GIÁO DỤC VIỆT NAM TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Cơ chế thị trường chỉ có thể tác động vào lĩnh vực dịch vụ và hoạt động dịch vụ giáo dục là chính. Riêng đối với khối giáo dục CĐ và ĐH, thì ngoài lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, dịch vụ giáo dục cần phải tham gia cơ chế thị trường và trở thành hàng hóa.
Báo điện tử Dân trí xin trân trọng đăng bài viết “Giáo dục Việt Nam trong kinh tế thị trường” của TS, Nhà giáo ưu tú Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Bài viết này đã được đăng trên Tạp chí Cộng sản số 19 (211) năm 2010.
Vấn đề mối quan hệ cũng như sự tác động giữa giáo dục và nền kinh tế thị trường đã được rất nhiều công trình tập trung nghiên cứu và đề cập trong nhiều diễn đàn và hội thảo khoa học. Ở đây, chúng tôi chỉ tiếp cận vấn đề trên quan điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tác động của kinh tế thị trường đối với giáo dục được xem xét trên cơ sở của mối quan hệ giữa giáo dục với thị trường hàng hóa (mang hình thái vật chất); thị trường nhân tài; thị trường dịch vụ lao động và cả mối quan hệ giữa cơ chế giáo dục với cơ cấu kinh tế…
Có thể hiểu, thị trường là nơi hoặc lĩnh vực trao đổi hàng hóa hoặc tiến hành mua bán. Còn thị trường giáo dục - nếu thừa nhận sự tồn tại của nó - thì phải được xét trên các lĩnh vực như: sự nghiệp giáo dục, nguồn lực giáo dục, sản phẩm của giáo dục và dịch vụ giáo dục cũng như cái gì là nơi có thể trao đổi, mua bán.
Học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trong lễ khai giảng năm học mới 2010-2011.
Những lý luận liên quan
Về sự nghiệp giáo dục: Về việc giáo dục liệu có phải là sản xuất công nghiệp hay không, thì cho đến nay, giới kinh tế học giáo dục đưa ra những ý kiến, góc nhìn và nhận xét khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau về căn bản. Tuy nhiên, chính điều này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người, đặc biệt là những người làm công tác nghiên cứu lý luận giáo dục. Trong đó, sự nghiên cứu về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với nội hàm cải cách giáo dục là một vấn đề rất được quan tâm.
- Quan niệm giáo dục là ngành sản xuất đặc biệt
Quan niệm này cho rằng: nếu chúng ta định nghĩa công nghiệp là sự nghiệp hoạt động sản xuất, thì giáo dục mang tính sản xuất đương nhiên phải là một ngành trong lĩnh vực sản xuất. Trên thế giới, thông thường giáo dục được xếp vào ngành sản xuất thứ ba. Năm 1992, ở Trung Quốc, quyết định về ngành sản xuất thứ ba do Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Vụ viện Trung Quốc đưa ra rõ ràng; rằng sự nghiệp giáo dục là trọng điểm của ngành sản xuất thứ ba, và chỉ rõ giáo dục là "ngành cơ bản có ảnh hưởng toàn diện, dẫn dắt đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân"; đồng thời cho rằng, tính chất của sản xuất giáo dục là do tính chuyên ngành, tính sản xuất, tiêu hao nguồn vốn và tính có thể kinh doanh của nó quyết định. ở Việt Nam, với cải cách giáo dục năm 1981, giáo dục được xếp vào lĩnh vực công nghiệp và lương giáo viên được xếp theo thang lương kỹ sư.
Tính đặc thù của sản xuất giáo dục là do ba đặc tính cơ bản của nó quyết định, bao gồm giáo dục là ngành sản xuất có tính nền tảng, giáo dục là ngành sản xuất gián tiếp và giáo dục là ngành sản xuất có hiệu quả rất lâu dài. Quan điểm này góp phần làm rõ vai trò và vị trí chiến lược của giáo dục, cung cấp lý luận trụ cột mới cho lộ trình cải cách giáo dục được sâu hơn.
Ở nước ta, với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì quá trình ấy cần chú trọng sự gắn liền quá trình này với lịch sử phát triển giáo dục. Hay nói cách khác, muốn xem giáo dục có phải là hàng hóa hay hàng hóa ở góc độ nào, thì hãy xem sản phẩm của nó phục vụ cho ai, tức là sự nghiệp giáo dục có thuộc về quốc gia, dân tộc của chúng ta hay không?
Trên cơ sở đó, người ta cho rằng, giáo dục là ngành sản xuất đặc biệt, một ngành đào tạo con người để đặc biệt phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế. Mặt khác, sản phẩm của giáo dục lại có thể đóng góp làm cho các ngành nghề khác tăng GDP. Do giá trị đặc biệt của sản phẩm giáo dục là có thể trở thành nhu cầu tiêu thụ của xã hội, và vì vậy, lẽ đương nhiên, giáo dục là một ngành sản xuất.
Tuy nhiên, nếu giáo dục là một ngành sản xuất, thì nó cũng phải chịu sự chế ước và chi phối của quy luật kinh tế thị trường. Nhưng tự bản thân giáo dục cũng có quy luật riêng, cố hữu của nó, và tất yếu vấn đề chiến lược xây dựng và phát triển giáo dục của một đất nước lại phải tuân theo quy luật của bản thân ngành giáo dục và quy luật xây dựng và phát triển của đất nước đó.
- Quan niệm giáo dục là yếu tố sản xuất
Quan niệm này cho rằng, giáo dục là yếu tố sản xuất quan trọng nhất của sản xuất xã hội. Bởi vì, nhân tài và người lao động chính là sản phẩm của giáo dục và đào tạo. Nói cách khác, sản phẩm từ sản xuất giáo dục là sức lao động có tri thức và kỹ năng nhất định, có "giá trị" và "giá trị sử dụng".
- Quan niệm giáo dục không là sản xuất
Nhiều học giả trên thế giới không hoàn toàn đồng ý với quan niệm giáo dục "là một ngành sản xuất", khi cho rằng, cần phải coi quá trình giáo dục là tái sản xuất tri thức về văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Nếu xét từ góc độ này, giáo dục cũng có tính sản xuất nhất định. Mặc dù bản thân giáo dục không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng đã "sản xuất" ra những con người làm ra của cải vật chất.
Về sản phẩm giáo dục:
- Sản phẩm và hoạt động của dịch vụ giáo dục là hàng hóa. Sản phẩm và dịch vụ giáo dục được tiến hành trao đổi, bao gồm sản phẩm dịch vụ giáo dục và sản phẩm của các ngành khác. Người ta cho rằng, nếu không có kiểu trao đổi này, quan điểm giáo dục là ngành sản xuất sẽ không còn tồn tại. Vì vậy, sản phẩm dịch vụ giáo dục phải là hàng hóa và cần phải được thị trường hóa. Bởi vì:
+ Những thứ mà dịch vụ giáo dục cung cấp, mặc dù giá trị sử dụng là đặc biệt, nhưng xét về bản chất, nó cũng như các hàng hóa khác. Vì vậy, dịch vụ do giáo dục cung cấp có thể nói chính là hàng hóa.
+ Các kiểu dịch vụ hoặc bản thân hoạt động lao động có giá trị, khi trao đổi trên thị trường, về bản chất, không có gì khác về mặt hình thức so với các hàng hóa khác.
+ Thực chất của quan niệm thu hút lực lượng lao động qua đào tạo - hay nói cách khác - năng lực làm việc của người lao động là sự đầu tư tiền bạc khi tiến hành đào tạo, tức là đã tạo giá trị cho lực lượng lao động đó vào thị trường lao động. Với trình độ giáo dục khác nhau thì lực lượng lao động có trình độ và khả năng làm việc khác nhau, nên cũng có giá trị khác nhau khi tham gia thị trường.
- Sản phẩm giáo dục không phải là hàng hóa. Nhiều người cho rằng, giáo dục không giống sản xuất hàng hóa, bởi sản xuất thì lấy việc không ngừng hạ thấp giá thành và theo dõi lợi nhuận làm mục tiêu. Còn giáo dục thì lấy nhiệm vụ chính trị làm mục tiêu. Những người lao động được giáo dục - đào tạo nói chung, thường không bị coi là hàng hóa trên thị trường. Phần lớn kinh phí giáo dục trên thế giới đều do nhà nước chịu trách nhiệm, học sinh và gia đình chỉ gánh vác một phần học phí hoặc toàn bộ học phí chứ không phải là toàn bộ sự nghiệp giáo dục. Giáo dục trải qua bao nhiêu thế kỷ đều được khẳng định là ngoài chức năng và giá trị kinh tế, còn có các chức năng và giá trị chính trị, chức năng văn hóa... Nếu quá nhấn mạnh vào vấn đề chức năng kinh tế của giáo dục thì khó bảo đảm được chức năng xã hội và chính trị. Điều này cũng có nghĩa là khó bảo đảm tính công bằng trong giáo dục.
Về thị trường giáo dục:
- Thị trường hàng hóa mang hình thái vật chất
Thị trường hàng hóa mang hình thái vật chất của giáo dục là ngoài các sản phẩm vật chất, do nhà trường trực tiếp sản xuất, đầu tư, còn tăng cường góp phần làm cho nền kinh tế thị trường thêm phồn vinh. ở đây, chủ yếu là thông qua việc thể hiện vai trò của giáo dục đối với phát triển sản xuất hàng hóa mang hình thái vật chất, được phản ánh thông qua việc rút ngắn thời gian lao động cần thiết của xã hội, nâng cao hiệu suất sản xuất lao động, hàng hóa sản xuất càng nhiều trong cùng một đơn vị thời gian, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao.
- Thị trường nhân tài, thị trường lực lượng lao động
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định: thị trường nhân tài, thị trường lực lượng lao động là vấn đề hạt nhân, là khâu then chốt của việc nghiên cứu mối quan hệ và sự tác động của nó đối với thị trường. Nó được thể hiện chủ yếu trên ba mặt sau đây:
+ Trong điều kiện sản xuất hiện đại hóa, nhân tài và sức lao động vừa là đối tượng để giáo dục đào tạo, vừa là người lao động trong các ngành sản xuất, lĩnh vực sản xuất hàng hóa; là yếu tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất. Giải quyết mâu thuẫn giữa cung và cầu về nhân tài chuyên ngành và các loại lực lượng lao động, vừa thể hiện bằng hình thức điều động, phân công của nhà nước, vừa có sự điều tiết bằng quy luật cung - cầu của thị trường.
+ Mối quan hệ nội tại giữa giáo dục với thị trường nhân tài và thị trường lực lượng lao động lại thể hiện ở vai trò của đào tạo nhân tài chuyên ngành và huấn luyện lực lượng lao động chuyên môn sâu. Giáo dục, xét về góc độ thực tế, phải đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân tài và thị trường lao động chuyên ngành. Nếu lực lượng này đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thời đại, thì chắc chắn sẽ đứng vững trong thị trường cạnh tranh nhân tài và lực lượng lao động.
+ Thị trường nhân tài, thị trường lực lượng lao động là nguồn giá trị nhiều hơn giá trị vốn có của nó như C. Mác từng nói, đại ý là: hàng hóa sức lao động sở dĩ là sản phẩm có sự khác biệt giữa giá trị của bản thân nó và giá trị do nó tạo ra là vì nó có đặc tính riêng biệt, là lực lượng sáng tạo giá trị, là nguồn gốc của giá trị.
- Thị trường khoa học - kỹ thuật
Thị trường khoa học - kỹ thuật gắn liền với 2 yếu tố: thiết bị và công nghệ ứng dụng; con người sử dụng thiết bị và công nghệ đó. ở đây, thiết bị và công nghệ là hàng hóa thì quá rõ ràng, còn người sử dụng thì lại rơi vào thị trường nhân tài và lực lượng lao động như đã đề cập ở trên.
- Thị trường dịch vụ lao động (dịch vụ) C. Mác cũng từng cho rằng: Dịch vụ trường học (chỉ cần anh ta là thứ mà sản xuất cần hoặc có ích); dịch vụ y tế (chỉ cần anh ta bảo đảm được sức khỏe, duy trì tất cả nguồn giá trị tức là bản thân sức lao động), mua dịch vụ này chính là mua hàng hóa có thể bán được, cung cấp bản thân khả năng lao động để thay thế phục vụ bản thân. Dịch vụ này cần thêm phí sản xuất và phí tái sản xuất khả năng lao động. Nói chung, ý nghĩa dịch vụ ở đây chẳng qua là dịch vụ cung cấp hoạt động, giữa giáo dục và thị trường dịch vụ lao động có mối liên hệ mang tính tất nhiên.
Tác động của kinh tế thị trường trong lĩnh vực giáo dục
Đối với giáo dục phổ thông, bao gồm:
- Đối với giáo dục mầm non chưa phải là cấp học bắt buộc, cấp học thực hiện xã hội hóa, thị trường có thể tác động hoặc không tác động như sau:
+ Về sự nghiệp giáo dục, giáo dục mầm non vẫn là phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, không mang ý nghĩa hàng hóa.
+ Về hoạt động dịch vụ, là hàng hóa trong cơ chế thị trường.
+ Về nhân tài và lực lượng lao động, đối với công lập, là nhiệm vụ chính trị; còn đối với ngoài công lập, có thể có sự trao đổi trong cơ chế thị trường nhưng phần lớn là chưa ngang giá đối với giáo dục giỏi.
- Đối với giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cấp học phổ cập, bắt buộc, vấn đề thị trường là không đáng kể. Phần thực hiện xã hội hóa cũng không đáng kể. Thị trường có thể tác động hoặc không tác động vào các lĩnh vực như:
+ Về sự nghiệp giáo dục, giáo dục tiểu học là phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, không mang ý nghĩa hàng hóa. Cho dù là công lập hay ngoài công lập thì vẫn phải thực hiện nhiệm vụ mà trong Di chúc Bác Hồ đã căn dặn là "Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau".
+ Về hoạt động dịch vụ, là hàng hóa trong cơ chế thị trường.
+ Về thị trường nhân tài và lực lượng lao động, đối với công lập, là nhiệm vụ chính trị thì phân công, điều động là hình thức chủ yếu; còn đối với ngoài công lập, có thể có sự trao đổi trong cơ chế thị trường về mức thù lao ở một số trường tư thục hoặc một vài trường quốc tế.
- Đối với giáo dục trung học phổ thông chưa phải là cấp học bắt buộc, cấp học thực hiện vai trò trách nhiệm của Nhà nước có kết hợp với xã hội hóa, thì thị trường có thể tác động hoặc không tác động như sau:
+ Về sự nghiệp giáo dục, giáo dục trung học phổ thông vẫn chủ yếu là phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Tất nhiên ở đây có một phần của vai trò quốc tế.
+ Về hoạt động dịch vụ, là hàng hóa trong cơ chế thị trường
+ Về nhân tài và lực lượng lao động, đối với công lập, là nhiệm vụ chính trị, được Nhà nước điều động và phân công và tiền lương theo mức quy định của Nhà nước. Đối với ngoài công lập, có thể có sự trao đổi, thương lượng, nhưng phần lớn là sức lao động bỏ ra chưa ngang giá đối với giáo viên giỏi ở một số trường trong nước; có thể ngang giá ở một vài trường quốc tế. Đối với nhiệm vụ quốc tế: thuộc cơ chế thị trường (trừ nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao cho ở một vài trường học).
- Đối với giáo dục cao đẳng và đại học
+ Về sự nghiệp giáo dục, đây là bậc học đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Cho nên, sự nghiệp giáo dục vẫn phải là đào tạo những con người phục vụ cho đất nước, nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
+ Về hoạt động dịch vụ, người ta cho rằng, ngoài đội ngũ giảng viên đòi hỏi phải có chất lượng cao thì chất lượng dịch vụ ở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng. Nhìn vào chất lượng dịch vụ giáo dục ở một trường đại học, có thể đánh giá được năng lực quản lý của nhà trường đó. Vì vậy, lĩnh vực này có mang ý nghĩa hàng hóa trong cơ chế thị trường.
+ Về thị trường nhân tài và lực lượng lao động:
Đối với các trường công lập, Nhà nước cần quan tâm quản lý và đầu tư để có những con người tài ba phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước. Lực lượng này do Nhà nước điều động, phân công và tiền lương cần được thực hiện như tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam.
Đối với các trường ngoài công lập, lực lượng giảng viên làm việc trong khối này có thể chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường nhân tài và lao động. Chính nơi này cũng sẽ góp phần tạo ra thị trường lao động để người lao động khẳng định tài năng và hiệu quả làm việc.
Đối với nhiệm vụ quốc tế, thuộc cơ chế thị trường, trừ nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao cho.
Với thị trường khoa học - kỹ thuật, đây là lĩnh vực hoàn toàn có thể thị trường hóa, không những trong phạm vi của một nhà trường, một đất nước, mà có thể triển khai ở phạm vi quốc tế.
Tóm lại, xét từ góc độ vĩ mô, giáo dục Việt Nam là một hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu của giáo dục đào tạo là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong đó có chú trọng đến việc đào tạo và huấn luyện lực lượng lao động cho các ngành, các lĩnh vực sản xuất vật chất và phi vật chất. Với lĩnh vực giáo dục phổ thông, do chức năng và nhiệm vụ giáo dục là hết sức đặc trưng, nên thành quả của giáo dục là đa phương diện; trong đó, thành quả của giáo dục đáp ứng nhiệm vụ chính trị là quan trọng nhất và mang tính chất quyết định. Cơ chế thị trường chỉ có thể tác động vào lĩnh vực dịch vụ và hoạt động dịch vụ giáo dục là chính. Riêng đối với khối giáo dục cao đẳng và đại học, thì ngoài lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, dịch vụ giáo dục cần phải tham gia cơ chế thị trường và trở thành hàng hóa, còn yếu tố tài năng và lực lượng lao động thì phần lớn phải phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước ta; phần còn lại có thể tham gia thị trường trong nước và quốc tế.
Đặng Huỳnh Mai - Dân Trí