Đêm của Thuần - Hoàng My

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Đêm của Thuần


View attachment 15522

Đón Thuần là một phụ nữ còn khá trẻ, biểu Thuần gọi bằng "cô" và thờ ơ lướt lên Thuần cái nhìn lành lạnh.


Trước nhà, giàn sử quân tử đầy bông trắng hồng mát rượi. Phía sau, lan can và giếng trời ngó xuống đường. Thuần e dè và thích thú nhìn căn nhà quá sức đẹp đẽ so với suy nghĩ của mình. Một bà già gầy ốm hom hem đang ngồi xếp bằng trên cái gối mỏng, mắt nhắm nghiền, hai tay buông thõng xuống trong tư thế thiền mỏi mệt. Thuần hơi giật mình.
- Bà nội Rubi.
Vậy là trong nhà có một đứa con nít! Thuần bỗng nhiên cảm thấy nhẹ nhõm vui mừng. Bà cụ không mảy may để ý tới xung quanh. Thuần tò mò nhìn bà chăm chú. Cô chủ nói thêm:
- Không phải bận tâm nhiều đâu!
Mâm cơm tối có thịt kho trứng, canh chua tép nấu rau muống và một ít dưa leo xắt lát. Dù cố giữ ý, Thuần vẫn cảm thấy mình ăn ngon lành. Lâu lắm Thuần đâu được ăn ngon thoải mái như vậy! Bà cụ mới xong được hai miếng thì nghẹn, ngồi mãi bên chén cơm. Cho đến khi cô kêu Thuần dọn mâm xuống, bà lấy cái muôi múc canh trong tô để húp một muỗng, rồi bỏ lại muôi vô tô. Nhưng bà vẫn nghẹn, đành bỏ bữa. Cô hình như nhíu mày, rất khẽ.
Thuần gặp chú lần đầu vào buổi tối hôm ấy, khi người đàn ông chân cẳng có phần lảo đảo trong hơi men tự mở cổng dắt xe vô nhà. Cô và Rubi vẫn thản nhiên xem ti vi, tựa hồ như không biết chú vừa về. Thuần khẽ khàng dọn cơm, cảm giác chú ngạc nhiên và mừng rỡ khi Thuần xuất hiện trong nhà:
- Bà ăn cơm chưa Thuần?
- Ăn rồi. Anh không phải lo tôi bỏ đói mẹ anh.
Cô trả lời bằng giọng nói chẳng ra giận hờn, cũng không hẳn là hằn học. Thuần nhìn chú lặng lẽ ăn cơm một mình, dưng không thấy tội tội.
Bà cụ hóa ra rất hay chuyện. Thuần nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà trong những lúc nhà chỉ có hai người ra vô. Bà bảo, cô mày vậy chứ cũng tốt lắm. Thương người. Bà giành phơi đồ, đổ rác với Thuần. Nhà mình cũng chẳng dư ăn dư để gì. Mày đừng đổ cơm thừa đi mà mang tội. Cứ bớt gạo lại, ăn vừa thiêu thiếu một chút lại thấy ngon. Cũng đừng xài hoang nước hoang điện. Gas càng nên tiết kiệm. Đàn bà bây giờ sao mà sắm sửa váy áo xênh xang nhiều quá... Thuần ngước nhìn bà, như thể thầm hỏi vì sao lại có lời than xen vào những câu dặn dò!
Tháng lương đầu tiên, sau khi chủ trừ đi tiền bà cò đã ứng trước, Thuần mua chiếc điện thoại đen trắng be bé. Chú đi làm về, cho Thuần cái sim rác, chỉ Thuần cách gọi về nhà. Thuần sung sướng vọc cái di động mới toanh lần đầu sở hữu, cảm giác như đang trên mây. Lòng cứ ước ao: Phải chi có thể chia sẻ niềm vui với thằng Kha lúc này. Thuần thân với Kha hơn với mọi đứa bạn gái cùng trang lứa khác. Mỗi khi ở bên cạnh em trai, Thuần không thấy khổ sở hay sợ hãi bất kỳ điều gì. Dù có đói bụng hay lạnh lẽo vì thiếu ăn thiếu mặc. Hai chị em có thể nói với nhau đủ thứ chuyện không thấy chán. Thâm tâm Thuần vẫn tự nhủ, sau này mình sẽ gắng dành dụm phụ mẹ nuôi mấy đứa em. Tụi nó khổ quá. Thuần cũng khổ, nhưng Thuần quen rồi. Thuần biết thằng Kha thèm học bác sĩ. Biết em đang tuổi ăn tuổi lớn, mà nhà thì chẳng có gì bỏ miệng. Nhưng Thuần cần cái điện thoại. Có nó, Thuần sẽ tìm cách gọi cho ai đó gần nhà, gặp mẹ, hẹn nói chuyện với thằng Kha và hai đứa em gái nhỏ. Quê nhà sẽ gần hơn, không còn vời vợi bặt tin như từ hôm bữa đến giờ.


- Cháu cứ ăn cho no đi.
Bà nội Rubi có giọng nói thật phúc hậu. Thuần vừa tranh thủ dọn dẹp vừa trò chuyện với bà. Bà là niềm vui lớn Thuần có ở cái thành phố xa lạ này. Bà dạy Thuần cách nấu mấy món ăn mà cả nhà ưa thích. Chú thích cá kho khô, mặn. Canh tép hay rau luộc. Cô mày thì chỉ ưa thịt. Xương hầm củ quả. Nấu nướng thì lạt thôi, khi nào chú mày ăn thì tự nêm thêm nước mắm. Mặn, là cô mày la cho đấy. Hồi bà còn khỏe, bà còn nấu ăn cho cả nhà đấy mày ạ. Bà hỏi Thuần học hành đến đâu rồi. Nghèo đúng là cái tội. Nhà bà ngoài quê cũng nghèo. Chú mày gắng học, xong là vội cưới vợ ngay. Rồi nằng nặc bắt bà vào sống cùng. Giờ bà chỉ muốn được về quê, nằm chung ở cái gò, có mồ mả ông bà ở đó sẵn rồi...
Công việc thú vị nhất trong ngày của một người giúp việc chắc là lúc Thuần đạp xe đi đón Rubi. Thằng bé với đôi mắt to, cái đầu tròn ủm và kiểu tóc ba phân đáng yêu, cùng với giọng nói ngồ ngộ làm lòng Thuần mềm nhũn trong nỗi nhớ nhà. Mỗi lần Thuần tỉ mẩn đút từng muỗng cơm vào miệng Rubi, dỗ nó ăn, là xui khiến chi Thuần lại nhớ đến con Nài con Mò em mình. Tội nghiệp lũ em gái của Thuần. Cả tuổi thơ khốn khổ của hai đứa, chẳng mấy khi được Thuần chăm bẵm, ẵm nựng. Có khi quá vất vả mệt mỏi, Thuần còn thẳng tay phát vào mông em mấy cái cho được việc. Giờ xa nhà, xa mẹ xa em, lòng Thuần thường trực quặn lên cảm giác hối hận, tiếc nuối. Cuộc đời có phải khi mất đi rồi, người ta mới biết trân quý điều mình đã từng có?

Bữa cơm tối quanh cái bàn tròn là thời khắc Thuần mong chờ nhất trong ngày. Những lúc ngồi bên nồi cơm, trước mặt là ba món đơn giản mà ngon lành do chính tay mình nấu nướng, Thuần thấy hạnh phúc. Chỉ tiếc là ai cũng lặng lẽ ăn, ít có tiếng trò chuyện. Thi thoảng vang lên tiếng ho của bà nội Rubi, câu hỏi quen thuộc của chú “Mẹ có sao không?”, vậy thôi. Thuần thắc mắc trong lòng, cô chú còn thiếu gì nữa đâu mà sao không thấy vui vẻ mãn nguyện vậy? Những cuối tuần, chú thường chở bà nội Rubi đi chích thuốc, vô đạm. Không chịu ăn, cứ ưng truyền mấy cái thứ thuốc thang kiểu ấy! Tốn tiền mà chẳng được việc gì. Cô nhấm nhẳng nói sau lưng, khi tiếng xe của chú và bà vừa đi khuất.
Thuần vui mừng ướm thử bộ đồ cô cho, tưởng như không nhận ra mình. Chiếc quần lửng, áo tay ngắn với tông màu sáng, có điểm bông li ti nhã nhặn, thật đẹp. Niềm vui nở hoa trong lòng Thuần. Mới có hơn tháng đi làm, Thuần dường như đã lên cân tí chút. Da dẻ cũng nhả đen bớt, không còn sạm nắng nữa. Mà đàn bà con gái ở đây sở hữu nhiều đồ đẹp thật, lại có thêm vô số món vật dụng be bé xinh xinh lạ lẫm với Thuần. Thuần rũ rũ mấy cái áo quần giặt máy ra cho thẳng thớm. Đàn ông thành phố, ngoài quần đùi áo thun mặc ở nhà, còn có thêm chiếc quần nhỏ nữa... Thời gian đầu, Thuần ngại ngần khi chạm vào mấy món đó mỗi khi phơi phóng. Nhưng rồi Thuần quen tay quen chân, dạn dĩ dần. Thuần khẽ vuốt cho mấy cái “phụ tùng” đó ngay ngắn trên móc áo. Nhà chủ xài nước xả thơm, nhưng vẫn không át được cái mùi đặc trưng của chú trên đó. Mỗi khi ủi đồ, Thuần thường nhẹ tay trên những chiếc sơ mi đi làm của chú, cảm thấy trìu mến lạ kỳ. Những lúc ấy, Thuần thường nghĩ về cha. Cha Thuần mất sớm, nếu không, cha chắc cũng chẳng lớn hơn chú là bao đâu nhỉ! Nhớ hồi năm lớp mười, sau khi ba Thuần mất, Thuần được nhà trường cho lãnh suất học bổng diện nhà nghèo. Trăm ngàn một tháng. Cô bạn tiểu thư ngồi phía sau buột miệng khi thấy Thuần mân mê cái phong bì tiền: "Thuần sướng thiệt!". Đó có lẽ là lần đầu tiên Thuần hiểu rõ thế nào là cảm giác căm ghét. Cả nỗi tủi nhục khi biết rằng, mình phải cắn răng nhận lấy sự ban ơn, thương hại của người đời.

Thuần mê mẩn cái phòng đọc sách, cũng là nơi chú thi thoảng làm việc khuya. Những cuốn truyện lạ lẫm ấy hút lấy Thuần. Từ bé, Thuần đã biết thèm thuồng nhìn những cuốn truyện tranh và tiểu thuyết nằm xếp lớp ở gian hàng cho thuê sách chợ huyện, vào những dịp họa hoằn được theo mẹ lên đó. Giá như Thuần có nhiều thời gian hơn, cô sẽ nghiền ngẫm hết thảy mọi con chữ đang có trên kệ. Có lần, chú bắt gặp Thuần đang say sưa với một cuốn truyện dịch trên tay. Với vẻ ngạc nhiên xen lẫn tội nghiệp, chú hỏi Thuần đang luống cuống như vừa bị bắt quả tang:
- Thuần thích đọc sách vậy à? Tranh thủ làm xong việc nhà rồi hãy xem nhé!
Thuần dạ lí nhí. Tần ngần một chút, chú nói thêm:
- Nhờ Thuần để ý chăm sóc bà giùm chú với, nghen Thuần!
Thuần ngước nhìn chú, cảm thấy nỗi xót xa thương cảm tràn lên trong lòng. Hóa ra chú cũng có những nỗi niềm nào đấy, như Thuần đã có lúc âm thầm nhận ra. Sau câu nhờ vả có phần dư thừa của chú, Thuần dưng không nghĩ rằng, giữa chú và Thuần từ giây phút ấy đã tồn tại một bí mật nho nhỏ và riêng tư nào đấy. Trong nhà không ai biết được, cả cô, cả Rubi hay bà nội. Điều đó làm Thuần cảm thấy vui vui lạ... Cũng từ hôm ấy, chú năng trò chuyện với Thuần hơn, đơn giản chỉ là hỏi Thuần trưa nay bà ăn được nhiều ít, có ho nặng không, Rubi đi học về ngoan không, chẳng hạn... Nhưng như vậy là quá đủ để Thuần bắt đầu ngong ngóng tiếng xe quen mỗi tối, mỗi chiều rồi...
Thuần không hiểu vì sao thấy mình cứ hay thầm so sánh chú với cha. Ngày còn sống, cha ít khi nào trò truyện với chị em Thuần, có nói gì cũng nhát gừng, hiếm hoi lắm ông mới dành cho Thuần vài lời dịu dàng. Chú dường như có thiện cảm với Thuần nhiều. Đôi lần, chú len lén cho riêng Thuần cái thẻ cào năm chục ngàn. Văn phòng phẩm của cơ quan chú ấy mà, xài không hết nên mang về, Thuần gửi cho mấy đứa em đi. “Chị em Thuần như vầy là có chí lắm đó”. Lời khen của chú làm Thuần bỗng thấy tự hào. Chú bảo, cảm ơn Thuần đã bầu bạn với bà. Cả ngày bà ở nhà một mình, buồn lắm, thèm có người hỏi han trò chuyện vô cùng. Bà cả đời vất vả rồi Thuần ạ. Chú chỉ mong lúc nào đó dành dụm được chút tiền, đưa bà về thăm quê một lần thôi, mà khó quá... Nhớ đừng làm bà buồn thêm, nghe Thuần...
Thuần rưng rưng sau mấy câu nói ấy. Những lúc trời hơi lạnh, hoặc đêm về sáng, bà khúc khắc ho mãi, cổ gân lên, đầu lút xuống, người dường như càng thêm sụp hẳn. Thuần thức dậy, xức dầu lên tay, lên cổ cho bà. Thuần miết đôi bàn tay lên trán lưng, lên chân bà, hy vọng cách bóp tay bóp chân cổ điển ấy sẽ giúp bà bớt đau nhức phần nào. Thuần kéo chăn lại cho bà. Bà ngủ một mình dưới tầng trệt. Từ ngày có thêm Thuần, khuya khuya hai bà cháu hay rủ rỉ với nhau. Bà hỏi chuyện nhà Thuần. Bà kể chuyện ngày nhỏ chú học giỏi ra sao. Thương bà thế nào. Đã bao lâu rồi bà không về quê. Quê bà xa lắm Thuần ơi!

Giờ thì Thuần đã hiểu, vì sao bà thi thoảng vẫn kêu Thuần mua giùm bà tờ vé số. Bà muốn đi về Bắc một chuyến. Miền Bắc xa xôi kia ám ảnh bà. Thuần cũng không hình dung ra “về Bắc” là thế nào. Nhưng nỗi đau đáu nhớ quê, nhớ nhà thì Thuần thấu hiểu. Những đêm đầu tiên xa nhà, Thuần len lén úp mặt mình vào tấm chăn mỏng mà khóc. Lạ nhà, lạ chỗ, nhớ thằng Kha và hai đứa nhỏ, Thuần không sao có thể chợp mắt được. Đã hơn trăm đêm trôi qua dưới mái nhà này rồi, khi ngủ trong phòng sách, lúc nằm trên chiếc ghế sa lon cũ gần chỗ bà ngồi, không dột nước mưa, không nóng hâm hấp, nhưng Thuần vẫn rưng rức nhớ cái chỗ ngủ quen thuộc bao năm của mình. Nơi ấy, vào những đêm ngủ trễ, Thuần hay thao thức ngó ra ngoài qua những khe hở của vách đất, nhìn thấy cả một trời sao nhấp nháy. Đêm thành phố thi thoảng cũng có nhiều sao, y hệt. Chỉ khác ở chỗ, những đêm ngắm sao của Thuần ở đây thường nhòe nhoẹt nước mắt vì nhớ nhà... Mấy khuya chú về muộn, Thuần cũng thao thức ngó lên trời, cầu mong chú đừng gặp chuyện gì trên những con đường nhiều xe cộ. Thuần sợ tiếng xe vun vút gầm gừ ngoài kia. Thuần cảm giác bất an khi căn nhà buổi đêm không có chú... Thuần trở mình, nghĩ ngợi về mấy câu nói đã nghe được buổi sớm:
- Anh thật là đàn ông vô dụng. Đã lo cho vợ con chẳng bằng ai, còn bày đặt cảnh vẻ, sĩ diện! Giọng cô đều đều, nhưng nội dung thì làm Thuần đang đứng phía sau giếng trời phơi đồ choáng váng, giật mình. Những lúc cô nặng lời thế này, chú thường im lặng, lủi thủi bỏ đi nơi khác. Nhà phố chật hẹp, chú biết trốn đi đâu...
Sao giờ này mà chú chưa về nhỉ? Quá nửa đêm rồi. Phòng cô và Rubi đã tắt đèn từ lâu lắm. Thuần đã mấy lần nghe tiếng cửa khua lên khe khẽ, mơ hồ hình dung ra chú đang dắt xe vào. Nhưng rồi có vẻ như vẫn không phải. Thuần rón rén xuống lầu mà không bật đèn cầu thang. Bà đã ngủ, một giấc ngắn chập chờn nào đấy của người già. Thuần lại quay trở lên trong lo âu.

Thuần giật mình thức dậy khi có ai đó chạm vào người. Là chú! Từ chú toát ra mùi bia nồng nặc, còn đậm hơn cả cái lần đầu tiên Thuần gặp mặt. Đôi mắt người đàn ông tuy say rượu và trong bóng tối lờ mờ của bóng đèn trái ớt vẫn toát lên vẻ buồn rầu bất lực. Thuần vừa định ngồi dậy đỡ chú, thì sức nặng của người đàn ông trưởng thành kéo Thuần đổ xuống theo.
- Chú khổ lắm Thuần ơi!
Thuần chẳng kịp nghĩ gì. Nhưng không có ý định la lên. Thuần mềm hẳn người đi sau câu nói ấy. Phó thác cho số phận.
Mà phòng cô và Rubi thì vốn đã tắt đèn từ lâu lắm.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top