Giới thiệu chung nhân vật Đôn Ki-hô-tê trong tiểu thuyết cùng tên của Xéc-van-tét đã được học ở chương trình Ngữ văn 8.
BÀI LÀM
Xéc-van-tét (1547 - 1616 ) là nhà văn Tây Ban Nha nổi tiến thế giới chỉ với một cuốn tiểu thuyết cùng tên với nhân vật chính - Đôn Ki-hô-tê.
Đôn Ki-hô-tê là người có lí tưởng, biết hướng tới lẽ công bằng, muốn thực hiện công lí, trừng phạt những gì bất công, độc ác.
Con người khắc khổ, dáng khẳng khiu, cưỡi trên con “tuấn mã” già nua nhưng với vẻ ngoài “khốn khổ” ấy là một trái tim cuồng nhiệt và tâm hồn, lí tưởng cao thượng “một thương, một ngựa chu du thiên hạ bênh vực kẻ hèn yếu, đạp bằng mọi gian nguy, để tiếng thơm lưu truyền mãi mãi”.
Tuy nhìn những chiếc cối xay thành những tên khổng lồ và tấn công chúng, nhưng rõ ràng Đôn Ki-hô-tê đã xuất phát từ suy nghĩ “Đây là cuộc chiến đấu chính đáng, quét sạch cái giống xấu xa này khỏi trái đất”. Những chiến công khác của chàng hiệp sĩ cũng vậy, đều xuất phát từ lí tưởng “cứu khốn phò nguy”, vì thiện trừ ác (tấn công hai tu sĩ, cho đó là hai phù thuỷ đang bắt cóc một nàng công chúa ; tấn công một đàn cừu mà chàng tưởng là một đạo quân bất nghĩa). Thực tế, tuy “điên điên khùng khùng” song chàng cũng đã từng cứu được một cậu bé bị chủ đánh đập, cứu một toán người tù - Những nạn nhân thực sự trong xã hội bất công.
Đôn Ki-hô-tê mang trong mình dòng máu quí tộc, hiệp sĩ cao thượng.
Chàng luôn muốn vươn lên rèn luyện theo tinh thần hiệp sĩ tốt đẹp, lấy cung kiếm và danh dự làm thước đo nhân phẩm. Đôn Ki-hô-tê đã căn dặn đám mã của mình “dù có thấy ta gặp cơn nguy biến cũng không được vung kiếm bảo vệ ta đấy”. Vì như thế là không cao thượng, bởi đây là trận đấu giữa các hiệp sĩ. Trong các cuộc chiến đấu, thắng hay bại, Đôn Ki-hô-tê đều giữ vững, thể hiện rõ cái chí khí này. Chẳng hạn như lần chàng tấn công hai thầy tu, đánh nhau với một kị sĩ tỉnh Vi-xcai-a. Hình ảnh chàng thật dũng mãnh “Chàng đứng hẳn lên bàn đạp, hai tay xiết chặt thanh gươm, bổ một nhát như cả trái núi lao xuống đầu đối phương”, “Khi ấy đối thủ ngã lăn xuống đất, chàng mới nhảy xuống ngựa, rảo bước tới gần, dí gươm vào giữa trán bắt phải đầu hàng”. Cuối cùng vì theo đúng luật giang hồ hiệp sĩ, Đôn Ki-hô-tê đã tha chết cho kị sĩ ...
Ở Đôn Ki-hô-tê vẫn ánh lên trí thông minh, sự tỉnh táo. Trí thông minh, tỉnh táo xuất phát từ tâm hồn cao thượng. Lời khuyên của chàng khi Xan-chô Pan-xa xin nhận chức thống đốc là một ví dụ : “Xan chô, nếu anh thử anh sẽ mắc câu, anh sẽ không nhả ra được. Còn gì thích thú bằng có quyền lực, bắt thiên hạ phục tùng mình. Người ta chiếm được cái ghế quyền lực nào thì bẩy cũng không đi, dù là chỉ huy một đàn cừu, người ta cũng không chịu buông ra. Ôi ! Quyền lực, quyền lực ! Nó hấp dẫn bao nhiêu kẻ ngu muội và dốt nát !”. Rõ ràng Đôn Ki-hô-tê cao thượng “nguyên chất”, không bị tiền tài, quyền lực che mờ.
Nhưng rõ ràng Đôn Ki-hô-tê là một hiệp sĩ lỗi thời, viễn vông, dẫn tới chỗ chàng nhiều khi trở nên ngây ngô, buồn cười.
Thời đại các hiệp sĩ đã qua rồi nhưng vì chàng nhồi nhét nhiều sách kiếm hiệp, câu chuyện về các hiệp sĩ giang hồ nên chàng đã có sự ngộ nhận, muốn đóng vai hiệp sĩ. Bắt chước họ, chàng cũng trang bị cho mình như một hiệp sĩ, mặc dầu đó là những trang bị thảm hại, biến chàng thành kẻ điên khùng, ngớ ngẩn trước con mắt người đời (vũ khí han rỉ, chiếc mũ sắt được sửa sang lại bằng bìa cứng, một con “nghẽo” gầy nhom và một tình nương trong mộng tưởng. Chàng cũng mang theo một giám mã, lấy tên hiệu cho mình và cho tình nương...)
Chàng nhầm lẫn liên tục nên đã không ít lần gây ra những tấn bi hài kịch, chuốc lấy thảm hại không thể biện minh nổi dưới con mắt người bình thường (tấn công cối xay gió, đàn cừu, những nhà tu hành...).
Qua nhân vật vừa đáng thương, vừa buồn cười, vừa đáng mến Đôn Ki-hô-tê, phải chăng Xéc-van-tét muốn nói với chúng ta : Phẩm chất hiệp sĩ là đáng quý. Thời đại nào cũng cần có hiệp sĩ, nhưng không phải những hiệp sĩ lỗi thời. Mỗi một thời đại cần phải sản sinh ra hiệp sĩ của chính mình.
Sưu tầm