Gặp cô giáo có hoàn cảnh khó khăn nhất trường Nà Ca
Chặng đường từ một cô bé mồ côi, là trụ cột gia đình khi mới 10 tuổi đến khi trở thành cô giáo vùng cao mang sứ mệnh “gieo chữ trồng người” trên vùng núi Pác Miầu là cả một quá trình nỗ lực thầm lặng mà phi thường của cô giáo Đàm Thị Bích.
Nghị lực phi thường của cô giáo có “tuổi thơ im lặng”
Sinh năm 1983 tại vùng núi Hòa An - Cao Bằng, tuổi thơ của cô bé Đàm Thị Bích cứ lặng lẽ trôi qua bằng nỗi nhọc nhằn trên đôi vai gầy của mẹ khi bố bị khiếm thị bẩm sinh. Nỗi đau bất ngờ ập đến, mẹ Bích đột ngột qua đời khi Bích mới học lớp 5. Chưa vơi nỗi bơ vơ như con chim rừng lạc mẹ, cô bé hơn 10 tuổi đầu đã phải gánh trọng trách làm trụ cột gia đình, trở thành lao động chính nuôi bố mù lòa.
Hàng ngày, Bích “vật lộn” với hơn một nghìn mét vuông nương rẫy công sức cả một đời mẹ để lại. Đôi bàn tay yếu ớt của cô bé hơn 10 tuổi đầu nhiều khi bất lực với thứ đất rừng, đá núi cằn cỗi. Nhìn những vết chân của mẹ vẫn còn hằn in đâu đây, nhớ mẹ, tủi thân, Bích chỉ biết ôm mặt khóc. Chính trong những ngày thơ ấu gian khổ ấy, khao khát thoát ra khỏi cái nương, cái rẫy đã tiếp thêm sức mạnh để Bích cần mẫn tiếp tục đến trường.
Đôi chân của Bích đã đi qua một chặng đường dài mà nhiều khi ngoảnh lại chính Bích cũng ngỡ ngàng...
Con đường lên thành phố trọ học dù rộng mở hơn nhiều nhưng nỗi lo thêm chồng chất khi bố mù lòa một mình ở quê không ai chăm sóc, một mình Bích bươn trải trên thành phố vừa lo kiếm tiền để học lại phải gửi về quê nuôi bố. Câu chuyện về một cô bé miền núi, lần đầu bước chân ra thành phố học đã phải mang trong mình bao nhiêu nỗi lo toan ấy ngỡ như chỉ có trong cổ tích. Thế nhưng, bằng khao khát được vươn lên, bằng tình yêu thương người bố tật nguyền, Bích đã dần đứng vững trên đôi chân của mình.
Ngoài giờ học, Bích nhận làm tất cả những công việc mưu sinh nặng nhọc nhất trên thành phố từ phu hồ, bốc vác đến rửa bát thuê... Những giọt mồ hôi cuối cùng cũng hòa cùng những giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày Bích nhận tấm bằng tốt nghiệp để chính thức trở thành một cô giáo vùng cao mang thiên chức “gieo” chữ, trồng người.
Mong muốn lớn nhất là học sinh có lớp học kiên cố
Năm 2008, Bích lập gia đình với người yêu ở cùng quê. Hoàn cảnh thật éo le khi Bích còn phải chăm sóc bố đã nhiều tuổi lại mù lòa hai mắt, còn chồng phải chăm sóc mẹ già thường xuyên đau yếu. Lấy chữ “Hiếu” làm đầu, cả hai vợ chồng quyết tâm chưa sinh con mà dành thời gian chăm sóc bố mẹ. Đầu năm học 2009 - 2010, Bích chính thức nhận công tác tại điểm trường Mạy Rại – Trường tiểu học Nà Ca, trở thành cô giáo vùng cao cách nhà gần trăm km.
Tình yêu thương các em học sinh chính là động lực lớn nhất để cô giáo Đàm Thị Bích ở trọ bám trường, bám lớp
Để đến được phân trường Mạy Rại, các cô giáo phải leo núi hơn 4km từ sáng sớm
Những đồng lương giáo viên ít ỏi, Bích dành dụm để cứ 2 tuần một lần vào ngày nghỉ, cô giáo Bích lại tranh thủ về quê một lần thăm bố, thăm chồng. Hai vợ chồng trẻ gặp nhau chốc lát như vợ chồng nhà Ngâu, Bích lại trở về Mạy Rại bám trường, bám lớp, nơi mà từ lâu trong tâm tưởng cô giáo Bích đã trở thành ngôi nhà thứ hai không thể tách rời.
Trong tâm tưởng cô giáo Bích, Trường tiểu học Nà Ca đã trở thành ngôi nhà thứ hai...
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nông Thị Lới - Chủ tịch công đoàn trường tiểu học Nà Ca - cho biết: “Cô giáo Đàm Thị Bích có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trường tiểu học Nà Ca nhưng với tình yêu học sinh, cô giáo Bích vẫn từng ngày bám trường, bám lớp. Nhà trường luôn động viên và hết sức chia sẻ với cô giáo Bích. Chỉ mong làm sao, các cô giáo miền núi được tiếp sức hơn nữa để hoàn thành “sứ mệnh gieo chữ” trên mảnh đất vùng cao vốn hết sức khó khăn này”.
Anh Thế - Quốc Đô - Dân Trí