Giá như cô đừng trù dập em…!
Tôi nghĩ “giá như cô giáo không trù dập cậu học sinh ấy thì giờ đây có lẽ cuộc đời cậu có thể đã thay đổi. Biết đâu cậu cũng sẽ là một thầy giáo giống như anh trai và chị gái ruột của cậu bây giờ, hoặc có một vị trí nhất định trong xã hội này.
Học sinh Trường THCS Gia An - Tánh Linh - Bình Phước hào hứng trước tác phẩm "kiến thức, hội họa" từ hoạt động nhóm của mìnhNăm ấy, khi tôi đang học lớp 5 thì em gái tôi bắt đầu vào học lớp 1.
Do vậy, sự quan tâm từ phía gia đình có con út bao giờ cũng được ưu ái hơn tất cả các lớp học khác.
Ngay cạnh nhà tôi, cũng có 1 cậu con út học cùng lớp với em gái. Đó là 1 cậu bé có khuôn mặt sáng sủa và khá nghịch ngợm.
Bi kịch (có thể tôi dùng từ hơi khắt khe) bắt đầu đến với cậu bé khi cô giáo dạy lớp 1 (cũng ở gần nhà chúng tôi) va chạm với bố mẹ cậu ấy.
Trong lúc cuộc cãi vã đến cao trào, tôi thấy cô giáo ấy chỉ tay vào mặt mẹ cậu bé nói như quát: “Chừng nào tôi còn dạy lớp 1 thì con bà đừng hòng lên được lớp”.
Từ lời thề sắt đá ấy của cô giáo, cậu bé không bao giờ được lên lớp như những bạn khác trong lớp học của mình, trong khi em tôi và nhiều bạn khác đã chuẩn bị lên cấp 2.
Mãi 3 năm sau, khi cô giáo dạy lớp 1 đó nghỉ và chuyển về xuôi với chồng thì cậu ấy mới chính thức được lên lớp.
Cậu vẫn cố gắng theo học đến năm lớp 4, nhưng lúc đó cậu cũng bắt đầu đến tuổi dậy thì, cao lớn hơn hẳn “các bạn” cùng lớp, cậu bắt đầu ý thức về bản thân và xấu hổ khi các bạn cũ đã học lên cao, còn mình vẫn lẹt đẹt ngồi cuối lớp học cùng các em nhỏ và cậu ấy quyết định bỏ học.
Cũng khoảng thời gian đó, mẹ cậu ấy bị ung thư và mất. Nghỉ học ở nhà không có việc gì làm, cậu ấy bắt đầu la ca cà quán xá.
Rồi để có tiền chơi bi-a, điện tử (lúc đó các quán net bắt đầu lác đác xuất hiện) cậu ấy đã ăn cắp linh tinh trong xóm.
Rất nhiều lần, cậu bị công an xã gọi lên nhắc nhở và làm kiểm điểm.
Người già người trẻ ở khu xóm chúng tôi ai cũng kỳ thị, ghét bỏ cậu. Mỗi khi mất trộm con gà hay một đồ vật nào đó (đôi khi không phải do cậu ấy lấy) mọi người đều ngỏng sang nhà cậu ta chửi bóng chửi gió.
Những lúc đó, chị em tôi lại nấp sau hàng rào râm bụt xem và co rúm lại khi thấy bố cậu ấy dùng những cây gậy to đánh đập cậu ấy không thương tiếc.
Những năm sau đó tôi đi học đại học xa nhà, ký ức trong tôi về cậu rất mờ nhạt.
Nhưng cho đến khi tôi bước chân vào nghề dạy học, được giảng cho học trò nghe về giá trị, về sự cao quý của người thầy giáo, tôi bắt đầu chạnh lòng nghĩ về cậu ấy.
Cách đây ba năm, tình cờ tôi gặp cậu ở bến xe. Cậu ấy hỏi thăm cuộc sống của em gái tôi và buồn bã nói: “Cái lớp con út của em ngày xưa bây giờ bạn nào thành đạt, có công việc làm ổn định, chỉ mỗi em là khổ nhất, không có trình độ…đi xin việc ở đâu người ta cũng không chấp nhận 1 thằng chưa học hết lớp 4 như em. Nhiều lúc em cũng muốn đi học lại để có cái bằng 12 xin việc cho dễ, nhưng có trường nào chấp nhận 1 thằng như em đâu…đôi lúc em nghĩ quẩn muốn chết quách cho rồi.” .
Trong lòng tôi trào dâng cảm xúc vừa thương, vừa thấy đau lòng.
Giá như ngày xưa cô giáo dạy lớp 1 không vì sự ích kỷ cá nhân mà trù dập, thì có lẽ hôm nay cậu ấy đã là một người khác rồi. Cuộc đời cậu ấy đâu có những bi kịch và bế tắc như ngày hôm nay.
Mỗi khi dạy cho sinh viên bài “nhân cách người thầy giáo”, t ôi luôn luôn lấy câu nói của nhà giáo dục Nga K.Đ Usinski “Nghề dạy học chính là nghề dùng nhân cách để giáo dục nhân cách” để nhắc nhở và muốn các em hiểu sâu hơn về công việc mà mình đang theo đuổi. Cho các em biết nghề dạy học không đơn thuần như các ngành nghề khác, bởi sản phẩm của người thầy chính là nhân cách của thế hệ trẻ.
Theo VNN.