Gặp lại "Chí Phèo và Thị Nở"

  • Thread starter Thread starter Butco
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butco

New member
Xu
0
Tỉnh Hà Nam vừa có quyết định mở rộng dự án “Vườn hiện thực Nam Cao” để tưởng nhớ nhà văn và góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của một thời kỳ lịch sử. Nhân dịp này, một cuộc giao lưu nghệ thuật mang chủ đề “Về với Nam Cao” đã được tổ chức trên chính mảnh đất quê hương tác giả: làng Đại Hoàng (Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam - nguyên mẫu của làng Vũ Đại). Lần đầu tiên sau gần 30 năm kể từ khi bộ phim ra đời (1982), các nghệ sĩ của đoàn phim mới có dịp hội tụ đông đủ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với hai nhân vật chính của bộ phim, cũng là hai nhân vai diễn kinh điển trong lịch sử điện ảnh Việt Nam: Thị Nở (nghệ sĩ Đức Lưu) và Chí Phèo (nghệ sĩ Bùi Cường).



Chí Phèo - Thị Nở trên phim.
- Thưa nghệ sĩ (NS) Đức Lưu và NS. Bùi Cường, cơ duyên nào đã đưa hai nghệ sĩ đến với vai Thị Nở - Chí Phèo?
- NS. Bùi Cường: Chí Phèo là vai chính đầu tiên của tôi. Hồi đó, đạo diễn Phạm Văn Khoa gặp tôi và hỏi: “Mày có dám đóng Chí Phèo không?”, tôi hơi bất ngờ nhưng vẫn trả lời liều: “Nếu được thế thì dù phải cạo đầu cháu cũng làm”. Lúc đó cũng có nhiều người được mời thử vai lắm nhưng thật may mắn là tôi thử một lần đã được đạo diễn gật đầu.

- NS. Đức Lưu: Vai diễn của tôi thì có vẻ gian nan hơn của anh Cường. Trước khi đạo diễn Văn Khoa tìm gặp mời đóng Thị Nở, anh đã mất hơn một năm tìm kiếm khắp nơi mà chưa được người ưng ý. Lúc nghe anh đề nghị, tôi đã có cảm giác như cá gặp nước, không có gì sung sướng bằng. Tôi chỉ nghĩ được rằng đây là nhân vật có một trên đời và lo lắng không biết có đóng được không chứ không kịp nghĩ gì đến chuyện nhân vật xấu - đẹp gì. Nhưng bây giờ, sau gần 30 năm tôi nhận ra, vẻ đẹp của vai diễn là ở chỗ người diễn viên có lột tả được nhân vật hay không chứ không phải ở diện mạo đẹp hay xấu?

- Kỷ niệm chung nào trong quá trình làm bộ phim khiến hai nghệ sĩ nhớ nhất?

- Có lẽ đó là tài hóa trang của nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên. Hồi đó trước mỗi buổi đóng phim, khi anh Nhữ Đình Nguyên hóa trang cho hai chúng tôi xong thì cứ nhìn nhau là tôi và chị Đức Lưu lại cười không dứt được. Lần nào đạo diễn Văn Khoa cũng phải hỏi: “Chúng mày cười xong chưa để bắt đầu nào”. Nhưng nhiều hôm vừa vào quay, ngẩng lên nhìn thấy nhau lại không nhịn được cười. Bây giờ nghĩ lại chúng tôi vẫn cảm ơn bàn tay tài hoa của anh Nguyên, có lẽ đó là phần đóng góp không nhỏ chút nào cho hai vai diễn để đời của điện ảnh Việt Nam như Thị Nở - Chí Phèo.

- Vậy còn kỷ niệm riêng của mỗi người?

- NS. Đức Lưu: Có lẽ khi đóng phim này, kỷ niệm nhớ nhất của tất cả chúng tôi là những tiếng cười. Tôi còn nhớ khi đã quay gần hết phim, đến cảnh Thị Nở ra gánh nước ở bờ sông. Vì sông Nhuệ rất trong nên tôi mới cúi mặt xuống soi. Tự nhiên lúc đó lại nhìn thấy cái mặt Thị Nở, thế là tôi buồn cười quá, cứ cười ngặt nghẽo đến nỗi rơi mất bộ răng giả xuống sông không tìm được. Mà bộ răng giả ấy phải làm mất 6 tháng mới xong đấy.

- NS. Bùi Cường: Chị Đức Lưu nói rất đúng. Kỷ niệm nhớ nhất với tôi cũng là nụ cười của Chí Phèo. Khi nhận vai tôi đã nghĩ ngay đến chi tiết này. Các cụ ngày xưa bảo thế gian có 36 điệu cười, tôi không biết điệu cười của Chí Phèo là điệu nào trong số ấy. Từ khi cầm kịch bản, suốt ba tháng liền tôi chỉ tập cười mà vẫn không cười nổi. Sau tôi nghĩ thân phận Chí Phèo khác gì con chó hóc xương nuốt không được, lè không ra. Và thế là tôi tập theo âm thanh ấy. Điệu cười của Chí Phèo có nguồn gốc như thế đấy.

- Rất thành công trên màn ảnh và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trên phim trường. Còn ngoài đời, hai nghệ sĩ có kỷ niệm nào đặc biệt không?

- NS. Đức Lưu: Gia đình tôi đã phải mất 10 năm để cân bằng sau khi tôi đóng Thị Nở. Hàng xóm xì xào khi qua nhà tôi, các con tôi đi học bị trêu trọc là con Chí Phèo... nhưng cũng có những kỷ niệm rất ngọt ngào. Tôi nhớ lần đó khi đi sang dự đại hội tại Matxcơva, có buổi giao lưu với 500 công nhân Việt Nam. Khi biết tôi là người đóng vai Thị Nở, họ đã công kênh lên. Sau này, trong một lần dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Nga, vị đại sứ Nga hỏi vui: “Cho tôi xin bát cháo hành chị Lưu ơi”.

- NS. Bùi Cường: Tôi cũng từng gặp khá nhiều rắc rối, thậm chí bị hành hung vì có người nghĩ Chí Phèo thật đang ở trước mặt mình. Nhưng, nhân vật Chí Phèo cũng “cứu” tôi trong nhiều lúc khó khăn. Tôi nhớ một lần tôi làm phim. Chúng tôi chọn bối cảnh vừa trải qua một trận ném bom ở một đơn vị bộ đội và đã thấy ưng ý rồi. Nhưng đến khi vác máy lên quay thì nơi đó đã được “phủ xanh đất trống đồi trọc” bằng những cây keo. Cả đoàn chỉ biết nhìn nhau ái ngại vì biết kiếm đâu ra bối cảnh bây giờ. Đúng lúc đó thì đồng chí chỉ huy của đơn vị đó đến và nói: “Có phải anh từng đóng vai Chí Phèo không?”. Và để tạo điều kiện cho chúng tôi quay phim, đồng chí đó đã cho nhổ hết các cây keo mang về ươm tiếp, chờ đến khi đoàn quay xong rồi mới cho trồng lại.

- Xin cảm ơn hai nghệ sĩ, chúc hai nghệ sĩ một năm mới an lành và tiếp tục mang đến những vai diễn hay cho khán giả!

Bài : Hà Dương


--------------------------------------------------------------------------------
 
Chí Phèo - Nam Cao

Nam Cao là một nhà văn tiêu biểu cho trào lưu văn học hiện thực phê phán trước Cách Mạng Tháng 8. ông đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài người nông dân trong xã hội cũ, họ đã bị xã hội phong kiến chà đạp, tước đoạt cả nhân hình lẫn nhân tính mà bản chất của họ là những con người lương thiện hiền lành. Tiêu biểu cho những tác phẩm như thế của Nam Cao là kiệt tác "Chí Phèo" được ông sáng tác 1941. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bởi giá trị nhân đạo sâu sắc.

Giá trị nhân đạo trong mỗi tác phẩm thể hiện ở khả năng của tác giả phản ánh được chân thực xã hội đương thời, tập trung tố cáo vạch trần tội ác của những thế lực đã áp bức bóc lột cuộc sống của người dân vô tội. Từ đó, tác giả nhìn thấy được phẩm chất tốt đẹp của con người và tập trung biểu dương những phẩm chất ấy. Bên cạnh đó, giá trị nhân đạo còn biểu hiện ở sự thấu hiểu, thông cảm sâu sắc cảnh ngộ, tâm tư tình cảm của người nông dân cũng như nguyện vọng của tác giả dành cho những người bị chà đạp.

Với đầy đủ những tính cách như trên, tác phẩm "Chí Phèo" có một giá trị nhân đạo sâu sắc. Từ việc phê phán và tố cáo sâu xa cái xã hội nửa thực dân và phong kiến ấy cho đến thấu hiểu và thông cảm cho Chí Phèo là cả một câu chuyện dài... khi độc giả đọc "Chí Phèo", không ai có thể quên được hình dạng và tính cách của Chí Phèo. Chí Phèo là nhân vật chính trong chuyện, hắn xuất hiện lần đầu tiên trong truyện hết sức khác thường như một kể điên đang say rượu bước những bước đi chạng vạng, mồm thì luôn luôn chửi: "Hắn bắt đầu chửi trời, đâu có hề gì! Trời của riêng nhà nào, hắn chưỉ cả làng Vũ Đại,.. hắn chửi đứa nào sinh ra hắn". Hình dạng của Chí Phèo trông thật gớm ghiếc: " Cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn. Người thì mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng, cái ngực phanh ra hình trạm trổ của một ông tướng cầm chuỳ - trông gớm chết!"

Chí Phèo đã xuất hiện như vậy đấy! Sự xuất hiện của Chí Phèo ở đâu là ở đó, người dân Vũ Đại đều lánh mặt và e sợ. Người ta coi hắn là một con quỷ dữ của làng Vũ Đại vì "hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện".

Chí Phèo xuất thân là một con người đáng sợ như vậy ư?

- Không! Không phải, nhân dân ta có câu: " Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Trời ở đây là cái xã hội xung quanh con người ấy. Chí Phèo do ai sinh ra, có cha mẹ không, cha mẹ là ai?

- Không ai hết, hắn không biết, người làng Vũ Đại không ai biết!

Tất cả chỉ biết rằng, Chí Phèo được người ta nhặt trong một cái váy đụp ở một cái lò gạch cũ. Thế rồi hắn được đem đi bán cho hết nhà này lại sang nhà khác. Đến khi trưởng thành thì làm anh canh điền cho nhà cụ Bá. Chí Phèo khi đó là một anh canh điền hiền lành, sống đầy ước mơ lương thiện: anh múôn có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, rồi chúng bỏ một con lợn.." ... Hàng ngày ở nhà Cụ Bá, Bà Ba nhà cụ Bá gọi lên bóp chân mà cứ bắt :"bóp lên trên, lên trên nữa" và Chí thì: "hắn chỉ thấy nhục chứ thấy yêu đương gì" Và thế là cụ Bá chỉ vì cơn ghen vu vơ, tống Chí vào tù, để rồi cái nhà tù thực dân phong kiến ấy nhào nặn ra một Chí Phèo như bây giờ - một con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Sau khi ra tù, Chí Phèo lại được Cụ Bá dùng làm chân tay để đi đâm thuê chém mướn, Và những lần đi đòi nợ ấy, lần nào Chí Phèo cũng phải say, phải rạch mặt ăn vạ. Kết cục là khuôn mặt của Chí giờ đây không phải là khuôn mặt người nữa mà là "khuôn mặt của một con vật lạ", trên khuôn mặt ấy "vằn dọc vằn ngang không thứ tự biết bao nhiêu là sẹo". Và hắn đi đâm thuê chém mướn hay đòi nợ người ta ....tất cả những việc mà người ta bảo hắn làm hắn đều làm tron glúc hắn say. "Hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy trong lúc say."

Chí Phèo như một công cụ vô tri vô giác để cho Bá Kiến múôn dùng vào việc gì thì dùng. Miêu tả quá trình hoá quỷ của Chí Phèo, nhà văn Nam Cao như ngầm tố cáo tội ác của Bá Kiến - hắn tiêu biểu cho bọn cường hào, ác bá ở nông thôn cũ đã huỷ hoại nhân hình lẫn nhân tính của Chí Phèo. Cái xã hội ấy còn luôn ngáng trở con đường trở lại làm người của Chí Phèo.

Cuộc đời của Chí tưởng như chẳng còn gì nữa, câu chuyện chỉ đầy một nỗi niềm bi đát cho số phận của một con người...nhưng Nam Cao đúng là một cây bút tài tình, ông đã hé mở một cánh cửa cho cuộc đời Chí. Ánh sáng hé ra từ cánh cửa ấy chính là cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và một người đàn bà - Thị Nở.

" Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình hình như hơi ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hăn nhìn bát cháo mà bâng khuâng. Thị Nở chỉ nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta thường thấy hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?"

Khi gặp Thị Nở, Chí Phèo như tiếp thêm sức sống, bát cháo hành của Thị Nở như một liều thuốc giúp Chí Phèo lột xác khỏi quỷ, thay đổi tâm tính và đưa cho hắn một niềm mong ước được trở lại làm người. Vì thực ra sâu trong tâm thẳm con quỷ ấy vẫn là bản chất của một con người lương thiện.
 
Nhưng...

Bà cô Thị Nở đã chặn đứa cháu gái của mình lại, bà chửi nó: "lấy ai lại lấy thằng Chí Phèo có mỗi nghề rạch mặt ăn vạ" Và Thị Nở lại sang trút lên đầu Chí tất cả những lời lẽ của bà cô vừa mắng thị.. " THoáng một cái, hắn lại như hít thấy hơi cháo hành". Hơi cháo hành đã làm cho Chí sực tỉnh... Mắng nhân tình xong, "Thị Nở hả hê lắm lắm, thị ngoay ngoáy cái mông đít ra về." Chí Phèo nắm tay Thị kéo lại nhưng không kịp nữa rồi. Tưởng rằng Thị Nở đã là người bắc cho Chí chiếc cầu để hắn trở lại làm người, nhưng chưa kịp quay lại xã hội loài người ấy thì chiếc cầu đã bị rút ván...

Chí Phèo phải làm sao!?!?

hẫng hụt, bơ vơ,...hắn uống, hắn ăn vạ, nhưng chưa chảy máu.. phải thật say mới chảy máu được..

"Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. NHưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thấy thoang thoảng hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Rồi lại uống. Rồi lại uống. Hắn uống đến say mềm người rồi hắn đi. Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng. Hăn lảm nhảm: "Tao phải đâm chết nó!". Nhưng hắn lại cứ thẳng đường mà đi. Cái gì đã làm hắn quên rẽ vào nhà thị Nở để "đâm chết con khọm già nhà nó"? Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm."

Chí đi đâu?

Chí đến thẳng nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và đâm chính cả mình. Chí Phèo đã phải chết vì không ai cho Chí quyền làm người nữa. Khi Chí sống, cái xã hội vạn ác ấy không thèm công nhận tên Chí trong sổ làng, Chỉ chỉ là hạng dân lưu tán và khi Chí chết, chẳng ai dành cho hắn một giọt nước mắt mà ngược lại người ta càng hả hê. Qua đó, nhà văn Nam Cao đã lên án một xã hội vạn ác, ngáng trở bước đường trở về lương thiện của Chí Phèo.

Cuộc đời của Chí Phèo đựoc Nam Cao miêu tả bi kịch là thếe, nhưng tác phẩm đã có không ít những dòng văn miêu tả những phẩm chất tốt đẹp và rất tự nhiên của Chí Phèo. Chí Phèo có cuộc sống cùng với những người lao động từ nhỏ nên khi lớn lên, dù ở nhà Bá Kiến, bản chất của Chí Phèo vẫn chỉ là một anh canh điền lương thiện. Khi bị bà Ba gọi lên bóp chân, "hắn chỉ thấy nhục chứ thấy yêu đương gì", Chí cũng có những suy nghĩ: "hai mươi tuổi, người ta không phải là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt, người ta không thích những gì người ta khinh". Những suy nghĩ của Chí chứng tỏ Chí rất biết trân trọng bản thân mình, trân trọng tình cảm. Hơn nữa, Chí cũng mơ ước sau này mình có một gia đình thật bình dị:"chồng ước muốn cày thuê, vợ dệt vải.." Uớc mơ trong sáng của Chí thật bình thường như bao ước mơ của những người nông dân hiền lành khác.

Nhưng Bá Kiến đã tước đoạt đi hết những ước mơ ấy của Chí. Những ước mơ ấy của CHí tưởng chừng như sẽ không bao giờ thực hiện được và đã chết cùng thời gian trong sâu thẳm tâm hồn Chí. Vậy mà đến khi gặp thị Nở, sáng hôm sau khi Chí tỉnh dậy, những ước mơ ấy lại được nhen nhóm. Nhà văn Nam Cao đã có những dòng viết rất thật và cảm động về những suy nghĩ của một con quỷ muốn trở lại làm người.

Viết những dòng viết này, nhà văn như thấu hiểu và thông cảm tâm tư của Chí. " Chí thấy bâng khuâng mơ hồ buồn", sau một loạt những âm thanh rất đỗi bình thường ở bên ngoài vọng vào túp lều của hắn. " Tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá,...tiếng những người đàn bà đi chợ vải về.." đó là những âm thanh bình dị. Vậy mà Chí như lần đầu tiên đựơc nghe thấy. Hắn đã tỉnh, tỉnh dau một cơn say dài trong bao nhiêu ngày tháng chính Chí cũng không biết. Và bây giờ hắn lại sợ rượu, hắn bắt đầu suy nghĩ về tủôi già và sự cô độc. Chí thấy sợ và khi ăn cháo hành của Thị Nở, Chí thấy bỗng thèm lương thiện,: "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao! Thị nở sẽ mở đường cho hắn" Đó là những ước mơ khao khát rất trong sáng của Chí Phèo.

Nhưng Chí Phèo đã bị chặn lại con đường trở về làm người lương thiện.

Thể hiện niềm tin của mình, nhà văn Nam Cao đã để cho Chí Phèo chết trong một vũng máu tươi trên ngưỡng cửa trở về cuộc đời. Chí Phèo thà chết chứ không chịu quay đầu lại làm quỷ dữ. Bên cạnh đó, khi miêu tả những câu chửi của Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã viết: "Thế có khổ cho hắn không?" Nhà văn như cảm nhận được nỗi khổ của Chí, thông cảm cho Chí và chỉ ra rằng Chí có những hành động như vậy hoàn toàn là do xã hội xô đẩy Chí. Tuy Chí là một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, thị Nở là một con người xẫu xí ma chê quỷ hờn...nhưng trong họ vẫn có những khao khát hạnh phúc, khao khát gia đình. Chính vì suy nghĩ ấy mà thị Nở tuy xấu xí dở hơi nhưng bản chất vẫn là bản chất của một người phụ nữ bình dị: Chăm sóc Chí lúc Chí ốm đau. Nhà văn Nam Cao đã thật sự trân trọng những bản chất tốt đẹp bên trong những con người lao động. Hình dáng bề ngoài và tác động của xã hội không hủy diệt được bản chất tốt đẹp của con người.

Với ngòi bút chân thực, ngôn ngữ kể chuyện độc đáo, giản dị, khả năng phân tích tâm lý bậc thầy, nhà văn Nam Cao đã viết thành công truyện ngắn Chí Phèo, làm cho cấc nhân vật trong truyện hiện lên sống động như thật, khiến độc giả hình dung rõ nét bức tranh hiện thực xã hội nông thôn trước cách mạng. Đó là một xã hội chà đạp lên những con người lương thiện, tước đoạt nhân hình lẫn nhân tính của họ. Và với bút pháp như vậy, Nam Cao cũng thể hiện thành công giá trị nhân đạo mà nhà văn nhắc đến trong tác phẩm.

Truyện ngắn Chí Phèo thực sự là một đỉnh cao trong sáng tác của Nam Cao. Qua tác phẩm, nhà văn đã lên tiếng kêu cứu trước sự huỷ hoại nhân tính: "Hãy cứu lấy nhân tính, hãy để cho con người được sống lương thiện, để ngừơi gần người hơn!"

===============================
Sưu Tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top