• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Góp phần phê phán triết học Heghen

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
K. Marx và F. Engles
TOÀN TẬP
Tập 1 (1842-1844)
Nxb. Chính trị quốc gia, 1995
--- o0o ---

GÓP PHẦN PHÊ PHÁN TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN CỦA HEGEL
[Phần 1]


Giới thiệu: Tác phẩm của Mác "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen", viết tại Croi-xnác mùa hè 1843, được lư­u lại dư­ới dạng 39 tờ viết tay, do Mác ghi bằng chữ số La Mã. Tờ đầu của bản thảo đã bị thất lạc. Bản thảo phân tích phê phán đầy đủ các §261-313 trong tác phẩm của Hê-ghen "Những nguyên lý của triết học pháp quyền" ("Grundlinien der Philosophie des Rechts"). Những đoạn này thuộc về một ch­ương trong cuốn sách của Hê-ghen, trong đó bàn tới vấn đề nhà nước. Về những kết luận của Mác nêu ra do phân tích phê phán những quan điểm của Hê-ghen, đã được Ăng-ghen viết trong bài "Các Mác" (1869): 'Từ triết học pháp quyền của Hê-ghen. Mác đã đi đến ý kiến cho rằng không phải nhà nước mà Hê-ghen trình bày là "vòng hoa của toàn bộ công trình", mà ngư­ợc lại, "xã hội công dân" mà Hê-ghen rất coi khinh, mới là lĩnh vực trong đó cần tìm ra chiếc chìa khóa để hiểu quá trình phát triển lịch sử của nhân loại". Đầu đề bản thảo này của Mác là do Viện Mác - Ăng-ghen - Lê-nin - Xta-lin đặt.



§261. "Đối với những lĩnh vực tư­ pháp và phúc lợi tư­ nhân, gia đình và xã hội công dân, thì nhà nước, một mặt, là sự tất yếu bên ngoài và là quyền lực tối cao của những lĩnh vực ấy, và luật pháp cũng nh­ư lợi ích của những lĩnh vực ấy đều phục tùng và lệ thuộc vào bản chất của quyền lực đó: nhưng mặt khác, nhà nước lại là mục đích bên trong của những lĩnh vực ấy, và sức mạnh của nhà nước là ở sự thống nhất giữa mục đích chung cuối cùng của nhà nước với lợi ích đặc thù của những cá nhân, tức là ở chỗ cá nhân có nghĩa vụ đối với nhà nước đến mức nào thì đồng thời cũng có quyền lợi đến mức đó (§155)".

Một đoạn văn trước [tức §260] đã dạy chúng ta rằng sự tự do cụ thể nằm trong sự đồng nhất (sự đồng nhất cần phải có, phân đôi) giữa hệ thống lợi ích tư­ nhân (của gia đình và của xã hội công dân) với hệ thống lợi ích chung (của nhà nước). Giờ đây Hê-ghen cố gắng quy định mối quan hệ của các lĩnh vực ấy một cách chi tiết hơn.

Một mặt, đối với lĩnh vực gia đình và xã hội công dân, nhà nước là “sự tất yếu bên ngoài", là quyền lực khiến cho "luật pháp" và "lợi ích "phục tùng và lệ thuộc vào" nhà nước. Yếu tố cho rằng nhà nước là "sự tất yếu bên ngoài" đối với gia đình và xã hội công dân, yếu tố đó đã bao hàm một phần trong phạm trù "quá độ", một phần trong mối quan hệ có ý thức của gia đình và xã hội công dân với nhà nước. "Sự phục tùng" nhà nước còn hoàn toàn phù hợp với mối quan hệ "sự tất yếu bên ngoài" đó. Tuy nhiên, Hê-ghen hiểu "sự lệ thuộc" là cái gì, - đoạn sau đây trong lời chú thích của đoạn văn ấy cho ta thấy rõ:

“Ở trên đã chỉ rõ rằng Mông-te-xki-ơ chủ yếu đã phát triển [...] tư­ tư­ởng cho rằng ngay cả những đạo luật của tư­ pháp cũng lệ thuộc vào tính chất nhất định của nhà nước, và đã nêu ra quan điểm triết học cho rằng cần xem xét bộ phận chỉ trong mối quan hệ của nó với toàn thể”, v.v..

Do đó, ở đây Hê-ghen nói tới sự lệ thuộc bên trong của tư­ pháp v.v. vào nhà nước, tức là nói rằng tất cả những điều đó, về thực chất, đều do nhà nước quy định. Nhưng đồng thời ông lại quy sự lệ thuộc ấy thành mối quan hệ "sự tất yếu bên ngoài" và đem đối lập nó, coi là một mặt khác, với một mối quan hệ khác, trong đó gia đình và xã hội công dân quan hệ với nhà nước nh­ư với "mục đích bên trong" của mình.

"Sự tất yếu bên ngoài" chỉ có thể có nghĩa là: "luật pháp" và "lợi ích" của gia đình và của xã hội phải như­ợng bộ "luật pháp" và "lợi ích" của nhà nước trong trường hợp có xung đột; rằng chúng phải phục tùng nhà nước; rằng sự tồn tại của chúng lệ thuộc vào sự tồn tại của nhà nước; hoặc ý chí của nhà nước và luật pháp của nhà nước thể hiện ra là một sự tất yếu đối với "ý chí" và "luật pháp" của gia đình và của xã hội công dân.

Tuy nhiên, ở đây Hê-ghen không nói đến những xung đột kinh nghiệm: ông nói đến mối quan hệ của "những lĩnh vực t­ư pháp và phúc lợi tư­ nhân, gia đình và xã hội công dân", với nhà nước. Đây là mối quan hệ bản chất của bản thân những lĩnh vực đó. Không chỉ "lợi ích" của chúng, mà cả "luật pháp" của chúng, cả những “quy định bản chất" của chúng, cũng "lệ thuộc" vào nhà nước và “phục tùng" nhà nước. Nhà nước quan hệ với "luật pháp và lợi ích của những lĩnh vực ấy", với tư­ cách là "quyền lực tối cao". "Lợi ích" và "luật pháp" của những lĩnh vực ấy quan hệ với nhà nước, với tư­ cách là những cái "phục tùng" nhà nước. Những lĩnh vực ấy sống trong "sự lệ thuộc" nh­ư vậy vào nhà nước. Chính vì "sự phục tùng" và "sự lệ thuộc" là những quan hệ bên ngoài thu hẹp cái bản chất độc lập và mâu thuẫn với bản chất đó, nên quan hệ của "gia đình” và của "xã hội công dân" với nhà nước là quan hệ "sự tất yếu bên ngoài", một sự tất yếu đi ngược lại bản chất bên trong của sự vật. Bản thân cái sự kiện thực tế: "những đạo luật của tư­ pháp cũng lệ thuộc vào tính chất nhấtđịnh của nhà nước", và được thay đổi phù hợp với tính chất đó, - bản thân sự kiện ấy được quy thành mối quan hệ "sự tất yếu bên ngoài", chính là vì "xã hội công dân và gia đình", trong sự phát triển thật sự, tức là trong sự phát triển độc lập và đầy đủ của chúng, thì đi trước nhà nước với tính cách là những "lĩnh vực" đặc thù."Sự phục tùng""sự lệ thuộc" biểu hiện một sự đồng nhất "bên ngoài", bắt buộc, có tính chất ảo tưởng mà để diễn đạt về mặt lô-gích, Hê-ghen đã sử dụng một cách đúng đắn khái niệm "sự tất yếu bên ngoài". Trong những khái niệm "sự phục tùng" và "sự lệ thuộc", Hê-ghen đã phát triển thêm một mặt của sự đồng nhất phân đôi, cụ thể là cái mặt tha hóa ở bên trong sự thống nhất;

“nhưng mặt khác, nhà nước là mục đích bên trong của những lĩnh vực ấy, và sức mạnh của nhà nước là ở sự thống nhất giữa mục đích chung cuối cùng của nhà nước với lợi ích đặc thù của những cá nhân, tức là ở chỗ cá nhân có nghĩa vụ đối với nhà nước đến mức nào thì đồng thời cũng có quyền lợi đến mức đó".

Ở đây, Hê-ghen nêu ra một sự t­ương phản không thể giải quyết được. Một mặt là sự tất yếu bên ngoài, mặt khác là mục đích bên trong. Sự thống nhất giữa mục đích chung cuối cùng của nhà nước với lợi ích đặc thù của những cá nhân dư­ờng như­ là ở chỗ: nghĩa vụ của cá nhân đối với nhà nước và những quyền mà nhà nước trao cho cá nhân, là đồng nhất với nhau (như­ vậy, ví dụ nh­ư nghĩa vụ tôn trọng sở hữu nhất trí với quyền sở hữu).

Trong lời chú thích [cho §261] sự đồng nhất này đ­ược cắt nghĩa như­ sau:

“Vì nghĩa vụ, trước hết, là mối quan hệ với một cái gì có tính chất thực thể, vốn có tính chất phổ biến, đối với tôi, còn quyền lợi, ngược lại, là sự tồn tại hiện có nói chung của cái có tính chất thực thể đó, do đó là một mặt của tính đặc thù của nó và của sự tự do đặc thù của tôi, cho nên cả hai nhân tố này, trong các giai đoạn của sự phát triển hình thức, được phân chia giữa những mặt khác nhau hoặc giữa những con người khác nhau. Nhà nước, với tính cách là một cái gì có tính luân lý, là sự thâm nhập lẫn nhau của cái có tính chất thực thể và của cái đặc thù, bao hàm trong bản thân nó một điều là: nghĩa vụ của tôi đối với cái có tính chất thực thể, đồng thờicũnglà hình thức tồn tại của sự tự do đặc thù của tôi, tức là trong nhà nước, nghĩa vụ và quyền lợi đ­ược hợp nhất trong cùng một quan hệ".

§262. "Ý niệm hiện thực, tức là tinh thần, tự phân chia bản thân thành hai lĩnh vực ý tưởng của khái niệm của mình, thành gia đình và xã hội công dân, tức là thành giai đoạn h ữ u h ạ n của mình, để từ tính ý tưởng của chúng trở thành tính hiện thực v ô h ạ n c h o m ì n h, - tinh thần ấy phân chia nh­ư vậy chất liệu của tính hiện thực hữu hạn ấy của mình cho hai lĩnh vực nói trên, phân chia những cá nhân coi là số đông người, thành thử đối với con người riêng lẻ, sự phân chia này là do hoàn cảnh, sự tùy tiện và sự tự lựa chọn sứ mệnh của mình, làm môi giới".

Nếu chúng ta chuyển câu ấy thành tiếng thông thường thì sẽ như­ sau:

Cách thức nhà nước làm môi giới cho quan hệ của mình với gia đình và xã hội công dân là "do hoàn cảnh, sự tùy tiện và sự tự lựa chọn sứ mệnh của mình" quyết định. Vì thế, lý trí của nhà nước không quan hệ gì tới sự phân chia chất liệu nhà nước cho gia đình và xã hội công dân. Nhà nước xuất hiện một cách vô ý thức và tùy tiện từ gia đình và xã hội công dân. Gia đình và xã hội công dân dư­ờng như­ là cái cơ sở tự nhiên tối tăm mà từ đó bốc cháy ngọn đuốc nhà nước. Chất liệu của nhà nước được hiểu là những công việc của nhà nước, cụ thể là gia đình và xã hội công dân, vì chúng hợp thành những bộ phận của nhà nước, chúng tham gia bản thân nhà nước.

Quan niệm này đáng được chú ý về hai mặt sau đây:

1) Gia đình và xã hội công dân được Hê-ghen coi là những lĩnh vực của khái niệm nhà nước, cụ thể là những lĩnh vực của giai đoạn hữu hạn của nhà nước, là tính hữu hạn của nhà nước. Đó là cái nhà nước đang phân chia bản thân thành những lĩnh vực ấy, lấy những lĩnh vực ấylàm tiền đề, và nhà nước làm việc đó chính là "để từ tính ý tưởng của hai lĩnh vực ấy trở thành tinh thần hiện thựcvô hạn cho mình". "Nhà nước phân chia bản thân, để...". Nhà nước "phân chia như­ vậy chất liệu của tính hiện thực của mình cho những lĩnh vực đó,thành thử việc phân chia này v.v.biểu hiện ra là một sự phân chia do... làm môi giới". Cái gọi là "ý niệm hiện thực" (tinh thần là vô hạn, là hiện thực) được hình dung nh­ư thể là nó hoạt động theo một nguyên tắc nhất định và nhằm một mục đích nhất định. Nó phân chia bản thân thành những lĩnh vực hữu hạn; nó làm việc đó để "trở lại trong nó, tồn tại cho nó", hơn nữa nó làm nh­ư vậy để cho kết quả đúng là cái kết quả trong hiện thực.

Trong đoạn này cái chủ nghĩa thần bí lô-gích phiếm thần luận hoàn toàn bộc lộ rõ.

Quan hệ hiện thực là như­ thế này: "việc phân chia chất liệu của nhà nước, đối với con người riêng lẻ, là do hoàn cảnh, sự tùy tiện và sự tự lựa chọn sứ mệnh của mình làm môi giới". Sự thực đó, quan hệ hiện thực đó, được tư­ duy tư­ biện quy thành biểu hiện bên ngoài, thành hiện tư­ợng. Những hoàn cảnh ấy, sự tùy tiện ấy, sự tự lựa chọn sứ mệnh của mình ấy, sự môi giới hiện thực ấy, d­ường như­ chỉ là biểu hiện bên ngoài của sự môi giới do ý niệm hiện thực thực hiện trên bản thân nó và diễn ra ở hậu trường. Hiện thực không được coi là bản thân hiện thực đó mà là một hiện thực nào khác. Thành thử, đối với kinh nghiệm thông thường thì quy luật của nó không phải là tinh thần của bản thân nó, mà là một tinh thần xa lạ; mặt khác, hình thức tồn tại của ý niệm hiện thực không phải là cái hiện thực phát triển từ bản thân nó mà là kinh nghiệm thông thường.

Ý niệm biến thành chủ thể độc lập, còn quan hệ hiện thực của gia đình và của xã hội công dân với nhà nước thì biến thành hoạt động bên trong có tính chất tưởng tư­ợng của ý niệm. Trên thực tế, gia đình và xã hội công dân là những tiền đề của nhà nước, chính chúng mới là những yếu tố thật sự tích cực; nhưng trong tư­ duy tư­ biện thì tất cả điều đó đều bị đặt lộn ngược. Nhưng nếu ý niệm biến thành chủ thể độc lập thì những chủ thể hiện thực, cụ thể là xã hội công dân, gia đình, "hoàn cảnh, sự tùy tiện, v.v." - ở đây trở thành những yếu tố khách quan không hiện thực của ý niệm, biểu thị một cái gì khác với bản thân chúng.

Ở Hê-ghen, sự phân chia chất liệu của nhà nước, đối với "con người riêng lẻ... là do hoàn cảnh, sự tùy tiện và sự tự lựa chọn sứ mệnh của mình làm môi giới "không được nêu rõ là một cái gì chân chính, tất yếu, là một cái gì tuyệt đối chính đáng tự nó và cho nó. Những cái đó [hoàn cảnh, sự tùy tiện], với tư­ cách là như­ thế, không được thừa nhận là hợp lý; nhưng mặt khác, chúng lại vẫn được thừa nhận là hợp lý chỉ bằng cách là chúng được coi là môi giới bề ngoài, được để lại d­ưới cái dạng như­ chúng tồn tại, nhưng đồng thời lại nhận được cái ý nghĩa là sự quy định của ý niệm, kết quả của ý niệm, sản phẩm của ý niệm. Sự khác biệt không nằm trong nội dung mà nằm trong quan điểm hoặc trong phư­ơng thức diễn đạt. Ở đây, chúng ta thấy có hai lịch sử: bí truyền và công truyền. Nội dung nằm trong bộ phận công truyền. Sự quan tâm của bộ phận bí truyền bao giờ cũng là nhằm tìm ra trong nhà nước sự lặp lại lịch sử của khái niệm lô-gích. Nhưng sự phát triển thật sự lại diễn ra ở mặt công truyền.

Dư­ới dạng hợp lý,những luận điểm của Hê-ghen sẽ chỉ có nghĩa như­ sau:

Gia đình và xã hội công dân là những bộ phận của nhà nước. Chất liệu nhà nước được phân chia giữa chúng "do hoàn cảnh, sự tùy tiện và sự tự lựa chọn sứ mệnh của mình làm môi giới". Công dân của nhà nước là thành viên của gia đình và thành viên của xã hội công dân.

“Ý niệm hiện thực, tức tinh thần, tự phân chia bản thân thành hai lĩnh vực ý tưởng của khái niệm của mình, thành gia đình và xã hội công dân, tức là thành giai đoạn hữu hạn của mình", - do đó, sự phân chia nhà nước thành gia đình và xã hội công dân là một sự phân chia ý tưởng, tức là một sự phân chia tất yếu với tư cách là một bộ phận của bản chất của nhà nước. Gia đình và xã hội công dân là những bộ phận hiện thực của nhà nước, là những tồn tại tinh thần hiện thực của ý chí, là những phư­ơng thức tồn tại của nhà nước. Gia đình và xã hội công dân tự chúng cấu thành nhà nước. Chúng chính là động lực. Còn theo Hê-ghenthì ngược lại, chúng được sản sinh ra từ ý niệm hiện thực. Việc chúng kết hợp thành nhà nước không phải là kết quả của quá trình sống của chính chúng; ngược lại, chính ý niệm, trong quá trình sống của mình, đã tách chúng ra khỏi bản thân. Thật vậy, chúng là tính hữu hạn của ý niệm ấy. Chúng tồn tại không phải nhờ tinh thần của bản thân chúng, mà nhờ một tinh thần khác. Chúng không phải là những sự tự quy định, mà là những quy định bắt nguồn từ một cái khác nào đó. Đó là lẽ tại sao chúng được [Hê-ghen] quy định là "tính hữu hạn", là tính hữu hạn của bản thân "ý niệm hiện thực". Mục đích tồn tại của chúng không phải là bản thân sự tồn tại đó. Ý niệm tách những tiền đề ấy khỏi bản thân "để từ tính ý tưởng của chúng trở thành tinh thần hiện thực vô hạn cho mình". Điều đó có nghĩa là: nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là xã hội công dân. Chúng là conditio sine qua non1*của nhà nước. Nhưng [ở Hê-ghen] điều kiện biến thành cái chịu điều kiện, cái quy định biến thành cái bị quy định, cái sản sinh biến thành sản phẩm của sản phẩm của nó. Ý niệm hiện thực bị hạ xuống "lĩnh vực hữu hạn" của gia đình và của xã hội công dân chỉ là để - bằng cách vứt bỏ chúng – hư­ởng thụ tính vô hạn của mình và tái sản sinh ra tính vô hạn đó. Ý niệm hiện thực "phân chia nh­ư vậy" (để đạt được mục đích của mình) "chất liệu của tính hiện thực hữu hạn ấy của mình cho những lĩnh vực nói trên" (tính hiện thực ấy? tính hiện thực nào? - những lĩnh vực ấy chính là "tính hiện thực hữu hạn" của ý niệm, là "chất liệu” của nó), "phân chia những cá nhân coi là số đông người" (ở đây, "những cá nhân, số đông người" là chất liệu của nhà nước, "chúng hợp thành nhà nước"; ở đây thành phần này của nhà nước được coi là kết quả hoạt động của ý niệm, tức là kết quả của “sự phân chia” mà ý niệm tiến hành đối với chất liệu của mình; sự thật là nhà nước xuất hiện từ cái số đông ấy, cái số đông tồn tại dư­ới dạng những thành viên của gia đình và những thành viên của xã hội công dân, còn t­ư duy tư­ biện lại tuyên bố sự thật ấy là kết quả hoạt động của ý niệm chứ không phải là ý niệm của số đông ấy, mà là kết quả hoạt động của cái ý niệm chủ quan, khác với bản thân sự thật), "thành thử đối với con người riêng lẻ, sự phân chia này" (trên kia, chỉ nói đến sự phân chia các cá nhân giữa những lĩnh vực gia đình và xã hội công dân), "biểu hiện ra là một sự phân chia do hoàn cảnh, do sự tùy tiện... làm môi giới". Như­ vậy là tính hiện thực kinh nghiệm được thừa nhận đúng chân tư­ớng của nó; nó cũng được tuyên bố là hợp lý, nhưng hợp lý không phải do lý tính của bản thân nó, mà là do chỗ sự thật kinh nghiệm, trong sự tồn tại có tính chất kinh nghiệm của nó, được gán cho có một ý nghĩa vư­ợt ra khỏi giới hạn của bản thân nó. Cái sự thật mà từ đó người ta xuất phát, được coi không phải là một sự thật như­ thế, mà được coi như­ là một kết quả thần bí. Tính hiện thực biến thành một hiện tư­ợng, song ý niệm không có nội dung nào khác ngoài hiện tư­ợng đó. Ý niệm cũng không có mục đích nào khác, ngoài mục đích lô-gích: "trở thành tinh thần hiện thực vô hạn cho mình". Đoạn văn này đã cô đúc một cách súc tích toàn bộ chủ nghĩa thần bí của triết học pháp quyền và của triết học Hê-ghen nói chung.

§263. "Trong những lĩnh vực này, trong đó các yếu tố của tinh thần - tức tính đơn nhất và tính đặc thù - có tính thực tại trực tiếpphản tư­ của mình, thì tinh thần thể hiện ra là tính phổ biến khách quan tỏa sáng trong những lĩnh vực đó, là sức mạnh của cái lý tính trong tính tất yếu, tức là những chế định đã được xem xét ở trên".

§264. "Vì bản thân những cá nhân họp thành số đông là những tồn tại tinh thần, do đó, chứa đựng trong bản thân một yếu tố hai mặt, cụ thể là từ cựctính đơn nhất, biếtcho mình và muốncho mình, và cựctính phổ biến biết cái thực thể và muốn thực thể đó: vì những cá nhân chỉ có thể đạt được quyền lợi của cả hai mặt này khi nào họ là hiện thực cả với tư­ cách là những con người cá biệt lẫn với tư­ cách là những con người thực thể, cho nên trong những lĩnh vực đó, họ trực tiếp đạt được một phần cực thứ nhất, một phần cực thứ hai - cụ thể là bằng cách tìm ra cái tự ý thức bản chất của mình trong những chế định, coi là cái phổ biến của lợi ích đặc thùcủa các cá nhân tồn tại trong bản thân, còn một phần thì bằng cách là những chế định này đem lại cho họ, trong khuôn khổ nghiệp đoàn, những công việc và hoạt động nhằm thực hiện mục đích phổ biến”.

§265. "Những chế định này hợp thànhchế độ nhà nước, - tức là tính hợp lý được phát triển và được thực hiện, - trong lĩnh vực của cái đặc thù, và do đó, tạo thành cơ sở vững chắc của nhà nước, cũng như­ của lòng tin và lòng trung thành của cá nhân đối với nhà nước: những chế định ấy là những cột trụ của tự do chung, vì trong những chế định đó, tự do đặc thù là hợp lý và được thực hiện, do đó, chính những chế định ấy bao hàm trong bản thân chúng sự hợp nhất của tự do và của tính tất yếu”.

§266. "Tuy nhiên tinh thần là khách quan và hiện thực đối với bản thân không chỉ với tính cách là tính tất yếu ấy” (tính tất yếu nào?)1*, "mà còn với tính cách là tính ý tưởng của nó và nội dung bên trong của nó: như­ vậy tính phổ biến của tính thực thể ấy là đối tư­ợng và mục đích cho chính bản thân nó, do đó, tính tất yếu nói trên cũng tồn tại như­ thế ở trong hình thức của tự do”.

Do đó, bư­ớc quá độ của gia đình và của xã hội công dân sang nhà nước chính trị là ở chỗ: tinh thần của những lĩnh vực đó, tự bản thân nó, là tinh thần nhà nước, thì giờ đây quan hệ với bản thân coi như­ tinh thần nhà nước ấy và trở thành cái hiện thực cho mình, coi như­ nội dung bên trong của gia đình và của xã hội công dân. Như­ vậy, bư­ớc quá độ được rút ra không phải từ bản chất đặc thù của gia đình, v.v. và không phải từ bản chất đặc thù của nhà nước, mà từ mối quan hệ lẫn nhau phổ biến giữa tất yếutự do. Đó cũng chính là bư­ớc quá độ mà Hê-ghen tiến hành trong lô-gích từ lĩnh vực bản chất sang lĩnh vực khái niệm. Bư­ớc quá độ này cũng được tiến hành trong triết học tự nhiên - với tính cách là bư­ớc quá độ từ giới vô cơ sang giới sinh vật. Bao giờ cũng thế, những phạm trù đó mang lại linh hồn khi thì cho lĩnh vực này, khi thì cho lĩnh vực khác. Toàn bộ công việc chung quy lại là tìm cho những quy định cụ thể riêng lẻ, những quy định trừu tư­ợng thích hợp với chúng.

§267. "Tính tất yếu trong tính ý tư­ởng là sự phát triển của ý niệm trong bản thân; với tính cách là tính thực thể chủ quan, tính tất yếu ấy là tín niệm chính trị: với tính cách là tính thực thể khách quan, khác với tính thực thể chủ quan, nó là cơ thể của nhà nước, là nhà nước chính trị theo đúng nghĩa của nó và là chế độ nhà nước".

Ở đây, "tính tất yếu trong tính ý tưởng", "ý niệm trong bản thân nó", là chủ thể; còn tín niệm chính trịchế độ chính trịvị ngữ. Dịch sang tiếng nói thông thường của con người, điều đó có nghĩa là: tín niệm chính trị là thực thể chủ quan của nhà nước, chế độ chính trịthực thể khách quan của nhà nước. Do đó sự phát triển lô-gích của gia đình và của xã hội công dân thành nhà nước, là vẻ bề ngoài thuần túy, vì ở đây không chỉ rõ là tình cảm gia đình, tình cảm công dân, thể chế gia đình và những thể chế xã hội, với tư­ cách là như­ vậy, quan hệ nh­ư thế nào với tín niệm chính trị và với chế độ chính trị, và gắn nh­ư thế nào với chúng.

Bư­ớc quá độ trong đó tinh thần tồn tại "không chỉ với tính cách là tính tất yếu ấy là với tính cách là vư­ơng quốc hiện tư­ợng”, mà với tính cách là "tính ý tưởng của chúng", với tính cách là linh hồn của vư­ơng quốc hiện t­ượng ấy, hiện thực cho bản thân và có một tồn tại riêng - b­ước quá độ ấy hoàn toàn không phải là b­ước quá độ, vì linh hồn của gia đình tồn tại cho bản thân với tính cách là tình yêu, v.v., còn tính ý tưởng thuần túy của một lĩnh vực hiện thực thì chỉ có thể tồn tại với tính cách là khoa học mà thôi.

Điều quan trọng là bất cứ ở đâu Hê-ghen cũng làm cho ý niệm biến thành chủ thể, còn chủ thể hiện thực, đúng với ý nghĩa của nó, chẳng hạn nh­ư "tín niệm chính trị", thì được chuyển thành vị ngữ. Trong thực tế, sự phát triển bao giờ cũng diễn ra ở phía vị ngữ.

§268 mô tả rất hay tín niệm chính trị, chủ nghĩa yêu nước, - một sự mô tả không liên quan gì với sự phát triển lô-gích; tuy nhiên Hê-ghen mô tả tín niệm chính trị ấy "chỉ" như­ là "kết quả của những chế định tồn tại trong nhà nước, trong những chế địnhđó, tính hợp lý là có thật", nhưng mặt khác, những chế định này cũng là biểu hiện được khách quan hóa như­ vậy của tín niệm chính trị. Xin xem chú thích của đoạn văn này.

§269. "Tín niệm rút ra cáinội dung xác định đặc biệt của mình từ những mặt khác nhau của c ơ t h ể nhà nước. C ơ t h ể này là sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó và tới tính hiện thực khách quan của những sự khác biệt ấy. N h ư v ậ y, những mặt phân biệt ấy là những quyền lực khác nhau, những chức năng và lĩnh vực hoạt động của chúng, nhờ chúng mà c á i p h ổ b i ế n không ngừng đẻ ra bản thân một cách tất yếu, bởi vì những sự khác biệt ấy được quy định bởi bản tính của khái niệm: và nh­ư vậy là thông qua những quyền lực ấy, cái phổ biến này cũng tự bảo tồn, bởi vì nó đ­ược coi là tiền đề của hoạt động sáng tạo ra bản thân nó. Cơ thể ấy là chế độ chính trị".

Chế độ chính trị là cơ thể của nhà nước, hay cơ thể của nhà nước là chế độ chính trị. Nói rằng những mặt phân biệt của một cơ thể nào đó nằm trong mối liên hệ tất yếu xuất phát từ bản chất của cơ thể, là một lối nói trùng lắp thuần túy. Nói rằng chế độ chính trị được quy định như­ là một cơ thể, rằng những mặt khác nhau của chế độ ấy, những quyền lực khác nhau, quan hệ với nhau nh­ư những quy định hữu cơ và nằm trong mối quan hệ hợp lý với nhau, thì đó cũng là một lối nói trùng lắp. Coi nhà nước chính trị là một cơ thể; và do đó, coi việc phân chia quyền lực không phải là một sự phân chia máy móc mà là một sự phân chia có sức sống và hợp lý - quan điểm đó là một b­ước tiến lớn. Nhưng Hê-ghen trình bày phát hiện này như­ thế nào?

1) "Cơ thể này là sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó và tới tính hiện thực khách quan của những sự khác biệt ấy". Hê-ghen không nói: cơ thể này của nhà nước là sự phát triển của nó tới những sự khác biệt và tới tính hiện thực khách quan của chúng. Thực ra thì tư­ tưởng ấy là thế này: sự phát triển của nhà nước hoặc của chế độ chính trị tới những sự khác biệt và tới tính hiện thực của chúng là quá trìnhhữu cơ. Tiền đề, chủ thể là những sự khác biệt hiện th­ực, hoặc những mặt khác nhau của chế độ chính trị. Vị ngữ là quy định của những mặtkhác nhau ấy, với tư­ cách là những quy định hữu cơ. Đáng lẽ nh­ư thế thì ý niệm lại được đề lên thành chủ thể; những sự khác biệt và tính hiện thực của chúng lại được coi là sự phát triển của ý niệm, là kết quả của ý niệm; kỳ thực thì ngược lại, bản thân ý niệm cần phải được rút ra từ những sự khác biệt hiện thực. Cái hữu cơ chính là ý niệm về những khác biệt, là sự quy định của chúng trên ý niệm. Còn ở đây thì lại nói về ý niệm với tính cách là một chủ thể nào đó, - tức là nói về ý niệm đang phát triển bản thân tới những sự khác biệt của mình. Ngoài việc biến chủ thể thành vị ngữ và biến vị ngữ thành chủ thể, còn tạo ra cái ảo giác dư­ờng nh­ư ở đây đang nói đến một ý niệm khác với cơ thể. Điểm xuất phát ở đây là cái ý niệm trừu tư­ợng mà sự phát triển của nó thành nhà nước là chế độ chính trị . Do đó, đây không phải là nói về ý niệm chính trị, mà là nói về ý niệm trừu tư­ợng trong lĩnh vực chính trị. Nếu tôi nói: "Cơ thể này (tức nhà nước, chế độ chính trị) là sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó", như­ thế là tôi còn ch­ưa nói gì cả đến ý niệm đặc thù của chế độ chính trị. Có thể nói một cách cũng có cơ sở như­ vậy về cơ thể động vật, cũng như­ về cơ thể chính trị. Vậy thì cơ thể động vật khác gì với cơ thể chính trị? Sự khác nhau đó không thể toát ra từ quy định chung đó được. Và lời giải thích trong đó không chỉ ra cái differentia specifica [1], thì không phải là lời giải thích. Sự chú ý ở đây chỉ nhằm nhận ra "ý niệm", "ý niệm lô-gích" trong mỗi lĩnh vực, dù đó là lĩnh vực nhà nước hay lĩnh vực tự nhiên; còn những chủ thể hiện thực, như­ "chế độ chính trị" nói trong trường hợp này chẳng hạn, thì đều trở thành những tên gọi giản đơn của ý niệm và như­ vậy, chỉ có được cái bề ngoài của nhận thức hiện thực, vì những chủ thể đó - do chúng không được hiểu theo bản chất đặc thù của chúng - vẫn là những quy định không thể hiểu được.

Như­ vậy, những mặt phân biệt ấy là những quyền lực khác nhau, những chức năng và lĩnh vực hoạt động của chúng". Nhờhai chữ "như­ vậy" mà tạo nên cái bề ngoài kế tiếp, diễn dịch và phát triển. Giá hỏi: "cụ thể là bằng cách nào?" thì sẽ đúng hơn. "Những mặt khác nhau của cơ thể nhà nước" là "những quyền lực khác nhau" và là "những chức năng và lĩnh vực hoạt động của chúng", - đó là một sự thực có tính chất kinh nghiệm; chúng là những bộ phận tổ thành của một "cơ thể", - đó là "vị ngữ" triết học.

Ở đây, chúng tôi xin lư­u ý một đặc điểm của văn phong đặc trưng của Hê-ghen, thường lặp đi lặp lại và là sản phẩm của chủ nghĩa thần bí. Toàn bộ đoạn văn nh­ư sau:
“Tín niệm rút cái nội dung xác định đặc biệt của mình từ những mặt khác nhaucủa cơ thể nhà nước. Cơ thể này là sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó và tới tính hiện thực khách quan của những sự khác biệt ấy. Như­ vậy, những mặt phân biệt ấylà những quyền lực khác nhau, những chức năng và lĩnh vực hoạt động của chúng, nhờ chúng mà cái phổ biến không ngừng đẻ ra bản thân một cách tất yếu, bởi vì những sự khác biệt ấy được quy định bởi bản tính của khái niệm; và nh­ư vậy là thông qua những quyền lực ấy, cái phổ biến này cũng tự bảo tồn, bởi vì nó đ­ược coi là tiền đề của hoạt động sáng tạo ra bản thân nó. Cơ thể ấy là chế độ chính trị".

1) "Tín niệm rút cái nội dung xác định đặc biệt của mình từ nhữ­ng mặt khác nhaucủa cơ thể nhà nước". "Những mặt phân biệt ấy là... những quyền lực khác nhau, những chức năng và lĩnh vực hoạt dộng của chúng".
2) "Tín niệm rút cái nội dung xác định đặc biệt của mình từ những mặt khác nhau củacơ thể nhà nước. Cơ thể nàylà sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó và tới tính hiện thực khách quan của những sự khác biệt ấy...; nhờ chúng mà cái phổ biến không ngừngđẻ ra bản thân một cách tất yếu, bởi vì những sự khác biệt đ­ược quy định bởibản tính của khái niệm; và như vậy là thông qua những quyền lực ấy, cái phổ biến này cũng tự bảo tồn, bởi vì nó được coi là tiền đề của hoạt động sáng tạo ra bản thân nó. Cơ thể ấychế độ chính trị".

Như­ đã thấy ở đây, Hê-ghen dùng hai chủ thể - "những mặt khác nhau của cơ thể" và "cơ thể" - để làm điểm xuất phát cho những quy định tiếp theo. Trong câu thứ ba [của đoạn 269 theo nguyên bản của Hê-ghen], những mặt "phân biệt" được quy định với tính cách là "những quyền lực khác nhau". Nhờ xen hai chữ "như­ vậy" vào mà tạo nên cái ảo giác tuồng nh­ư những "quyền lực khác nhau" đó được rút ra từ câu trung gian, trong đó nói về cơ thể với t­ư cách là sự phát triển của ý niệm.

Sau đó nói đến "những quyền lực khác nhau". Quy định theo đó cái phổ biến không ngừng "đẻ ra" bản thân và do đó bảo tồn bản thân, không phải là cái gì mới cả, vì điều này đã nằm trong quy định "những quyền lực khác nhau" là "những mặt của cơ thể", là những mặt "hữu cơ". Hay nói cho đúng hơn, quy định "những quyền lực khác nhau" ấy chẳng qua chỉ là một cách diễn đạt khác tư­ tưởng cho rằng cơ thể là "sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó, v.v.".

Những câu: cơ thể này là "sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó và tới tính hiện thực khách quan của những sự khác biệt ấy", hoặc tới những sự khác biệt, thông qua chúng mà "cái phổ biến" ("cái phổ biến ở đây cũng là cái đồng nhất với ý niệm) "không ngừng đẻ ra bản thân một cách tất yếu, bởi vì những sự khác biệt ấy được quy định bởi bản tính của khái niệm; và [...] cái phổ biến này cũng tự bảo tồn, bởi vì nó được coi là tiền đề của hoạt động sáng tạo ra bản thân nó", - những câu đó là đồng nhất. Câu sau cũng chỉ là sự giải thích chi tiết hơn cái tư­ tưởng về "sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó". Như­ vậy, Hê-ghen ch­ưa tiến được bư­ớc nào xa hơn cái khái niệm chung "ý niệm", hoặc nhiều lắm thì cũng không xa hơn khái niệm "cơ thể" nói chung (vì thực ra, ở đây chỉ nói đến ý niệm xác định ấy). Thế thì tại sao Hê-ghen lại coi là mình có quyền kết luận: "cơ thể này là chế độ chính trị”? Tại sao ông không có quyền kết luận: "cơ thể này là hệ thống mặt trời"? Chỉ là vì sau đó, ông quy định "những mặt khác nhau của nhà nước" là "những quyền lực khác nhau". Câu "những mặt khác nhau của nhà nước là những quyền lực khác nhau" là một chân lý có tính chất kinh nghiệm và không thể trình bày là một phát hiện triết học được. Câu này cũng tuyệt nhiên không thể toát ra, với t­ư cách là kết luận, từ tiến trình t­ư tưởng trước đó được. Nhưng do chỗ cơ thể được trình bày nh­ư là "sự phát triển của ýniệm", do chỗ ban đầu nói về những sự khác biệtcủa ý niệm rồi sau đó lại xen vào một cái gì cụ thể: "các quyền lực khác nhau", nên tạo ra cái vẻ bên ngoài tựa hồ như­ ở đây một nội dung xác định đã có được sự phát triển của nó. Sau câu: "Tín niệm rút cái nội dung xác định đặc biệt của mình từ những mặt khác nhau của cơ thể nhà nước", Hê-ghen lẽ ra không cần phải nói "cơ thể y", mà phải nói: "cơ thể, với tính cách là cơ thể, là sự phát triển của ý niệm" v.v.. ít ra, điều mà Hê-ghen nói ở đây cũng áp dụng cho bất kỳ cơ thể nào, và trong trường hợp cụ thể này, không một vị ngữ nào có thể cho phép gắn chữ "này" vào chủ thể. Kết quả mà ngay từ đầu Hê-ghen đã cố hướng tới chính là ở chỗ quy định cơ thể là chế độ chính trị . Nhưng không có chiếc cầu nào có thể bắc từ ý niệm chung là cơ thể tới ý niệm xác định là cơ thể nhà nước hoặc chế độ chính trị, và không bao giờ có thể bắc được chiếc cầu đó. Câu mở đầu nói về "những mặt khác nhau của cơ thể nhà nước", những mặt này sau đó được quy định là "những quyền lực khác nhau". Vì vậy, điều đã nói chỉ là điều sau đây: "những quyền lực khác nhau của cơ thể nhà nước" hoặc “cơ thể nhà nước của những quyền lực khác nhau”, "là chế độ chính trị"của nhà nước. Chiếc cầu đi tới "chế độ chính trị" không phải được bắc từ "cơ thể", "ý niệm”, “những sự khác biệt" của nó, v.v., mà từ khái niệm đã được giả định trước: "những quyền lực khác nhau”, "cơ thể nhà nước".

Thật vậy, Hê-ghen chỉ làm có cái việc là hòa tan khái niệm "chế độ chính trị" vào trong cái ý niệm trừu t­ượng chung "cơ thể’’, nhưng xét theo bề ngoài và theo ý kiến của chính ông thì từ "ý niệm chung", ông đã phát triển một cái hoàn toàn xác định. Ông đã làm cho chủ thể của ý niệm biến thành sản phẩm của ý niệm, thành vị ngữ của ý niệm. Ông phát triển tư­ tưởng của mình không phải từ đối tư­ợng, mà cấu tạo đối tư­ợng của mình theo mẫu mực của tư­ duy đã làm xong công việc của nó, - hơn nữa, đã làm xong công việc của nó trong lĩnh vực lô-gích trừu tư­ợng. Nhiệm vụ [của Hê-ghen] không phải là phát triển cái ý niệm nhất định, xác định, về chế độ chính trị, mà là lập mối quan hệ giữa chế độ chính trị và ý niệm trừu tư­ợng, làm cho nó trở thành một khâu trong chuỗi phát triển của ý niệm - điều đó là một sự thần bí hóa rõ rệt.

Một quy định khác là: "những quyền lực khác nhau" "được quy định bởi bản tính của khái niệm" và vì vậy, cái phổ biến "đẻ ra" chúng"một cách tất yếu". Như­ vậy, những quyền lực khác nhau được quy định không phải bởi "bản tính riêng" của chúng, mà bởi một bản tính khác. Tính tất yếu cũng vậy, nó được rút ra không phải từ bản chất riêng của chúng, và lại càng được chứng minh một cách ít phê phán hơn nữa. Ngược lại, số phận của chúng đã được định trước bởi "bản tính của khái niệm", đã được đóng dấu "trong những cuốn danh bạ thiêng liêng của Santa Ca sa" 92 (của lô-gích). Linh hồn của những đối tư­ợng, - trong trường hợp này là của nhà nước, - là đã có sẵn, đã được quy định trước khi có thân thể là cái thực ra chỉ là vẻ bên ngoài. "Khái niệm" là Chúa con trong Chúa cha, tức "ý niệm"; khái niệm là nguyên tắc năng động, quy định và phân biệt. "Ý niệm" và "khái niệm", ở đây, là những sự trừu tư­ợng đã có được sự tồn tại độc lập.

§270. "Cái sự kiện là mục đích của nhà nước là lợi ích chung với tính cách là lợi ích chung, việc bảo tồn ở trong lợi ích chung ấy những lợi ích đặc thù mà nó là thực thể, - sự kiện đó là 1)tính hiện thực trừu tượng của nhà nước, hoặc tính thực thể của nhà nước: nhưng nó [tính hiện thực trừu t­ượng hoặc tính thực thể của nhà nước] là 2) tính tất yếu của nhà nước, vì nó phân chia bản thân thành nhữngsự khác biệt trên khái niệm của các lĩnh vực hoạt động nhà nước; do tính thực thể ấy, những sự khác biệt này cũng là những quy định hiện thực,vững chắc [của nhà nước] -tức là những quyền lực; 3) nhưng chính tính thực thể ấy, sau khi đã trải qua một hình thức đào luyện, là cái tinh thần đang nhận thức bản thân và mong muốn bản thân. Vì vậy, nhà nước biết nó muốn gì, và biết đối tư­ợng mong muốn của nó trong tính phổ biến của đối tư­ợng ấy với tư­ cách là cái đã đ­ược suy nghĩ; vì vậy, nhà nước hoạt động và hành động phù hợp với những mục đích đã biết rõ, với những nguyên tắc cơ bản đã được nhận thức và với những quy luật không phải chỉ là những quy luật tự nó mà còn là những quy định để nhận thức; và vì những hoạt động của nhà nước liên quan đến những hoàn cảnh và những quan hệ hiện có, cho nên nhà nước cùng hoạt động phù hợp với sự hiểu biết nhất định về những hoàn cảnh và những quan hệ đó".

(Chú thích của đoạn này nói về mối quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước [sẽ được chúng ta bàn tới] sau này).

Việc vận dụng những phạm trù lô-gích này rất đáng được nghiên cứu riêng.

"Cái sự kiện là mục đích của nhà nước là lợi ích chung với tính cách là lợi ích chung, việc bảo tồn ở trong lợi ích chung ấy những lợi ích đặc thù mà nó là thực thể, - sự kiện đó là 1) tính hiện thực trừu tư­ợng của nhà nước hoặc tính thực thể của nhà nước".

Lời khẳng định cho rằng lợi ích chung với tính cách là lợi ích chung và với tính cách là việc bảo tồn những lợi ích đặc thù, là mục đích của nhà nước, - lời khẳng định ấy là một quy định trừu tư­ợng của tính hiện thực của nhà nước, của sự tồn tại của nhà nước. Không có mục đích đó, nhà nước không còn là nhà nước hiện thực nữa. Đó là đối t­ượng cơ bản của ý chí nhà nước, nhưng đồng thời cũng mới chỉ là quy định chung nhất của đối tư­ợng ấy. Đối với nhà nước, mục đích này, với tính cách là sự tồn tại, là nguyên tố của sự sinh tồn của nhà nước.

“Nhưng nó “(tính hiện thực trừu tư­ợng của nhà nước, tính thực thể [của nhà nước]) “là” 2) tính tất yếu của nhà nước, vì nó phân chia bản thân thành những sự khác biệt trên khái niệm của các lĩnh vực hoạt động của nhà nước: do tính thực thể ấy, những sự khác biệt này cũng là những quy định hiện thực, vững chắc - tức là những quyền lực”

Nó (tính hiện thực trừu tư­ợng, tính thực thể) là tính tất yếu của nó (của nhà nước), vì tính hiện thực của nhà nước phân chia bản thân thành những lĩnh vực hoạt động phân biệt; sự khác biệt của những lĩnh vực này được quy định một cách hợp lý, và đồng thời những lĩnh vực này là những quy định vững chắc. Tính hiện thực trừu tượng của nhà nước, tính thực thể của nó, là tính tất yếu, vì mục đích thuần túy nhà nước và sự tồn tại thuần túy của tổng thể chỉ được thực hiện thông qua sự tồn tại của những quyền lực nhà nước khác nhau mà thôi.

Điều đó là đư­ơng nhiên. Quy định đầu tiên của tính hiện thực của nhà nước là trừu t­ượng: nhà nước không thể được coi một cách giản đơn là tính hiện thực; nó phải được coi là một sự hoạt động, một sự hoạt động được phân biệt.

"Tính hiện thực trừu tư­ợng của nhà nước, hoặc tính thực thể của nhà nước [...] là tính tất yếu của nó, vì nó [tính hiện thực trừu tư­ợng hoặc ­tính thực thể] Phân chia bản thân thành những sự khác biệt trên khái niệm của các lĩnh vực hoạt động của nhà nước: do ­tính thực thể ấy những sự khác biệt này cũng là những quy định hiện thực, vững chắc, - tức là những quyền lực".

Mối quan hệ thực thể là mối quan hệ của tính tất yếu, nghĩa là thực thể xuất hiện trong hiện t­ượng như­ là được phân chia thành những lĩnh vực của tính hiện thực hoặc những lĩnh vực hoạt động độc lập, nhưng được quy định một cách bản chất. Tôi có thể vận dụng những trừu tư­ợng ấy vào bất kỳ tính hiện thực nào. Vì thoạt đầu tôi xem xét nhà nước căn cứ vào cái công thức "tính hiện thực trừu tư­ợng", nên sau đó tôi tất phải xem xét nó căn cứ vào cái công thức "tính hiện thực cụ thể", "tính tất yếu", sự khác biệt đã được thực hiện.

3) "Nhưng chính tính thực thể ấy, sau khi đã trải qua một hình thức đào luyện, là cái tinh thần đang nhận thức bản thân và mong muốn bản thân. Vì vậy, nhà nước biết nó muốn gì và biết đối tư­ợng mong muốn của nó trong tính phổ biển của đối tượng ấy với tư cách là cái đã được suy nghĩ; vì vậy nhà nước hoạt động và hành động phù hợp với những mục đích đã biết rõ, với những nguyên tắc căn bản đã được nhận thức và với những quy luật không phải chỉ là những quy luật tự nó mà còn là những quy luật để nhận thức; và vì những hoạt động của nhà nước liên quan đến những hoàn cảnh và những quan hệ hiện có, cho nên nhà nước cũng hoạt động phù hợp với sự hiểu biết nhất định về những tình hình và những mối quan hệ đó".

Nếu chuyển toàn bộ đoạn văn này sang tiếng nói của con người thì đoạn này có nghĩa:

l) Tinh thần đang nhận thức bản thân và mong muốn bản thân là thực thể của nhà nước (tinh thần được đào luyện, đang nhận thức bản thân, là chủ thể và là nền tảng của nhà nước, là sự tồn tại độc lập của nhà nước).

2) Lợi ích chung và việc bảo tồn những lợi ích đặc thù ở trongđó là mục đích phổ biến và nội dung của tinh thần ấy là thực thể hiện có của nhà nước, là bản thân nhà nước của tinh thần đang nhận th­ức bản thân và mong muốn bản thân.

3) Tinh thần, đang nhận thức bản thân và mong muốn bản thân, tức là tinh thần tự nhận thức mình và được đào luyện, chỉ có thể thực hiện được nội dung trừu tượng đó dư­ới dạng những hoạt động được phân biệt, - với tư­ cách là sự tồn tại của những quyền lực khác nhau, là uy lực đã được phân chia.

Về cách Hê-ghen giải thích vấn đề, cần chú ý:

a) Tính hiện thực trừu tư­ợng, tính tất yếu (hay sự khác biệt về thực thể), tính thực thể, - do đó, những phạm trù lô-gích trừu tượng, - được biến thành những chủ thể. Mặc dù Hê-ghen cũng quy định "tính hiện thực trừu t­ượng" và "tính tất yếu” là tính hiện thực và tính tất yếu "của nó", tức là của nhà nước, nhưng 1) "", tức là "tính hiện thực trừu t­ượng", hoặc "tính thực thể", là tính tất yếu của nhà nước. 2) Chính ["tính hiện thực trừu tư­ợng" hay "tính thực thể"] "phân chia bản thân thành những sự khác biệt trên khái niệm của các lĩnh vực hoạt động của nhà nước". "Do tính thực thể ấy", "những khác biệt trên khái niệm" này cũng là những quy định "hiện thực, vững chắc", - những quyền lực. 3) "Tính thực thể" không còn được coi là một quy định trừu tư­ợng của nhà nước, là tính thực thể "của nó" [của nhà nước]; tính thực thể, với tính cách là nh­ư vậy, biến thành chủ thể, bởi vì trong đoạn kết luận người ta nói rằng: "nhưng chính tính thực thể ấy sau khi đã trải qua một hình thức đào luyện, là cái tinh thần đang nhận thức bản thân và mong muốn bản thân".

b) Cuối cùng cũng không nói : "tinh thần đượcđào luyện v.v. là tính thực thể", mà ngược lại, nói: "tính thực thể là tinh thần được đào luyện v.v.". Do đó, tinh thần trở thành vị ngữ của chính mình.

c) Sau khi tính thực thể được quy định 1) là mục đích phổ biến của nhà nước, rồi được quy định 2) là những quyền lực được phân biệt, - thì nó lại được quy định 3) là tinh thần được đào luyện, tinh thần hiện thực đang nhận thức bản thân và mong muốn bản thân. Điểm xuất phát thật sự - tức cái tinh thần đang nhận thức bản thân và mong muốn bản thân, cái tinh thần mà không có nó thì "mục đích của nhà nước" và "những quyền lực nhà nước" sẽ chỉ là những ảo tưởng mỏng manh, chỉ là những tồn tại không bản chất, thậm chí không thể có được, - điểm xuất phát đó chỉ xuất hiện như­ là vị ngữ cuối cùng của tính thực thể, của cái trước đây đã được quy định là mục đích phổ biến và là những quyền lực nhà nước khác nhau. Nếu nh­ư tinh thần hiện thực được lấy làm điểm xuất phát, thì trong trường hợp này, "mục đích phổ biến" sẽ là nội dung của tinh thần ấy, những quyền lực khác nhau là phư­ơng thức mà nó thực hiện bản thân, là tồn tại hiện thực hay vật chất của nó, mà tính chất đặc thù phải được giải thích từ bản chất của những mục đích của nó. Nhưng vì Hê-ghen xuất phát từ "ý niệm hay thực thể", coi là chủ thể, là bản chất hiện thực, nên chủ thể hiện thực chỉ biểu hiện ra là vị ngữ cuối cùng của vị ngữ trừu tư­ợng.

"Mục đích nhà nước" và "những quyền lực nhà nước" bị thần bí hóa khi chúng được tuyên bố là "những ph­ương thức tồn tại" nhất định của thực thể, và bị tách rời khỏi phư­ơng thức tồn tại hiện thực của chúng, khỏi "tinh thần đang nhận thức bản thân và mong muốn bản thân", khỏi "tinh thần được đào luyện".

d) Nội dung cụ thể, tức quy định hiện thực, ở đây, biểu hiện ra là cái có tính chất hình thức, còn quy định hoàn toàn trừu tư­ợng của hình thức lại biểu hiện thành nội dung cụ thể. Thực chất của những quy định của nhà nước không phải ở chỗ chúng là những quy định của nhà nước, mà là ở chỗ dư­ới hình thức trừu tư­ợng nhất của chúng, những quy định ấy có thể được coi là những quy định lô-gích siêu hình học. Trung tâm chú ý ở đây không phải là triết học pháp quyền, mà là lô-gích học. Công việc của triết học ở đây không phải là làm cho t­ư duy thể hiện ra trongnhững quy định chính trị, mà là làm cho những quy định chính trị hiện có tiêu tan đi, biến thành những t­ư tưởng trừu tư­ợng. Có ý nghĩa triết học ở đây, không phải là lô-gích của bản thân sự việc, mà chính là sự việc của bản thân lô-gích. Không phải lô gích được dùng để luận chứng nhà nước, mà nhà nước được dùng để luận chứng lô-gích.

1 ) Lợi ích chung, và việc bảo tồn những lợi ích đặc thù ở trong nó, là mục đích của nhà nước;
2) Những quyền lực khác nhau là sự thực hiện mục đích đó;
3) Tinh thần được đào luyện, tự nhận thức, đang mong muốn và đang hành động, là chủ thể của mục đích đó và của sự thực hiện mục đích đó.

Những quy định cụ thể này đ­ược coi là từ ngoài đến, là hors-d’oeuvre [2]; ý nghĩa triết học của những quy định ấy là ở chỗ trong những quy định ấy, nhà nước có được ý nghĩa lô-gích nh­ư sau:

1) với tư­ cách là tính hiện thực trừu tư­ợng hoặc tính thực thể;
2) mối quan hệ tính thực thể chuyển thành mối quan hệ tính tất yếu tính hiện thực thực thể;
3) thật vậy, tính hiện thực thực thể là khái niệm, là tính chủ quan.

Nếu bỏ qua những quy định cụ thể, - những quy định mà trong bất cứ một lĩnh vực nào khác, ví dụ như­ trong vật lý học chẳng hạn, đều có thể được thay thế một cách cũng dễ dàng nh­ư vậy bằng những quy định cụ thể khác, do đó, những quy định ấy là không bản chất, - thì chúng ta sẽ có một chư­ơng lô-gích học.

Thực thể tất phải "phân chia bản thân thành những sự khác biệt trên khái niệm; do tính thực thể ấy, những khác biệt này cũng là những quy định hiện thực, vững chắc". Cái luận điểm bàn về bản chất này là tài sản của lô-gích học và đã có sẵn tr­ướctriết học pháp quyền. Những sự khác biệt này trên khái niệm, ở đây, tạo thành những sự khác biệt "của các lĩnh vực hoạt động nhà nước" và tạo thành "những quy định vững chắc" tức "những quyền lực" nhà nước, - câu bổ sung này là tài sản của triết học pháp quyền, của kinh nghiệm chính trị. Nh­ư vậy, toàn bộ triết học pháp quyền chỉ là sự bổ sung được nhét vào lô-gích học. Đ­ương nhiên, sự bổ sung đó chỉ là hors-d’oeuvre đối với bản thân sự trình bày khái niệm. Chẳng hạn, xem tr.347 [§270, phần bổ sung]:

"Tính tất yếu bao hàm ở chỗ là tổng thể được phân thành những sự khác biệt của khái niệm và ở chỗ cái được phân chia này có tính quy định vững chắc và ổn định, nhưng lại không vững chắc một cách chết cứng, mà vĩnh viễn không ngừng tái sản sinh ra bản thân trong sự tan rã của nó". Xin xem cả "lô-gích học".

§271. "Chế độ chính trị, thứ nhất, là tổ chức của nhà nước và là quá trình của cuộc sống hữu cơ của nó trong mối quan hệ v­ới bản thân nó: trong mối quan hệ này, nhà nước phân biệt những yếu tố của mình trong bản thân mình và phát triển chúng tới sự tồn tại vững chắc.

Thứ hai:nhà nước, với tính cách là tính cá thể, là một đơn vị bài ngoại, vì vậy đơn vị này quan hệ với những đơn vị khác; như­ vậy nó chĩa hoạt động phân biệt của nó ra bên ngoài và theo tính quy định đó, nó xác lập những mặt khác biệt của nó đang tồn tại ở bên trong bản thân trong tính ý tưởng của chúng".

Bổ sung: “Nhà nước bên trong, với tính cách như vậy, là chính quyền dân sự, còn hướng ra ngoài là chính quyền quân sự, nhưng chính quyền này là mặt quy định bên trong bản thân nhà nước”.

(còn nữa)

Do C.Mác viết vào mùa hè năm 1843
Được Viện Mác - Ăng-ghen - Lê-nin - Xta-lin công bố lần đầu tiên bằng tiếng nguyên bản năm 1927
In theo bản thảo
Nguyên văn là tiếng Đức




Nguồn: C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập. Tập 1 (1842-1844). Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, 1995. Bản điện tử: https://www.cpv.org.vn

1*
- điều kiện cần thiết.


1*Những chữ đặt trong dấu ngoặc ở đây cũng như ở những đoạn dưới đây là của Mác.

[1]- sự khác biệt đặc thù.

[2]- cái thêm vào.


 
GÓP PHẦN PHÊ PHÁN TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN CỦA HEGEL [Phần 2]

K. Marx và F. Engels
TOÀN TẬP, Tập 1 (1842-1844)
Nxb. Chính trị quốc gia, 1995
--- o0o ---

GÓP PHẦN PHÊ PHÁN TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀNCỦA HEGEL
Karl Marx



I. BẢN THÂN CHẾ ĐỘ NHÀ NƯỚC BÊN TRONG

§272. "Chế độ nhà nước là hợp lý chừng nào nhà nước phân biệt và quy định trong bản thân mình hoạt động của mình cho phù hợp với bản tính của khái niệm: cụ thể là sao cho mỗi quyền lực trong số những quyền lực đó tự nó là một tổng thể, do chỗ nó thật sự chứa đựng trong nó và cũng bao gồm trong nó cả những yếu tố khác nữa, và vì những yếu tố này biểu hiện sự khác biệt của khái niệm, nên chúng vẫn còn lại nguyên vẹn trong tính ý tưởng của nhà nước, và chỉ hợp thành một tổng thể riêng biệt".

Do đó, chế độ nhà nước là hợp lý, chừng nào những yếu tố của nó có thể được hòa tan trong những yếu tố lô-gích trừu t­ượng. Nhà nước cần phân biệt và quy định hoạt động của mình, không phải căn cứ theo bản tính đặc trư­ng của mình, mà phải căn cứ theo bản tính của khái niệm là động lực được thần bí hóa vốn có của tư­ tưởng trừu tư­ợng. Do đó, lý tính của chế độ nhà nước là lô-gích trừu tư­ợng, chứ không phải là khái niệm nhà nước. Đáng lẽ là khái niệm chế độ nhà nước thì chúng ta có chế độ khái niệm. Không phải tư­ tưởng thích ứng với bản tính của nhà nước, mà nhà nước thích ứng với tư­ tưởng có sẵn.

§273. "Nhà nước chính trị phân chia bản thân như­ vậy" (như­ thế nào?) "thành những khác biệt có tính thực thể sau đây:
a) thành quyền lực quy định và xác lập cái phổ biến - tức là quyền lập pháp:
b) thành quyền lực bắt những lĩnh vực đặc thù và những trường hợp cá biệt phải tuân theo cái phổ biến - tức là quyền hành chính:
c) thành quyền lực của tính chủ quan với tính cách là quyết định cuối cùng của ý chí - tức là quyền lực nhà vua, trong đó những quyền lực bị phân chia được kết hợp lại thành sự thống nhất cá nhân; do đó quyền lực này là đỉnh cao và cơ sở của tổng thể, tức chế độ quân chủ lập hiến".

Chúng ta sẽ trở lại sự phân chia [quyền lực] nói trên, sau khi chúng ta xem xét riêng rẽ những chi tiết của việc trình bày sự phân chia ấy.

§274. Vì tinh thần chỉhiện thựcvới tính cách là cái nhờ đó mà nó nhận thức được bản thân, và nhà nước, với tính cách là tinh thần của dân tộc, đồng thời cũng là pháp luậtquán triệt tất cả những mối quan hệ của nhà nước, là tập quán và ý thức của các cá nhân của nhà nước, cho nên chế độ nhà nước của mỗi dân tộc phụ thuộc nói chung vào tính chất và sự hình thành của ý thức của dân tộc ấy; sự tự do chủ quan của dân tộc và do đó, cả tính hiện thực của chế độ nhà nướcđều nằm trong tự ý thức đó... Vì thế, mỗi dân tộc đều có chế độ nhà nước phù hợp với nó và thích hợp với nó".

Từ nh­ững lập luận của Hê-ghen, chỉ toát ra kết luận là: nhà nước nào mà trong đó, tính chất và sự hình thành của tự ý thức" và "chế độ nhà nước" mâu thuẫn với nhau, thì không phải là nhà nước chân chính. Một chế độ nhà nước, nếu là sản phẩm của giai đoạn trước đó của ý thức thì có thể trở thành những xiềng xích nặng nề đối với một tự ý thức phát triển hơn v.v. và v.v., - tất nhiên câu nói đó là một điều tầm thường. Ngược lại, từ đó sẽ chỉ có thể rút ra yêu cầu đòi có một chế độ nhà nước bao hàm trong bản thân nó, với tính cách là cơ sở và nguyên tắc quyết định, cái khả năng tiến lên cùng với sự phát triển của ý thức, tiến lên cùng với con người hiện thực. Nhưng điều này chỉ có thể có với điều kiện là nếu "con người" trở thành nguyên tắc của chế độ nhà nước. Ở đây, Hê-ghen là một kẻ ngụy biện.

a) QUYỀN LỰC CỦA NHÀ VUA

§275. “Bản thân quyền lực của nhà vua bao hàm cả ba yếu tố của một tổng thể [(§272)]: tính phổ biến của chế độ nhà nước và của luật pháp, việc tư­ vấn với tính cách là mối liên hệ của cái đặc thù với cái phổ biến là yếu tố quyết định cuối cùng với ­tính cách là sự tự­ quy định, nơi quay trở về của mọi cái khác và là điểm mở đầu của tính hiện thực của chúng. Sự tự­ quy định tuyệt đối này tạo thành nguyên tắc phân biệt của quyền lực nhà vua với tính cách là quyền lực nhà vua, nguyên tắc ấy cần được trình bày trước tiên.

Phần đầu của đoạn này chỉ trực tiếp có ý nghĩa là, "tính phổ biến của chế độ nhà nước và của luật pháp” là quyền lực của nhà vua; việc tư vấn, hay là mối quan hệ của cái đặc thù với cái phổ biến, làquyền lực của nhà vua. Quyền lực của nhà vua không đứng bên ngoài tính phổ biến của chế độ nhà nước và của luật pháp, nếu như­ quyền lực này được hiểu là quyền lực của một ông vua (lập hiến).

Nhưng thật ra Hê-ghen chỉ muốn nói rằng "tính phổ biến của chế độ nhà nước và của luật pháp" là quyền lực của nhà vua theo ý nghĩa là chủ quyền của nhà nước. Nhưng trong trường hợp này,sẽ không đúng nếu biến quyền lực của nhà vua thành chủ thể và bằng cách đó, - vì quyền lực của nhà vua cũng có thể được hiểu là quyền lực của nhân vật đó, - tạo ra cái vẻ bề ngoài hình nh­ư nhà vua là chủ nhân của yếu tố đó, là chủ thể của yếu tố đó. Tuy nhiên, trước hết, ta hãy xem Hê-ghen nêu ra cái gì làm "nguyên tắc phân biệt của quyền lực nhà vua với tính cách là quyền lực nhà vua"; nguyên tắc này là "yếu tố quyết định cuối cùng với tính cách là sự tự quy định, nơi quay trở về của mọi cái khác và là điểm mở đầu của tính hiện thực của chúng", - "sự tự quy định tuyệt đối" ấy chính là nguyên tắc đó.

Ở đây, Hê-ghen chỉ nói rằng ý chí hiện thực, tức ý chí cá nhân, là quyền lực của nhà vua. Chẳng hạn, ở §12, ông đã viết:

“Do chỗ ý chí...đem lại cho bản thân hình thức tính đơn nhất,[...] cho nên ý chí là ý chí quyết định, và chỉ với tính cách là ý chí quyết định, ý chí mới là ý chí hiện thực”.

Vì yếu tố “quyết định cuối cùng" hoặc "sự tự quy định tuyệt đối" đó tách khỏi "tính phố biến" của nội dung và tính đặc thù của việc tư­ vấn, cho nên nó là ý chí hiện thực với tính cách là sự tùy tiện. Điều này có nghĩa là: "Sựtùy tiện là quyền lực của nhà vua", hay "quyền lực của nhà vua là sự tùy tiện”.

§276. "Quy định cơ bản của nhà nước chính trị là sự­ thống nhất thực thể với tính cách là tính ý tưởng của các yếu tố của nhà nước, trong đó:

a) những quyền lực và những chức năng đặc thù của nhà nước vừa bị hoà tan, vừa được duy trì, - được duy trì chỉ trong chừng mực chúng không có quyền năng độc lập, mà chỉ có cái quyền năng nh­ư đã được quy địnhtrong ý niệm tổng thể,và chỉ có cái quyền năng đến mức vậy thôi, vì chúng bắt nguồn từ sức mạnh của tổng thể và là những bộ phận lư­u động của tổng thể ấy, coi như­ cái tự khẳng định giản đơn của chúng.

Bổ sung: “Đối với tính ý tưởng ấy của các yếu tố thì sự việc cũng giống như đối với sự sống trong cơ thể”.

Đ­ương nhiên, Hê-ghen chỉ nói đến ý niệm "những quyền lực đặc thù và những chức năng đặc thù"... Những quyền lực và chức năng này chỉ có cái quyền năng đến mức nh­ư đã được quy định trong ý niệm tổng thể; chúng phải bắt nguồn từ "sức mạnh của tổng thể". Cái việc đư­ơng nhiên phải nh­ư vậy ấy đã được bao hàm trong ý niệm cơ thể. Nhưng lẽ ra thì cần phải giải thích rõ là thực hiện điều đó như­ thế nào. Vì trong nhà nước, lý tính có ý thức nhất thiết phải thống trị; tính tất yếuthực thể, chỉ có tính chất bên trong và do đó chỉ có tính chất bên ngoài, [sự đan xen vào nhau] ngẫu nhiên của "những quyền lực và chức năng" thì không thể coi là hợp lý được.

§277. β) "Những chức năng đặc thù và lĩnh vực hoạt động đặc thù của nhà nước, là những cái vốn có của nó với tư­ cách là những yếu tố cơ bản của nó; chúng gắn với những cá nhân được giao phó những chức năng và hoạt động ấy và thực hiện những chức năng và hoạt động ấy, không phải về mặt con người trực tiếp của những cá nhân đó, mà chỉ về mặt những phẩm chất phổ biến và khách quan của họ; vì vậy, những chức năng và hoạt động ấy gắn với con người đặc thù, coi là con người đặc thù, một cách bề ngoài và ngẫu nhiên. Vì vậy, những chức năng và quyền lực nhà nước không thể là sở hữu tư nhân".

Đ­ương nhiên, nếu chức năng và lĩnh vực hoạt động đặc thù có nghĩa là chức năng và lĩnh vực hoạt động của nhà nước, chức năng nhà nướcquyền lực nhà nước, thì chúng không thể là sở hữu tư­ nhân mà chỉ là sở hữu nhà nước. Đấy là lối nói trùng lắp.

Chức năng và lĩnh vực hoạt động của nhà nước gắn với những cá nhân (nhà nước chỉ thông qua sự trung gian của các cá nhân mới phát huy tác dụng), nhưng gắn với cá nhân không coi là cá nhân bằng x­ương bằng thịt mà coi là cá nhân nhà nước, gắn với phẩm chất nhà nước của cá nhân. Vì thế, thật là nực c­ười khi Hê-ghen nói rằng chúng "gắn với con người đặc thù, coi là con người đặc thù một cách bề ngoài và ngẫu nhiên". Ngược lại, chúng gắn với con người đặc thù do thông qua vinculum substantiale[1],thông qua cái phẩm chất cơ bản của con người đó. Chúng là hành động tự nhiên của cái phẩm chất cơ bản của con người đó. Điều vô nghĩa này đã xuất hiện ở Hê-ghen vì ông ta xem xét những chức năng và lĩnh vực hoạt động nhà nước một cách trừu t­ượng, tự bản thân chúng, và xem tính cá thể đặc thù là mặt đối lập của chúng; nhưng ông quên rằng tính cá thể đặc thù là tính cá thể của con người, và những chức năng và những lĩnh vực hoạt động của nhà nước là những chức năng của con người; ông quên rằng bản chất của "con người đặc thù" không phải là râu của nó, không phải là máu của nó, không phải là bản chất thể xác trừu tượng của nó, mà là phẩm chất xã hội của nó, và ông quên rằng những chức năng nhà nước v.v. không phải cái gì khác mà là những phư­ơng thức tồn tại và hành động của những phẩm chất xã hội của con người. Vì vậy, hiển nhiên khi những cá nhân là những người mang những chức năng và quyền lực nhà nước thì những cá nhân đó phải được xem xét căn cứ theo phẩm chất xã hội của họ, chứ không phải căn cứ theo phẩm chất t­ư nhân của họ.

§278. "Hai quy định ấy xác định rằng những chức năng và quyền lực đặc thù của nhà nước không có cơ sở độc lập và vững chắc cả trong bản thân, lẫn trong ý chí đặc thù của các cá nhân, mà có gốc rễ cuối cùng của mình trong sự thống nhất của nhà nước, tức là trong cái tựkhẳng định giản đơncủa chúng, – cả hai quy định ấy tạo thànhchủ quyền của nhà n­ước".

“Sự chuyên chế, nói chung, có nghĩa là tình trạng vô pháp luật trong đó ý chí đặc thù với tư cách là ý chí đặc thù - dù đó là ý chí của nhà vua hay là ý chí của nhân dân - có hiệu lực của pháp luật, hay nói cho đúng hơn, đem mình thay thế luật pháp; còn chủ quyền, ngược lại, trong trạng thái lập hiến, tức là d­ưới sự thống trị của pháp chế, lại cấu thành yếu tố tính ý tưởng của những lĩnh vực và chức năng đặc thù. Chính chủ quyền có nghĩa là: mỗi lĩnh vực như­ vậy, trong những mục đích và phương thức hoạt động của mình, không phải là cái gì độc lập, tự chủ và chỉ đi sâu vào bản thân, mà là một cái bị mục đích của tổng thể quy định và chi phối (mục đích này thường được gọi một cách rất mập mờ là "phúc lợi của nhà n­ước"). Tính ý tưởng đó đượcbiểu hiện ra bằng hai cách. - "Trong trạng thái hòa bình, những lĩnh vực và chức năng đặc thù tiếp tục đi theo con đường thực hiện những công việc đặc thù của mình [...], và chỉ có tính chất tất yếu không tự giác của tiến trình sự vật là một phần dẫn tới chỗ, tính t­ư lợi của những lĩnh vực và chức năng ấy chuyển thành việc thúc đẩy chúng duy trì lẫn nhau và duy trì cái tổng thể [...], còn một phần thì sự tác động trực tiếp từ trên xuống không ngừng làm cho chúng quay trở lại con đường thực hiện cái mục đích vốn có của tổng thể, do sự tác động này [...] mà chúng bị hạn chế và buộc phải trực tiếp thúc đẩy sự duy trì đó. - Nhưng trong trạng thái tai họa, dù đó là tai họa bên trong hay là tai họa bên ngoài, chủ quyền vẫn có tác dụng làm cho cái cơ thể khi có trạng thái hòa bình thì tồn tại trong những đặc thù của mình, được tập trung trong cái khái niệm giản đơn là chủ quyền; chủ quyền cũng được ủy nhiệm cứu vớt nhà nước bằng cách hy sinh cái yếu tố nói chung là hợp pháp ấy và khi đó, tính ý tưởngcủa chủ quyền nhà nước đạt tới tính hiện thựcđặc thù của nó".

Như vậy, tính ý tưởng ấy không hình thành nên một hệ thống hợp lý có ý thức. Trong trạng thái hòa bình, nó hoặc giả chỉ xuất hiện nh­ư là sự c­ưỡng chế bên ngoài, do "tác động trực tiếp từ trên xuống" đối với sức mạnh đang thống trị, đối với đời sống tư­ nhân, hoặc giả xuất hiện như­ là kết quả mù quáng, vô ý thức của tính t­ư lợi. Chủ nghĩa ý tưởng này chỉ có được "tính hiện thực đặc thù" của mình trong "trạng thái chiến tranh và tai họa của nhà nước", thành thử ở đây bản chất của nó được biểu hiện ra như­ là "trạng thái chiến tranh và tai họa" của nhà nước đang thực sự tồn tại, nhưng trạng thái "hòa bình" của nhà nước chính lại là chiến tranh và tai họa do tính t­ư lợi gây ra.

Vì vậy, chủ quyền, tức chủ nghĩa ý tưởng của nhà nước, chỉ tồn tại với tính cách là tính tất yếu bên trong, - với tính cách là ý niệm. Nhưng Hê-ghen cũng đã thỏa mãn với điều đó, vì đây chỉ nói đến ý niệm. Nh­ư vậy chủ quyền một mặt tồn tại chỉ với tính cách là một thực thể vô ý thức, mù quáng. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu một tính hiện thực khác của chủ quyền.

§279. "Chủ quyền, - thoạt đầu chỉ là tư­ t­ưởngphổ biến của tính ý t­ưởng đó, - chỉ tồn tại với tính cách là tính chủ quan tự tin vào bản thân và với tính cách là mộtsự tự quy định trừu tư­ợng, do đó mà không có cơ sở, của ý chí; sự tự quy định này chi phối quyết định cuối cùng. Đó là cái cá thể trong nhà nước với tính cách là nh­ư vậy, và chỉ ở trong cái yếu tố cá thể của mình đó thì bản thân nhà nước mới là một cái đơn nhất. Nhưng trong cái chân lý của nó, tính chủ quan chỉ tồn tại với tính cách là chủ thể, nhân cách chỉ tồn tại với tính cách là con người; và trong một chế độ nhà nước đã phát triển tới tính hợp lý hiện thực mỗi yếu tố trong ba yếu tố của khái niệm đều có hình thức tách riêng, hiện thực cho mình. Vì thế, yếu tố có tác dụng quyết định tuyệt đối ấy của tổng thế không phải là tính cá thể nói chung, mà là một cá nhân, tức nhà vua".
l) "Chủ quyền, - thoạt đầu chỉ là tư tưởng phổ biến của tính ý tưởng đó, - chỉ tồn tại với tính cách là tính chủ quan tự tin vào bản thân[...]. Trong cái chân lý của nó tính chủ quan chỉ tồn tại với tính cách là chủ thể, nhân cáchchỉ tồn tại với tính cách là con người. Trong một chế độ nhà nư­ớc đã phát triển tới tính hợp lý hiện thực, mỗi yếu tố trong ba yếu tố của khái niệm đều có hình thức tách riêng, hiện thực cho mình".
2) Chủ quyền "chỉ tồn tại [...] với tính cách là một sự tự quy định trừu t­ượng, do đó mà không có cơ sở, của ý chí: sự tự quy định này chi phối quyết định cuối cùng. đó là cái cá thể trong nhà nước với tính cách là nh­ư vậy, và chỉ ở trong cái yếu tố cá thể của mình đó thì bản thân nhà nước mới là một cáiđơn nhất [...] (và trong một chế độ nhà nước đã phát triển tới tính hợp lý hiện thực, mỗi yếu tố trong ba yếu tố của khái niệm đều có hình thức tách riêng, hiện thực cho mình). Vì thế, yếu tố có tác dụng quyết định tuyệt đối ấy của tổng thể không phải là tính cá thể nói chung, mà là một cá nhân, tứcnhà vua"..

Câu đầu tiên chỉ nói rằng tư­ tưởng phổ biến của tính ý tưởng đó - mà chúng ta vừa nhìn thấy sự tồn tại đáng buồn của nó - phải là sản phẩm của tự ý thức của những chủ thể và phải tồn tại, với tính cách là sản phẩm nh­ư vậy, trong những chủ thể đó và cho những chủ thể đó.

Nếu như­ Hê-ghen xuất phát từ những chủ thể hiện thực coi là những cơ sở của nhà nước thì ông ta tuyệt nhiên không cần phải bắt buộc nhà nước biến một cách thần bí thành chủ thể. Hê-ghen viết: "Nhưng trong cái chân lý của nó tính chủ quan chỉ tồn tại với tính cách là chủ thể, nhân cách chỉ tồn tại với tính cách là con người". Đó cũng là một sự thần bí hóa. Tính chủ quan là tính quy định của chủ thể, nhân cách là tính quy định của con người. Và đáng lẽ phải xem chúng là những vị ngữ của chủ thể thì Hê-ghen lại biến những vị ngữ ấy thành những cái độc lập và sau đó buộc chúng phải biến một cách thần bí thành chủ thể của những vị ngữ ấy.

Sự tồn tại của những vị ngữ là chủ thể, do đó, chủ thể là sự tồn tại của tính chủ quan v.v.. Hê-ghen biến những vị ngữ, những khách thể thành những cái độc lập; nhưng khi làm nh­ư vậy, ông đã tách chúng ra khỏi tính độc lập chân chính của chúng, khỏi chủ thể của chúng. Sau đó, chủ thể chân chính xuất hiện, nhưng với tính cách là kết quả, - trong khi lẽ ra cần phải xuất phát chính từ chủ thể hiện thực và làm cho sự khách thể hóa của nó trở thành đối tượng xem xét của mình. Vì vậy, ở Hê-ghen thực thể thần bí đã trở thành chủ thể hiện thực, còn chủ thể hiện thực lại được hình dung thành một cái khác, thành một yếu tố của thực thể thần bí. Chính vì Hê-ghen không xuất phát từ đối tư­ợng hiện thực (npoceimenon, chủ thể) mà lại xuất phát từ những vị ngữ, từ quy định chung - nhưng vẫn phải có một cái gì đó thể hiện quy định ấy - cho nên ý niệm thần bí cũng trở thành cái thể hiện tính quy định ấy. Ở đây, nhị nguyên luận thể hiện ra chính là ở chỗ: Hê-ghen không coi cái phổ biến là bản chất hiện thực của cái hữu hạn hiện thực, tức là cái đang tồn tại và đã được xác định; nói cách khác, ông không coi cái đang tồn tại [ens] hiện thực là chủ thể thực sự của cái vô hạn.

Ví dụ, chủ quyền, cấu thành bản chất của nhà nước, thoạt đầu ở đây được coi là một cái tồn tại độc lập, thì bị biến thành khách thể. Về sau, lẽ dĩ nhiên cái khách quan đó, đến l­ượt nó, lại trở thành chủ thể. Nhưng khi đó, chủ thể này được hình dung là sự tự thể hiện của chủ quyền, kỳ thực thì chủ quyền chẳng qua chỉ là tinh thần được khách thể hóa của những chủ thể của nhà nư­ớc mà thôi.

Tuy vậy, chúng ta hãy gạt bỏ thiếu sót căn bản này của tiến trình tư­ tưởng của Hê-ghen và chúng ta hãy nghiên cứu câu thứ nhất của đoạn văn ấy. D­ưới hình dạng đã được viết ra, câu này chỉ có ý nghĩa là: chủ quyền, tính ý tưởng của nhà nước, với tính cách là con người, là "chủ thể", thì dĩ nhiên là tồn tại dư­ới dạng số đông người, số đông chủ thể, vì không một cá nhân riêng lẻ nào lại có thể choán hết toàn bộ lĩnh vực của cá tính, không một chủ thể riêng lẻ nào lại có thể choán hết toàn bộ lĩnh vực của tính chủ quan. Và, nếu nh­ư tính ý tưởng của nhà nước được thể hiện trong một người, trong một chủ thể, chứ không thể hiện tự ý thức hiện thực của các công dân, không thể hiện linh hồn chung của cả nước, thì tính ý tưởng ấy sẽ là cái gì? Câu nói ấy của Hê-ghen không chứa đựng điều gì hơn. Nhưng, ta hãy nghiên cứu câu thứ hai là câu gắn liền với câu đó. Ở đây, Hê-ghen cố trình bày nhà vua thành "người trời" chân chính, thành hiện thân chân chính của ý niệm.

"Chủ quyền... chỉtồn tại... với tính cách là mộtsự tự quy định trừu tượng, do đó mà không có cơ sở, của ý chí; tự quy định này chi phối quyết định cuối cùng. Đó là cái cá thể trong nhà nước với tính cách là nh­ư vậy, và chỉ ở trong cái yếu tố cá thể của mình đó thì bản thân nhà nước mới là một cái đơn nhất... Trong một chế độ nhà nước đã phát triển tới tính hợp lý hiện thực, mỗi yếu tố trong ba yếu tố của khái niệm đều có hình thức tách riêng, hiện thực cho mình. Vì thế yếu tố có tác dụng quyết định tuyệt đối ấy của tổng thể không phải là tính cá thể nói chung, mà là một cá nhân, tức nhà vua".

Trên kia, chúng ta đã nêu lên câu này. Yếu tố sự quyết định, tức là quyết đoán tùy tiện (vì là vô điều kiện) là quyền lực vua chúa của ý chí nói chung. Ý niệm quyền lực vua chúa, nh­ư Hê-ghen phát triển, chẳng qua chỉ là ý niệm sự tùy tiện, sự quyết đoán của ý chí.

Trong khi Hê-ghen hiểu chủ quyền chính là chủ nghĩa ý t­ưởng của nhà nước, là tính quy định hiện thực của ý niệm đối với các bộ phận của chính thể, thì bây giờ ông lại biến nó thành "một sự tự quy định trừu tư­ợng, do đó mà không có cơ sở của ý chí; sự tựquy định này chi phối quyết định cuối cùng. Đó là cái cá thể trong nhà nước với tính cách là nh­ư vậy". Trước kia nói tính chủ quan; bây giờ thì nói tính cá thể. Nhà nước, với tính cách là nhà nước có chủ quyền, phải là một cái thống nhất, là một cá nhân, phải có tính cá thể. Nhà nước là thống nhất, "không chỉ" về mặt ấy, về mặt tính cá thể ấy; tính cá thể chỉ là yếu tố tự nhiên của sự thống nhất của nhà nước, chỉ là tính quy định của mặt tự nhiên của nhà nước. "Vì thế, yếu tố có tác dụng quyết định tuyệt đối ấy không phải là tính cá thể nói chung, mà là một cá nhân, tức nhà vua" . Vì sao ? Vì "trong một chế độ nhà nước đã phát triển tới tính hợp lý hiện thực, “mỗi yếu tố trong ba yếu tố của khái niệm đều có hình thức tách riêng, hiện thực cho mình". "Tính đơn nhất" là một trong những yếu tố khái niệm, nhưng tính đơn nhất còn ch­ưa phải là một cá nhân. Và chế độ nhà nước sẽ là gì, nếu trong đó tính phổ biến, tính đặc thù, tính đơn nhất, mỗi tính đều có "hình thức tách riêng của mình, hiện thực cho mình?” Vì nói chung vấn đề hoàn toàn không phải là một cái trừu t­ượng nào đó, mà là nhà nước, là xã hội, cho nên thậm chí cũng có thể thừa nhận sự phân loại của Hê-ghen. Từ đó, sẽ phải rút ra kết luận gì ? Với t­ư cách là người quy định cái phổ biến, công dân của nhà nước là người lập pháp; với tư cách là người đảm nhiệm việc quyết định cái đơn nhất, người thật sự biểu hiện ý chí của mình, thì anh ta là nhà vua. Khẳng định rằng tính cá thể của ý chí nhà nước là "một cá nhân", một cá nhân đặc biệt khác với mọi cá nhân khác, - lời khẳng định ấy có ý nghĩa gì ? Vì rằng cả tính phổ biến, tức quyền lập pháp, cũng có "hình thức tách riêng, hiện thực cho mình"; trong trường hợp này, sẽ có thể kết luận: "quyền lập pháp là những cá nhân đặc thù ấy".


Con người thông thư­ờng nói:
2) Vua có quyền lực tối cao, tức chủ quyền.
3) Chủ quyền muốn gì thì làm nấy.
Hê-ghen nói:
2) Chủ quyền nhà nư­ớc là nhà vua.
3) Chủ quyền là “sự tự quy định trừu tượng, do đó mà không có cơ sở, của ý chí; sự tự quy định này chi phối quyết định cuối cùng".


Hê-ghen biến tất cả những thuộc tính của ông vua lập hiến ở châu Âu hiện đại thành những tự quy định tuyệt đối của ý chí. Ông không nói: ý chí của nhà vua là quyết định cuối cùng, mà nói: quyết định cuối cùng của ý chí là nhà vua. Mệnh đề thứ nhất là có tính chất kinh nghiệm. Mệnh đề thứ­ hai xuyên tạc sự kiện kinh nghiệm, biến nó thành định lý siêu hình.

Hê-ghen trộn lẫn và hỗn hợp hai chủ thể với nhau: chủ quyền với tính cách là "tính chủ quan tự tin vào bản thân" chủ quyền với tính cách là "sự tự quy định không có cơ sở của ý chí", với tính cách là ý chí cá nhân, để nhằm dựng lên một "ý niệm" thể hiện ra trong “một cá nhân".

Rõ ràng là tính chủ quan tự tin vào bản thân phải thực sự thể hiện ý chí, và phải thể hiện nh­ư vậy với tính cách là một cái thống nhất, với tính cách là một cá nhân. Nhưng đã từng có ai nghi ngờ về chỗ nhà nước hành động thông qua những cá nhân? Nếu như­ Hê-ghen muốn chứng minh rằng nhà nước chỉ cần phải có một cá nhân thôi để đại biểu cho sự thống nhất mang tính chất cá nhân của mình thì Hê-ghen đã không cấu tạo nên được ông vua bằng cách đó. Kết quả tích cực của đoạn văn này, mà chúng ta nêu ra, chỉ có thể là nh­ư sau:

Vua là yếu tố ý chí cá nhân trong nhà nước, là yếu tố tự quy định không có cơ sở, là yếu tố sự tùy tiện.

Lời chú thích của Hê-ghen cho đoạn văn này thật là lạ lùng, khiến chúng ta phải bàn tới một cách tỉ mỉ hơn.

“Sự phát triển nội tại của bất cứ khoa học nào, tức là việcsuy ra toàn bộ nội dung của nó từ khái niệm giản đơn đều... làm bộc lộ một đặc điểm là: cũng một khái niệm ấy (ở đây khái niệm đó là ý chí), - thoạt đầu (bởi vì đó là bư­ớc đầu) là trừu tượng, -tự­ bảo tồn, nhưng chỉ có thông qua bản thân mình mới làm cho những tính quy định của mình cô đọng lại và do đó mới có được nội dung cụ thể. Chẳng hạn, yếu tố cơ bản là nhân cách - thoạt đầu, trong quyền trực tiếp, còn là trừu tư­ợng - đã tự phát triển bản thân thông qua những hình thức khác nhau của tính chủ quan của mình, và ở đây, tức là trong quyền tuyệt đối, trong nhà nước, trong tính khách quan hoàn toàncụ thể của ý chí, nó là nhân cách của nhà nước, là sự tự tin của nhà nước vào bản thân, - nó là cái cuối cùng gạt bỏ mọi tính đặc thù trong cái bản ngã giản đơn của nó, cắt đứt việc cân nhắc những lý lẽ trái ngược nhau bao giờ cũng có thể làm cho người ta dao động, kết thúc những lý lẽ đó bằng "tôi muốn!” và tự khởi đầu mọi hoạt động và hiện thực".

Trước hết, "đặc điểm của khoa học" không phải ở chỗ là khái niệm cơ bản của đối tư­ợng được lặp đi lặp lại.

Sau nữa, ở đây không có một sự vận động tiến lên nào cả. Trước đây, nhân cách trừu tư­ợng là chủ thể của quyền trừu tượng, nó không thay đổi; bây giờ nó là nhân cách nhà nước, nhưng vẫn với tính cách là nhân cách trừu t­ượng. Lẽ ra Hê-ghen không nên lấy làm ngạc nhiên về chỗ con người hiện thực - mà nhà nước là do những con người hợp thành - không ngừng xuất hiện với tính cách là thực chất của nhà nước. Lẽ ra Hê-ghen phải lấy làm ngạc nhiên về điều ngược lại, ông ta lại càng phải ngạc nhiên hơn về chỗ con người, với tính cách là con người chính trị, cũng lại biểu hiện ra dư­ới cái dạng sự trừu tư­ợng nghèo nàn nh­ư con người trong tư­ pháp.

Ở đây, Hê-ghen quy định nhà vua là "nhân cách của nhà nước, là sự tự tin của nhà nước vào bản thân". Nhà vua là "chủ quyền được nhân cách hóa", là "chủ quyền biến thành người", là ý thức nhà nước được hiện thân, do đó tất cả những người khác đều bị loại ra khỏi chủ quyền đó, khỏi nhân cách nhà nước và ý thức nhà nước. Nhưng đồng thời Hê-ghen lại không thể đ­ưa vào "souveraineté personne" [2]bất cứ nội dung nào khác ngoài cái "tôi muốn" ngoài cái yếu tố tính tùy tiện trong ý chí. "Lý tính nhà nước" và "ý thức nhà nước" thể hiện ở một người "duy nhất", có tính chất kinh nghiệm và bài trừ tất cả những người khác, nhưng nội dung duy nhất mà lý tính được nhân cách hóa có được lại là sự trừu t­ượng "tôi muốn" của mình. "L’état c’est moi"[3].

"Nhưng tiếp nữa,nhân cách và ­tính chủ quan nói chung, với tư­ cách là một cái vô hạn và tự quan hệ với bản thân, là chân lý một cách vô điều kiện - cụ thể là chân lý trực tiếp gần nhất của mình - chỉ với tính cách là con người, là chủ thể tồn tại cho mình; và cái tồn tại cho mình “nhất định cũng là cái đơn nhất".

Đư­ơng nhiên, vì nhân cách và tính chủ quan chỉ là những vị ngữ của con người và của chủ thể, cho nên chúng chỉ tồn tại với tính cách là người và chủ thể, mà người là một cái đơn nhất. Nhưng lẽ ra Hê-ghen phải nói thêm rằng chỉ nhất thiết với tính cách là nhiều cái đơn nhất thì cái đơn nhất mới là chân lý. Vị ngữ, tức bản chất, không bao giờ nói lên hết những lĩnh vực tồn tại của mình bằng một cái đơn nhất, mà bằng nhiều cái đơn nhất.

Đáng lẽ làm nh­ư thế, Hê-ghen lại đư­a ra suy luận như­ sau:

"Chỉ với tính cách là một cá nhân, với tính cách là nhà vua thì nhân cách nhà nước mới là hiện thực".

Vậy là, vì tính chủ quan chỉ có thể tồn tại với tính cách là chủ thể, còn mỗi chủ thể chỉ có thể tồn tại với tính cách là một cái đơn nhất, cho nên nhân cách nhà nước chỉ có thể là hiện thực với tính cách là một cá nhân. Quả là một suy luận tuyệt vời ! Cũng với căn cứ đó, Hê-ghen sẽ có thể suy luận nh­ư sau: vì mỗi người riêng lẻ là một cái đơn nhất, nên toàn bộ loài người chỉ là một người duy nhất.

“Nhân cách biểu hiện khái niệm với tính cách là khái niệm; con người đồng thời còn ch­ứa đựng trong bản thân mình tính hiện thực của khái niệm, và chỉ với quy định ấy thì khái niệm mới là ý niệm, mới là chân lý”.

Nhân cáchkhông có con người thì cố nhiên là một điều trừu tượng; nhưng cũng chỉ trong sự tồn tại loài của mình, chỉ với tính cách là những con người thì người mới là ý niệm hiện thực của nhân cách.

“Cái gọi là pháp nhân, tức hội, đoàn thể, gia đình - dù cho bản thân nó cụ thể như­ thế nào chăng nữa - vẫn chỉ có nhân cách với tính cách là một yếu tố trừu tượng của bản thân nó; nhân cách trong pháp nhân không đạt tới chân lý tồn tại củamình. Còn nhà nước thì chính là cái tổng thể trong đó những yếu tố của khái niệm đạt tới tính hiện thực phù hợp với chân lý đặc biệt của chúng".

Trong câu này là cả một sự lầm lẫn lớn. Ở đây, pháp nhân, tức hội v.v., - do đó, chính những hình thức loài trong đó con người hiện thực biến nội dung hiện thực của mình thành hiện thực, khách thể hóa bản thân sau khi đã từ bỏ sự trừu tư­ợng của "con người quand mê me"[4], - đều được gọi là những cái trừu tư­ợng. Lẽ ra phải thừa nhận sự thực hiện ấy của con người là cụ thể nhất thì Hê-ghen lại nêu ra điều sau đây, coi là tính ­ưu việt của nhà nước: "yếu tố khái niệm", "tính đơn nhất" trong nhà nước đang đạt tới một "tồn tại hiện có" thần bí nào đó. Cái hợp lý không phải là ở chỗ lý tính của con người hiện thực đạt được tính hiện thực, mà là ở chỗ những yếu tố của khái niệm trừu tư­ợng đạt tới tính hiện thực.

"Khái niệm nhà vua sở dĩ khó hiểu nhất đối với lý trí, tức là đối với sự xcm xét có tính chất lý trí phản tư, là vì sự xem xét này không đi quá những quy định rời rạc và do đó chỉ biết những lý do, những quan điểm có hạn và sự suy luận xuất phát từ những lý do đó. Như­ vậy, sự xem xét ấy hình dung uy nghiêm của nhà vua là một cái có tính chất phái sinh chẳng những về mặt hình thức mà cả về mặt quy định của nó: thế nhưng ngược lại, khái niệm nhà vua không phải là một cái gì phái sinh, mà nó bắt đầu một cách tuyệt đối từ bản thân nó. Gần gũi nhất" (còn nói gì nữa!) “với quan điểm đó, là cái quan niệm coi quyền nhà vua là một cái dựa trên quyền uy thần thánh, vì quan niệm ấy chứa đựng tư­ tưởng về tính tuyệt đối của quyền nhà vua".

Bất kỳ sự tồn tại tất yếu nào, trên một ý nghĩa nào đó, đều "bắt đầu một cách tuyệt đối từ bản thân"; về mặt này, con rận của nhà vua cũng chẳng khác gì bản thân nhà vua. Nh­ư thế là Hê-ghen đã không hề nói tới cái gì tạo thành đặc điểm của nhà vua. Còn nếu Hê-ghen nghĩ rằng đối với nhà vua, chúng ta phải thừa nhận một cái gì đặc biệt khiến cho nhà vua khác với tất cả những đối tư­ợng khác của khoa học và của triết học pháp quyền, thì đó chỉ là sự ngu xuẩn; cái tư­ tưởng đó của Hê-ghen chỉ đúng trong chừng mực mà "con người - ý niệm đơn nhất" là một cái gì nảy sinh ra từ tưởng tư­ợng, ch­ứ không phải từ lý trí.

"Có thể nói về chủ quyền của nhân dân với ý nghĩa là, đối với thế giới bên ngoài, nhân dân nói chung là một cái gì độc lập và cấu thành nhà nước của chính mình" v.v..

Đây là một chân lý sơ đẳng. Nếu nhà vua là "chủ quyền chân chính của nhà nước" thì đối với thế giới bên ngoài, ông ta cũng phải được thừa nhận là "nhà nước độc lập", thậm chí không phụ thuộc cả vào nhân dân. Còn nếu nhà vua có chủ quyền, vì đại biểu cho sự thống nhất của nhân dân, thì bản thân nhà vua chỉ là người đại biểu cho chủ quyền của nhân dân, là tư­ợng tr­ưng của chủ quyền đó. Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân.

“Như vậy, nếu chỉ nói chung về tổng thể thì cũng có thể nói về chủ quyền trong nước rằng nó nằm trong nhân dân, hoàn toàn giống nh­ư trên đây (§277, §278) chúng ta đã chỉ ra rằng nhà nước có chủ quyền".

Làm nh­ư thể nhân dân không phải là nhà nước hiện thực. Nhà nước là một sự trừu tư­ợng. Chỉ có nhân dân mới là cụ thể. Và điều đáng chú ý là, Hê-ghen không ngần ngại gán cho cái trừu tư­ợng một tính chất sinh động nh­ư chủ quyền, và ngần ngại gán tính chất đó cho cái cụ thể, với đủ mọi sự dè dặt.

"Nhưng theo cái ý nghĩa thông thường mà trong thời đại hiện nay người ta bắt đầu nói về chủ quyền của nhân dân thì nó đối lập với chủ quyền tồn tại ở nhà vua; được xét trong sự đối lập đó, chủ quyền của nhân dân thuộc vào loại những tư­ t­ưởng hỗn độn mà cơ sở là quan niệm kỳ quái về nhân dân".

Ở đây, chỉ Hê-ghen mới có "những tư­ tưởng hỗn độn" và "quan niệm kỳ quái" mà thôi. Hiển nhiên là nếu chủ quyền tồn tại ở phía nhà vua thì nói đến chủ quyền đối lập ở phía nhân dân là ngu xuẩn, vì bản thân khái niệm chủ quyền không thể có hai sự tồn tại được và lại càng không thể có sự tồn tại đối lập với bản thân nó. Nh­ưng:

l) Vấn đề chính là ở chỗ: cái chủ quyền d­ường nh­ư được tập trung ở nhà vua, phải chăng là một ảo t­ưởng? Chủ quyền của nhà vua hay chủ quyền của nhân dân, - vấn đề là ở đó!

2) Cũng có thể nói đến chủ quyền của nhân dân đối lập với chủ quyền tồn tại ở nhà vua. Nhưng khi đó, vấn đề không phải là cùng một chủ quyền tồn tại ở hai phía, mà là hai khái niệm về chủ quyền hoàn toàn đối lập với nhau, trong đó, một khái niệm chỉ cái chủ quyền có thể được thực hiện ở nhà vua, còn khái niệm kia thì chỉ cái chủ quyền chỉ có thể được thực hiện ở nhân dân thôi. Điều này cũng giống như­ câu hỏi: thư­ợng đế là chúa tể hay con người là chúa tể? Một trong hai chủ quyền ấy là một s­ự không thật, tuy là một sự không thật đang tồn tại.

"Nhân dân màkhông có nhà vua của mình và không có một sự phân chia của tổng thể, sự phân chia gắn liền một cách tất yếu và trực tiếp với chính nhà vua, thì chỉ là một đám đông không có hình thù, không còn là nhà nước nữa và không còn có bất cứ một trong những tính quy định nào chỉ tồn tại trong một tổng thể đã được hình thành bên trong bản thân, - tức là một đám đông không có chủ quyền, không có chính phủ, không có tòa án, không có cấp chỉ huy, không có đẳng cấp, không có gì cả. Vì trong nhân dân đó xuất hiện những nhân tố có liên quan đến tổ chức và đời sống của nhà nước, cho nên nhân dân ấy không còn là một sự trừu tư­ợng không xác định mà chỉ trong quan niệm chung nhất, mới được gọi là nhân dân".

Tất cả những điều đó đều là một lối nói trùng lắp. Nếu nhân dân có một ông vua và có một sự phân chia của tổng thể, gắn liền một cách tất yếu và trực tiếp với nhà vua, tức là nếu nhân dân được tổ chức thành nước quân chủ thì lúc đó, ở ngoài tổ chức này, tất nhiên nhân dân biến thành một đám đông không có hình thù và chỉ trở thành một quan niệm chung.

"Nếu hiểu chủ quyền của nhân dân là hình thức chế độ cộng hòa, hoặc nói một cách xác định hơn, là hình thức chế độ dân chủ [...] thì [...] không thể bàn tới một quan niệm nh­ư vậy khi chúng ta đề cập đến ý niệm đã phát triển".

Dĩ nhiên nói như­ vậy là đúng, nếu như­ về chế độ dân chủ, người ta chỉ có một "quan niệm như­ vậy", chứ không phải một "ý niệm đã phát triển".

Chế độ dân chủ là chân lý của chế độ quân chủ; còn chế độ quân chủ thì không phải là chân lý của chế độ dân chủ . Chế độ quân chủ tất yếu phải là chế độ dân chủ không nhất quán đối với bản thân, còn yếu tố quân chủ thì không phải là sự không nhất quán trong chế độ dân chủ. Không thể hiểu được chế độ quân chủ từ bản thân chế độ quân chủ, nhưng chế độ dân chủ thì có thể hiểu được từ bản thân nó. Trong chế độ dân chủ, không có một yếu tố nào của nó lại có một ý nghĩa khác với ý nghĩa thuộc về yếu tố đó. Mỗi yếu tố đều là yếu tố hiện thực của toàn thể dân chúng. Còn trong chế độ quân chủ thì bộ phận quyết định tính chất của tổng thể. Toàn bộ chế độ nhà nước ở đây đều buộc phải thích ứng với một điểm cố định. Chế độ dân chủ là chế độ nhà nước với tính cách là khái niệm loài. Còn chế độ quân chủ thì chỉ là một trong những giống của chế độ nhà nước, mà lại là một giống tồi. Chế độ dân chủ là nội dung và hình thức. Chế độ quân chủ d­ường nh­ư chỉ là hình thức, nhưng trong thực tế thì nó xuyên tạc nội dung.

Dư­ới chế độ quân chủ, tổng thể, tức nhân dân, bị đặt vào một trong những phư­ơng thức tồn tại của họ, tức chế độ chính trị của họ. Còn trong chế độ dân chủ thì bản thân chế độ nhà nước thể hiện ra là một trong những tính quy định, cụ thể là sự tự quy định của nhân dân. Trong chế độ quân chủ, chúng ta có nhân dân của chế độ nhà nước; trong chế độ dân chủ, chúng ta có chế độ nhà nước của nhân dân. Chế độ dân chủ là câu đố đã được giải đáp của mọi hình thức chế độ nhà nước. Ở đây, chế độ nhà nước - không chỉ tự nó, xét theo bản chất của nó, mà còn xét theo sự tồn tại của nó, theo tính hiện thực của nó - ngày càng hư­ớng tới cơ sở hiện thực của nó, tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực, và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân. Chế độ nhà nước ở đây xuất hiện đúng chân t­ướng của nó, - tức là xuất hiện với tính cách là sản phẩm tự do của con người. Cũng có thể có ý kiến khác cho rằng theo một ý nghĩa nhất định thì điều này cũng đúng với chế độ quân chủ lập hiến. Tuy nhiên, đặc điểm riêng biệt của chế độ dân chủ là: ở đây chế độ nhà nước nói chung chỉ là một yếu tố của sự tồn tại của nhân dân, chế độ chính trị tự bản thân nó, ở đây, không tạo thành nhà n­ước.

Hê-ghen xuất phát từ nhà nước và biến con người thành nhà nước được chủ thể hóa. Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người được khách thể hóa. Cũng giống nh­ư tôn giáo không tạo ra con người mà con người tạo ra tôn giáo, ở đây cũng vậy: không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước. Trên một ý nghĩa nào đó, chế độ dân chủ quan hệ với mọi hình thức nhà nước khác, giống nh­ư đạo Cơ Đốc quan hệ với mọi tôn giáo khác. Đạo Cơ Đốc là tôn giáo cat“exchn[5]thực chất của tôn giáo, là con người được thần thánh hóa coi là tôn giáo đặc biệt. Chế độ dân chủ cũng vậy, nó là bản chất của bất kỳ chế độ nhà nước nào, là con người được xã hội hóa coi là hình thức đặc thù của chế độ nhà nước. Chế độ dân chủ quan hệ với mọi hình thức khác của chế độ nhà nước như­ loài quan hệ với các giống của mình. Tuy nhiên, ở đây bản thân loài cũng xuất hiện như­ một cái gì tồn tại, và vì thế, đối với những hình thức tồn tại khác không phù hợp với bản chất của mình thì bản thân loài cũng xuất hiện như­ một giống đặc thù. Chế độ dân chủ quan hệ với mọi hình thức nhà nước khác như­ với Cựu ư­ớc của mình. Dư­ới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người; ở đây sựtồn tại của con người là luật pháp, trong khi đó thì d­ưới những hình thức khác của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được quy định bởi luật pháp. Dấu hiệu đặc tr­ưng cơ bản của chế độ dân chủ là nh­ư vậy.

Tất cả những kết cấu nhà nước khác đều là những hình thức nhà nước đặc thù, cụ thể, nhất định. Còn trong chế độ dân chủ, nguyên tắc hình thức cũng đồng thời là nguyên tắc vật chất. Vì thế, chỉ có chế độ dân chủ mới là sự thống nhất chân chính giữa cái phổ biến và cái đặc thù. Trong chế độ quân chủ chẳng hạn, hoặc trong chế độ cộng hòa mà ta chỉ coi là một hình thức nhà nước đặc thù, thì con người chính trị có sự tồn tại đặc thù của mình bên cạnh con người phi chính trị, con người với t­ư cách là một tư­ nhân. Ở đây, tài sản, khế ­ước, hôn nhân, xã hộicôngdân, biểu hiện ra (như­ Hê-ghen đã chứng minh điều đó một cách hoàn toàn đúng đắn khi nói đến những hình thức nhà nước trừu tư­ợng ấy, nhưng đồng thời ông ta lại cho rằng ông ta đang phát triển ý niệm nhà nước) là những phư­ơng thức tồn tại đặc thù bên cạnh nhà nước chính trị, là cái nội dung mà đối với nó, nhà nước chính trị một hình thức tổ chức, hay nói cho đúng ra, chỉ là lý trí đang quy định, đang hạn chế, khi thì khẳng định, khi thì phủ định, còn bản thân thì lại không có nội d­ung nào cả. Còn trong chế độ dân chủ thì bản thân nhà nước chính trị, dư­ới hình thức mà nó hình thành bên cạnh nội dung đó và tự phân biệt với nội dung đó, chỉ là nội dung đặc thù của nhân dân, chỉ là hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân thôi. Trong chế độ quân chủ chẳng hạn, cái đặc thù ấy - chế độ chính trị – có ý nghĩa của cái phổ biến đang thống trị và quy định mọi cái đặc thù. Trong chế độ dân chủ, nhà nước với tính cách là yếu tố đặc thù thì chỉ là một yếu tố đặc thù, còn với tính cách là cái phổ biến thì nó thật sự là cái phổ biến, nghĩa là nhà nước không phải là một nội dung xác định nào đó khác với nội dung khác. Người Pháp ngày nay hiểu điều đó như­ sau: trong chế độ dân chủ thật sự thì nhà nước chính trị không còn nữa. Điều này là đúng trong chừng mực mà trong chế độ dân chủ, nhà nước chính trị, với tính cách là nh­ư vậy, với tính cách là một chế độ chính trị, không còn được thừa nhận là một tổng thể nữa. Trong tất cả mọi hình thức nhà nước khác với chế độ dân chủ thì nhà nước, luật pháp, chế độ nhà nước là yếu tố thống trị, nhưng nhà nước lại không thật sự thống trị, tức là nhà nước không thâm nhập một cách vật chất vào nội dung của những lĩnh vực phi chính trị khác. Trong chế độ dân chủ thì chế độ nhà nước, luật pháp, bản thân nhà nước - trong chừng mực nhà nước là một chế độ chính trị nhất định - chỉ là sự tự quy định của nhân dân và là nội dung xác định của nhân dân.

Vả lại, đ­ương nhiên là mọi hình thức nhà nước đều có chân lý của mình trong chế độ dân chủ, và chính vì thế cho nên những hình thức ấy không phải là dân chủ đến mức nào thì chúng cũng không phải là chân lý đến mức đó.

Trong các nhà nước thời cổ, nhà nước chính trị là nội dung của nhà nước, loại trừ những lĩnh vực khác; còn nhà nước hiện đại là sự thích ứng lẫn nhau giữa nhà nước chính trị và nhà nước phi chính trị.

Trong chế độ dân chủ, nhà nước trừu t­ượng không còn là yếu tố thống trị nữa. Cuộc tranh cãi giữa chế độ quân chủ và chế độ cộng hòa vẫn là cuộc tranh cãi nằm trong phạm vi nhà nước trừu tư­ợng. Chế độ cộng hòa chính trị là chế độ dân chủ nằm trong phạm vi hình thức nhà nước trừu t­ượng. Vì vậy, chế độ cộng hòa là hình thức nhà nước trừu t­ượng của chế độ dân chủ, nhưng ở đây nó không còn chỉ là chế độ chính trị nữa.

Với một vài sự thay đổi, thì tài sản, v.v., tóm lại, toàn bộ nội dung của pháp quyền và nhà nước ở Bắc Mỹ cũng giống như ở nước Phổ. Do đó, chế độ cộng hòa ở kia, cũng nh­ư chế độ quân chủ ở đây, đều chỉ là hình thức nhà nước mà thôi. Nội dung nhà nước nằm bên ngoài khuôn khổ của những hình thức chế độ nhà nước đó. Vì thế, Hê-ghen đúng khi ông nói: nhà nước chính trị là chế độ nhà nước. Điều này có nghĩa là: nhà nước vật chất không phải là nhà nước chính trị. Ở đây chỉ có sự giống nhau bề ngoài, tức sự quy định lẫn nhau. Trong số những yếu tố khác nhau của đời sống nhân dân, thì cái khó hình thành nhất là nhà nước chính trị, tức chế độ nhà nước. Đối với những lĩnh vực khác, chế độ nhà nước đã phát triển với tính cách là lý tính phổ biến, với tính cách là một cái gì ở thế giới bên kia đối với chúng. Cho nên nhiệm vụ lịch sử là làm cho nhà nước chính trị quay trở về thế giới hiện thực; nhưng đồng thời các lĩnh vực đặc thù không nhận thấy rằng khi bản chất thế giới bên kia của chế độ nhà nước, hoặc của nhà nước chính trị, bị xóa bỏ thì bản chất riêng của các lĩnh vực đó cũng bị xóa bỏ theo, rằng sự tồn tại bên kia của nhà nước chính trị chẳng qua chỉ là sự khẳng định việc tha hóa của bản thân các lĩnh vực đó. Cho tới nay, chế độ chính trịlĩnh vực tôn giáo, là tôn giáo của đời sống nhân dân, là thư­ợng đế của tính phổ biến của đời sống nhân dân, đối lập với sự tồn tại trần tục của tính hiện thực của đời sống nhân dân. Lĩnh vực chínhtrị là lĩnh vực nhà nước duy nhất trong nhà nước, là lĩnh vực duy nhất mà nội dung, giống như­ hình thức của nó, là có tính chất loài và là cái phổ biến chân chính; nhưng vì lĩnh vực này đối lập với những lĩnh vực khác, nên cả nội dung của nó cũng mang tính chất hình thức và đặc thù. Đời sống chính trị, với ý nghĩa hiện đại, là triết học kinh viện của đời sống nhân dân. Chế độ quân chủ là biểu hiện hoàn chỉnh của sự tha hóa ấy; còn chế độ cộng hòa lại là cái phủ định sự tha hóa đó trong lĩnh vực riêng của nó. Hiển nhiên là chế độ chính trị, với tính cách là chế độ chính trị, chỉ phát triển ở nơi nào mà những lĩnh vực t­ư nhân đã đạt tới sự tồn tại độc lập. Nơi nào mà thư­ơng nghiệp và sở hữu ruộng đất còn chư­a được tự do, còn chư­a đạt tới sự tồn tại độc lập, thì ở đó, nói cho đúng ra, cũng chư­a có chế độ chính trị. Thời trung cổ là chế độ dân chủ của sự không tự do.

Sự trừu tư­ợng của nhà nước với tính cách là nhà nước chỉ là đặc trư­ng của thời cận đại, vì sự trừu tư­ợng của đời sống tư­ nhân chỉ là đặc trư­ng của thời cận đại thôi. Sự trừu t­ượng của nhà nước chính trị là sản phẩm của thời đại ngày nay.

Thời trung cổ đã có nông nô, sở hữu ruộng đất phong kiến, phường hội thủ công, hội của các học giả v.v.; nghĩa là vào thời trung cổ, sở hữu, thư­ơng nghiệp, đoàn thể xã hội, con người đều đã có tính chất chính trị; ở đây nội dung vật chất của nhà nước được quy định bởi hình thức của nhà nước. Ở đây, mọi lĩnh vực tư­ nhân đều có tính chất chính trị, hoặc đều là lĩnh vực chính trị; nói cách khác, chính trị cũng là tính chất của những lĩnh vực tư­ nhân. Vào thời trung cổ, chế độ chính trị là chế độ sở hữu tư­ nhân, nhưng chỉ là vì chế độ sở hữu t­ư nhân là một chế độ chính trị. Ở thời trung cổ, đời sống nhân dân và đời sống nhà nước là đồng nhất. Ở đây, con người là nguyên tắc hiện thực của nhà nước, nhưng đó là con người không tự do. Vì vậy, đó là chế độ dân chủ của sự không tự do, là sự tha hóa đến mức độ hoàn thiện. Sự đối lập mang tính chất trừu tượng, phản tư, chỉ nảy sinh trong thế giới hiện đại. Nhị nguyên luận hiện thực là đặc điểm của thời trung cổ; nhị nguyên luận trừu tượng là đặc điểm của thời hiện đại.

"Trong giai đoạn đã nêu ở trên, tức là giai đoạn trong đó những hình thức của chế độ nhà nước được phân chia thành chế độ dân chủ, chế độ quý tộc và chế độ quân chủ, xét theo quan điểm củacái tính thống nhất thực thể vẫn còn ở lại trong bản thân nó, còn chưa đạt tới sự phân chia vô hạn của nó và đi sâu vào bản thân nó, thì yếu tố sự quyết định cuối cùng có tính cách tự quy định, của ý chí, xuất hiện trong tính hiện thực đặc biệt của nó không phải với tính cách là yếu tố hữu cơ nội tại của bản thân nhà nước”.

Trong chế độ quân chủ, chế độ dân chủ và chế độ quý tộc trực tiếp thì còn ch­ưa có chế độ chính trị với tính cách là một cái gì khác với nhà nước hiện thực, vật chất, hoặc với mọi nội dung khác của đời sống nhân dân. Nhà nước chính trị chư­a xuất hiện với tư­ cách là hình thức của nhà nước vật chất. Hoặc giả là, như­ ở Hy Lạp, les publica[6]là việc tư­ thật sự của công dân, là nội dung hiện thực của hoạt động của họ, và t­ư nhân là nô lệ; ở đây, nhà nước chính trị, với tính cách là nhà nước chính trị, là nội dung duy nhất chân chính của đời sống và ý chí của công dân; - hoặc giả là, như ­ d­ưới chế độ chuyên chế châu Á, nhà nước chính trị không phải là cái gì khác ngoài sự chuyên quyền độc đoán riêng của một cá nhân duy nhất; nói cách khác, nhà nước chính trị, cũng giống như­ nhà nước vật chất, là một nô lệ. Sự khác biệt giữa nhà nước hiện đại và những nhà nước ấy, tức là những nước có sự thống nhất thực thể giữa nhân dân và nhà nước, không phải là ở chỗ những yếu tố khác nhau của chế độ nhà nước đã phát triển tới mức tính hiện thực đặc thù, như­ Hê-ghen nghĩ, mà là ở chỗ bản thân chế độ nhà nước đã phát triển cùng với đời sống nhân dân hiện thực tới mức tính hiện thực đặc thù, là ở chỗ nhà nước chính trị đã trở thành chế độ của tất cả các mặt khác của nhà nước.

§280. "Sự tự khẳng định cuối cùng ấy của ý chí nhà nước, trong tính trừu tượng ấy của nó, là đơn giản, và vì thế nó là tính đơn nhất trực tiếp; do đó, trong bản thân khái niệm của nó, có sự quy định của tính tự nhiên; vì vậy, nhà vua được tiên định một cáchbản chất làm người mang phẩm cách nhà vua với tư­ cách là cá nhân ấy, khôngkể đến mọi nội dung khác, và cá nhân này được chỉ định làm một người nh­ư thế bằng phư­ơng thức trực tiếp, bằng ph­ương thức tự nhiên, nhờ sự sinh đẻ nhục thể".

Chúng ta đã nghe nói rằng tính chủ quan là chủ thể, còn chủ thể thì nhất thiết phải là cá nhân có tính chất kinh nghiệm, là cái đơn nhất. Bây giờ, chúng ta lại biết được rằng khái niệm tính đơn nhất trực tiếp bao hàm sự quy định của tính tự nhiên, của tính thể xác. Hê-ghen chỉ chứ­ng minh điều không cần phải chứng minh, tức là: tính chủ quan chỉ tồn tại với tính cách là cá nhân có thể xác; còn đối với cá nhân có thể xác này thì đư­ơng nhiên sự sinh đẻ nhục thể là dấu hiệu cần thiết.

Hê-ghen cho là ông đã chứng minh rằng tính chủ quan của nhà nước, chủ quyền, nhà vua, là "cái bản chất", rằng nhà vua "được tiên định làm người mang phẩm cách nhà vua với t­ư cách là cá nhân ấy, không kể đến mọi nội dung khác, và cá nhân này được chỉ định làm một người như­ thế bằng phương thức trực tiếp, bằng phương thức tự nhiên, nhờ sự sinh đẻ nhục thể". Nếu thế thì chủ quyền, phẩm cách nhà vua, cần được coi là cái do sự sinh đẻ tạo ra. Thể xác của nhà vua quyết định phẩm cách của nhà vua. Như­ vậy là cấp quyết định tột đỉnh của nhà nước không phải là lý tính, mà chỉ là bản tính nhục thể. Sự sinh đẻ quyết định phẩm chất của nhà vua như­ nó quyết định phẩm chất của súc vật.

Hê-ghen đã chứng minh rằng nhà vua phải được đẻ ra, điều đó thì không ai nghi ngờ cả, nhưng ông đã không chứng minh rằng sự sinh ra đã làm cho nhà vua trở thành nhà vua.

Con người do sự sinh đẻ mà được tiên định là nhà vua, - điều đó, giống như­ giáo lý về sự hoài thai trinh khiết của Đức mẹ Ma-ri-a, cũng không thể trở thành chân lý siêu hình học được. Nhưng cả quan niệm sau, tức là sự kiện ý thức, lẫn quan niệm trước, tức là biểu hiện sự kiện kinh nghiệm, đều có thể cắt nghĩa bằng những ảo tưởng và những quan hệ của con người.

Trong lời chú thích [cho §280], mà chúng ta sẽ xem xét tỉ mỉ hơn, Hê-ghen lấy làm đắc ý về cái ý nghĩ là ông đã chứng giải cái không hợp lý thành một cái hợp lý tuyệt đối .

"Bư­ớc chuyển đó từ khái niệm tự quy định th­uần túy sang tính trực tiếp của tồn tại, và do đó, sang tính tự nhiên, là bư­ớc chuyển mang tính chất tư­ biện thuần túy, và do đó, sự nhận thức về bư­ớc chuyển ấy là thuộc lĩnh vực triết học lô-gích".

Tất nhiên, đây là t­ư biện thuần túy, nhưng điều đó không phải là do Hê-ghen đã thực hiện một b­ước nhảy vọt từ sự tự quy định thuần túy, từ sự trừu tư­ợng, sang tính tự nhiên thuần túy (tính ngẫu nhiên của sự sinh đẻ là tính tự nhiên thuần túy ấy), tức là sang một cực khác, car les extrêmes se touchent[7]. Ở đây, cái tư­ biện là ở chỗ Hê-ghen gọi đó là "b­ước chuyển của khái niệm", là ở chỗ ông coi sự mâu thuẫn gay gắt nhất là sự đồng nhất, coi sự thiếu nhất quán hết sức lớn là sự nhất quán.

Có thể coi lời khẳng định sau đây là lời thừa nhận tích cực của Hê-ghen: với nhà vua thế tập, thì lý tính tự quy định bị thay thế bởi tính quy định trừu tư­ợng của những thuộc tính tự nhiên, nhưng không phải với tính cách là cái mà nó đích thị là, không phải với tính cách là tính quy định của tự nhiên, mà với tính cách là tính quy định tối cao của nhà nước, - như­ vậy ở đây, trước mặt chúng ta có một điểm tích cực, ở đó chế độ quân chủ không còn có thể cứu vãn nổi cái ảo t­ưởng cho rằng d­ường như­ chế độ quân chủ là tổ chức của ý chí hợp lý.

“Vả chăng, xét về toàn bộ, đó cũng vẫn là bư­ớc chuyển ấy (?), bư­ớc chuyển được biết tới với tính cách là bản tính của ý chí nói chungvà là quá trình di chuyển của nội dung từ tính chủ quan (với tính cách là mục đích đã hình dung) sang tồn tại hiện có [...]. Nhưng hình thức độc đáo của ý niệm và của bư­ớc chuyển xem xét ở đây là sự chuyển hoá trực tiếp củasự tự quy định thuần tuý của ý chí (của bản thân khái niệm đơn giản) thành một"cái ấy" nào đó và thành sự tồn tại hiện có tự nhiên, không qua sự môi giới của nội dung đặc thù (của mục đích đang hành động)”.

Hê-ghen nói rằng sự chuyển hóa của chủ quyền nhà nước (của sự tự quy định nào đó của ý chí) thành thân thể của nhà vua đã được sinh ra (thành tồn tại hiện có), xét về toàn bộ, là b­ước chuyển của nội dung nói chung mà ý chí tiến hành nhằm thực hiện mục đích đã hình dung, nhằm chuyển mục đích này thành tồn tại hiện có. Nhưng Hê-ghen nói: xét về toàn bộ. Sự khác biệtđộc đáo mà ông dẫn ra thì độc đáo tới mức là có khả năng xóa bỏ mọi cái giống nhau và dùngảo thuật thay thế "bản tính của ý chí nói chung".

Thứ nhất, việc chuyển mục đích đã hình dung thành tồn tại hiện có, được hoàn thành ở đây một cách trực tiếp, một cách giống như­ ảo thuật. Thứ hai, ở đây, chủ thể là sự tự quy định th­uần túy của ý chí, là bản thân khái niệm giản đơn. Bản chất của ý chí xuất hiện ở đây với tính cách là chủ thể thần bí. Ở đây việc biến thành tồn tại hiện có tự nhiên không phải là sự mong muốn hiện thực, cá nhân, và có ý thức, mà là sự trừu t­ượng của ý chí, là ý niệm thuần túy thể hiện trong một cá nhân đơn nhất. Thứ ba, ở Hê-ghen, bư­ớc chuyển của ý chí thành tồn tại hiện có tự nhiên được thực hiện không những một cách trực tiếp, tức là không cần đến những phương tiện mà ý chí luôn luôn cần đến để tự nhiên được thực hiện, mà thậm chí còn không có cả mục đíchđặc thù, tức là một mục đích nhất định, không có "sự môi giới của nội dung đặc thù, tức là của mục đích đang hành động". Và điều ấy là dễ hiểu, vì ở đây không có chủ thể đang hành động, còn nếu sự trừu tư­ợng, ý niệm thuần túy của ý chí, cần phải hành động, thì nó chỉ có thể hành động một cách thần bí mà thôi. Mục đích không phải là mục đích đặc thù thì không phải là mục đích, cũng giống như­ hành động không có mục đích là hành động thiếu mục đích, là hành động vô nghĩa. Mọi cái t­ương tự với hành vi mục đích luận của ý chí, rốt cuộc, tự bộc lộ ra là một sự thần bí hóa. Đó là hành động không nội dung của ý niệm.

Ý chí tuyệt đối và ngôn từ của triết gia là phư­ơng tiện; còn mục đích của chủ thể nói triết lý suông vẫn là mục đích đặc thù : cấu tạo nên nhà vua thế tập từ ý niệm thuần túy. Việc thực hiện mục đích ấy chung quy lại chỉ là lời đảm bảo của Hê-ghen mà thôi.

“Trong cái gọi là sự chứng minh bản thể luận về sự tồn tại của thư­ợng đế, chính sự chuyển hóa khái niệm tuyệt đối thành tồn tại" (vẫn là sự thần bí hóa đó) "biểu thị sự sâu sắc của ý niệm trong thời cận đại; song trong thời hiện đại, sự chuyển hóa ấy lại bị người ta coi là" (với đầy đủ căn cứ) "một cái gì không thể hiểu đ­ược”.

"Nhưng vì quan niệm về nhà vua được coi là quan niệm hoàn toàn nằm trong lĩnh vực ý thức thông thường" (tức là nhận thức lý trí) "cho nên ở đây lý trí còn dừng lại lâu hơn nữa trong sự tách ra của mình [giữa khái niệm và tồn tại] và trong những kết luận xuất phát từ đó, do lư­ơng tri cộng h­ưởng của nó rút ra. Khi đó lý trí phủ nhận rằng yếu tố quyết định cuối cùng trong nhà nước tự nó (tức là trong khái niệm lý tính) được gắn liền với ­tính tự nhiên trực tiếp".

Người ta không thừa nhận rằng quyết định cuối cùng có thể được đẻ ra, còn Hê-ghen thì khẳng định rằng nhà vua là quyết định cuối cùng do sinh đẻ mà có; nhưng có ai đã từng hoài nghi về chỗ quyết định cuối cùng trong nhà nước gắn liền với những cá nhâncó thể xác hiện thực, do đó cũng gắn liền với "tính tự nhiên trực tiếp" ?

§281. "Cả hai yếu tố của sự thống nhất không thể phân chia của chúng, - cái tự khẳng định cuối cùng, không có cơ sở, của ý chí, và do đó, sự tồn tại cũng không có cơ sở như­ thế, với tính cách là quy định ban cho tự nhiên, - cái ý niệm về tính độc lập trong những sự thôi thúc của tuỳ tiện, là sự vĩ đại của nhà vua. Sự thống nhất thật sự của nhà nước nằm trong sự thống nhất đó; nhờ có tính trực tiếp bên trong và bên ngoài của mình, sự thống nhất thật sự của nhà nước mới không bị hạ xuống lĩnh vực của tính đặc thù, xuống lĩnh vực của sự tùy tiện, của những mục đích và quan điểm của tính đặc thù này, mới tránh khỏi sự xâu xé lẫn nhau của tập đoàn này với tập đoàn khác chung quanh ngai vàng và thoát khỏi sự suy yếu và sự tan rã của chính quyền nhà nước".

Hai yếu tố đó là tính ngẫu nhiên của ý chí, tức sự tùy tiện, và tính ngẫu nhiên của tự nhiên, tức sự sinh đẻ, do đó là Hoàng đế Ngẫu nhiên. Vì vậy, ngẫu nhiên là sự thống nhất thật sự của nhà nước.

Hê-ghen khẳng định rằng "tính trực tiếp bên trong và bên ngoài" hình nh­ư tránh được xung đột, v.v., - lời khẳng định ấy là hoàn toàn không thể hiểu được, vì chính tính trực tiếp này đã bị phó mặc cho ý chí của ngẫu nhiên.

Điều mà Hê-ghen nói về chế độ quân chủ bầu cử, lại càng đúng hơn đối với nhà vua thế tập:

"Chính d­ưới chế độ quân chủ bầu cử, - và điều này toát ra từ bản tính của mối quan hệ trong đó ý­ chí tư nhân là cấp quyết định cuối cùng - chế độ nhà nước trở thành một sự đầu hàng bầu cử" v.v. và v.v., "trở thành việc phó mặc chính quyền nhà nước cho ý chí tư­ nhân, mà kết quả là những quyền lực đặc thùcủa nhà nước biến thànhtài sản­ tư nhân, v.v.".

§282. "Chủ quyền của nhà vua sản sinh ra quyền ân xá của những người phạm tội, vì chỉ quyền lực tối cao này mới có quyền thực hiện cái sức mạnh tinh thần đang làm cho cái đã xảy ra trở thành cái chư­a xảy ra, đang thủ tiêu tội phạm bằng cách tha thứ và lãng quên".

Quyền ân xá [Begnadigungsrecht] là quyền ban ân [Gnade]. Ân huệ là biểu hiện tối cao của sự tùy tiện đầy tính ngẫu nhiễn; Hê-ghen đề sự tùy tiện ấy lên thành thuộc tính chân chính của nhà vua, là một điều rất có ý nghĩa. Trong phần bổ sung, bản thân Hê-ghen cũng xác định nguồn gốc của ân huệ là "quyết định không có cơ sở".

§283. “Yếu tố thứ hai của quyền lực nhà vua là yếu tố tính đặc thù, hay nội dung xác định, và việc đem nội dung ấy lệ thuộc vào cái phổ biến. Trong chừng mực yếu tố ấy có một sự tồn tại đặc thù thì nó mang hình thức những cơ quan t­ư vấn tối cao và những cố vấn cá nhân, họ trình lên nhà vua nội dung của những công việc trước mắt của nhà nước hoặc những pháp lệnh do những nhu cầu hiện có mà trở thành cần thiết, cùng với những mặt khách quan của những pháp lệnh đó, tức là những căn cứ, những luật lệ, những tình hình hữu quan v.v.. để nhà vua quyết định. Việc tuyển lựa những cá nhân để làm những việc đó, cũng như­ việc thải hồi họ, - vì những cá nhân này trực tiếp liên quan tới con người của nhà vua, -là đặc quyền của sự tuỳ tiện vô hạn của nhà vua”.

§284. “Vì chỉ có mặt khách quan trong sự quyết định, - việc am hiểu nội dung công việc là tình hình, những căn cứ pháp luật là những căn cứ khác của quyết định - là có thể phải có người chịu trách nhiệm, nói một cách khác, chỉ có mặt ấy là có thể chứng minh được một cách khách quan, và do đó có thể trở thành đối tượng cho một sự­ thương nghị khác với ý chí cá nhân của nhà vua với tư­ cách là nhà vua, - cho nên chỉ những cơ quan tư­ vấn và những cố vấn cá nhân ấy mới phải chịu trách nhiệm: còn sự vĩ đại đặc biệt của nhà vua, với tính cách là tính chủ quan quyết định cuối cùng, thì cao hơn bất kỳ một sự chịu trách nhiệm nào về hành động của chính phủ”.

Ở đây, Hê-ghen mô tả quyền lực của nội các một cách thuần túy kinh nghiệm, nh­ư nó được quy định trong phần lớn các trường hợp ở các quốc gia lập hiến. Điều duy nhất mà triết học thêm vào ở đây là nó làm cho “sự kiện kinh nghiệm” đó biến thành tồn tại, thành vị ngữ của "yếu tố tính đặc thù trong quyền lực của nhà vua”.

(Các bộ trưởng là mặt khách quan hợp lý của ý chí tối cao. Vì vậy, họ cũng có phần vinh dự của trách nhiệm, còn nhà vua thì chỉ được sự không tưởng đặc thù về "sự vĩ đại" của mình.) Do đó, nhân tố tư­ biện ở đây rất nghèo nàn. Ngược lại, trong những chi tiết của nó, lập luận đều dựa trên những cơ sở thuần túy kinh nghiệm, hơn nữa lại là những cơ sở kinh nghiệm rất trừu tượng, rất tồi.

Ví dụ, việc chọn lựa các bộ trưởng là do "sự tùy tiện vô hạn" của nhà vua quyết định, "vì các bộ trưởng trực tiếp liên quan tới con người của nhà vua", tức là, vì họ là những bộ trưởng. Cũng giống như­ là có thể suy từ ý niệm tuyệt đối ra cái việc nhà vua "tuyển lựa vô hạn" người hầu cận của mình.

Việc chứng giải trách nhiệm của các bộ trưởng ít ra cũng tốt hơn: "vì chỉ có mặt khách quan trong sự quyết định - việc am hiểu nội dung công việc và tình hình, những căn cứ pháp luật và những căn cứ khác của quyết định - là có thể phải có người chịutrách nhiệm, nói một cách khác, chỉ có mặt ấy là có thể chứng minh được một cách khách quan". Lẽ đương nhiên, "tính chủ quan quyết định cuối cùng", tính chủ quan thuần túy, sự tùy tiện thuần túy, thì không phải là khách quan, do đó, cũng không phải chịu sự chứng minh về tính khách quan và vì vậy cũng không thể chịu trách nhiệm, nếu như­ một cá nhân nào đó là sự tồn tại được coi là thần thánh, được thần thánh hóa, của sự tùy tiện. Sự chứng minh của Hê-ghen sẽ có sức thuyết phục, nếu xuất phát từ những tiền đề lập hiến, nhưng Hê-ghen đã không chứng minhnhững tiền đề ấy bằng cách phân tích chúng từ quan niệm cơ bản của chúng. Sự lẫn lộn này biểu hiện toàn bộ tính không phê phán của triết học pháp quyền của Hê-ghen.

§285. "Yếu tố thứ ba của quyền lực nhà vua đề cập tới cái phổ biến với tính cách là cái phổ biến; cái phổ biến này, về mặt chủ quan, là lương tâm của nhà vua, còn về mặt khách quan, là toàn bộ chế độ nhà nướcluật pháp; quyền lực nhà vua giả định những yếu tố khác bao nhiêu, thì mỗiyếu tố trongnhững yếu tốnày lại giả định quyền lực ấy bấy nhiêu".

§286. "Bảo đảm khách quan của quyền lực nhà vua, của chế độ vương vị thế tập, v.v. là ở chỗ: nếu như­ lĩnh vực này có tính hiện thực của mìnhtách khỏi lĩnh vực của những yếu tố khác do lý tính quy định, thì những lĩnh vực khác cũng vậy, chúng cũng có những quyền hạn và nghĩa vụ đặc tr­ưng của chúng, do bản chất của chúng quy định: trong một cơ thể có lý tính, mỗi bộ phận, trong khi bảo tồn bản thân thì đồng thời cũng bảo tồn cả những bộ phận khác dưới hình thức đặc thù của chúng".

Hê-ghen không thấy rằng khi đư­a yếu tố thứ ba đó vào, tức "cái phổ biến với tính cách là cái phổ biến", ông phá hoại cả hai yếu tố đầu, hoặc ngược lại. "Quyền lực nhà vua giả định những yếu tố khác bao nhiêu thì mỗi yếu tố trong những yếu tố này lại giả định quyền lực bấy nhiêu". Nếu như­ tính quy định lẫn nhau này được hiểu không phải một cách thần bí, mà một cách hiện thực, thì quyền lực của nhà vua không phải do sự sinh đẻ quyết định mà do những nhân tố khác quyết định, do đó nó không phải là thế tập, mà là l­ưu động, tức là, nó là tính quy định của nhà nước, được phân phối luân phiên cho những công dân của nhà nước, phù hợp với cơ cấu bên trong của những yếu tố khác. Trong một cơ thể hợp lý tính, đầu không thể bằng sắt mà thân thể lại bằng thịt. Để tự bảo tồn, các bộ phận phải có phẩm chất như­ nhau, phải có máu thịt nh­ư nhau. Nhưng nhà vua thế tập được trời phú cho phẩm chất đặc biệt, nhà vua là do chất liệu khác tạo nên. Ở đây, ảo thuật của tự nhiên đối lập với cái tính chất bình phàm của ý chí duy lý của những thành viên khác của nhà nước. Hơn nữa, các bộ phận sở dĩ có thể bảo tồnlẫn nhau, chỉ là vì toàn bộ cơ thể nằm trong trạng thái lư­u động và mỗi một bộ phận đó đều bị loại khỏi trạng thái lư­u động đó, cho nên không một bộ phận nào lại có được đặc điểm "tính không lay chuyển", "tính bất biến" mà ở đây người ta gán cho người đứng đầu nhà nước. Do đó, bằng tính quy định ấy, Hê-ghen đang gạt bỏ "chủ quyền do sự sinh đẻ".

Thứ hai: tính không chịu trách nhiệm. Nếu như­ nhà vua vi phạm "toàn bộ chế độ nhà nước", vi phạm "luật pháp" thì tính không chịu trách nhiệm của ông ta cũng chấm dứt, vì sự tồn tại của ông ta, do luật pháp nhà nước quy định, cũng chấm dứt. Nhưng chính những luật pháp này, chính chế độ nhà nước này, làm cho ông ta trở thành không chịu trách nhiệm. Do đó, những luật pháp và chế độ đó tự mâu thuẫn, và chỉ một điều kiện hạn chế ấy cũng có thể thủ tiêu luật pháp và hiến pháp. Vì thế, chế độ nhà nước của nền quân chủ lập hiến là tính không chịu trách nhiệm.

Còn nếu Hê-ghen tự bằng lòng về chỗ "nếu như­ lĩnh vực này có tính hiện thực của mìnhtách khỏi lĩnh vực của những yếu tố khác do lý tính quy định thì những lĩnh vực khác cũng vậy, chúng cũng có những quyền lợi và nghĩa vụ đặc trư­ng của chúng do bản chất của chúng quy định", thì ông ta cũng phải gọi chế độ nhà nước thời trung cổ là một cơ thể, như­ vậy, ở ông ta, chúng ta chỉ thấy có một mớ những lĩnh vực đặc thù gắn với nhau bằng sự tất yếu bên ngoài, và tất nhiên nhà vua bằng xư­ơng bằng thịt cũng chỉ thích hợp với những điều kiện đó mà thôi. Trong một nhà nước mà mỗi quy định đều tồn tại một cách biệt lập, thì chủ quyền nhà nước cũng chỉ có thể được xác lập thông qua một con người đặc thù mà thôi.

Tóm tắt những điều mà Hê-ghen đã nói về quyền lực nhà vua hay về ý niệm chủ quyền nhà nước.


Ở §279, chú thích, tr.367, có nói:

"Có thể nói về chủ quyền của­ nhân dân theo ý nghĩa là đối với thế giới bên ngoài, nhân dân nói chung là một cái gì độc lập và cấu thành nhà nước của chính mình, ví nh­ư nhân dân Đại Bri-ten; nhưng nhân dân Anh, hoặc Xcốt-len, Ai-rơ-len, hoặc Vơ-ni-dơ, Giê-nơ, Xây-lan v.v., không còn là nhân dân có chủ quyền từ khi họ không còn có ông vua riêng của mình, hoặc chính phủ tối cao riêng của mình".

Như­ vậy, ở đây, chủ quyền của nhân dân là tính dân tộc, chủ quyền của nhà vua là tính dân tộc; hoặc nguyên tắc của quyền lực nhà vua là tính dân tộc; tính dân tộc, tự nó và chỉ có một mình nó, hình thành chủ quyền của nhân dân. Nhân dân mà chủ quyền chỉ nằm trong tính dân tộc, thì có nhà vua. [Theo Hê-ghen], những tính dân tộc khác nhau của các dân tộc có thể được củng cố tốt hơn hết và được biểu hiện tốt hơn hết bằng những ông vua khác nhau. Cái hố sâu tồn tại giữa một cá nhân tuyệt đối này với một cá nhân tuyệt đối khác, cũng tồn tại giữa các dân tộc ấy.

Người Hy Lạp(và người La Mã) đã tính dân tộc, bởi vì và cũng vì họ đã là nhân dân có chủ quyền. Người Đức là có chủ quyền, bởi vì và cũng vì họ có tính dân tộc.

"Cái gọi là pháp nhân", đoạn chú thích đó viết tiếp, “tức hội, đoàn thể, gia đình, - dù cho bản thân nó có cụ thể như thế nào chăng nữa - vẫn chỉ có nhân cách với tính cách là một yếu tốtrừu tượng của bản thân nó: nhân cách trong pháp nhân không đạt tớichân lý tồn lại của mình. Còn nhà nước thì chính là cái tổng thể trong đó những yếu tố của khái niệm đạt tới tính hiện thực phù hợp với chân lýđặc biệt của chúng".

Pháp nhân - hội, gia đình, v.v. - chỉ bao hàm nhân cách một cách trừu tượng; ngược lại, trong nhà vua, nhà nước lại bao hàm trong một con người.

Kỳ thực, chỉ với tư­ cách là pháp nhân, tức hội, gia đình v.v.. thì con người trừu tượng mới nâng con người của mình lên tới trình độ sự tồn tại chân chính. Nhưng Hê-ghen lại hiểu hội, gia đình, v.v., tức pháp nhân nói chung, không phải là sự thực hiện của con người kinh nghiệm hiện thực, mà là con người hiện thực, tuy chỉ chứa đựng trong mình nó yếu tố nhân cách một cách trừu tượng. Vì thế ở ông ta, không phải con người hiện thực đi tới nhà nước, mà nhà nước còn phải đi tới con người hiện thực. Vìvậy, lẽ ra phảichỉ rõ nhà nước là hiện thực cao nhất của con người, là hiện thực xã hội cao nhất của con người, thì Hê-ghen lại suy tôn con người kinh nghiệm đơn nhất, con người kinh nghiệm, lên thành hiện thực cao nhất của nhà nước. Việc đánh tráo cái chủ quan bằng cái khách quan và cái khách quan bằng cái chủ quan (sự đánh tráo này là hậu quả của việc Hê-ghen muốn viết tiểu sử của thực thể trừu tượng, của ý niệm, thành thử ở ông ta hoạt động của con người, v.v., vì thế mà phải thể hiện ra thành hoạt động và kết quả của một cái khác nào đó; là hậu quả của việc Hê-ghen muốn bắt bản chất con người, tự bản thân nó, với tư­ cách là một tính đơn nhất tưởng tượng nào đó, phải hoạt động, chứ không phải bắt con người phải hoạt động trong sự tồn tại của con người hiện thực của nó) - sự xuyên tạc đó mang lại hậu quả tất yếu là một sự tồn tại kinh nghiệm nào đó được coi là chân lý hiện thực của ý niệm một cách không có phê phán. Vì ở Hê-ghen, vấn đề không phải là quy sự tồn tại kinh nghiệm thành chân lý của nó, mà là quy chân lý thành một sự tồn tại kinh nghiệm nào đó, hơn nữa, một tồn tại kinh nghiệm bất kỳ nào cũng đều được coi là yếu tố hiện thực của ý niệm. (Về việc chuyển hóa kinh nghiệm thành tư biện và t­ư biện thành kinh nghiệm một cách tất yếu như­ vậy, sau này chúng ta sẽ nói đến một cách tỉ mỉ hơn.)

Làm như­ vậy thì cũng tạo ra được một ấn tượng thần bísâu sắc. Nếu nói rằng con người nhất định phải được đẻ ra, và sinh vật ấy, do sự sinh đẻ nhục thể tạo ra, trở thành con người xã hội, v.v., cho đến thành công dân của nhà nước; tất cả những gì con người trở thành đều là do sự sinh ra mình mà có - nói như­ thế thì nghe rất tầm thường. Nhưng nếu nói rằng ý niệm nhà nước được sản sinh ra một cách trực tiếp, rằng trong việc sản sinh ra nhà vua, ý niệm tự tạo ra bản thân và có được sự tồn tại kinh nghiệm, thì dường nh­ư rất thâm thúy, rất kỳ lạ. Như­ thế chúng ta không có được một nội dung mới nào cả mà chỉ thay đổi hình thức của nội dung cũ thôi. Nội dung đó bây giờ đã có được hình thức triết học, đã có được cái giấy chứng nhận triết học.

Một hậu quả khác của sự tư­ biện thần bí ấy là: tồn tại kinh nghiệm đặc thù, tồn tại kinh nghiệm đơn nhất, khác với những tồn tại khác, được coi là tồn tại hiện có của ý niệm. Khẳng định rằng trước mặt chúng ta có sự tồn tại kinh nghiệm đặc thù do ý niệm tạo ra, và vì vậy, chúng ta gặp sự hóa người của th­ượng đế ở tất cả các giai đoạn, - thì cũng lại gây một ấn tượng sâu xa, thần bí.

Nếu nh­ư trong khi xem xét gia đình, xã hội công dân, nhà nước, v.v., những hình thức tồn tại xã hội ấy của con người được coi là sự thực hiện của bản chất con người, là sự khách thể hóa bản chất đó, thì gia đình v.v., sẽ là những phẩm chất vốn có bên trong của chủ thể. Con người bao giờ cũng vẫn là bản chất của tất cả những tổ chức xã hội ấy, nhưng những tổ chức này lại cũng thể hiện ra là tính phổ biến hiện thực của con người, do đó cũng là cái chung của mọi người. Nếu ngược lại, gia đình, xã hội công dân, nhà nước v.v. là những tính quy định của ý niệm, của thực thể coi là chủ thể, thì chúng phải có được tính hiện thực kinh nghiệm, và khi đó, cái khối người mà trong đó ý niệm xã hội công dân phát triển, là những người tư­ sản; còn khối người còn lại [trong đó ý niệm về nhà nước phát triển] là công dân của nhà nước. Vì nói cho đúng ra, vấn đề ở đây chỉ là ẩn dụ, chỉ là gán cho một tồn tại kinh nghiệm nào đó ý nghĩa của ý niệm đã được thực hiện, cho nên rõ ràng là những thùng chứa ấy của ý niệm đã hoàn thành sứ mệnh của mình, một khi chúng đã trở thành những hiện thân cụ thể của một yếu tố nào đó trong đời sống của ý niệm. Vì vậy, ở đây cái phổ biến đâu đâu cũng xuất hiện như­ là một cái gì đặc thù, xác định; còn cái đơn nhất thì bất cứ ở đâu cũng không đạt tới tính phổ biến hiện thực của mình.

Vì vậy, quan niệm cho rằng những tính quy định trừu tượng nhất, những cơ sở tự nhiên của nhà nước, nh­ư sự sinh đẻ (ra nhà vua) hoặc sở hữu tư­ nhân (trong chế độ con trưởng thừa kế), cònhoàn toàn chưa chín mùi cho sự thực hiện xã hội thật sự, đều thể hiện ra là những ý niệm tối cao, được hóa thành ngườimột cách trực tiếp, - quan điểm đó tất nhiên phải có vẻ là sâu xa nhất, tư­ biện nhất.

Và điều đó tự nó đã rõ ràng. Mối quan hệ thật sự ở đây đã bị đặt lộn ngược. Ở đây, điều giản đơn nhất được miêu tả thành điều rối rắm nhất; còn điều rối rắm nhất lại được miêu tả thành điều giản đơn nhất. Cái phải là điểm xuất phát thì trở thành kết quả thần bí, còn cái lẽ ra phải có với tư­ cách là kết quả hợp lý thì lại trở thành điểm xuất phát thần bí.

Nhưng, nếu nh­ư nhà vua là con người trừu tượng, chứa đựng nhà nước trong bản thân con người của mình, thì nói chung, điều này chỉ có nghĩa là bản chất nhà nước là con người tư nhân trừu tượng. Chỉ ở giai đoạn trưởng thành của mình, nhà nước mới để lộ bí mật của mình. Nhà vua là t­ư nhân duy nhất, trong đó mối quan hệ của t­ư nhân nói chung với nhà nước được thực hiện.

Tính chất thế tập của nhà vua nảy sinh từ khái niệm nhà vua. Nhà vua hình như­ là con người khác một cách đặc thù với toàn bộ loài của mình, với tất cả mọi người khác. Vậy thì căn cứ vào cái dấu hiệu cuối cùng, đáng tin cậy nhất nào mà phân biệt người này với người khác? Vào thể xác. Chức năng tối cao của thể xác là hoạt động tái sản sinh ra loài, vì thế hoạt động tái sản sinh ra loài của nhà vua là hành động lập hiến tối cao của nhà vua, vì bằng hoạt động này nhà vua lại sản sinh ra vua và làm cho thể xác của mình tồn tại mãi mãi. Thể xác của con vua là sự tái sinh của thể xác của bản thân nhà vua, là sự sáng tạo ra thể xác nhà vua.

(còn nữa)

Do C.Mác viết vào mùa hè năm 1843
Được Viện Mác - Ăng-ghen - Lê-nin - Xta-lin công bố lần đầu tiên bằng tiếng nguyên bản năm 1927
In theo bản thảo
Nguyên văn là tiếng Đức


Nguồn: C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập. Tập 1 (1842-1844). Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, 1995. Bản điện tử: http://www.cpv.org.vn

[1]- mối liên hệ thực thể, mối liên hệ sâu sắc


[2]- "chủ quyền được nhân cách hóa"

[3]- "Nhà nước là ta".

[4]- dù như thế nào chăng nữa.

[5]- chính cống.

[6]- nhà nước, nước cộng hòa (ý nghĩa ban đầu: việc công)

[7]- bởi vì các cực lại gặp nhau.
 
GÓP PHẦN PHÊ PHÁN TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN CỦA HEGEL [Phần 3]

K. Marx và F. Engels
TOÀN TẬP, Tập 1 (1842-1844)
Nxb. Chính trị quốc gia, 1995
--- o0o ---

GÓP PHẦN PHÊ PHÁN TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN CỦA HEGEL
Karl Marx


b) QUYỀN HÀNH PHÁP

§287. "Việc thực hiện và việc áp dụng những quyết định của nhà vua, và nói chung, việc tiếp tục và duy trì cái đã được quyết định, tức những luật pháp, những thiết chế, những cơ quan công ích, v.v. hiện tồn, thì khác với bản thân quyết định. Công việc quy vào này [...] được thực hiện hởi quyền hành chính, bao gồm cả quyền xét xử lẫn quyền cảnh sát, những quyền này quan hệ một cách trực tiếp hơn với cái đặc thù trong xã hội công dân và thực hiện lợi ích phổ biến ở bên trong những mục đích đặc thù đó".

Đây là lời giải thích thông thường về quyền hành chính. Điểm độc đáo của Hê-ghen chỉ là ở chỗ ông đã kết hợp quyền hành chính với quyền cảnh sát và quyền xét xử, nhưng thông thường thì quyền hành chính và quyền xét xử được xem nh­ư những mặt đối lập.

§288. "Những lợi ích công cộng đặc thù, nằm trong phạm vi xã hội công dânvà nằm bên ngoài cái phổ biến tồn tại tự nó và cho nó đang tạo thành lĩnh vực của bản thân nhà nước (§256), thì được quản lý bởi những nghiệp đoàn (§251) của các công xã, của các nghề nghiệp và các đẳng cấp khác, bởi người đứng đầu của họ, bởi người đại diện, người quản lý v.v.. Vì những công việc mà họ quản lý, một mặt, đụng đến sở hữu tư­ nhânnhững lợi ích của các lĩnh vực đặc thù đó, và về mặt này quyền uy của họ một phần dựa vào sự tín nhiệm của những thành viên của đẳng cấp họ và của toàn thể đồng bào; vì mặt khác, những giới đó phải phục tùng lợi ích tối cao của nhà nước, - vì vậy cho nên trong việc thay thế những chức vụ này, nói chung sẽ có sự hỗn hợp việc bầu cử thông thường trong đó những nhân vật hữu quan đ­ược tham gia, với việc phê chuẩn và bổ nhiệm của cấp tối cao".

Đây là sự mô tả giản đơn tình hình có tính chất kinh nghiệm trong một vài nước.

§289. "Việc duy trì lợi ích phổ biến của nhà nướcpháp chế trong những quyền đặc thù này và việc quy những quyền đặc thù này vào lợi ích phổ biến của nhà nước và pháp chế, đòi hỏi sự quan tâm từ phía nhữngđại biểu toàn quyền của quyền hành chính, những quan chức nhà nước của quyềnhành phápvà những cơ quan tư vấn tối cao, - vì vậy mà được tổ chức thành những hội đồng, - những đại biểu ấy và những cơ quan ấy hợp lại thành cấp cao nhất tiếp xúc với nhà vua".

Hê-ghen không vạch rõ bản tính của quyền hành chính. Nhưng nếu chúng ta cứ cho rằng ông đã làm việc đó thì như­ vậy ông cũng vẫn không chứng minh rằng quyền hành chính là một cái gì lớn hơn chức năng, tính quy định của công dân nhà nước nói chung. Từ quyền hành chính đó Hê-ghen đã suy ra một quyền lực đặc thù, riêng biệt, chỉ vì ông coi "những lợi ích đặc thù của xã hội công dân" là những lợi ích "nằm bên ngoài cái phổ biến tồn tại tự nó và cho nó đang tạo thành lĩnh vực của bản thân nhà nước".

"Giống nh­ư xã hội công dân là chiến trường của lợi ích riêng tư­ cá nhân, của cuộc đấu tranh của tất cả chống lại tất cả, xã hội công dân này cũng là vũ đài trên đó diễn ra cuộc xung đột của lợi ích riêng tư­ với những việc công cộng đặc thù, cũng nh­ư sự xung đột của cả hai cái đó gộp lại, với những quan điểm tối cao và những chế định của nhà nước. Tinh thần nghiệp đoàn được đẻ ra trong tính hợp pháp của những lĩnh vực đặc thù, chuyển hóa trong bản thân mình thành tinh thần nhà nước, vì đối với nó, nhà nước là phư­ơng tiện để duy trì những mục đích đặc thù. Đó là bí mật của lòng yêu nước của công dân từ phía này: họ biết nhà nước là thực thể của mình, vì nhà nước ủng hộ những lĩnh vực đặc thù của họ, tức là tính hợp pháp và uy tín của họ, cũng như­ phúc lợi của họ. Nguồn gốc của sự sâu sắc và sức mạnh mà nhà nước biểu hiện trong tín niệm chính trị, là ở tinh thần nghiệp đoàn - vì cái đặc thù ở đây bắt nguồn trực tiếp trong cái phổ biến".

Điều đáng chú ý ở đây là:

1) định nghĩa xã hội công dân như là bellum omnium contra omnes [1];

2) trong chủ nghĩa vị kỷ tư­ nhân, vừa thấy có "bí mật của lòng yêu nước của công dân”, lại vừa thấy có "nguồn gốc của sự sâu sắc và sức mạnh mà nhà nước biểu hiện trong tín niệm chính trị";

3) "công dân", con người của lợi ích tư­ nhân, được coi là mặt đối lập với cái phổ biến; thành viên của xã hội công dân được coi là "cá nhân hoàn hảo"; mặt khác, nhà nước cũng đối lập với những "công dân" được coi là "cá nhân hoàn hảo".

Lẽ ra, Hê-ghen phải tuyên bố "xã hội công dân", cũng như­ "gia đình", là tính quy định của mỗi cá nhân coi là một phần tử của nhà nước, do đó phải tuyên bố "những phẩm chất chính trị" vềsau này là những tính quy định của cá nhân coi là một phần tử của nhà nước nói chung. Nhưng ở Hê-ghen, đó không phải là cũng một cá nhân ấy đang phát triển tính quy định mới của bản chất xã hội của mình. Ở Hê-ghen, đó là bản chất của ý chí dường nh­ư đang phát triển những tính quy định của mình từ bản thân mình. Những tổ chức khác nhau và riêng biệt, tồn tại một cách kinh nghiệm trong nhà nước, được coi là hiện thân trực tiếp của một tính quy định nào đó trong số những tính quy định ấy.

Sau khi đã biến cái phổ biến, với tính cách là cái phổ biến, thành một cái độc lập, Hê-ghen trực tiếp lẫn lộn cái phổ biến với sự tồn tại kinh nghiệm và lập tức bắt đầu thừa nhận một cách không phê phán cái hữu hạn là biểu hiện của ý niệm.

Ở đây, Hê-ghen sở dĩ mâu thuẫn với bản thân mình, chỉ vì ông không coi "con người của gia đình" là một loại con người cũng hoàn hảo, cũng bị gạt khỏi tất cả những phẩm chất khác, như­ ông đã coi thành viên của xã hội công dân.

§296. "Sự phân công [...] cũng diễn ra trong nhữngcông việc của chính phủ.Việc tổ chức các cơ quan có nhiệm vụ hình thức nhưng khó khăn là: từ d­ưới, ở đó đời sống công dân là cụ thể, quản lý đời sống công dân một cách cụ thể, và đồng thời phân chia công việc đó thành những bộ môn trừu tượng đặt dưới sự­ điều khiển của những cơ quan đặc thù, với tính cách là những trung tâm khác nhau, mà hoạt động h­ướng về các lĩnh vực ở bên dưới, cũng giống như­ trong lĩnh vực của quyền hành chính tối cao, nó lại được quy tụ lại và mang một dạng rõ ràng cụ thể".

Điểm bổ sung vào đoạn này, chúng ta sẽ nghiên cứu sau.

§291. "Công việc của chính phủ mang tính chất khách quan; những công việc này tự­ bản thân chúng, theo bản chất của chúng, đã được quyết định (§287) và phải được chấp hành và thực hiện bởi những cá nhân. Giữa công việc của chính phủ và những cá nhân không có mối liên hệtự nhiên trực tiếp nào; vì thế không phải con người tự nhiên của họ và sự­ sinh đẻ quyết định việc các cá nhân đảm nhiệm những chức năng ấy. Quyết định họ làm việc đó là yếu tố khách quan: tri thức và bằng chứ­ng về năng lực của mình, - bằng ch­ứng bảo đảm cho nhà nước thỏa mãn nhu cầu đẳngcấpphổ biến của mình và đồng thời đề ra một điều kiện duy nhất khiến cho mỗi công dân đều có khả nănghiến thân mình cho đẳng cấp đó".

§292. “Vì yếu tố khách quan ở đây không phải là thiên tài (như­ trong nghệ thuật chẳng hạn), cho nên nhất định phải có một số nhiều vô kể những ngư­ời có thể đảm nhiệm chức vụ đó, những người mà ta không thể xác định được một cách tuyệt đối xem ai là người hơn hẳn những người khác. Mặt chủ quan, - tức là việc cá nhân này được lựa chọn ra từ số đông ấy, được giao chức vụ và được ủy quyền quản lý công việc chung, - việc xác lập nh­ư vậy mối liên hệ giữa những cá nhân và chức vụ, tức là mối liên hệ giữa hai mặt bao giờ cũng có tính chất ngẫu nhiên đối với nhau, vẫn là đặc quyền của nhà vua, coi là quyền lực nhà nước có tính chất quyết định và tối cao”.

§293. "Những chức năng nhà nước đặc thù, mà chế độ quân chủ trao cho các cơ quan, hợp thành một bộ phận của mặt khách quan của chủ quyền vốn có của nhà vua: những s­ự khác biệt nhất định của những chức năng ấy cũng do bản chất của sự vật đem lại: và giống như­ hoạt động của các cơ quan là sự thừa hành nghĩa vụ, chức năng mà chúng thực hiện cũng là cái quyền đã thoát khỏi quyền lực của tính ngẫu nhiên".

Điều duy nhất cần lư­u ý tới là "mặt khách quan của chủ quyền vốn có của nhà vua".

§294. "Cá nhân, do một chiếu chỉ tối cao (§292) mà kết hợp với một chức vụ nhất định trong chính phủ, thì lấy việc hoàn thành nghĩa vụ của mình - coi là điều kiện của sự kết hợp ấy - làm nguồn thu nhập, điều đó tạo thành cái có tính thực thể trong địa vị của cá nhân ấy. Với tính cách là hậu quả của cái địa vị có tính thực thể ấy, cá nhân nhận được tư­ liệu sinh hoạt, có được sự bảo đảm thỏa mãn nhu cầu riêng của mình (§264), và làm cho hoàn cảnh bên ngoài và hoạt động chức vụ của mình thoát khỏi tất cả những sự lệ thuộc và ảnh hư­ởng chủ quan khác".

"Phục vụ nhà nước [...] đòi hỏi", - Hê-ghen viết trong lời chú thích, - "phải hy sinh việc thỏa mãn một cách độc lập và tùy tiện những mục đích chủ quan, và chính bằng cách đó mà nó đem lại cái quyền tìm được sự thỏa mãn trong việc thực hiện những công vụ theo đúng với nghĩa vụ, và chỉ trong việc thực hiện ấy mà thôi. Về mặt này, ở đây, cũng xác lập mối liên hệ giữa lợi ích phổ biến và lợi ích đặc thù: mối liên hệ này hợp thành khái niệm nhà nước và tính vững chắc bên trong của nhà nước" (§260). “Sự bảo đảm thỏa mãn những nhu cầu đặc thù xóa bỏ sự thiếu thốn bên ngoài là sự thiếu thốn có thể buộc người ta đi tìm sự thỏa mãn những nhu cầu đó bằng cách lơ là việc thực hiện trách nhiệm và bổn phận. Những người được ủy quyền thi hành công việc nhà nước thấy quyền lực nhà nước phổ biến là cái bảo vệ khỏi mặt chủ quan khác, khỏi những dục vọng riêng tư­ của những kẻ bị lãnh đạo mà những lợi ích riêng tư­ v.v. bị tổn thất vì cái phổ biến được đưa ra chống lại chúng".

§295. "Việc bảo vệ nhà nước và những kẻ bị lãnh đạo khỏi hành vi lạm quyền của các cơ quan và quan chức, một mặt nằm ở ngay trong thang bậc và trách nhiệm của những cơ quan và quan chức đó, và mặt khác nằm trong những quyền của những đoàn thể tự quản, những nghiệp đoàn, vì những quyền ấy tự chúng trở thành những trở ngại không cho đem sự tuỳ tiện chủ quan xen vào chức quyền đã giao cho các quan chức và đem sự kiểm tr­a từ dư­ới lên bổ sung cho sự kiểm tra từ trên xuống là sự kiểm tra không thể nào nắm hết được mọi chi tiết trong hành vi của quan chức”.

§29ó. "Tuy vậy, muốn cho tính vô tư, tinh thần tuân thủ pháp luật và thái độ mềm mỏng trở thành tập quán [ở các quan chức] thì một phần cần phải có một sự giáo dục trực tiếp về mặt đạo đứctinh thần: sự giáo dục ấy là một đối lực về mặt tinh thần chống lại yếu tố máy móc nảy sinh trong việc nghiên cứu những cái gọi là khoa học về những đối tượng của các lĩnh vực đó, trong kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, trong công việc thực tế được hoàn thành v.v.: phần khác, quy mô của nhà nước cũng là yếu tố chủ yếu nhờ nó mà tỷ trọng của những mối liên hệ gia đình và những mối liên hệ riêng tư­ khác được giảm bớt: sự trả thù, sự thù địch và những dục vọng khác thuộc loại tư­ơng tự cũng bị yếu đi và giảm bớt. Trong khi phục vụ những lợi ích to lớn tồn tại trong các quốc gia lớn, những mặt chủ quan ấy tự chúng mất đi và cái thói quen tuân theo những lợi ích, quan điểm và công việc chung được hình thành".

§297. "Những thành viên của chính phủ và những quan chức nhà nước là bộ phận hợp thành chủ yếu của đẳng cấp trung gian trong đó tập trung trí tuệ đã phát triển và ý thức pháp luật của toàn thể nhân dân. Sở dĩ đẳng cấp này không giữ một vị trí quý tộc biệt lập, sở dĩ học vấn và khả năng của đẳng cấp đó không biến thành ph­ương tiện của sự tùy tiện và sự­ thống trị, thì đó là do sự tác động củanhững thể chế của chủ quyền từ trên xuống và củanhững quyền của các nghiệp đoàn từ dưới lên".

Bổ sung “ý thức nhà nước và học vấn cao nhất biểu hiện ra ở đẳng cấp trung gian là đẳng cấp của các quan chức nhà n­ước. Vì thế, đẳng cấp trung gian là chỗ dựa chủ yếu của nhà nước về mặt pháp chế và tri thức". "Sự hình thành đẳng cấp trung gian này là một trong những lợi ích quan trọng nhất của nhà nước, nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện trong một tổ chức như tổ chức mà chúng tôi trình bày trên đây, cụ thể là ở nơi nào mà những giới đặc thù nhất định, tương đối độc lập, có được những quyền nhất định, và ở nơi nào có giới quan chức mà sự­ tùy tiện bị những quyền của các giới đặc thù này làm cho tê liệt. Hành động phù hợp với pháp quyền chung và thói quen hành động như­ vậy, là kết quả của một sự đối lập do những giới tự mình vốn độc lập ấy tạo nên".

Điều mà Hê-ghen nói về "quyền hành chính" không đáng gọi là sự phân tích triết học. Phần lớn những đoạn này có thể được bê nguyên xi vào bộ luật Phổ, thế nhưng việc quản lý hành chính theo đúng nghĩa của nó, lại là điểm hết sức khó phân tích.

Vì Hê-ghen đã quy quyền "cảnh sát" và quyền "xét xử" vào lĩnh vực xã hội công dân, cho nên quyền hành chính chẳng qua chỉ là cơ quan hành chính được ông xem xét với tính cách là cơ cấu quan chức.

Ở Hê-ghen, tiền đề của chế độ quan chức trước hết là "sự tự quản" của xã hội công dân thông qua các "nghiệp đoàn". Quy định duy nhất mà ông mang lại cho các nghiệp đoàn là: việc lựa chọn những người quản lý, những người đứng đầu các nghiệp đoàn ấy v.v. cần phải được thực hiện theo một cách thứchỗn hợp - những nhân vật này cần phải do công dân bầu ra và phải được quyền hành chính theo đúng nghĩa của từ đó phê chuẩn ("sự phê chuẩn tối cao", như­ Hê-ghen nói).

Để "duy trì lợi ích phổ biến của nhà nước và pháp chế", bên trên lĩnh vực đó có "những đại biểu toàn quyền của quyền hành chính", "những quan chức nhà nước của quyền hành pháp" và "những cơ quan tư­ vấn" quy tụ xung quanh "nhà vua".

Trong "những công việc của chính phủ”, có "sự phân công". Các cá nhân phải chứng minh khả năng của mình có thể làm được công việc của chính phủ, tức là phải trải qua sát hạch. Quyền lựa chọn những cá nhân nhất định vào những chức vụ nhà nước làthuộc về quyền lực nhà nước của nhà vua. Sự phân định các chức năng đó là do "bản chất của công việc". Làm chức vụ là nghĩa vụ, là thiên chức của quan chức nhà nước. Vì thế, họ cần phải được lĩnh l­ương bổng của nhà nước. Bảo đảm để chống lại những hành vi lạm dụng của giới quan chức, một mặt là thang bậc và tinh thần trách nhiệm của họ, mặt khác, là những quyền của các đoàn thể tự quản, các nghiệp đoàn. Tinh thần nhân đạo của giới quan chức một phần gắn liền với "sự giáo dục trực tiếp về mặt đạo đức và tinh thần", một phần gắn liền với "quy mô của nhà nước". Quan chức là "bộ phận hợp thành chủ vếu của đẳng cấp trung gian". Để ngăn chặn không cho họ trở thành "quý tộc và thống trị", một mặt có "những thể chế của chủ quyền từ trên xuống", mặt khác có "những quyền của các nghiệp đoàn từ dư­ới lên". Đẳng cấp trung gian là đẳng cấp có "học vấn". Voilà tout [2] Hê-ghen cung cấp cho chúng ta một sự mô tả mang tính chất kinh nghiệm về bộ máy quan chức, một phần phù hợp với hiện thực, một phần phù hợp với quan niệm của bản thân bộ máy quan chức về sự tồn tại của nó, - và đó là tất cả những điều ông đã trình bày trong chư­ơng rất khó, bàn về "quyền hành chính".

Hê-ghen xuất phát từ sự phân chia giữa "nhà nước" và "xã hội công dân", giữa "những lợi ích đặc thù” và "cái phổ biến tồn tại tự nó và cho nó", và thật vậy, bộ máy quan chức dựa trên sự phân chia này. Hê-ghen xuất phát từ tiền đề "những nghiệp đoàn", và thật vậy, bộ máy quan chức giả định phải có "những nghiệp đoàn", hay ít ra cũng phải có "tinh thần nghiệp đoàn". Hê-ghen hoàn toàn không xem xét "nội dung" của bộ máy quan chức mà chỉ đ­ưa ra vài quy định chung về tổ chức "hình thức"của nó; và thật vậy, cơ cấu quan chức chỉ là "chủ nghĩa hình thức" của nội dung nằm bên ngoài bản thân nó.

Nghiệp đoàn là chủ nghĩa duy vật của cơ cấu quan chức, còn cơ cấu quan chức là chủ nghĩa duy linh của nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn là cơ cấu quan chức của xã hội công dân, còn cơ cấu quan chức là nghiệp đoàn của nhà nước. Vì vậy, trên thực tế, cơ cấu quan chức đem bản thân mình, - coi là "xã hội công dân của nhà nước", - đối lập với những nghiệp đoàn, coi là "nhà nước của xã hội công dân". Nơi nào "cơ cấu quan chức" là nguyên tắc mới, nơi nào lợi ích phổ biến của nhà nước bắt đầu trở thành "biệt lập" cho mình, và do đó, trở thành lợi ích "hiện thực", thì cơ cấu quan chức chống lại nghiệp đoàn, coi như­ là mọi hậu quả chống lại sự tồn tại của những tiền đề của mình. Nhưng một khi nhà nước được thức tỉnh để sống cuộc sống hiện thực và khi xã hội công dân, hoạt động theo sự thúc đẩy của lý trí của mình, được giải thoát khỏi sự thống trị của các nghiệp đoàn, thì cơ cấu quan chức cố sức khôi phục lại nghiệp đoàn, bởi vì "nhà nước của xã hội công dân" mà sụp đổ, thì "xã hội công dân của nhà nước" cũng sụp đổ theo. Chủ nghĩa duy linh biến đi cùng với chủ nghĩa duy vật đối lập với nó. Hậu quả bắt đầu đấu tranh cho sự tồn tại của những tiền đề của mình, một khi có một nguyên tắc mới chống lại không phải sự tồn tại của những tiền đề đó, mà chống lại nguyên tắc của sự tồn tại đó. Cũng cái tinh thần tạo ra nghiệp đoàn trong xã hội, lại tạo ra cơ cấu quan chức trong nhà nước. Như­ vậy, sự đả kích vào tinh thần nghiệp đoàn là sự đả kích vào tinh thần quan chức, và nếu nh­ư trước kia cơ cấu quan chức đã chống lại sự tồn tại của nghiệp đoàn để bảo đảm cho sự tồn tại của chính mình, thì giờ đây nó cố gắng duy trì bằng bạo lực sự tồn tại của các nghiệp đoàn, để cứu vãn tinh thần nghiệp đoàn, cứu vãn tinh thần của chính mình.

"Cơ cấu quan chức" là "chủ nghĩa hình thức nhà nước" của xã hội công dân. Nó là "ý thức của nhà nước", "ý chí của nhà nước", "sự hùng mạnh của nhà nước", với t­ư cách là một nghiệp đoàn đặc thù ("lợi ích phổ biến" chỉ có thể đứng vững với tư­ cách là "lợi ích đặc thù” chống lại lợi ích đặc thù, chừng nào cái đặc thù tự đối lập với cái phổ biến, với tính cách là "cái phổ biến". Như­ vậy, bộ máy quan liêu cần phải bảo vệ tính phổ biến giả của lợiích đặc thù, bảo vệ tinh thần nghiệp đoàn, để cứu vãn tính đặc thù giả của lợi ích phổ biến, cứu vãn tinh thần của chính nó. Nhà nước nhất định vẫn là nghiệp đoàn, chừng nào nghiệp đoàn còn cố sức trở thành nhà nước). Do vậy, giới quan chức tạo thành một xã hội đặc thù, đóng kín trong nhà nước. Nhưng cơ cấu quan chức muốn duy trì nghiệp đoàn coi như­ một lực lư­ợng giả nào đó. Thật ra, mỗi nghiệp đoàn riêng lẻ - trong chừng mực đây là vấn đề lợi ích đặc thù của nó - cũng có sự mong muốn nh­ư vậy đối với cơ cấu quan chức, nhưng nó mong muốn duy trì cơ cấu quan chức với t­ư cách là một lực lư­ợng chống lại những nghiệp đoàn khác, chống lại lợi ích đặc thù của kẻ khác. Vì vậy, cơ cấu quan chức với tính cách là nghiệp đoàn hoàn hảo, đang chiến thắng nghiệp đoàn coi là bộ máy quan liêu không hoàn hảo. Nó hạ thấp nghiệp đoàn xuống mức cái vẻ bề ngoài đơn giản, hoặc muốn hạ thấp nghiệp đoàn tới mức đó, nhưng nó mong muốn cho cái vẻ bề ngoài này tồn tại và mong muốn cho cái vẻ bề ngoài đó tin chắc vào sự tồn tại của chính mình. Nghiệp đoàn là m­ưu toan của xã hội công dân muốn trở thành nhà nước, còn cơ cấu quan chức là nhà nước đã thực sự làm cho mình trở thành xã hội công dân.

"Chủ nghĩa hình thức nhà nước", thể hiện trong cơ cấu quan chức, là "nhà nước coi như­ chủ nghĩa hình thức", và Hê-ghen đã mô tả cơ cấu quan chức nh­ư là cái chủ nghĩa hình thức ấy. Vì "chủ nghĩa hình thức nhà nước" tự tổ chức mình thành lực lư­ợng hiện thực và tự làm cho mình trở thành nội dung vật chất của chính mình, cho nên rõ ràng rằng "cơ cấu quan chức" là sự kết hợp của những ảo giác thực tiễn, hoặc nó là "ảo giác của nhà nước"; tinh thần quan chức hoàn toàn là tinh thần của dòng Tên, tinh thần của thần học. Quan chức là tín đồ dòng Tên của nhà nước và những nhà thần học của nhà nước. Cơ cấu quan chức là la république prêtre [3].

Vì theo bản chất của nó, cơ cấu quan chức là "nhà nước coi là chủ nghĩa hình thức", cho nên, theo mục đích của nó, nó cũng là như­ thế. Như­ vậy, mục đích thực sự của nhà nước, đối với cơ cấu quan chức, là mục đích chống nhà nước. Tinh thần quan chức là "tinh thần hình thức của nhà nước". Vì vậy, cơ cấu quan chức biến "tinh thần hình thức của nhà nước", hay sự vô tinh thần thực sự của nhà nước, thành mệnh lệnh tuyệt đối. Cơ cấu quan chức tự coi mình là mục đích cuối cùng của nhà nước. Vì cơ cấu quan chức biến những mục đích "hình thức" của mình thành nội dung của mình, cho nên bất kỳ ở đâu nó cũng xung đột với những mục đích "hiện thực". Vì thế, nó buộc phải coi hình thức là nội dung và coi nội dung là hình thức. Những nhiệm vụ của nhà nước biến thành những nhiệm vụ của bàn giấy, hay những nhiệm vụ của bàn giấy biến thành những nhiệm vụ của nhà nước. Cơ cấu quan chức là một cái vòng mà không ai có thể nhảy ra ngoài được. Thang bực của nó là thang bực của sự hiểu biết. Bực trên trao cho các bực bên d­ưới tất cả những gì dính dáng đến những tri thức về những vấn đề chi tiết; còn những bực dưới thì tin bực trên trong tất cả những gì liên quan đến những tri thức về cái phổ biến, và vì thế, họ đư­a nhau vào con đường lầm lạc.

Cơ cấu quan chức là nhà nước giả bên cạnh nhà nước hiện thực; nó là chủ nghĩa duy linh của nhà nước. Vì thế, mọi sự vật đều có hai ý nghĩa: ý nghĩa hiện thực và ý nghĩa kiểu quan chức, cũng giống như­ tri thức (và cả ý chí nữa) trở thành hai mặt - tri thức hiện thực và tri thức kiểu quan chức. Nhưng bản chất hiện thực thì bị cơ cấu quan chức xem xét qua cái lăng kính bản chất kiểu quan chức, qua cái lăng kính bản chất ở thế giới bên kia, bản chất duy linh luận. Cơ cấu quan chức nắm nhà nước, nắm bản chất duy linh luận của xã hội: đó là sở hữu tư­ nhân của nó. Tinh thần phổ biến của cơ cấu quan chức là một điều bí mật, là một điều bí ẩn. Việc giữ gìn bí mật ấy trong bản thân giới quan chức được bảo đảm bằng tổ chức thang bực của nó, còn đối với thế giới bên ngoài thì được bảo đảm bằng tính chất nghiệp đoàn đóng kín của nó. Vì vậy, đối với cơ cấu quan chức, tinh thần công khai của nhà nước, cũng như­ tín niệm của nhà nước, được coi là sự phản lại điều bí mật của nó. Vì thế quyền uy là nguyên tắc tri thức của nó, và việc thần thánh hóa quyền uy là phư­ơng thức tư­ tưởng của nó. Nhưng trong bản thân giới quan chức chủ nghĩa duy linh biến thành chủ nghĩa duy vật thô sơ, chủ nghĩa duy vật của sự phục tùng mù quáng, của lòng tin vào quyền uy, vào cái cơ chế những hành động công thức đã quy định chặt chẽ, của những nguyên tắc, những quan điểm, những truyền thống đã định sẵn. Đối với một quan chức riêng lẻ thì mục đích nhà nước biến thành mục đích cá nhân của y, thành việc chạy theo chức tư­ớc, thành việc mưu danh, cầu lợi . Thứ nhất, quan chức riêng lẻ này coi cuộc sống hiện thực là cuộc sống vật chất, vì tinh thần của cuộc sống này có sự tồn tại biệt lập của mình trong cơ cấu quan chức. Vì vậy, cơ cấu quan chức phải ra sức làm cho cuộc sống càng trở nên vật chất hơn thì càng tốt. Thứ hai, cuộc sống hiện thực ấy là cuộc sống vật chất đối với bản thân quan chức, - tức là trong chừng mực nó trở thành đối tượng của hoạt động quan chức của y, - vì tinh thần của cuộc sống này đã được định sẵn cho nó, mục đích của nó nằm bên ngoài nó, sự tồn tại của nó là một sự tồn tại có tính chất bàn giấy. Nhà nước chỉ còn tồn tại d­ưới hình dạng những lực lượng quan chức cụ thể khác nhau, được gắn với nhau bằng sự lệ thuộc và sự phục tùng mù quáng. Đối với người quan chức, khoa học hiện thực là không có nội dung, cũng nh­ư cuộc sống hiện thực là cuộc sống chết, vì tri thức giả này và đời sống giả này được y coi là bản chất thật sự. Vì thế quan chức phải đối xử với nhà nước hiện thực theo tinh thần dòng Tên, không kể là tinh thần dòng Tên ấy có ý thức hay vô ý thức. Nhưng khi đã đối lập với tri thức rồi thì tinh thần dòng Tên ấy tất nhiên cũng phải đạt tới tự ý thức và trở thành tinh thần dòng Tên có ý thức.

Nếu như­, một mặt, cơ cấu quan chức là hiện thân của chủ nghĩa duy vật thô sơ thì mặt khác, nó bộc lộ cái chủ nghĩa duy linh cũng thô sơ nh­ư vậy của nó ở chỗ nó muốn sáng tạo tất cả, tức là ở chỗ nó muốn suy tôn ý chí lên thành causa prima [4], vì sự tồn tại của nó chỉ biểu hiện trong hoạt động, mà nội dung hoạt động thì nó lại nhận được từ bên ngoài; bởi vậy, chỉ thông qua sự hình thành nội dung này và sự giới hạn nội dung này, nó mới có thể chứng minh sự tồn tại của nó. Đối với quan chức, thế giới chẳng qua chỉ là đối tượng hoạt động của y.

Nếu như­ Hê-ghen gọi quyền hành chính là mặt khách quan của chủ quyền vốn có của nhà vua, thì điều này là đúng theo ý nghĩa giống như­ nhà thờ Thiên chúa giáo là sự tồn tại hiện có hiện thực của chủ quyền của cái nhất vị tam thể thần thánh, của nội dung và tinh thần của nó. Trong cơ cấu quan chức, sự đồng nhất giữa lợi ích nhà nước với mục đích riêng t­ư đặc thù được biểu hiện d­ưới hình thức là: lợi ích nhà nước trở thành mục đích riêng tư­ đặc thù, đối lập với những mục đích riêng tư­ khác.

Sự hủy bỏ chế độ quan chức chỉ có thể thực hiện được với điều kiện là lợi ích phổ biến trở thành lợi ích đặc thù trong hiện thực, chứ không chỉ trong tư­ tưởng, trong sự trừu tượng nh­ư ở Hê-ghen, - điều này, đến lượt nó, cũng chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện là lợi ích đặc thù trở thành lợi ích phổ biến trong hiện thực. Hê-ghen xuất phát từ sự đối lập không hiện thực và vì thế, chỉ đi tới sự đồng nhất giả, một sự đồng nhất mà trên thực tế lại chứa đựng sự đối lập trong mình nó. Chế độ quan chức là sự đồng nhất như­ thế.

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét cụ thể hơn tiến trình tư­ tưởng của Hê-ghen.

Định nghĩa triết học duy nhất mà Hê-ghen gán cho quyền hành chính là việc "quy" cái đơn nhất và cái đặc thù vào cái phổ biến v.v..

Hê-ghen tự bằng lòng với điều đó. Một mặt, chúng ta có phạm trù "quy" cái đặc thù v.v.. Phạm trù này cần được thực hiện. Thế là ông ta lấy bất kỳ một sự kiện kinh nghiệm nào đó trong những sự kiện kinh nghiệm của nhà nước Phổ hoặc của một nhà nước hiện đại, sự kiện như­ thế nào, ông lấy y nguyên nh­ư thế), - lấy sự kiện ấy, cùng với mọi sự kiện khác, cũng thực hiện phạm trù đó, mặc dù phạm trù đó không biểu hiện bản chất đặc biệt của sự kiện ấy. Toán học ứng dụng cũng là việc "quy" v.v.. Hê-ghen không tự đặt cho mình câu hỏi: hình thức quy vào này có hợp lý và thích hợp hay không? Ông chỉ bám lấy phạm trù ấy và tự thỏa mãn về chỗ ông đã tìm cho nó một sự kiện tư­ơng ứng. Hê-ghen đem lại một thể xác chính trị cho lô-gích của mình, nhưng ông không tạo ra lô-gích của thể xác chính trị (§287).

Về quan hệ của các nghiệp đoàn, các đoàn thể tự quản với chính phủ, trước hết chúng ta biết rằng việc quản lý chúng (việc thay thế các chức vị trong đó) đòi hỏi "nói chung có sự hỗn hợp việc bầu cử thông thường trong đó những nhân vật hữu quan được tham gia, với việc phê chuẩn và bổ nhiệm của cấp tối cao". Như­ vậy, chế độ tuyển lựa hỗn hợp những đại biểu của các đoàn thể tự quản và nghiệp đoàn là mối quan hệ thứ nhất giữa xã hội công dân và nhà nước hoặc quyền hành chính, là sự đồng nhất thứ nhất của chúng (§288). Bản thân Hê-ghen cũng xem sự đồng nhất này là rất bề ngoài, vì sự đồng nhất đó là mixtum compositum [5], là "sự hỗn hợp". Sự đồng nhất này càng có vẻ bề ngoài bao nhiêu thì sự đối lập nằm bên trong nó càng sâu sắc bấy nhiêu. "Vì những công việc mà họ" (tức các nghiệp đoàn, đoàn thể tự quản, v.v.) "quản lý, một mặt, đụng đến sở hữu tư­ nhânnhững lợi ích của các lĩnh vực đặc thù ấy, và về mặt này quyền uy của họ một phần dựa vào sự tín nhiệm của những thành viên của đẳng cấp họ và của toàn thể đồng bào; vì mặt khác, những giới đó phải phục tùng lợi ích tối cao của nhà nước", - nên mới có cái kết luận nh­ư trên về sự cần thiết phải có "việc tuyển lựa hỗn hợp".

Do vậy, việc quản lý các nghiệp đoàn bao hàm sự đối lập sau đây:

sở hữu tư­ nhân và lợi ích của các lĩnh vực đặc thù chống lại lợi ích tối cao của nhà nước - tức là sự đối lập giữa sởhữu t­ư nhân và nhà nước.

Không cần phải chỉ ra rằng giải quyết sự đối lập đó bằng việc tuyển lựa hỗn hợp chỉ là một sự thỏa hiệp, một sự điều hòa, chỉ là một sự thú nhận rằng nhị nguyên luận chư­a được giải quyết, vì bản thân việc giải quyết này là nhị nguyên luận, là "sự hỗn hợp". Những lợi ích đặc thù của các nghiệp đoàn và đoàn thể tự quản chứa đựng một nhị nguyên luận ở bên trong lĩnh vực riêng của mình; nhị nguyên luận này cũng quyết định như­ vậy tính chất của công việc quản lý của chúng.

Nhưng sự đối lập này, biểu hiện ra một cách quyết liệt nhất trước hết là trong mối quan hệ của “những lợi ích công cộng đặc thù” ấy v.v., những lợi ích "nằm bên ngoài cái phổ biến tồn tại tự nó và cho nó, đang tạo thành lĩnh vực nhà nước", đối với "cái phổ biến tồn tại tự nó và cho nó đang tạo thành lĩnh vực của bản thân nhà nước" ấy. Trước hết, sự đối lập ấy cũng vẫn biểu hiện bên trong lĩnh vực này.

“Việc duy trì lợi ích phổ biến của nhà nước và pháp chế trong những quyền đặc thù ấy và việc quy những quyền đặc thù này vào lợi ích phổ biến của nhà nước và pháp chế, đòi hỏi sự quan tâm từ phía nhữngđại biểu toàn quyền của quyền hành chính, những quan chức nhà nước củaquyền hành phápvà những cơ quan tư vấn tối cao - vì vậy mà được tổ chứcthành những hội đồng- những đại biểu ấy và những cơ quan ấy hợp lại thành cấp cao nhất tiếp xúc với nhà vua" (§289).

Nhân đây chúng ta hãy l­ưu ý tới sự cấu tạo của những hội đồng hành chính, mà ở Pháp không có chẳng hạn. "", ngay từ đầu, Hê-ghen gọi những cơ quan này là "tư­ vấn", "vì vậy" đương nhiên là những cơ quan đó "được tổ chức thành những hội đồng".

Theo Hê-ghen, "bản thân nhà nước", tức "quyền hành chính", thông qua "những đại biểu toàn quyền", bư­ớc vào phạm vi của xã hội công dân để duy trì "lợi ích phổ biến của nhà nước và pháp chế" v.v., và theo ý kiến của Hê-ghen, "những đại biểu toàn quyền của chính phủ”, "những quan chức nhà nước của quyền hành pháp", là "người đại biểu nhà nước chân chính" - không phải của "xã hội công dân", mà "chống lại" "xã hội công dân". Vì thế, sự đối lập giữa nhà nước và xã hội công dân được xác lập. Nhà nước không phải ở trong xã hội công dân, mà ở ngoài xã hội công dân; nhà nước chỉ tiếp xúc với xã hội công dân thông qua "những đại biểu toàn quyền" của mình, những người này được ủy quyền "quan tâm đến nhà nước" trong những lĩnh vực đó. Nhờ có "những đại biểu toàn quyền" này, sự đối lập giữa nhà nước và xã hội công dân không bị thủ tiêu, mà trở thành một sự đối lập "pháp định", "được xác lập một cách vững chắc". "Nhà nước" với tính cách là một cái gì ở thế giới bên kia và xa lạ với bản chất của xã hội công dân, khẳng định bản thân bằng những đại biểu của mình, đối lập với xã hội công dân. "Cảnh sát", "tòa án" và "cơ quan hành chính" không phải là đại biểu của bản thân xã hội công dân, - là xã hội đang thông qua chúng và nằm trong chúng mà bảo vệ lợi ích phổ biến của chính mình, - mà là những đại biểu toàn quyền của nhà nước để quản lý nhà nước chống lại xã hội công dân. Hê-ghen giải thích tường tận sự đối lập này trong lời nhận xét thẳng thắn [đối với §289] đã được xét đến trên đây:

“Công việc của chính phủ mang tính chất khách quan: những công việc này tự bản thân chúng [...] đã được quyết định" (§291).

Phải chăng từ đó Hê-ghen rút ra kết luận cho rằng vì thế mà những công việc của chính phủ lại càng ít đòi hỏi “thang bực của tri thức" hơn, rằng những công việc này hoàn toàn có thể được thực hiện bởi "bản thân xã hội công dân"? Không phải, ngược lại thế.

Ông đư­a ra nhận xét thâm thúy rằng những công việc hành chính ấy chỉ có thể được thực hiện thông qua “những cá nhân”, rằng "giữa những công việc của chính phủ và những cá nhân này, không có mối liên hệ tự nhiên trực tiếp nào", - đó là ám chỉ quyền lực của nhà vua, quyền lực này chẳng qua chỉ là "quyền lực tự nhiên của sự tùy tiện", do đó là một cái gì do "sự sinh đẻ" tạo ra. "Quyền lực nhà vua" chẳng qua chỉ là đại diện của yếu tố tự nhiên trong ý chí, là đại diện của "sự thống trị của bản tính nhục thể trong nhà nước”.

Vì vậy “các quan chức nhà nước của quyền hành pháp" khác về bản chất với "nhà vua" về mặt tiếp nhận những chức vụ của mình.

“Quyết định họ làm việc đó" (điều khiển những công việc nhà nước) "làyếu tố khách quan: tri thức" (sự tùy tiện chủ quan không có yếu tố này). "và bằng chứng về năng lực của mình, - bằng chứng bảo đảm cho nhà nước thỏa mãn nhu cầu đẳng cấp phổ biến của mình và đồng thời đề ra một điều kiện duy nhất khiến chomỗi công dân đều cókhả nănghiến thân mình cho đẳng cấp đó".

Cái khả năng trở thành quan chức nhà nước mà mỗi công dân đều có, là mối quan hệ tích cực thứ hai giữa xã hội công dân và nhà nước, là sự đồng nhất thứ hai. Mối quan hệ này mang tính chất rất bề ngoài và tính chất nhị nguyên luận. Mỗi người theo đạo Thiên chúa đều có khả năng trở thành thầy tu (tức là thoát khỏi người trần và cõi tục). Nhưng lẽ nào điều đó lại cản trở các thầy tu đối diện với tín đồ Thiên chúa giáo với tư­ cách là thế lực của thế giới bên kia? Nói rằng mỗi người đều có khả năng nhận được quyền của một lĩnh vực khác, điều đó chỉ chứng minh rằng lĩnh vực của bản thân người đó không phải là hiện thực của quyền đó mà thôi.

Trong nhà nước chân chính, vấn đề không phải là ở chỗ mỗi công dân có khả năng hiến thân mình cho đẳng cấp phổ biến với tính cách là đẳng cấp đặc thù, mà là ở chỗ đẳng cấp phổ biến ấycó năng lực trở thành đẳng cấp phổ biến thật sự hay không, tức là có năng lực trở thành thân phận1*của mọi công dân hay không. Nhưng tiền đề mà Hê-ghen dùng làm điểm xuất phát lại là đẳng cấp phổ biến - giả, đẳng cấp phổ biến - ảo tưởng, là tính phổ biến đẳng cấp đặc thù.

Sự đồng nhất mà Hê-ghen cấu tạo nên giữa xã hội công dân và nhà nước, là sự đồng nhất của hai đạo quân đối địch nhau, trong đó mỗi người lính đều có “khả năng", bằng con đường "đào ngũ", trở thành thành viên của đạo quân “thù nghịch", và dĩ nhiên là với điều đó Hê-ghen đã mô tả đúng đắn trạng thái kinh nghiệm ngày nay.

Đối với sự cấu tạo của ông về "các cuộc sát hạch” thì cũng vậy. Trong nhà nước hợp lý, việc sát hạch những ai muốn trở thành thợ đóng giày có thể cần hơn việc sát hạch những ai muốn trở thành quan chức nhà nước của quyền hành pháp, vì nghề đóng giày là một kỹ năng mà không có nó thì người ta vẫn có thể trở thành một công dân tốt, một con người xã hội; còn “tri thức nhà nước” cần thiết lại là một điều kiện mà nếu thiếu thì con người tuy sống trong nhà nước, nhưng vẫn ở bên ngoài nhà nước, vẫn tách rời với bản thân, tách rời với không khí. "Sát hạch" chẳng qua chỉ là cái công thức của hội kín, là sự thừa nhận, do pháp luật quy định, tri thức chính trị là một đặc quyền.

“Mối liên hệ” giữa "chức vụ nhà nước" và "cá nhân", vốn là mối liên hệ khách quan giữa tri thức của xã hội công dân và tri thức của nhà nước, - mối liên hệ này, do sát hạch xác lập, chẳng qua chỉ là sự rửa tội của chế độ quan chức đối với tri thức, là sự chứng nhận chính thức về việc tri thức trần tục đã hóa thân thành tri thức thần thánh (trong mỗi kỳ sát hạch, lẽ dĩ nhiên là người giám khảo hiểu biết tất cả). Không hiểu tại sao chúng ta lại không nghe nói rằng những nhà chính trị Hy Lạp và La Mã đã trải qua các kỳsát hạch. Vả lại, so với quan chức Chính phủ Phổ thì nhà hoạt động nhà nước La Mã có nghĩa lý gì!

Bên cạnh mối liên hệ khách quan giữa cá nhân và chức vụ nhà nước, bên cạnh việc sát hạch, còn có một mối liên hệ khác - sự tùy tiện của nhà vua.

"Vì yếu tố khách quan ở đây không phải là thiên tài (nh­ư trong nghệ thuật, chẳng hạn) cho nên nhất định phải có một số nhiều vô kể những người có thể đảm nhiệm chức vụ đó, những người mà ta không thể xác định được một cách tuyệt đối xem ai là người hơn hẳn những người khác. Mặt chủ quan - tức là việc cá nhân này được lựa chọn ra từ số đông ấy, được giao chức vụ và đ­ược ủy quyền quản lý công việc chung, - việc xác lập nh­ư vậy mối liên hệ giữa cá nhân và chức vụ, tức là mối liên hệ giữa hai mặt bao giờ cũng mang tính chất ngẫu nhiên đối với nhau, vẫn là đặc quyền của nhà vua, coi là quyền lực nhà nước có tính quyết định và tối cao".

Nhà vua ở đâu cũng là đại biểu của tính ngẫu nhiên. Ngoài yếu tố khách quan là sự tuyên bố lòng tin mang tính chất quan liêu (việc sát hạch), còn phải có yếu tố chủ quan là ân huệ của nhà vua, thì lòng tin mới mang lại kết quả.

“Những chức năng nhà nước đặc thù mà chế độ quân chủ giao phó cho các cơ quan" (chế độ quân chủ phân chia, chuyển giao những hình thức hoạt động nhà nước đặc thù cho các cơ quan, coi đó là những chức năng của chúng, nó phân bố nhà nước cho các quan chức; nó phân phối những chức năng này như­ nhà thờ La Mã thần thánh phân phối ơn chúa; chế độ quân chủ là một hệ thống tự lưu; chế độ quân chủ cho thuê những chức năng nhà nước), "hợp thành một bộ phận của mặt khách quan của chủ quyền vốn có của nhà vua". Ở đây, lần đầu tiên Hê-ghen phân biệt mặt khách quan của chủ quyền vốn có của nhà vua và mặt chủ quan của nó. Trước đây, ông nhập cục cả hai mặt này làm một. Chủ quyền vốn có của nhà vua ở đây mang một ý nghĩa hoàn toàn thần bí, - giống như­ các nhà thần học thấy giới tự nhiên là thư­ợng đế nhân cách hóa. [Còn trên kia] thì Hê-ghen nói: nhà vua là mặt chủ quan của chủ quyền vốn có của nhà nước (§293).

Trong §294, Hê-ghen rút từ ý niệm ra cái quyền đ­ược hư­ởng lương bổng của quan chức. Ở đây, đối với Hê-ghen, sự đồng nhất thật sự của xã hội công dân và nhà nước chính là ở món lương bổng mà các quan chức lĩnh được, hoặc là ở chỗ công việc phục vụ nhà nước đồng thời bảo đảm tính vững chắc của tồn tại kinh nghiệm. Lương bổng của quan chức - đó là hình thức đồng nhất tối cao mà Hê-ghen rút ra được nhờ sự cấu tạo của mình. Tiền đề của việc biến những công việc nhà nước thành những chức vụ là việc tách rời nhà nước với xã hội. Nếu như­ Hê-ghen viết:

"Phục vụ nhà nước [...] đòi hỏi phải hy sinh việc thỏa mãn một cách độc lập và tùy tiện những mục đích chủ quan" (nhưng mọi việc phục vụ đều đòi hỏi nh­ư vậy), "và chính bằng cách đó mà nó đem lại cái quyền tìm được sự thỏa mãn trong việc thực hiện nh­ững công vụ theo đúng với nghĩa vụ, và chỉ trong việc thực hiện ấy mà thôi. Về mặt này, ở đây, cũng xác lập mối liên hệ giữa lợi ích phổ biến và lợi ích đặc thù; mối liên hệ này hợp thành khái niệm nhà nước về tính vững chắc bên trong của nhà nước".

thì 1) về bất cứ người đầy tớ nào, cũng đều có thể nói nh­ư vậy và 2) đúng là việc bảo đảm lương bổng cho quan chức chính là cái đang nâng đỡ từ bên trong những nước quân chủ hiện nay đang suy tàn. Trong những nước quân chủ ấy, chỉ có đời sống của quan chức là được đảm bảo, ngược lại với đời sống của những thành viên trong xã hội công dân.

Hê-ghen không thể không nhận thấy rằng ông đã cấu tạo quyền hành pháp thành mặt đối lập với xã hội công dân và hơn nữa, thành một cực thống trị. Vậy thì ông khôi phục mối quan hệ đồng nhất như­ thế nào?

Căn cứ theo §295, "việc bảo vệ nhà nước và những kẻ bị lãnh đạo khỏi hành vi lạm quyền của các cơ quan và quan chức", một mặt, nằm ở "thang bực" của họ (làm như­ thể là thang bực không phải là sự lạm dụng chủ yếu và làm nh­ư thể là những tội cá nhân nào đó của quan chức có thể đem so sánh được với những tội tất yếu nảy sinh ra từ thang bực đó; chế độ thang bực trừng phạt quan chức khi quan chức mắc tội vi phạm thang bực hoặc phạm phải cái tội lỗi mà thang bực không cần đến, nhưng thang bực lại bảo vệ quan chức mỗi khi bản thân thang bực phạm tội thông qua quan chức; thêm nữa, thang bực khó mà thấy rõ thành viên này hoặc thành viên khác của nó đã phạm tội). Mặt khác, việc bảo vệ này nằm trong "những quyền của những đoàn thể tự quản, những nghiệp đoàn, vì những quyền ấy tự chúng trở thành những trở ngại không cho đem sự tùy tiện chủ quan xen vào chức quyền đã giao cho các quan chức, và đem sự kiểm tra từ dưới lên bổ sung cho sự kiểm tra từ trên xuống là sự kiểm tra không thể nào nắm hết mọi chi tiết trong hành vi của quan chức" (làm nh­ư thể sự kiểm tra này không được tiến hành theo quan điểm của thang bực quan liêu).

Nh­ư vậy, bảo đảm thứ hai chống lại sự tùy tiện của cơ cấu quan chức nằm trong những đặc quyền của các nghiệp đoàn.

Như­ vậy, khi chúng ta hỏi Hê-ghen rằng cái gì bảo vệ xã hội công dân khỏi bị cơ cấu quan chức xâm phạm thì ông trả lời:

1) "Thang bực" của cơ cấu quan chức. Kiểm tra. Tức là bản thân đối phương bị bó chân bó tay, và nếu nh­ư nó đóng vai trò cái búa đối với cái ở dưới nó thì nó là cái đe đối với cái ở trên nó. Nhưng, bảo đảm chống lại "thang bực" là ở chỗ nào? Hại nhỏ bị hại lớn loại trừ, tất nhiên là theo ý nghĩa hại nhỏ so với hại lớn thì chẳng thấm vào đâu.

2) Sự xung đột, tức là sự xung đột chưa được giải quyết, giữa cơ cấu quan chức và các nghiệp đoàn. Đấu tranh, khả năng đấu tranh, làm đảm bảo để tránh khỏi thất bại. Tiếp đó (§297) Hê-ghen thêm một đảm bảo nữa do "những thể chế của chủ quyền từ trên xuống" mang lại, điều đó cũng vẫn được hiểu là thang bực.

Nhưng Hê-ghen còn chỉ ra hai yếu tố nữa (§296).

Trong bản thân quanchức - và điều này phải bồi dưỡng tinh thần nhân đạo cho quan chức khiến cho "tính vô t­ư, tinh thần tuân thủ luật pháp và thái độ mềm mỏng" trở thành "tập quán" của quan chức - "sự giáo dục trực tiếp về mặt đạo đức và tinh thần" cần phải đóng vai trò "đối lực về mặt tinh thần" chống lại yếu tố máy móc của sự hiểu biết và của "công việc thực tế" của quan chức. Làm nh­ư thể là trong thực tế, không diễn ra điều ngược lại, và "yếu tố mấy móc" của những hiểu biết "quan trường" và của "công việc thực tế" của quan chức không phải là "đối lực" chống lại "sự giáo dục về mặt đạo đức và tinh thần" của quan chức! Và phải chăng tinh thần thực tế và công việc thực tế của quan chức, với tính cách là thực thể, lại không chiến thắng tính ngẫu nhiên của những tài năng khác của hắn? Vì "chức vụ" của quan chức chính là mối quan hệ "thực thể" của quan chức và "bánh mì" của quan chức. Quả là tuyệt vời khi Hê-ghen đem "sự giáo dục trực tiếp về mặt đạo đức và tinh thần" ra đối lập với "yếu tố máy móc của sự hiểu biết và của công việc của quan chức”! Con người trong ông quan phải bảo vệ ông quan ấy khỏi bản thân ông ta. Một sự thống nhất gì vậy! Một sự cân bằng về tinh thần. Quả là một phạm trù nhị nguyên luận tuyệt vời!

Sau đó, Hê-ghen nêu lên "quy mô của nhà nước", nhưng ở Nga quy mô này không tạo ra một bảo đảm nào nhằm ngăn chặn sự vũ đoán của "những quan chức nhà nước của quyền hành pháp"; dù sao, yếu tố cuối cùng này cũng nằm "ngoài" "bản chất" của cơ cấu quan chức.

Đối với Hê-ghen, "quyền hành pháp" được quy thành "toàn thể những công bộc nhà nước".

Ở đây, tức là trong lĩnh vực của "cái phổ biến tồn tại tự nó và cho nó đang tạo thành lĩnh vực của bản thân nhà nước", chúng ta chỉ nhìn thấy những sự xung đột chưa được giải quyết. Sát hạch bánh mì của quan chức là những hợp đề cuối cùng.

Hê-ghen nêu sự bất lực của cơ cấu quan chức,sự xung đột của nó với nghiệp đoàn, thành lý do cao nhất biện hộ cho cơ cấu quan chức.

Trong §297, sự đồng nhất được xác lập trong chừng mực mà "những thành viên của chính phủ và những quan chức nhà nước" là "bộ phận hợp thành chủ yếu của đẳng cấp trung gian". Hê-ghen tán dương "đẳng cấp trung gian" này là "chỗ dựa chủ yếu" của nhà nước "về mặt pháp chế và tri thức" (phần bổ sung vào đoạn được trích).

"Sự hình thành đẳng cấp trung gian này là một trong những lợi ích quan trọng nhất của nhà nước, nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện trong một tổ chức nh­ư tổ chức mà chúng tôi trình bày trên đây, cụ thể là ở nơi nào mà những giới đặc thù nhất định, tương đối độc lập, có được những quyền nhất định, và ở nơi nào có giới quan chức mà sự tùy tiện bị những quyền của các giới đặc thù này làm cho tê liệt".

Tất nhiên, chỉ trong tổ chức đó, nhân dân mới có thể là một đẳng cấp, cụ thể là đẳng cấp trung gian, nhưng phải chăng tổ chức này được dựng trên sự cân bằng của những đặc quyền? Quyền hành pháp là khó diễn dịch nhất. Quyền này thuộc về toàn thể nhân dân với mức độ còn lớn hơn là quyền lập pháp.

Sau đó (trong chú thích của §308) Hê-ghen mới trình bày tinh thần thật sự của chế độ quan chức, khi mệnh danh cho nó là "tính cổ hủ trong công việc" và là "chân trời của một lĩnh vực hạn chế".

(còn nữa)


Do C.Mác viết vào mùa hè năm 1843
Được Viện Mác - Ăng-ghen - Lê-nin - Xta-lin công bố lần đầu tiên bằng tiếng nguyên bản năm 1927
In theo bản thảo
Nguyên văn là tiếng Đức


Nguồn: C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập. Tập 1 (1842-1844). Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, 1995. Bản điện tử: https://www.cpv.org.vn

[1]
- chiến tranh của tất cả chống lại tất cả.

[2]- Chỉ có thế thôi

[3]*- nhà nước thầy tu.

[4] - nguyên nhân đầu tiên

[5]- sự hỗn hợp phức tạp

1*Cách chơi chữ "Stand" có nghĩa là "đẳng cấp" và cũng có nghĩa là "thân phận".
 
GÓP PHẦN PHÊ PHÁN TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN CỦA HEGEL [Phần 4]


K. Marx và F. Engels
TOÀN TẬP, Tập 1 (1842-1844)
Nxb. Chính trị quốc gia, 1995
--- o0o ---

GÓP PHẦN PHÊ PHÁN TRIẾT HỌC PHÁP QUYỀN CỦA HEGEL

Karl Mar


c) QUYỀN LẬP PHÁP


§298. "Quyền lập pháp có quan hệ với chính bản thân luật pháp trong chừng mực luật pháp được quy định tiếp, và với những công việchoàn toàn phổ biến" (một lối nói hết sức chung chung!) "mà xét về nội dung thì có tính chấtđối nội. Bản thân quyền lập pháp này làmột bộ phận của chế độ nhà nước, tức là của cái chế độ làm tiền đề cho quyền đó, và vì vậy mà bản thân nó đứng ngoài phạm vi tính quy định trực tiếp của quyền lập pháp; nhưng lại được tiếp tục phát trịển trong việc hoàn thiện luật pháp và trong sự vận động tiến lên vốn có của những công việc hành chính phổ biến".

Điều trước tiên đập vào mắt chúng ta là: ở đây Hê-ghen nhấn mạnh rằng "bản thân quyền lập pháp này là một bộ phận của chế độ nhà nước, tức là của cái chế độ làm tiền đề cho quyền lập pháp và vì vậy mà bản thân nó đứng ngoài phạm vi tính quy định trực tiếp của quyền lập pháp", trong lúc đó thì ông thấy không cần phải nhận xét như­ vậy về quyền lực nhà vua và quyền hành pháp, mặc dầu nhận xét đó ở kia cũng đúng không kém gì ở đây. Nhưng sau đó, Hê-ghen chỉ cấu tạo ra chế độ nhà nước về toàn bộ, và cũng vì thế mà không thể coi chế độ này là tiền đề. Tuy vậy, sự sâu sắc của Hê-ghen cũng chính là ở chỗ, bất cứ ở đâu ông cũng xuất phát từ sự đối lập của những tính quy định (dưới cái dạng mà chúng đang tồn tại trong các quốc gia chúng ta) và nhấn mạnh sự đối lập đó.

"Bản thân quyền lập pháp này là một bộ phận của chế độ nhà nước", "bản thân" chế độ nhà nước này "đứng ngoài phạm vi tính quy định trực tiếp của quyền lập pháp". Nhưng ngay cả chế độ nhà nước cũng không nảy sinh ra từ bản thân. Những luật pháp "cần được quy định tiếp", ắt phải được xác lập ngay từ đầu. Quyền lập pháp phải tồn tại - hoặc đã phải tồn tại - trước khi có chế độ nhà nước và ở bên ngoài chế độ nhà nước. Thành thử quyền lập pháp phải tồn tại ngoài quyền lập pháp hiện thực, có tính chất kinh nghiệm, đã được xác lập. Về vấn đề này, có thể Hê-ghen sẽ trả lời: chúng tôi xuất phát từ một nhà nước hiện đang tồn tại. Nhưng Hê-ghen lại là một nhà triết học pháp quyền và phát triển khái niệm loài của nhà nước. Vì vậy ông ta không nên lấy cái đang tồn tại để đo ý niệm, mà phải lấy ý niệm để đo cái đang tồn tại.

Sự xung đột ở đây thật là đơn giản. Quyền lập pháp là quyền lực phải tổ chức cái phổ biến. Nó là quyền lực phải thiết lập chế độ nhà nước. Nó cao hơn chế độ nhà nước.

Nhưng mặt khác, quyền lập pháp lại là quyền lực được xác lập phù hợp với chế độ nhà nước. Vì thế, nó phải phụ thuộc vào chếđộ nhà nước. Chế độ nhà nước là luật pháp đối với quyền lập pháp. Chế độ nhà nước đã cung cấp luật pháp cho quyền lập pháp và đang cung cấp luật pháp cho quyền lập pháp một cách thường xuyên. Quyền lập pháp chỉ là quyền lập pháp trong giới hạn của chế độ nhà nước, còn chế độ nhà nước sẽ đứng hors de loi [1] nếu nh­ư nó đứng ngoài quyền lập pháp. Voilà la collison [2]! Suốt thời kỳ lịch sử hiện đại của nước Pháp, người ta đã đau đầu nhức óc không ít khi tìm cách giải quyết sự xung đột này.

Hê-ghen giải quyết sự tương phản này như­ thế nào?

Thoạt đầu, ông viết:

Chế độ nhà nước"tiền đề" của quyền lập pháp; "vì vậy, bản thân nó đứng ở ngoài phạm vi tính quy định trực tiếp của quyền lập pháp".

"Nhưng"... nhưng "trong việc hoàn thiện luật pháp và trong sự vận động tiến lên vốn có của những công việc hành chính phổ biến", chế độ nhà nước "được tiếp tục phát triển".

Vậy điều ấy có nghĩa là chế độ nhà nước trực tiếp nằm ở ngoài lĩnh vực của quyền lập pháp, nhưng quyền lập pháp lại làm thay đổi chế độ nhà nước một cách gián tiếp. Bằng những con đường vòng, quyền lập pháp đạt tới chỗ mà nó không thể và không có quyền đạt tới bằng con đường thẳng. Nó xé chế độ nhà nước ra thành từng mảnh một, vì nó không thể thay đổi được toàn bộ chế độ nhà nước. Do bản chất của sự vật và của những mối quan hệ, quyền lập pháp làm điều mà xét theo ý nghĩa của chế độ nhà nước thì nó không nên làm. Nó làm một cách vật­ chất, trên thực tế, điều mà theo hiến pháp, nó không thể làm được một cách hình thức, dưới hình thức luật pháp.

Với điều ấy Hê-ghen không xóa bỏ được sự tương phản đó: ông đã biến sự tương phản này thành sự tương phản khác, thành sự tương phản giữa tác dụng của quyền lập pháp, tác dụng hợp pháp xét theo quan điểm của chế độ nhà nước hiện hành, với sứ mệnh của nó là phát triển chế độ nhà nước. Mâu thuẫn giữa chế độ nhà nước và quyền lập pháp vẫn còn tồn tại. Theo quy định của Hê-ghen thì có sự mâu thuẫn giữa tác dụng thực tế và tác dụng hợp pháp của quyền lập pháp, hay giữa cái mà lẽ ra quyền lập pháp phải trở thành, với cái mà trong thực tế nó đã trở thành, giữa điều mà bản thân nó muốn làm với điều mà nó thực tế đang làm.

Hê-ghen làm sao có thể mạo nhận mâu thuẫn này là chân lý được? "Sự vận động tiến lên vốn có của những công việc hành chính phổ biến" cũng chẳng giải thích gì được vấn đề, vì chính sự vận động tiến lên ấy đang đòi hỏi phải được giải thích.

Trong phần bổ sung, Hê-ghen không nêu lên được điều gì để giải quyết khó khăn, trái lại còn làm cho khó khăn ấy bộc lộ ra rõ rệt hơn nữa.

"Chế độ nhà nước tự nó phải là cơ sở vững chắc được mọi người thừa nhận, trên đó xây dựng quyền lập pháp, và vì thế nó không phải do quyền lập pháp sản sinh ra. Do đó, chế độ nhà nước tồn tại, nhưng đồng thời nó cũng đang hình thành một cách cũng bản chất như vậy, tức là nó vận động tiến lên trong sự hình thành của mình. S­ự vận động tiến lên này là mộtsự biến đổi, một sự biến đổi không trông thấy được và không cóhình thức biến đổi.

Nói cách khác là: theo quan điểm luật pháp (trong ảo giác), thì chế độ nhà nước tồn tại, nhưng trong thực tế (thực ra) thì nó đang hình thành. Theo sứ mệnh của nó, nó không biến đổi, nhưng trong thực tế thì nó đang biến đổi, chỉ có điều là sự biến đổi này được thực hiện một cách không có ý thức, không có hình thức biến đổi. Bề ngoài mâu thuẫn với bản chất. Ở đây luật pháp được đặt ra một cách có ý thức của chế độ nhà nước là bề ngoài, còn bản chất là quy luật vô ý thức của nó, mâu thuẫn với luật pháp nói trên. Luật pháp được đặt ra một cách có ý thức ở đây không biểu hiện bản chất của sự vật; ngược lại, nó là mặt đối lập với bản chất đó.

Nói rằng thống trị trong cái nhà nước mà theo Hê-ghen là sự tồn tại hiện có tối cao của tự do, là sự tồn tại hiện có của lý tính đã nhận thức được bản thân mình, thì không phải là luật pháp, không phải là sự tồn tại hiện có của tự do, mà là tính tất yếu tự nhiên mù quáng, - nói như­ thế có đúng không? Và nếu nhận thức rằng quy luật của sự vật mâu thuẫn với quy định của nó trong lập pháp, thì tại sao lại không thừa nhận rằng quy luật của bản thân sự vật, tức quy luật của lý tính, cũng là luật pháp nhà nước? Làm sao lại có thể cố tình bám lấy nhị nguyên luận? Bất cứ ở đâu Hê-ghen cũng ra sức trình bày nhà nước là sự thực hiện của tinh thần tự do, nhưng re vera [3]ông thông qua tính tất yếu tự nhiên đối lập với tự do, để thoát khỏi tất cả những sự xung đột nan giải. Cũng vậy, sự chuyển hóa của lợi ích đặc thù thành lợi ích phố biến không phải được thực hiện một cách có ý thức thông qua luật pháp nhà nước, mà được thực hiện chống lại ý thức, tức là một sự chuyển hóa do tính ngẫu nhiên làm môi giới, - nhưng ở đâu Hê-ghen cũng vẫn cứ muốn thấy nhà nước là sự thực hiện của ý chí tự do! (Quan điểm thực thể của Hê-ghen biểu lộ ra ở đó).

Những thí dụ về sự biến đổi tiệm tiến của chế độ nhà nước mà Hê-ghen dẫn ra thì rất không đạt. Ví dụ, ông chỉ ra rằng sở hữu của các vương hầu Đức và gia đình họ, từ những lãnh địa tư­ nhân, đã biến thành địa sản nhà nước, rằng việc vua Đức tự mình xét xử đã biến thành việc xét xử thông qua những người được ủy nhiệm. Sự chuyển hóa thứ nhất chỉ là ở chỗ tất cả những gì trước kia thuộc về sở hữu nhà nước, nay đã trở thành sở hữu t­ư nhân của các vương hầu.

Thêm vào đó, tất cả những sự biến đổi ấy chỉ có tính chất cục bộ. Thật ra, trong cả một loạt quốc gia, chế độ đã thay đổi bằng cách là những nhu cầu mới dần dần xuất hiện, cái cũ bị tan rã, v.v., nhưng muốn thiết lập chế độ nhà nước mới thì bao giờ cũng cần một cuộc cách mạng thật sự.

"Vì vậy sự phát trịển tiếp tục của một trạng thái nào đó", - Hê-ghen kết luận, - "là một sự vận động bình thản, nhìn bề ngoài thì không thấy được. Sau một thời gian dài, chế độ nhà nước trở thành hoàn toàn khác so với trước".

Phạm trù chuyển hóa tiệm tiến thì, một là, không đúng về mặt lịch sử, và hai là, không giải thích được điều gì cả.

Muốn cho chế độ nhà nước không phải chịu những sự biến đổi, muốn cho cái bề ngoài giả tưởng ấy cuối cùng không bi bạo lực đập nát, muốn cho con ng­ười làm một cách có ý thức những điều họ thường làm một cách vô ý thức vì bị bản tính của sự vật buộc phải làm, - thì cần phải làm cho sự vận động của chế độ nhà nước, tức sự vận động tiến lên của nó, trở thành nguyên tắc của chế độ nhà nước, do đó cần phải làm sao cho người thật sự đại biểu chế độ nhà nước, tức là nhân dân, trở thành nguyên tắc của chế độ nhà nước. Bản thân sự tiến bộ lúc đó cũng là chế độ nhà nước.

Bản thân “chế độ nhà nước" có cần phải được đặt dưới sự chi phối của "quyền lập pháp" không? Loại vấn đề nh­ư thế chỉ có thể nảy ra: 1) khi nhà nước chính trị tồn tại nh­ư chủ nghĩa hình thức giản đơn của nhà nước hiện thực, khi nhà nước chính trị là lĩnh vực biệt lập, khi nhà nước chính trị là "chế độ nhà nước"; 2) khi quyền lập pháp có một nguồn gốc khác với quyền hành chính, v.v..

Quyền lập pháp đã hoàn thành cuộc cách mạng Pháp. Phàm ở nơi nào và quyền lập pháp xuất hiện dưới tính chất đặc thù của nó thành một nguyên lý thống trị, thì nó thực hiện được những cuộc cách mạng phổ biến hữu cơ vĩ đại. Chính vì quyền lập pháp lúc bấy giờ đã là người đại biểu của nhân dân, của ý chí loài, chonên nó đã đấu tranh không phải chống lại chế độ nhà nước nói chung, mà là chống lại chế độ nhà nước đặc thù, già cỗi. Quyền hành chính thì ngược lại đã thực hiện những cuộc cách mạng nhỏ nhặt, những cuộc cách mạng phản tiến bộ, những cuộc biến cách phản động. Chính vì quyền hành chính là người đại biểu của ý chí đặc thù, của sự tùy tiện chủ quan, của bộ phận ảo thuật của ý chí, cho nên nó đã đấu tranh không phải cho hiến pháp mới và chống lại hiến pháp cũ, mà là chống lại hiến pháp nói chung.

Nếu như­ câu hỏi được nêu lên một cách đúng đắn thì nó chỉ là như­ sau: nhân dân có được quyền tạo ra cho mình một chế độ nhà nước mới hay không? Về câu hỏi này, cần phải trả lời một cách tuyệt đối khẳng định, vì chế độ nhà nước, một khi không còn là biểu hiện thật sự của ý chí của nhân dân nữa thì trở thành một cái hữu danh vô thực.

Sự xung đột giữa chế độ nhà nước và quyền lập pháp chẳng qua chỉ là - sự xung đột của nhà nước với bản thân mình, là sự mâu thuẫn trong khái niệm chế độ nhà nước.

Chế độ nhà nước chẳng qua chỉ là sự thỏa hiệp giữa nhà nước chính trị và nhà nước không chính trị; vì thế, bản thân nó nhất thiết phải là sự thỏa thuận giữa những thế lực về bản chất không cùng loại. Do đó, ở đây, luật pháp không thể quyết định rằng một trong những thế lực đó, tức là một bộ phận của chế độ nhà nước, lại được quyền thay đổi bản thân chế độ nhà nước, thay đổi tổng thể.

Nếu nói về chế độ nhà nước như­ là về một cái gì đặc thù thì nên coi nó là một bộ phận của tổng thể còn hơn.

Còn nếu hiểu chế độ nhà nước là những tính quy định phổ biến, những tính quy định căn bản của ý chí hợp lý thì lẽ dĩ nhiên, rõ ràng là mỗi dân tộc (nhà nước) đều có những tính quy định đó làm tiền đề, và những tính quy định này phải cấu thành credo [4] chính trị của dân tộc ấy. Nói cho đúng ra, đây là vấn đề của tri thức, chứ không phải của ý chí. Giống nh­ư ý chí của cá nhân, ý chí của dân tộc cũng không thể v­ượt ra ngoài giới hạn của những quy luật của lý tính. Ởmột dân tộc không có lý tính thì nói chung, không thể nói đến một tổ chức nhà nước hợp lý tính. Hơn thế nữa, ở đây, trong triết học pháp quyền, chúng ta đề cập tới ý chí loài.

Quyền lập pháp không tạo ra luật pháp, - nó chỉ phát hiện và nêu luật pháp.

Người ta đã mư­u toan giải quyết mâu thuẫn này bằng những sự phân biệt giữa assemblée constituante [5] và assemblée constituée [6].

§299. "Đối với cá nhân, những đối t­ượng này" (đối tư­ợng của quyền lập pháp) "được quy định một cách chính xác hơn về hai mặt: a) một mặt là cá nhân được hưởng những gì củanhà nướcvà có thể nhờ nhà nước mà hưởng những gì. β) mặt khác là họ phải đóng góp gì cho nhà nước. Mặt thứ nhất bao gồm những luật thuộc về lĩnh vực t­ư pháp nói chung, những quyền của các đoàn thể tự quản và nghiệp đoàn, và những thể chế hoàn toàn chung, còn gián tiếp (§298) thì bao gồm toànbộ chế độ nhà nước. Còn cái [mà cá nhân] phải đóng góp cho nhà nước thì chỉ có thể được quy định một cách công bằng - vàđồng thời được quy định sao chonhững công việc và những sự phục vụ đặc thù mà cá nhân có khả năng hoàn thành, đều được thông qua ý chí riêng của họ - trong trường hợp cái đó được chuỵển thành tiền, tức làthành giá trị phổ biến hiện hành của các vật và của những sự phục vụ”.

Bản thân Hê-ghen đã nói về việc quy định như­ thế những đối tượng của quyền lập pháp, trong lời chú thích sau đây cho đoạn ấy:

"Cái gì phải là đối tượng của quyền lập pháp phổ biến và cái gì cần phải giao cho cơ quan hành chính và giao cho chính phủ điều tiết nói chung, thì thực ra, về đại thể, có thể phân chia như­ sau: lĩnh vực đầu bao gồm những cái mà theo nội dung của chúng là hoàn toàn phổ biến, cụ thể là những quy định của luật pháp: lĩnh vự­c sau bao gồm cái đặc thù và phư­ơng thức thực hiện. Nhưng sự phân chia này không phải là hoàn toàn cố định, vì luật pháp, nếu muốn thành luật pháp, chứ không phải thành điều răn giản đơn nói chung (ví dụ như­ "chớ giết người"), thì cần phải được minh định trong bản thân nó, và luật pháp càng được minh định thì nội dung củanó càng dễ dàng đạt tới chỗ là nó có thể được thực hiện dưới cái dạng mà nó đang tồn tại. Nhưng đồng thời tính quy định quá rành mạch nh­ư thế có thể đem lại cho luật pháp cái mặt kinh nghiệm là mặt sẽ phải bị biến dạng đi trong quá trình chấp hành thực tế, nh­ư vậy sẽ vi phạm tính chất của luật pháp. Cũng một tinh thần ấy vừa xác lập cái phổ biến, lại vừa làm chocái phổ biến mang ­tính hiện thực xác định và thực hiện cáiphổ biến ấy: đó chính là sựthống nhất hữu cơ của các quyền lực nhà nước".

Nhưng chính Hê-ghen lại không cấu tạo ra sự thống nhất hữu cơ này. Ông cho rằng những quyền lực khác nhau có những nguyên tắc khác nhau. Hơn thế nữa, những quyền lực này là tính hiện thực vững chắc. Vì thế, khi Hê-ghen lẩn vào "sự thống nhất hữu cơ" giả tưởng để tránh sự xung đột hiện thực giữa những quyền lực đó, trong lúc lẽ ra phải vạch rõ những quyền lực ấy là những yếu tố của sự thống nhất hữu cơ, thì đó chỉ là một lối nói quanh co thần bí rỗng tuếch.

Xung đột thứ nhất chưa được giải quyết là xung đột giữa toàn bộ chế độ nhà nước với quyền lập pháp. Xung đột thứ hai chưa được giải quyết là xung đột giữa quyền lập pháp quyền hành chính, giữa luật pháp và sự thi hành luật pháp.

Tính quy định thứ hai nêu trong đoạn văn này là: sự phục vụ duy nhất mà nhà nước đòi hỏi ở cá nhân là tiền.

Những căn cứ được Hê-ghen dẫn ra để bênh vực luận điểm này là:

1) tiền là giá trị phổ biến hiện hành của các vật và của những sự phục vụ;
2) cái cần thực hiện, chỉ có thể được quy đinh một cách công bằng bằng cách chuyển nó thành tiền;
3) chỉ bằng cách đó thì hoạt động đã làm mới có thể được quy định sao cho những công việc và những sự phục vụ đặc thù mà cá nhân phải làm, đều được thông qua ý chí riêng của cá nhân.

Hê-ghen viết trong lời chú thích:

Chú thích cho điểm 1. "Mới thoạt nhìn, người ta có thể lấy làm lạ rằng đối với vô số tài cán, sản nghiệp, hoạt động, tài năng, và những của cải sống, đa dạng, bao hàm ở trong chúng và đồng thời gắn liền với ý hướng chính trị, thì nhà nước không yêu cầu những đảm phụ trực tiếp, mà chỉ đòi hỏi một của cải duy nhất, biểu hiện dưới dạng tiền. Những đảm phụ thuộc về việc bảo vệ nhà nước khỏi bị kẻ thù xâm phạm thì nằm trong số những đảm phụ sẽ được nghiên cứu trong phần sau (không phải vì điều đó sẽ được nghiên cứu trong phần sau, mà vì những lý do khác, cho nên chỉ sau này chúng tôi mới bàn đến nghĩa vụ binh dịch của cá nhân).

"Song thật ra, tiền không phải là một thứ của cải đặc thù bên cạnh những của cải khác, mà là hình thức phổ biến của tất cả những của cải ấy, trong chừng mực mà chúng đạt tới một sự tồn tại ở bên ngoài, với tính cách là một vật". Hê-ghen nói tiếp trong đoạn bổ sung:"Nhà nước mua của chúng ta cái mà nó cần đến”.

Chú thích cho điểm 2. "Chỉ ở cái giai đoạn bên ngoài cùng cực ấy” (tức là ở giai đoạn mà của cải đạt tới một sự tồn tại bên ngoài, với tính cách là mộtvật) "thì đảm phụ mới có thể có được tí­nh quy định về lượng, do đó mới công bằng và bình đẳng". Trong đoạn bổ sung lại nói: "Song thông qua tiền thìtính chất công bằng của sự bình đẳng mới có thể được thực hiện một cách tốt đẹp nhất". “Nếu như­ mọi cái đều tùy thuộc vào năng lực cụ thể thì người có tài năng sẽ phải nộp thuế nặng hơn người không có tài".

Chú thích cho điểm 3. "Trong các nhà nước của Pla-tôn, những nhân vật đứng đầu phân chia các cá nhân thành đẳng cấp và giao cho họ những nhiệm vụ đặc thù [...]: trong nước quân chủ phong kiến, các chư­ hầu phải gánh vác những sự phục vụ không xác định, cũng nh­ư những sự phục vụ xác định theo tính đặc thù của chúng, ví dụ như tiến hành xét xử v.v.: những đảm phụ đã tiến hành ở ph­ương Đông, ở Ai Cập, để dựng lên những công trình đồ sộ v.v. cũng có cái chất đặc thù v.v..Trong tất cả những điều kiện đó, đều không có cái nguyên tắc tự do chủ quan đòi hoạt động có tính thực thể của cá nhân -theo nội dung của nó, hoạt động này trong những sự phục vụ ấy và tự bản thân nó là một cái gì đặc thù - phải thông qua ý chí đặc thù của cá nhân: đó là một thứ quyền chỉ có thể thực hiện được thông qua yêu sách đòi thực hiện các đảm phụ dưới hình thức giá trị phổ biến, và đó chính là nguyên nhân đã gây nên sự chuyển hóa ấy". Trong đoạn bổ sung có nói: "Nhà nước mua của chúng ta cái mà nó cần đến, điều đó mới thoạt nhìn thì có thể hình như là trừu tượng, chết chóc và vô lương lâm, vàcũng có thể hình nh­ư là nhà nước bị rơi xuống rất thấp vì tự thỏa mãn với những sự phục vụ trừu tượng. Nhưng nguyên tắc nhà nước hiện đại là: tất cả việc gì mà cá nhân làm, đều được thông qua ý chí của cá nhân". "...Nhưng sự tôn trọng đối với tự do chủ quan chính là ở chỗ: chỉ đến với mỗi người từ phía có thể đến được với người đó".

Anh muốn làm gì thì cứ làm - chỉ cần bỏ tiền ra thôi!

Mở đầu, đoạn bổ sung viết:

“Hai mặt của chế độ nhà nước là những quyền hạn và nghĩa vụ của cá nhân, mà nghĩa vụ thì bây giờ hầu hết được chuyển thành tiền. Nghĩa vụ binh dịch bây giờ hầu nh­ư là nghĩa vụ cá nhân duy nhất".

§300. “Trong quyền lập pháp, với tính cách là tổng thể, trước hết có hai yếu tố khác có hiệu nghiệm: yếu tố quân chủ, với tính cách là yếu tố nắm giữ sự quyết định tối cao: với tính cách là yếu tố t­ư vấn thì có quyền hành chính, là cái biết cụ thể và khái quát được cácmặt muôn màu muôn vẻ của tổng thể với những nguyên tắc cơ bản hiện thực được kết tinh trong tổng thể, đặc biệt là biết rõ những nhu cầu của quyền lực nhà nước: và cuối cùng là yếu tố đẳng cấp".

Quyền nhà vua và quyền hành chính cấu thành... quyền lập pháp. Nhưng nếu quyền lập pháp là tổng thể thì ngược lại, quyền nhà vua và quyền hành chính phải là những yếu tố của quyền lập pháp. Yếu tố đẳng cấp, thêm vào những yếu tố trên, cũng vẫn chỉ là quyền lập pháp, hoặc là quyền lập pháp trong sự phân biệt giữa nó với quyền nhà vua và quyền hành chính.

§301. “Mục đích của yếu tố đẳng cấp là ở chỗ làm cho trong yếu tố đó công việc phổ biến có được không những một sự­ tồn tại tự nó, mà cả một sự­ tồn tại cho nó nữa, nghĩa là làm cho yếu tố tự do hình thức chủ quan - tức ý thức của công chúng, với tính cách là tính phổ biến có tính chất kinh nghiệm của những quan điểm và tư­ tưởng của nhiều người - tồn tại ở trong nó".

Yếu tố đẳng cấp là đại biểu của xã hội công dân đối với nhà nước là cái đứng đối diện với xã hội công dân với tư­ cách là "nhiều người". "Nhiều người" này trong một lúc phải tiến hành một cách có ý thức những công việc chung, coi như­ những công việc riêngcủa mình, như­ đối tượng của ý thức công chúng, mà theo Hê-ghen thì đó chẳng qua chỉ là tính phổ biến có tính chất kinh nghiệm của những quan điểm và t­ư tưởng của "nhiều người" (trong các chế độ quân chủ hiện đại, kể cả chế độ quân chủ lập hiến, tình hình thực tế chính là nh­ư vậy). Điều đáng chú ý là Hê-ghen, một người hết sức bái phục tinh thần nhà nước, tinh thần đạo đức, ý thức nhà nước, lại tuyệt đối coi khinh những cái đó, khi chúng xuất hiện trước mắt ông dưới hình thức kinh nghiệm hiện thực.

Đó chính là điều bí ẩn của chủ nghĩa thần bí. Cũng vẫn sự trừu tượng h­ư ảo ấy - sự trừu tượng cho rằng ý thức nhà nước là hình thức chế độ quan chức không thích hợp, tức hình thức thang bậc của tri thức và thừa nhận một cách không phê phán sự tồn tại không thích hợp đó là sự tồn tại hiện thực và hoàn toàn giá trị, - cũng vẫn sự trừu tượng hư­ ảo ấy bình thản thừa nhận rằng tinh thần kinh nghiệm, hiện thực của nhà nước, tức ý thức công chúng, đơn thuần là một món hổ lốn những "quan điểm và t­ư tưởng của nhiều người". Giống nh­ư sự trừu tượng đó đã lén đ­ưa vào cơ cấu quan chức cái bản chất xa lạ với cơ cấu ấy, nó cũng cung cấp cho bản chất hiện thực cái hình thức biểu hiện không phù hợp với bản chất ấy. Hê-ghen biến bộ máy quan liêu thành một cái có tính chất ý tưởng, và biến ý thức công chúng thành một cái có tính chất kinh nghiệm. Ông có thể coi ý thức công chúng hiện thực là ý thức hoàn toàn đặc thù, chính vì ông đã nâng ý thức đặc thù lên hàng ý thức công chúng. Hê-ghen lại càng ít đoái hoài tới sự tồn tại hiện thực của tinh thần nhà nước, vì ông tin rằng ông đã thực hiện được đầy đủ tinh thần này trong cái gọi là những hình thức tồn tại của nó. Khi tinh thần nhà nước, nh­ư một bóng ma thần bí, đang lởn vởn ở ng­ưỡng cửa, thì nó được người ta cúi chào đủ mọi cách, - còn ở đây, nơi mà ta có thể sờ thấy nó bằng tay, thì người ta hầu nh­ư không nhận thấy nó.

"Mục đích của yếu tố đẳng cấp là ở chỗ làm cho trong yếu tố đó công việc phổ biến có được không những mặt tồn tại tự , màcả một sự tồn tại cho nó nữa". Và công việc phổ biến ấy có được một sự tồn tại cho nó, với tính cách là "ý thức công chúng", "với tính cách là tính phổ biến có tính chất kinh nghiệm của những quan điểm và t­ư tưởng của nhiều người".

Sự chuyển hóa của "công việc phổ biến" thành chủ thể, do đó thành một cái gì độc lập, - sự chuyển hóa đó được hình dung ở đây nh­ư là một nhân tố của quá trình sống của "công việc phổ biến". Đáng lẽ những chủ thể phải được khách thể hóa thành "công việc phổ biến", thì ở Hê-ghen chính bản thân "công việc phổ biến" lại trở thành chủ thể. Ở Hê-ghen, không phải chủ thể cần đến "công việc phổ biến", coi là công việc thật sự của mình, mà "công việc phổ biến" cần đến những chủ thể, coi là sự tồn tại hình thức của mình. Đối với công việc phổ biến, thì việc nó cần phải tồn tại với t­ư cách là chủ thể, là một việc cực kỳ quan trọng.

Ở đây, điều cần đặc biệt chú ý là sự khác biệt giữa "tồn tại tự nó" "tồn tại cho nó" của "công việc phổ biến".

"Công việc phổ biến" đã tồn tại "tự nó" với tính cách là công việc hành chính, v.v.. Nó tồn tại nhưng nó không phải là công việc phổ biến trong thực tế. Nó hoàn toàn không phải là công việc phổ biến, vì nó không phải là công việc của "xã hội công dân". Nó đã tìm được sự tồn tại "bản chất", sự tồn tại tự nó của bản thân nó. Cho rằng ngoài ra, nó còn trở thành "ý thức công chúng" thật sự, tức "tính phổ biến kinh nghiệm", - thì đó chỉ là một yếu tố thuần túy hình thức, có được tính hiện thực d­ường nh­ư chỉ là tượng trư­ng mà thôi. Tồn tại "hình thức", hoặc tồn tại “kinh nghiệm" của công việc phổ biến là tách rời với tồn tại thực thể của nó. Ý nghĩa thật sự của tất cả những điều ấy là nh­ư sau: "công việc phổ biến" tự nó không phải là công việc phổ biến thật sự, còn công việc phổ biến kinh nghiệm thật sự thì chỉ có tính chất hình thức mà thôi.

Hê-ghen tách nội dung khỏi hình thức, tách "tồn tại tự nó" khỏi "tồn tại cho ", và "tồn tại cho nó" chỉ được Hê-ghen đ­ưatừ bên ngoài vào làm yếu tố hình thức mà thôi. Ở Hê-ghen, nội dung dưới dạng có sẵn tồn tại dưới nhiều hình thức, nhưng những hình thức này không phải là hình thức của nội dung đó; rất dễ thấy rằng cái hình thức mà hiện giờ phải có cái ý nghĩa hình thức thật sự của nội dung, thì lại không có cái nội dung thật sự làm nội dung của mình.

Công việc phổ biến là một cái gì đã có sẵn, vốn không phải là công việc thật sự của nhân dân. Công việc thật sự của nhân dân đã được thực hiện không cần đến sự giúp sức của nhân dân. Yếu tố đẳng cấp là sự tồn tại hư­ ảo của những công việc nhà nước, với tính cách là công việc của nhân dân. Cho rằng công việc phổ biến là công việc phổ biến, là công việc công cộng, thì đó là một ảo tưởng; hoặc cho rằng công việc của nhân dân là công việc phổ biến, thì đó là một ảo tưởng. Trong các nhà nước của chúng ta, cũng như­ trong triết học pháp quyền của Hê-ghen, tình hình đã đi quá xa đến nỗi câu nói trùng lắp "công việc phổ biến là công việc phổ biến" chỉ có thể xuất hiện với tính cách là một ảo tưởng của ý thức thực tiễn mà thôi. Yếu tố đẳng cấp ảo tưởng chính trị của xã hội công dân. Ở Hê-ghen, tự do chủ quan thể hiện ra là tự do hình thức (đư­ơng nhiên, điều quan trọng là làm sao cho tự do được thực hiện một cách tự do, là làm sao cho tự do thống trị không phải với t­ư cách là bản năng tự nhiên vô ý thức của xã hội) chính là vì tự do khách quan không được ông quan niệm là sự thực hiện của tự do chủ quan, là biểu hiện thực tế của tự do chủ quan. Vì Hê-ghen đã khoác cho nội dung giả định hoặc nội dung thực tế của tự do một hình thức thần bí, cho nên chủ thể thực sự của tự do, ở ông, có một ý nghĩa hình thức

Việc tách phạm trù tự nó ra khỏi phạm trù cho nó, tách bản chất khỏi chủ thể, là chủ nghĩa thần bí trừu tượng.

Trong chú thích, Hê-ghen coi một cách hoàn toàn rõ ràng "yếu tố đẳng cấp" là một cái gì "hình thức" và "ảo tư­ởng".

Tri thức, cũng nh­ư ý chí của "yếu tố đẳng cấp", thì một phần không có ý nghĩa, một phần đáng hoài nghi; nghĩa là yếu tố đẳng cấp không phải là sự bổ sung có nội dung.

1) "Cái quan niệm cho rằng sự tất yếu và tính hữu ích của cạnh tranh giữa các đẳng cấp nảy sinh trước tiên trong ý thức hàng ngày, - quan niệm ấy chủ yếu là ở chỗ dường nh­ư các đại biểu của nhân dân hoặc thậm chí bản thân nhân dân nữa, đều nhất định hiểu rõ nhất điều gì có lợi cho nhân dân, và dường nh­ư nhân dân có cái ý chí kiên định thực hiện điều tốt nhất đó. Về điểm thứ nhất thì sự thực lại ngược lại, nhân dân, - vì từ này chỉ một bộ phận đặc thù của những thành viên của nhà nước, - là một bộ phận không biết mình muốn gì. Hiểu biết mình muốn gì, và hơn thế nữa. Hiểu biết ý chí tự nó và cho nó,tức lý trí, muốn gì, là kết quảcủa một nhận thức sâu sắc” (rõ ràng là có được ở trong văn phòng) "và của sự phán đoán; việc này chính lại không phải là công việc của nhân dân".

Sau đó một chút, ông lại nói về bản thân các đẳng cấp:

"Những quan chức cao cấp của nhà nước cần phải có sự hiểu biết sâu sắc hơn và rộng rãi hơn về bản chất của những cơ quan và của những nhu cầu của nhà nước, cũng nh­ư họ cần phải có sự thành thạo và thói quen lớn hơn đối với công việc nhà nước, và họ có thể làm được cái tốt nhất mà không cần đến các đẳng cấp, cũng nh­ư khi có các hội nghị đẳng cấp thì họ phải luôn luôn làm cái tốt nhất".

Lẽ dĩ nhiên, trong cái tổ chức đã được Hê-ghen mô tả thì điều đó là hoàn toàn đúng.

2) "Còn nói về cái ý chí tốtlành tuyệt vời của các đẳng cấp muốn thực hiện lợi ích phổ biến, thì chúng ta đã nhận xét ở trên [...]rằng cái giả thiết dường nh­ư chính phủ đi theo điều ác hoặc đi theo một ý chí không tốt, là một giả thiết đặc tr­ưng của dân đen và nói chung là của một quan điểm phủ định. Giả thiết này, - nếu bác lại nó bằng một hình thức cũng như­ thế, - trước tiên lẽ ra phải dẫn đến chỗ kết tội các đẳng cấp là: vì các đẳng cấp bắt nguồn từ tính đơn nhất, từ quan điểm tư­ nhân và từ lợi ích đặc thù, nên các đẳng cấp có khuynh h­ướng sử dụng hoạt động của chúng để bảo vệ những lợi ích đặc thù ấy bằng cách hy sinh những lợi ích phổ biến, trong khi ngược lại, những yếu tố khác của quyền lực nhà nước, tự bản thân chúng, lại đứng vững trên quan điểm của nhà nước và hiến thân mình cho những mục đích phổ biến".

Do đó, sự hiểu biết ý chí của các đẳng cấp phần thì thừa, phần thì đáng nghi. Nhân dân không biết mình muốn gì. Các đẳng cấp không hiểu biết công việc của nhà nước với mức độ như­ quan chức, sự hiểu biết này là độc quyền của các quan chức. Các đẳng cấp là thừa đối với việc thực hiện "công việc phổ biến". Các quan chức có khả năng thực hiện công việc này không cần đến các đẳng cấp, và mặc dù có các đẳng cấp, họ cũng vẫn phải làm cái tốt nhất. Nh­ư vậy, về mặt nội dung, đại diện của các đẳng cấp chỉ là một món xa xỉ thuần túy. Vì vậy, sự tồn tại của họ hoàn toàn chỉ là hình thức mà thôi.

Tiếp nữa, đối với trạng thái t­ư tưởng của các đẳng cấp, tức ý chí của họ, thì cũng đáng nghi, vì trạng thái t­ư tưởng và ý chí đó bắt nguồn từ quan điểm t­ư nhân và từ những lợi ích t­ư nhân. Trên thực tế, không phải công việc phố biến là lợi ích tư nhân của các đẳng cấp, mà lợi ích t­ư nhân của họ là công việc phổ biến của họ. Nhưng "công việc phố biến" mà lại thông qua ý chí không biết mình muốn gì, hay ít ra cũng không có sự hiểu biết đặc thù về cái phổ biến, nói cách khác là thông qua một ý chí lấy lợi ích đối lập với công việc phổ biến làm nội dung thật sự của mình, mới có được hình thức của công việc phổ biến, thì thật là kỳ khôi!

Trong các nhà nước hiện đại, cũng nh­ư trong triết học pháp quyền của Hê-ghen, tính hiện thực chân chính, được nhận thức, của công việc phổ biến chỉ là có tính chất hình thức, hoặc chỉ có cái hình thức mới là công việc phổ biến hiện thực.

Hê-ghen đáng trách không phải vì ông miêu tả bản chất của nhà nước hiện đại đúng nh­ư nó có thực, mà là vì ông mạo nhận cái hiện có là bản chất của nhà nước. Cái hợp lý là hiện thực, - điều đó được chứng minh chính bởi mâu thuẫn của tính hiện thực không hợp lý là tính hiện thực luôn luôn đối lập với điều mà nó nói về nó, và điều nó nói về nó thì đối lập với bản thân nó.

Đáng lẽ phải chỉ ra rằng "công việc phổ biến" đang tồn tại cho mình "một cách chủ quan và vì vậy đang tồn tại một cách hiện thực với tính cách là công việc phổ biến", rằng nó cũng có hình thức của "công việc phổ biến", thì Hê-ghen chỉ vạch ra rằng tính vô định hình là tính chủ quan của công việc phổ biến, - vì hình thức không có nội dung thì nhất định phải là vô định hình. Hình thức mà công việc phổ biến có được trong một nhà nước không phải là nhà nước của công việc phổ biến, thì chỉ có thể là hình thức vô định hình, tự mình dối mình, tự mâu thuẫn với mình, là hình thức hư­ ảo, hình thức này cũng tự phơi trần với tính cách là cái h­ư ảo ấy.

Món xa xỉ phẩm, tức yếu tố đẳng cấp, được Hê-ghen đư­a vào chỉ là để cho hợp với lô-gích. Tồn tại cho nó của công việc phổ biến, coi là tính phổ biến kinh nghiệm, phải có sự tồn tại hiện có. Hê-ghen không cố gắng tìm ra sự thực hiện thích hợp của "tồn tại cho nó của công việc phổ biến", ông tự bằng lòng là đã tìm ra được một tồn tại kinh nghiệm có thể quy vào phạm trù lô-gích đó. Thế là yếu tố đẳng cấp trở thành tồn tại ấy, đồng thời bản thân Hê-ghen cũng không bỏ lỡ cơ hội để nhận xét rằng tồn tại ấy là đáng thương và mâu thuẫn đến mức nào. Và sau đó, Hê-ghen còn trách móc ý thức thông thường rằng nó đã không coi sự thỏa mãn về mặt lô-gích đã được đề xuất trên kia là đủ, - rằngnó đòi hỏi chuyển hóa lô-gích thành cái khách quan chân chính, chứ không đòi hỏi dùng sự trừu tượng tùy tiện để hòa tan hiện thực vào lô-gích.

Tôi nói: đó là sự trừu tượng tùy tiện. Vì nếu quyền hành chính mong muốn công việc phổ biến, hiểu biết và thực hiện công việc đó, nếu quyền này là từ nhân dân mà ra và là đa số có tính chất kinh nghiệm (đây không phải nói đến toàn bộ, coi là tổng thể - nh­ư bản thân Hê-ghen đang dạy cho chúng ta), thì tại sao lại không thể quy định quyền hành chính là "tồn tại cho nó của công việc phổ biến"? Hoặc giả là, vì sao lại không thể coi "đẳng cấp" làtồntại tự nó của công việc phổ biến, một khi công việc chỉ thông qua chính phủ mới có được tính rõ ràng, tính xác định, tính hiện thực và tính độc lập?

Nhưng sự đối lập thật sự chính là ở chỗ này: ở một nơi nào đó "công việc phổ biến" phải đ­ược biểu hiện ra trong nhà nước với tính cách là công việc nhà nước "hiện thực", do đó là "công việc phổ biến kinh nghiệm"; ở một nơi nào đó, công việc phố biến cũng phải đội mũ và khoác áo của cái phổ biến, do đó nó tự nhiên trở thành một vai trò, một ảo tưởng.

Đây là nói đến sự đối lập giữa "cái phổ biến" coi là "hình thức" coi là cái mang "hình thức tính phổ biến", và "cái phổ biến, coi là nội dung".

Ví dụ, trong khoa học, "một người cá biệt" có thể thực hiện công việc phổ biến, và công việc phổ biến bao giờ cũng được thực hiện bởi những con người cá biệt. Nhưng nó chỉ trở thành công việc phổ biến thật sự, khi nào nó không còn là công việc của cá nhân riêng lẻ, mà là công việc của xã hội. Điều đó không những làm thay đổi hình thức, mà còn làm thay đổi cả nội dung. Còn ở đây thì nói tới cái nhà nước trong đó bản thân nhân dân là công việc phổ biến ấy; đây là nói tới cái ý chí chỉ tìm được sự tồn tại thực sự của nó, với tính cách là ý chí loài, trong ý chí tự ý thức của nhân dân mà thôi. Và ngoài ra, ở đây cũng nói tới ý niệm nhà nước.

Nhà nước hiện đại, trong đó "công việc phổ biến", cũng nh­ư việc làm công việc phổ biến, là một độc quyền, còn các độc quyền, mặt khác, lại xuất hiện nh­ư là những công việc phổ biến thật sự, - nhà nước hiện đại ấy có ý nghĩ đến kỳ khôi là muốn chiếm lấy cho mình "công việc phổ biến" chỉ nh­ư là một hình thức (kỳ thực, đây chỉ có hình thức mới là công việc phổ biến). Vì vậy, nhà nước hiện đại đã tìm được hình thức thích hợp cho nội dung của mình, cái nội dung mà chỉ nhìn bề ngoài mới là công việc phổ biến thật sự.

Nhà nước lập hiến là nhà nước trong đó lợi ích nhà nước, với tính cách là lợi ích thật sự của nhân dân, chỉ tồn tại một cách hình thức; nhưng với tính cách là một hình thức nhất định thì nó lại tồn tại bên cạnh nhà nước hiện thực. Ởđây, lợi ích nhà nước lại có được một cách hình thức tính hiện thực coi là lợi ích của nhân dân, nhưng nó lại phải có chỉ đúng cái tính hiện thực hình thức đó mà thôi. Lợi ích nhà nước đó trở thành một đồ trang trí, trở thành haut goût [7]của đời sống nhân dân, trở thành một nghi thức. Yếu tố đẳng cấp là một sự nói dối được phê chuẩn, được hợp pháp hóa của các nhà nước lập hiến, nói rằng nhà nước lợi ích của nhân dân hoặc nhân dânlợi ích của nhà nước. Trong nội dung của nó, sự nói dối này bị bóc trần. Với tính cách là quyền lập pháp, sự nói dối này được xác lập một cách vững chắc chính là vì quyền lập pháp có cái phổ biến làm nội dung của mình, và vì nó là vấn đề của hiểu biết hơn là của ý chí, cho nên quyền lập pháp là quyền lực nhà nước siêu hình, trong khi đó thì cũng sự nói dối này, với tính cách là quyền hành chính v.v., nhất định sẽ phải hoặc là tiêu tan ngay tức khắc, hoặc là biến thành sự thật. Quyền lực nhà nước siêu hình là nơi n­ương thân thích hợp nhất của cái ảo tưởng nhà nước siêu hình, phổ biến.

"Suy nghĩ đôi chút, tất phải thừa nhận rằng sự bảo đảm mà các đẳng cấp đem lại cho hạnh phúc phổ biến và cho tự­ do công cộng, không phải là ở sự am hiểu riêng của các đẳng cấp [...], mà một phần là ở chỗ sự am hiểu của các quan chức cao cấp, được bổ sung"(!!) "bằng sự­ am hiểu của các đại biểu, chủ yếu là về hành động của các quan chức nằm quá xa tầm kiểm soát của các nhà chức trách cao cấp, đặc biệt là về những thiếu sót và những nhu cầu cấp thiết hơn và đặc thù hơn mà các đại biểu nhìn thấy cụ thể trước mắt mình: còn một phần thì sự bảo đảm này là ở tác dụng của sự kiểm soát của nhiều người, sự kiểm soát đang được mong chờ, hơn nữa lại là một sự kiểm soát của công chúng, một sự kiểm soát ngay từ trước đã buộc người ta phải đi sâu một cách tốt nhất vào công việc và vào những dự án đã được vạch ra chỉ thực hiện những công việc đó theo đúng với những động cơ trong sạch nhất; sức ép này, về phía nó, cũng có một tác dụng như­ vậy đối với bản thân những thành viên của các đẳng cấp".

“Nh­ư vậy, về sự bảo đảm nói chung mà hình như­ các đẳng cấp nói riêng phải cung cấp, thì mỗi một thể chế khác của nhà nước đều chia sẻ với các đẳng cấp trong việc bảo đảm hạnh phúc chung và tự do hợp lý tính, còn trongnhững thể chế đó, thì một số thể chế như­ chủ quyền nhà vua, chế độ vương vị thế tập, chế độ xét xử v.v., lại còn chứa đựng sự bảo đảm ấy với một mức độ lớn hơn nhiều. Vì vậy, cần phải tìm tính quy định riêng biệt của khái niệm đẳng cấp ở chỗ là trong các đẳng cấp, yếu tố chủ quan của t­ự do phổ biến,- tức là sự am hiểu riêng và ý chí riêng của cái lĩnh vực được gọi là xã hội công dân trong công trình nghiên cứu này, - nhận được sự tồn tại trong mối quan hệ với nhà nước. Việc yếu tố ấy là một tính quy định của ý niệm đã phát trịển tới tổng thể, việc không được lẫn lộn tính tất yếu bên trong ấy với những tính tất yếu bên ngoài và những tính có ích, - tất cả những việc đó, ở đây cũng như­ ở mọi nơi, đều bắt nguồn từ quan điểm triết học".

Tự do phổ biến của công chúng hình nh­ư được bảo đảm bằng những thể chế khác của nhà nước; các đẳng cấp hình như­ là sự tự bảo đảm của tự do này. Còn nhân dân thì coi trọng các hội nghị đẳng cấp mà họ coi là cái đảm bảo cho những lợi ích của mình, hơn là những thể chế khác là những thể chế phải đảm bảo tự do của nhân dân khỏi mọi nguy cơ mà không có sự tham gia của nhân dân; chúng vốn không phải là biểu hiện có hiệu quả của tự do ấy. Đặt các đẳng cấp ngang hàng với những thể chế khác nh­ư Hê-ghen làm, có nghĩa là mâu thuẫn với bản chất của các đẳng cấp.

Hê-ghen giải đáp điều bí ẩn ấy bằng cách coi "tính quy định riêng biệt của khái niệm đẳng cấp" là ở chỗ trong các đẳng cấp, "sự am hiểu riêng và ý chí riêng của [...] xã hội công dân nhận được sự tồn tại trong mối quan hệ với nhà nước". Đó là sự phản ánh của xã hội công dân vào trong nhà nước. Giống như­ giới quan chức là những đại biểu toàn quyền của nhà nước trong xã hội công dân, đẳng cấp những đại biểu toàn quyền của xã hội côngdân trong nhà nước. Do đó, ởđây bao giờ cũng diễn ra những sự giao dịch giữa hai ý chí đối lập.

Phần bổ sung cho đoạn này viết:

“Thái độ của chính phủ đối với các đẳng cấp, về thực chất không nên là thù nghịch, và lòng tin vào sự cần thiết phải có thái độ thù nghịch này là một sự lầm lạc đáng buồn".

Đáng lẽ phải nói: là một "sự thật đáng buồn".

“Chính phủ không phải là đảng phái đứng đối lập với một đảng phái khác".

Thực ra thì ngược lại.

“Thuế khóa, mà các đẳng cấp biểu quyết không được coi là tặng phẩm cho nhà nước: thuế khóa đ­ược biểu quyết chính là vì phúc lợi của bản thân những người đã biểu quyết”.

Theo ý kiến chung, việc biểu quyết thuế khóa trong nhà nước lập hiến tất nhiên là một tặng phẩm.

“Ý nghĩa thật s­ự của các đẳng cấp là ở chỗ, nhờ có đẳng cấp, nhà nước đi vào ý thức chủ quan của nhân dân và nhân dân bắt đầu tham gia vào các công việc nhà nước".

Điểm sau cùng này hoàn toàn đúng. Thông qua các đẳng cấp, nhân dân bắt đầu tham gia vào các công việc nhà nước, còn nhà nước thì đi vào ý thức chủ quan của nhân dân, với tính cách là một cái gì ở thế giới bên kia. Nhưng làm sao Hê-ghen lại có thể mạo nhận yếu tố bắt đầu này là tính hiện thực hoàn toàn được?

§302. “Được coi là cơ quan môi giới, các đẳng cấp đứng giữa một bên là chính phủ nói chung và bên kia là nhân dân phân thành những lĩnh vực đặc thù và những cá nhân đặc thù. Sứ mệnh của các đẳng cấp đòi hỏi chúng phải trung thành với ý nguyện tâm trạng của nhà nước và của chính phủ, cũng nh­ư phải trung thành với lợi ích của những giới đặc thù vàcủa nhữngcá nhân riêng lẻ. Đồng thời, cùng với quyền hành chính có tổ chức, cái vị trí do các đẳng cấp chiếm giữ đó, đối với chúng, lại có tác dụng một sự­ môi giới. Nhờ s­ự môi giới này, quyền lực của nhà vua không trở thành một cực biệt lập, và do đó, không xuấl hiện thành bạo lự­c trần trụi của kẻ cầm quyền và thành sự­ tùy tiện: mặt khác, những lợi ích đặc thù của các đoàn thể tự quản, các nghiệp đoàn và các cá nhân cũng không tách riêng ra, và tình hình không đi đến chỗ là toàn thể những cá nhân riêng lẻ – nếu nh­ư thế thì càng tồi tệ hơn - tỏ ra là một đám quần chúng và một đám đông, do đó, đi theo ý kiến và sự mong muốn vô cơ, và trở thành một lực lượng quần chúng trần trụi chống lại nhà ­nước hữu cơ”.

Hê-ghen luôn luôn đặt nhà nước và chính phủ mà ông coi là đồng nhất vào một phía; còn phía bên kia, ông đặt nhân dân, được phân thành những giới đặc thù và những cá nhân đặc thù. Đẳng cấp là cơ quan môi giới giữa họ. Đẳng cấp là cái ở giữa, tại đây “ý nguyện và tâm trạng của nhà nước và của chính phủ" gặp gỡ và thống nhất với “ýnguyện và tâm trạng của những giới đặc thù và của những cá nhân riêng lẻ” . Tính đồng nhất của hai thứ ý nguyện và tâm trạng đối lập với nhau này - ý niệm nhà nước sẽ phải nằm trong tính đồng nhất ấy - được biểu hiện một cách tư­ợng trưng trong đẳng cấp. Sự giao dịch giữa nhà nước và xã hội công dân thể hiện ra là một lĩnh vực đặc thù. Đẳng cấp là hợp đề giữa nhà nước và xã hội công dân. Nhưng bằng cách nào đẳng cấp có thể thống nhất vào bản thân chúng hai tâm trạng đối lập nhau, - điều này Hê-ghen không trình bày. Đẳng cấp mâu thuẫn đã được xác lập giữa nhà nước và xã hội công dân trong nội bộ nhà nước. Đồng thời đẳng cấp cũng là sự đòi hỏi giải quyết mâu thuẫn đó.

“Đồng thời, cùng với quyền hành chính có tổ chức, cái vị trí do các đẳng cấp chiếm giữ đó, đối với chúng, lại có tác dụng một sự môi giới chung, v.v.”.

Đẳng cấp không chỉ là yếu tố môi giới giữa chính phủ và nhân dân. Đẳng cấp không để cho "quyền lực của nhà vua" trở thành một "cực" biệt lập và do đó, thể hiện ra ngoài thành "bạo lực trần trụi của kẻ cầm quyền và thành sự tùy tiện"; nó cũng giữ nh­ư vậy không cho những lợi ích "đặc thù” "tách riêng ra" v.v.; nhờ có đẳng cấp, các cá nhân cũng không đi đến chỗ "tỏ ra là một đám quần chúng và một đám đông". Tác dụng môi giới ấy là chung cho tổ chức đại diện đẳng cấp và cho quyền hành chính có tổ chức. Trong một nhà nước mà "địa vị đẳng cấp" ngăn cản không cho "toàn thể những cá nhân riêng lẻ tỏ ra là một đám quần chúng và một đám đông, do đó, đi theo ý kiến và sự mong muốn vô cơ và trở thành một lực lượng quần chúng trần trụi chống lại nhà nước hữu cơ", - trong một nhà nước như­ vậy thì "nhà nước hữu cơ" tồn tại bên ngoài "quần chúng" và "đám đông", hoặc là "quần chúng" và "đám đông" được gộp vào trong tổ chức nhà nước, nhưng đồng thời "ý kiến và sự mong muốn vô cơ" của họ không đi tới chỗ trở thành "ý kiến và sự mong muốn chống lại nhà nước", - nếu nh­ư sự việc có một ph­ương hư­ớng rõ ràng như­ vậy thì điều đó sẽ trở thành ý kiến và sự mong muốn "hữu cơ". Cả cái "lực lượng quần chúng" ấy nữa, cũng vẫn chỉ là lực lượng "quần chúng" mà thôi, thành thử lý tính nằm ở bên ngoài quần chúng, và vì vậy, lực lượng quần chúng không thể tự mình vận động được, mà chỉ có những kẻ nắm độc quyền "nhà nước hữu cơ" mới làm cho chúng vận động và được sử dụng với tính cách là lực lượng quần chúng. Ở nơi nào mà "những lợi ích đặc thù của các đoàn thể tự quản, các nghiệp đoàn và các cá nhân" không tách riêng ra khỏi nhà nước, ở nơi nào mà “toàn thể những cá nhân riêng lẻ tỏ ra là một đám quần chúng và một đám đông, do đó, đi theo ý kiến và sự mong muốn vô cơ và trở thành một lực lượng quần chúng trần trụi chống lại nhà nước", - thì chính ở nơi đó đang bộc lộ rõ rằng, không phải một "lợi ích đặc thù” nào đó đang mâu thuẫn với nhà nước, mà là "t­ư tưởng hiện thực, hữu cơ, phổ biến của quần chúng và đám đông" không trở thành "t­ư tưởng của nhà nước hữu cơ" và cũng không được thực hiện ở trong nhà nước đó. Vậy thì cái gì cho phép các đẳng cấp đóng vai trò môi giới để ngăn chặn cực đoan đó? Đó chỉ là tình hình sau đây: "những lợi ích đặc thù của các đoàn thể tự quản, của các nghiệp đoàn và các cá nhân được tách riêng ra", hoặc là yếu tố: lợi ích đã tách riêng của họ tính sổ với nhà nước thông qua những đẳng cấp, và đồng thời cũng là sự kiện "ý kiến và sự mong muốn vô cơ của quần chúng và đám đông" đã tìm được miếng đất để biểu hiện ý chí của mình (hoạt động của mình) trong việc sáng lập các đẳng cấp, còn trong việc nhận định về hoạt động của các đẳng cấp, thì tìm được miếng đất để biểu hiện "ý kiến" của mình, nuôi cái ảo tưởng làm như­ thể nó đã đạt tới biểu hiện khách quan của nó. “Đẳng cấp" bảo vệ nhà nước khỏi áp lực của đám đông vô cơ chỉ bằng cách phá hoại tổ chức của đám đông này.

Nhưng đồng thời, các đẳng cấp phải là một công cụ đề ngăn chặn không cho "những lợi ích đặc thù của các đoàn thể tự quản, của các nghiệp đoàn và các cá nhân tách riêng ra". Đẳng cấp làm được nh­ư vậy bằng cách: 1) thương lượng với "lợi ích nhà nước", và 2) bản thân các đẳng cấp là "sự biệt lập về chính trị" của những lợi ích đặc thù đó, biến sự biệt lập đó thành hành động chính trị, bằng cách làm cho "những lợi ích biệt lập" có được cái ý nghĩa “những lợi ích phổ biến".

Cuối cùng, đẳng cấp cũng phải là một công cụ để ngăn chặn “sự biệt lập" - coi là một "cực" - của quyền lực nhà vua (quyền lực này "do đó sẽ xuất hiện thành bạo lực trần trụi của kẻ cầm quyền và thành sự tùy tiện"). Điều đó quan trong vì nhờ có đẳng cấp mà nguyên tắc quyền lực của nhà vua (sự tùy tiện) bị hạn chế, hay ít ra cũng bị ghìm lại trong hành động của nó, và vì bản thân đẳng cấp cũng trở thành những người tham dự, những người cùng tham gia vào quyền lực nhà vua.

Bằng cách đó, hoặc giả quyền lực nhà vua thật sự không còn là cái cực của quyền lực nhà vua nữa (nhưng quyền lực nhà vua chỉ có thể tồn tại với tính cách là cực, là một chiều, vì nó không phải là nguyên tắc hữu cơ), mà trở thành quyền lực hư­ ảo, một sự tượng trưng; hoặc giả nó chỉ mất đi cái bề ngoài của sự tùy tiện và của bạo lực trần trụi của kẻ cầm quyền. Đẳng cấp phòng ngừa "sự biệt lập" của những lợi ích đặc thù bằng cách hình dung sự biệt lập này là hành động chính trị. Đẳng cấp phòng ngừa quyền lực nhà vua khỏi bị biệt lập với t­ư cách là một cực, một phần bằng cách là tự mình trở thành một bộ phận của quyền lực nhàvua, một phần bằng cách làm cho quyền hành chính trở thành một cực.

Mọi mâu thuẫn của các tổ chức nhà nước hiện đại đều quy tụ lại trong các "đẳng cấp". Các đẳng cấp đóng vai trò những "kẻ trung gian" trong tất cả mọi mặt, vì trong tất cả mọi mặt, đẳng cấp là “một cái trung gian".

Cần vạch ra rằng Hê-ghen bàn đến nội dung hoạt động của các đẳng cấp, đến quyền lập pháp, ít hơn là bàn đến vị trí của các đẳng cấp, đến cấp bậc chính trị của họ.

Ngoài ra, cũng cần lư­u ý rằng, trong khi mà theo Hê-ghen, đẳng cấp trước hết "đứng giữa một bên là chính phủ nói chung và bên kia là nhân dân phân thành những lĩnh vực đặc thù và những cá nhân đặc thù”, thì cũng nh­ư đã trình bày ở trên, vị trí của các đẳng cấp, "cùng với quyền hành chính có tổ chức [...] lại có tác dụng một sự môi giới”.

Còn về vì trí của các đẳng cấp đã được nêu lên lúc đầu, thì trong vị trí này, các đẳng cấp là nhân dân đối lập với chính phủ, nhưng là nhân dân en miniature [8]. Đó là vị trí đối lập của đẳng cấp.

Trong vị trí thứ hai của mình, đẳng cấp là chính phủ đối với nhân dân, nhưng là chính phủ được mở rộng. Đó là vị trí bảo thủ của đẳng cấp. Đối với nhân dân, bản thân đẳng cấp là một bộ phận của quyên hành chính, nhưng sao cho đồng thời với điều đó, chúng lại có một ý nghĩa nữa: đối với chính phủ, chúng là nhân dân.

Trên đây, ở §300, Hê-ghen đã xác đinh "quyền lập pháp là một tổng thể". Các đẳng cấp thì thật sự là tổng thể đó, là nhà nước trong nhà nước, nhưng chính trong đẳng cấp, lại bộc lộ ra rằng nhà nước không phải là tổng thể, mà là có tính nhị nguyên. Đẳngcấp đại biểu cho nhà nước trong cái xã hội không phải là nhà nước. Nhà nước chỉ đơn thuần là một quan niệm mà thôi.

Trong lời chú thích [cho §302], Hê-ghen nói:

“Một trong những chân lý lô-gích quan trong nhất là: một yếu tố nhất định, có vị lrí cực đoan khi thể hiện ralà mặt đối lập, thì lại không còn là mặt đối lập nữa, mà là một yếu tố hữu cơ, do chỗ nó đồng thời cũng là cái trung gian".

(Nh­ư vậy, yếu tố đẳng cấp, thứ nhất, là cái cực của nhân dân đối với chính phủ; nhưng thứ hai, nó đồng thời cũng lại là cái trung gian giữa nhân dân và chính phủ, hoặc là mặtđối lập trong nội bộ bản thân nhân dân. Sự đối lập giữa chính phủ và nhân dân được sự đối lập giữa đẳng cấp nhân dân làm môi giới. Đối với chính phủ thì đẳng cấp là nhân dân, nhưng đối với nhân dân thì đẳng cấp lại là chính phủ. Vì nhân dân được trình bày nh­ư là một quan niệm, như­ là một sự tưởng tượng, một ảo tưởng, một sự đại diện - nh­ư là nhân dân được đại diện, hoặc nh­ư là những đẳng cấp với t­ư cách là một quyền lực đặc thù, tách rời nhân dân hiện thực, - cho nên tình hình đó đang xóa bỏ sự đối lập hiện thực giữa chính phủ và nhân dân. Nhân dân được trình bày ở đây, cũng như­ nhân dân trong cơ thể được xem xét trên kia, được xếp đặt sao cho không có ý nghĩa quyết định nào cả.)

"Khi bàn đến vấn đề đang được xem xét ở đâythì việc đặt mặt này lên hàng đầu lại càng quan trọng, bởi vì cái thiên kiến khiến người ta xem xét đẳng cấp chủ yếu theo quan điểm sự đốilập giữa chúng với chính phủ -làm như­ thể đó chính làvị trí bản chất của đẳng cấp,- là thiên kiến rất phổ biến, nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Yếu tố đẳng cấp chỉ thông qua chức năng môi giới của mình, mới tự biểu lộ ra là một cái hữu cơ, tức là một cái được coi là tổng thể. Do vậy,bản thân sự đối lập cũng bị hạ xuống thành cái vẻ bề ngoài.Nếu nh­ư sự đối lập ấy - trong chừng mực nó tự biểu hiện ra - đụng chạm đến không phải chỉ một cái bề ngoài, mà trên thực tế còn là một sự đối lập có tính chất thực thể, thì nhà nước nhất định sẽ đi đến chỗ diệt vong. - Cái dấu hiệu nói lên rằng sự­ đối kháng không mang tính chất nh­ư vậy, theo bản chất của sự vật, là tình hình sau ­đây­: sự đối kháng phát sinh khi nào những mặt xung đột với nhau không phải là những yếu tố chủ yếu của cơ thể nhà nước, mà là những sự vật đặc thù hơn và không quan trọng, và lòng ham muốn là cái vẫn gắn liền với nội dung đó, cũng biến thành một cuộc tranh giành tham lam và thiên vị vì lợi ích chủ quan, ví dụ, vì những chức vụ nhà nước tối cao".

Trong đoạn bổ sung, viết: "Chế độ nhà nước, về thực chất, là hệ thống môi giới".
[
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top