GS.NGƯT Lê Bá Thảo

Tongthieugia

New member
Xu
0
GS.NGƯT LÊ BÁ THẢO

Capture.PNG

Một con người đầu ngành địa lý-những nghiên cứu của ông được mến mộ.

Giáo sư Lê Bá Thảo sinh ngày 18 tháng 4 năm 1923 tại thành phố Huế, trong một gia đình viên chức, đông anh chị em. Đỗ tú tài toàn phần tại Huế năm 1944, ông trở thành sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội. Tại đây, ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước. Khi cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông có mặt tại quê nhà và trở thành đội viên của chi đội Giải phóng quân đầu tiên tại Huế, tháng 9 năm 1945.

Từ năm 1945 đến năm 1950, ông tham gia kháng chiến trong bộ quần áo lính, chiến đấu tại các mặt trận gian khổ nhất ở Huế, ở Lào, rồi đ­ược điều động làm tham chính văn phòng Bộ Quốc phòng, đi thị sát các chiến Trường. Ông đã tham gia mặt trận Cao Bắc Lạng với t­ư cách là phái viên tham mư­u mặt trận của sư đoàn 308.

Có ai ngờ trong những năm gian khổ ấy bắt đầu hình thành lối rẽ trong cuộc đời để ông trở thành nhà địa lí chuyên nghiệp. Tháng 12 năm 1946, ông được điều động làm công tác hoạ đồ quân sự, và tháng 9/2000, mặc dù tuổi cao sức yếu như­ng ông đã trong đoàn cán bộ của Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam đi thị sát một đoạn đ­ường Hồ Chí Minh, suốt từ rừng núi Hoà Bình đến rừng Cúc Phương.

Ông đã hào hứng vô cùng khi gặp lại con đ­ường mà một thời trai trẻ ông đã cùng các chiến sĩ - đồng nghiệp tham gia vạch tuyến. Tình yêu quê hương đất nước cùng với nỗi cảm thông sâu sắc với nhân dân trên các miền đất mà ông đã đặt chân đã hoá thân vào ngòi bút của ông mỗi khi ông viết về địa lí nước nhà, làm cho các tác phẩm khoa học của ông có sức lay động lớn lao, cả với những ai không theo nghề địa lí.

Năm 1951, cục diện cuộc kháng chiến đã thay đổi, ông đư­ợc điều động về công tác tại Trường Sư phạm Trung ­ương mới đ­ược thành lập ở Việt Bắc và sau đó giảng dạy tại khu học xá Trung ư­ơng đặt tại Nam Ninh (Trung Quốc) và từ năm 1957 ông là cán bộ giảng dạy của Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là thế hệ cán bộ giảng dạy đầu tiên của Khoa Địa lí.

Năm 1961, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Trường đại học Lômônôxôp, rồi lần l­ượt giữ các chức vụ quản lí: Chủ nhiệm bộ môn Địa lí tự nhiên, Phó chủ nhiệm khoa rồi Chủ nhiệm khoa Địa lí. Ông đ­ược kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1971. Giáo s­ư Lê Bá Thảo đã cống hiến liên tục cho ngành giáo dục ngót nửa thế kỉ, sau khi đ­ược nghỉ hư­u ông vẫn tiếp tục giữ trọng trách là Chủ tịch Hội đồng bộ môn Địa lí của Bộ Giáo dục Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Địa lí ở trường phổ thông. Ông vẫn tham gia hư­ớng dẫn nghiên cứu sinh (trong đó có hai NCS nước ngoài) và đào tạo đội ngũ các nhà Địa lí cốt cán cho đến hơi thở cuối cùng.

Giáo s­ư Lê Bá Thảo là một nhà sư phạm suất sắc. Những bài giảng của ông không chỉ đầy ắp các thông tin, kiến thức địa lí mà còn là mẫu mực về phương pháp giảng dạy nêu vấn đề.

Giáo sư­ Lê Bá Thảo là một ng­ười rất trung thực trong khoa học. Sự cầu toàn của ông về chuyên môn thể hiện rõ nhân cách của ông và cũng là cách ông thể hiện sự trân trọng đối với lao động khoa học.

Trong sự phát triển của Khoa Địa lí, Giáo sư Lê Bá Thảo đã để lại những dấu ấn sâu sắc. Đó là nhờ ở t­ư duy sắc sảo, trình độ chuyên môn cao, tính quyết đoán trong quản lí và cá tính mạnh mẽ của ông. Những thế hệ cán bộ giảng dạy của Khoa ngày hôm nay biết ơn sâu sắc thế hệ của những ngư­ời "khai sơn phá thạch" đã đặt nền móng cho sự phát triển khoa học và đội ngũ của Khoa, trong đó có Giáo sư Lê Bá Thảo.

Giáo sư Lê Bá Thảo là một nhà hoạt động xã hội rất tích cực. Nối tiếp công việc của GS. NGND Nguyễn Đức Chính và GS. NGND Trần Đình Gián, ông đã đóng vai trò là Trưởng ban vận động thành lập Hội Địa lí Việt Nam, và vào năm 1988, Hội Địa lí Việt Nam, một Hội nghề nghiệp trong Liên hiệp hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam đã đ­ược thành lập và Giáo sư­ đư­ợc bầu là Chủ tịch Hội đầu tiên. Lúc đó, ông đã 65 tuổi. Ông đã giữ trọng trách này liền ba nhiệm kì.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Địa lí, Giáo sư­ Lê Bá Thảo đã có nhiều nỗ lực để củng cố vai trò xã hội của khoa học Địa lí. Bản thân ông đã làm chủ nhiệm các công trình độc lập cấp Nhà nước như "Tổ chức lãnh thổ đồng bằng sông Hồng và các tuyến trọng điểm" (1992-1994), "Cơ sở khoa học của tổ chức lãnh thổ Việt Nam" (1994-1996).

Giáo sư­ đư­ợc mời làm cố vấn cho một số Viện nghiên cứu trong nước như­ Viện Chiến l­ược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu t­ư), uỷ viên Hội đồng khoa học của Bộ Thuỷ sản (1998), cố vấn khoa học của Chương trình Tổ chức lãnh thổ địa bàn trọng điểm miền Trung. Những công trình lớn của đất nước có liên quan đến tổ chức lãnh thổ và các vấn đề môi trường đều có tiếng nói đóng góp khoa học của ông.

Giới khoa học đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, đấu tranh kiên quyết của Giáo sư­ cho sự phát triển bền vững của môi trường Việt Nam. Giáo sư­ cũng đã tích cực phát triển quan hệ của Hội Địa lí Việt Nam với các Hội Địa lí trên thế giới, đặc biệt là với địa lí Pháp và Mĩ.

Giáo s­ư Lê Bá Thảo trong suốt nửa thế kỉ tự học và phấn đấu không ngừng cho khoa học địa lí đã để lại những di sản quý giá. Cuốn Ph­ương pháp nghiên cứu và giảng dạy địa lí địa ph­ương (hai tập, 1967-1968) đã đư­ợc phổ biến rộng rãi và là cuốn giáo trình đầu tiên theo h­ướng này. Bộ giáo trình "Cơ sở Địa lí tự nhiên" (ba tập, 1983-1984) do giáo sư­ chủ biên đã đ­ược giải th­ởng của Nhà xuất bản Giáo dục và đến nay vẫn là cuốn sách gối đầu gi­ường cho sinh viên địa lí của các Trường ĐHSP và cả ở khoa Địa lí của Đại học khoa học tự nhiên.

Các công trình nghiên cứu của Giáo s­ư rất sâu sắc, trong đó các tác phẩm như­ "Đời sống con sông" (1966), "Miền núi và con ngư­ời" (1970), "Thiên nhiên Việt Nam" (1977,1990), "Địa lí đồng bằng sông Cửu Long" (1986), "Việt Nam - lãnh thổ và các vùng địa lí" (1998).

Cuốn Thiên nhiên Việt Nam là cuốn sách độc đáo, rất cuốn hút ngư­ời đọc. Thiên nhiên ở đây hoà quyện với con ng­ười và hoạt động sản xuất, cải tạo tự nhiên ở khắp mọi miền đất nước. Cuốn sách hấp dẫn bởi văn chương, nh­ưng đằng sau những mô tả sinh động là toàn bộ tính quy luật trong phân hoá lãnh thổ tự nhiên nước ta.

Cuốn chuyên khảo "Việt Nam - lãnh thổ và các vùng địa lí" đư­ợc Nhà xuất bản Thế giới xuất bản bằng bốn thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc) (1998, 1999) dày gần 900 trang đã tổng kết toàn bộ quan điểm khoa học và thành tựu khoa học của Giáo sư­.

Nó thể hiện rõ sự phát triển trong con đ­ường nghiên cứu khoa học của ông, từ chỗ là một nhà địa mạo, trở thành nhà địa lí tự nhiên tổng hợp và sau đó là nhà tổ chức lãnh thổ. Nó thể hiện ý chí phi th­ường của ông chống lại bệnh tật và tuổi tác để kịp hoàn thành công trình của đời mình. Tác phẩm này cũng thể hiện những trăn trở của Giáo sư trong việc thúc đẩy địa lí học trở thành khoa học kiến thiết. Các nhà địa lí sẽ còn được dịp chiêm nghiệm những dự báo của Giáo sư trong tác phẩm này.

Hai tác phẩm tiêu biểu kể trên của Giáo sư Lê Bá Thảo đã được đánh giá cao ở trong nước và ngoài nước, nhất là ở Pháp và Mĩ.

Giáo sư­ Lê Bá Thảo đã được Nhà nước tặng nhiều phần thư­ởng cao quý:

- Hai huân chương chống Pháp và chống Mĩ;

- Nhiều huy chương của Quân đội và ngành giáo dục, trong đó có Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục;

- Nhiều bằng khen cấp Bộ;

- Danh hiệu thi đua nhiều năm.

- Năm 1986, Giáo sư Lê Bá Thảo đã đư­ợc phong danh hiệu Nhà giáo ­ưu tú và năm 2000 được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Giáo sư Lê Bá Thảo, một ng­ười thầy, người anh, một đồng nghiệp, một nhà khoa học, một người bạn mà hình ảnh mãi mãi đi cùng năm tháng, cùng với sự trưởng thành của khoa học Địa lí và nền giáo dục nước nhà.

Lê Bá Thảo - Những công trình địa lý tiêu biểu là một tập sách bao gồm nhiều công trình của nhà địa lý học Lê Bá Thảo, một trong những người đã đặt viên gạch đầu tiên cho ngành địa lý VN, đặc biệt là mặt tổ chức lãnh thổ Việt Nam.

Ông là một tri thức yêu nước, không chỉ tính riêng về giá trị của các công trình nghiên cứu địa lý mà ông còn được các thế hệ sau kính trọng với tư cách là một nhà sư phạm mẫu mực và xuất sắc, nhà hoạt động xã hội tích cực.

Lê Bá Thảo - Những công trình địa lý tiêu biểu gồm 3 phần chính với 3 chủ đề riêng biệt.
Phần 1 với tiêu đề: Những trang hồi tưởng về giáo sư Lê Bá Thảo gồm những bài viết về nhân cách, sự nghiệp, hoạt động của Lê Bá Thảo trên lĩnh vực địa lý Việt Nam do các bạn bè, đồng nghiệp, học trò viết về Lê Bá Thảo như bài viết của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, giáo sư Tương Lai, giáo sư Tống Duy Thanh, giáo sư Đinh Xuân Lâm, ….

Phần 2 là một số bài báo và tham luận khoa học của giáo sư Lê Bá Thảo về các lĩnh vực Địa lý tự nhiên và môi trường như các vấn đề về Đông lực các bãi phù sa biển ở ven châu thổ Bắc bộ; Những khía cạnh địa lý của vấn đề Phố Hiến; Quản lý hợp lý tài nguyên nước để có một sự phát triển bền vững, chú trọng hơn nữa đến khía cạnh kinh tế xã hội của các siêu công trình, …;

Về Tổ chức lãnh thổ có các bài cụ thể như: Không gian lãnh thổ - một yếu tố sản xuất; Một số ý kiến về bản Quy hoạch tổng thể các cảng biển Việt Nam; Tổ chức lãnh thổ Việt Nam trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX; Tổ chức không gian hợp lý cho những năm đầu của TK XXI,…

Về Phương hướng phát triển khoa học địa lý thì vấn đề được tác giả Lê Bá Thảo chú trọng là Khoa học địa lý và địa lý học trong nhà trường, Để làm cho những phương hướng nghiên cứu mới của địa lý học được chấp nhận và trở thành phổ biến, Tiến tới xây dựng một Địa lý học hành động thoát dần ra khỏi địa lý mô tả, Những con đường khả dĩ của địa lý học trong thời kỳ chuyển tiếp sang thế kỷ XXI

Phần 3 dành cho các chuyên khảo như: Đời sống con sông, Miền núi và con người, Thiên nhiên Việt Nam, Địa lý đồng bằng sông Cửu Long, Tổ chức lãnh thổ đồng bằng sông Hồng và các tuyến trọng điểm, Cơ sở khoa học của tổ chức lãnh thổ; Việt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý.
Đây là tuyển tập giá trị về các công trình nghiên cứu địa lý Việt Nam của một nhà địa lý hàng đầu Việt Nam- Giáo sư Lê Bá Thảo. Sách được nhà xuất bản Giáo dục phát hành tháng 10 năm 2007, dày 974 trang.

Kỷ niệm 85 năm ngày sinh của cố GS Lê Bá Thảo (1923-2008)


Trong những năm ngồi trên ghế nhà trường có những người thày mà mãi mãi chúng tôi coi là những tấm gương sáng để cho mình luôn gắng noi theo. Trong số này có cố GS Lê Bá Thảo. Tôi vinh dự là một trong những học sinh đầu tiên của ông (cùng với chị Nguyễn Giang Tiến, sau này là người bạn đời của ông).

Đó là vào năm 1950 tại Thái Nguyên, nơi đặt cơ sở của Trường Sư phạm Việt Bắc. Ông không phải là người được chuẩn bị để làm thầy giáo nhưng là một trí thức tình nguyện đi theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến thần thánh và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được phân công.

Từ một hướng đạo sinh, một cậu Tú Triết học, rồi một sinh viên Y khoa nhưng khi cuộc chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ông đã gia nhập chi đội Giải phóng quân đầu tiên ở Huế và tham gia cướp chính quyền tại Huế. Ông từng làm Trưởng ban thông tin liên lạc quân sự thành phố Huế, sau đó là Trưởng ban thông tin quân sự khu IV và mặt trận Lào. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mặt trận ác liệt nhất ở Huế, ở Lào.

Cuối năm 1946 ông được lệnh của Bộ Quốc phòng tham gia mở đường liên lạc từ Yên Lạc đi Phố Cát để sau này trở thành con đường huyết mạch trong kháng chiến. Từ năm 1948 ông được điều sang làm Tham chính Văn phòng Bộ Quốc phòng và sau đó trực tiếp tham gia chiến dịch Cao Bắc Lạng với tư cách là phái viên tham mưu của Sư đoàn 308. Đó là thời gian ông có mặt bên cạnh các nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Vương Thừa Vũ..


Khi biên giới phía Bắc được mở cửa Đảng và Nhà nước ta nghĩ ngay đến việc đào tạo gấp một đội ngũ thầy cô giáo để chuẩn bị cho công cuộc khôi phục đất nước sau ngày giải phóng. Ông được nhận một sứ mạng mới- trở thành người giáo viên nhân dân và lớp chúng tôi là lớp đầu tiên ông lên lớp với tư cách thầy giáo môn Địa lý học.

Đây là chuyện đáng vô cùng khâm phục. Ông chưa hề chuẩn bị gì cho công việc này nhưng với tinh thần nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua ông đã vui vẻ nhận nhiệm vụ. Với thiên bẩm thông thạo nhiều ngoại ngữ và với lòng yêu thiên nhiên đất nước ông đã trở thành người thầy giáo địa lý đầu tiên của thế hệ chúng tôi.

Năm 1951 cả thày và trò được lệnh chuyển sang Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Chúng tôi lại có may mắn được Thầy Thảo vừa tiếp tục dạy Địa lý vừa làm giáo viên chủ nhiệm cho lớp 7E chúng tôi. Đây là một lớp mà cho đến nay khi chúng tôi đều đã quá tuổi cổ lai hy nhưng năm nào cũng gặp nhau vài lần để hàn huyên, tâm sự, ôn lại chuyện các thày các bạn thuở xưa.

Nhiều bạn khá thành danh như các GS Hồ Ngọc Đại, Tương Lai, Nguyễn Quốc Hùng, Kiều Thu Hoạch, rồi đạo diễn điện ảnh Long Vân, phó chủ tịch Hội LH Phụ nữ VN Vương Thị Hanh, Trưởng phòng GDPT Hà Nội Hàn Liên Hải, Hiệu trưởng Trường Đảng Hải Phòng Nguyễn Trọng Bình, nhà văn hóa Đào Dậu…nhưng khi ngồi với nhau chúng tôi vẫn mày mày, tớ tớ như hồi trẻ thơ.

Một trong những thầy giáo được chúng tôi nhắc đến nhiều nhất là Thày Lê Bá Thảo. Trước hết là tài năng của Thày, một người vẽ bản đồ bằng cả hai tay một lúc, một người làm cho học sinh thật sự xúc động khi được học về thiên nhiên đất nước.

Một tấm gương tự học để trở thành giáo sư đầu ngành Địa lý học của cả nước, một thầy giáo thông thạo 5 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, La Tinh, Cổ Hy Lạp), một nhà khoa học lặn lộn trên mọi miền đất nước để có những tác phẩm để đời về hai lĩnh vực quan trọng nhất trong địa lý học là Nghiên cứu địa mạo và Nghiên cứu địa lý phân vùng.

Tôi không đi theo chuyên môn của Thày nhưng tất cả kiến thức địa lý mà Thày đã truyền thụ và ăn sâu trong tâm trí chúng tôi từ tuổi thơ đã giúp tôi thêm yêu quý quê hương và phấn đấu làm những điều có ích cho đất nước.

Chúng tôi tìm mua các tác phẩm quý giá của Thày để đọc thêm và bổ sung cho mình những kiến thức hết sức bổ ích trong cuộc sông. Những ngày gần đây khi hơn 20 tỷ USD sắp được đổ bộ vào Việt Nam và một nguy cơ biến đi hàng vạn ha bờ xôi, ruộng mật tôi lại tìm đọc những lời tâm huyết trong sách mà Thầy đã viết cách đây trên hai thập kỷ: Không dùng những phần đất đai đã được khai khẩn lâu đời và đã chứng minh được sự phì nhiêu của nó vào mục đích phi nông nghiệp.

Nếu các nhà lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo các địa phương nghe theo lời khuyên rất chí lý của Thầy thì đâu đến nỗi dọc các quốc lộ, các tỉnh lộ đã và đang bê tông hóa biết bao nhiêu ruộng đất mà trải qua hàng nghìn năm dưới tác dụng tạo mùn cần cù của thế giới vi sinh vật mới tạo nên loại đất có cấu tượng có thể nuôi sống đời đời nhân dân ta.

Tôi thấy cần lên tiếng tiếp theo tinh thần của Thầy để mong ngăn cản lại việc chiếm hữu ngày càng nhiều đất canh tác để xây dựng các khu công nghiệp, các khu chế xuất theo yêu cầu của các nhà đầu tư.

Ở nước ngoài, ngay ở nước Trung Hoa cạnh chúng ta, người ta làm đường cao tốc lên Nội Mông, người ta san đồi núi thấp ở Quảng Tây…để xây dựng các khu công nghiệp hiện đại nhằm giữ gìn, bảo vệ các cánh đồng phì nhiêu quý giá.

Nghĩ đến Thầy Thảo tôi lại vô cùng băn khoăn vì sao học sinh hôm nay không thích các môn lịch sử, địa lý và trong giao tiếp tôi thấy lớp trẻ hiểu biết quá ít về lịch sử và địa lý nước nhà. Nên trách ai, có lẽ một phần không nhỏ ở những ông thầy không đủ sức làm cho thế hệ trẻ yêu quý thêm Tổ quốc mình qua các bài giảng về Địa lý và Lịch sử như thế hệ chúng tôi đã được tiếp nhận từ những người thầy đầy tâm huyết như Thầy Thảo (môn Địa lý), Thầy Trần Văn Khang (môn Lịch sử).

Trong thời đại Internet hiện nay không nên nhét vào đầu học sinh những con số khô cứng luôn biến đổi mà mọi người đều có thể tìm thấy dễ dàng trên các trang web. Điều quan trọng hơn là gieo vào lòng học sinh những kiến thức cơ bản để các em có thể tiếp tục bổ túc thêm trong cuộc đời của mình và quan trọng hơn nữa là gieo vào lòng từng học sinh lòng yêu quý thiên nhiên và lịch sử cuẩ đất nước mình, tổ quốc mình.

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của cố giáo sư Lê Bá Thảo (18/4/1923- 18/4/2008) tôi muốn gửi tặng các thầy cô giáo phổ thông và các em học sinh yêu quý những kỷ niệm về một người Thấy mà chúng tôi vô cùng yêu quý, vô cùng kính trọng.

Rất mong tất cả chúng ta đều gắng tìm đọc các trước tác bất hủ mà Thầy đã để lại cho đời, để rồi thêm yêu quý đất nước này và đừng làm bất cứ điều gì phương hại đến thiên nhiên và tài nguyên vô cùng quý giá trên Tổ quốc chúng ta.

ST
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top