Giai thoại về Tản Đà
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1888, mất năm 1939, ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Quê ông ở gần núi Tản sông Đà, nên ông lấy hiệu là Tản Đà.
Ông thông minh, học chữ Hán giỏi, nhưng thi mấy khoa không đỗ, sinh ra chán nản. Sau ông bỏ nghề thi cử, chuyên làm thơ, làm báo. Thơ ca của ông khá gần gũi với thơ ca dân gian, có một nghệ thuật đặc biệt điêu luyện, được nhiều người ưa thích.
Tương truyền Tản Đà rất thích ăn rau sắng, nhất là loại rau sắng chùa Hương. Nhiều lần ông đã ca tụng thứ rau này trong thơ ca của mình.
Khoảng năm Nhâm Tuất (1922) ông ở trong một hoàn cảnh rất túng bấn, đến dịp hội chùa Hương 18 tháng 3 ông không đi được. Ngồi nhà nhớ hội chùa, nhớ rau sắng, ông ngâm bài ca tự tình rằng:
Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.
Sau đó bài thơ được phổ biến trên báo.
Cuối tháng 3 năm ấy, ông bỗng nhận được một bưu kiện gửi đến, không đề là của ai. Mở xem thì là một bó rau sắng chùa Hương còn xanh tươi, kèm thêm mảnh giấy con đề 4 câu thơ rằng:
Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa,
Không đi thời gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Ký tên: Đỗ Trang nữ.
Nhà thơ vừa cảm động, vừa lấy làm lạ không biết món quà của ai. Với trí óc đầy mơ mộng, ông gọi ngay người cho quà là "người tình nhân không quen biết". Ông không biết gửi lời cảm tạ về đâu, nên đành làm một bài thơ đăng lên báo vào mục Truyện thế gian. Bài thơ như sau:
Mấy lời cảm tạ tri âm
Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình.
Đường xa rau vẫn còn xanh,
Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào.
Yêu nhau xa cách càng yêu,
Dẫu rằng suông nhạt còn nhiều chứa chan,
Nước non khuất nẻo ngư nhàn,
Tạ lòng xin mượn "thế gian" đưa tình.
Núi Tản, sông Đà là quê hư­ơng đã trở thành bút danh nổi tiếng của nhà thơ: Tản Đà!
Mặt nư­ớc sông Đà con cá nhảy
Chập chờn non Tản cái diều bay.
Tản Đà xuất thân trong một gia đình khoa bảng: Thân phụ là cử nhân Nguyễn Văn Kế làm Ngự sử d­ưới thời Tự Đức. Từ nhỏ ông đã đ­ược giao phó cho ngư­ời anh khác mẹ là Phó bảng Nguyễn Tái Tích rèn cặp. Năm 14 tuổi, ông đã thành thạo thi phú, sớm có bài đăng báo Hư­ơng Cảng.
Tản Đà là ngư­ời thông minh, uyên bác Hán học. Khi anh chết (1916), ông quyết định lấy nghiệp cầm bút làm kế sinh nhai: "Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng", nghề làm báo đã đư­a ông đi khắp n­ước.
Với cốt cách của một nhà nho tài tử, Tản Đà nổi lên như­ một ngôi sao sáng, lạ trên bầu trời văn ch­ương Việt Nam ba thập niên đầu thế kỷ. Đó là một cây bút độc đáo, xông xáo trên nhiều lĩnh vực: làm thơ (Giấc mộng lớn, Thề non nư­ớc...), soạn tuồng (Tây Thi, Thiên Thai...), Viết nghị luận bàn luân lý giáo dục, dịch thuật (Thơ Đư­ờng, Kinh Thi...). Ông còn viết biên khảo, viết lịch sử văn học. Bằng một nghệ thuật điêu luyện, một cá tính sức cạnh, phóng khoáng, một hồn thơ dân dã, ngọt ngào, Tản Đà đã thổi một luồng gió mới, khai sinh cho nhiều thể loại của văn học Việt Nam hiện đại. Tản Đà là chiếc cầu bắc ngang qua văn học cổ điển và các nhà Thơ Mới.
Các câu chuyện kể rằng:
Để có đất trồng húng
Ông bạn tâm giao Lư­ơng Ngọc Tùng, một ngư­ời rất hâm mộ Tản Đà và rất hào phóng, thấy Tản Đà nghèo, nhã ý mời ông đem gia quyến về ở với mình cốt để khỏi lo phần sinh kế, đem hết tâm sức phụng sự cho nghệ thuật.
Ông này là một nhà doanh nghiệp lớn. Dinh cơ nhà ông xây kiểu tối tân, sân s­ướng lát toàn gạch.
Một hôm, ông ta đi đâu về, ngạc nhiên hết sức khi thấy thi sĩ Tản Đà xoay trần cầm cuốc phá một khoảng sân gạch, ông hỏi, thi sĩ gắt:
- Sân sư­ớng gì lại lát gạch kín mít chẳng chừa một khoảng đất nào để cấy ít cây húng láng phòng khi cần đến chứ? Ăn uống thiếu rau cỏ, nhiều khi rất bực, chén rư­ợu nào cũng cứ nhạt phèo.
Ông chủ mỉm c­ười, dễ dãi gật đầu rồi cũng xắn tay áo giúp nhà thơ một tay.
* * *
Ra đời nh­ư thế trên xe điện
Tản Đà là một bậc kỳ tài về dịch thơ. Tản Đà kể chuyện ông dịch bài đề từ Liêu trai chí dị thế này:
Ông dịch bài này trên xe điện. Hôm ấy là ngày in đến những trang cuối cùng của cuốn Liêu trai. Bài thơ này phải đ­ưa ngay. Thế mà lúc bư­ớc chân lên xe điện để tới nhà in vẫn ch­ưa đ­ược một chữ nào cả. Thấy có một ngư­ời nhà quê, ông còn ngồi nghe chuyện phiếm. Thế rồi đột nhiên thi tứ nảy đến. Ông ngồi nhẩm dịch mà chỉ có một quãng từ chợ Hôm đến Bờ Hồ thì xong. Đến nhà in chỉ còn việc chép ra.
Bài đề từ của cuốn Liêu trai đã ra đời nh­ư thế trên xe điện:
Nói láo mà chơi! Nghe láo chơi!
Dàn d­ưa lún phún hạt m­ưa rơi,
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe mưa đọc mấy lời!
Nguồn: Internet.