Để tiếng hành cuộc tập kích chiến lược đường không đánh vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12 năm 1972

ngan trang

New member
CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜICâu hỏi: Để tiếng hành cuộc tập kích chiến lược đường không đánh vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12 năm 1972, Mỹ đã sử dụng sức mạnh tối đa. Vậy so sánh lực lượng giữa ta và Mỹ lúc đó Trả lời: Đáp: Đây là một sự chênh lệch lực lượng hết sức to lớn, khó tưởng tượng nổi. Cán cân sức mạnh vật chất, kỹ thuật nghiêng hẳn về phía Mỹ. Cụ thể là:

A. Lực lượng quân sự được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc (Chú thích: Nhà Trắng (The White House): trụ sở nhà cầm quyền Mỹ. Lầu Năm Góc (The Pentagon ): trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) huy động vào chiến dịch tập kích, mà họ gọi là cuộc hành binh Lai-nơ-bếch-cơ II (Linebacker II) (Chú thích: Linebacker: được dịch là "Tiền vệ" hoặc "Người cứu bóng trước khung thành". Chiến dịch Linebacker I: từ 6-4-1972 đến 22-10-1972. Chiến dịch Linebacker II: từ 18-12-1972 đến 29-12-1972.), gồm có:

- Gần một nửa số máy bay chiến lược B52 của toàn nước Mỹ (193 trên tổng số 400 chiếc). Thực tế xuất kích: 663 lần chiếc.

- Gần một phần ba số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077 trên tổng số 3.041 chiếc). Thực tế xuất kích: 3.920 lần chiếc.

- Một phần tư số tàu sân bay của toàn nước Mỹ (6 trên tổng số 24 chiếc), cùng nhiều tàu chỉ huy - dẫn dường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu ra-da, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu tàu sửa chữa. . . của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

Đó là chưa kể 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số lượng lớn những máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu điện tử từ xa, máy bay trinh sát có người lái không người lái, tầng thấp, tầng cao, máy bay chỉ huy, dẫn đường, liên lạc, cấp cứu...

Chỉ tính riêng không quân chiến thuật đã bằng tổng lực lượng của hai nước mạnh nhất châu Âu hồi đó gộp lại (Anh Quốc: 600 chiếc, Tây Đức: 500 chiếc).

Số máy bay chiến lược, chiến thuật được Mỹ đưa vào cuộc tập kích lần này đều là những thứ vũ khí vào loại hiện đại bậc nhất thời ấy, phần lớn được cải tiến hoàn hảo hơn nhiều so với thời kỳ chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), gồm các loại:

- Máy bay chiến lược: B52 D, B52 G.

- Máy bay chiến thuật: F111a, F4 D-E-J (thay F4C, F8), F105G (thay F105F), A4E, A6A, A7 (thay A4).

- Máy bay gây nhiễu điện tử từ xa: EA6A, EB66 B-C D-E, EC121

- Máy bay tiếp dầu trên không: KC 135

- Máy bay trinh sát có người lái tầng thấp: RF4C, RA.5C.

- Máy bay trinh sát không người lái tầng thấp: 147 SB-SC-SK, 147 SRE (trinh sát đêm).

- Máy bay trinh sát có người lái tầng cao: SR71 (Chú thích: SR71: bay cao 30 ki-lô-mét, bay nhanh hơn 3 lần tốc độ âm thanh.)

- Máy bay trinh sát không người lái tầng cao: BQM34A

- Tên lửa không đối đất: ngoài loại Sơ-rai (Shrike AGM45) còn thêm loại Xtenđơ (Standard AGM78), hiện đại hơn, tầm phóng xa hơn.

- Tên lửa nhử mồi Gờ-rin Quây (Green Quail): phóng từ đuôi B52, để thu hút tên lửa tìm nhiệt K13 của MIG21.

- Thiết bị gây nhiễu điện tử: được cải tiến với công suất lớn hơn, cường độ mạnh hơn, tính chất phức tạp hơn, như ALQ87, ALQ100, ALQ101, ALE29, ALR18, QLT13, ALQ76.

- Hệ thống điều khiển bom la de: ngoài loại ZOT, còn thêm loại mới KNAI hiện đại hơn.

Căn cứ xuất phát của các loại máy bay Mỹ:

Máy bay chiến lược B52 cất cánh từ căn cứ En-đơ-xơn (Anderson) trên đảo Gu-am giữa Thái Bình Dương và căn cứ U-ta-pao ở Thái Lan.

Máy bay chiến thuật các loại cất cánh từ 6 sân bay ở Thái Lan (U-đon, U-bon, Tắc-li, Cò-rạt, Na-khon Pha-nol, Nậm Phong) và từ 6 tàu sân bay (Enterprise, America, Ranger, Kitty Hawk, Oriskany, Saratoga) đậu rải rác trên một khu vực rộng gọi là trạm Yân-ki (Station Yankee) ở Biển Đông, từ đông Thanh Hóa đến đông Đà Nẵng (Chú thích: các sân bay ở miền Nam Việt Nam không trực tiếp tham gia kế hoạch Linebacker II).

Ngoài ra, tất cả các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á như căn cứ Cờ-lác (Clark), Su bích (Subic) ở Phi-lip-pin, cộng thêm căn cứ Ô-ki-na-oa ở Nhật Bản đều được sử dụng để phục vụ tối đa cho trận đại oanh kích này.

Tóm lại, đây là một cuộc huy động lực lượng to lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, tính đến lúc ấy, cho một trận tập kích chiến lược đường không.

Để chỉ huy chung hai căn cứ En-đơ-xơn và U-ta-pao, Lầu Năm Góc đã cấp tốc thành lập một bộ chỉ huy lâm thời, do tướng Vốt (John Vogt) làm tư lệnh, đóng ở U ta-pao. Bộ chỉ huy này đặt dưới quyền của Bộ chỉ huy Không quân chiến lược và Bộ Quốc phòng Mỹ. Cả một guồng máy chiến tranh khổng lồ, nằm trong tay Tổng thống Ních-xơn, người duyệt kế hoạch và là tổng tư lệnh tối cao.

B. Về phía ta:

Cuối năm 1972, bộ đội Phòng không - Không quân ta cùng một lúc phải đảm đương ba nhiệm vụ rất nặng nề: vừa tiếp tục tham gia tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành ở mặt trận phía Nam, bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị, vừa phải bảo vệ giao thông vận chuyển trên địa bàn Quân khu 4 và trên tuyến cửa khẩu vượt Trường Sơn, đồng thời phải luôn luôn sẵn sàng đánh trả một cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng.

Lực lượng phòng không ta buộc phải xé nhỏ ra để đáp ứng các yêu cầu chiến lược nói trên.

Vùng trời Hà Nội, Hải Phòng lúc ấy được bảo vệ bằng một lực lượng thấp hơn nhiều so với thời kỳ cao điểm trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất diễn ra trước đó 5 năm.

Lực lượng tên lửa bảo vệ Thủ đô của chúng ta khi bước vào chiến dịch chỉ có không tới 10 tiểu đoàn. Trước và sau đêm Nô-en tăng thêm vài tiểu đoàn nữa, được bổ sung từ nơi khác đến.

Pháo cao xạ của Hà Nội, Hải Phòng cùng lực lượng của Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc, đường 1 bắc, đường 1 nam cộng tất cả lại cũng chỉ được khoảng 15 trung đoàn.

Lực lượng Dân quân Tự vệ của Hà Nội, ngoài 4 trung đội pháo cao xạ 100 ly, còn có gần 200 trận địa súng tầm thấp, từ súng trường, tiểu liên, trung liên đến đại liên 12,7 ly, 14,5 ly.

Máy bay tiêm kích (Chú thích: Máy bay tiêm kích: máy bay đánh chặn hoặc săn đuổi máy bay đối phương trên bầu trời, khác với máy bay cường kích chuyên đánh phá mục tiêu mặt đất.) MIG 21, loại có tính năng vượt trên tầm cao của B52, có vài trung đoàn, nhưng số phi công có khả năng bay đêm lại không nhiều.

Lực lượng ra-đa cảnh giới và dẫn đường cũng chỉ có non ba chục đại đội, được bố trí rải khắp miền Bắc.

Lực lượng của ta chỉ có vậy. Tình hình có thể nói là "căng như dây đàn”, nhưng khả năng chỉ đến đó, dù muốn thêm nữa cũng không được, "lực bất tòng tâm".

Trong khi căn cứ xuất phát của máy bay Mỹ là những phi trường siêu hạng, những hàng không mẫu hạm khống lồ, thì căn cứ của không quân ta, số lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trừ Nội Bài là sân bay cấp I, còn lại là những sân bay cấp II, cấp III thậm chí là những sân bay dã chiến mà đường băng làm bằng đất nén.

Về mặt chất lượng, tuy chúng ta đã có ra-đa п35, máy bay MIG 21, tên lửa SAM 2, pháo cao xạ 57 và 100 ly được điều khiển bằng máy chỉ huy K6-60, K6-19 và ra-đa COH9, là những thứ khá hiện đại do Liên Xô giúp, nhưng chưa phải là hiện đại nhất. Trong lúc đó phía Mỹ đã tung ra phần lớn những gì hiện đại tối tân nhất của họ.

Cơ quan đầu não chiến dịch của ta là Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, đặt sở chỉ huy trong một hang đá gần Hà Nội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong căn phòng Sở chỉ huy không lấy gì làm rộng, dưới ánh sáng đèn nê-ông chạy bằng máy nổ, có khi được thay thế bằng những chiếc đèn măng sông, cùng những chiếc đèn bão ám khói, tù mù, các sĩ quan phương hướng của ta vẫn liên tục ghi chép, vẫn truyền được mọi mệnh lệnh từ trên xuống và nhận được mọi báo cáo từ dưới lên; các nam nữ "tiêu đồ viên (Chú thích: Tiêu đồ viên: nhân viên đánh dấu đường bay.) vẫn thu được những tín hiệu "tích tà, tích tà”, từ trên không trung vọng về để ghi lại chính xác những mũi tên xanh đỏ (Chú thích: Mũi tên xanh (hoặc đen) chỉ đường bay của không quân địch; Mũi tên đỏ chỉ đường bay của không quân ta.) lên tấm bản đồ đánh dấu đường bay bằng mi-ca; người chỉ huy Quân chủng vẫn có thể nhìn thấy được đầy đủ các tốp B52 từ khi chúng còn ở cách xa Hà Nội ngoài 300 ki-lô-mét để kịp thời ra lệnh báo động và giao nhiệm vụ chiến đấu cho các binh chủng, các sư đoàn. Ở Sở chỉ huy Binh chủng Không quân, các sĩ quan dẫn đường vẫn liên tục "đàm thoại" với các chiến sĩ lái máy bay trên trời - dù đôi lúc có khó khăn - đưa họ vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích địch, tiếp cận B52, thậm chí cho đến lúc các phi công xin phép ấn nút phóng tên lửa tiêu diệt kẻ thù, vẫn không ngừng liên lạc.

Rạng sáng ngày 21 tháng 12, lời biểu dương quân dân Thủ đô đánh giỏi thắng to trong đêm 20 của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, qua Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, vẫn được truyền đi toàn văn xuống khắp các đơn vị, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ.

Ở đây không có máy tính điện tử hỗ trợ. Tất cả mọi tính toán phục vụ người chỉ huy đều được giải quyết thông qua những bộ óc thông minh, lanh lợi của các sĩ quan quân báo, tác chiến, thông tin, các cán bộ kỹ thuật, các sĩ quan dẫn đường... mắt quầng thâm vì thiếu ngủ. Chính cái cơ quan chỉ huy hết sức khiêm nhường và không mấy qui mô bề thế ấy, cùng một lúc đã phải đương đầu với hàng loạt sở chỉ huy hết sức hiện đại của các tập đoàn không quân chiến lược, chiến thuật của quân đội Mỹ, mà đằng sau chúng là những cơ quan chỉ huy cấp trên SAC, TAC, JCB (Chú thích: SAC (Strategic Air Command): Bộ chỉ huy không quân chiến lược. TAC (Tactical Air Command): Bộ chỉ huy không quân chiến thuật. JCS (Joint Chief of Staff): Hội đồng tham mưu Liên quân (giống như Bộ Tổng Tham mưu của ta).) và Lầu Năm Góc còn nhiều lần hiện đại, tối tân hơn nữa.

Căn cứ vào những số liệu về địch, ta nói trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: so với lực lượng phòng thủ, lực lượng phi công của Mỹ rõ ràng chiếm ưu thế hơn hẳn, có thể nói là áp đảo, với sự chênh lệch hết sức to lớn về vũ khí, trang bị kỹ thuật. Chính Ních-xơn, trong cuốn sách nhan đề "Không còn những Việt Nam nữa” (Chú thích: "Không còn những Việt Nam nữa": "No more Vietnams", Richard Nixon -Arbor House, New York - 1985.) cũng đã viết: "Trong lịch sử nhân loại chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam...". Đúng vậy! Đây là một cuộc chiến không cân sức (Chú thích: Đương nhiên đây chỉ mới là sự so sánh lực lượng về phương diện vũ khí, kỹ thuật, chưa nói đến sức mạnh của ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam, của chiến tranh nhân dân Việt Nam mà các chương sau sẽ đề cập đến.). Một số người dạo ấy đã rất phân vân lo lắng, không tin chúng ta có thể thắng nổi B52 của Mỹ.

Tình hình đó đặt ra trước quân dân miền Bắc nước ta, nhất là Quân chủng Phòng không - Không quân một thử thách cực kỳ to lớn.
Nguồn: "Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam - Tác giả : Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top