Gặp ba 'siêu nhân' của trường chuyên Hải Dương

Quỷ hiền

New member
Xu
0
Một anh chàng "mê" lịch sử đến quên ăn quên ngủ và một cặp chị em song sinh học "đỉnh" tiếng Anh dù chẳng bao giờ có thể học bài cùng nhau.

Vì là chị em song sinh nên không thể... giúp nhau học

Cặp sinh đôi Trương Thị Hương Thủy và Trương Thị Hương Giang mất mẹ từ thuở lọt lòng. Nhưng khi được hỏi rằng có cảm thấy thiệt thòi, mất mát nhiều so với bạn bè cùng trang lứa không, các em trả lời rất hồn nhiên là: Nhiều bạn có mẹ rồi tự nhiên mẹ mất đi mới cảm thấy đau khổ. Còn tụi em sinh ra đã không có mẹ nên quen rồi. Chỉ khổ người nuôi tụi em thôi.

Những người mà Thủy và Giang nhắc đến ở đây là bà ngoại và bố. Vì muốn dồn tình cảm và tâm sức để nuôi hai cô con gái bé bỏng, bố của hai em đã ở vậy gần hai chục năm qua. Không có mẹ, bố lại thường xuyên đi làm xa, bà thì già yếu, hai chị em Thủy và Giang luôn tự coi sóc, bầu bạn cùng nhau.

Nhìn vẻ ngoài, mọi người vẫn nhận ra nhiều điểm khác biệt giữa hai cô bé. Thế nhưng hai chị em đều công nhận rằng mình có quá nhiều điểm trùng khít nhau: Năm lớp 6 lớp 7 cùng học chuyên văn Lê Quý Đôn. Lên lớp 8 cùng chuyển sang chuyên Anh. Lớp 9 cùng đạt giải nhì với cùng điểm số là 9. Cùng thích nghe nhạc Hàn, cùng chơi đùa, mua sắm đồ và rất hay có cùng suy nghĩ, hành động giống nhau.

Tuy nhiên các em đều khẳng định rằng hai chị em không bao giờ có thể cùng nhau học bài. Thủy tiết lộ: "Dù rất nhiều thứ giống nhau, nhưng về giờ giấc học bọn em lại rất khác nhau. Em hay học về đêm, còn em gái em lại thường dậy sớm học bài."

Cô em Hương Giang bổ sung thêm rằng: "Còn một lí do nữa là cũng chỉ vì bọn em có nhiều điểm giống nhau thế nên nếu học tốt môn nào thì cùng học tốt, còn môn nào đã kém thì cùng kém. Bởi vậy mà chẳng bao giờ giúp đỡ nhau được trong học tập" (cười).

Nói về môn tiếng Anh, Thủy và Giang đều thừa nhận đó là niềm yêu thích và cũng là năng khiếu của mình. Cả hai đồng tình rằng môn tiếng anh không chỉ học sách vở thôi mà còn có thể kết hợp giữa học và chơi. Bí kíp của hai cô bạn này là chịu khó làm bài tập, chăm “lượn lờ” các forum tiếng Anh để tham gia bàn luận về hai nhóm nhạc Hàn yêu thích là Big Bang và Beast, thường xuyên xem phim phụ đề tiếng Anh để đọc theo và rất hay sử dụng tiếng Anh những lúc "chat chi" với bạn bè.

Được biết, cả Thủy và Giang đều khao khát được ra nước ngoài học dù cả hai đã từng bỏ lỡ cơ hội sau hai kỳ thi tìm kiếm học bổng du học. Thủy đùa rằng: "Đấy là cái thiệt thòi của việc có chị em sinh đôi. Chứ nếu chỉ có một mình em thì chắc bố em cũng cho em đi du học tự túc rồi đấy".


Đến với sử sau khi tình cờ phát hiện ra mình có khả năng đặc biệt


Nguyễn Xuân Tiến sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề gỗ truyền thống tại Cẩm Điền, Cẩm Giàng. Mặc dù chỉ mới học hết cấp 3 nhưng bố mẹ Tiến luôn động viên, đầu tư cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Tiến còn một người anh sinh đôi nữa tên là Tân. Thế nhưng Tân và Tiến lại có sở trường rất khác nhau.

Tiến tâm sự rằng: "Hồi đầu bọn em đều cố gắng học đều các môn. Nhưng lên đến lớp 8 thì em nhận ra mình có khả năng đặc biệt với môn sử. Đó là em chỉ cần nghe cô giảng một lần trên lớp là em tự nhớ được bài, kể cả những con số, sự kiện, diễn biến…Về nhà em không phải học thuộc lại nữa. Còn anh trai em lại thiên về học các môn tự nhiên. Bởi vậy em theo đội tuyển sử, còn anh trai em học đội tuyển toán.”

Sau thất bại đầu tiên do chủ quan khi chỉ nhận giải khuyến khích tỉnh môn lịch sử năm lớp 9, Tiến đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và có những cố gắng vượt bậc. Lớp 10, Tiến thi vào lớp chuyên sử, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi. Thành tích đáng nể nhất năm lớp 10 của cậu chính là đạt giải nhì môn Lịch sử tại Olympic các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ 2009. Nhận ra khả năng đặc biệt của cậu học sinh này, các thầy cô giáo đã chú ý bồi dưỡng để Tiến có cơ hội “đối chọi” với các anh chị lớp 12 trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2010.

Tiến chia sẻ rằng lúc đầu mới vào đội tuyển cậu cũng cảm thấy hơi run và lạc lõng. Bởi lẽ Tiến học chậm so với các anh chị khóa trên cả một chương trình SGK lớp 12, chưa kể các chuyên đề. Vì vậy cậu đã phải mượn vở của các anh chị để photo. Rất may với khả năng đặc biệt, Tiến chỉ cần ghi chép và đọc một hai lần là nhớ. Vì sợ học kém hơn so với các anh chị trong đội tuyển nên Tiến càng cố gắng hết sức để chứng tỏ khả năng của mình.

Tuy nhiên, Tiến cũng tự nhận thấy nhược điểm của mình là hay dài dòng, chưa biết cách diễn dạt và chuyển ý nhanh gọn. Thế nên dù có trí nhớ rất tốt, nhớ hết từng sự kiện, diễn biến, thế nhưng trong mọi lần thi thử Tiến đều không làm hết bài vì thiếu giờ. Bởi vậy trước ngày thi quốc gia, Tiến đã cô giáo gặp riêng và dặn một số “mẹo” chuyển ý. Nhờ vậy mà Tiến đã làm một mạch hết 7 câu, đạt được số điểm đáng ngưỡng mộ là 17,50/20 và bổ sung vào bảng thành tích học tập của mình danh hiệu Giải nhất học sinh giỏi sử toàn quốc.

Dự định của Tiến là sẽ thi vào trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn. Khi được hỏi là con trai học khối C liệu có sợ bị các bạn nữ “đồng hóa” không, Tiến khẳng định rất chắc chắn rằng: "Nhiều người nhìn em nghĩ là hiền, là nhút nhát, nhưng em cũng hay bày trò nghịch ngợm lắm."

Sinh Phạm - VietNamNet
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top