Giới trẻ lạm dụng mạng xã hội: Hậu quả khó lường!
Nhiều bạn trẻ lạm dụng mạng xã hội như thế này để nói xấu, xúc phạm người khác… Điều này ảnh hưởng không ít đến sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ hiện nay (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T
Ngày xưa, tuổi học trò thường gửi cảm xúc, tình cảm của mình lên những trang nhật ký là cuốn sổ tay; còn bây giờ, nhật ký của các em được thay bằng các trang mạng xã hội như facebook, zingme, 360plus….
Có thể nói, mạng xã hội đã tạo ra một “chân trời mới, sân chơi mới” cho hàng triệu người trên khắp thế giới, là nơi mà mọi người có thể thoải mái chia sẻ quan điểm, lập trường, thể hiện cảm xúc cá nhân, giải trí, kết bạn và làm việc. Với đặc điểm trẻ trung, năng động và có nhu cầu giao lưu kết bạn cao, giới trẻ luôn là đối tượng thu hút hàng đầu của các mạng xã hội.
Quên ăn, quên ngủ… vì những lời chia sẻ
Từ khi lập trang cá nhân trên facebook, Duyên Anh (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám) đã quên ăn quên ngủ vì nó. Mỗi sáng thức dậy thay vì ôn bài, làm bài tập để chuẩn bị đến trường học thì cô bé lại mở máy tính xem hôm nay có ai gửi lời chia sẻ (comment) gì với mình không. Chưa hết, đi học về đến nhà chưa kịp thay quần áo là Duyên Anh lao ngay vào phòng riêng mở máy tính ra tiếp tục… xem quên luôn chuyện ăn uống. Còn ngày nghỉ thì bạn đóng cửa ở trong phòng cả ngày để “bình loạn” với bạn bè. Duyên Anh kể: “Từ khi nhà nối mạng, em cũng tập tành lập facebook, rồi thỉnh thoảng vào zingme xem thử thế nào nhưng không ngờ nó lại “gây nghiện” đến thế. Một ngày không mở máy tính vô mạng là em cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm”. Còn Hoài An (sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) đóng hơn triệu đồng đăng ký học một lớp tin học văn phòng, dù ngày thi lấy chứng chỉ cận kề nhưng bạn vẫn bình chân như vại, suốt ngày cắm cúi trên máy tính để… lướt facebook, xem có ai comment cho mình không.
Bi kịch hơn đó là trường hợp của những teen đang “iu” - các bạn dường như quên ăn quên ngủ, thậm chí nghỉ học để chỉ làm mỗi công việc là comment với người “iu”. Từ khi bạn trai đi du học ở Mỹ, Thu Hà (Bình Thạnh) luôn nói dối với mẹ là bị đau đầu, mệt mỏi để xin phép nghỉ học. Thế nhưng, khi mẹ vừa ra khỏi nhà là cô bé lại lao ngay vào máy tính để comment với người “iu” ở tận trời Tây.
Viết cái gì cũng… tùy hứng
Không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập, một trong những vấn đề mà mọi người đang phải đau đầu là văn hóa comment của giới trẻ rất đáng báo động. Thậm chí, nhiều học sinh sử dụng nó như một phương tiện để nói xấu thầy cô, bạn bè một cách tùy hứng mà không sợ bị phát hiện.
Lướt qua 360plus của H. (một học sinh lớp 11), chúng tôi không khỏi giật mình trước những ngôn ngữ biến dạng và hết sức chợ búa của blog này: “Móa nóa, sáng maj là ngày tA^n the^ uj neK Pa k0n ơi! Baj tA^p giao về nhA củA anh Ch. hi_fi (ám chỉ thầy giáo) tao mah làm được tAo cuj luôn nek? Cụ ấy mà nO^i máU anh hùng là anh em đi về với bác sớm luôn... Ai chứ cụ Ch. thì cụ chém gio’ ghớm vl..nhức Oc’ lắm nè hixxx…”. Tiếp theo sau đó là những lời comment lại của bạn bè H. cũng không ít “bài ca” chướng tai gai mắt. Không dừng lại ở đó, nhiều teen còn đưa lên tường của các trang cá nhân những tin nóng hổi để bạn bè vào “bình loạn”. Những bài viết đề cập vấn đề “lộ hàng” của một số “sao” trên các trang web, không ít teen đã truyền tai nhau qua các trang mạng xã hội với những lời lẽ thiếu văn hóa như “bày đặt, trông phát gớm mà còn khoe hàng”, “a ha tao thấy ả đẹp đấy chứ, đầy đủ điện nước mà…”.
Hậu quả khó lường
Bàn về vấn đề này, cô Tô Nhi A, giảng viên bộ môn tâm lý - giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, chia sẻ: “Dù chỉ là gián tiếp, chỉ phục vụ cho động cơ giải trí nhưng những hành vi, thái độ lệch chuẩn hay sự lựa chọn đọc những thông tin tầm thường, thậm chí được xem là phạm pháp như xúc phạm danh dự người khác, phát tán và ủng hộ văn hóa phẩm đồi trụy… của các bạn trẻ khi tham gia mạng xã hội đều ảnh hưởng đến nhân cách và lối sống của các bạn. Thực tế cho thấy, từ những ảnh hưởng của mạng xã hội, các bạn trẻ đã lựa chọn cho mình những kiểu hành xử tiêu cực như tỏ thái độ coi thường thầy cô, cướp của, giết người và thậm chí tự kết thúc cuộc sống của mình khi nghe những lời khích bác “tự tử đi” của cộng đồng mạng”.
Còn theo nghiên cứu gần đây của một nhóm các nhà tâm lý học, những học sinh sử dụng facebook có thể bị ảnh hưởng và kết quả thi hạ thấp đến 20%.
Dương Bình
Theo Báo GD TPHCMCó thể nói, mạng xã hội ngoài vô số những thông tin có giá trị hữu ích thì kèm theo đó cũng có nhiều điều mà các bạn trẻ khi tham gia với tư cách thành viên phải biết “tự răn” mình để có hành vi sử dụng tích cực và không trở thành nô lệ của nó”.