• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Giai thoại về Nguyễn Bính

Thandieu2

Thần Điêu
Giai thoại về Nguyễn Bính .


Sinh thời, nhà văn Chu Văn và họa sĩ Nguyệt Hồ rất hay kể cho tôi nghe những kỷ niệm của họ với nhà thơ Nguyễn Bính. Nhà văn Chu Văn thì mãi tới thời kỳ làm Trưởng ty Văn hóa tỉnh Nam Định, ông mới sống cùng Nguyễn Bính.

Còn Nguyệt Hồ thì làm bạn với Nguyễn Bính ngay từ thuở họ đang đặt những bước chân đầu tiên vào làng văn nghệ. Nguyệt Hồ xuất hiện trước Nguyễn Bính.

Ông sống ở Nam Định nhưng thường xuyên được các ông chủ báo ở Hà Nội mời vẽ minh họa. Chính Nguyệt Hồ giới thiệu Nguyễn Bính với ông chủ bút báo “Tiểu thuyết thứ năm” là nhà thơ Lê Tràng Kiều để Nguyễn Bính được đăng tác phẩm đầu tiên ở tờ báo này là bài “Cô hái mơ".

Đấy là vào những năm cuối thập kỷ ba mươi, đầu thập kỷ bốn mươi ở thế kỷ trước, thời kỳ dòng Thơ Mới xuất hiện. Giống như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính cũng bắt đầu làm thơ khi còn rất trẻ và sống ở tỉnh nhỏ.
Tại Nam Định ngày ấy có một nhóm văn nghệ sĩ chơi với nhau:

Nguyễn Bính, Nguyệt Hồ, Vũ Hoàng Chương, Phong Giao, Trúc Đường…
Nhưng nhóm này không chỉ quan hệ bạn bè khép kín trong phạm vi một tỉnh mà họ còn chơi với nhiều văn nghệ sĩ Thủ đô và các tỉnh khác như
Tô Hoài, Lê Tràng Kiều, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Anh Thơ, Ngân Giang, Nguyễn Vĩ, Hoàng Tấn, Trúc Khê, Vũ Trọng Can, Trúc Sơn, Hoàng Lập Ngôn, Trương Tửu…

Hồi ấy đường sá, xe cộ khó khăn, nhưng họ tìm đến với nhau như cơm bữa. Họ chơi với nhau thân tình, rất thoáng đãng nghệ sĩ nhưng vẫn giữ cái nếp sống đạo lý, tự trọng và quý tài năng của nhau.

Họa sĩ Nguyệt Hồ kể rằng, ngày ấy các nhà thơ chơi với nhau lấy tài năng thi ca, tài ứng đối, tài chơi chữ… để hấp dẫn nhau, quý trọng nhau nên tình bạn của họ rất bền chặt.

Chẳng hạn, một lần nhà thơ Trúc Khê mời một nhóm bạn gồm Nguyễn Bính, Ngân Giang, Trần Huyền Trân về nhà mình ở Ngô Sơn chơi. Họ ngồi uống rượu dưới trăng. Ông chủ nhà Trúc Khê ra đề tài “Đêm hội Ngô Sơn” để các bạn xướng họa:

Non Ngô dưới ánh trăng rằm
Duyên may hội ngộ tri âm buổi này

Trần Huyền Trân liền đọc tiếp:

Rượu nồng chưa nhấp đã say
Nhưng tình đã thấy rót đầy lòng nhau

Nguyễn Bính đọc:

Chắc rằng gặp mãi nhau đâu
Duyên bèo nước có bền lâu bao giờ?

Ngân Giang tiếp:

Tiệc này dưới ánh trắng mờ
Tiệc sau e bóng người thơ lạc loài

Họ cứ thế đọc tiếp thành một bài thơ dài. Và điều đáng khâm phục là giọng thơ của người nào mang phong cách riêng của người ấy.
Trong số bạn bè văn chương thời đó, Nguyễn Bính được coi là người hay chữ nhất. Ông thường xuất khẩu thành thơ và những áng thơ đó không hề xoàng xĩnh.
Đây là câu chuyện vào thời kỳ Nguyễn Bính đã phải rời báo “Trăm hoa” về làm việc ở Ty Văn hóa Nam Định. Cái đêm ấy chắc phải thức khuya sáng tác nên hôm sau tới nhà bạn chơi, trông Nguyễn Bính lờ đờ mệt mỏi. Họa sĩ Nguyệt Hồ liền “xuất khẩu” bài thơ “tục” chơi chữ rất sành điệu trêu Nguyễn Bính:

Văn nghệ hay là văn gừng
Sao ông lửng khửng lừng khừng vậy ôi?
Hay là tối đã tác rồi
Sáng không tác được mệt nhoài tứ chi?

Cứ tưởng Nguyễn Bính đang mệt thế không ứng đối ngay được, không ngờ ông nhấp một ngụm nước rồi đọc luôn:

Sáng tác hay là tối tác đây?
Tối không tác đủ tác ban ngày
Xem ra sáng tác không bằng tối
Tối tác, ông ơi, sướng gấp hai!

Các bạn ngồi đó đều cười, gật gù khen tài ứng đối của Nguyễn Bính. Nhưng cũng có khi vì cách chơi chữ quá sắc sảo mà Nguyễn Bính làm mất bạn.
Nguyễn Bính chơi thân với một nhà thơ nữ còn trẻ, nhưng nàng lại “dính bùa yêu” của một người nhiều gấp đôi tuổi nàng. Năm 1954, Nguyễn Bính từ miền Nam tập kết ra Bắc, ông tìm đến thăm nữ nhà thơ nọ. Nữ nhà thơ tiếp ông thân ái.
Nàng để đĩa cam lên bàn. Trong lúc nàng hí húi bổ cam mời Nguyễn Bính thì ông đã viết xong hai câu thơ toàn vần C để trêu bạn, nhét xuống dưới đĩa cam:

Cô cầm cam, cụ cầm cô, cô cứ cỳ cèo co céo cụ
Cụ càng cao, cô càng cáu, cô càng cay cú cái cò con!

Nguyễn Bính về rồi, nữ sĩ đọc bài thơ giận tím mặt. Nàng quyết định cắt đứt quan hệ với Nguyễn Bính. Bạn bè biết chuyện liền có thơ giễu lại Nguyễn Bính:

Chơi chữ cam, chơi chữ chua cay, câu chuyện cũ càng, còn cáu kỉnh. Cô cấm cửa, cuối cùng cũng cắt!Tuy nhiên, chuyện “không nhìn mặt nhau nữa” như trường hợp với nữ sĩ kia không xảy ra nhiều trong đời Nguyễn Bính.

Nguyễn Bính rất dễ yêu song cũng hay thất tình. Mỗi lần thất tình ông thường trút nỗi niềm vào thơ. Những bài thơ như thế của Nguyễn Bính thường là hay.

Chẳng hạn, một lần Nguyễn Bính cùng Vũ Hoàng Chương nhảy tàu hỏa lên Bắc Giang chơi. Ở đây Nguyễn Bính có một người bạn là nhà thơ Bàng Bá Lân. Bàng Bá Lân cùng nhóm thơ Bắc Giang mới lập một hội gọi là “Tao đàn Sông Thương”

Tại Tao đàn này có một nữ sĩ, rất xinh đẹp từng hút hồn Nguyễn Bính bấy nay. Nguyễn Bính “kết lắm”, nhưng nữ sĩ thì có vẻ chỉ mê thơ chàng chứ không mặn mà với con người chàng cho lắm.

Lần này Nguyễn Bính kéo Vũ Hoàng Chương lên để mong sự trợ giúp của bạn cho cuộc tình đi đến độ đơm hoa kết trái. Nhưng không ngờ tình hình càng trở nên xấu đi.

Trên đường về, ngồi trong toa tàu, Nguyễn Bính đã làm tức thì những câu thơ và đọc cho Vũ Hoàng Chương nghe:

Sông Thương nước chảy đôi dòng
Bao giờ bên đục bên trong hài hòa
Ngậm ngùi một bước một xa
Đến đây là… đến đây là… là thôi!

Cái câu “Đến đây là… đến đây là… là thôi!” thật kỳ tài. Chỉ có tâm trạng kẻ thất tình thì câu thơ mới dùng dằng, ngắt quãng kiểu ấy. Về sau, hai câu cuối của Nguyễn Bính đưa vào bài “Rượu xuân”.

Các nhà thơ thời Thơ Mới, dù sống ở tỉnh lẻ như Nguyễn Bính cũng ít nhiều biết chút tiếng Hán, tiếng Pháp. Vốn chữ Hán không nhiều nhưng Nguyễn Bính dịch thì rất giỏi.

Một lần tại tòa soạn báo “Tiều thuyết thứ năm” hội ngộ khá đông bạn bè, Nguyễn Bính muốn có chút tiền khao các bạn một bữa, ông liền đề nghị mọi người thi dịch thơ. Ông chủ bút Lê Tràng Kiều cũng hưởng ứng, liền “ra đề” bằng một bài thơ Đường:

Hoàng mai thời thiết gia gia vũ
Phương thảo trì đường cứ cứ oa
Hữu ước bất lai hoa dạ bán
Nhàn sao kỳ tử lạc đăng hoa

Mọi người cầm bút dịch, gạch xóa mãi chưa xong thì Nguyễn Bính đã xin được đọc bản dịch của mình:

Ao hồ tiếng ếch gần xa
Cỏ thơm ngào ngạt, ngoài nhà mưa rơi
Nửa đêm cái hẹn sai rồi
Quân cờ gỗ nhảm làm rơi hoa đèn

Mọi người phải thừa nhận bài thơ Nguyễn Bính dịch khá hay. Ông chủ bút Lê Tràng Kiều cao hứng liền “ra” tiếp “đề” khác:

Nhất ấp xuân giao vạn lý tình
Đoạn trường phương thảo, đoạn trường oanh
Nguyễn tương song lệ đồ vi vũ
Minh nhật lưu quân bất xuất thành

Lần này Nguyễn Bính lại dịch xong đầu tiên:

Một chén tiễn đưa tình vạn lý
Oanh buồn rầu rĩ, cỏ buồn phai
Mong đem lệ tưới thành mưa lớn
Ngăn bước đường anh buổi sớm mai

Nghe đến đây mọi người lặng đi vì bài dịch quá hay. Ông chủ bút đành phải “ra đề” dễ hơn cho các nhà thơ khác tham gia dịch. Song cũng chỉ dịch thêm vài bài nữa là ông cho dừng lại vì nó liên quan đến số tiền nhuận bút ông phải thưởng.

Hôm ấy, Nguyễn Bính giật giải nhất. Số tiền đủ để ông khao cả nhóm bạn tại một quán ăn khá sang trọng của Hà thành.

Sinh hoạt, quan hệ của các nhà thơ trẻ hồi ấy là thế. Tài năng và phong cách sống của Nguyễn Bính là thế. Họ không giầu. Vả lại họ không quá câu nệ vật chất trong cư xử. Cách họ giao kết bạn bè thật trọng thị, chí tình chí nghĩa. Có lẽ đấy mới là cái tình đích thực của thi nhân!

"Cái thuở ban đầu" của Nguyễn Bính

(Nhớ và ghi theo lời kể của Nguyễn Bính vào một ngày đầu xuân Giáp Thìn 1964 tại làng Thiện Vịnh quê ông)

Sau khi rít một hơi thuốc lào, nhả làn khói xanh mờ ra hiên, nhìn sâu vào mắt tôi, với nụ cười tủm tỉm, Nguyễn Bính bắt đầu nói với giông mộc mạc, chân tình: "Ông đừng băn khoăn gì cả, lúc càng buồn, ta càng nên nói chuyện vui, chứ cái anh cứ để cho nỗi buồn chồng chất lên người, nhất định sẽ chết sớm. Mà đời người thì "ngắn chẳng tày gang", cớ gì cứ tự đầu độc mình? Ông muốn biết mình yêu từ khi nào hử?". Nguyễn Bính nhấp một ngụm trà đặc, e hèm một tiếng, đôi mắt xa xăm như đang dõi về những năm tháng xa mờ của đời mình. Giọng ông trầm xuống, chậm rãi:

"Làng Vân Cát quê mình có Hội Phủ Giày thật tuyệt, từ bé mình đã mê những sắc màu xanh đỏ tím vàng của lễ hội tưng bừng, mê hát chầu văn, mê những buổi lên đồng của các con nhang đệ tử, mê quá nên nhiều khi quên cả về nhà. Có thể nói màu sắc âm thanh của lễ hội mãi về sau vẫn còn ám vào thơ mình, gợi lên cái hương vị hồn quê. Năm ấy mình mười bốn tuổi, đầu tháng Ba Âm Lịch về chơi hội, mưa bay cuối xuân đưa chân phơi phới, đang ngồi xem hầu bóng, chợt thấy một cô gái chắc cũng ang áng tuổi mình, mặc áo cánh sen, thắt lưng hoa lý, chít vành khăn nhung, thà chiếc đuôi gà sau gáy, dáng dong dỏng cao, bước đi thanh thoát, y như vừa bước ra từ một bức tranh tố nữ. Người đi bên cô dáng chừng là mẹ, mặt phúc hậu, miệng luôn lẩm nhẩm như tụng kinh. Mình vội đi theo, khi đi ngang qua, nhìn khuôn mặt trái xoan của cô, nước da trắng hồng, mình ngơ ngẩn cả người. Cả buổi ấy, mình cứ đi theo mẹ con cô, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn, đôi khi ghé sát bên cô, mong được cô nhìn đến, nhưng cô gái dịu dàng mà nghiêm trang quá, chỉ có một lần đuôi con mắt cô khẽ chạm vào cái nhìn của mình rồi quay vội đi. Phủ ở giữa, một bên chùa, một bên đền, khách thập phương nối nhau đi từng dòng, khói hương chỗ mịt mù, nơi thoang thoảng, mọi thứ đối với mình đều như mơ hồ, chỉ có bóng cô gái là không rời khỏi mắt mình.

Mình theo riết cô ấy từ Phủ Giầy (làng Vân Cát) sang Phủ chính (làng Tiên Hương), đến ngày thứ tư thì lén giúi vào tay cô mấy câu thơ, đến nay vẫn chưa quên:

Em ở cõi trần hay cõi tiên
Phủ đền nhang khói nức hương em
Xin đi chầm chậm cho theo với
Lộc thánh dâng người một trái tim

Hồi hộp và vui sướng nhất là cô nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy, mắt cô ngó lơ nơi khác, chà "Giai nhân thông thái tự sinh thành!". Chiều ngày thứ năm (lễ hội diễn ra trong mười ngày), trong khi mẹ cô đang say sưa với phiên hầu bóng của một đồng cô nổi tiếng là múa đẹp, cô gái lẻn bước ra ngoài. Cơ hội ngàn vàng đến với mình, mình theo bén gót ra cửa phủ. Chợt cô dừng lại nói như bâng quơ:

"Mai về Mỹ Trọng rồi!"

Mỹ Trọng nay thuộc Nam Định, lúc ấy là một làng ngoại thành). Mình đánh bạo nắm lấy bàn tay cô nhưng cô rụt lại, quay nhanh vào chỗ hầu bóng. Một cảm xúc bồi hồi dâng lên trong lòng mình, hiểu rằng hình ảnh của cô đã in vào tâm khảm của mình rồi ! Hôm sau mình quyết chí theo mẹ con cô về tận Mỹ Trọng. Nhà cô ở gần một cái chợ, vào loại khá giả, có năm người con, cô thứ tư, chưa hề được đi học nhưng nhờ người anh dạy chữ quốc ngữ nên cũng biết đọc biết viết. Mình trao đổi những bức thư ngắn ngủi với cô, được gặp cô mấy lần ở chợ, biết tên cô là Ngọc Lan. Mỗi lần được gặp, về nhà lại cắm đầu làm thơ, xao nhãng cả việc học hành, bị ông anh Trúc Đường mắng mấy lần nhưng vẫn không chừa. Chừng ba tháng sau thì người tiên biến mất: Bố mẹ cô bán nhà chuyển đi nơi khác, cô không kịp báo, thế là "bóng chim tăm cá", mình bị hụt hẫng, chao đảo mất một thời gian.

Rồi sóng gió cuộc đời xô dạt, rung cảm của con tim thuở 14, 15 tưởng như gió thoảng hương bay. Nào ngờ cái màu áo cánh sen, thắt lưng hoa lý ấy cứ đeo đẳng bên lòng, đến nỗi từ ấy đến giờ, hễ cứ thoảng mùi hương khói, trong tâm thức mình lại hiện lên hình ảnh cô thiếu nữ yêu kiều trẩy Hội Phủ Giầy, lòng không khỏi bâng khuâng tiếc nhớ những ngày tươi đẹp!"


Bài thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính

Có lẽ sự kiện đặc biệt nhất trong đời thơ Nguyễn Bính là việc Tuần báo Tiểu thuyết thứ năm đăng tải bài thơ Lỡ bước sang ngang của ông vào năm 1939.Sau khi được đăng tải, bài thơ đã tạo ra một sự say mê cuồng nhiệt trong lòng độc giả, nhất là những độc giả nữ. Người ta chuyền tay nhau để đọc, để chép bài thơ. Nhiều người không biết chữ nhưng vẫn thuộc lòng Lỡ bước sang ngang. Các bà các chị dùng nó để ngâm vịnh cho nhau nghe, để hò ru con ngủ. Bài thơ đã tạo nên một hiện tượng văn học kỳ lạ chưa từng có. Nó được phổ cập từ Bắc chí Nam. Đâu đâu người ta cũng đọc Lỡ bước sang ngang, cũng nói chuyện về Lỡ bước sang ngang. Có người kể, trong những ngày đi kháng chiến, thỉnh thoảng trên bước đường hành quân lại nghe văng vẳng giọng những người mẹ trẻ cất lên lời ru Lỡ bước sang ngang trong những xóm làng hiu quạnh.

Từ khi bài thơ được đăng tải, nhắc đến Nguyễn Bính là người ta dùng cụm từ "tác giả Lỡ bước sang ngang". Và Lỡ bước sang ngang không chỉ cuốn hút những độc giả nữ hoặc là tầng lớp bình dân. Ngay cả những trí thức lớn vẫn thích đọc thích nghe Lỡ bước sang ngang. Trong một thiên hồi ký của mình, học giả Trần Bạch Đằng kể ông từng phải đọc đi đọc lại Lỡ bước sang ngang cho cố Tổng bí thư Lê Duẩn nghe để ông quên mệt trong một lần tránh Tây đi càn.

Lỡ bước sang ngang là tên của một bài thơ nhưng đồng thời cũng là tên của cả tập thơ, bao gồm những bài như Mưa xuân, Thời trước, Lòng mẹ, Cô lái đò, Cô hái mơ, Lá thư về Bắc, Tương tư… Tập thơ này cùng với tập Tâm hồn tôi đã đưa tên tuổi của thi sĩ vượt lên trên nhiều tác giả đương thời khác.

Năm 1944, Nguyễn Bính sống cùng bạn bè ở khu vực Đa Kao, Q.1, TP.HCM ngày nay. Túng tiền tiêu, một hôm mấy anh em bàn nhau xem có cách gì kiếm tiền một cách thật đàng hoàng. Một người bạn thân của Nguyễn Bính là Hoàng Tấn bày ra một kế hay. Thế là chỉ mấy ngày sau, người ta đọc được những mẩu quảng cáo về việc bán đấu giá bản viết tay tập thơ Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính. Tập thơ được trưng bày trong một tủ kính lớn đặt tại một nhà sách. Cuối cùng bản viết tay tập Lỡ bước sang ngang được một nhà thầu khoán yêu thơ mua với cái giá tính ra khoảng 18 triệu đồng hiện nay. Cần nhớ là Nguyễn Bính chỉ bán một bản viết tay tập thơ chứ không phải bán bản quyền cả tập thơ, nên cái giá này phải nói là quá cao.

Sau khi mua được tập thơ, nhà thầu khoán đã tổ chức bữa tiệc ăn mừng với hơn 50 quan khách, mời cả ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ đến để ngâm bài Lỡ bước sang ngang. Tiệc tùng kéo dài đến tận quá nửa đêm mới ngưng. Hoàng Tấn cho biết, vào năm 1999, sau 45 năm kể từ ngày mua tập thơ viết tay của Nguyễn Bính, gia đình nhà thầu khoán hiện sinh sống ở Pháp vẫn còn lưu giữ tập thơ. Quả là một chuyện hiếm có trong văn chương.
Nhưng vì sao mà bài thơ tạo nên một hiệu ứng ghê gớm như vậy? Có gì đặc biệt trong bài thơ này? Một vài tác giả có lý giải về vấn đề này nhưng dường như không hợp lý lắm.

Lỡ bước sang ngang là câu chuyện về một người con gái bị mẹ cha bán gả cho người mà mình không yêu, phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, bỏ lại vườn dâu, bỏ lại mẹ già, người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh "Rồi đây sóng gió ngang sông/Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ".

Đấy là câu chuyện riêng của người con gái - nhân vật chị trong bài thơ Lỡ bước sang ngang - nhưng đấy cũng đồng thời là câu chuyện chung của hàng vạn, hàng triệu người con gái khác sống dưới chế độ gia đình phong kiến, dưới mái nhà mang tên gọi tam tòng tứ đức. Lễ giáo phong kiến đã đè nặng lên thân phận họ, đè nặng lên những kiếp người. Suốt cả đêm dài lịch sử, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn khát khao được giải phóng khỏi tình trạng đó. Nhưng phải đến đầu thế kỷ 20, người ta mới dám nghĩ đến điều này. Bắt đầu từ năm 1933, Nhất Linh cùng với một số nhà văn khác trong Tự Lực Văn Đoàn đã ào ạt tấn công vào cái thành trì kiên cố đó để giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự áp đặt của quan niệm gả bán, tư tưởng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, tư tưởng môn đăng hộ đối. Nhưng xã hội lúc đó vẫn còn quá nhiều những cô gái bị bán gả theo kiểu như cô Loan trong Đoạn tuyệt.

Chính vì vậy mà cho đến năm 1939, Lỡ bước sang ngang ra đời, người ta đón nhận nó như đón nhận cơn mưa giữa ngày đại hạn. Đó là nguyên nhân chính của sự thành công vang dội của bài thơ này. Bằng thể loại thơ, Lỡ bước sang ngang đã đem đến cho người ta phương tiện để than thân trách phận, để giãi bày, để tự an ủi mình mà trước đó những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn không thể làm thỏa mãn độc giả được.

Thật ra thì trước đó một năm, những bài thơ của T.T.Kh đã gián tiếp bày tỏ vấn đề này rồi. Nhưng mấy bài thơ của T.T.Kh là những bài thơ mang tiếng nói cá nhân, còn Lỡ bước sang ngang là phát ngôn của thời đại, phản ánh một thực trạng bất công trong xã hội. Nguyễn Bính đã thay mặt hàng triệu tâm hồn người phụ nữ để phát biểu với toàn thể cộng đồng vấn đề bức xúc ấy.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay Lỡ bước sang ngang không còn làm xúc động nhiều người như xưa nữa, vì thời đại phong kiến đã trôi qua, tình yêu lứa đôi được giải phóng. Giờ đây những đôi trai gái yêu nhau đã được tự do lựa chọn hôn nhân cho mình. Tình cảnh lỡ bước sang ngang chỉ còn trong quá khứ đau buồn của một thời. Tuy nhiên ta không phủ nhận Lỡ bước sang ngang là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Bính và có một thời là bài thơ hay của thi ca Việt Nam.

Ở đây cần lưu ý, một số tác giả khi phân tích bài thơ này đã không gắn nó vào giai đoạn lịch sử mà nó ra đời, không xem xét hết đặc điểm của bài thơ nên đã có những phân tích bình giảng không chính xác. Chẳng hạn như giáo sư Hoàng Như Mai. Ông đã đi theo hướng phân tích Lỡ bước sang ngang như là một bài thơ phản ánh sự trắc trở lỡ làng muôn thuở trong tình yêu nói chung của cả nam lẫn nữ chứ không phải là những bi kịch tất yếu từ chế độ hôn nhân gia đình của lễ giáo phong kiến mà người phụ nữ phải gánh chịu, nên đã không lột tả hết bài thơ.

MỘT CUỘC ĐẤU KHẨU BẰNG THƠ

Trước ngày bế giảng lớp “Văn nghệ khoá Lê Trần” (1951) ở ấp Đồng Cùng, rừng U Minh, thi sĩ Nguyễn Bính tâm tình với bạn thân Hoàng Tấn:
“Mình đã ngoài 30 rồi, sống lẻ loi mãi cũng buồn, mình tính vào khoảng sau hai tháng nữa sẽ cưới vợ”.

Hoàng Tấn ớ ra, cho là “chuyện lạ kháng chiến”. Một thi sĩ đa tình, lại như bèo dạt mây trôi, từng tuyên ngôn qua hai câu thơ: “Sống là sống để mà đi/Con tàu bạn hữu, chuyến xe nhân tình” và đã có “một ngàn lẻ người yêu trong mộng”, bây giờ muốn làm chú rể! Mà cô dâu là ai đây? Hoàng Tấn liền mau mau tranh thủ kể cho anh em trong tiểu đội nghe. Thế là đêm trước ngày Tiểu đội Thơ chia tay, Hoàng Tấn, Hoàng Phố, Thanh Bình, Truy Phong, Kiên Giang, Nguyễn Hải Trừng bày mưu trêu chọc Nguyễn Bính trong cuộc chất vấn - đối thoại bằng thơ hy hữu. Nhà thơ Thanh Bình xung phong “phát pháo” mở đầu.

Thanh Bình (hỏi Nguyễn Bính):
Phải chăng ông sắp tuyên hôn?
Truy Phong (bồi tiếp):
Bạc tiền không có vợ con nỗi gì?

Nguyễn Bính (thản nhiên):
Bạc tiền không có cần chi
Miễn yêu chung thuỷ việc gì cũng xong.
Hoàng Phố:
Rằng xong thì Bính dối lòng
Thuốc không có hút còn hòng cưới ai?
Nguyễn Bính (phản ứng):
Các anh nghĩ thế là sai
Theo "Đời sống mới" tiền tài kể chi.Nguyễn Hải Trừng (ở Tiểu đội Họa sang chơi, góp ý):
Đứng trong thực tế mà suy
Bạc tiền không có lấy gì tiếp tân?Nguyễn Bính (bực dọc):
Đã mang tiếng bạn bè thân
Đến chơi đâu phải cầu ăn cho nhiều?
Hoàng Phố (khích bác):
Bạn bè là chỗ thân yêu
Ít ra cũng phải một "heo" mới vừa.
Nguyễn Bính (trả miếng):
Tưởng rằng tình bạn thiết tha
Ai ngờ lại hoá "bạn gà bạn heo"?
Hoàng Tấn (phê phán):
Bính ơi xin chớ đặt điều
Bạn người ai lại bạn heo bao giờ?
Nguyễn Bính (chưa nguôi giận):
Bạn người uống rượu ngâm thơ
Bạn heo nên mới đợi chờ thịt heo!
Thanh Bình (tấn công):
Ông đừng vin cớ ông nghèo
Đơm chuyện đặt điều nói xấu bạn thơ.
Nguyễn Bính (đắc chí):
Nào ai xuyên tạc bao giờ
Biết mình đuối lý thì ngơ cho rồi.Hoàng Tấn (giả lả):
Chuyện ăn là chuyện lôi thôi…
Hoàng Phố (lái sang chuyện khác):
Nay xin gác lại hỏi chơi chuyện này
Vợ ông con cái nhà ai
Có phải lạc loài nên mới đụng ông?
Nguyễn Bính (trừng mắt):
Con ai cũng có giống dòng
Lạc loài đâu phải là không ra gì?
Biết bao nhiêu phận nữ nhi
Cấm cung mà cũng thị phi tiếng đồn.
Truy Phong (đế vô):
Cây có cội nước có nguồn…
Hoàng Phố(châm chọc):
Lạc loài gái ắt chẳng còn tiết trinhNguyễn Bính (chỉ vào mọi người):
Tại sao câu nệ chữ trinh
Các ông phong kiến cùng mình chẳng sai…


Được một thời gian nghe tin Nguyễn Bính cưới một cán bộ phụ nữ tỉnh, mở sạp báo “Nhân Dân Miền Nam” ở Huyện Sử. Gần cuối kháng chiến, nghe máy bay Pháp lượn vòng từ đập đá dài theo kênh chắc băng xuống Thới Bình, rải truyền đơn kêu gọi đích danh tác giả Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính “quay về với chính nghĩa Quốc gia để được trọng đãi”… Bạn bè xôn xao cho đến khi có người gặp Bính đang làm rẫy ở Hang Mai, chung sống với một phụ nữ Bến Tre vừa sinh mụn con Nguyễn Hương Mai, kế Nguyễn Hồng Cầu.

Tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính hướng về Nam bộ, đặc biệt vùng sông nước kháng chiến chống Pháp dạt dào nỗi nhớ:

“Thấy dừa lại nhớ Bến Tre
Thấy hoa sen nhớ đồng quê Tháp Mười
Thấy trăng lại nhớ đến người!”,
để rồi đêm đêm ngửa mặt nhìn trời thốt lên
“…Sao đặc trời cao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có lúc sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em!”
(trích Đêm sao sáng).

(Theo hồi ký Nhớ về rừng U Minh của Hoàng Tấn)

Nguồn: Internet.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top