Giải Nobel 2009

yezterday

New member
Xu
0
Chủ nhân giải Nobel Hóa học 2009

Lúc 16h45 chiều 7/10 (giờ Việt Nam), giải Nobel Hóa học 2009 đã được công bố. Có tổng cộng 3 nhà khoa học đạt giải, một người Anh, một người Mỹ và một người Israel.
Giải thưởng được trao cho ba nhà khoa học vì đã nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của ribô-thể - một hạt gồm RNA và protein thấy trong các tế bào và là nơi tổng hợp protein trong tế bào.
Các nhà khoa học được vinh danh với giải thưởng Nobel hóa học năm nay là: Venkatraman Ramakrishnan - người Anh gốc Ấn Độ (sinh năm 1952), Thomas A. Steitz - người Mỹ (sinh năm 1940) và Ada E.Yonath người Israel (sinh năm 1939).

NobelHoahoc.jpg
3 nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học năm 2009 (Ảnh: Nobelprize.org)
Danh sách những người đoạt giải Nobel Hóa học từ năm 1980 tới nay
2008: Osamu Shimomura (Nhật Bản), Martin Chalfie và Roger Tsien (Mỹ) đã nhận giải thưởng trị giá 1,4 triệu USD vì đã phát hiện ra chất protein huỳnh quang xanh (GFP) Lần đầu tiên GFP được quan sát ở sứa biển là vào năm 1962.
2007: Gerhard Ertl, Đức, cho những nghiên cứu về các phản ứng hóa học trên bề mặt chất rắn. Công trình này tăng cường sự hiểu biết tại sao tầng ozone đang mỏng đi, cách thức các tế bào nhiên liệu hoạt động và thậm chí tại sao sắt gỉ.
2006: Roger D. Kornberg, Mỹ, cho công trình nghiên cứu cách thức tế bào lấy thông tin từ gene để sản xuất protein.
2005: Yves Chauvin (Pháp) và Robert H. Grubbs và Richard R. Schrock (Mỹ), cho nghiên cứu tìm ra cách làm giảm chất thải độc hại khi tạo ra các hóa chất mới.
2004: Aaron Ciechanover và Avram Hershko (Israel) và Irwin Rose (Mỹ) cho công trình về cách thức các tế bào phân hủy.
2003: Peter Agre và Roderick MacKinnon (Mỹ) cho nghiên cứu về cách thức các chất chủ chốt tiến vào hoặc rời khỏi các tế bào trong cơ thể, và khám phá của họ liên quan tới các lỗ nhỏ, được gọi là "kênh", trên bề mặt tế bào.
2002: John B. Fenn (Mỹ), Koichi Tanaka (Nhật Bản) và Kurt Wuethrich (Thụy Sĩ) vì đã phát triển các cách thức dùng trong nhận diện và phân tích các phân tử sinh học lớn.
2001: William S. Knowles và K. Barry Sharpless (Mỹ) và Ryoji Noyori (Nhật Bản) cho công trình về cách kiểm soát tốt hơn các phản ứng hóa học, dọn đường cho các loại dược phẩm trị bệnh tim và bệnh Parkinson.
2000: Alan J. Heeger và Alan G. MacDiarmid (Mỹ), Hideki Shirakawa (Nhật Bản) cho phát minh mang tính cách mạng trong lĩnh vực sản xuất các chất dẻo có thể dẫn điện, và kích thích sự phát triển nhanh chóng của điện tử học phân tử.
1999: Ahmed H. Zewail (Mỹ) vì đã tiên phong điều tra nghiên cứu các phản ứng hóa học cơ bản, sử dụng tia laser cực ngắn, trên thang thời gian mà các phản ứng thường xảy ra.
1998: Walter Kohn (Mỹ) cho nghiên cứu phát triển Phiếm hàm mật độ và John Pople (Anh) cho nghiên cứu phát triển các phương pháp tính toán trong hóa học lượng tử.
1997: Paul D. Boyer (Mỹ), John E. Walker (Anh) và Jens C. Skou (Đan Mạch) cho công trình nghiên cứu cách thức các tế bào cơ thể lưu trữ và truyền năng lượng.
1996: Harold W. Kroto (Anh) và Robert F. Curl Jr., Richard E. Smalley (Mỹ) cho khám phá của họ về "buckyball", một loại phân tử carbon có hình trái bóng.
1995: Paul Crutzen (Hà Lan), Mario J. Molina và F. Sherwood Rowland (Mỹ) cho công trình nghiên cứu về sự hình thành và phân hủy tầng ozone.
1994: George A. Olah (Mỹ) cho những đóng góp của ông trong ngành hóa carboncation.
1993: Kary B. Mullis (Mỹ) và Michael Smith (Canada) cho nghiên cứu phát triển hai phương pháp mới mang lại sự tiến bộ quyết định trong công nghệ gene.
1992: Rudolph A. Marcus (Mỹ) vì đóng góp của ông vào giả thuyết các phản ứng truyền điện trong các hệ thống hóa học.
1991: Richard R. Ernst (Thụy Sĩ) vì những đóng góp cho sự phát triển phổ cộng hưởng từ hạt nhân độ phân giải cao (NMR).
1990: Elias James Corey (Mỹ) cho sự phát triển giả thuyết và phương pháp luận của tổng hợp hữu cơ.
1989: Thomas Cech và Sidney Altman (Mỹ) cho công trình chứng minh một cách độc lập rằng RNA còn có thể trợ giúp tích cực cho các phản ứng hóa học.
1988: Johann Diesenhofer, Robert Huber và Hartmut Michel (Tây Đức) vì đã xác định được cấu trúc của các protein nhất định cần trong quang hợp.
1987: Donald J. Cram và Charles J. Pedersen (Mỹ) và Jean-Marie Lehn (Pháp) cho nghiên cứu tổng hợp các phân tử có thể bắt chước các phản ứng sinh học quan trọng.
1986: Dudley R. Herschbach, Yuan T. Lee (Mỹ) và John C. Polanyi (Canada) cho công trình nghiên cứu chứng tỏ cách thức các phản ứng hóa học cơ bản diễn ra.
1985: Herbert A. Hauptman và Jerome Karle (Mỹ) cho nghiên cứu phát triển các phương pháp xác định cấu trúc phân tử của pha lê.
1984: Robert Bruce Merrifield (Mỹ) cho công trình phát triển phương pháp luận cho tổng hợp hóa học trên nền rắn.
1983: Henry Taube (Mỹ) cho công trình giải thích phản ứng hóa học trong mọi vật, từ quang hợp ở thực vật cho tới pin và các tế bào nhiên liệu.
1982: Aaron Klug (Anh) cho công trình nghiên cứu về cấu trúc gene.
1981: Kenichi Fukui (Nhật Bản) và Roald Hoffmann (Mỹ) cho công trình nghiên cứu về hóa học lý thuyết trong thúc đẩy quá trình của các phản ứng hóa học.
1980: Paul Berg (Mỹ) cho các nghiên cứu cơ bản về hóa sinh acid nucleic và Walter Gilbert (Mỹ), Frederick Sanger (Anh) cho những đóng góp liên quan tới chuỗi Acid nucleic.

Hoài Linh - Vietnamnet (Theo Nobelprize.org)
 
Ba chuyên gia ánh sáng đoạt giải Nobel Vật lý

Nhờ phát minh ra cảm biến ảnh và sợi quang, ba nhà khoa học quốc tịch Mỹ giành giải Nobel Vật lý 2009. Phát minh của họ đặt nền tảng cho công nghệ ghi hình kỹ thuật số và truyền dữ liệu bằng ánh sáng.
Theo AP, tiến sĩ Charles K. Kao, 75 tuổi, được nhận một nửa số tiền thưởng của giải Nobel (1,4 triệu USD) do có công phát hiện cách truyền tín hiệu ánh sáng qua sợi thủy tinh có độ dày tương đương tóc người vào năm 1966. Khi đó ông làm việc tại Trung tâm thí nghiệm Standard Telecommunications ở thành phố Harlow (Anh). Trung tâm này trực thuộc công ty Standard Telephones and Cables (Anh). Phát hiện của ông đặt nền tảng cho sự ra đời và phát triển của các mạng lưới viễn thông cáp quang. Những mạng lưới này truyền tải âm thanh, video và dữ liệu Internet tốc độ cao vòng quanh thế giới.

Kao.jpg
Ông Charles K. Kao. (Ảnh: AP)
"Bánh xe là nền tảng của giao thông vận tải, còn sợi quang là nền tảng của các mạng lưới viễn thông. Sợi quang cho phép chúng ta truyền thông tin với năng lượng tối thiểu tới những nơi rất xa với tốc độ ánh sáng", Richard Epworth, người từng làm việc cùng Kao tại Trung tâm thí nghiệm Standard Telecommunications, phát biểu.
Hai nhà vật lý Willard S. Boyle, 85 tuổi, và George E. Smith, 79 tuổi, chia sẻ một nửa số tiền thưởng còn lại của giải Nobel Vật lý 2009. Hai ông được vinh danh vì có công phát minh ra chip cảm biến ảnh CCD - được coi là "con mắt" của máy ảnh kỹ thuật số - tại Phòng thí nghiệm Bell vào năm 1969. Cảm biến ảnh có khả năng chuyển ánh sáng thành các điểm ảnh (pixel). Tập hợp những pixel tạo nên mọi hình ảnh số.

NobelVatly.jpg
Hai nhà vật lý Willard S. Boyle (trái) và George E. Smith (phải). (Ảnh: science.ca)
"Phát minh của Willard S. Boyle và George E. Smith tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ghi hình, bởi giờ đây chúng ta có thể thu ánh sáng dưới dạng tín hiệu điện mà không cần film như trước kia", Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, cơ quan xét trao giải Nobel, nhận xét.
Ngày nay, cảm biến ảnh CCD hiện diện trong hàng triệu thiết bị điện tử - từ máy ảnh tới các thiết bị y tế. Nó cũng làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thiên văn, bởi những vệ tinh nhân tạo được trang bị camera số có khả năng chụp những hình ảnh vũ trụ mà các máy móc trước đây không thể quan sát. Sau đó, các vệ tinh truyền hình ảnh về trái đất để các nhà khoa học nghiên cứu.
"Công trình nghiên cứu của Charles K. Kao, Willard S. Boyle và George E. Smith thực sự thay đổi cuộc sống của con người. Tác động của chúng đối với khoa học là cực kỳ lớn", Joseph Nordgren, chủ tịch ủy ban Vật lý của Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển, phát biểu.
Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết, cả ba nhà khoa học đều mang quốc tịch Mỹ. Boyle cũng là người Canada. Kao chào đời tại Thượng Hải (Trung Quốc) và mang hai quốc tịch Anh, Mỹ.

Theo Minh Long - Vnexpress
 
3 người Mỹ chia nhau giải Nobel Y học 2009


Giải Nobel trong lĩnh vực y học đã xác định được chủ nhân - 3 nhà khoa học mang quốc tịch Mỹ là Elizabeth Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak.
Hội đồng Nobel thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) vừa tuyên bố bộ ba trên xứng đáng nhận giải thưởng này vì những nghiên cứu liên quan đến điều trị ung thư và quá trình lão hóa.
Phần thưởng, được tuyên bố trong ngày hôm nay, gồm 10 triệu kronor (1,4 triệu USD), một giấy chứng nhận và một giấy mời tham dự buổi lễ trao giải ở Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 10/12 tới.

Nobel.jpg
Lần lượt từ trái sang: Elizabeth Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak
Elizabeth H. Blackburn (sinh năm 1948, tại Australia) làm việc tại Đại học California, San Francisco; Carol Greider (sinh năm 1961, tại Mỹ) làm việc tại Đại học Y Baltimore, Mỹ, và Jack Szostak (sinh năm 1952, tại Anh) của Bệnh viện Massachusetts, Mỹ cùng chia nhau phần thưởng này.
Viện Karolinska khẳng định ba nhà khoa học đã “giải quyết được một vấn đề lớn trong vấn đề sinh vật học”, khi phát hiện nhiễm sắc thể được sao chép trong quá trình phân bào và được bảo vệ trước quá trình lão hóa như thế nào. Công trình này có thể mở ra một hướng mới trong điều trị ung thư và tiến trình lão hóa của con người.
Năm 2008, giải Nobel Y học được trao cho 3 nhà khoa học người Đức và Pháp vì những phát hiện liên quan đến HIV và loại virus gây ung thư cổ tử cung.

Việt Hà - Dân trí (Theo AP, ABC News)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top