Góc nhìn mới về xã hội trong số đỏ của vũ trọng phụng

Như Bình

New member
Xu
0
GÓC NHÌN MỚI VỀ XÃ HỘI TRONG SỐ ĐỎ CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG

Số Đỏ là tiểu thuyết trào phúng được viết theo cảm hứng hiện thực phê phán. Đây là hiện thực phê phán quyết liệt theo kiểu Vũ Trọng Phụng. Đặc điểm của trào phúng là thường cười nhạo những thói xấu, tật xấu của đối tượng. Đặc điểm của hiện thực phê phán là phát hiện bản chất xấu xa của xã hội và con người để phê phán. Thế nhưng nếu quan niệm nội dung đời sống được ghi nhận trong một tác phẩm là một cái gì phức tạp nhiều tầng nhiều lớp thì người ta còn có thể lật ra nhiều phương diện của hiện thực trong Vũ Trọng Phụng – miễn là có một cách đọc khác đi so với cách đọc thông thường.


Chúng ta thử tái hiện lại một xã hội mới trong tác phẩm Số Đỏ bên cạnh xã hội một xã hội cũ mà hầu như mọi người đã biết. Xã hội mới đó ra làm sao ? Có khác xã hội cũ được phản ánh từ trước đến nay hay không ? Dưới đây là cách hiểu riêng của chúng tôi về vấn đề này.


Đầu chương II của Số đỏ, có một đoạn văn ghi lại cuộc trò chuyện giữa một viên quản với một thày cảnh sát dưới quyền:


- Thày có tiếc cái thời buổi ngày xưa, cách đây mười năm không ?
- Tiếc lắm ! Mười năm trước đây, dân ta còn ngu.
- Ngày nay dân ta văn minh mất rổi rõ thảm hại ! Thày phải biết là xưa kia, xã hội tinh nhứng du côn với nặc nô, tinh những người bất lịch sự chỗ nào cũng phóng uế, cũng đánh nhau. Hồi ấy có khi bốn người ngồi một xe ! Họ chửi nhau hàng nửa giờ, đánh nhau vỡ đầu, nhà cửa của họ thì rác rưởi, nước cống nước rãnh tung toé, ngập lụt. Chó của họ cũng chạy ra ngoài đường nhông nhông... Xe đi đèo, hay không đèn là nhan nhản. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả. Cái thời tốt đẹp của các cụ nhà ta không còn nữa.


Đoạn văn ghi lại trạng thái mâu thuẫn kỳ cục trong cách suy nghĩ của các nhân vật: Một xã hội tinh du côn với nặc nô làm sao có thể gọi là xã hội tốt đẹp được ? Chẳng qua chán đời thì họ nói liều, và tác giả thì cũng mượn chuyện của họ để nhấn mạnh sự thảm hại của văn minh là ấn tượng chủ đạo ông muốn nhấn mạnh khi nói về xã hội đương thời.


Tuy nhiên, phải nhận đoạn văn trên là một ít bằng chứng hiếm hoi về xã hội VN cuối thế kỷ XIX đầu XX, tức là xã hội Việt nam trước khi bắt đầu quá trình hiện đại hoá. Cái tinh thần chính của thời buổi ngày xưa ấy đã được gọi ra chính xác. Với những bằng chứng này, chúng ta sẽ có tài liệu để so sánh và đánh giá đúng cái xã hội đương thời mà Vũ Trọng Phụng miêu tả trong Số đỏ.


Hình ảnh của một xã hội hiện đại ấn tượng rõ nhất mà có lẽ tất cả bạn đọc đều cảm thấy khi đọc Số đỏ, ấy là cái sự nhố nhăng nhảm nhí của đời sống được nhà văn phác hoạ theo lối châm biếm. Nói như Lưu Trọng Lư, ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã “chế nhạo tất cả những cái rởm cái xấu cái bần tiện cái đồi bại của một hạng người một thời đại”.


Có điều, nếu thử gạt đi lớp rác rưởi nổi trên bề mặt, nhất là để sang một bên cách đánh giá người và việc theo quan niệm đạo đức chật hẹp, chúng ta thấy hình ảnh thực của xã hội đó không hẳn đã là hư hỏng như nhiều người vẫn nghĩ:


- Thứ nhất, đây là một xã hội tương đối văn minh hiện đại. Nhiều đô thị mới ra đời. Nhiều nghề mới hình thành, không phải chỉ nhan nhản me tây đĩ điếm cùng các loại lưu manh bịp bợm, mà quan trọng hơn có người đi du học, có luật sư bác sĩ, có các loại cửa hàng và khách sạn đầy đủ tiện nghi, có cả các loại sân thể thao được xây riêng trong từng gia đình và các thày dạy quần vợt thì được trọng dụng.


- Thứ hai, trình độ sống của con người được nâng cao, họ có ý thức về mình về xã hội chung quanh. Đằng sau cái câu nói đơn sơ “Lúc này đến cả thằng phu xe cũng biết luật “là một sự thật: xã hội đã vượt qua giai đoạn tự phát mạnh ai nấy sống. Làm gì người ta cũng phải chú ý xem phản ứng xã hội với mình là như thế nào. Báo chí có mặt ở mọi nơi mọi chỗ.


Đặt bên cạnh những con người đơn giản, sống cầm chừng, chậm rãi, rời rạc của xã hội trung đại, thì con người lúc này luôn hiện ra với vẻ gấp gáp linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với mọi biến chuyển lúc nào cũng có thể xảy ra. Từ Xuân tóc đỏ đến bà phó Đoan, từ vợ chồng Văn Minh đến ông Tip-phờ-nờ… và cả mấy người già như cụ cố Hồng đều có ý thức về cuộc đời mà họ đang sống, muốn sống theo những tiêu chuẩn mới mẻ mà họ tin tưởng chứ không phải thế nào cũng được , muốn đến đâu thì đến .


Đây là lời bà Văn Minh giảng giải cho một khách hàng về ý nghĩa của công việc mà hai vợ chồng bà ta theo đuổi:


- Thưa bà chúng tôi chỉ tiến theo luật tiến hoá chung của xã hội. Giữa buổi canh tân này cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi.


Đặt trong mạch chung của tác phẩm thì đây có vẻ như lời lẽ mòn sáo của một kẻ học đòi. Nhưng thử tách nó ra như một văn bản độc lập, chúng ta thấy đây là những ý tưởng nghiêm chỉnh, đến nay chúng ta cũng đang hướng theo. Con người hiện đại đặc biệt có ý thức về một cuộc sống khác với những gì họ sẵn có. Họ đã nhìn rộng ra cả thế giới chứ không chỉ chăm chăm quay đầu về cái sân nhà mình hoặc cái làng con con của mình. Họ lại đã có được ý thức đúng đắn về thời gian và mối quan hệ giữa thời gian và bản thân. “Nó cảm thấy đời nó từ nay mà đi dễ thường đã vào một kỷ nguyên mới” – không nên một chiều cười giễu cái câu tự nhủ ấy của Xuân tóc đỏ, ngược lại nên ghi nhận ở nhân vật cả cái ý chí lập nghiệp lẫn một sự tiên cảm chính xác về tương lai !


Số đỏ kết thúc bằng việc Xuân nhường chức vô địch quần vợt cho đối thủ người Xiêm La. Câu chuyện có vẻ hoàn toàn bịa đặt, song đằng sau nó là một sự thực không tầm thường chút nào: một cá nhân như Xuân đã biết làm chủ hành động của mình, và đây không phải một sự tính toán thiển cận mà là một dấu hiệu của sự trưởng thành về lý tính.


Trong khi làm lại cuộc sống, cố nhiên, trong tiềm thức, con người VN nửa đầu thế kỷ XX tự hiểu rằng mình có một quá khứ hết sức nặng nề. Trên mọi phương diện, họ đều nhận ra một sự đối đầu giữa cũ và mới, giữa lối cổ và lối kim. Nếu như thường xuyên chúng ta bắt gặp ở họ cái vẻ huyênh hoang thì chẳng qua cũng chỉ là một cách nói to lên những điều lớn lao để tự động viên mình. Sự thay đổi quá nhanh không khỏi dẫn tới những sự vội vã ép uổng , những nét kệch cỡm, nhưng không phải vì thế mà đáng sổ toẹt tất cả.


Đã rõ là có hai tầng hiện thực khác nhau được ghi nhận trong các trang sách của nhà văn họ Vũ và thái độ của tác giả với hai mảng hiện thực ấy cũng khác nhau. Có vẻ như với Vũ Trọng Phụng, cái phần hư hỏng sa đoạ của đời sống đương thời là đáng quan tâm hơn cả. Ông tố cáo. Ông lên án. Ngược lại, cái mảng hiện thực mà trên đây chúng tôi thử chắp nối để dựng lại – gọi đích danh là xu thế phát triển của con người và xã hội – có vẻ chỉ nhân tiện mà ông nói tới và do đó không ca ngợi mà cũng không bài bác, tức không biểu lộ một thái độ nào rõ rệt.


Song không phải vì thế mà nó, cái đời sống ở bề sâu ấy, không hiện ra một cách rõ rệt trong các tiểu thuyết, cũng như phóng sự của Vũ Trọng Phụng, nhất là Số đỏ. “Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả”. Một câu như vậy quả đã thâu tóm được quá trình vận động của xã hội, và ở chỗ này có thể bảo Vũ Trọng Phụng là một người chép sử trung thành, đã ghi chép được những biến chuyển xảy ra trong lòng xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, mặc dù ông không có ý thức đầy đủ khi làm công việc khó khăn và ít người chịu làm ấy .
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top