Gogol-Người bất tử cùng "Những linh hồn chết"

Bút Nghiên

ButNghien.com
Người bất tử cùng "Những linh hồn chết"​

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã ra quyết định lấy năm 2009 này là "Năm Gogol" để tưởng nhớ nhà văn Nga vĩ đại Nicolai Vasilevich Gogol nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1/4/1809- 1/4/2009).

Sinh thời, văn hào Maxim Gorky từng đưa ra nhận xét: "Không có Pushkin thì trong một thời gian rất dài sẽ không có Gogol, Lev Tolstoy, Turgenev, Dostoevsky". Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu không có Gogol thì văn đàn Nga sẽ ra sao?

Nicolai Gogol sinh ra tại vùng Sorochintsi, tỉnh Poltava, thuộc Ukraina. Bố ông là một viên chức nghỉ hưu, từng tham gia soạn một số vở hài kịch bằng ngôn ngữ sở tại (chính điều này đã khiến nhiều người dân Ukraina dị ứng với sự nghiệp văn học của Gogol khi thấy, khác với thân phụ mình, mặc dù được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch văn hóa Ukraina, song cả đời Gogol chỉ sáng tác bằng tiếng Nga). Mẹ Gogol là một người mộ đạo. Bà sinh Gogol khi mới 15 tuổi. Cũng vào năm Gogol 15 tuổi, bố ông qua đời.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã cho rằng, Gogol ảnh hưởng "geen" nghệ thuật của bố, nhưng về tính cách lại có nhiều nét giống mẹ, đặc biệt là hay bất chợt cáu bẳn, hoặc chìm trong trạng thái âu sầu, u uất.

Mặc dù gia cảnh có những lúc rơi vào tình thế bi đát, nhất là khi người bố - trụ cột của cả nhà - mất đi, song điều ấy không ngăn trở Gogol bộc lộ thiên tư văn học từ khá sớm. Trong thời gian theo học Trường trung học Nezhinski (trường này những năm cuối dạy chương trình đại học), Gogol đã tập sáng tác nhiều thể loại: từ thơ balat, thơ châm biếm, trường ca, truyện ngắn. Tuy những tác phẩm này đến nay đều thất lạc, song Gogol vẫn lưu được dấu ấn đẹp trong các bậc lãnh đạo nhà trường như một tác giả trẻ đầy triển vọng. Bản thân Gogol cũng tự thấy về mặt nhận thức, mình có nhiều điểm vượt trội bạn bè cùng trang lứa. Có lẽ vì thế mà đã có lúc, ông cảm thấy... cô đơn. Ông từng ghi lại trong nhật ký: "Tôi hoàn toàn tách biệt mọi người. Chẳng tìm thấy ai để chia sẻ được những suy nghĩ của mình, bộc bạch tư tưởng của mình. Tôi trở nên côi cút và xa lạ giữa một Nezhinski trống rỗng".

19 tuổi, Gogol tốt nghiệp Trường trung học Nezhinski. Sau ít ngày về làng thăm mẹ và em gái, tháng 12 năm đó, Gogol tìm đến Saint-Peterburg, nơi ông muốn được thi thố tài năng. Tại đây, thoạt đầu Gogol xin thử vai diễn viên bi kịch tại một rạp hát hoàng gia, song không được chấp nhận. Sẵn có tập trường ca "Hans Kuchelgarten" viết trong thời gian cuối theo học tại Nezhinski, nhà văn tương lai đã bí mật bỏ tiền in, rồi cùng người đầy tớ già mang tới các hiệu sách... gửi bán. Kết quả thu về thật.. thảm hại. Sách chẳng những không thu được đồng nào, mà tác giả của nó còn mua bực vào mình. Sau khi đọc thấy trên một tạp chí có bài viết phê phán thậm tệ cuốn trường ca, Gogol đã lại cùng người đầy tớ già đi thu hồi sách để đem về... đốt. Nhân đây, cũng cần nói thêm là, trong suốt cuộc đời, mỗi lần bất ưng với một tác phẩm nào đó của mình, Gogol đều có duy nhất một cách... xử sự, ấy là... đốt. Bản thân Gogol từng có lần phải kêu lên: "Trời ơi, tôi đã đốt đi biết bao nhiêu, tôi đã lao tâm khổ tứ biết bao nhiêu". Ngoài tập trường ca (có thể coi là tác phẩm đầu tay của Gogol), thì với tác phẩm cuối cùng - cuốn tiểu thuyết "Những linh hồn chết", sau khi cho xuất bản tập 1, Gogol cũng đã viết đi viết lại nhiều lần và nhiều lần đốt bỏ bản thảo tập 2. Sau khi Gogol mất, người nhà của ông đã tìm thấy 5 chương và cho xuất bản vào năm 1855.

Tài năng của Gogol chỉ thực sự được thừa nhận kể từ khi ông cho xuất bản tập truyện ngắn "Những buổi tối trong một trang trại gần Dikanka" (năm 1831). Bấy giờ, ông đang làm giáo viên dạy sử ở một Học viện dành cho con gái các quân nhân. Cũng trong năm này, Gogol đã vinh hạnh được gặp và làm quen với Pushkin - người mà ông ngưỡng mộ từ lâu. Kể từ đây, Gogol thêm vững tin vào khả năng của mình, bởi bên ông đã có bậc đàn anh tận tình động viên, chỉ bảo. Không chỉ nhận thấy rõ đâu là sở trường, đâu là sở đoản của nhà văn trẻ, Pushkin còn gợi ý cho bậc đàn em nhiều đề tài sáng tác. Trong di cảo mà Pushkin để lại, người ta bắt gặp những dòng thư Gogol viết cho ông, với lời lẽ khẩn khoản: "Hãy làm ơn cho tôi một đề tài mà nội dung của nó có thể là một hài kịch năm màn, đượm tính hài hước. Xin khẩn khoản yêu cầu anh...".

Bắt đầu là một thời kỳ "bội thu" trong sự nghiệp sáng tác của Gogol.

Năm 1835, ở tuổi 26, Gogol cho xuất bản truyện "Tarar Bulba" (in trong tập "Mirgorod"). Đây được xem là bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Ukraina. Nhà phê bình văn học lỗi lạc của nước Nga thời ấy Belinsky đã đánh giá đây là "thiên ký sự sắc nét về sinh hoạt anh hùng của một dân tộc trẻ trung, là bức tranh vĩ đại trong những khuôn khổ hẹp, xứng đáng với Homes".

Cũng trong năm này, Gogol cho xuất bản "Tập truyện Peterburg", trong đó có các kiệt tác "Đại lộ Nevsky", "Nhật ký người điên", "Bức chân dung". Đánh giá về "Đại lộ Nevsky", Pushkin cho đây là "một tác phẩm trọn vẹn nhất". Truyện "Nhật ký người điên" được văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn ngưỡng mộ đến độ ông đã lấy nguyên tên tác phẩm này đặt cho một truyện ngắn của mình. Còn truyện "Bức chân dung" thì được Belinsky đánh giá là "có những đoạn văn thiên tài".

Có lẽ, hiếm ai có sức làm việc "khủng khiếp" với những thành tựu dồn dập đến trong chỉ một năm như vậy. Cùng trong năm 1835, Gogol còn sung sức hoàn tất một vở kịch mà ông đặt tên là "Quan thanh tra". Vở kịch được công diễn lần đầu tại Peterburg ngày 19-4-1836, gây chấn động dư luận. Nhiều nhà nghiên cứu văn học sử đã nhận xét rằng, với vở kịch này, Gogol là một trong những người đặt nền móng cho nghệ thuật kịch hiện thực của Nga.

Song song với thời gian hoàn tất "Quan thanh tra", Gogol còn "thừa thắng xông lên", cầm bút viết những chương đầu của tiểu thuyết "Những linh hồn chết". Theo Gogol tiết lộ thì chính Pushkin đã là người gợi ý cho ông viết cuốn sách này: "Ông đã cho tôi một cốt truyện riêng mà ông định viết thành một cái gì đại loại như trường ca. Đó là cốt truyện "Những linh hồn chết".

Tiểu thuyết "Những linh hồn chết" ra mắt bạn đọc tháng 5 năm 1842, sau một thời gian chịu đủ sự hoạnh họe, săm soi của Ủy ban Kiểm duyệt Moskva. Cuốn tiểu thuyết đã gây tiếng vang lớn trong dư luận. Nhiều bậc thức giả ví cuốn tiểu thuyết như "Don Quixote" của thời đại mới. Nhà phê bình văn học Belinsky thì nhận xét: "Qua Những linh hồn chết, tác giả đã tiến một bước lớn đến mức tất cả những gì ông đã viết ra cho đến nay dường như đều yếu ớt và mờ nhạt nếu so sánh với tác phẩm này". Cũng theo Belinsky: "Tiểu thuyết Nga, truyện Nga bắt đầu từ Gogol cũng như thơ ca Nga thực sự bắt đầu từ Pushkin".

Về những độc giả Nga chân chính thì vậy, còn với giới quan lại, quý tộc, họ căm thù cuốn sách của Gogol đến tột đỉnh. Một bài báo trên tờ Tin tức Nga đã viết rằng: "Những linh hồn chết là bức tranh châm biếm thô bỉ". Tờ Tủ sách để đọc chỉ trích cuốn tiểu thuyết là "Những bức tranh hôi hám". Có tác giả còn bỉ bai ngôn ngữ của Gogol là "thấp kém", cần phải "học thêm tiếng Nga"...

Gogol thực sự mệt mỏi vì thái độ quá trái chiều của dư luận đối với cuốn tiểu thuyết. Như thân mẫu của ông trước đây, nhà văn ngày càng dấn sâu vào tôn giáo. Đã thế, sức khỏe của Gogol, sau thời gian sáng tác như "lên đồng", đã ngày càng suy giảm.

Tháng 1/1848, Gogol đi Palestine để viếng Thánh địa Jerusalem. Tháng 4 năm đó, ông trở về Nga. Tại đây, ông có cuộc tiếp xúc với một số nhà văn: Gontsarov, Grigorovic, Nekrasov, nhưng bầu không khí giữa họ đã trở nên tẻ nhạt, bởi từ lâu ông xa rời đời sống văn học. Tháng 10 năm đó, Gogol đến Moskva. Lúc này sức khỏe của ông đã rất suy sụp. Đã vậy, ông còn bị một linh mục cuồng tín ép phải thực hiện đúng các lễ nghi tôn giáo và phải đoạn tuyệt với nghệ thuật. Cứ vậy, cho đến ngày 4/3/1852, Gogol qua đời. Lúc này, gia sản của ông chẳng còn gì ngoài mấy chiếc áo dài sờn cũ.

Ở Peterburg, hay tin Gogol tạ thế, văn hào Turgenev đã khóc nức nở. Ngay lập tức, ông viết một bài điếu gửi báo Tin tức Peterburg, với những lời lẽ chứa chan niềm hoài nhớ: "Gogol không còn nữa! Có tâm hồn người Nga nào mà không xúc động bởi bốn từ đó... Đó là con người mà tên gọi đã đánh dấu một thời đại trong lịch sử nền văn học của chúng ta".

Hội đồng kiểm duyệt của chế độ Nga hoàng đã không đồng ý cho đăng bài điếu của Turgenev, họ không chấp nhận cách ông gọi Gogol là "vĩ đại". Turgunev đã phải dùng mẹo: Ông gửi bài viết cho báo Tin tức Moskva, vờ như đây là một bức thư gửi về từ Peterburg. Nhờ sự trợ giúp của bạn bè, bài báo được đăng. Biết chuyện, đích thân Nga hoàng Nicolai I đã ra phán quyết phải tống giam tác giả bài báo. Turgenev một phen chịu cảnh giam cầm. Đúng là, chỉ nội việc nhắc đến cái tên Gogol thôi mà có lúc, chính quyền Nga hoàng đã phải... e sợ. Điều đó thêm phần minh chứng cho sự bất tử của tác giả "Những linh hồn chết".

Sinh thời, văn hào Nga Fyodor Dostoevsky, nhân nói đến ảnh hưởng to lớn của Gogol đối với thế hệ mình, đã nhắc đến truyện "Chiếc áo khoác" của ông và dí dỏm một cách đầy hình tượng: "Tất cả chúng ta đều chiu ra từ chiếc áo khoác của Gogol".

Thật là một cách suy tôn độc đáo. Nó trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết: Nếu không có Gogol, văn đàn Nga sẽ ra sao?

( Theo Hoàng Ngọc Thọ - VNCA )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top