Giá trị nội dung và nghệ thuật đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” của nhà văn Ngô Tất Tố

Tác giả Ngô Tất Tố là nhà văn của những người nông dân. Ông là nhà văn xuất sắc, tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán trước cách mạng tháng Tám. Nói đến Tắt đèn là chúng ta nhớ đến nhân vật chị Dậu. Đó là một người phụ nữ nông dân nghèo khổ, cần cù lao động, giàu tình thương yêu chồng con, dũng cảm chống lại cường hào.
Cùng cảm nhận về giá trị nội dung và nghệ thuật qua đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" của nhà văn Ngô Tất Tố nhé!

Giá trị nội dung và nghệ thuật đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” của nhà văn Ngô Tất Tố.png

Giá trị nội dung và nghệ thuật đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” của nhà văn Ngô Tất Tố

Đoạn "Tức nước vỡ bờ" trích từ chương XVIII của tiểu thuyết Tắt đèn – tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Ngô Tất Tố. Trong đoạn trích, tác giả phơi bày bộ mặt tàn ác, bất nhân của chế độ thực dân phong kiến, đồng thời thể hiện sâu sắc nỗi thống khổ cũng như sức mạnh phản kháng tiềm tàng của người nông dân. Có đủ các hạng người được khắc hoạ sinh động trong bức tranh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng ấy. Giữa cái đám sâu bọ hại dân lúc nhúc ở cái làng quê u ám đang rên xiết trong vụ thuế kinh tởm ấy sáng lên một chị Dậu đảm đang, chịu thương chịu khó hết mực vì chồng vì con, một chị Dậu lam lũ, nhẫn nhục nhưng cũng đầy sức mạnh phản kháng, quyết không để đói khổ làm hoen ố phẩm hạnh. Hình tượng nhân vật này được xem là điển hình cho người phụ nữ nông dân bấy giờ.

Đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" có thể coi là cao trào của một vở kịch mà mâu thuẫn, xung đột được thể hiện tập trung trong mối quan hệ giữa nông dân và địa chủ. Những người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng đã bật lên hành động phản kháng. Tuy chỉ là hành động tự phát nhưng nó đã báo hiệu ngày tận thế của chế độ thực dân nửa phong kiến đã gần kề.

Bằng thiện cảm và thái độ bênh vực, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ nông dân thật thà chất phác, tha thiết yêu chồng con, sẵn sàng bất chấp hiểm nguy để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đó là biểu hiện của vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Đồng thời, qua vài câu đối thoại và hành động cụ thể, tác giả đã làm bật lên bức chân dung vừa bỉ ổi, đểu cáng, độc ác vừa hèn hạ, nhu nhược của giai cấp phong kiến thống trị đương thời.

Đoạn trích cũng thể hiện một trình độ điêu luyện của tác giả từ sự khéo léo trong khắc họa nhân vật cho đến việc lựa chọn sử dụng từ ngữ để lột tả chính xác, sinh động những diễn biến đầy kịch tính. Ông đã dựng lên một cảnh tượng cực kì sống động, một cảnh tượng đẹp, tươi sáng trong cái khung cảnh chung u ám, đen tối của Tắt đèn. Nội dung đoạn trích dự báo một khả năng, một sức mạnh lớn của người nông dân nói chung, phụ nữ nông dân nói riêng mà sau này, sức mạnh ấy được tập hợp thành vũ bão quật đổ thực dân, phong kiến trong Cách mạng tháng Tám 1945.

Trên đây là bài viết về giá trị nội dung và nghệ thuật đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” của nhà văn Ngô Tất Tố. Hi vọng qua bài viết này các bạn có thêm các tài liệu học văn đêm đến bài làm đầy đủ nhất.
_Chúc các bạn học tốt!_​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top