• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Giới thiệu Thượng kinh ký sự

thuydaonguyen

New member
Xu
0
Thượng kinh ký sự (Ký sự lên kinh) là tập ký sự bằng chữ Hán của nhà y học và nhà văn Lê Hữu Trác (biệt hiệu: Hải Thượng Lãn Ông, có nghĩa: Ông già lười Hải Thượng). Theo nhà văn Đoàn Minh Tuấn, thì đây là một thiên phóng sự duy nhất của văn học Việt xưa viết về người thật, việc thật với cách hành văn giản dị, tinh tế và sinh động.

Giới thiệu sơ lược
Sau gần một năm sống giữa kinh đô Thăng Long, lấy cớ người nhà ốm nặng, Lê Hữu Trác xin phép về lại quê nhà (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Về nhà ngày 2 tháng 11 (năm 1782), đến tháng 11 năm Quý Mão (1783) thì ông viết xong Thượng kinh ký sự. Tác phẩm được ông xếp vào cuối bộ (quyển 65) Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (Những lĩnh hội tâm huyết về ngành Y của Hải Thượng) của mình, như một phụ lục, và được khắc in năm 1885[1]. Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất ở thế kỷ 18 thuộc loại hình ký (ghi việc, kể chuyện).

Năm 1924, Nguyễn Trọng Thuật dịch Thượng kinh ký sự và cho đăng trên Nam Phong tạp chí.
Năm 1993, nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) cho in Thượng kinh ký sự do Ứng Nhạc Vũ Văn Đình dịch.
Năm 1989, nhà xuất bản Thông Tin cho in Thượng kinh ký sự do Phan Võ dịch, Bùi Kỷ duyệt lại.

Tập ký sự này mở đầu lúc Lê Hữu Trác đang sống ở quê mẹ là Hương Sơn (Hà Tĩnh), thì bỗng có chỉ triệu ra kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và Thế tử Trịnh Cán. Khi ấy, ông đã 62 tuổi. Trên từng chặn đường, tác giả vừa mô tả phong cảnh vùa bộc lộ tâm trạng của mình. Đến kinh, tác giả tiếp tục mô tả quang cảnh ở đó, nhất là trong phủ chúa Trịnh, nơi lắm xa hoa và quyền uy. Ngoài ra, ông còn kể việc tiếp xúc của mình với các Nho sĩ, quan lại và những người thân quen xưa. Tác phẩm kết thúc với việc ông về lại quê nhà trong tâm trạng mừng vui.
Thượng kinh ký sự được tác giả viết theo thể nhật ký, không chia chương mục. Ở bản in nhà xuất bản Thông tin, người dịch (Phan Võ) đã phân chia & đặt tên thành 10 tiểu mục như sau:

•Giã nhà lên kinh
•Vào Trịnh phủ
•Nhớ quê nhà
•Làm thuốc và làm thơ
•Đi lại với các công khanh
•Tình cờ gặp người cũ
•Ngâm thơ, thưởng nguyệt
•Về thăm cố hương
•Vào phủ chúa chữa bệnh
•Trở về quê cũ

Nhận xét
Nguyễn Lộc trong Từ điển Văn học (bộ mới), viết:

Qua tập truyện (có xen lẫn những bài thơ), có thể thấy Nguyễn Hữu Trác là một con người nhân ái, thanh cao, một thầy thuốc xuất sắc, và là một nhà văn giàu cảm xúc...Ở những trang miêu tả cuộc sống trong phủ chúa, ông có vẻ không phê phán một cái gì cả, nhưng những điều được ông nói đến một cách chân xác, tinh tế; tự nó lại có ý nghĩa phê phán sâu sắc. Hình ảnh những cung điện kiêu xa cùng những con người nhiều quyền thế ở trong đó, "đã gây cho người đọc cái cảm giác nặng nề, khó chịu, đến nỗi muốn thét to lên cho nó vỡ tan đi"...
Và tác giả như muốn tổng kết lịch sử khi viết: “Than ôi! Giàu sang như đám mây bay. Đền vũ tạ, thú ca lâu phút chốc thành nơi hoang phế
".[2]

Đoàn Minh Tuấn:
Lê Hữu Trác không những là một nhà y học lớn nhất của nước Việt thời trước, một nhà văn lỗi lạc, mà còn là ông tổ của nghề báo Việt… Xưa kia tầng lớp nho sĩ chuộng về từ chương, ít ai viết văn chương lối phóng sự kể những việc tầm thường của cuộc sống...Ngoài giá trị văn học, tập ký sự còn là một sử liệu vô giá.[3]

Tạ Ngọc Liễn:
Trong tập có những bài thơ, đã cho thấy ông có trái tim của một thi sĩ đích thực. Thơ ông có những xúc cảm nồng nàn giàu ý vị, có những cái đẹp thanh tú, diễm lệ của núi sông, của trăng gió. Dường như bài thơ nào của ông cũng có câu hay, câu lạ, hoặc về hình tượng, hoặc về lối đặt câu, đảo ngữ. Đặc biệt, ông có một bài thơ nói về mối tình lỡ dỡ của mình rất hay...[4]

Một bài thơ tình
Theo lời kể của tác giả trong Thượng kinh ký sự, thì hồi nhỏ gia đình ông (Lê Hữu Trác) có dạm hỏi một cô gái, là con Thừa tự tham chánh ở Sơn Nam, cho ông cưới làm vợ. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn, và về ở luôn nơi Hương Sơn. Năm, sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai nữa...Trong thời gian ở Thăng Long chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh, tình cờ ông gặp lại người cũ, mà giờ đây đã thành một bà sư già, khổ sở và cô độc. Ông có ý muốn rước bà về ngôi chùa do anh ông xây dựng ở quê, nhưng bà đã sụt sùi từ chối, chỉ mong một việc là: Nghe nói trong Nghệ (Nghệ An) có nhiều cỗ áo quan tốt, muốn mua một cổ..
.
Trong tâm trạng day dứt, hối lỗi; ông làm thơ chép trong Thượng kinh ký sự như sau:
Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa!
Kim nhật tương khan khổ tự ta.
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ;
Song mâu xuân tận hiện hình hoa.
Thử sinh nguyện tác càn huynh muội,
Tái thế ưng đồ tốn khất gia.
Ngã bất phụ nhân, nhân phụ ngã,
Túng thiên như thử nại chi hà?

Dịch nghĩa:
Vì vô tâm thành chuyện làm nhầm lỡ cho người,
Ngày nay nhìn nhau đắng cay than thở
Một nụ cười bao tình cảm, lệ tuôn chảy,
Hai tròng mắt đã hết xuân bỗng hiện hình hoa.
Kiếp này nguyện làm anh em kết nghĩa,
Kiếp sau xin sẽ thành vợ chồng.
Ta không phụ người mà người phụ ta,
Nếu phỏng kiến như thế thì làm thế nào đây?

Phan Võ dịch thơ:
Lầm người, sự bởi vô tâm,
Nhìn nhau, nay những luống thầm thở than!
Một cười, giọt lệ chứa chan,
Mắt trông, xuân hết hoa tàn thương thay.
Anh em kết nghĩa kiếp này,
Kiếp sau cầm sắt bén dây họa là.
Trót vì người phụ lòng ta,
Ôi thôi, đành vậy, biết là làm sao?


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích
1.Bản Thượng kinh ký sự in năm 1885, hiện còn được lưu giữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), mang ký hiệu VHv. 2225.
2.Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, tr. 1708.
3.Trích Lời giới thiệu in đầu sách Thượng kinh ký sự do Phan Võ dịch. Nhà xuất bản Thông tin, 1989, tr. 5.
4.Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008, tr. 200 và 2002.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top