Giải thích thành ngữ, tục ngữ vần C

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Chờ được mạ, má đã sưng

Mạ, tiếng địa phương là mẹ. Thành ngữ "chờ được mạ, má đã sưng" có nghĩa là chờ được mẹ ra thì đã bị đánh sưng má rồi. Câu này có ý khuyên không nên ỷ lại, phải biết tự lực trong cuộc sống. Chờ được sự giúp đỡ của người khác, có khi đã bị thiệt hại rồi.

Thành ngữ này có lẽ đã xuất hiện ở địa phương dùng từ mạ để chỉ mẹ, cho nên khi thành ngữ này được "truyền khẩu" sang các vùng khác thì đâm khó hiểu và do âm vạ gần với mạ nên câu thành ngữ được tách thành một dị bản sai: "Chờ được vạ, má đã sưng". Mà nói như thế về ý nghĩa cũng có vẻ xuôi xuôi vì vạ là từ cổ, có nghĩa phạt (bắt vạ, ngả vạ) hoặc tai họa (bị vạ), nhưng lâu nay người ta đã hiểu vạ khác đi với nghĩa "được cuộc", "được kiện". Do đó thành ngữ này từ lâu cũng được dùng trong những trường hợp có chuyện "được thua".

Nhưng thực ra, vạ với nghĩa cổ phạt và tai họa thì không phải là thứ mong được. Trong làng xóm xưa kia có lối phạt vạ những ai vi phạm lệ làng, trong đó có hình thức phạt là: cả làng kéo đến nhà người bị phạt để ngả vạ, nghĩa là bắt sự chủ làm cỗ cho mà ăn, nên được vạ là không chính xác. Người ta chỉ nói phạt vạ, bắt vạ, ngả vạ, gieo vạ, đổ vạ, nộp tiền vạ...

Có sách từ điển định nghĩa chờ được vạ là "chờ được xét xử bồi thường". Định nghĩa như thế thật khiên cưỡng, thiếu chính xác.

CÒNG CÒNG BIẾT NUÔI CON

Còng còng sinh sống trên bãi cát với số lượng lớn và không ai biết cách thức sinh sống của chúng. Chúng cứ đàn lũ lớn lên, không cần biết đến thời tiết, thời vụ hoặc các biến đổi khác. Khi có động, chúng chạy tản ra, chui nhanh vào các lỗ đào sẵn. Con lớn vào lỗ lớn, con bé vào lỗ bé. Im tiếng động, chúng lại bò ra, tụ tập lại với nhau cứ như đã được dạy bảo, luyện tập từ bé. Người ta cho rằng chính còng lớn đã dạy cho còng con cách thức như thế.

Thành ngữ hàm nghĩa chỉ ai cũng có thể làm được việc định làm, dù đó là người thấp kém muốn làm việc khó, ngoài khả năng của mình. Vì đến như con còng còng còn biết cả nuôi con nữa là.

Chim sa cá lặn

Ngày nay mọi người đều hiểu thành ngữ này là một cách nói ngoa dụ để chỉ người đàn bà rất đẹp, giống như cách hiểu thành ngữ "hoa hờn nguyệt thẹn", tức đẹp tới mức hoa phải hờn vì kém sắc, trăng phải thẹn vì kém tươi. Nhưng thực ra ý nghĩa ban đầu của thành ngữ này không phải như vậy.

Trang Chu, hay thường gọi là Trang Tử, người đời Chiến Quốc, học thức rất uyên bác, không môn gì không biết. Trong sách "Nam hoa kinh", ông chép rằng: Mao Tường và Lệ Cơ là hai người đàn bà đẹp, cá thấy - chìm vào chốn hang sâu, chim thấy - bay cao (ngư kiến chi nhập thâm, điểu kiến chi cao phi). Ý Trang Chu muốn nói rằng mọi sự trên đời đều là tương đối. Mao Tường, Lệ Cơ tuy đẹp, song chỉ đẹp đối với người, chứ biết đâu trông thấy họ cá chẳng sợ mà lặn sâu, chim chẳng sợ mà bay cao?

Người sau hiểu khác hẳn nguyên ý ấy của Trang Chu. Sách "Thông tục biên" dùng thành ngữ "trầm ngư lạc nhạn" tức "chim rơi cá chìm" để chỉ nhan sắc người đàn bà cực đẹp.

Các nhà văn cổ điển của nước ta thường viết theo ý câu ấy:

"Mặn mà chìm cá rơi chim"

(Hoa Tiên)

Hay:

"Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa"

(Cung oán)

Cũng cần thấy rằng thành ngữ này mang tính văn chương nhiều hơn là tính khẩu ngữ. Nó đặc biệt được sử dụng nhiều trong văn học cổ.


Cái khó bó cái khôn hay
Cái khó ló cái khôn?


Xưa nay nhiều người cứ ngỡ đây là hai biến thể của một câu tục ngữ, thế rồi không ít người tranh luận, lí giải theo những hướng khác nhau. Nhiều người xem dạng thức cái khó bó cái khôn là dạng chuẩn, dạng đích thực và phủ nhận dạng thức cái khó ló cái khôn. Ngược lại, một số khác lại cho dạng cái khó ló cái khôn mới là một dạng chân chính. Thực ra, đây là hai câu tục ngữ có nghĩa và cách sử dụng khác nhau. Chúng khác nhau một cách "nghiệt ngã"!

Trong những hoàn cảnh bất lợi, những người thông minh tài cán, khôn ngoan cũng có lúc phải bất lực, không thể dễ dàng xoay trở, đảo ngược được tình thế. Cái khó bó cái khôn là vậy. Cái khó bó cái khôn phản ánh sự bất lực của trí tuệ, tài năng trước hoàn cảnh. Đó cũng là sự cảm thông trước bước đường của những con người đang rơi vào hoàn cảnh không có lối thoát.

Thế nhưng, đôi khi trong cuộc sống vẫn có những tình thế ngược lại. Con người ở vào một cảnh huống tưởng chừng đã hoàn toàn bế tắc, hoàn toàn hết đường tháo gỡ, đột nhiên một ý nghĩ thông minh "xuất thần" cứu vớt được tình cảnh, giải tỏa được khó khăn. Cái khó ló cái khôn là như thế. Đó cũng là lời động viên, an ủi nhau, cố gắng tìm cách tháo gỡ khó khăn, bất luận ở hoàn cảnh nào.

Rõ ràng, là giữa cái khó bó cái khôn và cái khó ló cái khôn ý nghĩa và cách sử dụng hoàn toàn trái ngược nhau. Do vậy, không thể nói đây là hai biến thể của một câu tục ngữ, không có dạng nào là chuẩn, dạng nào là không chuẩn. Đây là hai câu tục ngữ trái nghĩa nhau.

CẬU ẤM CÔ CHIÊU

Cậu ấm cô chiêu là ai vậy? Ấm” và “chiêu” là hai danh từ chỉ con quan. Ngày xưa từ thời Lê , con các ông tiến sĩ được gọi là “chiêu” và được theo một trường riêng là “chiêu văn quán” . Còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngủ phẩm trở lên, ấm tôn là cháu quan, ấm tử là con quan , ấm sinh là học trò con quan đã đỗ đạt có bằng , ấm thụ chị con quan ra nối nghiệp cha mà không hề qua sát hạch, tức là được đỗ “đặc cách” Tất cả đều gọi chung là cậu ấm. Như vậy “chiêu là danh từ xưng gọi trong gia đình (ví như Nguyễn Du thời còn đi học trong nhà trường gọi là “cậu chiêu” Bảy) còn “ấm” là danh từ gọi ngoài xã hội. Thêm nữa, “chiêu” có thể chỉ cả con trai lẫn con gái, còn “ấm” thì chỉ gọi con trai các quan mà thôi. Sau này “ấm” và “chiêu” còn chỉ cả con cái các nhà giàu có, quyền quý nói chung.

Ngày nay, đôi khi con cái nhà quyền cao chức trọng cũng được gọi là Cậu ấm cô chiêu . Vì đồng âm với dụng cụ đun nước , khi các cậu “con ông cháu cha” ấy mà hư hỏng, dốt nát, thành ngữ trên chuyển sắc thái hài hước châm biếm và cậu ấm ấy được gọi là “cậu ấm sứt vòi”.

Cáo mượn oai hùm


Thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện kể về sự gian ngoan, ma lanh của cáo đã khéo uốn ba tấc lưỡi để lừa con hùm (tên gọi khác của cọp).

Có một con hùm đói mồi, đang lang thang trong rừng kiếm ăn, thì gặp ngay con cáo. Hùm sung sướng và chắc mẽm phen này được bữa no say. Nhưng con cáo gian ngoan đã nói với hùm rằng: "Này cái ông hùm ông hổ kia ơi! Ông đừng có mà ăn thịt tôi. Thượng đế đã giao cho tôi làm chúa tể muôn loại. Ông mà ăn tôi là làm trái ý của thượng đế ! Không tin, ông cứ đi đằng trước, tôi đi đằng sau, thử hỏi có co nvật nào trông thấy tôi mà không sợ? Và hùm đã làm theo. Quả nhiên, chúng đi đến đâu, mọi thú vật đều chạy tán loạn. "Sự thật" đó đã làm cho hùm tin lời cáo, và đương nhiên cáo đã thoát chết! Hùm có biết đâu rằng, những con vật kia sợ mình, sợ từ cái bóng của mình, chứ đâu có sợ cáo !...

Trong dân gian, bên cạnh thành ngữ "cáo mượn oai hùm" còn có cách nói "cáo đội lốt hổ uy" với với nghĩa tương tợ nhưng ít dùng.

Thành ngữ trên dùng để chỉ những hạng người ranh ma (như cáo), bản thân chẳng có gì, nhưng dựa vào uy danh, quyền lực của kẻ quyền uy để hù doạ người khác.

Cành vàng lá ngọc

Cành vàng lá ngọc là thành ngữ phỏng dịch từ thành ngữ tiếng hán “Kim chi ngọc diệp” , và biến thể của nó là lá ngọc cành vàng cũng phỏng dịch từ “ngọc điệp kim chi” . theo Lục thiếp, thì “cành vàng lá ngọc” là con cháu đế vương (Đặng đức Siêu, Ngữ liệu văn học, Nxb.GĐ,1999,tr.185)

Trong văn thơ Việt Nam, cành vàng lá ngọc, hay lá ngọc cành vàng thường được dùng với nghĩa rộng hơn, không chỉ là con cháu đế vương mà chỉ chung con cháu dòng dõi vua chúa, quý tộc , dòng dõi nhà quyền quí, cao sang.

Cháy nhà ra mặt chuột

Chuột là một loại động vật gậm nhấm, sống đời ẩn nấp trong hang hóc xó xỉnh, thường xuất hiện khi không có người để kiếm ăn hoặc phá phách, gậm nhấm tất cả những thứ mà chúng thích. Phá hại mùa màng, đục khoét nhà cửa vật dụng làm hang ổ. Nói chung chúng là một loại đông vật bất lợi đối với con người. Không ai muốn trong nhà mình có loại động vật này. Thế nhưng muốn diệt trừ chúng không phải dễ, nhất là những nơi nhà cửa bề bộn, không kín đáo. Chúng luồn ngỏ này, lách ngõ kia … Trong những ngôi nhà ở thôn quê xưa, bước vào thấy vắng lặng tưởng chừng như không có con chuột nào! Nhưng ngộ nhỡ ngôi nhà bị cháy thì chuột chạy ra từng đàn, và đấy là lý do phát sinh thành ngữ cháy nhà ra mặt chuột.

Trong nghĩa bóng của thành ngữ này, chuột tượng trưng cho thành phần xấu, thành phần phá hoại ngấm ngầm, mà mọi người không thể phân biệt khi chưa có chuyện. .. Lúc trong nhà có chuyện, hay trong một tập thể nào đó có vấn đề khó khăn nguy biến xảy ra, nhưng kẻ xấu mới lộ mặt. Và trong trường hợp đó người ta dùng thành ngữ: cháy nhà ra mặt chuột.

Trong dân gian người ta dùng cách đốt rơm rạ um khói ở cửa hang để bắt chuột chạy ra.

CHÍN CHỮ CÙ LAO

Thành ngữ này thuờng dùng để chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. ( Cù là siêng năng, lao là khó nhọc). Chín chứ cù lao ấy là:

Sinh : đẻ
Cúc: nâng đỡ
Phủ: vuốt ve
Súc: cho bú mớm lúc nhỏ
Trưởng: nuôi cho lớn
Dục: dạy dỗ
Cố: trông nom, săn sóc
Phục: xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt
Phúc: giữ gìn

Trong truyện Kiều có câu:


Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.
.....
Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

(Theo Tiếng Việt lí thú )

Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top