rubi_mos2002
New member
- Xu
- 0
Việc ghi lại những sự kiện hằng ngày có vẻ như rất nhàm chán, nhưng những người tham gia một nghiên cứu gần đây lại cảm thấy vui nếu có những bút tích của chúng trong tương lai.
Vào dịp Giáng sinh, anh trai tôi, bố tôi, và con chó Labrador màu sôcôla lên xe và lái xuyên bang Washington để đến thăm ông bà. Chúng đã làm việc này từ khi tôi được sinh ra. Cả ba chúng tôi – trước khi anh trai và tôi đeo headphone vào và không còn biết trời trăng gì nữa – cố gắng có những cuộc nói chuyện ý nghĩa. Sau đó tôi sẽ trở lại trường ở Anh, anh trai tôi sẽ về lại trường ở California, và bố sẽ trở lại làm việc ở Washington, một tam giác Đại Tây Dương ngăn cách chúng tôi. Cả ba chúng tôi được ở bên nhau hai lần mỗi năm, nhiều nhất là vậy, nhưng trên xe hiếm có thứ gì mới được chia sẻ. Chúng tôi ôn lại kỷ niệm với mẹ; bàn luận về những triển vọng nghề nghiệp, các đội bóng chày, và sách (nếu may mắn); và thường chúng tôi sẽ đi đến một tranh cãi nhỏ về tôn giáo hay chính trị để kết thúc cuộc nói chuyện. Không có gì để ghi lại. Không có gì để nhớ.
Cuộc sống thường ngày có vẻ quá vô vị để viết lại. Tại sao lại ghi lại những cuộc trò chuyện thủ tục, thứ mà chúng ta đã làm cả triệu lần và sẽ còn làm thêm cả triệu lần nữa? Không phải là nhớ những việc trọng đại: những bước đi đầu tiên, tốt nghiệp, công việc, giải thưởng, hôn nhân, về hưu, kỳ nghỉ quan trọng hơn sao? Thế nhưng người ta rất hiếm khi nhận ra họ sẽ yêu thích đến mức nào khi họ nhìn lại những ngày nhàm chán ấy: một ngày ngồi đọc sách bên cửa sổ, một chuyến dã ngoại trong công viên với bạn bè. Những việc này không hề nổi bật khi chúng diễn ra, nhưng khi nhớ lại chúng lại là một cảm giác thích thú đặc biệt. “Ai lại bảo một ngày ngồi đọc sách là một ngày đẹp?” Annie Dillard viết. “Nhưng một cuộc sống để đọc sách – đó là một cuộc sống đẹp.”
Ting Zhang sắp nhận được học vị tiến sĩ tại Đại học Thương mại Harvard, nơi cô tập trung vào tâm lý học tái phát kiến. Gần đây nhất, cô là tác giả chính của một nghiên cứu gồm 4 phần được đăng trên Psychological Science. Trong đó, cô lấy 135 sinh viên đại học ở đông bắc nước Mỹ và cho họ tạo một ổ nhớ time capsule. Trong những ổ nhớ này, các sinh viên ghi lại một loạt các trải nghiệm hiện tại: cuộc nói chuyện gần đây nhất, chuyến đi chơi xã hội gần đây nhất, họ gặp bạn cùng phòng như thế nào, ba bài hát họ vừa mới nghe, một câu nói đùa ngầm, một bức ảnh họ chụp gần đây, một dòng trạng thái họ vừa đăng trên Facebook, một câu mà họ viết trong bài luận văn, và một câu hỏi họ đã trả lời trong bài kiểm tra cuối kỳ.
Sau đó họ đánh giá xem họ nghĩ họ sẽ tò mò và hứng thú thế nào khi nhìn thấy những chiếc time capsule này trong tương lai. Trên thang điểm từ 1 đến 7, các sinh viên cho số điểm trung bình là 3. Ba tháng sau, ngay trước khi xem lại time capsule, các sinh viên được hỏi lại lần nữa để cho biết họ tò mò và hứng thú thế nào với nội dung trong time capsule. Câu trả lời đã nhảy lên 4.34. Điều này cho thấy, Zhang viết, “dù cho là những can thiệp đơn giản (ví dụ như là dành ra một ít thời gian để ghi lại hiện tại) có thể sản sinh ra những giá trị không ngờ đến trong tương lai.”
Vậy nên tôi quyết định thu thập những kỷ niệm tầm thường. Tôi có năm ngày với gia đình vào Giáng sinh và mỗi ngày tôi dành 1 đến 10 phút viết lại những gì chúng tôi đã làm – chúng tôi đã thấy gì, ăn gì, chạm vào thứ gì, và ngửi thấy gì – và rồi lấy một vật nào đó để đánh dấu ngày. Khi chúng tôi đi xem phim tôi mang về cái đuôi vé. Khi chúng tôi đến nhà hàng hải sản tôi mang về một bức tượng nhỏ hình con cá heo đi kèm với hóa đơn. Sau khi mở qua vào sáng ngày Giáng sinh, tôi giữ lại giấy gói quà để có thể nhớ được không chỉ món quà mà còn là niềm vui sướng khi mở nó ra.
Chắc chắn là tôi sẽ vứt những món đồ này đi vào một ngày nào đó. Tôi không thể giữ những vật rẻ tiền này mãi mãi. Nhưng tôi muốn chờ để xem lại chúng sau khi tôi đã quên mất những khoảnh khắc mà chúng đại diện. Trong năm nay ông bà tôi rất có thể sẽ đến viện dưỡng lão. Bố, anh trai và tôi sẽ không còn có những chuyến xe xuyên bang nữa. Tôi sẽ không còn được xem những bộ phim sáng thứ ba gồm “Cary” và “Bogey” tại rạp Galaxy Multiplex với ông bà. Cả gia đình sẽ không cùng ngồi lại trong phòng khách ăn bánh cuộn quế và nói chuyện trong khi ông tôi điều chỉnh máy trợ thính và bảo mọi người im lặng khi chương trình Meet the Press lên sóng.
Giống như tôi, những người trong phòng nghiên cứu hứng thú nhất trong việc tái phát kiến những trải nghiệm tầm thường. Khi được bảo viết lại những việc họ làm vào một ngày bình thường (một vài ngày trước Valentien) và vào một ngày đặc biệt (Valentine), ba tháng sau những người tham gia thích đọc những gì họ viết vào ngày thường hơn là ngày đặc biệt. Những trải nghiệm thường ngày khó nhớ hơn là những trải nghiệm đặc biệt nên việc tái phát kiến cũng có cảm giác mới mẻ hơn.
Tuy nhiên, đa số những người Zhang hỏi không thích ghi chép lại việc hàng ngày. Khi được cho lựa chọn giữa viết về một ngày của họ trong vòng năm phút hoặc xem một MC talk show phỏng vấn một tác giả trong cùng khoảng thời gian, chỉ 27% chọn ghi chép lại ngày và chỉ 28% - không cần biết họ chọn viết hay không – nghĩ rằng họ sẽ chọn tùy vào ngày đó thế nào. Ba tháng sau, 58% số người bảo rằng họ thấy tiếc khi chọn talk show thay vì ghi chép. Họ dở ở việc ước lượng họ sẽ trân trọng hiện tại đến mức nào khi nó đã trở thành quá khứ.
“Họ chọn cách từ bỏ những cơ hội để ghi lại những trải nghiệm trong hiện tại,” Zhang viết, “chỉ để thấy bản thân mong mỏi tìm lại được lưu trữ đó trong tương lai.”
Trong Swann’s Way, người dẫn chuyện của Proust đã kể lại những gì trong những năm trẻ tuổi? Đó là chút trà và bánh madeleine mà anh ấy dùng cùng với mẹ; là nụ hôn chúc ngủ ngon anh nhận được khi nằm trên giường; là những lần tản bộ dọc Champs-Elysées. Cuối cùng thì bữa ăn xế, những nụ hôn chúc ngủ ngon, và những lần tản bộ - chứ không phải là ước mơ được đi du lịch Venice hay đến nhà thờ ở thành phố Balbec trong tưởng tượng – là những gì mà anh ấy yêu quý sâu đậm nhất.
Có lẽ chỉ là khó để hiểu một khoảnh khắc mang ý nghĩa gì, trong phạm vi cuộc sống, khi nó đang diễn ra. “Tôi chỉ có thể lưu ý rằng quá khứ rất xinh đẹp vì người ta không bao giờ nhận ra được cảm xúc vào thời điểm ấy,” Virginia Woolf viết. “Nó từ từ sẽ lớn dần, và như thế chúng ta không có những cảm xúc trọn vẹn ở hiện tại, mà chỉ có ở quá khứ.”
May mắn là, não của chúng ta có thể giúp ta nhớ được những sự kiện nhất định mà sau này sẽ có ý nghĩa lớn lao. Những người tham gia trong một nghiên cứu đăng trên báo Nature được cho xem những bức ảnh về động vật và về đồ vặt. Sau khi họ đã nhìn thấy tất cả các bức ảnh nhiều lần, những người nghiên cứu bắt đầu cung cấp một lượng điện giật nhẹ khi người tham gia xem hình ảnh của một chủ đề (động vật hoặc đồ vật). Phản xạ có điều kiện đã làm những người tham gia dễ nhớ chủ đề của hình ảnh có liên kết với điện giật.
Nhưng điều thú vị nhất là những người tham gia bị giật khi xem ảnh đồ vật một hồi sau đó có thể nhớ rõ hơn tất cả những hình ảnh được xem lúc trước, ngay cả trước khi bị điện giật. Điều tương tự cũng diễn ra với những người xem ảnh động vật. Có thể nói, những người tham gia nhớ lại mtộ ký ức tầm thường (một bức ảnh về đồ vật hoặc động vật) vì sau đó nó trở nên đặc biệt (khi bị điện giật). Điều này cho thấy não bộ có thể tăng cường trí nhớ của chúng ta về những sự kiện tầm thường nếu như chúng trở nên đặc biệt sau này.
Cũng tuyệt vời như khám phá này, “sự kiện đặc biệt” không chỉ riêng bao gồm một cuộc đời. Một chuyến xe với gia đình có thể không có ấn tượng gì sâu sắc tại thời điểm đó, và cũng không có vẻ gì sẽ như vậy trong tương lai. Những ổ nhớ time capsule mà những người tham gia nghiên cứu của Zhang tạo ra có lẽ không bao giờ có thể mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhưng những người tham gia vẫn tỏ hứng thú với những gì họ đăng trên Facebook hoặc họ nghĩ gì về người bạn cùng phòng. Dù có tâm thường hay không, những ký ức này vẫn luôn là một phần của con người họ.
Hơn nữa, chỉ dựa vào cơ chế của não bộ có thể chỉ là một trò lừa. Con người có khuynh hướng nhớ nhầm và quên ngay cả quá khứ gần đây. Ký ức có thể bị quét đi bởi sự kiện tương lai, bởi ký ức của người khác, và chi tiết có vẻ chắc chắn thì cuối cùng lại trở nên hoàn toàn sai lệch. Và Zhang đã cho thấy con người cảm thấy vui khi có những lưu trữ ấy.
Đó là vì những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất hiếm khi là những gì chúng ta mong đợi. Gần kề cuối đời của mẹ tôi, tôi ghi lại những gì mẹ tôi nói. Chỉ nói. Bà nói về kem và bơi lội và những gì bà có thể mua ở cửa hàng thực phẩm. Những điều đó có thể chẳng là gì vào thời điểm ấy, một thời điểm bình thường. Thế nhưng bây giờ, đối với tôi, nó là tất cả.
Hồng Phương dịch
Nguồn: https://www.theatlantic.com/health/archive/2015/01/the-value-of-remembering-ordinary-moments/384510/