• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

"Giải mã" thời hậu WTO

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
UBND TP.HCM vừa tổng kết ba năm gia nhập WTO và tái cấu trúc kinh tế thành phố. Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả những điểm yếu của kinh tế thành phố đều đã bộc lộ rõ sau khi gia nhập WTO.
Đầu tàu nhưng chưa đẳng cấp

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam không đồng tình với những gì mà TP.HCM đã làm với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. TS.Trần Đình Thiên nhận định, sau gần 25 năm đổi mới, các ngành công nghiệp chủ chốt của TP.HCM vẫn còn gia công nhiều, dịch chuyển kinh tế đô thị thì mang tính tình thế và có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng nhân công trầm trọng.

TP.HCM là thành phố lớn nhất nước và vốn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng hiện TP.HCM vẫn chưa định ra “đẳng cấp” của riêng mình và các chuyên gia cho đây là điều bất hợp lý. TS.Trần Đình Thiên bức xúc: “TP.HCM chưa tái cơ cấu triệt để mà chỉ cải tạo những gì mình có là không ổn”. TS.Thiên kiến nghị, TP.HCM hãy định ra đẳng cấp rồi muốn làm gì thì làm.
Thực tế, chỉ riêng về hạ tầng giao thông, TP.HCM hầu như chỉ cải tạo, mở rộng những gì có sẵn. Chính vì vậy, tiền thì cứ “ngốn” liên tục nhưng hạ tầng thì mãi vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Hầu hết các tuyến đường huyết mạch khu vực nội thành mặc dù thành phố đã có nhiều dự án quy hoạch mở rộng và kết nối nhưng đều giậm chân tại chỗ. Các tuyến ngoại thành dù đã có mở rộng, xây mới nhưng vẫn chưa thể thông suốt.

Hiện dân số của TP.HCM đã gần chạm ngưỡng 10 triệu nhưng đến giờ TP.HCM vẫn chưa có mô hình quản lý siêu đô thị. Công nghiệp giảm liên tục trong gần một thập niên qua, thu nhập bình quân tuy có tăng nhưng chênh lệch giữa người giàu và người nghèo càng giãn ra và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Trong khi đó, kinh tế TP.HCM tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn mà vốn thì không biết bao nhiêu cho đủ. Do đó, khả năng bất ổn trong tăng trưởng là điều có thể xảy ra. Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần phải thay đổi tư duy, không nên chỉ trông chờ vào nguồn vốn mà phải làm thế nào để “hấp thụ” nguồn vốn có hiệu quả.

Thời gian qua, thành phố ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ và tăng trưởng chủ yếu dựa vào lĩnh vực này. Trong khi các ngành công nghiệp chủ lực và các ngành mang hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao lại bỏ ngõ. Các nhà phân tích cho rằng, trong hoạch định phát triển các ngành nghề, TP.HCM không nên ưu tiên phát triển ngành này, hạn chế ngành kia mà hãy xóa bỏ rào cản để các ngành kinh tế được phát triển một cách tự nhiên và bình đẳng với nhau.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng thời gian qua, TP.HCM chưa có sự chuyển dịch căn bản trong cơ cấu kinh tế (ngành), chưa thoát khỏi trình độ “công nghiệp cơ khí – cổ điển”, vẫn nặng về gia công, lắp ráp, lệ thuộc vào bên ngoài, chưa thật sự đóng vai trò đầu tàu “kéo nền kinh tế cả nước tiến nhanh về phía trước” cả về khía cạnh “dẫn dắt” về công nghệ.

Sự dịch chuyển đô thị của TP.HCM chủ yếu là “đối phó tình thế” mà nguyên nhân là do tăng trưởng nhanh, tập trung “nông thôn hóa” mạnh, quy hoạch đô thị bị động, chú trọng bề nổi phản ánh cho một tư duy phát triển đô thị cũ kỹ, không theo kịp thời đại và có thể quy ra công thức “3 không”: không đẳng cấp; không thực thi; không có tư duy đua tranh thời đại.

Bộc lộ 100% điểm yếu

Sau ba năm gia nhập WTO, TP.HCM đang đối mặt với nguồn nhân lực chất lượng thấp, thừa (bằng cấp) và thiếu (chuyên môn) đều trầm trọng. Lực lượng doanh nghiệp có thực lực yếu, liên kết thiếu tầm nhìn, quản trị kém. Thể chế thị trường kém phát triển, không đồng bộ. Mặt khác, các cam kết để đảm bảo gia nhập WTO đã khiến một số ngành công nghiệp trong nước gặp khó khăn khi trợ cấp bị dỡ bỏ và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước ngoài giảm.

Kinh tế TP.HCM đã bộc lộ tất cả những điểm yếu: tốc độ tăng trưởng suy giảm, nhập siêu lớn, lạm phát cao, bất ổn vĩ mô nghiêm trọng nhất về mô hình, tầm nhìn, các nguồn lực động. Chi tiêu ngân sách lớn (39 – 44% GDP), thâm hụt ngân sách trường kỳ (5% GDP) và thâm hụt mậu dịch mang tính kinh niên, tỷ giá hối đoái có khuynh hướng bị ghìm chặt.

Một nghịch lý là tốc độ tăng trưởng suy giảm trong khi bùng nổ cơ hội phát triển và các luồng vốn đầu tư mạnh. Đầu năm 2010, tăng trưởng có phục hồi nhưng ngay lập tức đối mặt trở lại với nguy cơ bất ổn vĩ mô (cũng mang tính kinh niên). Một nghịch lý nữa là, ở Việt Nam dường như doanh nghiệp nhà nước mới có vai trò nắm giữ “chìa khóa” của nền kinh tế, trong khi lương thưởng và các chế độ không đáp ứng được mức sống tối thiểu nên không thu hút được người tài dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong mấy chục năm qua TP.HCM không có sự thay đổi gì đáng kể ngoài Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, Phú Mỹ Hưng nhằm giải quyết vấn đề cơ bản nào của TP.HCM: tư duy phát triển đô thị hiện đại hay đơn giản chỉ để giải tỏa áp lực đô thị? Lợi ích mà Phú Mỹ Hưng đem lại chưa thấy gì nhưng cái hại trước mắt là tác nhân gây ra tình trạng ngập lụt triền miên của thành phố - một hậu quả đủ lớn để cản trở sự “cất cánh” của thành phố.
Theo các chuyên gia, mấu chốt của những yếu kém trên xuất phát từ “lỗ hỏng” cơ cấu bên trong, sâu xa hơn là từ mô hình tăng trưởng, từ cơ chế phân bổ nguồn lực không hợp lý. Qua đó cho thấy năng lực và cách thức phản ứng chính sách có vấn đề mà hệ quả xuất phát từ nhận thức không rạch ròi giữa phát triển bền vững và nhanh, giữa ổn định và tốc độ cao.Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Tập đoàn nghiên cứu thị trường TNS tại Việt Nam phân tích, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hậu WTO là thiếu sự tiếp cận với các thị trường xuất khẩu, thiếu những cơ hội đầu tư hợp lý, công nghệ, lực lượng lao động có kỹ năng và thị trường vốn.
Còn TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vai trò của doanh nghiệp nhà nước là bổ khuyết và điều tiết thị trường chứ không phải để cạnh tranh thị trường nhưng ở ViệtNam lại làm ngược lại. Do đó, cần phải đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, coi khu vực ngoài nhà nước là động lực của tăng trưởng và giải quyết việc làm.

“Giải mã” bài toán kinh tế

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, TP.HCM cần thay đổi tư duy trong điều hành và hoạch định kinh tế, xác định rõ chú trọng chất hay lượng, dựa vào “trụ cột” nào để thay đổi mô hình tăng trưởng, phân bổ nguồn vốn như thế nào trong tái cấu trúc nền kinh tế. Qua đó, cần phải xác định hai nhiệm vụ trọng tâm: hoạch định chiến lược có tầm nhìn (vai trò của nhà nước) và xây dựng lực lượng thực thi mạnh (vai trò của doanh nghiệp).

Về mô hình tăng trưởng, phải hướng đến chất lượng tăng trưởng. Từ bỏ cách làm theo kiểu “ham tăng trưởng” bằng mọi giá, chủ yếu quảng canh sang mô hình tăng trưởng thâm canh. Bên cạnh đó, thành phố cần xác định cơ cấu công nghiệp nào để đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ lực để gia nhập mạng lưới sản xuất toàn, trong đó, nguồn nhân lực, tổ chức công nghiệp và kịch bản phát triển phải được định hướng rõ ràng.

Về tái cấu trúc kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình Kinh tế Fulbright cho rằng, nền kinh tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung ngày càng trở nên phức tạp nên việc “tinh chỉnh” các ngành kinh tế bằng công cụ chính sách ngày một không khả thi. Các cam kết về thương mại tự do cũng loại bỏ khả năng nhà nước hỗ trợ trực tiếp để phát triển ngành. Thực tế này cho thấy nhà nước cần từ bỏ chính sách “chọn ngành”. Thay vào đó, kỷ luật thị trường phải được áp đặt lên hầu hết các hoạt động kinh tế.

Chính vì vậy, thành phố nên ưu tiên hàng đầu trong tái cấu trúc kinh tế, tái thiết lập các cân đối vĩ mô trong giai đoạn trước mắt, mặc dù phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc kinh tế phải đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của cả nền kinh tế: đó là nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm và môi trường./.



ST
 
Hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên cơ sở một nền thương mại và đầu tư công bằng. Nhưng trong khi các quốc gia thành viên WTO đang phải dẫn dỡ bỏ các rào cản thuế quan và thuế hoá các rào cản phi thuế quan thì các biện pháp tự vệ, thuế chống phá giá và thuế đối kháng vẫn ngày càng được nhiều quốc gia phát triển áp dụng một cách triệt để, nhất là, nhiều nước đang phát triển và kém phát triển phải đối mặt với tình trạng hàng hoá nhập khẩu bán phá giá tại thị trường của mình, và gánh chịu những thiệt hại cho sản xuất trong nước. Cho nên việc tìm các biện pháp bảo đảm thương mại công bằng - biện pháp chống bán phá giá, đang được rất nhiều nước quan tâm, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên không phải nước nào áp dụng biện pháp chống bán phá giá một cách đúng đắn, đôi khi mang tính chủ quan áp đặt mang tính chính trị.... Hàng hoá của Việt Nam cũng đã gặp phải những biện pháp chống bán phá giá mà nước sở tại áp dụng. Sự việc đó cũng đã ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hoá của chúng ta. Trong bài viết này đề cập đến vấn đề “Hiệp định chống bán phá giá của WTO và Luật chống bán phá giá của Hoa kỳ và thách thức, khó khăn có liên quan trong xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam”


[PDF]https://server1.vnkienthuc.com/files/1/DA337.pdf[/PDF]
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top