BÀI LÀM
Việt Nam ta có một kho tàng ca dao tục ngữ phong phú. Mỗi một câu đều có ý nghĩa khuyên bảo sâu sắc, chứa đựng những tình cảm yêu thương tha thiết. Trong đó, tình yêu thương đồng bào, nhân loại, tình cảm giữa người với người luôn được cha ông ta đặt lên hàng đầu:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Chúng ta ai cũng biết cây bầu và cây bí là hai loại cây khác nhau. Chúng cho hoa và trái hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, cả hai cùng chung một họ, đều là những cây thân leo. Vì thế nhân dân ta hay trồng bầu và bí chung một giàn, chăm sóc bón phân, tưới nước cho chúng như nhau. Do cả hai cùng sống chung trong một điều kiện môi trường nên nếu khi gặp mưa gió hay nắng hạn thì cả hai cùng chung cảnh ngộ. Có lẽ vì vậy mà bầu và bí trở nên gắn bó thân thiết như hai anh em. Nhắc đến bầu người ta luôn nghĩ đến bí và ngược lại.
Những hình ảnh của bầu và bí thật gần gũi, thân thương và giản dị. Mượn hình ảnh sống động ấy, ông cha ta muốn nhắc nhở con cháu về tình yêu thương con người, đồng loại.
Đầu tiên, dễ thấy nhất đó là anh em trong một gia đình. Dù tính cách, vẻ bề ngoài mỗi người có khác nhau nhưng tất cả cùng chung một cha mẹ sinh ra, cùng lớn lên trong một mái nhà, sướng vui hay buồn khổ đều có nhau. Vì vậy, anh em phải thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau. Cho nên, ông cha ta cũng có câu:
Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.
Tuy nhiên, nếu người ngoài là người hàng xóm, láng giếng của mình thì cũng là "chung một giàn". Những người hàng xóm với nhau, dù mỗi nhà mỗi cảnh nhưng lại sống chung trong một ngôi làng, cùng đi chung trên một con đường, thậm chí nhiều nhà còn dùng chung một giếng nước. Họ "tối lửa tắt đèn có nhau". Và lỡ như có kẻ bên ngoài nào xâm phạm hay gây mất trật tự, họ đoàn kết, bảo vệ nhau. Cho nên ông bà ta cũng thường khuyên bảo nhau rằng: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" để thấy sự cần thiết phải yêu thương nhau giữa những người hàng xóm, láng giềng.
Mở rộng ra cho cả tình thành, cả đất nước thì tất cả chúng ta cũng đều là những người cùng chung một cộng đồng dân tộc, cùng là người mang quốc tịch Việt Nam, cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nhiều máu lửa bởi những cuộc chiến tranh tàn khốc. Vì vậy, càng phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau:
Nhiều điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Như vậy, có thể nói rằng dù xét trong phạm vi nào, chúng ta cũng đều là những cá nhân gắn kết trong một tập thể. Chúng ta không thể tách rời khỏi tập thể, cộng đồng. Khi đã nhận thức được rằng mỗi cá nhân là một tế bào của gia đình, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, chúng ta sẽ biết sống đoàn kết, yêu thương, bao bọc nhau hơn vì "Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết".
Cuộc sống thực tế của chúng ta cho thấy chính sự thương yêu, đoàn kết đã giúp nhân dân ta vượt qua bao khó khăn, thử thách. Khi đất nước ta bị bọn ngoại lai xâm phạm, tất cả nhân dân ta cùng chung một nỗi đau mất nước. Nhờ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà chúng ta mới chiến thắng được kẻ thù, đem ấm no, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Còn ngày nay, dù chiến tranh không còn, nhưng thiên tai, bão lũ xảy ra hàng năm cũng gây ra bao cảnh bi thương cho nhiều gia đình. Cùng với tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", cả nước cùng nhau hướng về một phía, cùng kêu gọi, quyên góp giúp đỡ cả về vật chất, lẫn tinh thần cho những gia đình bị thiệt hại, mất mát. Đã có bao nhiêu những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm đã cùng nhau đóng góp, chia sẻ với nỗi đau của đồng bào, của dân tộc. Và không chỉ trong nước mà cả cộng đồng quốc tế, khi quốc gia nào bị thiên tai, nghèo đói, các nước khác đều cứu trợ thuốc men, lương thực, thực phẩm...để giúp họ vượt qua khó khăn.
Rõ ràng tình yêu thương nhân loại thời nào cũng cần, cũng quý. Câu ca dao là lời dạy sâu sắc, ấm áp tình người. Nó giúp ta từ bỏ những tị hiềm cá nhân mà sống yêu thương, gần gũi nhau hơn. Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu mỗi người đều biết sống chia sẻ, yêu thương, đoàn kết cùng nhau.
Theo Những bài văn hay 7*