Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4 tháng 10 năm 1920 – 9 tháng 12 năm 2002) quê ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là nhà thơ xuất sắc và tiêu biểu của nền thơ cách mạng. Là sản phẩm của cuộc đấu tranh cách mạng, đồng thời giữ vai trò là người tuyên truyền, cổ động, người truyền lệnh của cách mạng, thơ Tố Hữu đã có sự cảm hoá, chinh phục được đông đảo quần chúng nhân dân trong một thời kì dài mấy mươi năm.
- Tuổi thơ của Tố Hữu được nuôi dưỡng bằng cả các câu ca, điệu hò quê hương mà trực tiếp là qua giọng của mẹ, lại được người cha dạy làm thơ theo những lối cổ ngay từ lúc 7,8 tuổi
- Ông sớm phải chịu những thiệt thòi, thiếu thốn về tình cảm : cha thường xuyên đi làm ăn xa, mất mẹ năm 12 tuổi và sau đó sống xa gia đình khi đỗ vào trường quốc học huế
- Bước vào tuổi thanh niên, Tố Hữu mang tâm trang chung của thế hệ mình với nhiều nỗi buồn và trăn trở tìm hướng đi. Tố Hữu đã may mắn gặp gỡ cách mạng
- Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được điều động ra Thanh Hoá làm bí thư tỉnh uỷ, tham gia thành lập và ở trong ban lãnh đạo hội văn nghệ Việt Nam từ 1948.
- Trong gần 30 năm , Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Ông mất 9/12/2002
Tác phẩm của Tố Hữu :
- Thơ : Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Máu và Hoa (1977) ; Một tiếng đờn (1993).
- Tiểu luận : Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta (1973), Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (1981).
Đánh giá chung:
+ Tố Hữu là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Trải qua một khoảng thời gian dài hơn nửa thế kỷ, tiếng thơ ông đã có tác động sâu xa đến tư tưởng và tình cảm của độc giả nhiều thế hệ. Con đường thơ ấy là hành trình đi tìm và bắt gặp sự kết hợp diệu kỳ giữa Cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật thơ ca.
+ Sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Tố Hữu là một bộ phận không thể thiếu trong vốn văn hóa tinh thần của quần chúng Cách mạng. Từ góc nhìn, thời điểm khác nhau, sẽ phát hiện những tầng ý nghĩa khác nhau của kho tàng nghệ thuật ấy. Có thể đôi chỗ còn thô ráp, thiếu sự gọt dũa cần thiết hoặc ồn ào, sáo mòn. Nhưng trên đại thể, bằng quan điểm cụ thể lịch sử và lập trường Cách mạng, hoàn toàn có thể khẳng định: thơ Tố Hữu là một giá trị. Tất nhiên, nó sẽ bất tử.