benoinhieu_kg
New member
- Xu
- 40
5 năm qua, bộ bàn ghế đặc biệt dành riêng cho Lê Thị Thắm luôn đồng hành với em trong từng nét chữ
Chào đời ngày 1-3-1998, em Lê Thị Thắm (thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã không có đôi tay. Bao nhiêu sự hân hoan, vui sướng của đôi vợ chồng trẻ Lê Xuân Ân-Nguyễn Thị Tình khi đón đứa con đầu lòng bỗng chốc biến thành nỗi buồn đau vô hạn.
Thắm lớn lên trong sự mặc cảm với bạn bè, làng xóm. Đôi mắt tròn thơ ngây của Thắm thường hoe đỏ, buồn tủi mỗi khi nghe ai nhắc đến hoàn cảnh của mình.
5 tuổi, Thắm được mẹ cho đi mẫu giáo. Cô giáo và mẹ dạy Thắm đọc chữ, đọc số, dạy em viết bằng… chân. Ở lớp, cô cầm chân em nắn từng nét chữ. Ở nhà, mẹ là cô giáo, kiên trì tập tô, tập viết cho em. Nét chữ ban đầu run rẩy, gấp khúc, gượng gạo rồi dần dần ngay ngắn, tròn trịa, rõ ràng… Rồi Thắm biết đọc, biết viết. Thắm còn biết giúp mẹ nhặt rau, trông em.
6 tuổi, bố mẹ xin cho Thắm vào lớp 1, Trường tiểu học Đông Thịnh. Lúc đầu, nhà trường cũng e ngại vì lo em không theo kịp các bạn. Nhưng kết quả thật bất ngờ, cuối năm, Thắm đã hoàn thành xuất sắc chương trình học…
Năm nay, Thắm học lớp 5. Bộ bàn ghế đặc biệt dành cho Thắm mà gia đình và nhà trường đóng cho em cũng tròn 5 tuổi. Thầy Nguyễn Xuân Liêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Thịnh cho biết:
- Từ khi đến trường, năm nào Thắm cũng đạt danh hiệu học sinh khá và giỏi. Đặc biệt, tuy viết bằng chân trái nhưng chữ viết của em rất đẹp, còn hơn hẳn một số bạn bình thường trong lớp. Thắm đã từng đạt giải nhì cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” toàn huyện Đông Sơn dành cho bậc tiểu học.
Tuổi nhỏ nhưng ý chí, nghị lực vươn lên của Thắm thật đáng khâm phục. Để viết được những nét chữ tròn trịa, ngay ngắn, rõ ràng bằng chân quả thật không dễ dàng. Vừa qua, Thắm còn được Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động và học tập. Kết thúc năm học 2008-2009, Thắm đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Chị Tình, mẹ của Thắm tâm sự với chúng tôi:
- Thắm biết thêu và vẽ nữa. Hằng ngày, cháu tự đánh răng, rửa mặt, chải đầu và chuẩn bị sách vở để đến trường. Cháu rất biết tự lập, chỉ nhờ bố mẹ những việc mình không thể làm được.
Bố mẹ, ông bà của Thắm đã từng ước ao lắp cho Thắm một đôi tay giả để thuận tiện cho việc sinh hoạt cá nhân, nhưng kinh tế gia đình quá khó khăn. Hơn nữa, Thắm không có cánh tay (chỉ có xương bả vai), nên dù gia đình có điều kiện, mong muốn ấy cũng khó thành hiện thực!
Nhìn những dòng chữ Thắm viết, những bức tranh Thắm vẽ, Thắm thêu bằng đôi chân khéo léo, chúng tôi thầm cảm phục sự rèn luyện kiên trì, bền bỉ của em.
Tháng 4 vừa qua, Thắm tham gia hội thi “Viết chữ đẹp” tỉnh Thanh Hóa dành cho bậc tiểu học. Mẹ lấy xe đạp chở Thắm đến trường thật sớm, sớm hơn những ngày đưa em đi học. Thầy cô đưa Thắm đi thi, đưa cả bộ bàn ghế đặc biệt của em theo cùng. Thầy cô, bạn bè, người thân đều không cầm nổi nước mắt khi hay tin, Thắm đạt giải xuất sắc trong hội thi đó.
Khi chúng tôi hỏi em về mơ ước sau này, Thắm bẽn lẽn bảo:
- Em rất thích làm cô giáo để dạy các bạn khuyết tật. Em muốn các bạn ấy đều được đi học như em.
Nghe Thắm nói, mắt chúng tôi nhòa ướt. Mỗi người chúng tôi đều hiểu, để đạt được mơ ước ấy, khó khăn, trở ngại mà em sẽ phải vượt qua lớn hơn so với các bạn bình thường khác rất nhiều. Một ý nghĩ chợt xuất hiện trong tôi: Giá mà em có đôi tay! Nhưng nhìn sâu vào đôi mắt ánh lên sự quyết tâm của Thắm, tôi tin rằng, em sẽ dệt thành ước mơ từ chính ý chí và đôi chân đầy nghị lực của mình.
Nguồn Tin: QĐND