Hiệp định sơ bộ (ngày 6-3-1946) và Tạm ước (ngày 14-9-1946). Thực hiện thành công sách lược đúng đắn đó, chúng ta đã giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, đuổi quân Tưởng cùng bọn tay sai về nước, tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Nhưng thực dân Pháp hiếu chiến với dã tâm muốn đặt ách thống trị của chúng trên đất nước ta một lần nữa, trắng trợn xóa bỏ các hòa ước đã ký kết, gây ra các vụ xung đột đẫm máu và đưa ra các yêu sách ngang ngược, thực chất là tối hậu thư, đòi Chính phủ và nhân dân ta hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện.
Đảng ta nhận định, không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh ta và ta nhất định phải đánh Pháp. Cho nên mọi việc chuẩn bị phải được tiến hành tích cực, kịp thời và chu đáo. Đầu tháng 11-1946, Hồ Chủ Tịch viết bài “Công việc khẩn cấp bây giờ” đặt nền móng tư tưởng chỉ đạo đường lối kháng chiến trong cả nước.
Từ cuối tháng 11, giặc Pháp càng lộ rõ thái độ hiếu chiến. Sau một thời gian ngắn ngừng bắn theo tinh thần Bản tạm ước 14-9, giặc Pháp nổ súng trở lại trên các chiến trường miền Nam. Với tinh thần cảnh giác cao, tích cực tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng, quân dân miền Nam đánh trả địch những đòn đích đáng. Ở ngoài Bắc, giặc Pháp dùng hải, lục, không quân đánh phá Hải Phòng, cướp thuế quan và nổ súng chiếm đóng thị xã Lạng Sơn. Tội ác của thực dân Pháp càng khơi sâu lòng căm thù giặc của dân ta. Quân dân Hải Phòng, Lạng Sơn đứng dậy đấu tranh anh dũng bảo vệ quê hương thân yêu của mình. Những cuộc xung đột vũ trang lẻ tẻ ở các địa phương báo hiệu nguy cơ chiến tranh đang tới gần. Nghe theo lời của Hồ Chủ tịch, toàn dân hăng hái chuẩn bị kháng chiến và sẵn sàng đợi lệnh.
Bộ đội và dân quân tự vệ ngày đêm luyện tập, ra sức nâng cao trình độ chiến đấu. Cả nước được xây dựng thành 12 chiến khu. Các phương án tác chiến được đề ra. Kế hoạch phá đường xá, cầu cống, làm “vườn không nhà trống” được chuẩn bị để ngăn địch. Vùng núi Việt Bắc được củng cố làm căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài. Máy móc của nhiều xí nghiệp được tháo gỡ, chuyển từ các thành phố về các chiến khu, xây dựng những xưởng quân giới. Quân và dân Thủ đô Hà Nội được giao nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng; khi chiến tranh nổ ra, phải chiến đấu giam chân địch một thời gian, tạo điều kiện cho hậu phương hoàn thành công việc chuẩn bị và tổ chức lực lượng đi vào thời chiến.
Đầu tháng 12, giặc Pháp càng khiêu khích trắng trợn. Ở Hà Nội hầu như không có ngày nào là không xảy ra những vụ bắn phá, giết người, cướp của. Nghiêm trọng nhất là vụ chúng cho lính đến phá phách Phòng thông tin Tràng Tiền trong suốt 3 ngày liền từ mùng 2 đến mùng 4. Chiều mùng 7 chúng chiếm đóng nhà Ngân hàng Pháp – Hoa. Xe tăng, xe bọc thép chở lính Pháp ngược xuôi khắp đường phố, cán chết người đi đường, húc đổ nhà cửa. Đồng bào vô cùng căm phẫn nhưng đã thực hiện đúng lời Hồ Chủ tịch căn dặn phải bình tĩnh, sáng suốt, không mắc vào âm mưu khiêu khích của địch.
Nhân dân Thủ đô khẩn trương chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. Cụ già, em nhỏ được hướng dẫn tản cư ra ngoài thành phố. Thanh niên nam - nữ được tổ chức thành những đơn vị tự vệ. Hà Nội biến thành một chiến lũy kiến cố. Ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi, đồ đạc trong nhà đem xếp ra đường thành những chướng ngại vật đồ sộ, đường giao thông phục vụ chiến đấu được xuyên qua tường các nhà trong phố.
Chiều 16 và sáng 17, giặc Pháp gây vụ thảm sát ở phố Yên Ninh – Hàng Bún, hàng chục đồng bào ta bị giết, nhà cửa bị đốt phá tan hoang.
Ngày 18 và 19/12/1946, hội nghị mở rộng Ban chấp hành Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng bắt chúng ta nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! giờ cứu nước đã đến! ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước...”
Đáp lời kêu gọi cứu nước của Hồ Chủ tịch, toàn dân tộc nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Đêm 19/12/1946, tiếng súng giết giặc của Thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến.
20 giờ ngày 19-12, đèn điện ở Hà Nội phụt tắt, súng nổ ầm trời. Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược đã bắt đầu trên toàn quốc. Giờ cứu nước đã đến! Pháo của ta từ Láng, từ Xuân Tảo trút căm hờn vào đầu giặc Pháp đóng ở trong thành. Các chiến lũy được củng cố vững chắc. Cây bị chặt đổ, cột đèn bị ngả xuống, các toa xe điện nằm chắn ngang đường. Trong khói lửa mù mịt, nhân dân Hà Nội người nào việc nấy, dốc sức cho cuộc chiến đấu sống mái với quân thù.
Giặc Pháp cho xe bọc sắt và bộ binh đến đánh úp đơn vị quân ta đóng ở trụ sở liên lạc Việt - Pháp. Các chiến sĩ Vệ quốc đoàn chiến đấu dũng cảm, bảo vệ nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ, đầu cầu Long Biên. Thực dân Pháp hí hửng tưởng rằng chỉ trong 24 tiếng đồng hồ là chúng có thể nuốt chửng Hà Nội!
Nhưng chúng đã lầm. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngăn chặn bước tiến của chúng. Những đoàn xe của Pháp từ trong thành ra vấp phải chướng ngại vật trên đường phố, di chuyển rất chậm chạp. Lợi dụng thời cơ đó, tự vệ cùng nhân dân từ trên gác cao quăng giường tủ xuống đường, ném lựu đạn, lao bom, nã súng như đổ lửa vào đầu giặc. Ở nhà máy đèn Bờ Hồ, ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính phủ khi đó (nay là Nhà Khách, đường Ngô Quyền), chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường suốt từ đêm đến sáng. Các quyết tử quân ôm bom ba càng lao vào phá hủy chiến xa địch. Hàng loạt bom, chai cháy, lựu đạn từ các cửa sổ tung xuống đầu giặc, làm cho chúng khiếp vía hoảng hồn. Hơn 20 nam nữ công nhân nhà Bưu điện Bờ Hồ cùng đơn vị Vệ quốc đoàn ở đó đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Trong suốt một ngày, chúng không thể nào chiếm nổi nhà Bưu điện, mà còn bị thiệt hại nặng nề: 122 tên chết; phải để lại 2 xe tăng, 2 xe vận tải, 1 xe díp. Trận đánh ở đầu cầu Long Biên đã diệt 70 tên địch, phá hủy 4 xe tăng, 2 xe vận tải. Nhiều trận giao chiến quyết liệt diễn ra ở nhà máy Yên Phụ, đầu phố Hàng Lọng (đường Nam Bộ), ga Hàng Cỏ, Đồn Thủy, Phà Đen, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), nhà máy bia...
Cần phải thấy rằng, trước thời điểm nổ ra cuộc chiến đấu oanh liệt này, lực lượng so sánh giữa ta và địch là hết sức chêch lệch. Trước ngày 19-12-1946, số quân Pháp ở Hà Nội có tới 6.500 tên với 5.000 súng trường, 600 khẩu tiểu liên, trung liên và đại liên, 42 khẩu pháo, 22 xe tăng, 40 thiết giáp, 30 máy bay và một số tàu chiến... Trong khi đó, lực lượng vũ trang của Hà Nội lúc này có tổng quân số 2.561 chiến sĩ Vệ quốc đoàn với 1.516 súng trường, 03 trung liên, 01 đại liên, 01 khẩu ba-dô-ca 60 ly, 1.000 lựu đạn, 80 bom ba càng, 200 chai xăng cơ-rếp, 07 khẩu cao xạ, 1 pháo 75 ly, 01 pháo 25 ly, 02 súng cối 60 ly. Toàn bộ vũ khí của các lực lượng tự vệ có khoảng 500-600 súng trường, 02 trung liên, một số súng ngắn, mìn, lựu đạn, ngoài ra chỉ sử dụng những vũ khí thô sơ như: giáo, mác, kiếm, dao găm...
Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, trí thông minh và lòng dũng cảm, quân và dân Thủ đô đã biến mỗi đường phố thành một trận địa, mỗi ngôi nhà, góc phố là một pháo đài, cả thành phố là một mặt trận. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân Hà Nội đã tiêu diệt gần 2.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh; giam chân đạo quân chủ lực mạnh, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” hòng chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ của thực dân Pháp; bảo vệ được cơ quan đầu não kháng chiến, giữ gìn và phát triển lực lượng vũ trang; cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương bước vào kháng chiến. Đó là chiến công “Đại thắng lợi” như lời khen của Bác Hồ.
Cùng với Hà Nội, các địa phương khác cũng đồng loạt tổ chức đánh giặc, hạn chế địch mở rộng vùng chiếm đóng, đồng thời thực hiện tiêu thổ kháng chiến, làm vườn không nhà trống và tổ chức đánh du kích, gây cho chúng nhiều khó khăn, tổn thất. Kết quả chung là quân và dân ta đã tiêu diệt được hàng nghìn quân Pháp, làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, giữ gìn và phát triển lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được mở đầu bằng cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội. Đây vừa là thử thách, vừa là vinh dự to lớn của quân dân Thủ đô trước cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của dân tộc. Tiếp nối Thăng Long – Đông Đô, Hà Nội lại cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh để:
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”./.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top