GIẢI ĐI SỚM ( NHẬT KÝ TRONG TÙ)
BÀI THƠ CÓ HAI KHỔ, MỖI KHỔ 4 CÂU
Khổ I:
Nên phân tích cắt ngang hai câu một và đối chiếu với bản chữ Hán khi cần thiết.
Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn
Người từ bị giải đi rất sớm ( gà gáy lần thứ nhất tức là chỉ quá nửa đêm), một mình ( đằng sau là những tên lính áp giải, không thể xem là bạn đồng hành được), giữa đêm tối, trời thì rét, đường thì xa…
Vậy mà cảnh thơ vẫn thi vị, đầy ánh sáng của trăng sao: “ Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn” – thực ra nguyên bản chữ Hán : “ Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san” có nghĩa là “ Chòm sao đưa vầng trăng lên đỉnh núi thu” – thơ trong nguyên tác thi vị hơn.
Một điều bất ngờ thú vị khác là: hóa ra người tù thi sĩ không phải lên đường có một mình. Dường như đúng vào lúc Người lên đường thì trăng sao trên bầu trời cũng khởi hành. Mà phải ai xa lạ, đó là trăng và sao, người bạn quen thuộc vốn tri âm tri kỷ với nhà thơ.
Hai câu sau, đặc sắc nhất là ở âm hưởng và hình ảnh lên đường mà bản dịch thơ không truyền đạt được chính xác.
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng
Nghênh diện thu phong trận trận hàn.
Nghĩa là: Người đi xa đã ở trên đường xa
Gió thu đáp mặt từng cơn từng cơn lạnh.
Ở nguyên bản chữ Hán, hai chữ “ chinh” và hai chữ “ trận” đi với nhau tạo nên âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng. Bản dịch thơ ở câu thứ ba “ đường thẳm”, âm hưởng đuối quá. Câu thứ tư lại thêm hai chữ “ rát mặt”, biến câu thơ thành lời than thở.
Khổ II:
Người tù đi giữa bình minh rực rỡ, ấm áp. Thi hứng đã vốn có trong cảnh đêm tối, rét mướt ( Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san) nay lại càng nồng nàn vị nhà thơ bước giữa cảnh bình minh ấp áp, chan hòa ánh sáng. Khổ thơ này còn gây được một ấn tượng riêng rất đáng chú ý: ấn tượng bừng sáng đột ngột rất khỏe. Ấn tượng ấy, ở câu thứ nhất, bản dịch thơ đã bỏ mất : “ Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng”. Nghĩa là: Phương đông màu trắng đã thành hồng – Phương đông màu trắng, thoáng cái, đã nhuộm màu hồng từ lúc nào rồi. Bản dịch thơ không nói được cái ý đột ngột đó ( Phương đông màu trằng chuyển sang hồng).
Những câu 2,3,4 thì bản dịch đã chuyển được thành công ấn tượng của nguyên tác:
Bóng tối đêm tàn, chốc sạch không:
Hơi ấm bao la chùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm hồng.
Nhìn tổng hợp cả hai khổ thơ, thấy hình ảnh Hồ Chí Minh hiện ra trong thơ dường như không phải là một người tù trên đường đi đày mà là một thi sĩ chủ động lên đường ngoạn cảnh và làm thơ ( cũng có người tưởng tượng: hình tượng một chiến sĩ lên đường vì nghĩa lớn). Đó là bản lĩnh, là tư thế đầy khí phách của nhà cách mạng vĩ đại.
Hình ảnh người đi trên con đường xa từ đêm tối tới bình minh, từ gian khổ đến niềm vui còn có thể có một ý nghĩa biểu tượng. Con đường cách mạng tuy dài dặc và đầy gian khổ nhưng là con đường tất thắng.
[FONT="] * Phân tích bài thơ Giải đi sớm của Hồ Chí Minh.
Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn:
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt đêm thu, trận gió hàn.
Phuơng đông màu trắng chuyển sang hồng,B
Bóng tối đêm tàn, quét sạch không:
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.
Tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt- đấy là thời gian Người bị giam cầm và giải đi qua nhiều nhà lao của chế độ Tưỏng Giới Thạch. Mặc dù các bài thơ được viết trong những hoàn cảnh khắc nghiệt: đói rét, bệnh tật, không có tự do...nhưng vẫn toát lên ý chí, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan và tâm hồn cao đẹp của Hồ chí Minh. Đọc bài thơ Giải đi sớm, chúng ta cảm nhận được tư thế ung dung chủ động của người chiến sĩ - thi sĩ trên đường đi đày gian khổ, cảm nhận được tâm hồn Hồ Chí Minh ở hoàn cảnh nào cũng luôn chan hòa với thiên nhiên, với trời đất bao la.
Câu thơ mở đầu ghi lại thời điểm của một cuộc giải tù:
Gà gáy một lần đêm chửa tan.
Đúng là bọn lính giải tù đi rất sớm, từ " gà gáy một lần" tức khoảng nửa đêm. Người đọc nghĩ đến cảnh tối tăm vắng lặng bao quanh người tù một mình nơi đất khách quê người. Câu thơ thứ hai vẫn là câu thơ tả thực, nhấn mạnh thêm cái thời điểm rất sớm:
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn:
Câu thơ sống động hơn. Và ở đây cũng nói lên một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm với thiên nhiên[/FONT][FONT="]. Điều cần chú ý là người tù trên đường có bọn lính áp giải, thiên nhiên lại có phần khắc nghiệt: trời tối, gió rét từng cơn…Cảnh ngộ ấy thường là buồn, quạnh hưu nhưng ở đây qua tâm hồn Người, thiên nhiên trở nên thân mật. Cùng một lúc, khi người tù lên đường đi thì trăng và sao trên trời dường như cũng khởi hành.[/FONT]
Câu 3 và 4, hình tượng người tù trên đường được diễn tả ở tư thế chủ động, tuy có vất vả, gian khổ. Con người tự nâng mình lên trên hoàn cảnh, không để cho hoàn cành khuất phục mình:
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt đêm thu, trận gió hàn.
Thật ra lời thơ đã dịch mất mát đi nhiều cái hay của nguyên tác. Nguyên tác có hai chữ chinh và hai chữ trận điệp với nhau tạo nên âm hưởng trầm hùng và hai chữ nghênh diện đầy khí phách hiên ngang của Hồ Chí Minh – một người tù vĩ đại.
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng
Nghênh diện thu phong trận trận hàn.
Bốn câu thơ đã dựng lại bức tranh chuyển lao khi trời chưa sáng: một tiếng gà, một chòm sao, một vầng trăng, từng cơn gió lạnh và một người tù nơi đất lạ. Nhưng con người ở đây không cô đơn, rất ung dung, con người ở đây là người chiến sĩ cách mạng có nghị lực, có ý thức “ Muốn nên sự nghiệp lớn – Tin thần càng phải cao”. Con người luôn phấn đấu vươn lên để giảm bớt quạnh hưu, không buông xuôi trước hoàn cảnh mà luôn vươn lên làm chủ hoàn cảnh.
Khổ thơ thứ hai của bài thơ mở đầu bằng một cảnh đẹp ở chân trời khi dạng đông, và nói chung cả khổ thơ bừng lên một không khí vui tươi, ấm áp.
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn, quét sạch không:
Hai câu thơ tạo nên một sự đăng đối hài hòa. Bình minh lên, đêm ắt phải lùi dần. Dường như trong đất trời cũng có cuộc đấu tranh, màu hồng của bình minh đã quét sạch bóng tối của đêm tàn lạnh lẽo. Giờ đây, màu hồng tươi mới đã ngự trị, trùm lên sông núi, đem lại hơi ấm cho đất trời và hơi ấm ấy như dội vào lòng người:
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm hồng.
Có sức ấm của rạng đông nhưng nhiều hơn, có lẽ là nhờ sức ấm từ một trái tim cách mạng. Ta chợt nhận thấy điều lạ, dù là nói về cảnh chuyển lao mà trong một bài thơ không hề có lấy một hình ảnh người tù, một lời than vãn, trước mắt người đọc là hình ảnh một thi sĩ ung dung cất bước. Thi sĩ và chiến sĩ – hai con người ấy đã hòa làm một trong tâm hồn Hồ Chí Minh. Khó khăn, nghiệt ngã là thế mà tim Người vẫn như ngọn lửa ấm nồng, vẫn nồng nàn thi hứng.
Giải đi sớm là hai bài thơ hay trong Nhật ký trong tù. Bài thơ toát lên tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống. Và trên hết, đó là thi hứng bất tận của hồn thơ Hồ Chí Minh. Có thể nói thông qua bài thơ này, chúng ta càng hiểu thêm về cuộc đời và tâm hồn Bác, người con ưu tú của dân tộc. Và ánh sáng từ thơ Người chắc chắn sẽ còn rọi sáng tâm hồn nhiều thế hệ mai sau.
[FONT="]
Nguồn NXBDHQGTPHCM.
[/FONT]
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: