Giai thoại về Đào Duy Từ - Tài năng được thi thố

Thandieu2

Thần Điêu
Giai thoại về Đào Duy Từ - Tài năng được thi thố



Năm 1627, chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương và đòi lễ vật cống nạp. Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hỏi ý kiến Lộc Khê Đào Duy Từ.

Theo một số tư liệu, thì chính Duy Từ là người khuyên chúa bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.

Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử sứ giả mang ra Thăng Long, để tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh.

Triều đình Đàng Ngoài nhận được mâm lễ vật tỏ ý ngờ vực, bèn cho khám phá bí mật ở phía trong và cuối cùng họ đã phát hiện chiếc mâm có hai đáy. Khi đem đục ra thì thấy có sắc vua phong dạo trước và tờ giấy viết bốn câu chữ Hán sau:

Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch

Dịch nghĩa từng câu là: chữ ''mâu'' không có dấu phết; chữ ''mịch'' bỏ bớt chữ ''kiến''; chữ ''ái'' để mất chữ ''tâm'' và chữ ''lực'' đối cùng chữ ''lai''.

Thoạt đầu, chúa Trịnh và cả đình thần không ai hiểu bốn câu trên ngụ ý gì. Sau chúa phải cho vời viên quan thông thái nhất triều vào hỏi, thì mới vỡ lẽ rằng, trong chữ Hán, chữ ''mâu'' viết không có dấu phết thì thành chữ ''dư''. Chữ ''mịch" mà bỏ chữ ''kiến'' thì là chữ "bất''. Chữ ''ái'' nếu viết thiếu chữ ''tâm'' thì ra chữ ''thụ'' và chữ ''lực để cạnh chữ ''lai'' sẽ là chữ ''sắc''. Gộp cả bốn chữ mới lại thành câu: ''Dư bất thụ sắc'', nghĩa là ''Ta chẳng chịu phong''.

Chúa Trịnh thấy họ Nguyễn chối từ, trả lại sắc phong bằng một mẹo kế tài tình, thì vừa tức giận, vừa phục tài, bèn cho dò la và biết được đều do Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn Đàng Trong về với triều đình Lê - Trịnh Đàng Ngoài. Chúa lập mưu sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng để nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài, nếu trở về sẽ được triều đình trọng vọng, cho giữ chức quan to. Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?...

Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hi vọng, bèn cho người đem lễ vật hậu hơn, cầm thư chúa vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.

Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:

Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời.
Ông đã đem tài trí của mình cống hiến cho xã hội về nhiễu lĩnh vực. Ông là một nhà quân sự tài ba, kiến trúc sư xây dựng lũy Trường Dục ở Phong Lộc và lũy Nhật Lệ ở Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình, để chống lại các cuộc tấn công của quân Trịnh.

Lũy Nhật Lệ còn gọi là lũy Thầy (vì chúa Nguyễn và nhân dân Đàng Trong tôn kính gọi Đào Duy Từ là thầy). Lũy này được hoàn thành năm 1631, có chiều dài hơn 3000 trượng (khoảng hơn 12 km), cao 1 trượng 5 thước (khoảng 6 m), mặt lũy rất rộng (voi có thể đi lại được) cứ cách một quãng lại xây pháo đài để đặt súng thần công. Chiến lũy này có vị trí gần khe, dựa vào thế núi, chạy dài suốt cửa biển Nhật Lệ, trông giống hình cầu vồng, có tác dụng chặn được bước tiến của quân Trịnh trong hàng trăm cuộc giao tranh.
Đương thời có câu ca:

Khôn ngoan qua cửa sông La
Dù ai có cánh chớ qua lũy Thầy

Những kết quả nghiên cứu gần đây cho biết các lũy trên còn có tác dụng chắn cát gió, giúp cho sản xuất nông nghiệp và điều hòa khí hậu trong vùng.

Đào Duy Từ còn là tác giả cuốn sách bàn về quân sự rất nổi tiếng tên là "Hổ trướng khu cơ''. Đây là tác phẩm rất hiếm hoi của người xưa viết về quân sự còn lưu lại đến nay ở nước ta. Ngoài phần trình bày về lí luận, ông còn đề cập đến một số kĩ thuật, công nghệ của chiến tranh như cách bày binh bố trận, cách chọn địa điểm đóng quân, làm cầu phao vượt sông, chế tạo các loại vũ khí (kể cả một số loại vũ khí hiện đại nhất thời bấy giờ như thủy lôi, hỏa tiễn...).

Trong lĩnh vực văn học, Đào Duy Từ còn để lại hai tác phẩm khá nổi tiếng là ''Ngọa Long cương vãn'' và ''Tư Dung vãn''.
Ông cũng là người đã khởi thảo ra tuồng Sơn Hậu, sáng tác các điệu múa Song Quang, Nữ tướng xuất quân, Tam Quốc, Tây Du... và có công đầu trong việc phát triển nghệ thuật tuồng ở Đàng Trong...

Từ khi được chúa Sãi Vương tin dùng, Lộc Khê Đào Duy Từ chỉ còn được 8 năm cuối đời để đem tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp chung. Ông đã làm được nhiều việc có ích cho xã hội, góp phần vào công cuộc ổn định và mở mang đất nước.

Sau khi ông mất, ở Bình Định nhân dân đã lập đền thờ ông. Nhiều sách báo từ trước tới nay đã viết về ông, ca ngợi con người đã có ý chí lớn, vượt bao hoàn cảnh khó khăn, tự rèn luyện học tập để trở thành một tài năng, lập thân, lập nghiệp và cống hiến cho đời.
Đánh giá Lộc Khê Đào Duy Từ, nhà yêu nước thời cận đại , Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) đã viết:

Bể dâu thay đổi mấy triều cương
Lũy cũ xanh xanh một giải trường
Rêu đá lờ mờ kinh Hổ trướng
Gió lau leo lắt phú Long Cương
Non sông trơ đó, Thầy đâu vắng?
Con cháu còn đây, giống vẫn cường
Công đức miệng người ghi tạc mãi
Ngàn thu mấy kẻ biết trông gương!

(Báo Tiếng Dân, số 3- 1930)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top