Đề thi thử Quốc gia số 1, kèm lời giải

nang moi

New member
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 1 NĂM 2015
MÔN THI: NGỮ VĂN
(Thời gian làm bài: 180 phút)​
Câu 1 (2,0 điểm):
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ.
(Xuân Quỳnh – “Thuyền và biển”)
Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1/ Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào? Thể thơ đó có tác dụng ra sao trong việc diễn đạt nội dung đoạn thơ?
2/ Nội dung của hai đoạn thơ trên là gi?
3/ Nêu biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng? Tác dung?
Câu 2 (3,0 điểm)
Anh (chị) suy nghĩ gì về câu nói của Tuân Tử: Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy (bài viết khoảng 600 từ).
Câu 3 (5,0 điểm)
Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong tùy bút Người lái đò sông đà.
………………..Hết………………..

Thí sinh không sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn


Câu 1. Đọc đoạn thơ trong bài Thuyền và biển của Xuân Quỳnh và thực hiện các yêu cầu (2,0 điểm):

1. - Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ ngũ ngôn.
- Tác dụng: diễn đạt rất nhịp nhàng âm điệu của song biển cũng như sóng long của người đang yêu

2. Tình yêu giữa thuyền và biển cùng những cung bậc trong tình yêu).

3. - Biện pháp nghệ thuật được nhà thơ sử dụng nhiều nhất là ẩn dụ: Thuyền – Biển tượng trưng cho tình yêu của chàng trai và cô gái. Tình yêu ấy nhiều cung bậc, khi thương nhớ mênh mông, cồn cào da diết, bâng khuâng…
Biện pháp nghệ thuật nữa được sử dụng là nhân hóa. Biện pháp này gắn cho những vật vô tri những trạng thái cảm xúc giúp người đọc hình dung rõ hơn tâm trạng của đôi lứa khi yêu
Câu 2 . Anh (chị) suy nghĩ gì về câu nói của Tuân Tử: Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy (bài viết khoảng 600 từ).
(3,0đ)

Yêu cầu chung:
- Thí sinh biết huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài văn nghị luận xã hội.
- Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Yêu cầu cụ thể:
1. Giải thích (0,5)
- Khuyên: có nghĩa là chỉ bảo một cách nhẹ nhàng cho một ngườu nên hoặc không nên làm điều này hay điều kia; thể hiện sự tán thưởng hài lòng của người này với người khác.
- Khen: Không mang ý nghĩa lựa chọn để ủng hộ một hướng giải quyết, nhiều khi có tính đẩy mạnh hành động được khen diễn ra theo một chiều hướng triệt để.
=> Với hai nghĩa gốc của hai từ này chúng ta vừa xem xét ai cũng đồng ý rằng nghĩa của chúng đều không mang tính tiêu cực, thậm chí thể hiện được nhiều nét tích cực, Tác dụng của hai từ này còn được quyết định bởi điều kiện sử dụng, người sử dụng đối tượng của tác động đó.
2. Bàn luận (2đ)
- Bất kì sự vật, hiện tượng nào cũng có hai mặt của nó: Tích cực và tiêu cực hay nói nôm na là tốt hay xấu hai từ mà chúng ta đang xét cũng không phải là ngoại lệ khi nhìn thấy sự lưỡng lự không quyết định được hay có những hành động chưa đúng trước vấn đề của một người khác.
+ Lời khuyên mang tính tích cực: Bằng kinh nghiệm, hiểu biết của mình người nhận thức đúng sẽ khuyên người kia nên chọn hướng giải quyết nào để có được kết quả mĩ mãn, có lợi nhất.
+ Lời khuyên mang tính tiêu cực: Mặt tiêu cực của lời khuyên khi người thực hiện hành động này không có chủ ý tốt, không vì lợi ích của người khác mà chỉ nghĩ đến lợi ích cho bản thân.
- Cũng có những hành động khen, khuyên đòi hỏi phải từ hai phía: người khen và người được khen. Người khen sẽ thực hiện hành động này nếu cảm thấy hài lòng, tán thưởng, tuy nhiên người được khen luôn phải tỉnh táo để xem lại hành động của mình và lời khen của mọi người là tốt hay xấu.
- Sau khi phân tích môi trường sử dụng của khuyên và khen, nhìn trên bình diện ta thấy xác suất tích cực của khuyên lớn hơn khen. Do vậy, thật chính xác khi ngạn ngữ đã nhẹ nhàng cảnh tỉnh Nên nghe người ta khuyên mình hơn nghe người ta khen mình.
(Thí sinh cần lấy dẫn chứng minh hoạ cho các ý trong quá trình bàn luận)
3. Trình bày quan điểm sống của bản thân (0,5)
- Từ nhận thức về mặt tích cực và hạn chế việc khen và khuyên ở đời, thi sinh cần bày tỏ quan điểm sống của chính mình và đề ra được phương hướng để thực hiện quan điểm sống ấy.
- Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm sống của mình nhưng cần có thái độ chân thành, đúng mực, phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội.

Câu 3. Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong tùy bút Người lái đò sông đà.
Yêu cầu chung
- Thí sinh biết huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài nghị luận văn học.
- Thí sinh có thể cảm nhận và lí giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng và bám sát văn bản tác phẩm.
Yêu cầu cụ thể
1.Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Vài nét về tác giả Nguyễn Tuân
- Vài nét về tác phẩm Người lái đò sông Đà
2. Những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân:
- Thích tả những gì mãnh liệt, dữ dội, đẹp tuyệt vời (Cách miêu tả tạo hình, sống động, gây ấn tượng mạnh): Sông Đà là một con sông vừa tuyệt đẹp, vừa hung dữ ( hung bạo và trữ tình)
+ Hung bạo là ở những đoạn có thác dữ, có những quãng hẹp, những hút nước khủng khiếp. Sông Đà được nhà văn tả có diện mạo và tâm địa: hung hãn, nham hiểm, xảo quyệt, độc ác.
+ Trữ tình ở những đoạn xuôi chèo êm ả. Sông Đà như một áng tóc trữ tình đổi màu sắc theo mùa, phong cách nên thơ và trở thành nỗi nhớ và người bạn thân thiết (cố nhân)
- Người lái đò được tập trung mô tả trong cuộc vật lộn với thác nước sông Đà – trận chiến đấu cam go ác liệt. Một bên là sông Đà hung hãn, đầy mưu mô xảo quyệt, một bên là ông lái đò trí dũng tuyệt vời.
- Tài quan sát, khám phá sự vật ở phương diện mỹ thuật và con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân
+ Sông Đà là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa.
+ Ông lái đò trở thành một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác nghềnh.
- Nguyễn Tuân là một cây bút rất mực tài hoa, lịch lãm (nhà văn có vốn văn hóa phong phú về lịch sử, địa lý của sông Đà… Cách sử dụng ngôn ngữ của ông là nghệ thuật ngôn từ bậc thầy)
3. Kết luận
Phong cách Nguyễn Tuân nói chung là độc đáo và phong phú. Ở tác phẩm này chính là sự cảm nhận sắc sảo ở các giác quan và cách sử dụng ngôn ngữ phong phú, đầy màu sắc; kết hợp với lối văn rất mực tài hoa và lịch lãm. Người lái đò sông Đà là một tác phẩm có giá trị cao về mặt nội dung và nghệ thuật.


ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 1 NĂM 2015
MÔN THI: NGỮ VĂN
(Thời gian làm bài: 180 phút)​

Câu 1 (2,0 điểm):
Đọc kĩ bài thơ sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
Trăng nở nụ cười
Đâu Thị Nở, đâu Chí Phèo
Đâu làng Vũ Đại đói nghèo Nam Cao
Vẫn vườn chuối gió lao xao
Sông Châu vẫn chảy nôn nao mạn thuyền
Ả ngớ ngẩn
Gã khùng điên
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người
Vườn sông trăng nở nụ cười
Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau
Giữa đời vàng lẫn với thau
Lòng tin còn chút về sau để dành
Tình yêu nên vị cháo hành
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi.
(Lê Đình Cánh)​

1/ Xác định thể thơ? Cách gieo vần?
2/ Bài thơ giúp em liên tưởng đến tác phẩm nào đã học trong chương trình phổ thông?
3/ Câu thơ: “Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người” có ý nghĩa gì? Liên hệ với nhân vật chính trong tác phẩm mà em vừa liên hệ ở câu 2.
4/ Vị cháo hành được nhắc đến trong hai câu thơ cuối là một chi tiết nghệ thuật đặc sẳc trong một tác phẩm của Nam Cao. Hãy nêu ý nghĩa của hai câu thơ này với chi tiết nghệ thuật ấy?
Câu 2 (3,0 điểm)
Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề đặt ra trong đoạn thơ sau:
“Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu ?”
(Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời – Evgeny Evtushenko (Nga)
Câu 3 (5,0 điểm): Phân tích nhân vật Tnú ( trong Rừng Xà Nu -Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Việt ( trong Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi) đễ thấy được bút pháp sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học giai đoạn 1945 – 1975.
………………..Hết………………..

Thí sinh không sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn


Câu 1. Đọc đoạn thơ trong bài Trăng nở nụ cười của Lê Đình Cánh và thực hiện các yêu cầu (2,0 điểm)

1. Thể thơ lục bát; vần chân và vần lưng.
2. Đoạn thơ giúp liên tưởng tới truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.
3. Câu thơ cho thấy tình yêu có sức mạnh cảm hóa con người và làm cho con người trở nên thực sự trở nên người hơn. Trong tương quan với “Chí Phèo” của Nam Cao, câu thơ của Lê Đình Cánh cho thấy sức mạnh tình yêu với biểu tượng bát cháo hành mà Thị Nở dành cho Chí đã khiến phần Người ngủ quên tronng hắn bao lâu nay thức sự thức tỉnh. Chí không còn là một con quỷ dữ mà đã khao khát quay về làm người lương thiện nhờ cảm nhận được hương vị của tình yêu.
4. Bát cháo hành là chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao với các lớp nghĩa: - Nghĩa cụ thể: Một cách chữa cảm, giải độc trong dân gian.
- Nghĩa liên tưởng: Biểu hiện của sự yêu thương, chăm sóc ân cần; Biểu hiện của tình người; Một ẩn dụ về tình yêu thương đưa Chí Phèo từ quỷ dữ trở về với xã hội lương thiện, chứng minh cho chân lí: “Chỉ có tình thương mới có thể cứu rỗi cho những linh hồn khổ hạnh.
Câu 2 . Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề đặt ra trong đoạn thơ sau:
Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu ?
(Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời – Evgeny Evtushenko (Nga)
Yêu cầu chung:
Yêu cầu: Học sinh hiểu đúng và đưa ra những ý kiến bàn luận hợp lý về vấn đề tư tưởng đặt ra trong đoạn thơ. Bố cục bài viết rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu; khuyến khích những bài làm sáng tạo.
Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được các ý sau:
Yêu cầu cụ thể:
Cảm nhận, phân tích ngắn gọn đoạn thơ để phát hiện vấn đề được đặt ra:
- Tôn trọng và đề cao con người cá nhân vì mỗi cá nhân đều có cuộc đời, số phận riêng phong phú, độc đáo (không tẻ nhạt, không hành tinh nào sánh nổi);
- Quan hệ giữa cá nhân và xã hội: mỗi cá nhân mang trong nó một phần đặc tính, lịch sử phát triển của cả công đồng và dù hết sức nhỏ bé nhưng mỗi cá nhân góp phần làm nên sự đa dạng cho xã hội. (“chứa một phần lịch sử”,…).
Phát biểu suy nghĩ về vấn đề được đặt ra trong đoạn thơ
2.1. Giải thích
- Mỗi con người là một cá thể độc đáo, không lặp lại. Nếu chịu khó tìm hiểu con người, đi sâu vào thế giới nội tâm của họ sẽ thấy mỗi cá nhân – dù thoạt nhìn có vẻ tẻ nhạt, nhàm chán – là một thế giới không cùng, một quyển sách đọc không bao giờ hết. Những nét đặc sắc ấy hợp thành màu sắc phong phú, đa dạng cho xã hội. (dẫn chứng + phân tích)
- Không có từng cá nhân thì không thể có xã hội, cũng không thể có lịch sử phát triển xã hội. Dù không phải là tướng lĩnh tài ba, lãnh tụ xuất chúng hay nhà bác học lỗi lạc, bất kì cá nhân nào cũng có thể góp sức vì sự phát triển chung. (dẫn chứng + phân tích)
2.2. Rút ra bài học
Hiểu đúng về quan hệ giữa cá nhân và xã hội, nhận thức rõ vai trò cá nhân sẽ giúp ta:
- Tôn trọng giá trị của mỗi con người, dù họ làm những việc rất giản đơn, bình thường hay không có tài năng gì đặc biệt.
- Mỗi người nỗ lực phấn đấu để sống một cuộc đời phong phú, có ích cho xã hội. Mỗi học sinh phải ra sức học tập, trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích, có đóng góp cho xã hội,….
- Tăng cường tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh chung.
Câu 3. Phân tích nhân vật Tnú ( trong Rừng Xà Nu -Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Việt ( trong Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi) đễ thấy được bút pháp sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học giai đoạn 1945 – 1975.
Yêu cầu chung
- Thí sinh biết huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài nghị luận văn học.
- Thí sinh có thể cảm nhận và lí giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng và bám sát văn bản tác phẩm.
Yêu cầu cụ thể
1. Giải thích bút pháp sử thi và cảm hứng lãng mạn: Là một khuynh hướng của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Những tác phẩm thuộc thể loại này hướng tới những sự kiện lịch sử có tính cộng đồng đất nước. Nhân vật thường là nhân vật đại diện, biểu tượng cho những vẻ đẹp và phẩm chất của con người Việt Nam. Ngôn ngữ trong tác phẩm theo khuynh hướng sử thi thường là ngôn ngữ hào hùng bi tráng và cảm hứng ngợi ca.
2. Sự gặp nhau của bút pháp sử thi, cảm hứng lãng mạng trong hai nhân vật: Rừng xà nuNhững đứa con trong gia đình:
- Là con người của thời đại, gánh chịu bao đau thương mất mát trong chiến tranh (Tnú mất vợ con, bị đốt 10 đầu ngón tay, Việt mất ba má)
- Hừng hực lòng căm thù giặc sâu sắc và tình yêu gia đình, tình yêu làng xóm, tình yêu nước
- Anh dũng kiên cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc.
- Là những mắt xích quan trọng trong sự tiếp nối các thế hệ, tiếp nối truyền thống của dân tộc.
3. Nét khác biệt
3.1 Ở nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng Xà Nu:
- Tnú được khắc họa trong sự gắn bó với buôn làng.
- Nhân vật mang đậm dấu ấn hình tượng người anh hùng trong các tác phẩm sử thi, huyền thoại của đồng bào dân tộc miền núi (Tnú hiện lên trong lối kể trường ca, kể khan của đồng bào Tây Nguyên; Cuộc sống gắn bó với buôn làng: ngôn ngữ, hành động);
- Nhân vật Tnú được khắc họa trong sự soi chiếu với hình tượng Rừng xà nu ở lớp cây trưởng thành. Qua đó tác giả gửi gắm tư tưởng chủ đề tác phẩm: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo".
3.2 Ở nhân vật Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình
- Việt được khắc họa trong mối quan hệ gia đình
- Nhân vật này gần gũi với cuộc sống đời thường, mang các đặc điểm, phẩm chất của một cậu con trai mới lớn (lộc ngộc, hồn nhiên có khi đến vô tâm). Song bản lĩnh của nhân vật này lại được thể hiện ở cảnh tranh nhau ghi tên đi đánh giặc, trả thù cho ba má và ở tinh thần đấu tranh kiên cường lúc bị thương phải nằm lại chiến trường.
- Nhân vật Việt góp phần thể hiện tư tưởng của Nguyễn Thi trong ngợi ca phẩm chất anh dũng, kiên trung của những người con trong một gia đình, của đồng bào Nam Bộ nói riêng và nhân tộc Việt Nam nói chung.
4. Lý giải
- Có sự tương đồng và khác biệt ấy là bởi mục đích sáng tác và tư tưởng chủ đề khác nhau: Rừng xà nu được sáng tác để cỗ vũ chiến đấu, trở thành Hịch tướng sĩ thời chống Mĩ, còn Những đứa con trong gia đình chủ yếu để ngợi ca tình cảm gia đình và truyền thống đấu tranh của dân tộc.
- Sự khác biệt trong văn hóa vùng miền (Tây Nguyên và Nam Bộ), trong lối suy nghĩ, lối viết của các nhà văn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top