Gãy xương, gù lưng vì cặp siêu nặng
Được ví là những “kho chứa di động”, chiếc cặp sách của trẻ đang mang lại nhiều hệ lụy mà phụ huynh không hề hay biết. Các chuyên gia y tế cảnh báo, ngoài gãy xương vai, không ít học sinh phải vào viện vì vẹo cột sống, gù lưng…
Những chiếc cặp sách khổng lồ như tủ đồ dùng di động là nguyên nhân gây gãy xương, gù lưng . Ảnh: Hồng Vĩnh
Gãy xương
Bác sĩ Huỳnh Bá Lĩnh - Trưởng đơn vị phẫu thuật xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh hôm qua xác nhận vừa phẫu thuật thành công cho học sinh B.T.A. 9 tuổi ở huyện Hóc Môn, TPHCM bị gãy xương đòn vai trái, được cho là do mang cặp quá nặng.
Theo bác sĩ Lĩnh, A. vào viện trong tình trạng vai trái bị sưng to và đau nhức. Qua khai thác bệnh sử, người nhà và học sinh này cho biết không hề bị té hoặc bị một tác động nào vào vùng vai trái. Theo A., hằng ngày em phải đi bộ đi học trên quãng đường gần 2km và trên vai luôn kè kè chiếc cặp cả vài kilôgam.
Sau khi thăm khám, A. được chụp X - quang vai và cột sống. Kết quả cho thấy ở phần vai trái xương bị gãy di lệch kèm vẹo cột sống và gù nhẹ. Người nhà bệnh nhi cho biết, họ không tin nổi con mình bị gãy xương do mang cặp “siêu nặng”. Tuy nhiên sau khi “điểm danh” những vật dụng trong cặp họ mới tá hỏa bởi hôm A. đi học về mang cặp nặng đến hơn 4,5kg.
Theo bác sĩ Lĩnh, trường hợp gãy xương đòn vai ở trẻ do mang cặp nặng là khá hy hữu. Tuy nhiên, việc mang quá nhiều sách vở, đồ dùng học tập quá nặng và thường xuyên dễ làm ảnh hưởng đến xương và làm nguy cơ gãy xương tăng cao.
Vẹo, gù
Các bác sĩ khoa Vật lý trị liệu thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, trọng lượng khuân vác cho phép ở trẻ bằng 1/10 cân nặng cơ thể. Như vậy, học sinh tiểu học chỉ nên mang cặp từ 2 đến 3 kg. Tuy nhiên thực tế không phải học sinh tiểu học nào cũng thực hiện được điều đó.
Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng - Khoa Vi phẫu, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết: “Việc mang vác vật nặng lâu dài và thường xuyên trên lưng không chỉ làm trẻ dễ bị vẹo cột sống mà nguy cơ mắc chứng gù lưng, đau lưng”.
Trong một điều tra đối với học sinh tiểu học về vấn đề mang cặp sách đến trường, PGS Dương Xuân Đạm- nguyên Trưởng khoa vật lý trị liệu, thuộc Bệnh viện 108 hết sức bất ngờ khi có tới gần 20% trẻ bị lệch, vẹo cột sống, được cho là do mang cặp siêu nặng. Điều tra này cũng chỉ ra rằng, học sinh đeo ba lô sau lưng thì vẹo về phía trước; đeo bên hông thì vẹo cột sống…Ngoài ra còn có nguyên nhân do ngồi học không đúng tư thế, do bàn ghế chưa chuẩn so với tầm vóc…
Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về tình trạng này, tuy nhiên một nghiên cứu tại Mỹ cho kết quả: số trẻ em bị mắc các chứng bệnh về cột sống nhập viện do mang vác cặp sách quá nặng đã tăng từ 13,1% lên 21,6% trong vòng 10 năm trở lại đây. Lứa tuổi bị tác động nhiều nhất là dưới 16.
Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, việc cho trẻ mang cặp sách nặng thường xuyên có thể khiến xương sống của trẻ nhỏ bị tổn thương khi trưởng thành. “Phụ huynh nên chọn loại cặp nhẹ, phù hợp hình thể và cân nặng của trẻ. Ngoài ra học sinh nên tháo cặp sách khỏi người khi đi xe buýt hoặc trong thời gian đợi lớp mở cửa, khi giải lao giữa giờ học”- các bác sĩ khuyên.
Theo TPO.