CÁI CHẾT HAY LÀ SỰ SỐNG VÀ HẠNH PHÚC
Đề 1: Nhà văn Kim Lân từng nói "Bên bờ vực của cái chết, người ta chỉ nghĩ đế sự sống và hạnh phúc". Bằng kinh nghiệm sống của mình hãy làm rõ ý kiến trên.
Bạn tham khảo nhé!
1. Giải thích
- “bờ vực của cái chết”: là ranh giới giữa sự sống và cái chết; mà ở ranh giới đó con người phải lựa chọn cho mình một con đường chết hay là sống.
- “sự sống”: chỉ sự tồn tại của con người, được bắt đầu từ khi con người sinh ra và kết thúc khi con người chết đi.
- “hạnh phúc”: là trạng thái tâm lí của con người khi được thỏa mãn nhu cầu về cả vật chất lẫn tinh thần.
-> Khi con người bước vào con đường cùng, phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, như một điều tất yếu, chúng ta luôn khao khát hướng đến sự sống và hạnh phúc, luôn suy nghĩ phải tự tìm cho mình một lối rẽ mới để không bị sa vào vực thẳm. Đó cũng là thời điểm mà con người có nhu cầu tồn tại hơn bất cứ thời điểm nào, là lúc khát khao hạnh phúc dâng lên mãnh liệt nhất.
2. Chứng minh
(Có thể lấy một dẫn chứng văn học trong chính sáng tác của Kim Lân)
- Câu nói được trích ra từ trong tác phẩm
“Vợ nhặt” của nhà văn
Kim Lân. Nội dung của tác phẩm đã thể hiện khá sâu sắc ý nghĩa của câu nói đó.
+ Truyện được viết trong bối cảnh nạn đói năm 1945. Kim Lân đã làm hiện lên một bức tranh hiện thực trong không khí thê thảm của những người chết đói. Cái đói thực sự đã đe dọa đến từng gia đình, từng sinh mạng. Trong cái đói, miếng ăn trở thành vấn đề bức thiết nhất. Con người đứng trước sự giằng co giữa cái sống và cái chết. Ranh giới ấy thật quá mong manh.
+ Có những con người đã không đủ sức để vượt qua ranh giới mong manh đó, họ đã bị hoàn cảnh đánh gục để rồi làng quê đầy những mùi gây gây của xác người. Những người còn lại – những người vật vờ như những bóng ma xanh xám kia đang vật lộn từng ngày để duy trì sự sống của mình. Nhưng những nhân vật trong truyện ngắn của Kim Lân (Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ) họ không chỉ muốn duy trì sự sống mà còn khát khao sống hạnh phúc, khát khao một cuộc sống đầy tình người, khát khao hạnh phúc gia đình, khát khao về tương lai tươi sáng của dân tộc. Chính khát khao sống, niềm tin về một ngày mai hạnh phúc ấy đã trở thành sức mạnh để giúp họ vượt qua khó khăn thử thách.
- Trong cuộc sống, không ít những con người phải đứng bên bờ vực của cái chết. Đó là những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, khó khăn mà họ gặp phải, nhưng họ vẫn yêu cuộc sống của mình, trân trọng từng giây phút được sống; họ dám ước mơ, có những ước mơ nhỏ nhoi, lại có những ước mơ mang tính nhân loại, họ ước mơ để có những cuộc sống tốt đẹp hơn (dẫn chứng: những người bị mắc bệnh hiểm nghèo, tàn tật, cuộc sống bất hạnh,…..)
- Đôi khi, đứng trước ranh giới của cái chết, có những con người coi hạnh phúc của mình là mang đến sự sống và hạnh phúc cho người khác ( dẫn chứng: những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, tương lai tốt đẹp của đất nước, đứng trước cái chết “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” bởi cái chết của họ đã gieo mầm cho cuộc sống mai sau. Trong thời đại hiện nay, có những người đã sau khi chết đã để lại một phần cơ thể mình để mang lại ánh sáng, hạnh phúc cho người khác…..)
…….
3. Bài học
- Con người được sinh ra nhưng không được lựa chọn số phận cho mình. Đôi khi chúng ta phải đứng trước sự lựa chọn vô cùng khắc nghiệt. Điều quan trọng là bạn phải đủ sức mạnh, đủ niềm tin để: hoặc vượt qua bờ vực, hoặc tự tìm một con đường đi khác cho chính mình.
- Con người không chỉ có nhu cầu sống mà còn có nhu cầu hạnh phúc. Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa để mỗi ngày bạn sống trên đời không bị trôi qua một cách vô ích. Bởi tồn tại vẫn chưa là chưa đủ, chỉ khi hạnh phúc ta mới cảm thấy cuộc đời này đáng sống.
- Liên hệ bản thân: Sống làm sao để mỗi chúng ta không tự đưa mình vào những bờ vực trong cuộc sống? Hãy bắt đầu thay đổi cuộc sống ngay từ ngày hôm nay.
Nguồn: diendankienthuc.net*