Em hãy miêu tả và phân tích tâm trạng của Thuý Kiều trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích"
BÀI LÀM
Trong suốt quãng đời 15 năm lưu lạc, không ít lần Kiều một mình đối diện với chính mình, đối diện với sự cô đơn, trống trải đến tuyệt vọng. Chúng ta đã từng thấy cái "giật mình" thảng thốt, đau đớn của Kiều khi nàng tỉnh dậy sau những "cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm"; từng thấy nàng gieo mình xuống dòng sông vắng lặng mong thoát khỏi kiếp sống oan khiên, nhơ nhớp, tủi nhục... Tất cả những cảnh ấy đều được Nguyễn Du hoá thân vào nhân vật để thấu hiểu và thể hiện với một tình yêu thương, trân trọng. Kiều ở lầu Ngưng Bích được xem là một trong những đoạn thơ tả tâm trạng hay nhất Truyện Kiều. Đoạn trích đã khắc hoạ tâm trạng cô đơn, buồn lo trong nỗi tự dằn vặt của Thuý Kiều sau những biến cố khủng khiếp mở đầu cuộc đời chìm nổi của một thiếu nữ khuê các tài sắc vẹn toàn.
Gia đình bỗng nhiên tan nát, người con gái giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp ấy phải hi sinh tình yêu ban đầu hứa hẹn biết bao hạnh phúc để làm tròn chữ hiếu. Rời xa cuộc sống êm đềm, đến nơi đất khách quê người, chấp nhận làm vợ lẽ Mã Giám Sinh, nhưng trong mơ nàng cũng không tưởng tượng được tương lai của mình lại là cuộc sống tủi nhục nhất kiếp hồng nhan - làm gái lầu xanh. Nàng kinh hoàng, đau đớn, phẫn uất và kháng cự quyết liệt. Nhưng cô gái ngây thơ trong trắng đang nằm trong bẫy của một lũ buôn thịt bán người làm sao chống nổi. Giờ đây, nàng đang phải trơ trọi một mình giữa lầu Ngưng Bích :
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Cũng là cảnh sống "khoá xuân", nhưng cuộc sống khoá xuân thuở còn được ở bên cha mẹ là cuộc sống êm đềm, được che chở, bảo vệ, yêu thương :
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Còn ở đây, "khoá xuân" thực chất là bị giam lỏng. Trong cô đơn, nàng tìm đến thiên nhiên. Nhưng trước mắt nàng chỉ có một không gian "bốn bề bát ngát" rợn ngợp, cao quá, trơ trọi quá giữa mênh mang trời nước. Cuộc sống của Kiều, chỗ đứng của Kiều như bị tách khỏi thế giới loài người, tách khỏi mặt đất, không còn chỗ bám, chơ vơ, lơ lửng trên không trung, làm bạn với "non xa, trăng gần". Nàng cố ngóng nhìn ra xa mong tìm thấy bóng dáng một con người hay chí ít là một cái gì đó gần gũi thân thuộc với con người. Nhưng trước mắt chỉ có những cồn cát hoang vu, bụi đường gió cuốn mịt mù. Một không gian bao la, hoang vắng; một cái lầu cao ngất, đơn độc giam hãm một đời tài sắc, hiếu nghĩa, thuỷ chung. Một thân phận nhỏ bé, cô độc. Còn gì đáng thương, đáng tiếc hơn ?
Tháng ngày đằng đẵng trôi qua. Dòng thời gian tuần hoàn khép kín: sớm làm bạn với mây trời, tối làm bạn với đèn khuya leo lét khiến cuộc đời Kiều ngày một mòn mỏi, không sức sống và niềm tin, mong manh và vô vọng.
Không tìm thấy niềm an ủi nơi cảnh vật, nàng trở về với chính lòng mình. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thương dày vò tâm can. Đầu tiên, nàng nhớ đến Kim Trọng - người mà mới đây thôi nàng đã nặng lòng thề hẹn :
"Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những dày trông mai chờ"
Một tình yêu đẹp đẽ, trong sáng vừa mới nảy nở có sự chứng giám của đất trời :
"Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Song song hai miệng một lời đinh ninh"
Lời thề vừa dứt, đường tương tư đã đứt gánh. Thuý Kiều như tưởng tượng thấy, ở nơi xa kia, người yêu cũng đang hướng về mình, ngày đêm đau đáu chờ tin nhưng uổng công vô ích. Nàng đau đớn xót xa khi nghĩ về Kim Trọng, rồi chợt nghĩ lại cuộc đời bơ vơ góc bể chân trời của mình. Nhất là thân phận "Tấm son gột rửa bao giờ cho phai" khiến nàng càng khổ đau, day dứt. Tình yêu, tấm lòng thuỷ chung với chàng Kim sẽ không bao giờ phai mờ, nhưng tấm lòng son trong trắng đã bị vùi dập, hoen ố, biết bao giờ gột rửa cho sạch !
Xót xa cay đắng bao nhiêu khi nghĩ đến người yêu, Thuý Kiều cũng xót thương bấy nhiêu khi nghĩ về gia đình, cha mẹ :
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi ngồi gốc tử đã vừa người ôm.
Nàng xót xa vô hạn khi tưởng tượng ra cảnh cha mẹ đã già yếu, lòng héo hon khắc khoải, chiều chiều tựa cửa ngóng trông. Nàng lo lắng không biết giờ đây ai là người chăm sóc cha mẹ lúc trái gió trở trời, nóng, lạnh? Nàng day dứt, ân hận nghĩ mình đã phụ ơn công sinh thành dưỡng dục. Khi cha mẹ già yếu nàng lại không thể ở bên để phụng dưỡng, đỡ đần.
Lưu lạc, bơ vơ, trăm cay nghìn đắng, nhưng Kiều vẫn nhớ thương, lo lắng cho cha mẹ, người yêu bằng tất cả tấm lòng của một người tình thuỷ chung, một người con hiếu thảo. Tấm lòng ấy thật vị tha, nhân hậu, đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
Dường như không thể chìm đắm mãi trong nỗi nhớ thương, Thuý Kiều lại hướng ra cảnh vật. Nhưng cảnh vật cũng đượm một vẻ thê lương, chia lìa tan tác bởi nó được nhìn qua tâm trạng của Kiều :
Buồn trong cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mưói sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Bức tranh khung cảnh nhuốm màu buồn tê tái. Cánh buồm nhỏ phía trời xa đang đi vào mênh mông đêm tối; cánh hoa lìa cành tan tác bị cuốn trôi phiêu dạt là ẩn dụ về cuộc đời Kiều bơ vơ lưu lạc bị xô đẩy, dập vùi. Màu cỏ, màu mây, màu trời tiếp nối nhau thành một màu xanh rợn ngợp như ẩn dụ về một tương lai mờ mịt, xám xịt của Kiều. Mặt duềnh nổi sóng gió gào thét xung quanh như chính tâm trạng hãi hùng của Kiều, như dự báo cho những tai ương sắp đổ ập xuống đời Kiều.
Như vậy, bức tranh thiên nhiên cũng chính là bức tranh tâm cảnh. Mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh là một ẩn dụ cho tâm trạng và cuộc đời Kiều. Cảnh từ xa đến gần, màu từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, tất cả đều diễn biến theo tâm trạng của nàng, từ buồn tủi đến lo âu, khiếp sợ hãi hùng.
Qua Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã khắc hoạ hình tượng Thuý Kiều trong một chặng đường "yên tĩnh trước cơn bão tố". Nguyễn Du đã thấu hiểu sâu sắc nỗi đau khổ, lo lắng của Kiều, thể hiện được nỗi niềm đó bằng bút phảp tả cảnh ngụ tình tài hoa và sáng tạo. Nếu không thực sự yêu thương, đồng cảm với nỗi niềm của nhân vật, Nguyễn Du hẳn không thể viết được những câu thơ hay và xúc động như vậy. Chúng ta càng thương Kiều bao nhiêu càng trân trọng Nguyễn Du bấy nhiêu.
Sưu tầm