Giám sát bằng camera, nhiều giáo viên bỏ việc
Trước khi Sở GD-ĐT TP.HCM manh nha ý định thí điểm lắp camera ở các phòng học, nhiều trường mầm non tư thục đã “đi trước một bước”.
Khi chọn trường cho con học, nhiều phụ huynh xem đây là một ưu điểm. Bởi ở bất cứ đâu, chỉ cần vào mạng, cha mẹ đều có thể quan sát, theo dõi hoạt động của con mình ở trường.
Chị Nguyễn Thị Huyền, nhà ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 có con trai 3 tuổi cho biết từng gửi con ở trường mầm non tư thục có gắn camera. “Nhờ đó, mình quan sát được con đang vui chơi, ngủ, nghỉ ra sao. Lâu lâu mở mạng lên thấy con cũng… đỡ nhớ. Quan trọng hơn là yên tâm bởi có camera thầy cô giáo sẽ không dám “mạnh tay” với con mình” – chị Huyền nói.
Phụ huynh cho rằng camera giúp họ yên tâm hơn khi gởi con ở trường. Ảnh: Thái Phương
Còn chị Lê Hoàng Thanh, gửi con ở một trường mầm non quận 3 cho biết đã nhiều lần ý kiến lên nhà trường đề nghị gắn camera trong phòng học. Chị và nhiều bà mẹ khác rất muốn biết con mình sinh hoạt, ăn ở, vui chơi trong trường ra sao, đặc biệt là có hoà đồng với bạn bè trong thời gian đầu hay không.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trẻ thơ, quận Tân Bình cho biết, từ khi trường lắp camera, phụ huynh cảm thấy yên tâm, tin tưởng trường hơn. Có bà mẹ làm việc ở Singapore, để con cho bà ngoại chăm sóc và gửi ở trường cho hay, nhờ camera mà chị có thể lên mạng “thăm” con, nhìn con vui chơi cũng an ủi phần nào nỗi nhớ…
Tuy nhiên, người trong cuộc - những giáo viên bị camera “kè kè” suốt ngày thì không phải ai cũng hào hứng. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Mai, trường Mầm non phường 14, quận 10, cho hay, lắp camera sẽ làm giáo viên cảm thấy mình luôn bị “giám sát”.
"Giáo viên phải đặt trách nhiệm của mình lên đầu, chứ đợi sự kiểm soát mới làm việc thì rất khó làm tốt" - cô Mai nói
“Ở trường tôi, không có camera nhưng Ban giám hiệu (BGH) siết chặt việc quản lý. Mọi giờ học, giờ chơi, giờ ngủ… của các bé đều có BGH đi kiểm tra để đưa các giáo viên vào nề nếp, khuôn khổ. Khi đó camera sẽ không cần thiết” - cô Mai cho biết.
Còn một số người cho rằng cô giáo yêu trẻ, quý trẻ mới là quan trọng bởi camera chỉ là vật vô tri và có những "góc chết". Ảnh: Thanh Huyền
Bà Liên còn lo xa tình trạng giáo viên bỏ nghề bởi cảm giác bị xem thường, không tin tưởng có thể xảy ra: "Giáo viên tốt bỏ nghề, giáo viên không tốt cũng bỏ nghề bởi bản thân nghề đã không nuôi nổi họ, lương không bao nhiêu mà phải chịu đủ mọi áp lực".
Không phản đối chuyện lắp camera trong phòng học, nhưng một phụ huynh gửi con ở trường mầm non tư thục Hải Yến, quận 3 phân tích:
“Nếu cô giáo yêu trẻ, đối xử với học sinh tốt thì may. Còn ngược lại, khi tức giận, họ có thể đem con mình ra những “góc chết” như cầu thang, hàng lang, nhà vệ sinh… hành hạ. Khi đó, camera cũng mất tác dụng".
"Chưa kể, đôi lúc đường truyền mạng bị chập chờn hoặc nhà trường… quên mở mạng, mình phải điện thoại lên hỏi, trường mới bật lên. Thậm chí, có trường lắp camera được thời gian đầu còn về sau chỉ để… làm kiểng - chị Huyền cho biết thêm.
Kinh phí để lắp đặt và duy trì biện pháp này khá tốn kém. Thông thường, một trường có khoảng 6 camera ở 6 phòng học và máy chủ, màn hình… tốn khoảng 100 triệu đồng, chưa kể phí duy tu.
“Trường tư thục tự túc mọi cơ sở vật chất và bổ đầu phụ huynh bằng học phí. Lắp thêm camera đồng nghĩa với việc học sinh sẽ phải gánh thêm một khoản phí không nhỏ” - bà Liên ngần ngại.
Mệt hơn vì... camera
Báo Tuổi Trẻ trong bài phản ánh về "liệu pháp camera" như một biện pháp hạn chế nạn bạo hành ở trường mầm non, có dẫn ra trường hợp nhiều giáo viên vào Trường Ánh Cầu Vồng thử việc 2-3 ngày đã tự động xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực. Một giáo viên trường này cho biết, trung bình các cô phải tiếp từ 15 cuộc gọi trở lên mỗi ngày.
Bài viết dẫn ra một số lý do mà mẹ bé gọi đến: “Cô ơi, bé nhà em ngủ ở đâu sao mẹ không thấy” - “À, bé nằm cuối lớp nên camera không soi đến”, “Cô ơi, bé H. đã ăn chưa, nãy giờ mẹ thấy cô đút cho bé T. không hà”, “Cô ơi, sao bé đứng úp mặt vào tường vậy cô?” - “Không đâu, bé đang vẽ lên tường đấy mẹ, vì camera soi từ phía sau nên mẹ có cảm giác vậy thôi”...
Theo VNN.