• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Gió nghịch mùa - Phạm Trần Ái Linh

  • Thread starter Thread starter DOO DOO
  • Ngày gửi Ngày gửi
D

DOO DOO

Guest
Trời trở lạnh, cái Liên khẽ trở mình cựa quậy, mẹ nó nhích người sang một bên rồi xoay lại và ôm nó vào lòng xoa xoa hai tay vào cẳng chân đang co quặp lại của nó cho bớt lạnh. Trong căn nhà cấp bốn xụp xệ, những đợt gió nghịch mùa ác tính như thế này cũng đủ làm cho mẹ con nó run lên bần bật. Tiếng gió rít lên lùa qua từng khe cửa, tiếng xào xạc của mấy rặng cây to, tiếng thùng, xoong bị gió cuốn đi va vào nhau kêu chan chát. Cô Nhàn- mẹ cái Liên thở dài thườn thượt. Đêm nay cô lại thức trắng.
Ba nó mất từ khi nó mới lọt lòng. Trong lúc đi bắt cua, bắt cá ngoài đồng để đem về bán đổi gạo như thường ngày thì ba nó vô tình giẫm phải dây điện và bị giật chết. Mẹ nó nghe tin quá bàng hoàng, ngất lên ngất xuống mấy lần và lúc ấy nó ra đời trong sự hoảng loạn đến tột cùng của mẹ. Nó sinh non. Bởi vậy, ngay từ nhỏ cái Liên luôn bị ốm đau quặt quẹo. Những đợt gió trở trời như thế này cũng đủ cho mẹ nó lo sốt vó lên vì những trận bệnh của nó.
- Cô Nhàn, cô Nhàn ơi! Cô Nhàn có ở nhà không? Tiếng bà Năm vang lên trong đêm làm cô Nhàn giật mình.

Cô khẽ trở mình dậy để tránh làm Liên thức giấc. Mở cánh cửa đã cũ, đã bị mối mọt ăn gần hết, cô nép mình vào trong và khẽ thì thào:
- Đêm khuya thế này bà gọi con có việc gì vậy ạ?

- Tao đem cho cái Liên nắm lá diếp cá, mai mày đem đi rửa sạch đi, cho vào cối giã thật nhuyễn, rồi đun sôi cùng nước vo gạo để nguội cho nó uống. Trị ho tốt lắm đấy. Khổ thân con nhỏ. Trở trời như thế này chắc nó ho dữ lắm. Vừa nói bà Năm vừa chép miệng.

- Mẹ con con mang ơn bà quá. Khuya khoắc thế này, bà còn mang sang cho con.

- Chèn ơi, có gì đâu mà bây làm quá. Tao là tao thương con nhỏ, với lại già cả rồi, không ngủ được, trời thì mưa gió như thế này, tao lo nó ho quá không ngủ được mới mọ mẹ sang đây. Thôi bây vào nhà lo cho nó đi, tao về à.

Vừa nói bà Năm vừa xua xua cái tay với ý nói cô Nhàn vào nhà, rồi chậm rãi bước quay về.
Cô Nhàn nhìn theo, nơi bầu trời đen nghịt và nói với theo:
- Bà về cẩn thận, con cảm ơn bà nhiều ạ.

Rồi cô Nhàn lại buông một tiếng thở dài, khép hờ cánh cửa lại rồi quay vào nhà. Trên giường cái Liên ho sù sụ kèm theo đó là tiếng thở nặng nhọc. Cô Nhàn nhìn con, nhìn xuống nắm diếp cá trên tay rồi lại thở dài. Tiếng thở dài dường như là vật bất ly thân với cô. Từ thuở con gái tràn trề nhựa sống đến khi lấy chồng và có con, tiếng thở dài dường như gắn chặt với cuộc sống đầy nhọc nhằn của cô.
Cô lay lay cái Liên:
- Liên, Liên, dậy uống ít nước đi con, con ho quá rồi, mai mẹ chưng lá cho con uống.

Cái Liên lồm cồm ngồi dậy, nghệu ngạo uống hết ly nước, rồi lại nằm xuống và tiếp tục cơn ho dai dẳng đến nhói lòng.
Sáng, trời bỗng dưng quang đãng lạ thường sau cơn gió lớn hôm qua. Cô Nhàn dậy từ tờ mờ sớm, lọ mọ dưới bếp chưng lá cho cái Liên uống rồi tất tưởi đi làm. Công việc của cô Nhàn, ngoài cái sào ruộng thì hết mùa ai thuê gì cô làm nấy, từ giúp việc nhà cho đến đi rửa bát thuê ở chợ. Được cái cô Nhàn siêng năng và chăm chỉ nên ai cũng thích giao việc cho cô. Hôm nay, được bà Tư bán phở gọi đến rửa bát nên cô phải đi đến chợ từ sớm. Đang ngồi làm việc, chợt bà Tám Thanh đến ngồi kế bên cô thủ thỉ:
- Cô Nhàn à, cô còn trẻ đẹp như thế này mà cô tính bán mình lại mảnh đất nghèo xơ nghèo xác này mà rửa bát thuê suốt đời à.

Cô Nhàn lau vội mấy giọt mồ hôi còn vương trên trán ngẩng lên và nói:
- Bà nói vậy là có ý gì bà Tám?

- Thì, tôi chỉ nói cô quá phí phạm nhan sắc và tuổi trẻ cho những việc không đâu. Cô nghe tôi, tôi giới thiệu mối làm ăn này ngon lắm. Bảo đảm cô có thể kiếm nhiều tiền để về lo cho con Liên có cuộc sống đầy đủ. Bà Tám Thanh thỏ thẻ nói

- Nhưng mà việc gì? Tôi chỉ làm những việc lương thiện thôi. Cô Nhàn nhíu mày nói

Bà Tám Thanh vỗ vào đùi mình một cái bạch và nói:
- Có bao giờ Tám giới thiệu việc bất lương cho ai bao giờ đâu, Tám chỉ muốn tốt cho mọi người ở đây thôi. Tám thấy cô khổ quá rồi, muốn cô sướng lên một chút.

- Thế bà tính giới thiệu cho tôi việc gì?

- Tám nói cho cô nghe, vừa nói bà vừa móc ra từ trong túi một xấp hình

- Đây, đây, cô nhìn đi, chồng Đài Loan hẳn hoi nhé, Hàn Quốc cũng có nữa. Đặc biệt rất thích con gái Việt, đảm đang, siêng năng và đẹp như cô. Cưới về, cô tha hồ mà ăn sung mặc sướng. Toàn đại gia hết cả đấy. Vừa sướng cho bản thân cô, vừa có tiền cho con Liên ở nhà được ăn học đàng hoàng.

Cô Nhàn hất mạnh cánh tay bà Tám làm bà ta ngã chỏng chơ:
- Tưởng bà giới thiệu việc gì hay ho lắm, chứ cái việc này thì bà tự đi mà làm lấy. Tôi không làm. Bà đi đi, chỗ cho tôi còn mần việc.

Bà Tám phủi phủi đít đứng dậy và nói:
- Gớm, nghèo mà còn làm phách. Được lắm, sau này đừng hòng mà tìm đến tôi.

Nói rồi bà Tám Thanh nguýt cô Nhàn một cái thật dài rồi bỏ đi với cái lắc đầu ngao ngán của nhiều người.
Bà Tư đằng hắng nói:
- Nhàn à, mày lo làm đi, đừng có nghe lời con mẹ Tám nó xúi bậy, con mẹ đó chẳng trúng trật gì cả. Dạo này, cả chợ đang đồn ầm lên cái vụ có chồng ngoại quốc gì đó. Tao thấy mẹ Tám Thanh này cũng sốt sắng đi mai mối này kia lắm. Ở mình mần chưa xong mà đòi sang ngoại với chả quốc. Rách cả việc.

- Dạ, con biết rồi bà Tư. Con không nghe lời bà ấy đâu. Bà Tư yên tâm.

- Ừ, tao thấy mày mẹ con đơn chiếc, lo cho mày thôi. Thôi lo làm đi, sắp trưa rồi.

Nói rồi, cô Nhàn lại cặm cụi rửa bát, hết mẻ này đến mẻ khác cho đến khi trời đã đứng bóng, cô mới tất tả mua ít đồ ăn về nấu cho cái Liên.
Đạp chiếc xe cũ kĩ bây giờ chỉ còn mỗi cái sườn và hai cánh bánh, cô lại ngao ngán cảnh sống cực khổ của mình. Đời cô bây giờ tăm tối chẳng khác nào chị Dậu. Cô thầm nghĩ: “Gía như có cuộc cách mạng giúp thoát nghèo, thoát khổ, có lẽ mình sẽ là nữ tiên phong mà không ngần ngại gì.” Ngày tháng trước mặt cô giờ đây mù mịt đen tối tựa đêm 30 không một nguồn sáng không một chiếc phao cứu trợ. Chỉ cần một cơn gió mạnh thoảng qua cũng có thể khiến hai mẹ con cô ngã gục. Cũng may, trời còn thương ban cho cô sức khỏe để cô làm việc, chứ không cô cũng không biết phải tính sao với cuộc sống chị Dậu thời @ của mình.
- Mẹ về rồi đây Liên ơi. Vừa dựng chiếc xe đạp vào góc tường cô vừa nói vọng vào nhà.

Cái Liên từ trong nhà chạy ra, vẻ mặt hớn hở:
- A, mẹ về rồi.

- Đỡ ho chút nào chưa con? Cô Liên lo lắng hỏi.

- Con khỏi rồi mẹ ơi. Thuốc lá của mẹ hay thật đó.

- Đỡ là mừng rồi, thôi con vào nhà đi, mẹ nấu cơm cho ăn. Trưa rồi.

- Dạ, để con cầm đồ phụ mẹ.

- Hôm nay có món cá chiên ngon quá mẹ nhỉ, lâu rồi con mới được ăn lại. Thích quá! Vừa ăn cái Liên vừa nói làm bữa trưa của hai mẹ con rộn ràng cả lên.

- Ừ, ngon thì ăn nhiều vào đi con. Cô Nhàn cười đôn hậu nhìn cái Liên ăn một cách ngon lành.

- Mẹ, lát mẹ cho con đi chơi với Tí Nam con cô Mùi nha. Cái Liên hỏi mẹ nó.

- Con định đi đâu?

- Con với nó đi ra sông chơi với tụi bạn lớp con đó mẹ. Nha mẹ, mẹ cho con đi nha mẹ! Cái Liên nài nỉ.

- Thôi được rồi, đi một lát rồi về nha con.

- Dạ! Cái Liên nói đầy khí thế.



Trưa, cô Nhàn chạy ù qua chợ giúp cô Sương dọn hàng, cái Liên thì đi chơi với Tí Nam mãi đến chiều tối vẫn chưa thấy về. Về tới nhà không thấy Liên đâu, cô đạp xe qua nhà Tí Nam hỏi thì biết là Liên đã về nhà từ chiều.

“Về từ chiều thì giờ này đáng ra nó phải ở nhà rồi. Quái lạ thật, nó đi đâu được cơ chứ”. Cô Nhàn nghĩ thầm trong bụng.



Đạp xe một mạch ra sông nơi cái Liên chơi với đám bạn hồi trưa, cô Nhàn vẫn không thấy bóng dáng ai ngoài mấy con cò đang sải cánh tìm mồi trên mặt sông. Từ giận cô Nhàn đâm sang lo lắng bồn chồn. Lật đật quay đầu xe, cô chạy đến nhà bạn của cái Liên để tìm. Nhưng đi đến đâu cô cũng đều nhận được cái lắc đầu đến chạnh lòng. Rồi cô lại đạp xe về nhà thử con đã về chưa. Nhà tối om và vẫn không thấy bóng dáng con đâu. Mặt cô đỏ bừng, hai tay cô run run, chân thì đứng không nổi. Cái cảm giác này giống y hệt cảm giác biết tin chồng mình qua đời. Khuôn mặt của cô dần chuyển sang trắng bệch.

- Nhàn, Nhàn! Tiếng bà Năm đầy vẻ lo lắng vang lên làm cô Nhàn giật nảy người.
- Tao nghe nói cái Liên nó đi từ sớm tới giờ chưa về?

- Dạ, bà Năm. Cô Nhàn sụt sùi.

- Thế đã đi tìm khắp chưa? Hay là nó ham chơi quên cả giờ giấc rồi. Bà Năm ái ngại.



- Con đã đi khắp những chỗ nó có thể đi rồi. Bạn bè thì về từ chiều. Bình thường nó có bao giờ đi mà không xin phép con đâu. Giờ này vẫn chưa về. Nó mà có chuyện gì chắc con chết chứ không sống nổi đâu bà Năm ơi. Cô Nhàn nói như mếu.

Bà Năm vừa vỗ vỗ đôi tay già nua nhăn nheo lên lưng cô Nhàn vừa nói.



- Mày đừng nói gở chứ. Chắc nó đi đâu đấy thôi. Chờ lát nữa thử nó có về không. Nếu không thì lên xã báo cho người ta đi tìm giúp. Khổ, mẹ con đơn chiếc thế này.

Trời đã tối hẳn, tiếng gió vẫn thổi nhẹ đều đều. Trăng đã lên cao đến giữa khoảng không rộng lớn. Bầu trời hôm nay chi chít sao. Khung cảnh yên bình của làng quê buổi đêm dường như đối lập hoàn toàn với tâm trạng đang dậy sóng của cô Nhàn.



- Gâu, gâu, gâu,… Tiếng chó sủa liên hồi ngoài ngõ khiến cả cô Nhàn và bà Năm đang chìm trong bộn bề của sự lo lắng giật bắn cả người.

Bà Năm từ trong nhà nói vọng ra:

- Đứa nào đứng ngoài kia mà chó sủa dữ thế?

Ngoài ngõ, tiếng người đàn ông nói với vào:
- Cho hỏi đây phải nhà cô Nhàn không ạ?

Cô Nhàn đang lo lắng, nghe thấy tiếng người hỏi mình lòng cô càng rực lửa hơn nữa. Cô có dự cảm chuyện không hay sắp xảy ra. Chạy ù ra ngỏ, cô Nhàn vội vã nói:
- Tôi là Nhàn đây, bác có chuyện gì tìm tôi ạ?

Người đàn ông chợt ồ lên một tiếng:


- À, may quá, có cô ở nhà đây. Đang trên đường đi lên tỉnh công tác, đi ngang qua phía sau của con sông kia thì tôi thấy cô bé con cô ngất ở đó.

Chưa kịp nghe hết câu, cô Nhàn đã vội vàng hỏi lại:

- Bác nói sao ạ, cái Liên nhà con bị ngất à? Bây giờ nó ở đâu? Bác! Bác nói cho con bây giờ nó ở đâu đi ạ?

- Cô, cô cứ bình tĩnh. Tôi đưa nó lên bệnh viện tỉnh cấp cứu rồi. Cháu nó còn nằm trên đó tôi lật đật chạy xuống báo tin cho cô biết để cô đỡ lo.

Hai chân cô Nhàn như khụy xuống khi nghe tin cái Liên phải cấp cứu. Chưa bao giờ cô sợ mất con như lúc này. Cô hỏi như người mất hồn:
- Bác, bác, bác chở con lên chỗ cái Liên được không ạ?

- Rồi rồi, cô vào thu xếp đồ đi rồi tôi chở cô lên với cháu nó chứ để nó một mình trên đó tội lắm.

Vơ vội mấy bộ quần áo. Bà Năm dúi vào tay cô một ít tiền. Mấy tờ bạc cũ và nhàu nằm trong tay khiến cô rơi nước mắt. Cảm ơn bà Năm một tiếng rồi cô lên xe để lên với con. Vào tới nơi, mùi bệnh viện xộc vào mũi khiến cô khó thở. Thấy con mắt nhằm nghiền, mặt tím tái, tay chi chít đường truyền lòng cô lại quặn thắt hơn nữa. Gặp bác sĩ, cô Nhàn như không tin nổi vào tai mình khi biết bệnh tình của con. Chỉ tại vì nhà nghèo, cuộc sống quá đỗi khó khăn chật vật khiến cô không lo chu đáo đến sức khỏe của con. Mấy năm trước nghe cái Liên than đau chân, rồi cô cũng bốc qua loa cho con vài thang thuốc bắc, thế rồi sau đó cũng không nghe Liên kêu đau nữa. Mấy hôm nay, Liên bắt đầu ho dữ dội thì cô cứ nghĩ là do trở trời nên con mới bị như thế. Không ngờ đó lại là những triệu chứng cơ năng của bệnh suy tim. Giờ đây trước mắt cô là một màu đen của màn đêm và màu đen của con đường tương lai. Bệnh suy tim sẽ có thể cướp đi cơ hội sống của cái Liên bất kì lúc nào nếu không thay kịp thời. Nhưng cuộc sống khốn khổ của mẹ con cô, đến cơm còn bữa đói bữa no huống chi bây giờ phải mất gần cả trăm triệu để chữa bệnh thì thật sự cô không biết phải đào đâu ra số tiền lớn đến như thế. Người như thất thần, cô Nhàn lê đôi chân trên hành lang bệnh viện. Vay mượn hàng xóm thì làm sao cô có thể bảo đảm là sẽ trả được số tiền lớn như vậy. Nhìn con qua ô cửa kính, cô Nhàn thầm nghĩ: “Giá như người nằm đó là mình thì hay biết mấy. Liên con quá nhỏ để có thể đủ sức chịu đựng sự đau đớn này”.
Sớm, cả làng biết chuyện. Thế là người góp ít sữa, ít bánh, người giàu có hơn thì cho dăm ba trăm. Bán hết đồ đạc tài sản trong nhà cũng không đủ một nửa chi phi phẫu thuật. Cô đau đớn đến tuyệt vọng. Ngồi sụp trước cửa nhà, hai tay che mặt và nước mắt cứ thế rơi lả chả.
Bà Năm với tấm lưng cong, bước đi chậm chạp nhưng cũng cố gắng bước thật nhanh về phía cô Nhàn.
- Thôi, mày đừng khóc nữa. Bây giờ khóc lóc thì cũng chẳng có ích gì. Giá như khóc mà có đủ tiền cho con nhỏ phẫu thuật thì tao cũng tình nguyện khóc cùng mày. Vừa nói bà vừa móc trong lưng quần mình ra một xấp tiền lẻ được gói cẩn thận trong bọc nilong nhỏ.

- Cầm lấy ít tiền này lên lo trả tiền bệnh viện cho con nhỏ. Chậc, khổ thân. Mới có mấy tuổi đầu mà phải chịu đau chịu khổ rồi.

Cô Nhàn ngẩng đầu lên, đôi mắt mơ vẫn ướt sũng:
- Bà, bà, mẹ con con nợ bà nhiều quá rồi.

Bà Năm trợn tròn hai mắt:
- Ơ hay, cái cô này. Tao là tao đang trách mình không giúp được nhiều cho mẹ con bây. Già cả cái nghèo đu bám cả đời thì làm sao có của ăn của để mà phòng khi bất trắc được.

- Bây giờ mà không có đủ tiền thì làm sao chữa bệnh cho cái Liên hả bà? Dù có bán hết nhà cửa ruộng đất cũng không đủ để lo cho nó. Vả lại còn phải đưa nó lên thành phố để làm phẫu thuật. Hay là con đi vay lão Tứ ở gần Uỷ ban huyện.

- Mày tính đi vay nặng lãi hả. Lão Tứ này không phải là dạng vừa đâu. Mày có bảo đảm được trả tiền đúng thời hạn không. Không chừng lãi mẹ đẻ lãi con lúc đó thì chẳng ai có thể cứu được mẹ con bây. Bà Năm chép miệng.

- Chứ bây giờ con chẳng biết phải làm sao nữa rồi bà ơi. Không có tiền thì chắc cái Liên nó không sống được. Bây giờ bằng mọi giá con cũng sẽ cứu con của con. Cô Nhàn nói đầy quyết tâm.

- Không còn cách nào khác thì chắc phải tìm lão Tứ thôi.

- Thôi, con đi đây bà ạ. Con đến nhà lão Tứ.

- Ừ, mày đi cẩn thận. Đi nhanh rồi lên với con nhỏ.

Đạp chiếc xe cà tàng một cách ngao ngán trên con đường đất đầy sỏi đá. Lâu lâu, cô không kịp tránh mấy cục đá trên đường khiến chiếc xe cứ nẩy lên với tiếng kêu như thể sắp gãy ra làm đôi. Không màn chú ý tới những tiếng động ấy, cô vẫn cứ lầm lũi đạp xe một cách vô định.
Bước ra từ nhà lão Tứ với số tiền trăm triệu cầm trên tay cùng tờ giấy ghi nợ, cô Nhàn chỉ còn suy nghĩ là đến bệnh viện ngay để có thể cho cái Liên làm phẫu thuật nhanh nhất có thể. Nhét tiền số tiền lớn cuộn vào lưng quần, cô Nhàn khiêng chiếc xe đạp quay đầu lại và vội vã đạp xe ra về.
Trời nhem nhẻm tối, con đường đất đầy sỏi đá lại càng khó đi hơn nữa. Mấy con nhái cạnh đê mương đầu làng chốc chốc lại nhảy từ bờ này sang bờ kia. Khung cảnh tĩnh mịch đến lạ thường. Chợt, từ phía sau vọng lại tiếng rồ ga của xe máy, vội vã tấp vào bên lề, nhưng dường như càng tấp vào thì tiếng xe máy càng áp sát cô hơn. Theo phản xạ, cô Nhàn dừng lại, hai tay bấu chặt vào cái lưng quần. Gã thanh niên ngồi phía sau nhảy phóc xuống xe tiến lại gần phía cô. Cô Nhàn lắp bắp:
- Các anh…, các anh... định làm gì?

- Làm gì hả? Vừa nói gã thanh niên vừa rút con dao kề vào cổ cô.

Điếng người cô định thét lên nhưng tiếng thét cứ nghẹn ứ trong cổ họng không thể nào phát ra được. Răng môi cô cứ va vào nhau.
- Tôi… Tôi không có tiền. Các…. các anh tha cho tôi.

Gã mập đang ngồi trên xe hất nhẹ cái đầu:
- Làm nhanh lên mày, kẻo có người nhìn thấy bây giờ.

- Tui chưa hỏi cô có gì mà. Sao lại nói là không có tiền. Nhanh, đưa hết tiền ra đây chứ không là không toàn mạng mà quay về nhà đâu. Gã thanh niên vừa nói vừa dí con dao nhọn vào cổ cô Nhàn.

- Tôi, tôi đã nói là tôi không có tiền mà. Các anh tha cho tôi. Con gái tôi đang chờ tôi ở nhà. Nó bị bệnh nặng lắm. Cô Nhàn khẩn khoản van xin bọn cướp

- Đừng nói nhiều, mau! Đưa ra hết đây cho tôi. Hắn gằn giọng nói như ra lệnh.

- Lục soát cô ta đi, đừng phí thời gian nữa. Gã mập hối thúc.

Gã thanh niên bỏ con dao vào túi một và tiến hành lục soát trên người cô Nhàn. Cô chống cự, hai bên giằng co. Đoạn cô cắn vào tay hắn một phát rõ đau, hắn rụt tay lại thừa lúc đó cô Nhàn xô mạnh làm hắn ngã nhào. Nhanh như cắt, gã mập đang ngồi trên xe nhảy xuống chặn đường không cho cô chạy thoát. Gã thanh niên phủi phủi đít đứng dậy và đi thật nhanh tới dơ tay tát cô Nhàn một cái rõ đau khiến cô choáng váng cả mặt mày.
- Cái mụ già đáng ghét này. Xem mày biết tay với ông. Vừa nói hắn vừa tát liên tiếp vào mặt cô mấy phát nữa.

Liền sau đó, tên còn lại mò khắp người cô, chợt đôi tay hắn dừng lại bên cái thắt quần. Vội vàng lật áo của cô lên, hắn rút ra số tiền được cô giấu sau lưng quần. Quên cả đau đớn, cô Nhàn giãy giụa và kêu la. Cô đạp thùng thùng vào bụng và đùi của gã thanh niên. Nhưng với sức của người phụ nữ yếu ớt như cô thì làm sao có thể chống lại được sức mạnh của hai gã thanh niên kia được. Thế là trong phút chốc, số tiền cô vay nóng của lão Tứ đã bay mất. Hai tên nhanh chóng phi lên xe và rồ ga chạy một mạch để lại cô Nhàn với sự sợ hãi và nước mắt giàn giụa. Hai tay cô run run, đôi chân cô đứng lên không vững. Cô cứ thế ngồi sụp bên lề đường. Đầu cô trống rỗng, cô không nghĩ được gì. Đoạn cô đứng dậy và tiếp tục đạp xe ra về cùng với tờ giấy vay nợ mà bọn cướp trước khi đi còn vứt lại.
Như người mất hồn, cô lủi thủi bước vào căn nhà trơ trọi và luôn miệng nói: Mất trắng rồi, mất hết rồi, chết hết rồi.
- Mày bị làm sao thế Nhàn? Bà Năm nhíu mày hỏi.

Sắc mặt vẫn không biết đổi, cô liên tục lặp lại:
- Mất trắng rồi, mất hết rồi, chết hết rồi.

- Sao? Mất cái gì? Chết cái gì? Nhàn, mày làm sao vậy? Đã vay được tiền chưa? Bà Năm lo lắng hỏi dồn.

- Cướp sạch rồi, mất hết rồi. Cô Nhàn vẫn nét mặt đờ đẫn không thần sắc ấy trả lời một cách vô thức.

- Cái gì? Cướp hả? Trời ơi. Vừa nói bà Năm vừa ôm mặt

Không khí im bặt, hai người đàn bà khốn khổ vẫn không ai nói với ai câu nào.
- Ông trời ơi! Nó có ăn ở thất đức với ai đâu. Đã khốn khổ rồi bây giờ càng khốn khổ hơn. Lấy tiền đâu mà phẫu thuật cho con nhỏ. Lấy tiền đâu mà trả nợ đây trời ơi! Bà Năm nói như mếu.

Cô Nhàn vẫn không động đậy, mắt cô ráo hoảnh và nhìn ra ngoài trời tối đen như mực, lâu lâu có vài tiếng ếch nhái kêu ộp ộp. Chợt cô đứng phóc dậy đi ra ngoài sân đạp chiếc xe đạp đi một mạch mà không kịp nói với bà Năm câu nào. Bà Năm cứ thế ngẩn người ra nói vọng theo:
- Mày đi đâu thế Nhàn?

Và đáp lại câu hỏi ấy cũng chỉ là tiếng ếch nhái ộp ộp vang bên tai. Bà Năm lắc đầu thở dài, hai tay chống vào cái cột nhà lom khom đứng dậy.
Sáng, cô Nhàn chạy qua bà Năm:
- Bà Năm ơi, bà Năm có nhà không?

- Gì thế bây. Tao đây nè. Tiếng bà Năm vọng ra từ dưới bếp. Cô Nhàn đi một mạch xuống và thủ thỉ:

- Ngày kia là cái Liên nhà con làm phẫu thuật được rồi. Hôm qua con mới hẹn với bác sĩ xong. Giờ con phải lên thành phố gấp, con về đem cho cái Liên mấy bộ đồ. Đợt này con ở trên đó hơi lâu, bà chốc chốc sang thăm nhà với mấy con gà giúp con nha!

- Ơ, thế tiền đâu ra mà phẫu thuật hả bây? Bà Năm thắc mắc.

- Chuyện này kể ra cũng dài lắm, hôm nào con về con nói cho bà nghe. Thôi con vội quá, con đi đây.

- Ơ, ơ. Bà Năm với tay chỉ theo, chưa nói hết câu cô Nhàn đã chạy ra tới đầu ngõ.

Nửa tháng sau, cô Nhàn về với vẻ mặt đượm buồn. Cái Liên vẫn còn nằm viện để dưỡng bệnh. Bà Năm cười đon đả:
- Con nhỏ nó khỏe chưa bây?

- Dạ, cũng đỡ hơn rồi bà ạ

- Ừ, "dậy" thì may rồi. Rồi bây tính khi nào lên lại.

- Dạ, con về rồi lát con lên lại. Con tính nhớ bà ít chuyện. Cô Nhàn rụt rè.

- Có gì bây cứ nói. Tao giúp được gì tao giúp liền. Bà Năm hồ hởi.

Sau một hồi nói chuyện với bà Năm, cô Nhàn sụt sùi nước mắt:
- Bà chăm nó giúp con. Lần này con đi chắc lâu lắm con mới về.

Bà Năm cũng rưng rưng nước mắt:
- Khổ thân, bây giờ sự đã rồi tao cũng không biết giúp mẹ con bây ra sao. Vả lại tao cũng chẳng biết giúp như thế nào. Cái thân già này còn sống được bao lâu nữa đâu. Chỉ tội con nhỏ, phải xa mẹ. Mày ráng giữ liên lạc với nó để cho nó đỡ tủi nghen.

- Dạ, con biết rồi bà ạ.

- Thôi, tao vào lấy ít đồ rồi tao lên chăm nó cho bây. Rõ khổ. Vừa nói bà Năm vừa chép miệng.

Cái Liên được xuất viện về nhà, nó sang ở hẳn nhà bà Năm. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới mà bây giờ phải sống xa mẹ quả là một thiệt thòi lớn cho nó. Ngày nào nó cũng nhắc mẹ, tối nào nó ngủ cũng mơ thấy mẹ.
Chiều chiều, bà Năm hay dẫn nó ra ngoài đầu ngõ và nhìn về phía cái cổng làng. Cứ nhìn như thế suốt mấy năm trời. Con đường tới cổng xa tít và dường như trong mắt hai bà cháu nó không có điểm dừng. Xa xôi lắm nhưng cũng gần lắm. Cả hai cùng nhìn về một phía và cùng trông đợi vào một thứ gì đó. Thời gian dài trôi qua, những cuộc gọi của cô Nhàn về cho cái Liên cũng thưa dần thưa dần rồi thôi hẳn. Những cuộc gọi ấy đôi khi còn đứt quãng giữa chừng khiến cho mỗi lần nói chuyện với mẹ xong cái Liên cũng đều khóc rưng rức. Bà Năm nhìn mà xót xa trong dạ.
Ở nơi ấy, cái nơi đất khách quê người. Cái nơi mà ngay cả tìm được tiếng nói chung cũng khó cho cô, ấy vậy mà cô Nhàn vẫn sống, vẫn chịu đựng chỉ mong một ngày có thể quay trở về nhà với Liên, được chăm sóc con, yêu thương con. Nỗi nhớ trong cô một ngày một lớn lên. Nhớ ngày ấy, cô đến tìm bà Tám để ngỏ lời được cưới chồng ngoại quốc lấy tiền về chữa bệnh cho cái Liên. Bà Tám sốt sắng lo mọi thứ thủ tục cho cô. Từ chuyện trả nợ cho lão Tứ cho đến việc chăm sóc cái Liên khi nó còn nằm viện. Và rồi, cô cũng cưới một ông chồng người Đài Loan hơn cô đến 20 tuổi. Với cô, cuộc sống như địa ngục cũng bắt đầu từ đây. Héo mòn về tinh thần đã đành ở đây cô còn bị hành hạ về thể xác. Lão lấy cô về với mục đích là tìm được một osin cao cấp vừa làm vợ để giải quyết nhu cầu sinh lý cho lão vừa làm nô dịch phục vụ cả gia đình mười mấy người nhà lão. Không hiểu tiếng nói người bản địa, không có ai sẻ chia trút bầu tâm sự, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, đặc biệt là nhớ con đến cồn cào, da diết khiến cho cô lâm vào trạng thái u uất.
Một năm, hai năm rồi ba năm cũng trôi qua. Thiếu vắng tình thương của mẹ suốt ngần ấy thời gian, cái Liên cũng có tuổi thơ không mấy vui vẻ. 15 tuổi nó đã giao lưu với đám bạn xấu, ăn chơi trốn học đánh nhau, không một trò nào là nó chưa thử qua. Bà Năm càng ngày tuổi càng cao, không thể dạy dỗ được. Đêm, nhìn nó ngủ bà cứ thở dài thườn thượt
- Tao có lỗi với bây quá. Bên đó bây sống khổ sống sở mà bên này tao còn không dạy dỗ được cái Liên. Cái thân già này không biết lấy gì đền tội cho bây.

Hết lời khuyên răn, đến những lời dọa nạt. Ấy thế mà cái Liên nó vẫn ương bướng không nghe
- Mọi người bảo mẹ con đi theo trai. Mẹ con bỏ con để đi theo trai suốt ngần ấy năm. Con xấu hổ lắm, nhục nhã lắm. Tụi nó còn không thèm chơi bạn với con. Liên thét lớn

- Bép!

Bà Năm vung tay tát cái Liên một cái rõ đau. Nó xoay người toan bỏ chạy, bà Năm liền dùng hết sức để kéo nó lại và tát nó thêm một cái nữa.
- Bây không được phép nói mẹ bây như thế. Bây không biết nó phải hy sinh vì bây đến thế nào đâu. Ai cũng có quyền chê cười nó, nhưng bây thì không. Nghe rõ chưa? Bà Năm nói dõng dạc.

- Mẹ không thương con. Mẹ theo người khác mẹ không thương con nữa. Con ghét mẹ. Cái Liên khóc mếu.

Bà Năm toan ôm nó vào lòng, vuốt mái tóc đã dài chấm lưng của nó, vừa khóc vừa kể cho nó nghe mọi chuyện. Dù đã hứa với cô Nhàn là không nói chuyện này cho cái Liên biết nhưng việc để nó khinh thường cô khiến bà không cam lòng.
Chắc có lẽ cái Liên nó vẫn chưa hiểu hết những lời bà nói. Mắt nó chợt buồn, nó không đi chơi nữa. Nó trốn vào một góc vườn và ngồi một mình lặng thinh trong đó.
Ở nơi ấy, cô Nhàn hằng ngày phải chịu những trận đòn khủng khiếp từ người chồng của mình. Suốt thời gian qua, cô cũng dành dụm được số tiền kha khá. Cô định bỏ trốn. Nhưng như thể lần nào cô chuẩn bị hành động là lại bị phát hiện và y như rằng hôm đó sẽ bị trận đòn thừa chết thiếu sống. Hôm nay, cả nhà chồng cô đi du lịch, bỏ lại cô cùng mẹ già ở nhà. Mắt cô chợt sáng lên:
- Phải đi thôi, phải đi thôi, phải về nhà thôi. Cô lẩm bẩm trong miệng.

Đêm hôm đó, cô đã lẻn được ra khỏi nhà mà không bị ai phát hiện. Hòa vào đám đông xa lạ, cô lạc lõng nhưng vẫn cố gắng dò tìm được đến Đại sứ quán của Việt Nam để nhờ giúp đỡ. Suốt mấy ngày liền, vận dụng hết mọi các giác quan, cử chỉ để hỏi đường, bây giờ đứng trước trụ sở Đại sứ quán cô sung sướng vô ngần.
Và rồi, giấc mơ của cô cũng trở thành sự thật. Cô được trở về nhà. Cô sẽ lại được nhìn thấy con, được chăm sóc con, thương yêu con. Cô sẽ bỏ lại nơi đây những trận đòn đau đến thấu xương, thấu thịt. Cô sẽ bỏ lại đây những giọt nước mắt ấm nóng ướt đẫm cả gối lúc đêm. Cô sẽ bỏ lại tất cả tất cả những gì cho cuộc sống tù đày tâm hồn đen tối nhất. Những vết hằn trên tay, vết thâm tím trên mặt kia có là gì so với việc cô sắp trở về với quê hương, trở về với gia đình nhỏ của mình. Bất giác, tim cô rung lên từng hồi. Một cây cỏ nhỏ giữa sa mạc rộng lớn chịu biết bao cơn bão cát nhưng cuối cùng nó vẫn sinh tồn được, vẫn tràn trề nhựa sống vì nó biết con đường để đi đến với hạnh phúc sẽ không dành cho những người yếu đuối.
Về với trời Việt Nam, cô ngửa mặt đón lấy những cơn gió đầu tiên, cố gắng hít hà cái làn hơi dịu mát ấy. Cô thấy lòng mình thanh thản đến lạ thường. Cuộc sống phía trước dù có khó khăn, nhưng sẽ chẳng bao giờ làm cô gục ngã được bởi cô còn cái Liên, còn gia đình và còn bà Năm. Họ chính là điểm tựa vững chắc nhất cho cô.
Gió vẫn cứ thổi xào xạc và càng ngày càng mạnh hơn. Cơn gió nghịch mùa bất giác làm cô xuyến xao. Một cảm giác yên bình đến lạ.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top