Giới thiệu Nguyễn Du và Truyện Kiều

thich van hoc

Moderator
Thành viên BQT
Giới thiệu Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Bài làm

1. Tác giả : Nguyễn Du ( 1765 – 1820) xuất thân trong một gia đình phong kiến đại quý tộc, nhiều đời làm quan với triều Lê. Cha và anh đều làm đến chức Tể tướng. Đương thời có câu ca về dòng họ này:

Bao giờ ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước, họ này hết quan.

Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, trong “An Nam ngũ tuyệt” (năm danh sĩ nổi tiếng) thì dòng họ này góp mặt hai : Nguyễn Hành, Nguyễn Du.

Sống trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động quan trọng cuối triều Lê đầu Nguyễn, trung thành với nhà Lê ông đã từng chống lại Tây Sơn nhưng không thành, sau đó là những năm tháng lưu lạc kéo dài, gian truân lận đận, nếm đủ mùi cay đắng nên ông hiểu và thông cảm sâu sắc với cuộc sống của nhân dân.

Triều Nguyễn được xây dựng , bất đắc dĩ ông phải ra làm quan cho đến khi mất với tâm trạng băn khoăn:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(dịch nghĩa : không biết ba trăm năm sau, thiên hạ ai người khóc Tố Như)
Ông để lại nhiều tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều. Ông là nhà thơ vĩ đại của dân tộc và là danh nhân văn hóa.

2. Tóm tắt Truyện Kiều: Tác phẩm dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ( Trung Quốc) , nhưng phần sáng tạo của Nguyễn Du hết sức lớn, có ý nghĩa quyết định đối với giá trị của tác phẩm. Truyện dài 3254 câu lục bát, có thể chia làm ba phần:

- Gặp gỡ và đính ước;
- Gia biến và lưu lạc;
- Đoàn tụ.

A. Gặp gỡ và đính ước: Kiều sinh trưởng trong một gia đình trung lưu lương thiện, có ba chị em. Nhân tiết thanh minh, cùng hai em đi tảo mộ, nàng gặp một nấm mồ vô chủ Đạm Tiên. Cảm thương cho số phận người kĩ nữ nằm dưới mộ, nàng than thở:

Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

Rồi nàng gặp Kim Trọng, một văn nhân tài tử “phong tư tài mạo tuyệt vời”; hai người cảm mến nhau:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã ,mặt ngoài còn e.

Về nhà, nàng nghĩ đến số phận Đạm Tiên, nhớ đến Kim Trọng:

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Phần chàng Kim Trọng, sau lần gặp gỡ chị em Kiều, cũng mang lòng tưởng nhớ khôn nguôi:

Bâng khuâng nhớ cảnh , nhớ người
Nhớ nơi kì ngộ vội dời chân đi.

Mong gặp gỡ, chàng dọn nhà đến ở sát nhà Kiều, rồi một lần lượm được chiếc thoa, chàng gặp dịp trao lại và tỏ tình. Hai bên hẹn ước. Nhân dịp gia đình về quê hương mừng thọ, Kiều gặp Kim và đính ước, hứa hẹn hạnh phúc lứa đôi.

B. Gia biến và lưu lạc: Sau lần gặp đính ước, Kim và Liên Dương hộ tang chú. Gia đình Kiều gặp nạn vì bị vu oan. Để cứu gia đình, Kiều quyết định bán mình:

Quyết tình nàng mới hạ tình
Dễ cho để thiếp bán mình chuộc cha.

Mã Giám Sinh mua Kiều đem về lầu xanh ở Lâm Tri. Cùng với Tú Bà, chúng ép nàng tiếp khách làng chơi. Biết mình bị lừa, không chịu nhục, nàng quyên sinh nhưng không chết. Đạm Tiên báo mộng, phải đến sông tiền Đường nàng mới hết kiếp đoạn trường. Sợ Kiều lại liều mình, Tú Bà đưa nàng ra lầu Ngưng Bích rồi bày mưu để Sở Khanh rủ nàng đi trốn. Bị bắt lại, bị chúng hành hạ, Kiều đau đớn thốt ra:

Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Thế là nàng cam chịu số phận dấn thân vào cuộc sống ô nhục.

Ở lầu xanh, Kiều được Thúc Sinh chuộc ra lấy làm vợ lẽ. Bị Thúc Ông đem báo quan, nàng bị xử phạt bằng một trận đòn khủng khiếp. Năm sau Kiều khuyên Thúc Sinh về nói rõ sự tình với vợ cả là Hoạn Thư. Thúc Sinh không dám nói thật với vợ cả, còn Hoạn Thư thì “ở ăn thì nết cũng hay, nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Ả lờ đi như không biết việc gì; khi Thúc Sinh quay lại Lâm Tri, ả cho gia nhân Khuyển Ưng đến bắt cóc Kiều đem về hành hạ. Thế là Kiều lại bị một trận “ ngứa ghẻ đòn ghen”:

Trúc côn ra sức đập vào
Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh.

Sau đó, nàng thành đứa ở coi đòi, có lúc phải hầu đàn để vợ chồng Hoạn Thư chén bạc chén thù, rồi nàng được đưa ra “giữa chùa chép kinh” ở Quan Âm các.

Một lần, Thúc Sinh lẻn đến than thở với Kiều, Hoạn Thư bắt gặp, Kiều sợ bỏ trốn đến nương nhờ cửa Phật với sư bà Giác Duyên. Họ Hoạn biết, Giác Duyên phải gửi nàng đến ở nhờ Bạc Bà. Bạc Bà ép gả Kiều cho Bạc Hạnh. Hắn đem nàng bán cho một lầu xanh ở Châu Thai. Thế là lần thứ hai, Kiều phải vào lầu xanh.

Ít lâu sau, Kiều được Từ Hải chuộc ra và cưới làm vợ, giúp nàng báo ân báo oán “trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen”.
Từ Hải lập nên nghiệp lớn, nghe lời Kiều, bị Hồ Tôn Hiến lừa mà phải “chết đứng”. Kiều vì nhẹ dạ, khuyên chồng, rồi chính mình cũng bị làm nhục, sau bị đem ép gả cho một viên thổ quan.

Tủi nhục, nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn cho xong một kiếp đoạn trường. Nhưng một lần nữa nàng lại được Giác Duyên cứu sống đem về cho nương nhờ cửa Phật.

C. Đoàn tụ: Sau nửa năm về hộ tang chú , Kim Trọng trở lại tìm người yêu. Hay tin sét đánh, chàng đau đớn “lúc tỉnh lúc mê” Cha mẹ Kiều, theo lời dặn của Kiều, xe duyên cho chàng với Thúy Vân.

Kim Trọng, Văn Quan thi đỗ cùng nhau lặn lội đi tìm Kiều. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, được tin Kiều trẫm mình ở sông Tiền Đường, Kim TRọng cùng gia đình lập đàn giải oan cho nàng . Được Giác Duyên cho biết nàng còn sống, cả nhà vui mừng và đón nàng về đoàn tụ.

Mười lăm năm xa cách với bao nỗi gian truân, trong tiệc đoàn viên, Thúy Vân và gia đình ép Kiều nối lại duyên cùng Kim Trọng: “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bè”.

Theo 100 bài văn hay lớp 9*
 
Giới thiệu về Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều”.

A.
Mở bài:

- Là nhà thơ xuất sắc của văn học trung đại cuối thế kỷ 18, các tác phẩm của ông lên án xã hội bất công đương thời, đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ.

- Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Du – đỉnh cao chói lọi của thi ca Việt Nam.

B.
Thân bài:

v Giới thiệu về tác giả

- Tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên (1765 – 1820), quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

- Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc, có nhiều đời làm quan và có truyền thống văn học, cha ông là Nguyễn Nghiễm làm đến chức Tể tướng. Bản thân ông cũng thi đậu tới tam trường và làm quan dưới triều Lê và Nguyễn.

- Có cuộc đời từng trải, từng chạy vào nam theo Nguyễn Ánh, bị bắt giam rồi được thả. Khi làm quan dưới triều Nguyễn được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc 2 lần, nhưng lần thứ hai chưa kịp đi thì bị bệnh mất tại Huế.

- Là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.

- Cuộc đời từng trải, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho Nguyễn Du vốn sống phong phú và niềm cảm thông sâu sắc với những đau khổ của nhân dân.

- Nguyễn Du là một thiên tài văn học, là một đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới và là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

Tác phẩm tiêu biểu: Tác phẩm chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm. Tác phẩm chữ Nôm: Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu…

v Về tác phẩm

- Xuất xứ: ra đời vào đầu thế kỉ 19 (khoảng 1805 – 1809), lúc đầu có tên là Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới đứt ruột), sau này đổi tên thành Truyện Kiều. Tác phẩm viết dựa trên cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) nhưng đã có sự sáng tạo tài tình.

- Thể loại : truyện thơ Nôm được viết bằng thơ lục bát, dài 3254 câu, chia làm 3 phần (gặp gỡ và đính ước, gia biến và lưu lạc, đoàn tụ).

- Đề tài: viết về cuộc đời Kiều nhưng thông qua đó tố cáo xã hội phong kiến lúc bấy giờ chà đạp, xô đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng; đồng thời ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều và của người phụ nữ. Tác phẩm còn thẻ hiện rất rõ hiện thực cuộc sống đương thời với “con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới muôn đời” của nhà văn.

v Giá trị nội dung

- Giá trị hiện thực:

+ Phản ánh hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị.

+ Sức mạnh của đồng tiền và số phận của những con người bị áp bức, nạn nhân của đồng tiền mà đặc biệt là người phụ nữ.

- Giá trị nhân đạo:

+ Thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ.

+ Lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người. Đề cao tự do và công lý.

+ Trân trọng đề cao con người từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính.

v Giá trị nghệ thuật

- Ngôn ngữ: Truyện Kiều là một kiệt tác nghệ thuật, với bút pháp của một nghệ sĩ thiên tài, tiếng Việt trong Truyện Kiều đã đạt đến độ giàu và đẹp.

- Nghệ thuật tự sự: thành công của Truyện Kiều trên tất cả các phương diện: ngôn ngữ kể truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả - tả cảnh ngụ tình.

C.
Kết bài:

- Nguyến Du và Truyện Kiều sẽ sống mãi với dân tộc và trở thành linh hồn dân tộc.

- Người đọc hiểu một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top