Giai thoại Nguyễn Du - Câu thơ bỏ lửng

Thandieu2

Thần Điêu
Giai thoại về Nguyễn Du

Nguyễn Du (1766 - 1820), đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc có thế lực và có truyền thống văn học bậc nhất đương thời. Nguyễn Du thông minh, học rộng, nhưng chỉ đỗ đến tam trường (Tú tài), ông ra đời bằng chức quan võ nhỏ biên trấn ở Thái Nguyên, kế nghiệp ông bố nuôi họ Hà. Tuy xuất thân trong một gia đình vọng tộc, nhưng ông không được hưởng phúc ấm của tổ tiên. Những biến cố của đời sống chính trị dồn dập ập đến biến ông thành nhà thơ - người phát ngôn cho quyền sống của những người lao khổ, nhà nhân văn chủ nghĩa lớn nhất của đất nước đầu thế kỷ XIX. Tạp chí Quê Hương xin giới thiệu một số giai thoại về Nguyễn Du.

Câu thơ bỏ lửng

Nguyễn Du lúc còn là học trò được ông thân sinh gọi ra Thăng Long theo học một ông đồ họ Lê ở Gia Lâm, bên kia sông Nhị Hà (sông Hồng). Nguyễn Du cùng các bạn học ngày nào cũng phải qua sông bằng đò ngang để đến trường. Người chở đò là một cô gái nhà nghèo, nhưng xinh xắn và nói nhỏ nhẹ, có duyên và rất dễ thương.

Một hôm, các nho sinh đến chậm, phải chờ đò mãi. Trống trường bên kia đã điểm hối thúc. Nguyễn Du chờ sốt ruột nên làm một bài thơ nhờ bạn đưa cô lái đò để tỏ lòng mình và cũng là để thử lòng cô gái. Bài thơ như sau:


Ai ơi, chèo chống tôi sang.
Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại, lại qua
Giúp nhau rồi nữa để mà....


Câu thơ cuối, tác giả bỏ lửng có ý để chờ cô gái điền vào. Nhận được, cô gái bẽn lẽn và từ chối, nhưng về sau nể lời bạn, cô cũng thêm vào hai chữ... quen nhau.

Rồi ngày tháng dần qua, bến đợi sông chờ, một ngọn lửa thầm kín bùng lên giữa hai người, sợi dây tình khăng khít buộc chàng trai quý tộc và cô gái bình dân. Thế rồi hai người yêu nhau. Nhà thơ thổ lộ tâm tình ra bốn câu lục bát rằng:


Xưa quen nay đã nên thương
Cùng nhau chắp mối tơ vương chữ tình
Cảnh xinh xinh, người xinh xinh
Trên trời, dưới nước, giữa mình với ta.


Họ yêu nhau tha thiết, quyết chí lấy nhau, nhưng gia đình Nguyễn Du không đồng ý. Bởi lẽ đơn giản, Nguyễn Du là cậu con trai quý tộc mà cô gái là một người bình dân. Nguyễn Du bị gửi về học một ông đồ khác ở Thái Bình. Nguyễn Du buồn rầu từ giã người yêu, mối tình đầu trong trắng của mình, dằn lòng chấp nhận gia pháp khắc nghiệt của họ Nguyễn Tiên Điền.

Hơn 10 năm sau, Nguyễn Du có dịp trở lại bến cũ đò xưa thì cô gái đi lấy chồng lâu rồi, dòng nước đỏ vẫn lặng lẽ trôi. Bến đò vẫn đông người qua lại nhưng vắng bóng một người. Trông cảnh cũ nhớ người xưa, nhà thơ bùi ngùi ngâm lên bốn câu thơ lục bát để gửi gắm lòng mình:


Yêu nhau những muốn gần nhau,
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười.
Vì đâu xa cách đôi nơi.
Bến nay còn đó nào người năm xưa?


Hát phường vải

Làng Trường Lưu thuộc huyện Nghi Xuân là một trong những làng văn vật nổi tiếng về hát phường vải, về nghề dệt vải và con gái đẹp. Làng Tiên Điền có nghề làm nón. Trai thanh phường nón thường kéo nhau sang hát với gái lịch phường vải ở Trường Lưu. Họ đi hát vì mê hát, nhưng một phần cũng vì mê các cô gái đẹp. Trong các chuyến đi ấy, Chiêu Bảy (Nguyễn Du là con thứ bảy nên gọi là Chiêu Bảy) chẳng bao giờ vắng mặt. Con đường sang Trường Lưu đã trở nên quen thuộc. Đến nay nhân dân Hà Tĩnh còn nhắc những câu Nguyễn Du cùng các cô gái đối đáp.

Cậu Chiêu Bảy đã để thương để nhớ lại rằng:


Phiên nào chợ Vịnh ra trông
Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba.


Đến khi Nguyễn Du ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn thì cô Tuyết, một trong những cô gái hát phường vải ấy trách:

Cái tình là cái chi chi
Anh làm tham tri em cũng biết rồi.

Có một đêm hát nọ, Chiêu Bảy gặp một cô gái tên là Cúc, người đẹp, giọng hay, nhưng phải một nỗi quá thì mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp, liền hát chơi:

Trăm hoa đua nở về xuân
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?

Chiêu Bảy vờ nói chuyện hoa để châm chọc: các cô gái khác đều đã đi lấy chồng sớm, sao riêng cô Cúc lại để quá lứa lỡ thì như vậy?

Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe cô đã hiểu ngay ý tứ của đối phương, bèn cất tiếng hát đáp lại:

Vì chưng tham chút nhuỵ vàng
Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu.

Hoa cúc vốn là loài hoa nở về mùa thu, cúc nở về thu mới đang độ tươi đẹp, đúng kỳ chớ không phải muộn. Câu hỏi khôn và câu trả lời cũng thật khéo.

Nguồn: Internet
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top